Người giúp việc - Chương 12-P1

TRONG LIÊN TIẾP HAI TUẦN SAU ĐÓ, tối nào tôi cũng bảo mẹ rằng tôi phải đi chia thức ăn cho những người nghèo đói ở Nhà thờ tin lành Canton, nơi cả hai mẹ con đều chẳng quen ma nào cả, may phúc. Dĩ nhiên mẹ thích tôi đến Nhà thờ tin lành Đệ Nhất hơn, song mẹ chẳng phải kiểu người dám ra giọng sắc mắc với những công việc từ thiện, thế là mẹ gật đầu đồng ý, không quên nhắc tôi nhớ rửa sạch tay bng xà phòng khi xong việc.

Giờ nọ nối tiếp giờ kia trôi đi trong căn bếp nhà Aibileen, bác ấy đọc những gì mình đã viết còn tôi đánh máy, các tình tiết dày thêm, những khuôn mặt trẻ thơ dần chiếm vị trí trung tâm. Lúc đầu, tôi khá thất vọng vì chính Aibileen mới đảm nhiệm hầu hết phần viết lách, còn tôi chỉ biên tập lại. Song nếu bà Stein thích, tôi sẽ phải viết câu chuyện của những người khác nữa, ngần ấy việc đã thừa đủ rồi. Nếu bà ta thích... Tôi bỗng thấy mình nhẩm đi nhẩm lại câu đó trong đầu, mong sao nhờ thế nó sẽ trở thành sự thực.

Văn của Aibileen rất khúc chiết, và chân thực. Tôi bảo bác ấy thế.

“Trời, cô thấy tôi phải viết cho ai rồi đấy.” Bác cười. “Không nói dối Chúa được đâu.”

Trước khi tôi ra đời, bác đã từng hái bông thuê ở Longleaf, chính là trang trại nhà tôi, trong một tuần. Một lần bác vô tình nhắc đến Constantine dù tôi không hỏi.

“Trời thần ơi, cái chị Constantine đấy hát đến là ngọt. Cứ như một thiên thần trời sinh đang đứng trước cả nhà thờ ấy. Ai nghe thứ giọngương ấy cũng phải nổi da gà, và đến khi chị ấy không còn hát được nữa, sau khi phải đưa con đi...” Bác im bặt, mắt liếc qua tôi rỏi chốt lại, “Không có gì.”

Tôi tự nhủ không được thúc ép bác ấy. Tôi ước sao mình được nghe tất cả những gì bác biết về Constantine, song tôi sẽ đợi tới khi nào kết thúc phần phỏng vấn bác ấy đã. Tôi không muốn tạo ra bất cứ trở ngại nào giữa đôi bên trong lúc này.

“Có tin gì của Minny chưa hả vú?” Tôi hỏi. “Nếu bà Stein thích,” tôi nói, những chữ quen thuộc lại ngân lên, “tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn tiếp theo.”

Aibileen lắc đầu. “Tôi đã hỏi Minny ba lần rồi, nhưng cô ấy vẫn chối đây đẩy. Đã đến nước này chắc tôi phải tin lời cô ấy thôi.”

Tôi cố giấu nỗi lo lắng. “Vú thử hỏi những người khác xem? Nhỡ đâu họ lại quan tâm?” Tôi khá chắc chắn rằng Aibileen giỏi khoa thuyết phục hơn tôi.

Aibileen gật đầu. “Tôi có thể hỏi thêm vài người nữa. Nhưng cô nghĩ độ bao lâu nữa thì bà ta mới trả lời là có thích hay không?”

Tôi nhún vai. “Khó biết lắm. Nếu tuần sau ta gửi đi, có lẽ đến giữa tháng Hai sẽ có hồi đáp. Nhưng tôi cũng không dám nói chắc.”

Aibileen mím môi, mắt cắm xuống trang giấy. Tôi bỗng nhìn thấy điều gì đó trước kia chưa nhận ra. Nỗi mong mỏi, pha lẫn chút phấn khích. Trước giờ tôi chỉ biết lo cho mỏi cái thân mình, trong đầu tôi chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ rằng Aibileen cũng hồi hộp không kém gì tôi trước viễn cảnh một biên tập viên ở tận New York sắp đọc câu chuyện của mình. Tôi cười và hít một hơi thật sâu, hy vọng lớn dần thêm.

