Người giúp việc - Chương 28-P2

Nhưng tôi đã lỡ nói ra mất rồi. Mẹ bắt tôi đi lấy cho mẹ quyển sổ séc lớn. Khi tôi quay lại, mẹ xé ra một tờ séc trắng, sau đó đưa tôi thêm tờ một trăm đô la mẹ đã gấp lại nhét trong ngăn bên chiếc ví của mình. Dường như chỉ riêng mấy chữ mua sắm cũng đủ khiến mẹ thấy phấn chấn lên.

“Đừng tiết kiệm làm gì. Và nhớ là không quần thụng quần thiếc gì đâu đấy. Con phải nhờ bà LaVole tư vấn nhé.” Mẹ ngả đầu xuống gối. “Bà ấy biết rõ các cô gái trẻ nên ăn mặc thế nào.”

Nhưng tôi không thể chịu được ý nghĩ bàn tay nhăn nheo của bà LaVole rờ rẫm trên cơ thể mình, phải ngửi mùi cà phê và băng phiến sực lên. Tôi lái xe xuyên qua khu trung tâm và lên đường cao tốc 51, thẳng hướng New Orleans. Tôi lái xe xuyên qua nỗi cắn rứt vì sẽ rời xa mẹ trong ngần ấy thời gian, tôi biết chiều nay bác sỹ Neal sẽ ghé qua còn bố luôn túc trực bên mẹ.

Ba tiếng sau, tôi bước vào trung tâm mua sắm Maison Blanche trên phố Canal. Tôi đã đến đây vô số lần với mẹ và hai lần với Elizabeth và Hilly, nhưng vẫn ngây ngất choáng ngợp trước những mặt sàn lát đá cẩm thạch rộng mênh mông, hàng dặm mũ và găng tay cùng những cô gái mặt hoa da phấn trông thật hạnh phúc, thật khỏe mạnh. Khi tôi còn chưa kịp mở miệng hỏi ai, một người đàn ông gầy nhom đã nói, “Mời cô đi với tôi, chúng tôi có đủ tất cả mọi thứ trên tầng,” và kéo tọt tôi vào thang máy lên thẳng tầng ba, đến một gian đề biển PHỤC TRANG CHO PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI.

“Cái gì đây?” Tôi hỏi. Trong sảnh đã có hàng chục phụ nữ cùng nhạc rock-and-roll nổi lên rộn ràng, có cả rượu champagne và những ánh đèn lấp lánh rực rỡ.

“Emilio Pucci, cưng ạ. Có thế chứ!” Anh ta bước lùi lại và hồi, “Không phải cô đến đây dự lễ ra mắt hay sao? Cô có giấy mời chứ?”

“À ờ, đâu nhỉ,” tôi nói, nhưng anh ta lập tức mất kiên nhẫn khi thấy tôi sục tay vào túi xách.

Khắp bốn phía quanh tôi, quần áo trông như vừa đâm rễ và bừng nở trên mắc treo. Tôi nghĩ đến bà LaVole và cười phá lên. Không có chỗ cho những bộ âu phục trứng Phục sinh ở đây. Hoa lá! Những đường kẻ sọc lớn sặc sỡ! Và những đường gấu váy phơi ra cả chục phân da đùi. Tất thảy đều sôi sục, lộng lẫy, và choáng ngợp. Cái ông Emilio Pucci này hẳn phải cắm ngón tay vào ổ điện mỗi sáng sớm chứ chẳng chơi.

Với tờ séc trắng trong tay, tôi mua đủ quần áo để nhồi kín băng ghế sau của con Cadillac. Sau đó trên phố Magazine, tôi bỏ ra mươi lăm đô-la để nhuộm sáng, tỉa và ép thẳng mái tóc. Sau một mùa đông, nó đã dài thêm ra và có màu hao hao nước rửa bát bẩn. Đến bốn giờ, tôi đã phóng xe qua cầu Hồ Pontchartrain, đài đang phát bài hát của một ban nhạc tên Rolling Stones còn gió thổi tung mái tóc suôn bóng mượt của tôi và tôi thầm nghĩ, Tối nay, mình sẽ trút bỏ toàn bộ lớp áo giáp và phô bày mọi sự thật trước Stuart.

STUART VÀ TÔI ăn bít tết Chateaubriand, cười và nói chuyện. Anh nhìn sang các bàn khác, bình phẩm về những người mình biết. Nhưng không ai đứng dậy để ra chào chúng tôi.

