Người giúp việc - Chương 19-P3

Tôi giải thích với Alice rằng dự án này là tập hợp những câu chuyện có thực về những người giúp việc và những gì họ đã trải qua khi làm công cho các gia đình da trắng. Tôi đưa cô một phong bì bên trong đựng bốn mươi đô-l những đồng tiền lấy từ khoản dành dụm của tôi gồm công viết bài cho mục của cô Myrna, tiền tiêu vặt, tiền mẹ đã dúi vào tay tôi cho những buổi mông má ở các chẩm mỹ viện mà tôi không bao giờ đến.

“Khả năng cao là cuốn sách sẽ không bao giờ được xuất bản,” tôi nói rõ với từng người, “nếu có đi chăng nữa, tiền nhuận bút cũng sẽ chẳng đáng là bao.” Lần đầu tiên nói ra câu đó, mặt tôi cúi gằm, sượng sùng, không hiểu là vì lẽ gì nữa. Là một người da trắng, tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải giúp đỡ họ.

“Aibileen đã nói rõ từ trước rồi,” một vài người trả lời. “Chúng tôi không làm việc này vì mục đích đó.”

Tôi nhắc lại với họ điều họ đã thống nhất với nhau trước đó. Rằng họ phải giữ kín tên tuổi của mình với những người ngoài. Tên của họ trong cuốn sách sẽ được thay đổi; cả tên thị trấn và các gia đình họ giúp việc. Tôi ước sao mình có thể gài vào đó một câu cuối, “Nhân thể, chị có biết bác Constantine Bates không?” nhưng tôi dám chắc Aibileen sẽ bảo đó là một ý tưởng quá tồi. Họ đã có đủ lý do để sợ hãi rồi.

“Giờ đến lượt Eula, bắt bà ta mở mồm khó ngang với cạy miệng sò chết ấy chứ.” Aibileen luôn chuẩn bị tinh thần cho tôi trước mỗi cuộc phỏng vấn. Bác ấy cũng lo lắng không kém gì tôi rằng: tôi sẽ khiến họ sợ chạy mất dép trước cả khi buổi nói chuyên bắt đầu. “Nếu bà ta không chịu nói năng gì thì cô cũng đừng cáu nhé.”

Eula con sò chết, mở máy trước cả khi bà ta kịp ngồi xuống ghế, trước khi tôi kịp phân bua điều gì, và không dừng lời cho đến tận mười giờ tối hôm đó.

“Tôi xin tăng lương, họ tăng liền. Tôi cần nhà, họ mua ngay một căn. Bác sỹ Tucker còn đích thân đến nhà tôi để gắp viên đạn trong cánh tay chồng tôi ra vì ông ấy sợ Henry sẽ bị nhiễm trùng nếu đi phẫu thuật ở bệnh viện da màu. Tôi đã làm việc cho bác sỹ Tucker và bà Sissy bốn mươi bốn năm. Họ đối với tôi tốt lắm. Thứ Sáu nào tôi cũng gội đầu cho bà ấy. Tôi chưa bao giờ thấy bà ta tự gội đầu.” Bà ta ngừng lời lần đầu tiên trong suốt cả tối hôm ấy, khuôn mặt tràn ngập vẻ cô độc và âu lo. “Nếu tôi chết trước bà ấy, tôi không biết bà ấy sẽ phải gội đầu thế nào đây.”

Tôi cố gắng không nở nụ cười hớn hở quá. Tôi không muốn mọi người nghi ngờ mình. Alice, Fanny Amos, và Winnie tính e dè, thường phải vỗ về, nịnh nọt luôn, lúc nào mắt họ cũng cụp xuống. Flora Lou và Cleontine thường mở toang cửa xông vào nhà và nói liên hồi kỳ trận trong khi tôi huy động hết ngón tay để gõ, cứ năm phút một tôi lại phải nhắc họ làm ơn, làm ơn nói chậm lại một chút. R nhiều câu chuyện buồn, cay đắng. Tôi đã lường trước điều đó. Nhưng số câu chuyện vui cũng nhiều bất ngờ. Và tất cả bọn họ đều có lúc quay sang nhìn Aibileen như muốn hỏi. Chị có chắc không? Tôi kể chuyện này với một cô da trắng được ư?

“Chị Aibileen? Nếu… nếu cuốn truyện này được in ra và mọi người phát hiện ra chúng ta thì sao?” Winnie nhút nhát chợt hỏi. “Chị nghĩ họ sẽ làm gì chúng ta?”