Đến phần năm, Aibileen đọc cho tôi nghe về ngày Treelore mất. Bác kể rằng gã quản đốc đã quẳng cái thân hình đập nát của cậu ấy lên thùng xe tải. “Sau đó người ta bỏ nó ở bệnh viện da màu. Cô y tá đứng ngoài cửa kể lại với tôi như vậy. Họ lăn nó khỏi sàn xe rồi mấy gã da trắng lái đi mất hút.” Aibileen không khóc, chỉ để một khúc thời gian nữa lướt qua trong khi tôi dán mắt vào cái máy đánh chữ, còn bác ấy không rời mấy ô gạch đen mòn vẹt.

Ở phần sáu, Aibileen nói, “Tôi bắt đầu giúp việc cho cô Leefolt vào năm 1960. Khi Mae Mobley được hai tuần tuổi,” và tôi bỗng cảm thấy như mình vừa bước qua cánh cổng chì che chở những bí mật riêng tư. Bác tả lại quá trình xây nhà vệ sinh ngoài gara, và thú thực là mình thấy mừng vì nó đã được dựng lên. Nghe thế dễ chịu hơn nhiều so với việc phải chịu đựng những lời c của Hilly vì phải dùng chung phòng vệ sinh với người giúp việc. Bác bảo tôi đã có lần bình phẩm rằng người da màu chăm đi lễ nhà thờ quá. Câu đó đúng với bác ấy. Tôi giật thót người, không hiểu tôi còn nói những gì nữa mà không hề để ý rằng người giúp việc có thể nghe thấy hoặc để bụng.

Một tối nọ bác nói, “Tôi đang nghĩ...” Rồi lại im lặng.

Tôi rời mắt khỏi máy chữ, chờ đợi. Phải đến lúc Aibileen ọe ra, tôi mới học được cách cho bác ấy thời gian.

“Tôi đang nghĩ mình nên đọc thêm sách. Có lẽ nó sẽ giúp tôi viết tốt hơn.”

“Vậy vú cứ qua thư viện phố State ấy. Họ có hẳn một gian sách riêng cho các tác giả miền Nam. Faulkner này, Eudora Welty này...”

Aibileen chỉ ho một tiếng khô khan. “Cô thừa biết người da màu không được phép vào đó mà.”

Tôi ngồi ngẩn ra mất một giây, rồi tự trách mình ngốc quá. “Chết thật, tôi quên mất.” Thư viện cho người da màu chắc tệ lắm. Vài năm trước đã xảy ra một cuộc biểu tình ngồi ở thư viện da trắng, lập tức cái tin ấy xuất hiện trên khắp các mặt báo. Nhưng khi đám đông người da màu chỉ mới kéo nhau thử đi biểu tình ngồi, sở cảnh sát đã thản nhiên lùi bước và xua lũ chó béc giê ra thay. Tôi nhìn Aibileen và thêm một lần nữa nhớ ra những rủi ro mà bác ấy đang phải đối mặt chỉ vì đồng ý nói chuyện với tôi. “Để tôi đi lấy sách cho vú nhé,” tôi nói.

Aibileen nhanh nhẹn chạy vào phòng ngủ và quay lại với hẳn một tờ danh sách. “Chắc tôi phải đánh dấu những quyển nào muốn đọc trước mới được. Tôi đã ở trong danh sách đợi quyển Giết con chim nhại ở thư viện Carver suốt ba tháng nay rồi. Xem nào...”

Tôi nhìn bác tích dấu chữ V bên cạnh những tên sách: Những linh hồn da đen của W.E.B.Du Bois, thơ của Emily Dickinson (tập nào cũng được), Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn.

“Hồi còn đi học tôi đã từng đọc mấy quyển trong số này, nhưng chưa kịp đọc xong.” Bác miệt mài đánh dấu, thỉnh thoảng dừng lại để nghĩ xem sẽ lấy quyển gì tiếp theo.

“Vú muốn đọc cả sách của... Sigmund Freud ư?”