“Mừng sự khởi đầu mới,” Stuart nói và giơ cao ly rượu mạnh.

Tôi gật đầu và bỗng dưng muốn nói với anh rằng mọi khởi đầu đều mới cả. Nhưng thay vào đó, tôi mỉm cười và nâng cốc với ly rượu thứ hai. Tôi chưa bao giờ thực sự thích đồ uống có cồn, cho đến hôm nay.

Sau bữa tối, chúng tôi đi ra sảnh chờ và thấy Nghị sĩ cùng bà Whitworth ngồi ở một bàn, đang uống rượu. Những người xung quanh họ cũng đang uống rượu và chuyện trò. Stuart đã kể với tôi trước đó, hai ông bà về chơi nhà cuối tuần, lần đầu tiên kể từ ngày họ chuyển lên Washington.

“Stuart, bố mẹ anh kìa. Ta ra chào một câu đi?”

Nhưng Stuart xoay tôi về hướng cửa, và đẩy tôi ra ngoài theo đúng nghĩa đen.

“Anh không muốn mẹ nhìn thấy em mặc cái váy ngắn thế này,” anh nói. “Ý anh là, tin anh đi, cái váy này hợp với em lắm, nhưng...” Anh nhìn xuống gấu váy. “Có lẽ đó không phải lựa chọn tối ưu cho đêm nay.” Trên cuốc xe trở về nhà, tôi nghĩ đến Elizabeth, đầu cuốn đầy lô, lo sợ hội bài sẽ trông thấy tôi. Tại sao luôn có một ai đó cảm thấy hổ thẹn vì tôi?

Đến khi chúng tôi về tới Longleaf, lúc ấy đã là mười một giờ đêm. Tôi vuốt phẳng vạt váy, thầm nghĩ Stuart nói đúng. Nó ngắn quá. Đèn phòng ngủ của bố mẹ đã tắt, chúng tôi bèn ngồi xuống sofa.

Tôi dụi mắt và ngáp dài. Khi tôi mở mắt ra, anh đang cầm một chiếc nhẫn trong tay.

“Ôi... lạy Chúa.”

“Anh định làm lúc ở nhà hàng nhưng...” Anh cười rạng rỡ. “Ở đây hay hơn.”

Tôi chạm vào chiếc nhẫn. Nó lạnh băng và đẹp mê hồn. Ba viên đá ruby được cẩn xung quanh một viên kim cương. Tôi ngước lên nhìn anh, bất chợt thấy trong người nóng như thiêu như đốt. Tôi lắc chiếc áo len khoác trên vai xuống. Tôi tươi cười nhưng miệng lại chực bật khóc.

“Em phải nói với anh một chuyện, Stuart,” tôi buột miệng. “Anh hứa sẽ không nói với ai nhé?”

Anh nhìn tôi chằm chằm và bật cười. “Gượm đã, em đã nói vâng chưa?”

“Vâng, nhưng...” trước hết tôi phải biết một chuyện đã. “Anh hứa với em đi?”

Anh thở dài, mặt lộ vẻ thất vọng vì tôi nỡ phá hỏng giây phút này. “Được, anh hứa.”

Tôi vẫn chưa hết sốc bởi lời cầu hôn của anh nhưng tôi vẫn cố gắng giải thích rõ ràng hết mức có thể. Nhìn thẳng vào mắt anh ấy, tôi trình bày những sự việc và các chi tiết tôi có thể an tâm tiết lộ về cuốn sách và những gì tôi đã làm suốt năm vừa qua. Tôi không hề đả động đến tên một người nào hết, tôi hơi sững lại khi nhận ra ý nghĩa của hành động đó, tôi biết nó chẳng hay ho gì. Dù anh đã ngỏ lời xin làm chồng tôi, tôi vẫn chưa đủ hiểu anh để đặt niềm tin trọn vẹn vào anh.

“Đó là thứ em đã viết suốt mười hai tháng qua ư? Không phải... Chúa Jesus ư?”

“Không, Stuart. Không phải... Jesus.”

Khi tôi kể Hilly tìm thấy cuốn các điều luật Jim Crow trong túi tôi, cằm anh lập tức xệ xuống, tôi có thể thấy mình vừa xác nhận một chuyện Hilly đã nói với anh về tôi - một chuyện mà do niềm tin ngây thơ, anh đã không tin.

“Những lời đồn đại… trong thị trấn. Anh đã nói rằng họ hoàn toàn sai lầm. Nhưng họ đã... đúng.”

