Người giúp việc - Chương 19-P2

Khuôn mặt Pascagoula bỗng lạnh tanh. Cô chớp mắt vài lần, rõ ràng cô khôn hơn tôi nhiều. “Tôi có biết gì đâu. Tôi chỉ muốn chuyển lại cho cô những gì Yule May nói.” Cô bước ra chỗ tủ lạnh, mở cửa và nghiêng đầu nhìn vào. Tôi thở hắt ra một hơi dài, sâu. Mỗi lần một việc thôi.

ĐI MUA SẮM VỚI MẸ xem ra không khổ sở như thường lệ, có lẽ vì tôi đang cao hứng sau khi nghe được tin từ phía Yule May. Mẹ ngồi trên một chiếc ghế trong phòng thử đồ còn tôi chọn luôn bộ âu phục Lady Day đầu tiên mình mặc thử, may bằng vải poplin màu xanh lơ cùng một chiếc jacket cổ tròn. Chúng tôi để bộ quần áo lại cửa hàng để họ gỡ đường diềm ra. Tôi rất ngạc nhiên vì mẹ không hề thử một món đồ nào. Chỉ sau có nửa tiếng, mẹ nói mẹ mệt, thế là tới lái xe chở hai mẹ con về Longleaf. Mẹ lên thẳng phòng để nghỉ.

Khi về đến nơi, tôi gọi ngay sang nhà Elizabeth, tim tôi đập thình thịch, nhưng người nghe máy lại là Elizabeth. Tôi không dám hỏi gặp Aibileen. Sau vụ chiếc túi, tôi đã tự hứa với bản thân sẽ cẩn thận hơn.

Thế là tôi chờ đến tối hôm ấy, thầm mong Aibileen có ở nhà. Tôi ngồi trên thùng bột mỳ, lùa ngón tay vào bao gạo khô. Bác ấy nhấc máy ngay sau tiếng chuông

“Cô ấy sẽ giúp chúng ta, Aibileen ạ. Yule May đồng ý rồi!”

’’Sao cơ? Cô biết từ khi nào?”

“Mới chiều nay. Pascagoula nói cho tôi biết. Yule May không gọi được cho chị.”

“Trời thần ơi, điện thoại nhà tôi bị cắt vì tôi chưa đóng tiền tháng này đấy mà. Cô nói chuyện với Yule May chưa?”

“Chưa, tôi nghĩ nếu chị nói với cô ấy trước thì tốt hơn.”

“Có điều lạ là trưa nay tôi gọi sang nhà cô Hilly từ nhà cô Leefolt, nhưng cô ta nói Yule May không làm việc ở đấy nữa và dập máy. Tôi cũng hỏi quanh nhưng chẳng ai biết gì cả.”

“Hilly đuổi cô ấy rồi ư?”

“Tôi không biết. Tôi hy vọng là cô ấy tự xin nghỉ.”

“Tôi sẽ gọi cho Hilly để xem có chuyện gì. Lạy Chúa, mong rằng cô ấy không sao.”

“Giờ điện thoại nhà tôi lại gọi được rồi, tôi sẽ cố liên lạc với Yule May.”

Tôi gọi đến nhà Hilly bốn lần nhưng không có ai nghe máy. Cuối cùng tôi gọi sang nhà Elizabeth và cô nói tối nay Hilly sang Port Gibson, ông cụ nhà William bị ốm.

“Có chuyện gì xảy ra... với người giúp việc nhà cậu ấy à?” Tôi hỏi bằng giọng tự nhiên hết mức có thể.

“Cậu biết không, cậu ấy có nói gì đó liên quan đến Yule May, rồi nói đang vội và phải chất đồ lên xe.”

