Người giúp việc - Chương 10-P2

Cô Celia vẫn ở trên giường, không chỉ có vậy, cô ta còn nằm co quắp trên đống ga trải trong chiếc áo ngủ, trên mặt không có tí phấn son nào.

“Tôi phải giặt là hết mấy tấm chăn ga, rồi còn dọn đến cái tủ đồ cô bỏ mặc cho khô nỏ khô nang nữa. Sau đó chúng ta sẽ nấu...”

“Minny, hôm nay tôi không muốn học nấu nướng gì hết.” Cô ta cũng không cười như mọi ngày khi gặp tôi.

“Cô mệt à?”

“Chị đi lấy cho tôi ít nước được không?”

“À vâng.” Tôi xuống bếp và vặn vòi đổ đầy một cốc nước. Chắc cô ta phải ốm lắm, vì từ trước tới nay, cô ta đã bao giờ sai tôi câu nào đâu.

Thế nhưng khi tôi quay lại phòng, cô Celia không còn nằm trên giường nữa, còn cửa phòng vệ sinh đã đóng kín. Thế quái nào cô ả lại bắt tôi đi lấy nước hầu mình, trong khi cô ta đủ sức tự ngồi dậy và vào nhà vệ sinh cơ chứ? Ít ra cô ta cũng đã biến đi khuất mắt tôi. Tôi nhặt chiếc quần của ông Johnny nằm vạ vật dưới sàn lên, ném ra sau lưng. Theo ý tôi ấy à, cô ả này ít vận động tay chân quá, ai lại cứ ngồi ì trong nhà suốt ngày như thế. Ôi thôi nào, Minny, mày lại thế rồi. Cô ta có bệnh, thế thôi.

“Cô ốm à?” Tôi đứng ngoài cửa nhà vệ sinh gọi vọng vào.

“Tôi... không sao.”

“Trong lúc cô ở trong đấy, tôi cứ thay ga giường nhé.”

“Không, chị về đi,” cô ta trả lời qua cánh cửa. “Hôm nay chị về nhà nghỉ đi, Minny.”

Tôi đứng đó và gõ chân lên tấm thảm màu vàng. Tôi không muốn về nhà. Hôm nay là thứ Ba, là ngày-thay-đống-ga-giường-khốn-kiếp. Nếu hôm nay tôi không làm cho xong, thì thứ Tư lại thành ngày-thay-đống-ga-giường-khốn-kiếp mất.

“Nh ông Johnny về thấy nhà cửa bừa bộn thế này thì sao.”

“Tối nay anh ấy ở lại trại săn nai. Minny, nhờ chị mang hộ tôi cái điện thoại vào đây...” giọng cô vỡ ra thành một tiếng rên đau khổ. “Kéo ra đây rồi lấy cho tôi quyển sổ điện thoại để dưới bếp ấy.”

“Cô Celia, cô ốm à?”

Nhưng cô ta không đáp, thế là tôi đi lấy quyển sổ và kéo chiếc điện thoại đến trước cửa phòng vệ sinh rồi gõ cửa.

“Chị cứ để đấy.” Giọng cô Celia lạc đi như sắp khóc. “Chị về nhà đi.”

“Nhưng tôi phải...”

“Tôi bảo chị về đi, Minny!”

Tôi lùi bước khỏi cánh cửa đóng kín, mặt nóng bừng bùng. Tôi thấy cay mũi, không phải vì chưa từng bị ai mắng mà vì chưa từng bị cô Celia mắng bao giờ.

Sáng hôm sau, Woody Asap trên Kênh 12 huơ bàn tay thô ráp trên tấm bản đồ nước Mỹ. Jackson, Mississippi, lạnh cứng như một cục đá. Đầu tiên là mưa, rồi giá rét tràn về, sau đó bất kỳ thứ gì dài quá một phần đều gãy vụn và rơi xuống đất. Cành cây, đường dây điện, bạt che hiên nhà thi nhau đổ vỡ, dường như chúng đã hết chịu thấu. Ngoài trời, mọi vật như được nhúng trong một xô sơn vécni bóng trong suốt.

Bọn trẻ con nhà tôi dán chặt mấy cái mặt còn ngái ngủ vào chiếc radio, đến khi chiếc hộp nói đường sá đã đóng băng hết, trường học phải đóng cửa, thế là chúng nhảy nhô nhảy nhếch lên, rồi hú hét, rồi huýt sáo, và chạy ra ngoài để xem băng, trên người chỉ mặc độc bộ đồ liền.