“Ôi, con người ta điên quá mà.” Bác gật đầu. “Tôi rất muốn biết cái đầu làm việc thế nào. Cô đã bao giờ mơ thấy mình bị ngã xuống hồ chưa? Ông ấy nói như vậy tức là ta mơ thây chính mình được đấy. Bà Frances tôi giúp việc hồi năm 1957 có hết mấy cuốn sách kiểu này.”

Đến đầu sách thứ mười hai thì tôi thấy tò mò. “Aibileen, vú đã định nhờ tôi chuyện này từ khi nào? Mượn sách cho vú ấy?”

“Cũng lâu lâu rồi.” Bác nhún vai. “Tôi không dám hỏi.”

“Vú nghĩ… tôi sẽ từ chối ư?”

“Người da trắng có nhiều quy tắc lắm. Tôi có biết cô theo cái nào, bỏ cái nào đâu.”

Trong giây lát chúng tôi chỉ nhìn nhau. “Tôi mệt với các quy tắc lắm rồi,” tôi nói.

Aibileen cười và đưa mắt ra cửa sổ. Tôi chợt nhận ra lời thổ lộ của minh hẳn phải khiến bác ấy chối tai lắm.

SUỐT BỐN NGÀY LIÊN TỤC, tôi ngồi còng lưng trước chiếc máy chữ trong phòng mình. Hai mươi trang chữ đánh máy, đầy ắp những nét gạch chéo và khoanh tròn đỏ chót, trở thành ba mươi mốt trang trên nền giấy Strathmore trắng tinh. Tôi viết một đoạn tiểu sử ngắn về Sarah Ross, cái tên Aibileen đã chọn, là tên cô giáo dạy lớp Sáu của bác ấy đã mất cách đây nhiều năm. Tôi thêm vào cả tuổi bác, nghề nghiệp của hai cụ thân sinh ra bác. Tôi bắt chước đúng giọng văn của Aibileen, y như cách bác viết, giản dị và thẳng thắn.

Vào ngày thứ ba, mẹ gọi vọng lên gác, hỏi tôi làm cáigì mà ru rú trong phòng suốt thế và tôi hét lên đáp trả, Con chỉ ghi chép lại vài thứ học được từ Kinh thánh thôi. Con đang viết ra tất cả những điều khiến con yêu Chúa. Tôi nghe thấy mẹ nói với bố, ngay trong bếp sau bữa tối, “Nó đang tính chuyện gì mờ ám đây.” Thế là tôi tha quyển Kinh thánh - Sự thử thách đầu tiên - đi khắp nhà, cốt sao để lý do của mình nghe dễ tin hơn.

Tôi đọc đi đọc lại bản thảo rồi tối đến mang cho Aibileen xem và bác cũng làm y như vậy. Bác cười và gật gù khi đọc đến những đoạn vui, khi mọi người hòa thuận yên ả, nhưng đến những đoạn buồn, bác gỡ cặp kính gọng đen xuống và nói, “Tôi biết là chính mình đã viết ra, nhưng cô có thực muốn đưa phần nói về...”

Tôi đáp ngay, “Có chứ.” Nhưng chính tôi cũng sửng sốt trước những gì câu chuyên hé lộ, những chiếc tủ lạnh riêng chuyên để đồ ăn thức uống cho người da màu trong biệt thự của ngài thống đốc, các bà các cô nổi cơn lôi đình chẳng khác nào một đứa bé lên hai chỉ vì mấy chiếc khăn gấp vụng, rồi bọn trẻ con da trắng gọi Aibileen l“Mẹ.” Ba giờ sáng, với vỏn vẹn hai vết bút xóa trên hai mươi bảy trang viết, tôi bỏ tập bản thảo vào một chiếc phong bì màu vàng. Hôm qua, tôi đã gọi đến văn phòng bà Stein. Cô thư ký Ruth nói bà ấy đang họp. Cô ta ghi lại lời nhắn của tôi, rằng cuộc phỏng vấn đang được thực hiện. Đến hôm nay vẫn chưa có cuộc gọi nào từ bà Stein.

