Hòn Đất - Chương 08 phần 1

1
- Có nước rồi, có nước rồi!
Cái tiếng kêu "có nước" truyền đi khắp hang. Cả anh Thẩm và thằng Bé đang nằm cũng nhỏm dậy, ngóng về phía các ánh nến. Lát sau lại có tiếng anh em gọi báo cho nhau là nước đã chảy thành giọt. ở hang trong, Năm Nhớ cầm nến đứng soi cho Quyên ngồi nâng cái cà om kê vào giọt nước từ trên kẽ đá nhểu xuống. Giọt nước mưa đùng đục rơi từ từ, chạm đáy cà om nghe tí tách. Nước mỗi lúc mỗi chảy nhanh. Khi đáy cà om bật lên tiếng kêu trong toong toong thì nước đã chảy thành dòng, và nước trở nên trong hơn. ở vách đá bên cạnh, những đường kẻ nhỏ hơn cũng giàn giụa, ướt loáng mặt đá.
Không bao lâu cái cà om trên tay Quyên đã nặng trĩu. Cô ghé mắt nhìn, thấy nước trong cà om đã được gần nửa. Cô thở phào:
- Thôi khỏe rồi, không sợ khát nữa!
Năm Nhớ hạ thấp ngọn nến bảo:
- Đặt cà om xuống đi, hơi đâu mà bưng
Quyên nghe theo, từ từ đặt cái cà om xuống đất. Nước mưa chảy thành dòng dài và lớn hơn. Quyên vẫn ngồi bẹp nhìn dòng nước, mắt long lanh. Cô nói:
- Bữa nay mình đoạt hai cái thắng lợi mà không tốn mồ hôi. Một là tụi nó bày trò un hang. Hai là ông trời ổng mưa.. chắc ở ngoài mưa lớn lắm!
- ờ, mưa lớn nên nước nó mới chảy nhiều như vậy!
- Ông trời ổng ủng hộ mình quá. Giờ thì khỏi lo rồi. Có gạo, có nước, mình cứ ở trong hang này hoài coi nó làm gì mình cho biết1
- Anh Tám nói sợ nó đánh chất nổ
- Đánh bằng chất nổ cũng không sợ. Bất quá mình thụt vô trong một chút, nổ rồi mình lại ra. Thì cũng cỡ một ngàn trái MK3 hôm nọ là cùng!
Cái cà om đã lấp xấp muốn đầy, nước văng tung tóe, Năm Nhớ cặm nến lên đá, rút tấm vải nhựa kẹp trong nách ra. Hai cô cầm bốn chéo vải nhựa mà hứng.
Lát sau, tấm vải nhựa đã nặng trĩu một bọc nước đầy, Quyên túm lại. Cô bảo Năm Nhớ:
- Mày đi lấy hết nồi ơ lại đây
Năm Nhớ chạy đi. Chốc sau, cô trở lại nói rằng anh em đã lấy nồi xoong đem hứng nước hết rồi, giờ không còn thứ gì để chứa nước nữa.
Quyên ngồi nhổm, ngó dòng nước chảy xối, lấy làm tiếc. Bỗng cô bước tới và quỳ xuống chỏi hai tay, ngửa miệng đón lấy dòng nước. Quyên uống ừng ực. Uống thỏa thích rồi, cô quệt miệng, nánh ra, bảo Nhớ:
- Uống đi, uống cho đỡ khát đi!
Năm Nhớ cũng quỳ xuống như Quyên, ngửa mặt, để nước chảy vào miệng.
Quyên bảo:
- Để tao chạy đi kêu mấy ảnh đem đồ lại đây hứng!
Quyên chạy đi. Năm Nhớ uống xong, dụm chân ngồi giữa dòng nước tắm luôn. Nước giội tràn lên tóc, lên mặt mũi cô. Nước dán chặt quần áo vào vóc người hơi đẫy của cô.
Quyên trở lại thấy thế hỏi:
- Tăm đó hả Nhớ. Tao cũng tắm nữa.. Mấy ảnh hứng đầy hết các thứ đó rồi!
Năm Nhớ đứng dậy để dòng nước chảy xuống đầu lượt nữa rồi bước sang bên
Quyên ngồi xuống
Cô vảnh tay rút cái kẹp tóc, ngậm nơi miệng. Dòng nước xối xuống mái tóc đen nhánh, chảy ướt ròng khuôn mặt trái xoan loang loáng ánh nến. Rồi từ cổ, đến vai, đến ngực Quyên đều ướt đẫm. Bộ quầnáo đen dán sát vào người Quyên, cho thấy vóc người cô thon thả, và mảnh hơn vóc người Năm Nhớ. Cô hơi ngả đầu về phía sau, hai bàn tay vuốt vuốt từng lọn tóc.
