Đây là mùa của tình yêu - Phần 2:Vượt Qua Chướng Ngại-P1

1. Xin đừng quên tôi

 

Tôi hiểu là mình không hoàn hảo, và không phải lúc nào cuộc sống cũng chờ đợi tôi. Tôi vẫn thường nói rằng,

 “Cuộc sống là những gì mình tạo ra!” Tôi hướng đến ngày mai, chứ không ngoái nhìn lại ngày hôm qua.

Tôi cố gắng thành công, mạnh mẽ và dũng cảm

trong niềm hy vọng sẽ tạo nên được một nền tảng mới, vì tôi còn trẻ và tôi đang mở đường tương lai cho chính mình.

Deanna Seay

Tôi viết lá thư này để gửi lời cám ơn đến các bạn. Những cuốn sách do các bạn biên soạn đã đem lại cho tôi niềm tin để vượt qua bất kỳ trở ngại nào mà tôi phải thường xuyên đối mặt. Mẹ tôi hay bảo tôi thuộc loại người luôn gặp nhiều trở ngại, thách thức, và nếu như không phải đối mặt với trở ngại khách quan thì tôi lại tự tạo ra thách thức cho bản thân mình.

Thế nhưng thách thức đầu tiên của tôi không phải do tôi chọn lấy. Khi mới sinh ra tôi đã bị cuống rốn quấn quanh cổ và không thở được. Sau khi hô hấp nhân tạo và giúp tôi thở lại được, các bác sĩ lại phát hiện ra một thứ khác không ổn trên cơ thể tôi. Chân phải của tôi lớn gấp hai lần chân trái, và hầu như chẳng có chút mô cơ nào. Các bác sĩ trấn an mẹ tôi rằng chẳng có gì quá nghiêm trọng, rồi mọi thứ sẽ tự chỉnh lý để phát triển thành một cái chân “bình thường” thôi. Nhưng thật không may là tôi lại chẳng được như lời bác sĩ nói.

Khi tôi lên lớp sáu, gia đình tôi chuyển đến sống ở bang Washington. Việc chuẩn bị cho chuyến dời nhà này cũng đã đủ khó khăn rồi, ấy thế mà bỗng dưng tôi lại còn cảm thấy cái lưng mình cứ đau mãi không dứt. Tôi đi khám và được chỉ định chụp X-quang, rồi bác sĩ lại phát hiện có điều không ổn nữa. Cột sống của tôi dính chặt vào một miếng mô, và miếng mô ấy đang kéo cột sống của tôi chệch đi. Tôi cần phải được phẫu thuật gấp.

Cuộc phẫu thuật ấy khiến tôi rất lo lắng. Đó là một quá trình phức tạp, và tôi phải chịu nhiều đau đớn. Các bác sĩ phát hiện các đầu mút thần kinh của tôi đã bị tổn thương, và không hiểu vì đâu, tôi lại mất khả năng tiểu tiện, nên phải đặt ống dẫn tiểu. Đó là một trong số những trải nghiệm khó chịu nhất tôi từng trải qua. Tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ có thể vượt qua được nếu không có sự hỗ trợ của gia đình. Những người thân yêu đã luôn ở bên cạnh tôi.

Sau cuộc giải phẫu, tôi phải tập cho chân cử động từ từ trở lại. Các cô y tá và mẹ tôi giúp tôi đi chầm chậm dọc theo hành lang cho đến khi tôi có thể tự đi xa hơn mỗi ngày. Tôi quyết tâm phải mạnh mẽ như xưa. Và cuối cùng thì bác sĩ cũng cho tôi xuất viện