Mắt chúng tôi tạo thành một hình tam giác giữa căn bếp, người nọ nhìn người kia. Tôi hít một hơi thật sâu, chuẩn bị tinh thần trấn an cô rằng chúng tôi đang hành động rất thận trọng.

“Cô em họ chồng tôi... bọn chúng cắt lưỡi cô ấy đấy. Cách đây cũng lâu rồi. Vì cô ấy dám kể với mấy người trên Washington về bọn Klan. Cô nghĩ bọn họ có cắt lưỡi chúng tôi không? Vì dám nói chuyện với cô ấy?”

Tôi không biết phải trả lời thế nào. Lưỡi... Lạy Chúa, ý nghĩ đó chưa bao giờ lướt qua đầu tôi. Chỉ có nhà tù và những lời vu khống hoặc phạt tiền. “Tôi... chúng ta đang rất cẩn trọng,” tôi nói nhưng những câu chữ bật ra yếu ớt và vô nghĩa. Tôi nhìn sang Aibileen, nhưng trông mặt bác ấy cũng đầy âu lo.

“Wmnie à, đến lúc đấy ta mới biết được,” Aibileen dịu dàng nói. “Nhưng sẽ không giống những gì em xem trên bản tin đâu. Một bà chủ da trắng cư xử khác một người đàn ông da trắng lắm.”

Tôi nhìn Aibileen. Bác chưa bao giờ thổ lộ với tôi về những hậu quả cụ thể mà bác ấy nghĩ sẽ xảy ra. Tôi chỉ muốn đổi chủ đề. Bàn thêm chuyện này cũng chẳng ích gì.

“Không không.” Winnie lắc đầu. “Em đồ là không. Thật ra, bà chủ da trắng ra tay còn ác hơn nhiều.”

“CON ĐI ĐÂU ĐẤY?” Mẹ ngồi trong phòng nghỉ gọi với ra. Tôi đã ôm chiếc túi và cầm chùm chìa khóa xe tải trong tay. Tôi không dừng bước, đi thẳng ra của.

“Đi xem phim ạ,” tôi nói vọng vào.

“Tối qua con chả đi xem phim rồi còn gì. Eugenia, vào đây đã con.”

Tôi lùi lại, rồi đứng trên ngưỡng của. Mấy khối u của mẹ lại giở chứng. Buổi tối mẹ chỉ húp được một bát canh gà, tôi thấy tội nghiệp mẹ quá. Bố đã đi ngủ từ một tiếng trước đó, nhưng tôi không thể ở nhà với mẹ được. “Mẹ, co, con muộn giờ rồi. Mẹ có muốn con mua gì về cho mẹ không?”

“Con xem phim gì, với ai? Tuần này hầu như tối nào con cũng đi cả.”

“Với... mấy cô bạn thôi mà. Mười giờ con sẽ về. Mẹ thấy ổn không?”

“Mẹ không sao,” mẹ thở dài. “Thôi con đi đi.”

Tôi ra lấy xe, cảm thấy vô cùng tội lỗi vì đã bỏ mẹ ở nhà một mình khi trong mẹ đang không khỏe, ơn Chúa, Stuart đang ở Texas vì tôi không biết mình có thể nói dối anh ấy dễ dàng như thế không. Ba hôm trước anh ấy ghé qua đây, chúng tôi ngồi trên chiếc xích đu ngoài hiên, lắng nghe tiếng dế kêu. Tôi mệt nhoài vì hôm trước đã lầm việc đến khuya, mắt tôi gần như không mở nổi nữa, nhưng tôi không muốn anh ấy về. Tôi nằm gối đầu lên lòng anh. Tôi giơ tay lên và vuốt ve khuôn mặt ram ráp của anh.

“Khi nào em định cho anh xem những truyện em viết đây?” Anh hỏi.

“Anh đọc chuyên mục cô Myrna ấy. Tuần trước em vừa viết một bài về nấm mốc hay lắm.”

Anh cười, lắc đầu. “Không, ý anh là đọc thứ gì em đang nghĩ cơ. Anh cá chủ đề không phải về nội trợ.”

Tôi bỗng tự hỏi, liệu anh có biết tôi đang giấu giếm anh điều gì đó không. Tôi sợ rằng anh sẽ khám phá ra cuốn sách tôi đang làm, nhưng lại phấn khích khi anh tỏ ra quan tâm.

“Đợi khi nào em sẵn sàng nhé. Anh sẽ không chúc ép em đâu,” anh nói.