Khi Quyên kỳ cọ chân thì dòng nước yếu dần. Năm Nhớ nói:
- Muốn tạnh mưa rồi. Thôi đi thay đồ đi!
Nói xong Năm Nhớ quay đi. Quyên cố ngước mắt hứng những giọt nước cuối cùng, rồi mới đứng dậy cầm cây nến rón rén đi về phiến đá của cô. Đứng dụm chân bên dưới, cô nhìn thấy Ngạn đang nằm lòn tay cho con Thúy gối đầu ngủ. Quyên khẽ gọi:
- Anh Ngạn ơi, lấy giùm bộ đồ tơ cho em!
- Tắm rồi hả. Có lạnh không?
- Mát lắm!
Ngạn mò soạn lấy bộ quần áo tơ đen và cái khăn đưa xuống cho Quyên
- Thay đồ lẹ lẹ đi. Coi chừng bị cảm bây giờ!
Quyên lặng lẽ đứng thay quần áo. Cô vắt bộ đồ ước cho ráo nước, trải lên ở góc phiến đá.
Lên ngồi duỗi chân sát bên Ngạn, Quyên lặng lẽ cầm khăn lau tóc. Ngạn liếc nhìn cô, rồi anh rút tay khỏi đầu con Thúy, ngồi dậy. Anh giằng nhẹ chiếc lược Quyên đang nắm trong tay, khẽ ỡ vai Quyên, chải gỡ tóc cho Quyên. cô gái ngồi im không động đậy. Hướng mắt cô ngó mông vào đêm tối, đăm đăm. Nếu như ngày thường chắc miệng cô đã chúm chím. Nhưng bây giờ thì môi cô không hé một nụ cười. Ngạn chải tóc cho Quyên như chải tóc cho đứa em gái. Anh cũng lặng lẽ. Hình như từ hôm chị Sứ mất, Ngạn gần cận chăm sóc Quyên nhiều hơn. Anh muốn an ủi người yêu bằng mọi cử chỉ trìu mến mà anh có thể làm được. Cái chết của chị Sứ khiến anh thấy phải tìm cách làm dịu bớt nỗi đau buồn của Quyên..
Bây giờ anh lại lần chải tóc cho cô. Anh chải làn tóc ướt mà ấm, là tóc ướt đậm mùi hương yêu và hỏi:
- Cậy kẹp của em đâu?
Quyên ngoan ngoãn đưa cây kẹp cho anh
Anh vừa kẹp tóc cho Quyên xong, bỗng Quyên quay lại dúi đầu vào lòng anh khóc rưng rức. Hai vai Quyên run lên, Ngạn để yên cho Quyên khóc. Một lát sau anh mới hỏi:
- Thôi, đừng khóc nữa em, đừng khóc nữa Quyên à. Anh đã nói là..
Quyên vẫn tức tưởi:
- Em thương.. thương cho chị Ba, chỉ đợi.. đợi anh Ba hoài. Bây giờ.. làm sao chỉ gặp.. gặp lại anh Ba cho được.. Hồi sáng em coi lại tấm giấy sót trong túi áo chị Ba.. hóa ra là .. là cái thơ của anh Ba mới gửi cho chỉ. Còn có một cái thơ chỉ mới viết có mấy chữ "Anh thương yêu của Sứ và con. Em vừa nhận được thư anh.."
- Em còn cất cái thơ đó hả?
Ngạn thẫn thờ hỏi và liền nghĩ tới anh San ở ngoài Bắc. Người anh bạn rể đó mà biết được sự thể này thì anh ta làm sao đứng ngồi cho yên được. Cảnh đất nước phân phối đặt bao nhiêu người vợ trẻ ở lại trong vòng nước sôi lửa bỏng. Không biết bao nhiêu tuổi xuân đã qua đi trong đợi chờ và tranh đấu. Thời gian thử thách họ từng năm một. Hai năm đầu tiên thì dễ. Nhưng bắt đầu năm thứ ba trở đi, mối thử thách trở nên gay gắt. Ngạn đã trông thấy trước mắt vô số người phụ nữ vượt qua những thử thách đó. Tuy nỗi gian khổ và năm tháng ít nhiều có làm cho họ già đi, nhưng trông họ bình tĩnh và rắn rỏi. Anh cũng đã gặp một vài chị thiếu kiên tâm và cũng có chị đã sa sẩy nhưng chị Sứ thuộc loại trên. Chị đã đi tới năm thứ bảy, cũng là năm cuối cùng của cuộc đời chị.