Tôi dành cả buổi tối còn lại ngồi ở hiên sau nhà, nhẩm lại một lượt các câu hỏi, và lo lắng không biết Yule May sẽ kể những chuyện gì về Hilly. Dù giữa hai bên có nhiều bất đồng quan điểm, song Hilly vẫn là một trong những cô bạn thân nhất của tôi. Song cuốn sách, giờ lại được tiếp tục, mới là quan trọng hơn hết thảy.

Tôi nằm dài trên chiếc giường con lúc nửa đêm . Lũ dế kêu rộn rã bên ngoài lớp cửa lưới. Tôi để cơ thể chìm sâu trong lớp đệm mỏng, tì lên những chiếc lò xo. Chân tôi đu đưa phía cuối giường, khua khoang không ngừng, sung sướng tận hưởng cảm giác nhẹ nhõm lần đầu tiên sau nhiều tháng trời. Đó chưa phải mười hai người giúp việc, nhưng cũng là thêm một người n

HÔM SAU, tôi ngồi trước tivi xem bản tin mười hai giờ. Charles Warring đưa tin sáu mươi lính Mỹ đã bỏ mạng ở Việt Nam. Cái tin khiến tôi buồn lắm. Sáu mươi người, ở một nơi cách xa những người họ yêu thương, đã phải chết. Tôi nghĩ có lẽ do Stuart nên chuyện đó mới làm tôi xáo động đến vậy, nhưng trông Charles Warring lại có vẻ gì đó phấn khích đến bệnh hoạn trước thông tin này.

Tôi nhặt một điếu thuốc lá lên rồi lại đặt xuống. Tôi đang cố không động đến thuốc lá, nhưng nghĩ đến buổi tối hôm nay, tôi lại hồi hộp quá. Mẹ suốt ngày ca cẩm về việc tôi hút thuốc và tôi biết mình nên thôi, nhưng xem ra nó không có vẻ gì là một món có thể giết chết tôi được. Tôi ước sao mình có thể hỏi Pascagoula rõ hơn về những gì Yule May nói, nhưng sáng nay Pascagoula vừa gọi đến, nói có việc gấp và sẽ đến vào buổi chiều.

Tôi nghe thấy tiếng mẹ ở hiên sau nhà, mẹ đang giúp Jameso làm kem. Dù đang ngồi ở trước nhà, tôi vẫn nghe thấy tiếng lạo xạo của đá vỡ vụn, của muối bị nghiền nát. Vừa nghe tiếng thôi đã thấy thèm, tôi chỉ muốn nếm ngay ít kem, nhưng có lẽ phải vài giờ nữa mới có để ăn. Dĩ nhiên, trần đời chẳng ai đi làm kem lúc mười hai giờ trưa giữa một ngày nóng như đổ lửa, nhưng vì mẹ bỗng nảy ra ý định làm kem đào, thế là nóng đến đâu mẹ cũng bất chấp.

Tôi đi ra hiên sau xem. Chiếc máy làm kem màu bạc to tướng lạnh toát và đổ mồ hôi như mưa. Nền nhà rung lên từng chặp. Jameso đang ngồi trên một chiếc xô lật úp, hai đầu gối áp vào hai bên thành máy, bàn tay đeo găng nắm gióng tay quay bằng gỗ ra sức quay. Từ thùng chứa đá khô, hơi nước bốc lên nghi ngút.

“Pascagoula đến chưa?” Mẹ hỏi, đoạn xúc thêm kem đổ vào máy.

“Chưa ạ,” tôi đáp. Người mẹ đổ mồ hôi đầm đìa. Mẹ đưa tay gài một lọn tóc rơi ra sau tai. “Mẹ, để con đổ kem cho. Trông mẹ nóng quá.”

“Con không biết làm đâu. Phải mẹ làm mới được,” mẹ nói rồi xua tôi vào trong nhà.

