Người giúp việc - Chương 29-P1

HƠI NÓNG đã thấm sũng tất cả mọi vật. Suốt một tuần nay nhiệt độ vắt vẻo ở mức ba bảy độ tám và hơi ẩm lên đến chín mươi chín phần trăm. Nếu trời còn ẩm nữa, chúng tôi đến bơi trong nước mất. Mấy tấm ga tôi phơi trên dây không tài nào khô nổi, cửa trước chẳng đóng kín được nữa vì nó đã phồng rộp cả lên. Còn phải nói, bánh trứng đường có đánh mấy cũng chẳng quánh. Ngay cả bộ tóc giả tôi thường đội khi đi lễ nhà thờ cũng bắt đầu rối tung rối mù lên.

Sáng nay, tôi còn không đi được cả vớ. Chân tôi sưng lên ghê quá. Tôi tính khi nào đến nhà cô Leefolt ở đấy có điều hòa, tôi sẽ xỏ sau vậy. Hẳn đợt nóng này phải đạt mức kỷ lục, vì tôi đã giúp việc cho người da trắng tới bốn mươi mốt năm trời và đây là lần đầu tiên trong lịch sử tôi đi làm mà không mang vớ.

Ấy thế mà nhà của cô Leefolt còn nóng hơn cả nhà tôi. “Aibileen, vú đi pha trà và... mấy đĩa xa lát... vú rửa ngay đi...” Hôm nay cô còn chẳng ló mặt xuống bếp. Cô ở lì trong phòng khách và đã kịp kéo chiếc ghế ra sát lỗ thông hơi, thế là gió từ máy lạnh thốc ngược lên chiếc váy lót cô đang mặc. Cô chỉ mang ngần ấy thứ y phục trên người, chiếc váy lót và đôi hoa tai. Tôi từng giúp việc cho những bà chủ da trắng dám bước ra từ phòng ngủ mà không có lấy một mảnh vải che thân, nhưng cô Leefolt là kiểu người chẳng bao giờ làm thế.

Lâu lâu, động cơ máy điều hòa lại hắt ra một tiếng Phiuuuuuu. Xem ra nó cũng phải đầu hàng rồi. Cô Leefolt đã gọi thợ hai lần, lần nào anh ta cũng bảo đang đến, nhưng tôi dám cá anh chàng còn lâu mới thò mặt sang. Nóng quá mà.

“Nhớ đừng quên... cái gì bằng bạc ấy nhỉ - à cái nạo dưa chuột ri, ở trong...”

Nhưng chưa kịp nói hết câu, cô đã buông thõng giữa chừng, hình như trời nóng quá, đến việc sai tôi cũng trở nên quá sức đối với cô. Dường như tất cả mọi người trong thị trấn đều phát điên hết vì nóng. Cứ ra ngoài phố là thấy bốn phía lặng ngắt như tờ, kỳ quái y hệt mấy phút trước khi một cơn bão tràn tới. Hay có khi là do tôi đang hồi hộp quá vì cuốn sách cũng nên. Nó sẽ ra vào thứ Sáu này.

“Cô có nghĩ ta nên hủy buổi chơi bài hôm nay không?” Tôi hỏi vọng ra từ trong bếp. Hội bài đã chuyển sang thứ Hai, các bà các cô sẽ có mặt ở đây trong hai mươi phút nữa.

“Không. Mọi thứ... đã chuẩn bị xong hết rồi còn gì,” cô nói, nhưng tôi biết đầu óc cô bây giờ mụ mẫm

“Tôi sẽ cố đánh lại mẻ kem vậy. Xong tôi phải ra gara một tí. Để đi vớ vào.”

“Ôi vú đừng bận tâm chuyện đó, Aibileen. Nóng thế này, đi vớ làm gì.” Cuối cùng cô Leefolt cũng chịu rời cái ô thông gió, lê mình xuống bếp, vừa đi vừa vẩy phành phạch chiếc quạt giấy của nhà hàng đồ ăn Trung Hoa Chow-Chow. “Ôi trời đất ơi, nhiệt độ trong bếp phải cao hơn phòng ăn đến cả chục độ ấy nhỉ!”

“Chờ thêm một phút nữa là tắt được lò nướng thôi. Bọn trẻ con ra ngoài sân sau chơi rồi.”

