Người giúp việc - Chương 10-P1

TÔI ĐI LÀM, trong đầu chỉ có một ý nghĩ duy nhất. Hôm nay là ngày mng Một tháng Mười hai và trong khi cả nước Mỹ đang phủi bụi tiểu cảnh máng cỏ và giở đống vớ cũ bốc mùi ra, thì tôi lại phải đi hầu một quý ngài khác. Đó chẳng phải ông già Noel, cũng không phải Đức Chúa con. Đó là ngài Johnny Foote, Jr., người sẽ biết tin Minny Jackson chính là người giúp việc của mình vào đúng đêm Giáng sinh.

Tôi nhấp nhổm chờ đến ngày Hai Tư như đợi ngày hầu tòa. Tôi không biết ông Johnny sẽ phản ứng thế nào khi phát hiện ra tôi đang làm việc ở đây. Có lẽ ông ta sẽ nói, Tốt lắm! Chị cứ đến dọn bếp cho nhà tôi nhé, lúc nào cũng được! Đây, xin biếu chị ít tiền!Nhưng tôi cũng chẳng đến nỗi ngu thế. Trò giấu diếm này quá mờ ám, làm sao ông ta có thể là một gã da trắng dễ dãi, hào phóng đòi tăng lương cho tôi ngay được. Khả năng cao là tôi sẽ thành dân thất nghiệp từ Giáng sinh trở đi.

Cảm giác phấp phỏng ấy gặm nhấm tâm can tôi, nhưng có một điều tôi biết, từ một tháng trước, là tôi quyết định phải có cách chết nào khác vinh quang hơn là vỡ tim khi đang ngồi xổm trên bồn cầu trong phòng vệ sinh của một bà chủ da trắng. Và sau rốt, đó cũng chẳng phải ông Johnny về nhà, chỉ là một gã thợ điện chết giẫm.

Nhưng khi chuyện đã qua, tôi cũng chẳng thấy nhẹ lòng hơn là bao. Thứ khiến tôi càng thêm sợ hãi chính là cô Celia. Sau đó, lúc học nấu ăn, cô ta vẫn còn run như giẽ, tới mức không tài nào cầm nổi thìa để đong muối.

Hôm nay đã là thỨ Hai, vậy mà tôi không thể thôi nghĩ đến thằng Robert, cháu bà Louvenia Brown. Nó vừa ra viện cuối tuần trước, bây giờ đang ở nhà Louvenia, bố mẹ nó đều mất lâu rồi. Tối hôm qua, tôi mang một cái bánh caramen sang thăm, thấy tay Robert bó bột, còn mắt bị băng kín. Nhìn cảnh ấy, tôi chỉ còn biết kêu lên, “Ôi, bác Louvenia.” Robert nằm rũ trên ghế sofa ngủ thiêm thiếp. Người ta phải cạo trọc cả nửa đầu nó để làm phẫu thuật. Bao nhiêu chuyện đen đủi đổ lên đầu là thế, nhưng Louvenia vẫn ân cần hỏi thăm từng người nhà tôi. Lúc Robert giật mình, bà ấy nói tôi làm ơn về nhà được không, vì Robert lại choàng dậy với những tiếng thét khiếp đảm. Hãi hùng, và nhớ ra mình đã mù. Bà ấy lo cảnh đó sẽ làm tôi sợ. Tôi không thể thôi nghĩ đến nó.

“Chút nữa tôi sẽ đi chợ,” tôi bảo cô Celia và chìa tờ giấy kê các loại thực phẩm cho cô ta xem. Thứ Hai nào chúng tôi cũng làm thế. Cô ta đưa tôi tiền chợ còn tôi dí hóa đơn vào mặt cô mỗi khi về đến nhà. Tôi muốn cô ta thấy từng xu tiền thừa đều khớp với những gì ghi trên giấy. Cô Celia chỉ nhún vai, nhưng tôi vẫn cất kỹ mọi thứ giấy má trong một cái ngăn kéo, phòng khi về sau có thắc mắc gì.

ny nấu:

1. Chân giò nướng dứa

2. Đậu mắt đen

3. Khoai lang

4. Bánh táo

5. Bánh quy

Cô Celia nấu:

1. Đậu ngự

“Nhưng tuần trước tôi đã nấu đậu ngự rồi còn gì.”