Trên chương trình tin tức, Roger Sticker đang đưa tin trước bưu điện Jackson với nụ cười nhăn nhở ngu ngốc y hệt gã phát thanh viên vừa đưa tin chiến sự trước dó. “…hệ thống mã hóa địa chỉ bưu điện mới được gọi là Z-Z-ZIP code, đúng vậy, tôi xin nhắc lại, Z-Z-ZIP code(8) , đó là năm chữ số được viết ở góc dưới bì thư

Anh ta giơ một lá thư lên, chỉ cho khán giả thấy phải viết dãy số ở đâu. Một ông già răng đã móm sạch mặc chiếc quần yếm bèn phát biểu, “Chẳng ai thèm dùng ba cái số đó đâu. Dân ta vẫn còn chưa quen gọi điện thoại cơ mà.”

Tôi nghe thấy tiếng cửa trước đóng lại. Một phút sau Pascagoula đã có mặt trong phòng nghỉ.

“Mẹ tôi ở ngoài hiên sau nhà ấy,” tôi nói với cô, nhưng Pascagoula không cười, thậm chí còn không ngước len nhìn tôi. Cô chỉ đưa cho tôi một chiếc phong bì nhỏ.

“Chị ấy định gửi đi nhưng tôi bảo sẽ đưa thẳng cho cô luôn.”

Mặt trước phòng bì ghi người nhận là tôi, không có địa chỉ người gửi. Dĩ nhiên không dòng ZIP code nào cả. Pascagoula đã bỏ ra hiên sau.

Tôi mở thư. Lá thư được viết tay bằng bút mực đen, trên nền giấy vở học sinh kẻ dòng xanh.

Cô Skeeter,

Rất mong cô thứ lỗi cho tôi vì không thể giúp cô thực hiện tập truyện được nữa. Tôi muốn đích thân cho cô biết nguyên do tại sao. Như cô đã biết, tôi từng giúp việc cho một người bạn của cô. Tôi không thích làm việc cho cô ta và đã rất nhiều lẩn tôi muốn thôi việc nhưng không có gan. Tôi sợ mình sẽ không bao giờ kiếm được công việc nào khác nữa, một khi cô ta đã có lời.

Có lẽ cô không biết rằng sau khi học xong trung học tôi đã vào đại học. Tôi đã có thể tốt nghiệp song lại bỏ ngang để đi lấy chồng. Đó là một trong những điều hối tiếc ít ỏi trong đời tôi, không lấy bằng đại học. Tuy vậy, tôi lại có hai đứa con trai sinh đôi, chúng khiến sự hy sinh của tôi không còn vô nghĩa nữa. Suốt mười năm qua, hai vợ chồng tôi đã dành dụm tiền của để cho hai anh em vào Đại học Tougaloo, nhưng dù làm việc cật lực, chúng tôi vẫn không kiếm đủ số tiền cho cả hai đứa. Hai đứa con trai tôi đều thông minh, đều khao khát được học hành. Song chúng tôi chỉ lo nổi cho một đứa; tôi xin hỏi cô, cô sẽ chọn để đứa nào vào đại học và đứa nào đi trát vữa? Làm sao cô nói với một đứa rằng cô yêu nó cũng nhiều như đứa kia, nhưng cô đã quyết định nó sẽ là đứa không được nhận cơ hội đổi đời? Cô không thể. Cô phải tìm ra một cách nào đó để biến giấc mơ thành sự thật. Bất cứ cách nào.

Tôi nghĩ cô có thể xem bức thư này thư một lời thú tội. Tôi đã ăn trộm của người đàn bà đó. Một chiếc nhẫn ruby xấu xí, hy vọng nó có thể trang trải được phần học phí còn thiếu. Đó là món nữ trang cô ta không bao giờ đeo và tôi cảm thấy cô ta mắc nợ tôi, vì tất cả những gì tôi đã phải chịu đựng khi làm việc cho cô ta. Tất nhiên giờ đây, không còn đứa con trai nào của tôi có cơ hội vào đại học nữa. Tiền phạt đã ngốn gần hết số tiền chúng tôi dành dụm được từ trước đến nay.

