Người giúp việc - Chương 21

CHÚNG TÔI ĐỨNG giữa phòng nghỉ, cả mẹ, bố và tôi, - tròn mắt nhìn chiếc hộp bạc trên cửa sổ. Cái hộp phải to ngang động cơ xe tải, có mấy chiếc núm lồi hẳn ra, toàn thân bọc crôm sáng lóa, và lung linh hy vọng của thời hiện đại. Trên máy chỉ có vỏn vẹn một chữ, Fedders.

“Mấy ông Fedders này là ai thế?” Mẹ hỏi. “Họ là người vùng nào?”

“Kìa, em ra bật thử đi, Charlotte.”

“Thôi, em không bật đâu. Trông ghê lắm.”

“Lạy Chúa, kìa mẹ. Bác sỹ Neal bảo mẹ cần nó mà. Thôi, bố mẹ đứng lùi lại đi.” Bố mẹ trợn mắt nhìn tôi. Họ không biết Stuart đã chia tay tôi ngay sau bữa tối ở nhà Whitworth. Cũng như cảm giác khuây khỏa mà tôi vẫn mong chờ từ chiếc máy này. Rằng mỗi phút mỗi giây tôi đều cảm nhận rõ cái nóng như thiêu như đốt, bỏng rát và đau đớn, tới mức tôi nghĩ mình sắp bốc cháy mất.

Tôi xoay chiếc núm sang số “1.” Trên đầu, mấy chiếc bóng đèn chùm mờ hẳn. Tiếng ù ù lớn dần như thể chiếc máy đang ì ạch bò lên đỉnh đồi. Tôi thấy vài lọn tóc của mẹ khẽ phất phơ trong không khí.

“Ôi... chao,” mẹ xuýt xoa và nhắm mắt lại. Dạo này mẹ nhọc người lắm, tình trạng mấy khối u của mẹ ngày càng trầm trọng hơn. Bác sỹ Neal nói nên giữ cho căn nhà mát mẻ, vì chí ít như thế mẹ cũng cảm thấy dễ chịu hơn.

“Đấy chưa phải là công suất tối đa đâu đấy,” tôi nói và xoay thêm một nấc nữa, lên số “2.” Luồng gió thổi mạnh hơn mật chút, hơi lạnh rõ thêm, cả ba người chúng tôi đều cười, những giọt mồ hôi trên trán đã bốc hơi đi đâu hết.

“Đã thế, ta bật hết cỡ luôn đi,” bố nói, và xoay sang số “3,” mức cao nhất, lạnh nhất, chế độ tuyệt vời nhất, còn mẹ cười rinh rích. Chúng tôi đứng đó, mồm há hốc như có thể ăn tươi nuốt sống nó ngay cũng được. Ánh đèn lại sáng lên, tiếng rù rù càng to hơn, nụ cười của c nhà kéo rộng ra thêm, và rồi đột nhiên mọi thứ chết cứng. Tối om.

“Có... chuyện gì thế?” Mẹ hỏi.

Bố nhìn lên trần nhà rồi đi ra hành lang.

“Cái máy chết tiệt làm nổ cầu chì mất rồi.”

Mẹ cầm chiếc khăn tay phe phẩy trên cổ. “Trời đất, Carlton, anh đi sửa nhanh lên.”

Trong suốt một giờ đồng hồ, tôi nghe tiếng bố và Jameso hết gạt cần nhấn nút rồi gõ búa vặn kìm, tiếng bốt dậm thình thịch trên mái nhà. Sau khi hai người đã sửa xong và tôi phải ngồi chịu đựng bản trường ca của bố rằng không bao giờ được bật điều hòa lên nấc “3” nữa kẻo nó sẽ khiến cả căn nhà này nổ tung thành bụi cám, hai mẹ con ngồi nhìn không chớp mắt trong khi một lớp hơi lạnh mỏng dần kéo lên những ô cửa sổ. Mẹ nằm gà gật trên ghế phô tơi, tấm chăn xanh kéo lên tận ngực. Tôi chờ tới khi mẹ ngủ hẳn, dỏng tai nghe mẹ ngáy nhè nhẹ, nếp nhăn hằn trên trán. Tôi rón rén mò ra tắt hết đèn đóm tivi, tất cả mọi đồ vật tiêu thụ điện ở tầng trệt trừ tủ lạnh. Tôi đứng trước cửa sổ và cởi bớt khuy áo sơ mi. Thật thận trọng, tôi xoay núm nhiệt độ sang số “3.” Vì tôi ước sao mình không còn cảm thấy gì nữa. Tôi muốn gan ruột đóng thành băng hết. Tôi muốn cái lạnh tê tái xối thẳng vào trái tim mình.