“Cô cứ tập nấu món đó cho thuần thì về sau làm các món khác dễ lắm.”

“Thôi thế cũng tốt,” cô ta nói. “Lúc bóc đỗ tôi có thể ngồi yên một chỗ được.”

Đã gần ba tháng trôi qua, vậy mà cô ả ngố vẫn chưa đun nổi một ấm cà phê. Tôi bỏ khối bột làm bánh ra, định nhồi cho xong trước khi đi chợ.

“Lần này ta làm bánh sô-cô-la đi? Tôi thích bánh sô- cô-la lắm.”

Tôi nghiến răng, đáp dối. “Tôi không biết làm bánh sô-cô-la.”Không bao giờ. Không bao giờ tôi làm nữa, sau những gì với mụ Hilly.

“Thế ư? Ôi chao, tôi cứ nghĩ món nào chị cũng biết nấu kia đấy. Hay ta kiếm công thức rồi làm theo.”

“Cô còn thích loại bánh nào khác không?”

“A, thế còn bánh đào như hôm nọ chị làm thì sao?” Cô ta nói, đoạn rót đầy một cốc sữa. “Cái bánh đấy ngon thật.”

“Đào đấy phải mua từ Mexico về. Ở đây mùa này làm gì đã có đào.”

“Nhưng tôi thấy người ta quảng cáo trên báo mà.”

Tôi thở dài. Với ả ngốc này thì không có thứ gì dễ dạy cả, nhưng ít ra cô ta cũng không đòi làm bánh sô-cô-la nữa. “Cô phải biết là, rau quả ngon nhất lúc chính vụ. Không ai đi nấu bí ngô vào mùa hè, nấu đào vào mùa thu cả. Nếu cô không thấy mấy sạp hàng bên đường có bán, tức là chưa đúng mùa. Thôi, ta làm bánh hồ đào đi, cũng ngon ra phết.”

“A, mà Johnny thích mấy cái kẹo nhân quả hạnh chị làm lắm. Lúc tôi mang kẹo ra, anh ấy khen tôi là cô gái thông minh nhất anh ấy từng biết cơ đấy.”

Tôi quay lại với cục bột để cô ta không nhìn thấy mặt tôi lúc đó. Chỉ trong có một phút mà ả ngốc này đã kịp chọc giận tôi tới hai lần. “Cô còn muốn ông Johnny nghĩ cô làm được gì nữa?” Ngoài chuyện bị hù cho hồn xiêu phách lạc, tôi cũng đã chán phải dâng hết công lao nấu nướng cho kẻ khác lắm rồi. Trừ mấy đứa con ra, điều duy nhất khiến tôi hãnh diện chính là tài nấu ăn.

“Không, thế được rồi.” Cô Celia cười, không nhận thấy tôi đã kéo căng lớp vỏ bánh tới mức nó thủng đến năm chỗ. Chỉ còn hai tư ngày nữa thôi, tôi sẽ thoát ra khỏi mớ hổ lốn này. Tôi thầm cầu khẩn Chúa trời và cả bọn quỷ dữ, đừng để ông Johnny về nhà trước ngày đó.

Ngày nào tôi cũng nghe thấy tiếng cô Celia nói chuyện điện thoại trong phòng, gọi khắp lượt các bà các cô trong hội phụ nữ. Ngày hội Thiện nguyện đã kết thúc từ ba tuần trước, nhưng cô ả đã sốt sắng khởi động cho năm tới. Cô ta và ông Johnny không đi dự buổi lễ, nếu không tôi đã phải nghe kể lể đầy cả hai tai rồi.

Tôi không đi phục vụ cho Ngày hội Thiện nguyện năm nay, lần đầu tiên trong cả chục năm. Tiền công hời lắm, nhưng tôi không dám liều, nhỡ chạm mặt mụ Hilly thì chết.

“Nhờ chị nói giúp là có Celia Foote gọi được không ạ? Mấy hôm trước tôi cũng có để lại lời nhắn...”