Kính thư,

Yule May Crookle

Ô tù nữ số 9

Trại cải tạo bang Mississippi.

Trại cải tạo. Tôi rùng mình. Tôi nhìn quanh để tìm Pascagoula nhưng cô đã rời khỏi phòng. Tôi muốn hỏi cô chuyện này xảy ra khi nào, tại sao nó lại xảy ra nhanh đến vậy? Phải làm gì đây? Nhưng Pascagoula đã ra ngoài giúp mẹ. Chúng tôi không thể nói chuyện ngoài đó. Tôi thấy choáng váng, buồn nôn. Tôi bèn tắt phụt tivi.

Tôi nghĩ đến Yule May, ngồi trong phòng giam viết lá thư này. Tôi cá mình biết cả chiếc nhẫn Yule May nhắc tới - mẹ Hilly đã tặng cô ấy trong dịp sinh nhật tuổi mười tám. Vài năm trước, Hilly đã đem nó đi định giá và biết viên đá gắn trên nhẫn thậm chí còn không phải ruby, chỉ là đá màu bình thường, chẳng đáng giá gì. Kể từ đó Hilly không bao giờ đeo nó nữa. Tay tôi bỗng siết lại thành hai nắm đấm.

Tiếng kem lạnh được đánh tung lên ngoài hiên nghe lạo xạo như tiếng xương gãy. Tôi vào bếp ngồi chờ Pascagoula, để tìm ra câu trả lời. Tôi sẽ nói chuyện với bố. Xem bố có thể làm gì được không. Xem bố có biết luật sư nào sẵn sàng giúp đỡ không.

TÔI BƯỚC LÊN BẬC THỀM nhà Aibileen lúc tám giờ tối hôm đó. Lẽ ra đây sẽ là buổi phỏng vấn đầu tiên với Yule May và mặc dù tôi biết nó sẽ không xảy ra, tôi vẫn quyết định phải đến. Trời đang đổ mưa rào, gió giật liên hồi, tôi giữ chặt chiếc áo mưa quanh mình và chiếc túi. Tôi cứ nghĩ mình sẽ gọi cho Aibileen để bàn bạc, song tôi lại không tài nào làm như vậy được. Thay vào đó, tôi kéo xềnh xệch Pascagoula lên gác để mẹ không nhìn thấy và hỏi cô mọi chuyện. “Yule May có một luật sư bào chữa rất giỏi,” Pascagoula nói. “Nhưng mọi người nói vợ ông thẩm phán là bạn thân của cô Holbrook và bình thường án phạt cho tội trộm cắp vặt là sáu nhưng cô Holbrook đã xúi giục để tòa tuyên lên bốn năm. Phiên tòa đó thực ra đã kết thúc trước cả khi nó bắt đầu.”

“Tôi có thể nhờ bố. Bố có thể tìm cho cô ấy một... luật sư da trắng.”

Pascagoula lắc đầu, đáp, “Ông ta là luật sư da trắng đấy chứ.”

Tôi gõ lên cửa nhà Aibileen, lòng tràn ngập lỗi hổ thẹn. Giờ đây, khi Yule May đang ngồi trong tù, lẽ ra tôi không nên nghĩ đến những rắc rối của riêng mình, song tôi biết chuyện này ảnh hưởng tới cuốn sách kinh khủng đến nhường nào. Nếu hôm qua những người giúp việc mới chỉ e ngại không dám giúp tôi, tôi chắc chắn hôm nay họ sẽ khiếp đảm vô cùng.

Cửa mở ra và một người đàn ông da màu đứng đó nhìn tôi trân trân, cổ áo sơ mi trắng sáng lóa. Tôi nghe tiếng Aibileen nói, “Không sao đâu, thưa Cha.” Ông ta hơi lưỡng lự, nhưng rồi cũng nhường lối cho tôi vào.