Khi tôi kể về những người giúp việc lũ lượt kéo nhau lướt qua trước mặt tôi sau buổi cầu nguyện tập thể, tôi bỗng thấy trong lòng trào dâng một niềm tự hào về những việc chúng tôi đã làm. Anh chỉ cắm mắt nhìn xuống cốc rượu đã sạch trơn.

Rồi tôi kể rằng tập bản thảo đã được gửi lên New York. Rằng nếu họ quyết định xuất bản, tôi đoán sách sẽ ra trong sáu tháng nữa, có khi sớm hơn. Vào tầm đấy, tôi thầm nghĩ với chính mình, một lời hứa hôn sẽ biến thành một đám cưới.

“Tên tác giả được đặt là vô danh,” tôi nói, “nhưng với con mắt của Hilly, thì vẫn có khả năng rất cao mọi người sẽ biết đó là em.”

Nhưng anh không gật đầu hay gài lọn tóc của tôi ra sau tai và chiếc nhẫn của bà nội anh nằm chỏng chơ trên chiếc ghế sofa bọc nhung của mẹ như một hình ảnh ước lệ nực cười. Cả hai chúng tôi đều im lặng. Mắt anh thậm chí còn không chạm mắt tôi. Chúng dừng lại cách bên phải khuôn mặt tôi đúng năm phân.

Sau một phút, anh nói, “Anh... anh không hiểu tại sao em lại làm việc này. Tại sao em lại... quan tâm đến nó, Skeeter?”

Người tôi cứng đơ, mắt nhìn xuống chiếc nhẫn, nó mảnh và sáng quá.

“Ý anh... không phải như vậy,” anh nói chữa. “Ý anh là, mọi chuyện đều đang tốt đẹp thế. Tại sao em lại muốn làm rối lên?”

Từ giọng nói của anh, tôi biết chắc anh thật tâm chờ đợi một câu trả lời từ phía tôi. Nhưng biết giải thích thế nào đây? Stuart, anh ấy là một người đàn ông tốt. Dù tôi biết những gì mình làm là đúng đắn, tôi vẫn hiểu cảm giác hoang mang ngờ vực của anh.

“Em không gây rắc rối. Rắc rối đã có từ trước rồi.”

Nhưng rõ ràng, đó không phải là câu trả lời anh đang tìm kiếm. “Anh không hiểu em.”

Tôi nhìn xuống, chợt nhớ chỉ mới vài phút trước đây thôi, tôi đã có ý nghĩ hệt như vậy. “Em nghĩ chúng ta còn có cả phần đời còn lại để khắc phục vấn đề đó kia mà,” tôi nói, cố nở nụ cười.

“Anh không... cho rằng anh có thể cưới một người mình không hiểu.”

Tôi hít vào một hơi. Miệng tôi mở ra nhưng trong phút chốc tôi không thể nói nổi lời nào.

“Em phải nói với anh,” tôi nói, với chính mình hơn là với anh. “Anh cần phải biết.”

Anh nhìn tôi một lúc. “Anh hứa. Anh sẽ không nói với ai,” anh nói, và tôi tin anh. Stuart, anh ấy có thể là nhiều thứ, nhưng không phải là một kẻ nói dối.

Anh đứng dậy và đưa mắt nhìn tôi một lần cuổi, một cái nhìn đau đớn. Rồi anh nhặt chiếc nhẫn lên và bỏ đi.

ĐÊM HÔM ĐÓ, sau khi Stuart bỏ đi, tôi lang thang hết phòng nọ đến phòng kia, miệng khô, cổ cháy, lạnh buố. Lạnh buốt là thứ tôi đã ngày đêm cầu ước khi Stuart rời xa tôi lần đầu tiên. Lạnh buốt là thứ tôi đã nhận được.

Nửa đêm, tôi nghe tiếng mẹ gọi vọng ra từ phòng ngủ.

“Eugenia? Phải con đấy không?”

Tôi đi xuống cuối hành lang. Cửa mở hé và mẹ đang ngồi thẳng dậy trong chiếc váy ngủ trắng hồ bột cứng. Tóc mẹ buông xoã quanh vai. Tôi sững sờ, mẹ đẹp quá. Đèn hiên sau nhà vẫn bật, rọi một luồng sáng trắng xoá lên toàn thân mẹ. Mẹ tươi cười và bộ răng giả mới vẫn còn trong miệng, bộ răng bác sỹ Simon đã đúc cho mẹ khi răng mẹ bắt đầu mòn đần vì chất axit trong dạ dày. Nụ cười của mẹ trắng hơn, đều hơn, hơn cả trong những tấm ảnh chụp hồi mẹ đoạt vương miện hoa khôi.