Giọng cô Celia ríu rít, cứ như đang kháo chuyện gì trên tivi ấy. Cứ mỗi lần nghe cô ả nói cái kiểu đó, tôi chỉ muốn giật phắt ống nghe khỏi tay cô ta, và bảo cô đừng phí công vô ích nữa. Bề ngoài cô ta trông giống hệt một con đàn bà đĩ thõa, nhưng cái ấy chẳng hề gì. Có một nguyên do quan trọng hơn khiến chẳng ai dám đánh bạn với cô Celia, và tôi đã biết ngay từ giây phút nhìn thấy tấm ảnh ông Johnny. Tôi đã phục vụ quá nhiều bữa ăn trưa cho các hội chơi bài, đủ để biết chuyện của tất cả các bà các cô ở cái thị trấn này. Hồi còn học đại học, ông Johnny đã bỏ cô Hilly để theo cô Celia, và cô Hilly chưa bao giờ quên được ông ta.

TỐI THỨ TƯ, tôi đến nhà thờ. Số người đến chưa được non nửa, vì khi ấy mới là bảy giờ kém mười lăm, phải tới bảy rưỡi dàn đồng ca mới bắt đầu hát. Nhưng cô Aibileen nhắn tôi đi sớm, thế là tôi đi. Không biết cô ấy định nói chuyện gì. Vả lại hôm nay Leroy bỗng nổi hứng muốn chơi với con, tốt thôi, anh ta thích thì tôi chiều.

Tôi nhìn thấy Aibileen đã ngồi ở băng ghế thường ngày, cánh trái, hàng thứ tư từ trên xuống, ngay bên phải chiếc quạt cửa sổ. Hai cô cháu tôi là thành viên chủ chốt nên chỗ ngồi cũng phải ra trò. Tóc cô ấy chải mượt, mấy lọn tóc xoăn tít ôm lấy cổ. Cô ấy mặc một cái váy xanh lơ có hàng cúc trắng to tướng tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Aibileen hay nhận được quần áo thải của mấy bà chủ da trắng. Họ thích mang đồ cũ cho cô ấy. Trông cô ấy đầy đặn đáng kính, như mọi khi, nhưng nom đoan trang đứng đắn thế thôi, chứ lắm khi Aibileen kể nhiều chuyện đến là bậy, ai nghe cũng phải cười vãi đái ra quần.

Đang bước dọc lối đi tôi chợt thấy Aibileen cau mày, trán nhăn lại. Trong một giây tôi bỗng nhìn thấy cả mười lăm năm tuổi chen giữa hai cô cháu. Nhưng rồi cô cười, khuôn mặt lại trẻ trung mũm mĩm như trước.

“Lạy Chúa,” tôi kêu lên ngay khi vừa ngồi xuống ghế.

“Ta biết. Ai đó phải nhắc ả một câu mơi được.” Aibileen phe phẩy chiếc khăn mùi soa trước mặt. Hôm nay Kiki Brown nhận trực nhật buổi sáng, y như rằng, cả nhà thờ nồng nặc mùi nước tẩy chanh do chính cô ta pha chế và vẫn rao bán với giá hai mươi lăm xu một chai. Chúng tôi có một bảng đăng ký trực nhật. Như ý tôi ấy, thì Kiki Brown nên bớt làm đi, còn cánh đàn ông nên xung phong nhiều hơn. Trước nay tôi chưa bao giờ thấy một gã đàn ông nào chịu nhận dọn dẹp dù chỉ một lần.

Ngoại trừ mùi nước tẩy kinh tởm, nhà thờ nom sạch sẽ ra dáng lắm. Kiki đã lau các băng ghế bóng lộn lên, đến độ có thể soi vào đó mà xỉa răng cũng được. Cây thông Noel cũng đã được trang hoàng xong, dây kim tuyến giăng đầy cùng một ngôi sao vàng rực rỡ cắm trên đỉnh. Nhà thờ mới chỉ có ba ô cửa sổ được ốp tranh kính - cảnh chúa Giáng sinh, cảnh Lazarus đội mồ sống dậy, và cảnh giáo huấn bọn Pharisee mê muội. Bảy ô cửa sổ còn lại chỉ lắp kính trơn. Chúng tôi vẫn đang quyên thêm tiền cho vụ này.