Cô Leefolt nhìn ra cửa sổ nơi hai đứa trẻ đang đùa nghịch trong làn nước tưới cỏ. Trên người Mae Mobley có độc chiếc quần lót. Ross - tôi gọi nó là Cu Con - thì mặc tã. Thằng bé vẫn chưa đầy một tuổi, ấy thế mà đã đi lại chững chạc chẳng kém gì một đứa bé lớn. Thậm chí nó còn chẳng bò một ngày nào.

“Chẳng hiểu sao bọn nó chơi được ngoài ấy nhỉ,” cô Leefolt nói.

Mae Mobley thích chơi với em trai lắm, nó chăm em hệt như mẹ chăm con. Nhưng Mae Mobley không được ở nhà với chúng tôi cả ngày nữa. Sáng sáng Bé Con của tôi phải đến trường mẫu giáo Broadmoore. Nhưng hôm nay là Ngày Quốc tế Lao động, ngày lễ của cả thế giới, nên lớp nghỉ. Tôi cũng vui lắm. Tôi chẳng biết mình còn bao nhiêu ngày với nó nữa.

“Trông bọn nó chơi ngoài kia kìa,” cô Leefolt nói và tôi đi ra cửa sổ chỗ cô đang đứng. Vòi phun bắn tia nước lên tận ngọn cây, tạo thành những dải cầu vồng. Mae Mobley cầm tay Cu Con và hai đứa đứng dưới làn nước, mắt nhắm nghiền như thể chúng đang chịu lễ rửa tội.

“Bọn nó quả là những đứa trẻ đặc biệt,” cô nói, đoạn thở dài, dường như đến tận bây giờ cô mới nhận ra điều đó.

“Đúng thế thật,” tôi nói và thầm nghĩ chúng tôi đang được chia sẻ một giây phút đồng điệu, tôi và cô Leefolt, cùng nhìn ra cửa sổ ngắm hai đứa trẻ chúng tôi đều rất yêu. Nó khiến tôi tự hỏi phải chăng mọi thứ đã thay đổi, dù chỉ là chút ít. Dù sao giờ cũng đã là năm 1964. Trong trung tâm thị trấn, người ta còn cho phép người da màu được ngồi ở quầy tiệm ăn Woolworth.

Trong lòng tôi bỗng nhói lên một cảm giác chán nản, tự hỏi có phải mình đã đi quá xa không. Vì sau khi sách ra, nếu mọi người phát hiện đó chính là chúng tôi, có lẽ tôi sẽ không bao giờ được gặp lại hai đứa bé nữa. Nhờ tôi còn không kịp chào tạm biệt Mae Mobley và nói với nó lần cuối cùng rằngđứa bé ngoan thì sao? Còn Cu Con nũa? Ai sẽ kể cho nó chuyện về ông người Sao Hỏa da xanh Martian Luther King?

Chính tôi đã trải qua cảm giác này, tới hai mươi lần. Nhưng hôm nay mọi cảm xúc bỗng trở nên vô cùng sống động. Tôi chạm tay lên kính cửa sổ, tưởng như đang được chạm vào chúng. Nếu cô ấy phát hiện ra... ôi, tôi sẽ nhớ bọn trẻ nhiều lắm.

Tôi nhìn sang và thấy mắt cô Leefolt đã dừng lại trên đôi cẳng chân trần của tôi. Tôi nghĩ cô đang tò mò lắm. Tôi cá trước nay cô chưa bao giờ nhìn thấy chân người da đen để trần ở cự li gần đến thế. Nhưng sau đó, tôi thấy trán cô cau lại. Cô đang nhìn Mae Mobley với bộ mặt cau có thường nhật. Bé Con đã vục bùn và cỏ lên bôi bê bết khắp ngực và bụng. Xong xuôi nó quay ra trang điểm cho thằng em cứ như thằng bé là một con lợn trong chuồng và tôi nhìn thấy nỗi ghê tởm cô dành cho đứa con gái chính mình đẻ ra. Cu Con thì không, chỉ Mae Mobley thôi. Chỉ đặc biệt dành riêng cho Mae Mobley mà thôi.

“Con ranh phá tan cả cái sân rồi kia kìa!” Cô Leefolt rú lên.

“Để tôi ra gọi bọn nó vào. Tôi sẽ lo...”