“Mẹ, con lấy gì cho mẹ nhé? Mẹ có đau không?”

“Eugenia, vào đây con. Mẹ có điều này muốn nói với con.”

Tôi nhẹ nhàng bước đến bên mẹ. Bố vẫn chìm sâu trong giấc ngủ, lưng quay về phía mẹ. Và tôi thầm nghĩ, tôi có thể kể cho mẹ nghe một phiên bản hay ho hơn về buổi tối nay. Tất cả chúng tôi đều biết thời gian còn lại rất ít ỏi. Tôi có thể giúp mẹ vui vẻ trong những ngày cuối đời, vờ như đám cưới sắp tới.

“Con cũng có chuyện muốn nói với mẹ,” tôi nói.

“Thế à? Con nói trước đi.”

“Stuart vừa cầu hôn con,” tôi nói, và cố nở một nụ cười thật tươi. Nhưng tôi bỗng hoảng, khi nghĩ hẳn mẹ sẽ đòi xem chiếc nhẫn.

“Mẹ biết rồi,” mẹ nói.

“Mẹ biết rồi sao?”

Mẹ gật đầu. “Dĩ nhiên. Hai tuần trước nó đến đây và xin bố mẹ cho cưới con.”

Hai tuần trước? Tôi suýt bật cười. Dĩ nhiên mẹ phải là người đầu tiên được biết một chuyện hệ trọng đến thế. Tôi mừng vì mẹ đã có ngần ấy thời gian để tận hưởng cái tin ấy.

“Me cũng có chuyện cần nói với con,” mẹ nói. Vầng hào quang bao quanh mẹ thật huyền ảo, lấp lánh như lân tinh. Đó là ánh sáng từ ngọn đèn ngoài hiên, nhưng tôi tự hỏi tại sao mình chưa thấy bao giờ. Mẹ nắm chặt tay tôi giữa không khí bằng cái siết tay mạnh mẽ một bà mẹ dành cho cô con gái mới được hứa hôn. Bố giật mình, rồi ngồi bật dậy.

“Sao thế?” Bố hốt hoảng. “Em mệt à?”

“Không, Carlton. Em không sao. Em bảo rồi.”

Bố ậm ù gật đầu, nhắm mắt lại, và đã kịp say ngủ trước cả khi đặt mình xuống giường.

“Chuyện của mẹ là gì thế?”

“Mẹ vừa nói chuyện với bố con rất lâu và mẹ đã đi đến một quyết định.”

“Ôi trời ơi,” tôi thở dài. Tôi đã thấy ngay cảnh mẹ kể lể giải thích với Stuart khi anh hỏi cưới tôi. “Có phải về tài khoản tiết kiệm không ạ?”

“Không phải,” mẹ nói và tôi thầm nghĩ, Vậy chắc là việc gì đó liên quan đến đám cưới, không chỉ vì đến lúc đó mẹ đã nhắm mắt xuôi tay lâu rồi, mà còn vì sẽ không có đám cưới nào hết. Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy một nỗi khuây khỏa tội lỗi khủng khiếp rằng tôi sẽ không phải trải qua sự kiện đó cùng mẹ.

“Mẹ biết con đã nhận thấy tình trạng của mẹ mấy tuần vừa rồi có sáng sủa hơn,” mẹ nói. “Và mẹ cũng biết bác sỹ Neal nói gì, rằng nó giống như một thứ lực tàn, một thứ...” Mẹ ho sù sụ và cả thân hình gầy gò của mẹ cong lên như một cái vỏ sò. Tôi đưa mẹ một tờ khăn giấy và mẹ nhăn mặt, chặn nó lên miệng.

“Nhưng như mẹ nói đấy, mẹ đã quyết rồi.”

Tôi gật đầu, lắng nghe, với vẻ đờ đẫn hệt như bố tôi mới cách đây vài phút.

“Mẹ đã quyết định sẽ không chết.”

“Ôi... mẹ. Trời ơi, con xin mẹ...”

“Muộn quá rồi,” mẹ nói, đoạn gạt tay tôi ra. “Mẹ đã quyết thế nào thì nó là như thế.”