Mọi người bảo tôi sẽ cần được giúp đỡ để tập đi trong một thời gian. Thế nhưng ngay buổi sáng đầu tiên thức dậy trên chiếc giường của mình, tôi quyết định sẽ không cần đến bất kỳ sự giúp đỡ của ai. Tôi muốn tự mình đi xuống cầu thang và chào mẹ. Tôi đưa hai chân ra mép giường, và ngay lập tức ngã lăn xuống sàn. Tôi cố kéo người lên và lần đến cầu thang, tay bám vào tường để tìm chỗ tựa. Khi đến được cầu thang, tôi tự nhủ nhất định mình sẽ không quay trở lại. Tôi bám vào tay vịn và chầm chậm bước xuống từng bậc một. Cuối cùng tôi cũng xuống được đến tầng dưới. Khi trông thấy tôi, mẹ rất sửng sốt và tự hào đến nỗi bật khóc. Trong giây phút ấy, tôi quyết định sẽ chẳng bao giờ để cho những khuyết tật của cơ thể cản trở bước đường đi đến thành công của mình.

Ba mẹ tôi rất thất vọng, buồn bã khi những đợt vật lý trị liệu sắp đóng lại sự nghiệp trở thành vận động viên bóng đá mới chỉ vừa khởi sự của tôi. Tôi rất thích chơi bóng đá, nhưng ngay từ lần tập đầu tiên tôi đã cảm thấy e sợ. Tôi hoàn toàn muốn bỏ cuộc. Dù vậy tôi vẫn cố gắng cho xong buổi tập hôm đó. Và khi về đến nhà, ba tôi rủ tôi cùng xem cuốn phim Rudy một cuốn phim kể lại chuyện đời của một chàng trai quyết san bằng mọi chướng ngại để trở thành một ngôi sao bóng đá của Đại học Notre Dame. Và bộ phim ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Giờ tôi đã mười sáu tuổi và đang chơi cho đội bóng của trường, mặc dù thân thể và dáng vóc của tôi phải chịu nhiều khiếm khuyết. Chỉ cao có 1,6m và nặng 56kg, nên tôi không thể là một tiền đạo công đáng gờm được. Dù vậy huấn luyện viên vẫn để tôi chơi trong các trận đấu nên tôi rất vui khi được đứng bên cạnh đồng đội của mình. Sự quyết tâm cùng với thái độ chăm chỉ luyện tập đã khiến ai cũng tôn trọng tôi, thậm chí bạn bè còn gọi tôi là “Rudy” nữa kia.

Những câu chuyện chiến thắng và đạp đổ rào chắn trong những quyển sách của các bạn đã củng cố cho tôi quyết tâm phải luôn cố gắng trong đời. Cám ơn các bạn đã cho tôi thấy rằng mỗi người chúng ta ai cũng có sức mạnh vượt qua những tưởng tượng ngông cuồng nhất của mình để vươn tới thành công.

Thân ái,Dan Mulhausen

 

2. Cám ơn những lời tử tế

Đó là lúc tôi học được bài học quan trọng nhất trong đời mình: mỗi người đều có thể làm nên sự khác biệt.

Laura Snell

 

Cô Kirberger thân mến,

Cháu thấy thật khó nói về chuyện của cháu. Thật sự cháu chưa từng chia sẻ cảm xúc của mình với bất kỳ ai, nhưng lần này cháu cảm thấy cần phải nói ra. Như bất cứ những bạn trẻ khác, cuộc sống của cháu loanh quanh chỉ biết có bạn bè và bạn bè. Cháu luôn bận rộn với những buổi họp mặt ăn uống, xem phim, đến nhà bạn chơi và chỉ biết quan tâm đến những điều nhỏ nhặt, tầm phào. Nói tóm lại, cháu lớn lên một cách bình thường trong độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.

Nhưng cháu cũng có chút rắc rối với bệnh tim bẩm sinh của mình. Cháu cần phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật trong suốt cuộc đời, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Căn bệnh này thường xuyên đe doạ mạng sống của cháu, nhưng nhờ được chữa trị hiệu quả và chăm sóc chu đáo, cháu đã sống được đến ngày nay. Cháu biết mình phải chung sống suốt đời với căn bệnh này, nên không lấy gì làm khó chịu cả. Cháu không thể muốn gì làm nấy như các bạn đồng trang lứa được. Cháu biết những giới hạn của mình và bằng lòng chấp nhận bệnh tật. Bạn bè đều biết rõ bệnh sử của cháu, nhưng điều đó không cản trở tình bạn của chúng cháu. Nhìn chung, cháu sống bình thường... mãi cho đến gần đây.