Tôi bước vào nhà và thấy ít nhất phải có đến hai chục con người đứng chen vai thích cánh trong căn phòng khách bé tí và cả hành lang. Tôi còn không nhìn thấy sàn nhà. Aibileen đã mang hết ghế trong bếp ra, nhưng đa phần mọi người đều đứng. Tôi nhác thấy Minny trong góc, vẫn mặc nguyên bộ đồng phục. Tôi nhận ra người giúp việc của Lou Anne Templeton, Louvenia, đứng cạnh cô, còn lại tất cả đều là người lạ.

“Chào cô Skeeter,” Aibileen thì thầm. Bác ấy vẫn mặc bộ đồng phục trắng và đi đôi giày mềm màu trắng.

“Tôi...” Tôi chỉ tay ra sau lưng, lí nhí. “Tôi sẽ quay lại vào lúc khác.”

Aibileen lắc đầu. “Yule May vừa gặp một chuyện kinh khủng lắm.”

“Tôi biết,” tôi nói. Cả căn phòng im phăng phắc, chỉ có vài tiếng ho hắng. Một chiếc ghế khẽ cọt kẹt. Những cuốn sách của Hymn xếp thành chồng trên một cái bàn gỗ nhỏ.

“Tôi mới biết hôm nay,” Aibileen nói. “Cô ấy bị bắt hôm thứ Hai, thứ Ba đã vào trại rồi. Họ nói phiên tòa chỉ diễn ra trong vòng mười lăm phút.”

“Cô ấy có gửi cho tôi một lá thư,” tôi nói. “Cô ấy đã kể cho tôi biết về hai cậu con trai. Pascagoula chuyển thư cho tôi.”

“Yule May có nói với cô là cô ấy chỉ còn thiếu bảy mươi nhăm đô-la tiền đóng học phí không? Cô ấy đã thử hỏi vay cô Hilly. Bảo khoảng vài tuần nữa cô ấy sẽ hoàn đủ, nhưng cô Hilly nói không. Rằng một tín đồ thiên chúa giáo chân chính không bố thí cho những kẻ đã quá sung túc và dư dả. Rồi để họ tự học cách xoay xở mới là nhân đạo.”

Trời ơi, tôi không thể tưởng tượng nổi Hilly lại mở mồm nói những câu cạn tàu ráo máng đến thế. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt Aibileen.

“Nhưng cả nhà thờ đã họp lại. Họ quyết định sẽ lo đủ tiền cho cả hai thằng bé vào đại học.”

Gian phòng lặng như tờ, chỉ có tiếng Aibileen và tôi rì rầm. “Chị xem tôi có thể làm được gì chăng? Tôi giúp gì được? Tiền hay...”

“Không. Nhà thờ đã lên kế hoạch trả thù lao cho luật sư rồi. Để ông ta thuyết phục tòa cho cô ấy được hưởng quyền tạm tha.” Mặt Aibileen cúi gằm. Tôi chắn chắn đó là vì bác ấy cảm thương cho Yule May, song tôi ngờ rằng bác cũng hiểu cuốn sách thế là hết. “Đến lúc cô ấy ra tù, hai đứa đã là sinh viên năm cuối rồi. Tòa tuyên phạt cô ấy bốn năm tù và năm trăm đô-la tiền phạt.”

“Aibileen, tôi rất tiếc,” tôi nói. Tôi nhìn quanh khắp lượt mọi người đang có mặt trong căn phòng, đầu họ cúi gằm như thể chỉ cần nhìn tôi cũng sẽ khiến họ bốc cháy. Tôi bèn cụp mắt xuống.

“Con đàn bà đấy đúng là đồ quỷ sứ!” Minny gầm lên từ đầu kia ghế sofa, tôi run bắn người, thầm mong cô không ám chỉ mình.

“Chắc chắn con Hilly Holbrook được lũ quỷ phái đến để làm hại mọi người!” Minny đưa tay áo lên quệt mũi.