Điện đóm tắt phụt chỉ sau có ba giây.

HAI TUẦN TIẾP ĐÓ, tôi vùi mình trong những cuộc phỏng vấn. Tôi để máy đánh chữ ở hiên sau và miệt mài làm việc suốt ngày dài cho tới đêm khuya. Mấy bức vách lưới khiến khoảng sân xanh rì nom mờ mờ ảo ảo. Đôi khi tôi bỗng bắt gặp chính mình đang ngẩn ngơ nhìn ra cánh đồng: nhưng tôi không còn ở đây nữa. Tôi đang đứng giữa những căn bếp ở Jackson ngày xưa cùng những người giúp việc, toàn thân nóng ran và nhễ nhại mồ hôi trong bộ đồng phục trắng. Tôi cảm thấy cơ thể mềm mại của những đứa bé da trắng đang thở đều đều trên ngực tôi. Tôi cảm thấy những gìConstantine cảm thấy khi mẹ đưa tôi từ bệnh viện về và trao tôi vào tay bác. Tôi để những ký ức da màu cuốn mình khỏi cuộc đời khổ sở tăm tối của riêng tôi.

“Skeeter, cả mấy tuần nay chả thấy tăm hơi Stuart đâu nhỉ,” mẹ nói đến lần thứ tám. “Cậu ấy không giận con chuyện gì chứ?”

Lúc đó, tôi đang ngồi viết bài cho mục của cô Myrna. Bài viết trước cho số ba tháng nữa, không hiểu bằng cách nào, tôi đã bỏ xa hạn chót cả quãng dài ngoằng. “Anh ấy vẫn thế mà mẹ. Chẳng lẽ phút nào anh ấy cũng phải gọi cho nhà mình hay sao.” Nhưng rồi tôi dịu giọng. Cứ mỗi ngày trôi qua mẹ lại gầy đi một ít. Mũi xương đòn nhọn hoắt của mẹ đủ sức dập tắt mọi cơn giận dữ của tôi trước câu hỏi của mẹ. “Anh ấy đi công tác thôi mà mẹ.”

Lý do ấy khiến mẹ nguôi ngoai phần nào và tôi cũng dùng nó với Elizabeth, nhưng mắm muối thêm ít chi tiết khi nói cho Hilly, tôi phải tự cấu tay mình để dằn lòng chịu đựng nụ cười nhạt nhẽo của cô. Nhưng tôi không biết phải tự nói với mình thế nào. Stuart cần “không gian” và “thời gian,” cứ như đó là những khái niệm vật lý, chứ chẳng phải một mối quan hệ tình cảm vậy.

Vì vậy thay vì mỗi phút mỗi giờ đều sụt sùi cám cảnh cho thân mình, tôi lao vào làm việc. Tôi đánh máy. Tôi đổ mồ hôi. Ai mà ngờ nổi cảm giác thất tình lại nóng nực như thế. Khi mẹ nằm nghỉ trên giường, tôi lê ghế đến ngồi dưới máy điều hòa và nhìn nó chòng chọc. Đến tháng Bảy, nó trở thành một ngôi miếu bạc. Tôi thấy cả Pascagoula cũng vờ một tay cầm chổi phủi bụi, còn tay kia kéo đuôi tóc lên, hướng về chiếc máy. Đó cũng chẳng phải là phát minh gì mới lạ lắm, song tất cả mọi cửa tiệm trong thị trấn đã lắp điều hòa đều trưng biển báo lên cửa kính, và không quên đưa nó vào các tờ quảng cáo vì chiếc máy quả thật rất quan trọng. Tôi cũng làm một tấm biển báo bằng bìa cho ngôi nhà của gia đình Phelan, ĐÃ CÓ MÁY ĐlỀU HÒA, treo ngay trên nắm đấm cửa ra vào. Mẹ cười, nhưng vờ như chẳng hứng thú gì với ý tưởng đó.