Tôi siết chặt chiếc phong bì trước ngực và gần như bật khóc vì kiệt quệ, hoang mang. Sáng hôm sau tôi gửi nó đi từ bưu điện Canton. Tôi về nhà và buông mình xuống chiếc giường sắt cũ, phấp phỏng không biết chuyện gì sẽ xảy ra... nếu bà ta thích. Nhỡ Elizabeth hay Hilly biết được việc chúng tôi đang làm thì sao? Nhỡ Aibileen bị thiêu sống, bị tống vào tù thì sao? Tôi có cảm giác như mình đang rơi xuống một đường ống xoáy trôn ốc dài vô tận. Lạy Chúa, liệu họ có đánh đập bác ấy như đã đánh cậu bé da màu từng đi nhầm vào nhà vệ sinh da trắng không? Tôi đang làm cái gì thế này? Sao tôi lại đẩy bác ấy vào vòng hiểm nguy như thế?

Tôi chìm vào giấc ngủ và gặp ác mộng trong suốt mười lăm tiếng sau đó.

MỘT GIỜ MƯỜI LĂM, Hilly, Elizabeth và tôi ngồi trong phòng ăn nhà Elizabeth chờ Lou Anne đến. Cả ngày nay tôi chưa có gì bỏ bụng trừ ly trà chỉnh-đốn-cảm-xúc-tình-dục của mẹ, tôi thấy buồn nôn, ruột gan sôi lên cồn cào. Chân tôi ngọ nguậy liên tục dưới gầm bàn. Tôi bị thế đã mười ngày nay, kể từ lúc gửi câu chuyện của Aibileen cho bà Elaine Stein. Tôi có gọi một lần và Ruth bảo đã chuyển thư cho bà ta từ bốn ngày trước, song tôi vẫn chưa nhận được tin tức gì.

“Thế này thì có quá đáng không cơ chứ?” Hilly nhìn đồng hồ càu nhàu. Đây là lần thứ hai Lou Anne đến muộn. Cô ta sẽ không trụ được lâu nữa nếu Hilly còn ở đây.

Aibileen bước vào phòng ăn, tôi cố tránh nhìn bác ấy quá lâu, vì sợ Hilly hoặc Elizabeth sẽ đọc được điều gì đó trong mắt tôi.

“Đừng có lắc chân nữa, Skeeter. Cậu làm cả cái bàn rung lên bần bật rồi đây này,” Hilly mắng.

Aibileen đi quanh phòng, sải từng bước dài nhẹ tênh trong bộ đồng phục trắng, không để lộ một dấu hiệugì dù nhỏ nhất về những gì chúng tôi đang làm. Chắc bác ấy đã luyện khoản che giấu cảm xúc thành thần rồi.

Hilly tráo và chia mấy lá bài để chơi kiểu bài cào. Tôi cố tập trung vào ván bài, song bao nhiêu chuyện nhỏ nhặt cứ nảy ra choán đầy tâm trí mỗi lần tôi liếc nhìn Elizabeth. Mae Mobley đòi đi vào phòng vệ sinh trong gara, Aibileen không được phép để đồ ăn trưatủ lạnh nhà Leefolt. Những điều chỉ mình tôi biết.

Aibileen mang ra một chiếc bánh quy đặt trên cái đĩa bạc để mời tôi. Bác rót thêm trà đá cho tôi như thể chúng tôi là hai kẻ xa lạ, đúng như lẽ thường phải thế. Tôi đã đến nhà bác hai lần kể từ hôm chuyển gói bưu phẩm lên New York, lần nào cũng để đổi sách thư viện. Khi tôi đến, bác vẫn mặc chiếc váy xanh lục nẹp đen lần trước. Đôi khi bác tụt giày ra dưới gầm bàn. Lần trước, bác rút ra một bao Montclairs rồi châm lửa hút ngay trước mặt tôi và đó quả là một cử chỉ rất ý nghĩa, chính ở sự suồng sã của nó. Tôi cũng hút một điếu. Giờ thì bác ấy đang dọn vụn bánh tôi ăn với chính con dao gạt bằng bạc tôi đã tặng Elizabeth và Raleigh hôm đám cưới.

“Trong lúc chờ đợi, tớ có tin mới đây,” Elizabeth nói và tôi nhận ra ngay qua nét mặt của cô, cái gật đầu ý nhị, cùng bàn tay đặt trên bụng.

“Tớ có bầu rồi.” Cô mỉm cười, môi run run.