“Mà tôi cấm vú phục vụ chúng tôi với bộ dạng đó, với... với hai cái cẳng chân trần thế kia!”

“Tôi đã báo cô rồi...”

“Hilly sẽ đến đây trong năm phút nữa, thế mà con bé phá tanh bành hết cả lên kia kìa!” Cô kêu thất thanh. Tôi đoán Mae Mobley đã nghe thấy tiếng mẹ nó qua cửa sổ vì nó quay lại nhìn chúng tôi, người trơ ra như tượng. Nụ cười tắt lịm. Chỉ trong một giây, nó bắt đầu chậm chạp đưa tay chùi bùn đất dính trên mặt.

Tôi xỏ tạp dề vào vì phải ra tắm rửa cho hai đứa. Sau đó tôi sẽ vào gara đi vớ. Sách sẽ ra trong bốn ngày nữa. Không sớm hơn một phút nào.

* * *

TẤT CẢ CHÚNG TÔI đều sống trong hồi hộp phấp phỏng. Tôi, Minny, cô Skeeter, tất cả những người giúp việc đã đóng góp chuyện vào cuốn sách. Cảm giác như suốt bảy tháng qua, chúng tôi chỉ chờ đến khi một ấm nước vô hình sôi. Chờ đợi đến sau tháng thứ ba thì chúng tôi đã thôi không bàn tán gì đến nó nữa. Cũng tại càng nói bụng dạ càng chộn rộn.

Nhưng hai tuần vừa qua, cả niềm hân hoan lẫn nỗi sự hãi thầm kín cùng khuấy đảo trong gan ruột tôi, khiến tốc độ đánh sáp sàn nhà bị kéo trì xuống mức siêu chậm và giặt đồ lót biến thành một cuộc chạy đua vượt đèo. Công cuộc là liáy dường như kéo dài đến vô tận, nhưng biết làm sao được. Tất cả chúng tôi đều biết khá rõ ràng sẽ không ai thèm nhắc nhỏm gì đến cuốn sách ngay sau khi nó được ra mắt. Như bà Stein đã nói với cô Skeeter, cuốn sách khó có khả năng bán chạy và nên giữ “kỳ vọng thật thấp.” Cô Skeeter còn nói có khi đừng nên trông chờ điều gì hết, rằng hầu hết dân miền Nam đều giỏi “kiềm chế.” Nếu có đánh hơi được điều gì đó, có lẽ họ sẽ không hở ra câu nào. Chỉ nín thở chờ nó qua đi, như hơi ga vậy.

Minny bảo, “Cháu mong mụ ấy sẽ nín thở đến khi người mụ nổ tung toé thành cả trăm mảnh bay ra khắp cái quận Hinds này.” Ý nó muốn ám chỉ cô Hilly. Tôi ước sao Minny cầu mong thay đổi theo hướng nhân ái, nhưng Minny vẫn là Minny, mãi mãi là thế.

“CON MUỐN ĂN GÌ LÓT DẠ KHÔNG, Bé Con?” Tôi hỏi khi con bé từ trường về đến nhà hôm thứ Năm. Ôi, nó lớn quá! Đã bốn tuổi rồi. Con bé cao vượt hẳn những đứa cùng tuổi - đa số mọi người nghĩ nó phải năm, sáu tuổi cơ đấy. Mẹ thì gầy nhẳng cù nheo thế, nhưng Mae Mobley vẫn béo mũm mĩm. Còn mái tóc nó nom không được đẹp mắt cho lắm. Nó quyết định tự xử lý tóc mình bằng chiếc kéo cắt giấy thủ công và kết quả thế nào, chắc chẳng nói ai cũng biết. Cô Leefolt phải lôi nó đến thẩm mỹ viện của người lớn nhưng thợ ở đó cũng chẳng chữa được m ấy nỗi. Tóc nó một bên ngắn cũn, phía trước trán thì hầu như chẳng còn gì.

Tôi làm cho nó một món ít calo để lót dạ vì cô Leefolt chỉ cho phép có thế. Bánh quy ăn kèm cá ngừ hoặc: thạch Jell-O không có kem tươi.

“Hôm nay con được học cái gì?” Tôi hỏi, mặc dù con bé vẫn chưa đi trường thật, chỉ là trường giả vờ thôi. Hôm nọ, lúc tôi hỏi, con bé đáp, “Người hành hương ạ. Họ đến đây nhưng chẳng có cây gì mọc lên cả, thế là họ phải ăn thịt người Anh Điêng.”