“Bệnh hen của Benny sao rồi?” Aibileen hỏi.

“Hôm qua nó lại vừa lên cơn. Tí nữa Leroy sẽ đưa nó với mấy đứa kia đến. Mong là mùi chanh này không làm nó chết sặc.”

“Leroy ấy,” Aibileen lắc đầu và cười khanh khách. “Nói với à ta bảo cứ liệu đường mà cư xử. Không thì ta cho nó vào danh sách cầu nguyện đấy.”

“Ôi cô cứ làm tới đi. Chết, giấu thức ăn đi cô.”

Mụ Bertrina Bessemer vênh váo đáo để lạch bạch tiến đến chỗ chúng tôi. Mụ tì người xuống lưng băng ghế ngay phía trước, rồi nhe nhởn cười, đầu đội một cái mũ xanh to tướng sờn rách. Bertrina, chính là kẻ vẫn nhai nhải gọi Aibileen là đồ ngu suốt bao năm qua.

“Minny,” Bertrina bắt chuyện, “nghe tin cháu kiếm được việc mới cô mừng quá.”

“Cám ơn cô, Bertrina.”

“Aibileen, cảm ơn chị đã cho tôi vào danh sách cầu nguyện. Bệnh viêm họng của tôi đỡ nhiều rồi. Cuối tuần này tôi sẽ gọi cho chị, lúc đó ta hàn huyên sau nhé.”

Aibileen cười, gật đầu. Bertrina bèn quay về băng ghế của mình.

“Có lẽ cô nên chọn lọc một tí khi tìm người đưa vào danh sách,” tôi nói.

“Ôi dào, ta có giận ả nữa đâu,” Aibileen gạt đi. “Mà cháu nhìn xem, ả sút cân mới ghê chứ.”

“Cô ta kêu ầm lên với mọi người là mình giảm những hai chục cân cơ đấy,” tôi nói.

“Chúa nhân từ.”

“Chỉ phải giảm một trăm cân nữa thôi là vừa xinh.”

Aibileen cố nén cười, làm bộ đang cố xua đi mùi nước tẩy chanh.

“Thế sao hôm nay cô lại gọi cháu đến sớm?” Tôi hỏi. “Cô nhớ cháu quá à?”

“Ôi, có gì to tát đâu. Chỉ là vài chuyện vớ vẩn ấy mà.”

“Chuyện gì thế ạ?”

Aibileen hít một hơi, rồi nhìn quanh xem có ai nghe lỏm không. Ở đây cô cháu tôi cứ như hoàng thân quốc thích ấy. Lắm người dòm dỏ nấp nom lắm.

“Cháu biết cô Skeeter không?” Cô ấy hỏi.

“Hôm nọ cháu chả bảo cô là cháu có biết rồi còn gì.” Cô ấy hạ giọng, thì thào, “Đấy, cháu còn nhớ có hôm ta lỡ kể cho cô ấy biết chuyện thằng Treelore viết truyện về người da màu không?”

“Cháu nhớ chứ. Cô ta muốn kiện cô vì vụ đấy à?”

“Không, không. Cô ấy tử tế lắm. Nhưng cô ấy dám cả gan hỏi liệu ta và những người giúp việc khác - bạn của ta - có muốn nói ra suy nghĩ của mình khi phục vụ cho người da trắng không. Cô ấy nói muốn viết thành sách.”

“Gì cơ?”

Aibileen gật đầu, lông mày nhướng lên. “Ừm.”

“Xì. Cô cứ bảo với cô ta là công việc nhẹ tênh như đi chơi lễ quốc khánh ấy. Rằng ta chỉ ước được quay lại nhà họ ngay, để chùi dao cọ nĩa cả những ngày cuối tuần nữa mới thỏa lòng,” tôi nói.

“Thì ta cũng bảo cô ấy rồi, cứ để mấy quyển sách sử nói là được rồi. Người da trắng chẳng đã đòi nói thay lời người da màu từ thuở khai thiên lập địa còn gì.”