Trong một buổi tối hiếm hoi ở nhà, tôi ngồi cùng bố và mẹ bên bàn ăn. Mẹ nhấm từng tí thức ăn một. Cả buổi chiều mẹ cố giấu để tôi khỏi biết mẹ bị nôn. Mẹ ép ngón tay lên mũi để át đi cơn đau đầu và nói, “Mẹ đang tính chọn ngày hai nhăm, con thấy mời nhà cậu ấy sang hôm đấy có sớm quá không?” còn tôi vẫn chưa có đủ can đảm thú thật với mẹ rằng Stuart và tôi đã chia tay.

Nhưng tôi nhìn thấy trên khuôn mặt mẹ, rằng tối nay tình trạng của mẹ tệ hơn xấu rất nhiều. Mẹ xanh rớt và đang cố ngồi thẳng lâu hơn mức tôi biết mẹ muốn. Tôi cầm tay mẹ và nói, “Để con xem xem. Con nghĩ hai nhăm được đấy.” Mẹ mỉm cười lần đầu tiên trong cả ngày hôm ấy.

* * *

AIBILEEN MỈM CƯỜI nhìn tập giấy nằm trên bàn bếp. Nó dày khoảng hai phân rưỡi, chữ được gõ cách dòng, và bắt đầu ra dáng một sản phẩm có thể đứng trên giá sách. Aibileen cũng mệt nhoài y như tôi, thậm chí hơn vì bác ấy đã phải làm việc cả ngày rồi về nhà lại lo mấy cuộc phỏng vấn buổi tối.

“Xem này,” bác ấy nói. “Gần giống một quyển sách rồi đấy.”

Tôi gật đầu, gắng sức mỉm cười, nhưng còn vô khối công việc cần làm. Giờ đã gần sang tháng Tám và mặc dù tháng Một mới là hạn chót, song chúng tôi vẫn còn phải tinh lọc năm bài phỏng vấn nữa. Nhờ có sự giúp đỡ của Aibileen, tôi đã trau chuốt lại và cắt sửa chương truyện của năm người, bao gồm cả Minny, song mấy phần này vẫn cần chỉnh lý thêm. May sao, chương của Aibileen đã hoàn tất. Nó bao gồm hai mươi mốt trang giấy, viết bằng giọng văn khúc chiết, giản dị.

Có khoảng vài chục cái tên mới được bịa ra, cả tên người da trắng và người da đen, nhiều lúc rất khó để tìm được tên hay cho tất cả mọi người. Từ đầu chí cuối, Aibileen đều là Sarah Ross. Minny chọn tên Gertrude Black, tôi không rõ vì lý do gì. Tôi chọn Vô Danh, mặc dù bà Elaine Stein vẫn chua biết đến vụ này. Niceville,Mississippi, là tên của thị trấn vì nó không tồn tại, nhưng chúng tôi quyết định lấy tên một bang có thật, như thế có lẽ người đọc sẽ chú ý hơn. Và vì Mississippi tình cờ lại là khu vực có tình hình đen tối nhất, nên chúng tôi nghĩ nên dùng tên đó luôn.

Một cơn gió luồn qua khe cửa và thổi mấy trang trên cùng bay lật phật. Cả hai chúng tôi cùng đập tay xuống để giữ chúng khỏi bay mất.

“Cô có nghĩ... bà ấy sẽ muốn in nó không?” Aibileen hỏi. “Khi nào ta viết xong ấy?”

Tôi cô mỉm cười với Aibileen, trưng ra một vẻ tự tin giả tạo. “Tôi hy vọng thế,” tôi nói bằng giọng hồ hởi hết mức có thể. “Bà ấy có vẻ rất thích ý tưởng này và bà ấy... ừm, cuộc tuần hành sắp diễn ra và...”