“Mấy đứa kia, vào nhà đi giày ngay!” Tôi thét. Không đứa nào nghe cả. Tôi bèn gọi cho cô Celia để bảo rằng tôi không thể lái xe với đường sá thế này, tiện thể hỏi xem nhà cô ngoài ấy có điện không. Sau vụ cô ta quát tôi như quát một con mọi đen đầu đường xó chợ hôm qua, chắc ai cũng tưởng tôi sẽ thây kệ cô ta muốn sống chết thế nào cũng được.

Vừa nhấc máy lên, tôi nghe thấy, “Alô.”

Tim tôi giật thót.

“Ai đấy? Ai đang gọi đấy?

Tôi gác máy thật nhẹ nhàng. Chắc hôm nay ông Johnny cũng không đi làm. Không hiểu làm cách nào ông ta lại về nhà được lúc trời bão bùng như thế. Tôi chỉ biết rằng, kể cả trong ngày nghỉ như thế này, tôi vẫn không thoát được nỗi sự hãi trước người đàn ông ấy. Nhưng chỉ mười một ngày nữa thôi, tất cả sẽ chấm dứt.

Băng giá Ở khẮp vùng tan chảy chỉ sau có một ngày. Khi tôi đến, cô Celia không nằm trên giường nữa. Cô ta ngồi bên chiếc bàn sơn trắng trong bếp, đăm đăm nhìn ra cửa sổ bằng khuôn mặt đau khổ, như thể cuộc sống xa hoa này thật chẳng khác nào một địa ngục trần gian. Thứ cô ta đang nhìn chính là cây mimosa. Đợt băng tuyết vừa rồi đã giáng cho nó một đòn thê thảm. Phân nửa số cành đã gãy, còn những chiếc lá thon thon giờ đã chuyển thành màu nâu úa và ướt sũng nước.

“Chào chị, Minny,” cô ta nói, mắt không buổn liếc qua phía tôi.

Nhưng tôi chỉ gật đầu. Tôi chẳng có gì để nói với cô ta cả, sau những chuyện xảy ra hôm kia.

“Cuối cùng chúng ta cũng có thể chặt bỏ cái cây xấu xí già nua kia đi được rồi,” cô Celia nói.

“Vâng. Chặt hết đi.” Như tôi ấy, tự nhiên bị ăn chửi chẳng vì lý do gì.

Cô Celia đứng dậy và bước đến chỗ bồn rửaa nơi tới đang đứng. Cô ta níu Iấy cánh tay tôi, mắt ầng ậng nước;. “Tôi xin lỗi đã to tiếng với chị.”

“Ừm.”

“Tôi bị ốm, tôi biết lý do ấy cũng không thể bào chữa được, nhưng tôi thấy trong người mệt mỏi quá và,..” Cô bắt đầu khóc nức nở, cứ như quát vào mặt người giúp việc là điều xấu xa nhất cô từng làm.

“Nào nào,” tôi dỗ. “Có gì đâu mà phải sụt sịt thế.”

Rồi cô ôm choàng lấy cổ tôi cho đến khi tôi gần như vỗ lên lưng cô và gỡ cô ra. “Nào, cô ngồi xuống đây,” tôi nói. “Để tôi pha cho cô ít cà phê.”

Chắc những lúc mệt người thì ai cũng thành ra cáu bẳn.

ĐẾn thỨ hai tuẦn tiẾp theo, những chiếc lá cây mimosa đã biến thành màu đen kịt như bị cháy chứ không phải gặp băng giá. Tôi bước vào bếp, chuẩn bị sẵn tinh thần nhắc nhở số ngày còn lại, nhưng cô Celia lại đang nhìn cái cây với ánh mắt căm thù cô vẫn dành cho cái lò nướng. Trong cô xanh xao lắm, mà cô cũng chẳng chịu động vào món nào tôi làm cho cô.

Cả ngày hôm đấy, thay vì nằm ườn trên giường, cô bắt tay vào trang trí cây thông Noel cao tới hơn ba mét đặt ngoài sảnh, khiến tôi một phen khốn khổ khốn nạn với đám vụn dây kim tuyến bay lung tung khắp nhà. Sau đó cô ra sân sau tỉa mây bụi hồng và đào củ tulip. Tôi chưa từng thấy cô cử động nhiều đến thế, chưa bao giờ. Xong xuôi cô vào nhà để học nấu ăn, móng tay cô dính đầy đất bẩn nhưng cô vẫn không nở nụ cười lấy một lần.