“Đúng. Cô cứ bảo cô ta thế.”

“Ta nói rồi. Ta còn bảo cô ấy điên quá nữa,” Aibileen nói tiếp. “Ta hỏi cô ấy, nếu bọn ta nói ra sự thật thì sao? Rằng bọn ta sợ đến nỗi không dám đòi mức lương tối thiểu. Rằng không ai được nhận bảo hiểm xã hội. Rằng nếu bị bà chủ sờ gáy thì sẽ ra sao...” Aibileen lắc đầu. Tôi mừng vì cô ấy chưa nói gì.

“Rằng bọn ta yêu lũ trẻ da trắng biết bao khi chúng còn bé...” cô ấy nói, tôi thấy môi Aibileen hơi run lên. “Rồi khi lớn lên, chúng lại giống hệt mẹ chúng.”

Tôi nhìn xuống, thấy Aibileen bấu chặt lấy chiếc túi xách màu đen, như thể đó là vật duy nhất trên đời cô còn sót lại. Aibileen thường chuyển việc khi lũ trẻ đã quá lớn và không còn vô cảm trước màu da nữa. Chúng tôi không bao giờ đả động đến chuyện đó.

“Kể cả nếu cô ấy có đổi tên của tất cả những người giúp việc và bà chủ da trắng,” Aibileen khụt khịt.

“Cô ta điên thật rồi, nếu cứ nghĩ chúng ta sẽ làm một việc nguy hiểm như thế. Vì cô ta.”

“Làm sao bọn ta dám nói ra sự thật.” Aibileen lấy khăn xỉ mũi. “Mọi việc sẽ rối tung lên mất.”

“Đúng,” tôi nói rồi tự dưng im bặt. Vì mấy chữ sự thật. Tôi đã cố nói toạc raho mấy mụ chủ da trắng hay tất tật mọi sự thật về việc phải hầu hạ cung phụng bọn họ kể từ khi tôi mới mười bốn tuổi.

“Ta có muốn thay đổi cái gì đâu cơ chứ,” Aibileen nói, rồi cả hai cô cháu im lặng, nghĩ đến tất cả những thứ chúng tôi không muốn thay đổi. Nhưng rồi Aibileen nheo mắt nhìn tôi và hỏi, “Thế nào. Cháu không nghĩ ý tưởng đó là quá điên rồ sao?”

“Cháu có nghĩ chứ, có điều...” Thế là tôi bắt thóp được ngay. Chúng tôi đã đánh bạn với nhau suốt mười sáu năm ròng, kể từ ngày tôi dọn từ Greenwood sang Jackson, rồi hai cô cháu gặp nhau ở bến xe buýt. Tôi có thể đi guốc trong bụng Aibileen ấy chứ. “Cô đang suy nghĩ chuyện đấy phải không,” tôi nói. “Cô muốn nói chuyện với cô Skeeter chứ gì.”

Cô ấy nhún vai và tôi biết mình đoán đúng. Nhưng Aibileen chưa kịp phân bua gì thì Cha Johnson đã bước đến và ngồi xuống băng ghế phía sau, đoạn nghển cổ lên chen vào giữa hai cô cháu. “Minny, Cha xin lỗi vì chưa có dịp chúc mừng con đã tìm được công việc mới.”

Tôi vuốt phẳng vạt váy. “Vâng, cảm ơn Cha.”

“Chắc con đã được vào danh sách cầu nguyện của Aibileen phải không,” Cha nói, tay vỗ vỗ lên vai Aibileen.

“Còn phải nói. Con cũng bảo Aibileen rồi, kiểu này phải tính phí cầu nguyện mới được.”

Đức Cha cười ồ. Ngài đứng dậy và thong thả bước lên bục giảng kinh. Xung quanh im lặng như tờ. Tôi không thể tin nổi Aibileen lại muốn kể cho cô Skeeter nghe sự thật.

Sự thật.

Mộc cảm giác mát lạnh, như dòng nước gột sạch cả cơ thể nóng nực dấp dính của tôi. Xoa dịu sức nóng đã thiêu đốt tôi suốt bao năm nay.