Tôi nghe thấy giọng mình đuối dần. Thực ra tôi không hề biết bà Stein có muốn in thành sách không. Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là trách nhiệm thực hiện dự án này dồn cả vào vai mình và tôi nhìn thấy trong những buổi làm việc miệt mài của họ, trên những khuôn mặt hằn dấu nếp nhăn, rằng tất cả nhóm người giúp việc đều mong cuốn sách sẽ được xuất bản. Họ luôn sợ hãi, cứ mười phút lại liếc cửa một lần, lo mình sẽ bị bắt quả tang khi đang nói chuyện với tôi. Lo mình sẽ bị đánh đập như cháu trai của Louvenia, hoặc, khốn nạn hơn, bị bắn chết ngay ở sân trước nhà mình như Medgar Evers. Những hiểm nguy đang rình rập họ là bằng chứng cho thấy họ mong cuốn sách được in ra, rất mong là đằng khác.

Tôi không còn có cảm giác mình được bảo vệ v tôi trắng. Tôi thường xuyên phải kiểm tra phía sau lưng mình khi lái xe đến nhà Aibileen. Gã cảnh sát đã chặn xe tôi cách đây vài tháng luôn nhắc tôi nhớ rằng: Giờ đây tôi là một mối đe dọa đối với mỗi gia đình da trắng trong thị trấn này. Mặc dù có rất nhiều câu chuyện vui, phản ánh tình cảm gắn bó thân thiết giữa người giúp việc và nhà chủ, song chính những câu chuyện đen tối mới thu hút sự chú ý của người da trắng. Chúng sẽ khiến máu họ sôi lên và nắm đấm của họ vung cao. Chúng tôi cần phải giữ bí mật tuyệt đối về cuốn sách.

TÔI CỐ TÌNH ĐẾN MUỘN NĂM PHÚT trong cuộc họp Hội tối thứ Hai, buổi họp đầu tiên trong vòng một tháng qua. Trước đó Hilly đi nghỉ ngoài biển, cô không dám cho phép bất kỳ một cuộc họp nào diễn ra mà không có mình. Giờ cô rám nắng và đã sẵn sàng thực hiện vai trò chủ trì của mình. Cô giơ chiếc búa lên như một món vũ khí. Xung quanh tôi, đám phụ nữ ngồi hút thuốc, gõ tàn xuống những chiếc gạt tàn thủy tinh đặt trên sàn nhà. Tôi cắn móng tay để ngăn mình bập một hơi thuốc. Đã sáu ngày nay tôi không dám hút hít gì.

Ngoài sự vắng bóng của điếu thuốc trên tay, tôi run lên bởi chính những khuôn mặt quanh mình. Tôi dễ dàng nhận ra bảy người trong phòng có liên quan đến ai đó trong cuốn sách, nếu không cũng đích thân xuất hiện trong đó. Tôi muốn biến khỏi đây ngay lập tức và quay lại với công việc của mình, song phải sau khi hai tiếng đồng hồ nóng bức và dài dằng dặc trôi qua, Hilly mới gõ cây búa của mình xuống. Tới lúc đó, đến cô nom cũng chán nản khi phải nghe giọng nói của chính mình.

Mọi người đứng dậy và vươn vai. Vài người đi về ngay, háo hức muốn đoàn tụ với các đức ông chồng. Số khác còn nấn ná ở lại, những người có một lũ con lít nhít phải chăm trong khi người giúp việc đã hết giờ làm. Tôi vội vã sắp xếp tư trang, thầm mong không phải nói chuyện với ai, nhất là Hilly.

Nhưng trước khi tôi kịp lủi đi, Elizabeth đã bắt được ánh mắt tôi và vẫy tôi lại gần. Hàng tuần nay tôi chưa hề gặp cô nên không thể tránh mặt cô được nữa. Tôi cảm thấy thật tội lỗi vì chưa đến thăm cô. Elizabeth vịn lưng ghế và đứng lên. Cái thai đã sang tháng thứ sáu, nom cô có vẻ chuếnh choáng vì thuốc an thai.

“Cậu thấy sao rồi?” Tôi hỏi. Mọi bộ phận trên người cô đều y hệt trước kia, ngoại trừ cái bụng to lùm lùm. “Lần này cảm giác có khá hơn không?”