Giờ tôi đã biết những người hành hương không ăn thịt dân Anh Điêng. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Vấn đề là, ta phải để ý những gì bọn trẻ nạp vào đầu. Mỗi tuần, con bé vẫn được nhận bài học của Aibileen, câu chuyện bí mật. Khi Cu Con đủ lớn, tôi cũng sẽ kể cho nó nghe. Ý tôi là, nếu tôi vẫn còn làm ở đây. Nhưng tôi không nghĩ mọi thứ sẽ như cũ với Cu Con. Nó cũng yêu tôi, nhưng thằng bé hoang dã lắm, như động vật vậy. Nó có thể ào đến ôm chặt lấy chân tôi, rồi tót đi chơi thứ khác ngay lập tức. Nhưng kể cả nếu tôi không có cơ hội làm thế với nó, tôi cũng không thấy buồn quá. Tôi biết một điều, tôi đã truyền đi những câu chuyện và thằng bé con đó, dù chưa nói được từ nào, nhưng nó luôn nghe mọi lời Mae Mobley nói.

Hôm nay khi tôi hỏi nó học được gì, Mae Mobley chỉ đáp, “Chẳng có gì,” và trề môi ra.

“Con thích cô giáo của con không?” Tôi hỏi nó.

“Cô xinh lắm,” nó nói.

“Tốt,” tôi nói. “Con cũng xinh.”

“Sao da bác lại nâu, hả bác Aibileen?”

Tôi đã nghe câu hỏi này vài lần từ miệng những đứa bé da trắng khác tôi chăm. Trước đây tôi chỉ cười trừ, nhưng lần này tôi muốn làm rõ chuyện này với nó. “Vì Chúa sinh ra bác là người da màu,” tôi nói. “Và trên đời này chẳng có lý do nào khác cả.”

“Cô Taylor bảo là trẻ con da màu không được đến trường con vì bọn nó không thông minh.”

Tôi vòng ra trước quầy bếp. Tôi nâng cằm nó lên và vuốt mái tóc kỳ khôi của nó. “Con nghĩ bác đần độn ư?”

“Không,” con bé thì thầm bằng giọng quả quyết, như thể nó tin thế lắm. Trông con bé có vẻ ân hận vì đã lỡ kể ra chuyện kia.

“Vậy ta có thể suy ra điều gì về cô Taylor?”

Nó chớp mắt, như đang chăm chú iắng nghe.

“Là không phải lúc nào cô Taylor cũng nói đúng,” tôi nói.

Con bé vòng tay ôm cổ tôi và nói, “Bác đúng hơn cô Taylor.” Tôi trào nước mắt. Tôi xúc động quá. Những từ này, tôi chưa được nghe bao giờ.

BỐN GIỜ CHIỀU HÔM ẤY, từ bến xe buýt, tôi rảo bước thật nhanh đến nhà thờ. Sau mười phút thở hổn hển và gõ tay lên thành cửa, tôi thấy một chiếc xe đỗ lại. Một cô gái da trắng ra khỏi xe và tôi nheo mắt nhìn. Cô gái này trông giống hệt bọn hippy tôi nhìn thấy trên tivi nhà cô Leefolt. Cô mặc một chiếc váy ngắn màu trắng và đi xăng đan. Tóc cô suôn dài, không xịt gôm. Sức nặng của mái tóc giúp kéo thẳng cả những sợi xoăn và xù. Tôi úp mặt vào tay mà cười, ước sao tôi có thể chạy ra ngoài và ôm chầm lấy cô, tôi chưa được gặp cô Skeeter lần nào suốt sáu tháng nay, kể từ ngày chúng tôi hoàn tất phần biên tập bà Stein yêu cầu và gửi đi bản thảo cuối cùng.

Cô Skeeter lôi từ băng ghế sau ra một cái thùng to màu nâu rồi khệ nệ bê ra trước cửa nhà thờ, như thể đang cũ đến hiến tặng. Trong giây lát cô đứng lại và tần ngần nhìn cánh cửa, rồi quay trở về xe và lái đi. Thấy cô phải làm thế, tôi buồn lắm, nhưng chúng tôi không muốn làm mọi chuyện bung bét ra trước cả khi nó kịp bắt đầu.