“Minny, thôi nào,” vị linh mục nói. “Ta sẽ bàn xem có thể giúp gì được cho cô ấy.” Tôi nhìn những khuôn mặt hốc hác, tự hỏi liệu họ giúp gì được đây.

Căn phòng lại chìm trong im lặng, sự im lặng cơ hồ không thể chịu nổi. Không khí nóng sực và xông lên mùi cà phê cháy. Tôi bỗng cảm thấy mình đơn độc xiết bao, ở chính nơi tôi gần như đã quen thân. Tôi cảm thấy cả sức nóng của nỗi thù ghét và mặc cảm tội lỗi.

Vị mục sư hói đầu cầm chiếc khăn mùi soa chùi mắt. “Aibileen, cảm ơn con đã mời chúng ta tới đây để cầu nguyện.” Mọi người bắt đầu lục tục ra về, chúc nhau ngủ ngon với những cái gật đầu nghiêm nghị. Túi xách được nhặt lên, mũ mão được đội trên đầu. Vị mục sư mở cửa, một luồng không khí ẩm ướt từ bên ngoài tràn vào nhà. Một người phụ nữ có mái tóc hoa râm xoăn tít mặc chiếc áo khoac đen đi sát gót ông ta, nhưng đột nhiên bà ta dừng lại ngay trước mặt tôi, đúng nơi tôi đang đứng vớ chiếc túi trong tay.

Hai vạt áo mưa hơi hé ra để lộ bộ đồng phục trắng bên trong.

“Cô Skeeter,” bà ta nói, miệng không mỉm cười, “tôi sẽ giúp cô viết truyện.”

Tôi quay sang nhìn Aibileen. Lông mày bác ấy nhướng lên, miệng há hốc. Tôi quay lại nhìn người phụ nữ nhưng bà ta đã ra khỏi của.

“Tôi sẽ giúp cô, cô Skeeter.” Lần này là một phụ nữ khác, dáng người cao và gọn, cũng với cái nhìn lặng lẽ như người đầu tiên.

“Vâng, cảm ơn... chị,” tôi nói.

“Cô Skeeter, tôi nữa. Tôi sẽ giúp cô.” Một người mặc chiếc áo khoác đỏ bước qua rất nhanh, thậm chí còn không nhìn vào mắt tôi.

Sau người đầu tiên, tôi bắt đầu nhẩm tính. Năm. Sáu. Bảy. Tôi gật đầu với họ, không biết nói gì khác hơn là cảm ơn. Cảm ơn. Vâng, cảm ơn chị, với từng người. Cảm giác thanh thản của tôi nhuốm đầy vị cay đắng, bởi chính án tù của Yule May đã đưa chúng tôi đến ngày hôm nay.

Tám. Chín. Mười. Mười một. Không ai cười khi nói họ muốn giúp tôi. Căn phòng dần sạch bóng người, chỉ còn lại Minny. Cô đứng ở một góc xa, tay khoanh lại trước ngực. Khi tất cả mọi người đã ra về hết, cô ngước mắt lên và bắt lấy ánh nhìn trân trối của tôi chỉ trong một tích tắc rồi lại dán lên đợt rèm nâu che ô cửa sổ phía bên kia căn phòng. Nhưng tôi đã thấy hết, nụ cười mỉm rất nhẹ thoáng qua môi cô, một tia dịu dàng ẩn dưới cơn thịnh nộ của cô. Minny đã biến điều đó thành hiện thực.

DO TẤT CẢ CÁC THÀNH VIÊN đều vắng mặt, nhóm chúng tôi không tụ tập chơi bài suốt một tháng ròng. Hôm thứ Tư, chúng tôi họp nhau lại tại nhà Lou Anne Templeton, chào nhau bằng những cái vỗ tay và “gặp lại cậu, tớ vui quá.”