Năm ngoái mẹ để ý thấy cháu hay mệt nên đã đưa cháu đi bác sĩ để ngăn ngừa bệnh cũ tái phát. Bác sĩ nhận thấy sắc da của cháu xấu hẳn đi. Cháu không nhận thấy điều ấy vì cháu không rảnh rang để ngồi một chỗ mà quan sát những thay đổi của bản thân mình. Cháu thường đi ngủ sớm, nhưng lần nào thức dậy cũng thấy mệt mỏi. Các xét nghiệm máu cho thấy cơ thể cháu thiếu chất sắt - đây có vẻ là cách giải thích hợp lý cho sự mất sức và làn da không mấy hồng hào của cháu.

Rồi nhiều tuần trôi qua, cháu bắt đầu thấy thỉnh thoảng có những cơn đau thắt trong dạ dày. Những cơn đau mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn. Bác sĩ trấn an cháu rằng, chất sắt mà cháu dùng để nâng cao lượng hồng cầu đang đè lên bao tử, và đây chỉ là một tác dụng phụ bình thường thôi. Thế là cháu lại tiếp tục dùng những viên sắt ấy và cố chịu đựng những cơn đau dạ dày. Một thời gian sau cháu quay lại gặp bác sĩ với hy vọng sẽ được nghe thấy rằng chất sắt trong cơ thể cháu đã cải thiện. Thế nhưng lượng hồng cầu, thay vì phải tăng lên, thì lại tụt xuống, vì lý do gì thì lúc đó chẳng có ai biết cả. Cháu lại được chuyển đến các bác sĩ danh tiếng khác trong khắp thành phố để giúp tìm ra câu trả lời cho bệnh trạng của mình. Thế là lại xét nghiệm máu, hết đợt này đến đợt khác.

Các bác sĩ vẫn không cho cháu câu trả lời nào chắc chắn. Chẳng bao lâu sau, họ lại nghĩ đến việc phải xét nghiệm tuỷ xương. Cháu rất sợ hãi, mặc dầu trước đây cháu chẳng biết sợ hãi là gì cả. Trước đây cháu luôn nghĩ trước sau gì mình cũng sẽ khỏe lên thôi, nhưng bây giờ thì cháu không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa. Tình hình tệ hại đến mức lúc nào cháu cũng co gập cả người lại vì những cơn đau kinh khiếp trong dạ dày. Cháu không thể bước đi một cách bình thường chứ đừng nói chi đến chuyện đi chơi với bạn bè. Mỗi sáng thức dậy, cháu đều phải nằm trên chiếc sofa với một chai nước nóng chườm trên bụng. Dường như ngày nào của cháu cũng trôi qua như thế.

Khi các cơn đau ngày càng hành hạ cháu dữ dội hơn thì năm học cũng chấm dứt. Cháu mong ước được tham dự trại hè do nhà trường tổ chức theo thông lệ hằng năm. Mỗi khi nghĩ đến lúc được gặp lại tất cả bạn bè và nhất là được thay đổi không khí, cháu lại thấy náo nức và quyết định phải đi cắm trại cho bằng được, mặc kệ các cơn đau ấy. Tuy nhiên, bố mẹ lại nói cháu không thể tham dự trại hè được. Cháu buồn rũ người và không muốn nghe sự thật ấy, dù rằng trong thâm tâm cháu cũng biết mình khó có thể đi đâu trong tình trạng bệnh tật như thế. Còn nhớ vào cêm đầu tiên của trại hè, khi ngồi ở nhà, cháu đã nói với mẹ rằng, “Nếu mà khỏe thì đêm nay chắc con đang ngủ trong lều, hoặc là thức suốt đêm ở trại hè rồi.” Mẹ quay sang cháu và nói trong nước mắt, “Kareny à, mẹ cũng ước gì như vậy.” Cháu biết ba mẹ rất đau lòng khi thấy cháu phải chịu đau đớn và bỏ lỡ mọi vui thú mà lẽ ra cháu đã có trong mùa hè ấy.