Mẹ xoa xát hai lòng bàn tay vào nhau, như muốn đẩy lui căn bệnh ung thư. Nhìn mẹ ngồi ngay ngắn nghiêm trang trong bộ áo ngủ, luồng sáng rực rỡ ngời lên quanh mẹ, mắt tôi không khỏi trố ra. Sao tôi dốt thế nhỉ. Tất nhiên trước cái chết, mẹ sẽ vẫn ương ngạnh bướng bỉnh, như mẹ vẫn luôn thế đối với từng tiểu tiết trong cuộc đời mình.

* * *

HÔM ẤY LÀ THỨ SÁU, ngày 18 tháng Một năm 1964. Tôi mặc một chiếc váy chữ A màu đen. Móng tay tôi đã được gặm sạch. Tôi thầm nghĩ, mình sẽ nhớ từng chi tiết nhỏ của ngày này, đúng như cách mọi người nói họ sẽ không bao giờ quên loại bánh kẹp mình đang ăn, hay bài hát đang phát trên đài, khi họ biết tin Kennedy bị bắn chết.

Tôi bước vào nơi đã trở thành điểm đến quen thuộc với mình, khoảng giữa gian bếp nhà Aibileen. Bên ngoài trời đã tối sập và chiếc bóng đèn vàng dường như rực rỡ hẳn lên. Tôi nhìn Minny và cô nhìn tôi. Aibileen xen vào giữa chúng tôi như muốn chặn cái gì đó.

“Harper and Row,” tôi nói, “muốn xuất bản cuốn sách.”

Tất cả đều nín lặng. Ngay cả lũ ruồi cũng thôi vo ve.

“Cô đùa tôi đấy à,” Minny thốt lên.

“Tôi vừa nói chuyện với bà ta chiều nay.”

Aibileen rú lên một tiếng tưởng như tôi chưa từng nghe thấy từ bác ấy bao giờ. “Trời thần ơi, thật không thể tin nổi!” Bác hét lên, và chúng tôi ôm chầm lấy nhau, Aibileen và tôi, rồi Minny và Aibileen. Minny nhìn về phía tôi.

“Thôi thôi, mọi người ngồi xuống cả đi!” Aibileen nói. “Cô kể đi, bà ta nói gì? Ta phải làm gì bây giờ? Trời thần ơi, tôi còn chưa kịp pha cà phê!”

Chúng tôi ngồi xuống và cả hai đều nhìn tôi chằm chặp, người chúi hẳn về phía trước. Mắt Aibileen mở to. Tôi đã chờ đợi ở nhà cùng cái tin này suốt bốn tiếng. Bà Stein nói rất rõ với tôi, rằng đây là một cuộc giao dịch rất hẻo. Nên giữ kỳ vọng giữa mức thấp và không có gì. Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải chuyển tải lời nhắc nhở này đến Aibileen để về sau bác không thất vọng. Thậm chí đến tôi cũng không biết bản thân mình phải cảm thấy thế nào về việc này.

“Mọi người nghe đã, bà ta nói không nên háo hức quá. Rằng số lượng ấn bản họ định in ra sẽ rất, rất nhỏ.”

Tôi chờ Aibileen cau mày, nhưng bác chỉ cười khúc khích. Bác cố đưa tay lên che miệng.

“Có lẽ chỉ được vài nghìn cuốn.”

Aibileen áp bàn tay trên miệng chặt thêm.

“Thảm hại... bà Stein nói thế.

Da mặt Aibileen càng sẫm màu hơn. Bác lại khúc khích cười dưới mấy đốt ngón tay. Hiển nhiên bác chưa hiểu nổi chuyện này.

“Và bà ta nói đó là một trong những khoản nhuận bút còm cõi nhất mà bà ta từng thấy...” Tôi cố lấy giọng nghiêm trang nhưng không tài nào làm được vì rõ ràng Aibileen sắp bật tung ra. Nước dâng lên tận mắt bác.

“Còm... đến đâu?” Bác cất tiếng hỏi sau kẽ tay.

“Tám trăm đô-la,” tôi nói. “Chia cho mười ba người.”

Aibileen lăn ra cười ngặt nghẽo. Tôi không nhịn được cũng cười phá lên. Nhưng chẳng có lý nào. Vài nghìn cuốn và 61,50 đô-la cho mỗi người ư?

Nướt mắt chảy dài trên khuôn mặt Aibileen, cuối cùng bác chỉ gục mặt xuống bàn. “Tôi không hiểu tại sao mình lại cười nữa. Tự nhiên thấy nó buồn cười quá.”