“Sáu ngày nữa chúng ta sẽ nói cho ông Johnny biết nhé,” tôi nhắc.

Cô ta không nói năng gì mất một lúc, đoạn buông ra mấy câu tỉnh bơ. “Chị có chắc không? Tôi đang nghĩ có lẽ chúng ta nên chờ thêm một thời gian nữa.”

Tôi dừng phắt lại, kem sữa trên tay nhỏ xuống tong tỏng. “Cô thử nhắc lại câu đấy một lần nữa xem nào?”

“Thôi được, thôi được.” Và cô lại bỏ ra ngoài với thú giải trí mới của mình, mắt nhìn cây mimosa trân trối còn tay lăm lăm chiếc rìu. Nhưng cô không dám bổ xuống một nhát nào.

Tối thứ Tư, tôi chỉ nghĩ được duy nhất một điều: còn chín mươi sáu tiếng nữa thôi. Ý nghĩ mình có thể sẽ mất việc ngay sau Giáng sinh cào xé ruột gan tôi. Tôi còn nhiều thứ phải lo hơn là chuyện bị bắn chết tươi. Theo thỏa thuận, cô Celia sẽ phải nói cho ông Johnny biết vào đúng đêm Giáng sinh, sau khi tôi về nhà và trước lúc hai vợ chồng đến nhà mẹ ông ấy. Nhưng cô Celia dạo này lạ lắm. chẳng hiểu cô ta có tính bài chuồn không nữa. Không, thưa cô, cả ngày tôi cứ tự lẩm bẩm một mình. Tôi sẽ bám cô ta như sam cho mà xem.

Thế nhưng đến sáng thứ Năm, lúc tôi đến làm cô Celia lại không có ở nhà. Không thể tin nổi cô ta cũng có lúc chịu rời khỏi ngôi nhà này. Tôi ngồi xuống bên chiếc bàn và tự rót cho mình một cốc cà phê.

Tôi nhìn ra sân sau. Trời nắng, trong veo. Cái cây mimosa đen đúa nom chướng mắt quá. Tôi thật không hiểu sao ông Johnny không chặt béng nó đi.

Tôi dí sát mặt vào cửa kính. “Ồ xem này.” Dưới gốc cây vẫn còn sót lại vài búp lá, trông chúng có vẻ tươi tắn hơn dưới nắng.

“Cái cây già này, lại giả chết đây mà.”

Tôi thọc tay vào túi xách và rút ra một cuốn sổ con, trong đó tôi đã ghi hết những thứ cần mua sắm, không phải cho cô Celia, mà là cho nhà tôi, quà Giáng sinh, vài món đồ cho bọn trẻ con. Bệnh hen của Benny dạo này có đỡ hơn, nhưng tối qua Leroy lại lê cái xác nồng nặc mùi rượu vé nhà. Hắn giúi tôi một phát rất mạnh, làm bắp đùi tôi đập vào cạnh bàn đau điếng. Nếu tối nay hắn còn giở trò đó, tôi sẽ cho hắn xơi vài quả đấm lót dạ.

Tôi thở dài. Bảy hai tiếng nữa thôi, tôi sẽ được tự do. Có lẽ tôi sẽ bị đuổi việc, hoặc chết nếu Leroy biết chuyện, nhưng tự do.

Tôi cố gắng tập trung vào công việc tuần này. Ngày mai phải nấu rất nhiều món, tối thứ Bảy tôi phải chuẩn bị bữa tối ở nhà thờ, Chủ nhật phải đi lễ. Bao giờ tôi mới được dọn nhà mình? Được giặt quần áo cho con tôi? Sugar, con bé lớn nhà tôi đã mười sáu tuổi, nó chăm nom mọi việc cũng đến nơi đến chốn lắm, nhưng những ngày cuối tuần tôi vẫn muốn đỡ nó, điều mẹ chưa bao giờ làm cho tôi. Còn Aibileen nữa. Tối qua cô ấy lại gọi, nhờ tôi giúp cô ấy và có Skeeter chuyện kia. Tôi quý Aibileen, quý lắm. Nhưng tôi nghĩ cô ấy đang mắc một sai lầm to tướng khi liều lĩnh tin vào một người đàn bà da trắng. Mà tôi cũng đã bảo rồi, cô ấy đang đặt cả công việc lẫn sự an toàn của bản thân vào vòng nguy hiểm. Đấy là chưa kể chẳng có lý gì phải giúp bạn của con mụ Hilly cả.