“Tuyệt quá,” tôi reo lên rồi đặt mấy lá bài của mình xuống và vỗ nhẹ lên tay cô. Trông như cô sắp bật khóc thật sự. “Khi nào cậu sinh?”

“Tháng Mười.”

“Ù, lúc này là đẹp đấy,” Hilly nói, đoạn ôm lấy cô. “Mae Mobley cũng lớn rồi còn gì.”

Elizabeth châm một điếu thuốc rồi thở dài. Cô nhìn xuống bài của mình. “Cả hai vợ chồng tớ đều háo hức lắm.”

Trong khi chúng tôi chơi thêm vài ván bài, Hilly và Elizabeth bàn xem nên đặt tên gì cho em bé. Tôi cố nói góp vài câu. “Chắc chắn là Raleigh rồi, nếu là con trai,” tôi chêm vào. Hilly lại kể lể về chiến dịch của William. Anh ta sẽ ra tranh cử ghế nghị sĩ bang vào năm sau, dù chưa có tí kinh nghiệm chính trường nào. Tôi thấy mừng khi Elizabeth sai Aibileen đi dọn bữa trưa.

Khi Aibileen quay lại với món thạch xa lát, Hilly bèn ngồi thẳng lên. “Aibileen, tôi mang cái áo choàng cũ cùng bao quần áo lấy từ nhà bà Walter sang cho vú đấy.” Cô đưa khăn lên chấm miệng. “Sau bữa trưa vú ra xe mà lấy nhé?”

“Vâng, thưa cô.”

“Đừng quên đấy. Tôi không muốn phải mang đi mang về đâu.”

“Ôi, cô Hilly đây tử tế quá, phải không Aibileen?” Elizabeth gật đầu. “Khi nào chúng tôi dùng bữa xong vú ra mà lấy

“Vâng, thưa cô.”

Giọng Hilly lên cao hơn dễ đến ba quãng so với mức cô vẫn thường dùng, để nói với người da màu, còn Elizabeth thì cười như thể đang nói với một đứa trẻ con. Tôi bắt đầu để ý đến các tiểu tiết.

Đến khi Lou Anne Templeton ló mặt tới, chúng côi đã ăn xong món cháo tôm và đang chuẩn bị dùng món tráng miệng. Hilly bỗng bao dung đến bất ngờ. Lou Anne đến muộn chẳng qua vì phải lo công chuyện cho Hội thôi mà.

Sau đó, tôi lại chúc mừng Elizabeth một lần nữa, rồi mới đi ra xe. Aibileen ở bên ngoài đang gom chiếc áo choàng mới dùng qua chút ít từ năm 1942 và những thứ quần áo cũ mà vì lý do nào đó, Hilly không chịu mang cho chính cô giúp việc Yule May của mình. Hilly bước đến chỗ tôi và đưa ra một chiếc phong bì.

“Cho báo hội tuần tới. Cậu nhớ đưa vào cho tớ nhé?” Tôi gật đầu, Hilly bèn trở vào trong xe. Ngay phút Aibileen mở cánh cửa trước để đi vào nhà, bác ấy đưa mắt nhìn về phía tôi. Tôi lắc đầu, miệng mấp máy Không có gì đâu. Bác gật đầu và vào nhà.

Tối hôm đó, tôi ngồi soạn nội dung cho báo hội, chỉ ước sao mình đang được viết truyện. Tôi xem qua các biên bản ghi lại cuộc họp lần trước, vô tình sờ đến chiếc phong bì của Hilly. Tôi mở ra. Chỉ có một trang giấy, viết bằng nét chữ to, uốn lượn của Hilly:

Hilly Holbrook xin giới thiệu Sáng kiến vệ sinh phòng dịch từ người giúp việc. Một biện pháp phòng chống dịch bệnh. Dịch vụ lắp đặt phòng vệ sinh trong gara hoặc nhà kho giá rẻ, dành riêng cho những ngôi nhà đang thiếu công trình phụ quan trọng này.

Các chị em thân mến, các bạn có biết rằng:

• 99% dịch bệnh từ người da màu có trong nước tiểu.

• Hầu hết các vi khuẩn dịch nói trên đều có thể khiến người da trắng mắc các căn bệnh mãn tính, vì chúng ta thiếu những kháng thể mà người da màu mang trong sắc tố da của họ.