Minny đảo mắt nhìn chúng tôi. “Tôi biết hai người đều điên mà. Cả hai người.”

Tôi cố gắng hết sức để thuật lại cho họ từng chi tiết. Lúc nói chuyện trên điện thoại với bà Stein, tôi cũng chẳng khá hơn bao lăm. Bà ta nói bằng giọng hờ hững, gần như vô cảm. Vậy mà tôi đã làm gì? Tôi có giữ cung cách xã giao nghiêm túc và hỏi những câu thích đáng không? Tôi có cảm ơn bà ta vì đã tiếp nhận một đề tài mạo hiểm đến thế không? Không, thay vì cười, tôi lại lắp bắp trong điện thoại, rồi khóc om sòm như một con bé con vừa bị tiêm một mũi vắc xin ngừa bại liệt.

“Bình tĩnh nào, cô Phelan,” bà ta nói, “cuốn này khó thành sách bán chạy lắm,” nhưng tôi vẫn khóc tu tu trong khi bà ta thông báo những chi tiết mới. “Chúng tôi chỉ ứng trước bốn trăm đô-la và sẽ thanh toán nốt bốn trăm đô-la khi sách đã hoàn thành... cô có... đang nghe không đấy?”

“Vâ-vâng, tôi có.”

“Và chắc chắn còn rất nhiều phần cần biên tập. Chương về Sarah là tốt nhất,” bà ta nói, và tôi kể lại cho Aibileen trong những tiếng sụt sịt, khúc khích của bác.

Aibileen khịt mũi, chùi mắt, và mỉm cười. Rốt cuộc chúng tôi cũng bình tĩnh lại và uống cà phê mà Minny đã phải đích thân đứng dậy và đun cho chúng tôi.

“Bà ta cũng thích Gertrude lắm,” tôi nói với Minny. Tôi cầm tờ giấy lên và đọc lại câu nóihi lại để khỏi quên. “Gertrude là cơn ác mộng của mọi phụ nữ da trắng ở miền Nam. Tôi ngưỡng mộ cô ta.”

Trong khoảnh khắc, Minny thực sự nhìn thẳng vào mắt tôi. Mặt cô giãn ra thành một nụ cười trẻ con. “Bà ta nói thế thật ư? Về tôi ư?”

Aibileen cười lớn. “Cứ như bà ta có thể nhìn thấu cháu dù cách xa năm trăm dặm đường ấy nhỉ.”

“Bà ta nói ít nhất phải sáu tháng nữa sách mới ra. Tầm tháng Tám.”

Aibileen vẫn tươi cười, hoàn toàn không chút nao lòng trước bất kỳ điều gì tôi nói ra. Và thành thực mà nói, tôi rất mừng. Tôi biết bác ấy sẽ sung sướng lắm, nhưng tôi đã sợ rằng bác cũng sẽ thất vọng ít nhiều. Nhìn bác như thế khiến tôi nhận ra, tôi không hề thất vọng. Tôi chỉ thấy hạnh phúc thôi.

Chúng tôi ngồi nói chuyện thêm vài phút nữa, uống cà phê và trà, cho tới khi tôi nhìn đồng hồ. “Tôi đã bảo bố là sẽ quay về sau một tiếng.” Bố đang ở nhà với mẹ. Tôi đành liều để lại số điện thoại nhà Aibileen cho bố để phòng trường hợp khẩn cấp, và nói rằng tôi đi thăm một người bạn tên Sarah.

Cả hai cùng tiễn tôi ra cửa, cử chỉ này hoàn toàn mới với Minny. Tôi bảo Aibileen tôi sẽ gọi cho bác ngay khi nào nhận được thư của bà Stein.

“Vậy là sáu tháng nữa, chúng ta sẽ biết chuyện gì sẽ xảy ra,” Minny nói, “tốt, xấu, hoặc không gì cả.”

“Có thể sẽ là không gì cả,” tôi nói, tự hỏi không biết có ai thèm mua sách không.

“À, tôi thì nghiêng về hướng tốt nhiều hơn,” Aibileen nói.

Minny khoanh tay lại trước ngực. “Thế thì tôi nên nghiêng về hướng xấu. Cũng phải có người lo khoản đấy chứ.”

Trông Minny không có vẻ gì lo lắng về số lượng sách bán ra. Cô lo lắng về những gì sẽ xảy đến khi đám phụ nữ ở vùng Jackson này đọc được những gì chúng tôi đã viết về họ.

 

AIBILEEN