Sau mỗi lúc một thêm nhiều cuộc xét nghiệm, mỗi ngày gặp một bác sĩ, và trải qua nhiều cơn đau hơn, cháu được đưa đến gặp một bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá tại Bệnh viện nhi. Cuối cùng bác sĩ đã định bệnh cho cháu: bệnh Crohn. Bệnh này không đe doạ tính mạng như bệnh tim, nhưng nó ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của cháu. Nhưng dù sao thông tin này cũng làm cho cháu và gia đình cảm thấy nhẹ lòng hơn. Tất nhiên cháu không thể nào tránh khỏi chuyện tủi buồn vì bệnh tật triền miên. Nhưng giờ đây, ít nhất các bác sĩ cũng đã biết được cháu đang gặp chuyện gì và cháu có thể được chữa trị đúng bệnh để một ngày nào đó cháu sẽ lại khoẻ ra. Bác sĩ cho cháu một loại thuốc steroid(2) cùng với một số loại kháng sinh có tác dụng cắt các cơn đau. Từ bệnh viện trở về nhà, lòng cháu ngập tràn hy vọng với ý nghĩ mình sẽ sớm khoẻ lại. Nhưng thật không may là việc chẩn trị vẫn chưa chính xác. Thuốc men chẳng giúp được gì, và cháu thậm chí còn đau ghê gớm hơn nữa. Tình hình tệ đến mức cháu được xe cứu thương đưa trở lại bệnh viện trên để nhập viện. Cháu phải truyền dịch, nhưng dẫu vậy bệnh tình của cháu vẫn chẳng thuyên giảm chút nào. Đến nước ấy thì cháu thật sự suy sụp đến mức tức giận, rồi đâm ra chán nản. Tại sao mọi cách chữa trị đều không đem lại một chút hiệu quả nào cơ chứ? Cháu thật hết hy vọng rồi.

Đến lúc ấy người ta lại đề xuất cách điều trị cho ăn bằng đường ống. Dĩ nhiên cái thủ thuật đưa thức ăn vào một cái ống qua mũi, rồi xuống họng, đến bao tử nghe thật dễ sợ, khiến ai cũng phải rùng mình, nhưng dù sao cháu vẫn phải thử. Tuy thế, cách này lại thật sự hiệu quả, và cuối cùng thì cháu cũng đã biết cách tự luồn ống cho mình. Cháu tiếp tục ăn bằng đường ống suốt sáu tháng tiếp theo.

Cháu không còn thấy đau nữa, chỉ thấy hơi khó chịu một chút thôi. Rồi đến giai đoạn cháu chỉ ăn qua ống vào buổi tối và sau rốt thì cháu cũng thấy khỏe hơn lên, nhưng vẫn chưa thể trở lại trường gặp bạn bè được. Dù sao thì cháu cũng đã sút đi gần mười ký và vẫn chưa thể ăn uống bình thường nên vẫn chưa đủ sức làm việc và học tập trở lại.

Sau đó cháu đã dần khỏe lại, nhưng thuốc men cũng gây cho cháu một số tác dụng phụ. Thuốc giữ nước khiến cho cháu trông như mập ú. Cháu biết chắc chắn là mấy đứa trong trường đều nhận ra, nhưng hầu hết tụi nó đều lịch sự, không tỏ ý ngạc nhiên hay thắc mắc gì hết. Bạn bè đã giúp đỡ cháu nhiều lắm. Mặc dù không thể đòi hỏi gì hơn, nhưng cháu vẫn cảm thấy tụi nó cứ phải giữ kẽ không tự nhiên như trước được nữa. Dần dần, cháu không muốn đi chơi với tụi nó nữa. Vả lại cháu cũng không thể ra ngoài với cái mặt phúng phính đến nỗi chính cháu cũng không còn nhận ra đó là mình nữa.