“Lou Anne, tội chưa kìa, trời nóng thế này mà phải mặc áo dài tay ư. Bệnh eczema của chị lại tái phát à?” Elizabeth xuýt xoa, vì Lou Anne đang mặc một chiếc váy len xám giữa cái nóng đổ lửa của mùa hè.

Lou Annes cụp mắt nhìn xuống, xem ra cô ta ngượng lắm. “Ừ, dạo này tôi còn bị nặng hơn nữa.”

Nhưng tôi không tài nào chịu nổi cảm giác phải chạm vào Hilly khi cô bước tới ôm lấy tôi. Thấy tôi lùi lại tránh, cô vờ như không để ý. Nhưng suốt buổi, cô không ngùng săm soi tôi với đôi mắt nheo nheo.

“Cậu định làm gì?” Elizabeth hỏi Hilly. “Cậu cứ đưa bọn nhóc qua chơi lúc nào cũng được, nhưng... ừm...” Trước buổi họp hội chơi bài, Hilly đã thả Heather và Wiiliam ở nhà Elizabeth cho Aibileen trông trong khi chúng tôi chơi. Song tôi thừa hiểu thông điệp trong nụ cười chua chát của Elizabeth: cô tôn thờ Hilly, nhưng Elizabeth không thể chịu nổi ý nghĩ phải chia sẻ người giúp việc của mình với bất kỳ ai.

“Tớ biết ngay mà. Tớ biết ngay con mụ đấy là một con ăn cắp, ngay từ ngày đầu tiên nó vào làm việc.” Khi kể lại chuyện xảy ra với Yule May, Hilly vòng ngón tay lên không khí, khoanh thành một hình tròn to tướng, ám chỉ một viên đá khổng lồ, giá trị vượt mọi sự tưởng tượng của viên “ruby” nọ.

“Tớ bắt quả tang nó lấy sữa đã hết hạn mang về nhà. Cái giống chúng nó là thế, đầu tiên thì bột giặt, rồi đến khăn, áo. Chẳng mấy chốc, đến cả đồ gia bảo nhà mình nó cũng cuỗm, rồi đem cầm để mua rượu nốc. Có trời biết được con mụ đấy đã ăn cắp những gì nữa.”

Tôi cố gắng kìm nén ước muốn bẻ gãy đôi từng ngón tay cô ta, nhưng tôi làm thinh. Cứ để cô ta nghĩ mọi sự vẫn êm đẹp. Như thế sẽ an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Chơi xong, tôi vội vã về nhà để sửa soạn tới nhà Aibileen tối nay, tôi nhẹ cả người vì chẳng còn ai ở nhà. Tôi điểm qua những tin nhắn Pascagoula chuyển lại cho mình - Patsy, bạn chơi tennis của tôi, Celia Foote, người tôi không hề quen biết. Vợ Johnny Foote gọi cho tôi làm gì nhỉ? Minny đã bắt tôi thề không bao giờ gọi lại cho cô ta, và tôi cũng chẳng có thời gian để thắc mắc. Tôi còn phải chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc phỏng vấn.

SÁU GIỜ TỐI HÔM ĐÓ, tôi ngồi trong bếp nhà Aibileen. Chúng tôi đã lên lịch để tôi đến đây hầu như hàng ngày cho đến khi nào kết thúc công việc. Cứ hai ngày, một người phụ nữ da màu khác lại gõ lên cửa hậu nhà Aibileen và ngồi vào bàn cùng tôi, kể cho tôi nghe chuyện của mình. Đã có mười một người đồng ý cho chúng tôi phỏng vấn, không kể Aibileen và Minny. Như vậy tổng cộng chúng tôi có mười ba câu chuyện trong khi bà Stein chỉ đòi mười hai, tôi nghĩ chúng tôi thật may mắn. Aibileen thường đứng cuối bếp lắng nghe. Người đầu tiên tên là Alice. Tôi không hỏi họ của cô ấy.