Mà thôi, tôi cứ chú tâm vào việc của mình thì hơn.

Tôi cắt dứa phủ lên tảng chân giò rồi bỏ vào lò. Sau đó tôi phủi bụi các giá sách trong phòng săn bắn, hút bụi cho con gấu trong khi nó nhìn tôi chòng chọc cứ như tôi là một món đồ nhắm không bằng. “Hôm nay chỉ có mỗi tao với mày thôi đấy,” tôi bảo nó. Như mọi khi, nó chẳng nói năng gì. Tôi lấy miếng giẻ và bánh xà phòng, lau men theo cầu thang, chùi từng gióng lan can bóng lộn lên. Lên đến bậc trên cùng, tôi chuyển sang phòng ngủ thứ nhất.

Tôi lau dọn tầng hai suốt một tiếng đồng hồ. Trên này lạnh lẽo quá, chẳng có người nào ở cho đỡ quạnh quẽ. Tôi luôn tay chùi và cọ, chùi và cọ bất cứ thứ gì bằng gỗ. Làm xong phòng thứ hai, chuẩn bị sang phòng thứ ba, tôi tạm dừng để xuống phòng cô Celia trước khi cô về.

Tôi thấy rợn người khi phải ở trong một căn nhà trống trải thế này. Cô ta đi đâu được nhỉ? Tôi đã làm việc ở đây ngần ấy thời gian mà cô ta cũng chỉ rời nhà có ba lần, và lần nào cũng kể lể dài dòng những là đi đâu, làm gì, bao giờ về, làm như tôi thèm quan tâm ấy, giờ thì cô ta chẳng nói chẳng rằng, cứ thế biến mất. Lẽ ra tôi phải vui lắm. Tôi phải mừng vì cô ta đã đi khuất mắt tôi chứ. Nhưng ở đây cmình, tôi thấy mình cứ như một đứa ăn trộm. Tôi nhìn xuống tấm thảm màu hồng dùng che đi vết máu ngay trước cửa nhà vệ sinh. Hôm nay tôi sẽ thu hết can đảm để chiến đấu với nó. Bỗng một luồng gió lạnh lướt qua phòng, như có một bóng ma đến viếng thăm. Tôi rùng mình.

Có lẽ tôi sẽ không xử lý vết máu đó ngay hôm nay.

Trên giường, mấy tấm chăn phủ đã bị rơi ra, như mọi ngày. Tấm ga bị giằng kéo, xô lệch tứ phía. Lúc nào nhìn vào đây người ta cũng phải tưởng vừa có một trận đấu vật diễn ra. Tôi vội dừng lại, không cho mình nghĩ lung tung thêm nữa. Lúc đầu bạn cứ lẩn mẩn tự hỏi người ta làm gì trong phòng ngủ, thế rồi chuyện riêng nhà họ đã kịp choán đầy óc bạn trước khi bạn kịp nhận ra.

Tôi lột vỏ một chiếc gối. Mascara của cô Celia đã dây đầy mặt vải, tạo thành hình những con bươm bướm nhỏ bằng than. Còn những món quần áo vứt dưới sàn tôi nhồi cả vào vỏ gối để xách cho dễ. Tôi nhặt chiếc quần của ông Johnny vắt trên cái ghế đệm dài màu vàng lên.

“Làm sao mình biết được cái này sạch hay bẩn đây?” Tôi cứ nhét đại vào bao. Phương châm nội trợ của tôi là: Không biết, cứ giặt.

Tôi lê bao quần áo đến chỗ tủ gương. Khi tôi cúi xuống nhặt đôi vớ tơ của cô Celia, vết bầm trên đùi nổi cơn đau nhức nhối.

“Cô là ai?”

Tôi đánh rơi cái bao và từ từ thối lui, cho đến khi mông chạm vào thành tủ. Ông ta đứng trên ngưỡng cửa, mắt nheo nheo. Thật chậm rãi, tôi nhìn xuống cây rìu trong tay ông ta.