“Có lẽ để dịp nào đó, em sẽ cho anh xem,” tôi nói, mắt díu lại.

“Ngủ đi em,” anh nói, đoạn vén tóc tôi lên. “Để anh ngồi với em một lát nữa.”

Stuart đi vắng suốt sáu ngày tiếp đó, giờ tôi có thể toàn tâm toàn ý với mấy cuộc phỏng vấn. Mỗi tối tôi đến nhà Aibileen, lúc nào cũng hồi hộp như lần đầu tiên. Trong nhóm phụ nữ có người cao, người thấp, người da đen đặc như nhựa đường hoặc nâu sậm như màu caramen. Tôi được biết, nếu da trắng quá, sẽ không ai thèm thuê. Càng đen càng tốt. Đôi khi cuộc nói chuyện trở nên nhàm chán, với những lời ca thán về lương thấp, công việc vất vả, lũ trẻ hư hỏng láo xược. Nhưng rồi có cả câu chuyện về những đứa trẻ chết dần trong tay người giúp việc. Những tia nhìn yếu ớt, vô hồn trong đôi mắt xanh bất động của chúng.

“Tên con bé là Olivia. Nó bé lắm, bàn tay nhỏ tí xíu cứ bám riết lấy ngón tay tôi, rồi nó thở hổn hển,” Fanny Amos kể, cô là người thứ tư chúng tôi phỏng vấn. “Lúc đấy mẹ nó không có ở nhà, cô ấy ra cửa hàng mua mentholatum. Chỉ còn mỗi tôi và bố nó. Ông ấy không cho tôi đặt nó xuống, bắt tôi bế nó cho đến khi nào bác sỹ đến. Nhưng con bé cứ lạnh dần đi trên tay tôi.”

Có những nỗi căm thù không giấu diếm đối với phụ nữ da trắng, lại có những tình cảm không thể lý giải nổi. Faye Belle, da xám xịt, người run lẩy bẩy, còn không nhớ nổi mình bao nhiêu tuổi. Những câu chuyện của bà trải ra dần như một tấm lụa mềm. Bà vẫn còn nhớ hồi nhỏ mình đã trốn trong một cái rương lớn cùng một đứa bé gái da trắng trong khi bọn lính Yankee lùng sục khắp nhà. Hai mươi năm sau, bà ôm chính đứa bé gái đó, lúc bấy giờ đã là một phụ nữ cao tuổi, trong vòng tay khi cô ta trút hơi thở cuối cùng. Hai người tuyên bố họ là bạn tốt nhất của nhau. Thề rằng cái chết cũng không thể thay đổi được tình cảm đó. Rằng màu da chẳng có ý nghĩa gì. Cháu người phụ nữ da trắng kia đến giờ vẫn trả tiền thuê nhà hàng tháng cho Faye Belle. Có đôi lúc, khi trong người khỏe khoắn, Faye Belle lại qua dọn bếp cho cậu ta.

Louvenia là người thứ năm tôi phỏng vấn. Bà là người giúp việc của Lou Anne Templeton, tôi nhận ra vì bà từng phục vụ tôi trong mấy buổi chơi bài. Louvenia kể rằng cậu Robert, cháu trai bà, đã bị một gã đàn ông da trắng đánh mù mắt hồi đầu năm, chỉ vì cậu dùng nhầm nhà vệ sinh của người da trắng. Tôi hỏi có phải cậu bé người ta nhắc đến trên báo không, Louvenia gật đầu, rồi ngồi chờ tôi đánh máy. Trong giọng nói của bà không vương một chút giận dữ nào cả. Tôi được biết rằng Lou Anne, người tôi vẫn cho là ngây độn, nhạt nhẽo và chưa bao giờ thèm để mắt đến, đã cho Louvenia nghỉ hai tuần có lương để bà dồn sức chăm cháu. Trong mấy tuần đó, cô còn mang thịt hầm đến nhà Louvenia tới bảy lần. Chính cô đã đưa Louvenia đến bệnh viện da màu ngay khi người ta gọi về báo chuyện của Robert và chờ ở đó sáu tiếng với bà, cho đến khi cuộc phẫu thuật kết thúc. Lou Anne chưa bao giờ đả động đến chuyện này với bất kỳ ai trong chúng tôi. Và tôi hoàn toàn hiểu lý do tại sao.