• Một số vi khuẩn sống trên cơ thể người da trắng cũng có thể gây hại cho người da màu.

Hãy bảo vệ chính bạn. Bảo vệ con cái ạn. Bảo vệ người giúp việc của bạn.

Gia đình Holbrook rất hân hạnh được giúp đỡ các bạn!

ĐIỆN THOẠI NHÀ BẾP reo vang, tôi ngã đứng ngã ngồi chỉ vì vội lao đến bắt máy. Nhưng Pascagoula đã kịp nhấc lên.

“Nhà bà Charlotte đây.”

Tôi nhìn cô chòng chọc, mắt dõi theo Pascagoula bé nhỏ gật đầu, nói, “Vâng thưa bà, cô ấy đây ạ,” và chuyển máy cho tôi.

“Eugenia nghe đây,” tôi vội vã nói. Bố đang ở ngoài đồng còn mẹ có hẹn với bác sĩ trong thị trấn, vì vậy tôi kéo sợi dây điện thoại đen sì, xoắn tít ra bàn bếp.

“Elaine Stein đây.”

Tôi thở thật sâu. “Vâng, chào chị. Chị có nhận được thư của tôi không?”

“Tôi nhận được rồi,” bà ta nói và bập một hơi dài vào điện thoại.

“Bà Sarah Ross ấy. Tôi thích câu chuyện của bà ta. Bà ta bỉthâm lắm, mà chẳng cần phải than vãn gì nhiều.”

Tôi gật đầu, dù chẳng hiểu bỉ là gì, nhưng tôi đoán nghĩa của nó chắc tốt lắm.

“Song tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình, một quyển sách phỏng vấn nhân vật... thường chẳng thu hút được sự chú ý của ai cả. Nó chẳng thuộc dạng sách sáng tác, cũng không phải sách nghiên cứu. Có lẽ nó mang hơi hướng nhân loại học, nhưng để bị xếp vào mảng đó thì khiếp quá.”

“Nhưng chị... thích nó mà?”

“Eugenia,” bà ta nói, phả một hơi thuốc vào điện thoại. “Cô đã xem trang bìa tạp chí Life tuần này chưa?”

Đến cả tháng nay tôi chưa nhìn thấy mặt mũi một tờ tạp chí Lifenào, tôi quá bận.

“Martin Luther King, cưng ạ. Ông ta vừa phát động một cuộc tuần hành ở thủ đô và mời tất cả những người da màu trên toàn quốc tham gia. Cả những người da trắng nữa. Chưa bao giờ có nhiều người da màu và da trắng cùng góp mặt trong một sự kiện đến thế, kể từ hồi làm phim Cuốn theo chiều gió

“À vâng, tôi có nghe nói về... vụ... tuần hành,” tôi đáp dối và đưa tay lên bịt mắt, ước sao mình đã đọc tạp chí tuần này. Trông tôi giống hệt một con ngốc.

“Lời khuyên tôi dành cho cô đây, viết đi và viết thật nhanh vào. Cuộc tuần hành sẽ diễn ra vào tháng Tám. Cô nên hoàn thành cuốn sách của mình trước năm mới.”

Tôi thở hổn hển. Bà ta đang bảo tôi viết sách! Bà ta đang bảo tôi... “Chị nói chị sẽ cho xuất bản cuốn sách này phải không: Nếu tôi viết xong trước...”

“Tôi không hề nói như thế,” bà ta nạt. “Tôi sẽ đọc. Mỗi tháng tôi xem đến cả trăm bản thảo và loại gần hết số đó.”

“Tôi xin lỗi, tôi chỉ... tôi sẽ viết,” tôi nói. “Tôi sẽ viết xong vào tháng Một.”

“Còn nữa, bốn, năm cuộc phỏng vấn vẫn chưa đủ cho một cuốn sách đâu. Cô sẽ cần khoảng một tá, có khi nhiều hơn. Tôi đồ là cô đã chuẩn bị sẵn một số cuộc phỏng vấn khác rồi, phải không?”

Tôi mím môi. “Một... số ạ.”

“Tốt. Vậy triển khai luôn đi. Trước khi phong trào dân quyền nguội nhiệt.”