Lạy Chúa tôi. Tôi không thể chạy vào nhà vệ sinh được vì ông ta đứng gần quá, ông ta sẽ lao vào đó cùng tôi mất. Tôi cũng không thể xông ra cửa được, trừ phi đâm đầu vào ông ta, mà ông ta lại cầm rìu nữa chứ. Đầu tôi muốn nổ tung ra vì khiếp đảm. Tôi cùng đường rồi.

Ông Johnny nhìn tôi, hơi đung đưa chiếc rìu rồi nghiêng đầu và mỉm cười.

Tôi làm việc duy nhất mình có thể làm. Tôi cau mặt để trưng ra điệu bộ dữ tợn nhất mình có và vén môi, nhe răng gào lên: “Mời ông cùng cây rìu của ông cuốn xéo ngay cho tôi nhờ.”

Ông Johnny nhìn xuống cây rìu, dường như quên mất là mình đang cầm nó. Rồi nhìn đến tôi. Chúng tôi nhìn nhau chằm chặp mất một lúc. Tôi không dám cử động, không dám cả thở

Ông ta đưa mắt sang cái bao tôi vừa đánh rơi để xem tôi đã thó được những gì. Một ống quần kaki của ông ta chờm ra ngoài miệng bao. “Xin ông nghe tôi nói,” tôi phân bua, mắt giàn giụa nước. “Ông Johnny, tôi đã bảo cô Celia nói cho ông biết về tôi. Tôi đã xin cô ấy cả ngàn lần rồi...”

Nhưng ông ta chỉ bật cười và lắc đầu. Chắc ông ta nghĩ việc mình sắp phanh thây xả xác tôi ra là thú lắm.

“Xin ông nghe tôi, tôi đã bảo cô ấy...”

Nhưng ông ta vẫn cười tủm tỉm. “Chị bình tĩnh nào. Tôi có định làm gì chị đâu,” ông ta nói. “Tại chị làm tôi giật mình, thế thôi.”

Tôi thở hổn hển, rồi lần lần ra phía nhà vệ sinh. Ông ta vẫn cầm cây rìu trong tay, khẽ đu đưa.

“Tên chị là gì ấy nhỉ?”

“Minny,” tôi đáp. Chỉ còn mét rưỡi nữa thôi.

“Chị làm ở đây được bao lâu rồi, Minny?”

“Không lâu lắm.” Tôi khẽ lắc đầu.

“Bao lâu?”

“Mấy... tuần,” tôi đáp và cắn môi. Ba tháng.

Ông ta lắc đầu. “Không, tôi biết phải lâu hơn thế.”

Tôi liếc nhìn cánh cửa nhà vệ sinh. Trốn vào một cái nhà vệ sinh mà đến cửa cũng không có khóa phỏng ích lợi gì? Trong khi ông ta lại có hẳn một cây rìu để phá tan nó?

“Tôi không điên, tôi thề đấy,” ông ta nói.

“Còn cây rìu kia thì sao?” Tôi nói, hai hàm răng nghiến chặt lại.

Ông ta đảo mắt, rồi đặt nó xuống thảm, và giơ chân gạt nó sang một bên.

“Nào, ta vào bếp nói chuyện một chút đi.”

Ông ta quay lưng bước đi. Tôi nhìn chiếc rìu, tự nhủ không biết có nên cầm nó lên không. Chỉ nhìn thấy nó đã đủ khiên tôi sởn gai ốc. Tôi nhồi nó xuống gậm giường rồi đi theo

Vào đến bếp, tôi đứng nép sát vào cửa hậu, kiểm tra để chắc chắn nó không bị khóa.

“Minny, tôi hứa đấy. Ở đây chị sẽ không sao cả,” ông ta nói.

Tôi nhìn ánh mắt ông ta, cố đoán xem ông ta có nói dối không. Ông ta là một người cao lớn, ít ra cũng phải mét tám nhăm. Phía trước đã hơi có bụng, nhưng dáng người trông rắn rỏi. “Chắc ông sẽ đuổi tôi phải không.”

“Đuổi chị?” Ông ta cười phá lên. “Chị là đầu bếp cừ nhất tôi từng biết. Xem chị làm gì cho tôi này.” Ông ta nhăn nhó nhìn xuống cái bụng mới hơi nhô ra một chút. “Chậc, tôi chưa bao giờ được ăn uống thoả thê đến thế từ hồi Cora Blue còn ở đây. Bác ấy đã nuôi tôi, theo đúng nghĩa đen đấy.”