Có những lời thổ lộ khác, đầy căm phẫn, về những gã đàn ông da trắng tìm mọi cách sàm sỡ người giúp việc. Winnie kể rằng cô đã bị cưỡng bức hết lần này đến lần khác. Cleontine nói cô đã đánh trả cho tên kia đầm đìa máu mặt và từ đó hắn không dám động vào cô nữa. Song chính sự phân biệt rành rõ giữa yêu thương và khinh bỉ song hành cùng nhau mới khiến tôi kinh ngạc. Đa phần những người giúp việc tôi phỏng vấn đều được mời tham dự lễ cưới của bọn trẻ, nhưng với điều kiện họ phải mặc đồng phục. Những chuyện này tôi đã biết từ trước, song khi nghe từ chính miệng những người da màu, như thể tôi mới được nghe lần đầu vậy.

MẤT MẤY PHÚT LIỀN chúng tôi không thể nói nên lời sau khi Gretchen bỏ đi.

“Ta cứ làm tiếp đi,” Aibileen nói, “Chúng ta không cần phải... tính cô ta vào làm gì.”

Gretchen là em con chú con bác của Yule May. Cô ta cũng tham dự buổi cầu nguyện cho Yule May tại nhà Aibileen mấy tuần trước đó, dù cô ta sinh hoạt ở nhà thờ khác.

“Tôi thật không hiểu tại sao cô ta lại đồng ý cho tôi phỏng vấn trong khi...” Tôi chỉ muốn về nhà. Từng thớ gân trên cổ tôi đã cứng đơ lại. Ngón tay tôi run lên vì đánh máy và vì nghe những lời Gretchen vừa nói.

“Tôi xin lỗi, tôi không biết cô ta lại làm thế.”

“Có phải lỗi của vú đâu,” tôi nói. Tôi muốn hỏi bác ấy rằng có bao nhiêu phần sự thực trong những lời Gretchen nói. Nhưng tôi không thể. Tôi không thể nhìn thẳng vào mặt Aibileen.

Tôi giải thích các “quy tắc” cho Gretchen, giống hệt như đã làm với những người khác. Gretchen ngả người trên lưng ghế. Tôi tưởng cô ta đang nghĩ xem nên kể chuyện gì. Nhưng cô ta nói, “Xem cái mặt cô kìa. Lại thêm một ả da trắng muốn lợi dụng người da màu để làm tiền.”

Tôi liếc sang Aibileen, không biết phải đáp lời thế nào. Tôi chưa nói rõ chuyện tiền nong ư? Aibileen nghiêng đầu, dường như bác ấy cũng không tin vào tai mình.

“Cô nghĩ ai sẽ đọc cái thứ của nợ này?” Gretchen cười sằng sặc. Cô ta có vóc người thon gọn, vừa khít bộ đồng phục trắng. Cô ta đánh son môi màu hồng, đúng loại tôi và bạn bè tôi vẫn dùng. Cô ta rất trẻ, ăn nói rành rọt và cẩn trọng, y hệt một người da trắng. Tôi không biết tại sao, nhưng chính những điểm đó càng làm tôi bất an hơn.

“Những người da màu cô vừa phỏng vấn ấy, họ cư xử dễ chịu quá, phải không?”

“Vâng,” tôi đáp. “Dễ chịu lắm.”

Gretchen nhìn thẳng vào mắt tôi. “Họ ghét cô. Cô thừa biết mà, phải không? Từng điểm nhỏ nhất của cô. Nhưng cô ngu lắm, cô cứ tưởng mình đang ban ơn cho họ kia đấy.”

“Chị không buộc phải tham gia,” tôi nói. “Chị đã tình nguyện

“Cô biết cử chỉ tử tế nhất mà một mụ da trắng từng làm với tôi là gì không? Cho tôi miếng đầu mẩu bánh mỳ của mụ đấy. Những phụ nữ da màu đã tới đây, họ chỉ lỡm cô thôi. Họ không bao giờ nói cho cô biết sự thật đâu, thưa quý cô.”

“Cô thì biết gì về những điều mấy người kia đã kể cho tôi cơ chứ,” tôi nói, sững sờ nhận ra cơn giận dữ chất chứa trong lòng mình sôi sục đến thế, và nó bùng lên thật quá dễ dàng.

“Nói đi, quý cô, nói cái từ mà cô vẫn nghĩ trong đầu mỗi lần một người trong chúng tôi bước qua cửa ấy. Đồ mọi đen.”

Aibileen bỗng đứng bật dậy. “Đủ rồi, Gretchen. Cô về đi.”