Cô vừa đi khỏi, tôi vội chạy ra vần chiếc hộp vào và vồ lấy một cuốn, rồi nhìn nó đắm đuối. Tôi còn không cố kìm những giọt nước mắt tuôn rơi. Đó là cuốn sách đẹp đẽ nhất đời tôi từng thấy. Bìa sách màu xanh lơ, màu của bầu trời. Và một con chim trắng thật lớn - một con bồ câu hòa bình - dang rộng đôi cánh từ đầu này sang đầu kia. Tựa sách Help được viết ở mặt trước bằng những chữ màu đen, kiểu cách khỏe khoắn mạnh mẽ. Điều duy nhất khiến tôi kém vui chính là phần người-viết-sách. Nó ghi tác giả là Vô Danh. Tôi ước sao cô Skeeter được nêu tên ở đó, nhưng nó sẽ là một sự liều lĩnh khủng khiếp.

Ngày mai, tôi sẽ đem những cuốn mới ra lò này đến tặng những người đã góp chuyện trong sách. Cô Skeeter sẽ mang một cuốn lên Trại cải tạo cho Yule May. Theo một cách nào đó, cô ấy chính là lý do khiến những người khác đồng ý giúp chúng tôi. Nhưng tôi nghe nói Yule May có thể không nhận được món quà. Cứ mười thứ được gửi vào, tù nhân chỉ được nhận bất quá là một vì các quản trại đã giữ hết cho riêng mình mất rồi. Cô Skeeter nói cô sẽ gửi thêm mười lần nữa cho chắc ăn.

Tôi bê chiếc hộp to kềnh càng ấy về nhà và lấy ra một cuốn rồi cất cả hộp dưới gậm giường. Sau đó tôi chạy qua nhà Minny. Minny đã mang bầu đến tháng thứ sáu, nhưng nhìn vào khó ai có thể nhận ra nổi. Khi tôi đến nơi, cô đang ngồi bên bàn bếp uống một cốc sữa. Leroy ngủ trong phòng còn Benny, Sugar và Kindra đang tách lạc ngoài sân sau. Gian bếp yên tĩnh lắm. Tôi tươi cười, đưa Minny cuốn sách của cô.

Cô ngắm nghía nó. “Cháu thấy con chim câu trông được đấy.”

“Cô Skeeter bảo chim hòa bình là dấu hiệu báo một thời kỳ tươi sáng hơn sắp tới. Bảo bên California người ta toàn mặc áo có in hình đấy thôi.”

“Cháu chả cần để ý mấy người bên tận California,” Minny nói, mắt dán lên trang bìa. “Cháu chỉ quan tâm những người ở Jackson, Mississippi này nói gì về nó thôi.”

“Ngày mai sách sẽ được ra hiệu và vào thư viện. Hai ngàn năm trăm bản ở Mississippi, nửa còn lại chia đều khắp nước Mỹ.” Thế là lớn hơn nhiều so với con số bà Stein nói với chúng tôi trước đó, nhưng bởi các phong trào đòi tự do đã bắt đầu nở rộ, cộng thêm vụ mấy người đấu tranh đòi dân quyền biến mất trên một chiếc xe hơi ở ngay giữa Mississippi này(13), người dân toàn quốc đang hướng hết sự chú ý về bang chúng tôi.

“Bao nhiêu cuốn được vào thư viện da trắng ở Jackson?” Minny hỏi. “Không à?”

Tôi lắc đầu với một nụ cười. “Ba cuốn. Sáng nay cô Skeeter vừa gọi điện báo cho ta.”

Ngay cả Minny cũng lộ vẻ sửng sốt. Mới hai tháng trước đây, thư viện da trắng bắt đầu cho phép người da màu vào cửa. Riêng tôi đã vào hai lần.

Minny mở cuốn sách và bắt đầu đọc ngay tại chỗ. Bọn trẻ kéo nhau vào và cô sai chúng phải làm việc gì, làm thế nào mà không cần ngẩng đầu lên. Đôi mắt cô không ngừng lướt trên trang giấy. Bản thân tôi đã đọc nó vô số lần trong thời gian làm sách suốt một năm vừa qua. Nhưng Minny luôn nói cô không muốn đọc, chờ đến khi nào sách ra thật kia. Cô bảo cô không muốn làm hỏng nó.