Tôi hít một hơi thật dài vì chuyện ông ta biết Cora Blue dường như làm mọi sự dễ thở hơn ít nhiều. “Mấy đứa con bà ấy đi lễ ở nhà thờ chỗ tôi. Tôi biết bà ấy.”

“Tôi nhớ bác ấy lắm đấy.” Ông ta xoay lưng mở tủ lạnh ra, nhìn vào, rồi đóng lại.

“Bao giờ thì Celia về? Chị có biết không?” Ông Johnny hỏi.

“Tôi không biết. Chắc cô ấy đi làm tóc.”

“Lúc hai vợ chồng ăn mấy món chị nấu, tôi cứ nghĩ bụng, cuối cùng cô ấy cũng học được cách nấu nướng. Mãi đến tận thứ Bảy vừa rồi, chị không có ở đây, thế là cô ấy trổ tài làm bánh hamburger.”

Ông ta tì người lên mặt bồn rửa, thở dài. “Sao có ấy lại không muốn tôi biết về chị nhỉ?”

“Tôi không biết. Cô ấy không chịu nói.”

Ông ta lắc đầu, rồi ngước mắt lên nhìn cái mảng đen sì trên trần nhà, di tích từ vụ cô Celia làm cháy con gà tây dạo nọ. “Minny, kể cả Celia có không động một ngón tay nào trong suốt phần đời còn lại, tôi cũng không lấy làm phiền. Nhưng cô ấy nói muốn tự tay chăm sóc tôi.” Ông ta hơi nhướng mày lên. “Chị có biết tôi phải ăn những gì trước khi chị đến đây không?”

“Cô ấy đang học. Ít ra cô ấy... đang cố học,” nhưng tôi suýt phì cười. Những chuyện kiểu này có cố cũng không nói dối được.

“Tôi chẳng cần biết cô ấy có nấu được hay không. Tôi chỉ muốn cô ấy ở đây” - ông ta nhún vai - “với tôi.”

Ông ta đưa ống tay áo trắng lên chùi lông mày, thảo nào áo sơ mi của ông ta lúc nào cũng bẩn lem nhem. Và trông ông ta khá điển trai, theo cách của một người da trắng.

“Dường như cô ấy không hạnh phúc,” ông ta tiếp. “Có phải tại tôi không? Hay tại ngôi nhà? Chúng tôi sống xa thị trấn quá chăng?”

“Ông Johnny, tôi không biết.”

“Vậy thì có chuyện gì cơ chứ?” Ông ta chống hai tay lên mặt quầy phía sau lưng, siết thật chặt. “Xin chị nói cho tôi biết. Có phải” - ông gắng sức nuốt nước bọt - “có phải cô ấy đang cặp kè với một người khác?”

Dù rất cố gắng, nhưng tôi không khỏi cảm thương, khi thấy ông ta cũng bối rối chẳng khác gì tôi trước đống hổ lốn này.

“Ông Johnny, đây không phải việc của tôi. Nhưng tôi có thể nói chắc rằng cô Celia chẳng có mối quan hệ nào khác bên ngoài căn nhà này đâu.”

Ông ta gật đầu. “Chị nói đúng. Tôi ngu quá, ai lại đi hỏi câu ấy.

Tôi liếc ra cửa, tự hỏi không biết bao giờ cô Celia mới về nhỉ. Tôi không hiểu cô ta sẽ làm gì nếu thấy ông Johnny ở đây.

“Minny này,” ông ta nói, “chị đừng nhắc gì về việc gặp tôi nhé. Tôi sẽ để cô ấy tự nói với tôi khi nào cô ấy đã sẵn sàng.”

Tôi bèn nở nụ cười thực sự đầu tiên. “Vậy là ông muốn tôi cứ tiếp tục làm việc như trước ấy hả?”

“Nhờ chị chăm sóc cô ấy. Tôi không muốn cô ấv cứ vò võ trong ngôi nhà to đùng này có một mình.”

“Ôi chao. Ông nói sao cũng được.”