“Chị biết không, Aibileen? Chị cũng ngu như cô ta thôi,” Gretchen nói.

Tôi rất sốc khi Aibileen chỉ tay ra cửa và rít lên, “Cút khỏi nhà tôi ngay.”

Gretchen bỏ về, nhưng qua lớp cửa lưới, cô ta quất lại một tia nhìn giận dữ khiến tôi rùng mình ớn lạnh.

HAI TỐI SAU, tôi ngồi nói chuyện với Callie. Bà có mái tóc xoăn tít đá ngả bạc gần hết. Bà đã sáu mươi bảy tuổi và vẫn mặc bộ đồng phục trắng. Khổ người bà khá to và nặng, nhiều phần cơ thể hầu như chìa hẳn ra ngoài chiếc ghế đang ngồi. Tôi vẫn còn chưa hết xáo động sau cuộc phỏng vấn với Gretchen.

Tôi chờ Callie khuấy trà. Có một chiếc bao của cửa hàng tạp hóa nằm trong góc bếp nhà Aibileen. Bên trong nhồi đầy quần áo, một chiếc quần trắng chờm hẳn ra ngoài miệng bao. Nhà Aibileen bao giờ cũng gọn gàng sạch sẽ lắm. Tôi không hiểu tại sao bác ấy không bao giờ động đến cái bao ấy.

Callie bắt đầu kể chuyện thật chậm rãi còn tôi đánh máy theo, mừng vì tốc độ của bà rất vừa phải. Ánh mắt bà nhìn xa xăm như thể đang thấy một màn hình ngay sau lưng tôi, chiếu lại những cảnh huống bà đang mô tả.

“Tôi giúp việc cho bà Margaret ba mươi tám năm trời. Bà ấy có một đứa con gái bị chứng đau bụng colic và chỉ có một cách giúp nó đỡ đau là ôm chặt nó. Thế là tôi làm một cái địu. Tôi quấn nó lên hông, và tha nó đi khắp nơi mọi chốn trong suốt một năm ròng. Con bé làm lưng tôi đau tưởng gãy xương sống. Tối nào tôi cũng phải chườm đá, đến giờ vẫn vậy. Nhưng tôi yêu nó lắm. Tôi yêu cả bà Margaret nữa.”

Bà nhấp một ngụm trà trong khi tôi gõ nốt những chữ cuối cùng. Tôi ngẩng đầu lên, bà lại nói tiếp.

“Lúc nào bà Margaret cũng bắt tôi phải bao tóc lại, bà bảo rằng bà biết người da màu chẳng gội đầu bao giờ. Bà đếm từng con dao chiếc nĩa mỗi lần tôi lau chùi xong. Khi bà Margaret chết vì chứng bệnh của phụ nữ ba mươi năm sau đó, tôi đến dự đám tang bà. Chồng bà ôm tôi, gục lên vai tôi mà khóc. Khi tang ma xong xuôi, ông ấy đưa cho tôi một chiếc phong bì. Bên trong là lá thư của bà Margaret chỉ có mấy chữ, ‘Cảm ơn chị. Vì đã giúp con tôi đỡ đau. Tôi không bao giờ quên.”’

Callie gỡ cặp kính gọng đen ra, gạt nước mắt.

“Nếu may ra có bà cô da trắng nào đọc được câu chuyện của tôi, thì đó là điều tôi muốn nói. Biết nói lời cảm ơn, khi trong lòng thực sự biết ơn, khi ta nhớ những gì người khác làm cho mình” - bà lắc đầu, mắt dán lên mặt bàn trầy xước — “thế là tốt lắm.”

Callie ngước lên nhìn tôi, nhưng tôi không dám nhìn thẳng vào mắt bà.

“Cho tôi xin một phút,” tôi nói và chống tay lên trán. Tôi không thể không nghĩ về Constantine. Tôi chưa một lần cảm ơn bác ấy, một cách tử tế. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ không còn cơ hội làm việc ấy nữa.

“Cô có sao không, cô Skeeter?” Aibileen hỏi.

“Tôi... không sao,” tôi đáp. “Ta làm tiếp thôi.”

Callie lại kể tiếp chuyện mình. Chiếc hộp giày Dr. Scholl màu vàng đặt trên mặt quầy sau lưng bà, vẫn đầy ắp phong bì. Trừ Gretchen, cả mười phụ nữ đều đề nghị chuyển tiền thù lao cho hai cậu con trai của Yule May đi học.