“Trời ạ, không, mệt quá đi mất, thế mà tớ vẫn còn ba tháng chịu đựng nữa.

Cả hai chúng tôi cùng im lặng. Elizabeth khẽ ợ một tiếng nhỏ, và nhìn đồng hồ. Cuối cùng, cô nhấc túi lên chuẩn bị ra về, nhưng rồi cô cầm lấy tay tôi. “Tớ vừa nghe,” cô thì thầm, “chuyện của cậu và Stuart. Tớ rất tiếc.”

Tôi nhìn xuống. Tôi không ngạc nhiên vì cô biết tin, chỉ bất ngờ tại sao đến giờ này chuyện mới vỡ lở. Tôi chưa nói cho bất kỳ ai, nhưng tôi đoán chính Stuart đã nói. Mới sáng nay, tôi đã phải nói dối mẹ rằng gia đình Whiworth sẽ đi vắng vào ngày hai lăm, ngày mẹ đã ấn định sẽ mời họ đến nhà.

“Tớ xin lỗi vì đã không kể cho cậu biết,” tôi nói. “Tớ không muốn nhắc đến chuyện đó.”

“Tớ hiểu mà. Thôi chết, tớ phải về đây, kẻo Raleigh phát điên vì con bé mất.” Cô đưa mắt nhìn sang phía Hilly lần cuối. Hilly cười và gật đầu cho phép cô đi.

Tôi nhặt nhạnh giấy tờ thật nhanh, rồi quay đi. Trước khi kịp bước khỏi cửa, tôi nghe thấy tiếng cô ta.

“Skeeter, đợi đã?”

Tôi thở dài, quay lại và mặt đối mặt với Hilly. Cô mặc chiếc váy thủy thủ màu xanh hải quân, thứ người ta vẫn hay xỏ cho các bé gái năm tuổi. Những đường ly quanh eo cô mở xòe ra như múi đàn accordion. Căn phòng trống trơn, chỉ còn lại hai chúng tôi.

“Chúng ta bàn chuyện một chút được chứ, thưa quý cô?” Cô giơ tờ báo hội số mới nhất lên và tôi thừa hiểu điều gì sắp đến.

“Tớ không ở lại được đâu. Mẹ tớ đang ốm...”

“Tớ đã bảo cậu đăng sáng kiến của tớ từ năm tháng trước và giờ đã thêm một tuần nữa trôi qua mà cậu vẫn không làm theo lời tớ dặn.”

Tôi nhìn cô chằm chằm, con giận dữ đột nhiên trào lên sôi sục. Tất cả những gì tôi đã đào sâu chôn chặt suốt bao nhiêu tháng qua bùng lên và phun qua họng tôi.

“Tớ sẽ không đăng sáng kiến đó.”

Cô nhìn tôi, không nhúc nhích. “Tớ muốn sáng kiến đó xuất hiện trên báo hội trước ngày bầu cử,” cô nói và chỉ lên trần nhà, “nếu không tớ sẽ gọi lên gác, hiểu không?

“Nếu cậu định đá tớ khỏi Hội, tớ sẽ đích thân gọi cho cô Genevieve von Hapsburg trên New York,” tôi đay nghiến, vì tôi tình cờ biết được Genevieve chính là thần tượng của Hilly. Cô ta là chủ tịch Hội phụ nữ toàn quốc trẻ nhất trong lịch sử, có lẽ là người duy nhất trên đời này khiến Hilly kiêng nể. Song Hilly vẫn chẳng mảy may xúc động.

“Rồi cậu định nói gì, Skeeter? Nói rằng cậu không hoàn thành nhiệm vụ của mình ư? Rằng cậu tha lôi những tài liệu kích động bọn da màu đi khắp nơi ư?”

Tôi quá phẫn nộ, nên chẳng còn nao núng trước những lời đe dọa đó nữa. “Hilly, trả lại tớ ngay. Chính cậu đã lấy, đấy không phải đồ của cậu.”

“Ờ, tớ lấy đấy. Cậu chẳng có lý do gì để cầm những thứ như thế. Nếu có ai nhìn thấy thì sao?”