“Hôm nay tôi ghé về nhà để làm cô ấy bất ngờ. Tôi cũng sẽ chặt bỏ cái cây mimosa mà cô ấy ghét cay ghét đắng, rồi đưa cô ấy vào thị trấn ăn trưa. Chọn ít nữ trang làm quà Giáng sinh cho cô ấy nữa.” Ông Johnny bước tới cửa sổ, nhìn ra ngoài và thở dài. “Thôi, có lẽ tôi sẽ ăn tạm ở quán nào đó trong thị trấn vậy.”

“Để tôi làm cho ông thứ gì đó. Ông muốn ăn gì?” Ông ta quay lưng lại và cười hớn hở như một đứa trẻ. Tôi bèn lục lọi tủ lạnh, lấy các thứ ra

“Chị nhớ món cốt-lết lần trước chúng tôi ăn không?”

Ông ta bắt đầu cắn móng tay. “Tuần này chị lại làm món đó nhé?”

“Tôi sẽ làm cho bữa tối nay luôn. Trong tủ lạnh còn sườn mà. Còn tối mai hai vợ chồng sẽ được ăn thịt gà với bánh bao.”

“Ấy, hồi xưa Cora Blue cũng đã từng làm món đó.”

“Ông cứ ngồi nghỉ đi, tôi sẽ làm cho ông một cái bánh kẹp thật ngon để mang đi ăn đường.”

“À, chị có nướng bánh mỳ không?”

“Có chứ. Dùng bánh mỳ tươi thì làm sao có bánh kẹp ngon được. Còn trưa nay tôi sẽ làm một chiếc bánh caramen trứ danh của Minny. Tuần sau tôi sẽ nấu món cá nheo rán...”

Tôi lấy miếng thịt muối ra, đặt chảo lên bếp để chuẩn bị bữa trưa cho ông Johnny. Đôi mắt ông Johnny rất trong và to. Ông ta nở một nụ cười làm giãn cả gương mặt. Tôi làm cho ông một chiếc bánh kẹp và lấy giấy sáp bọc lại. Cuối cùng cũng có một người khiến tôi thấy thỏa mãn khi nấu nướng cho họ.

“Minny, tôi phải hỏi một chuyện, nếu đã có chị ở đây... thì cả ngày Celia biết làm cái gì?”

Tôi nhún vai. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một phụ nữ da trắng nào chỉ ngồi ì một chỗ như cô ấy. Hầu hết bọn họ đều bận rộn suốt ngày, chạy hoắng lên hết chỗ nọ đến chỗ kia, làm như họ lắm việc hơn tôi không bằng.”

“Cô ấy cần có vài người bạn. Tôi đã nhờ anh bạn Will của tôi nói khó với vợ anh ấy, để cô ta đến đây dạy Celia chơi bài, rồi giới thiệu cô ấy vào nhóm nào đấy. Tôi biết Hilly là chủ trò trong tất cả các hoạt động mà.”

Tôi nhìn ông ta chằm chằm, như thể nếu tôi cứ giữ nguyên tư thế ấy, có khi điều đó sẽ không phải là sự thực nữa. Cuối cùng tôi cất tiếng, “Ý ông là cô Hilly Holbrook ấy à?”

“Chị biết cô ấy à?” Ông ta hỏi.

“À vâng.” Tôi cố nuốt trôi hình ảnh cái cờ lê đi dâng lên tận họng trước ý nghĩ con mụ Hilly sẽ lai vãng đến nhà này. Cô Celia sẽ khám phá ra trò Kinh tởm Khủng khiếp. Hai người đó không đời nào trở thành bạn bè được. Nhưng tôi cũng cá là mụ Hilly sẽ là bất cứ việc gì vì ông Johnny.

“Tối nay tôi sẽ gọi Will để nhờ tiếp vậy.” Ông ta vỗ lên vai tôi và tôi bỗng thấy mình lại nghĩ đến từ ấy, sự thật. Và Aibileen sẽ nói cho cô Skeeter biết tất cả. Nếu sự thật về tôi vỡ lở, đời tôi thế là xong. Tôi đã lỡ chọc vào tổ kiến lửa, chết là phải.

“Tôi sẽ cho chị số điện thoại ở chỗ làm của tôi. Nếu có gặp rắc rối gì, chị cứ gọi cho tôi nhé.”

“Dạ,” tôi đáp, và thấy nỗi sợ hãi đã đuổi sạch mọi cảm giác nhẹ nhõm tôi có được hôm nay.

CÔ SKEETER