Sự thật, tôi thầm nhủ trong đầu, chỉ để thấy lại cảm giác ấy,

Cha Johnson giơ hai tay lên và cất cao giọng nói êm ái, sâu lắng. Dàn đồng ca phía sau ngài bắt đầu rì rầm “Nói cùng đức Chúa Jesus”, mọi người bèn đồng loạt đứng dậy. Chỉ trong nửa phút, toàn thân tôi đã đổ mồ hôi đầm đìa.

“Cháu có muốn không? Nói chuyện với cô Skeeter ấy?” Aibileen thẽ thọt.

Tôi quay lại nhìn, thấy Leroy và bọn trẻ con đến muộn, như mọi khi. “Ai, cháu á?” Tôi kêu lên, giọng tôi nổi bật trên nền nhạc êm dịu. Tôi hạ bớt giọng xuống.

“Không đời nào cháu làm một chuyện điên rồ như thế.”

* * *

ChẲng vì lý do gì ngoài chọc tức tôi, ông trời đổ một đợt nóng về giữa tháng Mười hai. Nhiệt độ chỉ mới bốn độ rưỡi là người tôi đã đổ mồ hôi dầm dề như trà đá dưới trời tháng Tám, thì đây, sáng tinh mơ tôi tỉnh dậy để thấy thang nhiệt kế đã chễm chệ ở vạch hai tám độ ba. Tôi đã mất toi nửa cuộc đời này loay hoay với đủ mọi cách ngăn mồ hôi bôi kem Dainty Lady, nhét khoai tây lạnh trong túi, buộc nước đá quanh đầu (thậm chí tôi còn trả tiền cho gã lang băm để lấy lời khuyên khỉ gió ấy nữa chứ), thế mà cứ năm phút một, miếng giấy thấm của tôi đã lại ướt sũng sĩnh. Tôi đành cắp chiếc quạt giấy con đi khắp nơi mọi chốn. Vừa mát, mà lại chẳng tốn đồng nào.

Tuy vậy, cô Celia lại có vẻ ưa thời tiết ấm áp lắm, thực ra cô ả còn chịu ra ngoài ngồi cạnh bể bơi, trên người mặc độc chiếc áo choàng tắm vải xù và đeo cặp kính râm gọng trắng cũ dỉn. Tạ ơn Chúa, cuối cùng cô ta cũng chịu ra khỏi nhà. Lúc đầu tôi cứ nghĩ cô ta có bệnh trong người, nhưng giờ tôi đồ rằng khéo cô ta có bệnh trong não chứ chả chơi. Không phải kiểu lầm bầm nói chuyện một mình như mấy bà già giống bà Walter, ai chả biết đấy là bệnh lẫn của người có tuổi, mà là loại thần kinh nặng người ta phải trói gô lại rồi tống vào trại thương điên Whitfield cơ.

Bây giờ gần như ngày nào tôi cũng bắt quả tang cô ta mò lên mấy phòng ngủ ở tầng hai. Tôi nghe thấy tiếng chân cô ta rón rén bước dọc hành lang, bỏ lại những tiếng cọt kẹt rất khẽ trên sàn nhà. Tôi chẳng nghĩ ngọi gì nhiều - dào ôi, nhà của cô ta cơ mà. Nhưng hôm nay cô ta làm thế, rồi ngày mai, ngày mốt lại thế, đã vậy, cô ta cứ lén lén lút lút, phải chờ đến khi tôi bật máy hút bụi lên hoặc tối mắt tối mũi với bánh nọ trái kia mới mò đi, thế tôi mới nghi. Cô ta luẩn quẩn trên đó chừng bảy, tám phút rồi nghênh ngó cái đầu bé tí khắp bốn phía để rình tôi không nhìn thấy mới dám xuống.

“Em thọc mũi vào việc của cô ta làm gì,” Leroy bảo. “Em chỉ cần đảm bảo cô ta sẽ thuyết phục ông chồng cho em giúp việc trong nhà là được.” Cả mấy tối vừa rồi Leroy đều tít mít ở cái quán Crow chết tiệt, hắn còn mải nốc rượu sau nhà máy điện khi hết ca làm việc. Hắn chẳng ngu đâu. Hắn thừa biết nếu tôi lăn ra chết, chẳng có tiền của nào tự vác xác đến cho hắn tiêu cả.