Cháu bắt đầu ăn lại được thức ăn đặc, nhưng mỗi lần thấy bạn bè nhai kẹo và khoai tây chiên giòn rụm là cháu lại phải quay mặt đi ngay lập tức. Phải vất vả lắm cháu mới qua được mùa hè ấy. Trước những cam go mà mình phải đánh vật để vượt qua, cháu cảm thấy mình như già đi những hai mươi tuổi. Tự nhiên cháu cảm thấy mình chín chắn hẳn lên. Trái với bạn bè cùng tuổi, cháu không còn quan tâm về phim ảnh, về bọn con trai và chính bản thân mình như khi chưa mắc bệnh nữa. Cuộc sống của cháu giờ đây cứ phải xoay vần với bệnh Crohn, với việc phải giữ sức khỏe và luôn lạc quan. Cháu cảm thấy mình thật sự không thể chơi với các bạn được nữa, dù rằng tụi nó vẫn đối xử với cháu rất tốt. Cháu cứ tự đẩy mình ra xa nên các bạn nghĩ rằng cháu không cần tụi nó nữa, và dần dần tụi nó cũng rời xa cháu luôn. Thế nhưng lúc nào cháu cũng tha thiết nhớ các bạn và nhớ cuộc sống trước đây của mình.

Nhiều tháng sau đó, cháu đã bớt phải uống thuốc, và mặt mũi cũng bắt đầu bình thường trở lại. Mọi thứ đang diễn tiến tốt hơn. Cháu cảm thấy mạnh khoẻ hơn và cố gắng làm một đứa trẻ bình thường để đi chơi cùng bạn bè. Cháu dần dần trở lại hoà nhập với mọi thứ, và một trong những người bạn của cháu đã góp phần rất lớn trong chuyện này. Một ngày nọ khi chúng cháu ra ngoài dạo chơi để giải khuây, bạn ấy quay sang cháu và nói, “Cậu biết không, Karen? Sau tất cả những gì cậu đã phải trải qua trong năm nay, mình nghĩ thật là tuyệt khi cậu vẫn có thể cười nói tếu táo với bọn mình như thế này đấy.” Chỉ những lời ngắn ngủi ấy đã khiến cháu cảm động và thay đổi mọi suy nghĩ. Lần đầu tiên cháu được một người bạn hiểu những khó khăn mà cháu đã phải trải qua. Bạn ấy hiểu rằng cháu đã phải khổ sở ra sao mới có thể trở lại là một cô bé hay cười nói và đùa tếu như ngày trước. Chính lúc ấy cháu chợt nhận ra rằng cháu không còn muốn xa lánh các bạn nữa. Cháu muốn được là cháu của trước đây - một cô bé vô tư hay cười nó

Sau một năm, vì sức khỏe đã khả quan hơn nên cuộc sống của cháu cũng không còn gặp trở ngại nào nữa. Cháu đã vượt qua các rào cản một cách vẻ vang. Đó là nhờ một thái độ quyết tâm tích cực cộng với câu nói chân thành của một người bạn đặc biệt. Có thể bạn ấy không biết rằng chính bạn ấy đã tác động đến cháu, nhưng cháu sẽ không bao giờ quên những gì bạn ấy đã nói. Từ một con người lạc lõng, hoang mang, cháu đã được bạn ấy đưa trở lại cuộc sống này. Cháu rất biết ơn và yêu quý bạn ấy.

Cám ơn cô đã cho phép cháu được chia sẻ tâm tình, và cháu cũng hy vọng rằng những bạn trẻ khác sẽ đọc được bài viết này, để các bạn ấy biết rằng, những lời tử tế quan trọng ra sao đối với một con người.

Thân ái,

Karen