“Cậu là cái thá gì mà dám ra lệnh cho tớ được và không được cầm gì...”

“Skeeter, đó là nhiệm vụ của tớ! Cũng như tớ, cậu thừa hiểu rằng sẽ không một ai thèm mua một miếng bánh nào từ một tổ chức dám chứa chấp những kẻ âm mưu hợp nhất chủng tộc!”

“Hilly.” Tôi muốn nghe chính miệng cô ta nói. “Tiền bán bánh là để dành cho ai?”

Cô nhướng mắt. “Các trẻ em nghèo đói ở châu Phi?”

Tôi chờ cô ngộ ra sự tréo ngoe của nó, rằng cô ta đưa tiền cho những người da màu tận bên kia đại dương, thay vì bên kia thị trấn. Nhưng tôi bỗng nảy ra một ý hay hơn. “Tớ sẽ gọi cho cô Genevieve ngay bây giờ. Tớ sẽ nói cho cô ta biết cậu là một kẻ đạo đức giả.”

Người Hilly dựng đứng lên. Tôi nghĩ mình vừa đánh vào chỗ hiểm của cô bằng chính những lời đó. Nhưng rồi cô liếm môi, và khịt mũi một tiếng thật sâu và ầm ĩ.

“Hừm, chẳng trách tại sao Stuart Whitworth đá cậu.”

Tôi nghiến chặt răng để cô không thấy những lời ấy giáng cho tôi một đòn chí tử thế nào. Nhưng bên trong, tôi như biến thành một bờ dốc sụt, có cảm giác mọi thứ bên trong mình đang từ từ trôi tuột xuống sàn. “Tớ muốn lấy lại quyển sách luật,” tôi nói, giọng run lên.

“Vậy thì đăng sáng kiến

Tôi xoay lưng bước ra cửa. Tôi ném phịch chiếc túi vào trong xe và châm một điếu thuốc.

ĐÈN PHÒNG MẸ ĐÃ TẮT khi tôi về đến nhà và tôi lấy thế làm mừng. Tôi nhón chân bước xuống hành lang, ra hiên sau, khe khẽ đẩy cánh cửa lưới han gỉ đóng lại rồi ngồi xuống trước máy chữ.

Nhưng tôi không tài nào gõ nổi, chỉ trân mắt nhìn những ô vuông xam xám nhỏ xíu trên tấm lưới bao hiên sau. Tôi nhìn rất lâu, tưởng như chính mình đã đi xuyên qua nó. Tôi cảm thấy có gì đó trong mình nứt ra. Tôi bốc hơi. Tôi phát điên. Tôi điếc đặc trước cái điện thoại ngu ngốc câm lặng. Điếc đặc trước tiếng nôn ọe của mẹ trong nhà. Tiếng mẹ vẳng qua cửa sổ, “Anh Carlton, em không sao đâu, qua cơn rồi.” Tôi nghe thấy hết, vậy mà lại như chẳng nghe thấy gì cả. Chỉ còn những tiếng ù ù không dứt trong tai tôi.

Tôi với tay lấy chiếc túi và rút tờ giấy ghi sáng kiến của Hilly ra. Tờ giấy mềm oặt, ướt nhẹp vì hơi ẩm. Một con thiêu thân đáp xuống góc rồi vỗ cánh bay đi ngay, bỏ lại một vệt phấn nâu nâu.

Với những nhát gõ chậm rãi, thận trọng, tôi bắt đầu đánh máy bản tin mới: Sarah Shelby kết hôn với Robert Pryor; mời các bạn tham gia buổi trình diễn quần áo cho bé do Mary Katherine Simpson tổ chức; bữa tiệc trà để cảm ơn các nhà hảo tâm lâu năm. Rồi tôi gõ đến sáng kiến của Hilly. Tôi xếp nó ở trang thứ hai, đối diện với trang ảnh sự kiện. Đó là vị trí mọi người chắc chắn sẽ đọc được, sau khi họ xem chính mình tại Trại nghỉ hè. Khi gõ những dòng này, tôi chỉ nghĩ được duy nhất một điều, Constantine sẽ nghĩ gì về mình nhỉ?

 

 

AIBILEEN

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3