Sau chuyến viếng thăm tầng hai, cô Celia đi xuống bếp thay vì trở lại giường. Tôi đang dở tay rút xương gà và chỉ muốn cô ả biến khỏi đây. Nước dùng đã sôi sùng sục trên bếp, bánh bao cũng đã cắt xong. Tôi không muốn cô ta mó tay vào.

“Còn mười ba ngày nữa là cô phải nói cho ông Johnny biết chuyện của tôi đấy nhé,” tôi nói và y như rằng, cô Celia đứng dậy, rời bàn bếp và quay gót trở về phòng ngủ. Song chưa bước ra đến cửa, cô ta bỗng rên lên, “Chị có cần phải nhắc tôi chuyện đó mỗi ngày như thế không?”

Người tôi dựng đứng thêm. Đó là lần đầu tiên cô Celia nổi cáu với tôi. “À thì,” tôi đáp, mắt chẳng thèm nhìn lên vì tôi sẽ còn nhắc cho cô ta nhớ, cho kỳ đến ngày nào ông Johnny bắt tay tôi và nóirất vui được biết chị Minny, thì thôi.

Nhưng rồi tôi liếc qua và thấy cô Celia vẫn đứng đó, tay bám chặt lấy khung cửa, khuôn mặt trắng bệch ra, như một loại sơn tường rẻ tiền.

“Cô lại ăn nhầm thịt gà sống à?”

“Không, tôi... tôi hơi mệt thôi.”

Nhưng những giọt mồ hôi rịn ra trên lớp phấn trang điểm - giờ đã chuyển thành màu xám - cho tôi biết cô ta không ổn tí nào. Tôi dìu cô ta lên giường và mang ít thuốc Lady-a-Pinkam cho cô uống. Trên tờ nhãn màu hồng vẽ hình một quý cô lịch sự, đầu đội khăn xếp, miệng nở nụ cười rạng rỡ như thể đã thấy trong người khỏe khoắn hơn. Tôi đưa cô Celia chiếc thìa để đong thuốc, nhưng cô ả cẩu thả cứ ngửa cổ tu thẳng luôn từ chai.

Xong xuôi, tôi rửa tay thật sạch. Chẳng biết cô ta bị bệnh gì, nhưng tôi mong bệnh đấy không lây.

Đúng ngay sau ngày cô Celia nổi cơn mặt xanh nanh vàng là ngày thay ga giường chết giẫm, tôi ghét hôm đó nhất. Ga giường là thứ quá đỗi riêng tư với những kẻ chẳng còn ngây thơ mấy nỗi để bị lừa phỉnh. Nó đầy lông, tóc, vẩy da, gỉ mũi và dấu vết của những cuộc vật lộn. Nhưng những vết máu là thứ đáng tởm nhất. Vừa chải cọ những thứ chết tiệt đó bằng hai bàn tay trần, tôi vừa dở nôn ọe trước bồn rửa. Nhất là khi gặp phải vết máu ở bất kỳ đâu, hoặc thứ gì na ná như vậy. Chỉ riêng một quả dâu bị giẫm nát cũng đủ khiến tôi ôm lấy cái bồn cầu trong suốt ngày hôm ấy rồi.

Cô Celia thừa hiểu công việc ngày thứ Ba và thường cô ta ra sofa ngồi để tôi rảnh tay dọn dẹp. Sáng nay có một đợt lạnh mới tràn về, nên cô ta không ra ngồi ở bể bơi được, nghe nói thời tiết sẽ còn tệ hơn nữa. Nhưng chín giờ, rồi mười, mười một giờ, cánh cửa phòng ng vẫn đóng im ỉm. Cuối cùng, tôi đành gõ cửa.

“Vâng?” Cô ta đáp. Tôi bèn mở cửa ra.

“Chào cô Celia.”

“Minny...”

“Hôm nay là thứ Ba.”