Ngạn bảo Quyên:
- Chị Ba hy sinh thiệt là dũng cảm
- Nhưng tội nghiệp cho chỉ..
- Anh biết.. Ai cũng buồn. Em buồn nhiều hơn là phải. Như bây giờ em có thể khóc với anh, nhưng sáng ngày..
- Sáng ngày em không khóc
- Vậy thì được. Giữa lúc tụi nó có thể nhảy vô giết mình thì phải gạt nước mắt sẵn sàng đâm lại nó.
- Em chỉ sợ con Thúy nó biết
- Thế nào rồi nó cũng biết, nhưng nó biết sau trận này thì tốt hơn!
Quyên nín thinh, cắn cắn bâu áo của Ngạn. Một lát không biết nghĩ sao, Quyên nói:
- Anh hay nhiếc em lắm
- Anh đâu có nhiếc em hồi nào!
- Có!
Ngạn nhớ lại mấy câu anh vừa nói, thì bật cười:
- Em là út, quen được má cưng nên anh mới nói vậy mà em cũng cho là nói nặng!
- Thôi thì anh nói nhé
Ngạn cười. Anh bảo:
- Thôi em ngủ đi. Ngày mai tụi nó chưa có rút đâu. Mai nữa là chẵn một tuần lễ rồi!
- Một tuần lễ mà sao em thấy lâu quá.
- Vì mình trông tụi nó rút nên thấy lâu. Hễ cái gì mình đợi hoài thì nó lâu tới
- Không phải. Tại em nghĩ có bảy ngày mà sao xảy ra nhiều chuyện quá!
Ngạn gật gù:
- Phải, xảy ra rất nhiều chuyện!
Anh ngưng lại một chốc rồi tiếp:
- Bảy ngày mà đã vậy. Mới biết trong bảy năm tại miền Nam có bao nhiêu là sự việc. Hy sinh, căm thù, anh dũng, cái gì cũng có đủ..
- Mấy đêm nay em không sao chợp mắt được..
- Em ngủ đi. Anh phải ra hang đây. Có lẽ mưa tạnh rồi!
Quyên lắng tai. Cô không còn nghe những giọt nước trong kẽ hang chảy róc rách nữa. Ngọn nến cắm trên phiến đá leo lét, sắp tăt. Trước khi ra ngoài, Ngạn cúi hôm Quyên, giữa lúc ánh nến sáng lên lần cuối cùng và phụt tắt.
Ngạn đi rồi, Quyên nằm một lúc thì thằng út đến. Nó đứng dưới hỏi vọng lên:
- Chị út ngủ thức?
- Thức, em đó hả út?
- Dạ..
Quyên nhổm dậy, với tay kéo thằng út lên. Tay thằng út mát lạnh. Quyên rờ thấy quần áo âm ẩm và đầu nó còn ướt rượt.
- Bộ em tắm hả út?
- Dạ..
Thằng út thì thào:
- Chị út ơi, chị có hay gì hôn? Mấy chú ngoài xóm chặt tiêu thằng Xăm rồi
Quyên chưng hửng:
- Sao em biết?
- Chị Cà Mỵ mới đem gạo vô miệng hang, chị không hay à?
- Cà Mỵ hả, Cà Mỵ đâu?
- Chị Cà Mỵ về rồi. Hồi trưa mưa dữ đó. Chị Cà Mỵ nói mấy chú diệt thằng Xăm với một thằng nữa. Má chị Mỵ bỏ trốn rồi.. mà sao chị Mỵ khóc dữ quá hà. Chị bị tụi lính nó làm cái gì đó..
- Em ngó thấy chị Cà Mỵ à?
- Em thấy chớ. Hồi nãy em ở ngoài.. Trời đương mưa ầm ầm thì nghe kêu: " Mấy anh ơi, tui là Cà Mỵ đây!" Em với mấy chú chạy ra. Chị Cà Mỵ chuyển đồ ăn vô, nói cái vụ đó rồi khóc thút thít. Lúc chỉ chạy đi, ông trời ổng nháng lên, sao em ngó thấy quần áo của chỉ rách te tét hết trơn hè!
Thằng út lập bập, vừa nói vừa thở. Nó quả quyết bảo rằng nó nói thiệt. Và nó nắm tay Quyên
- Không tin chị út đi với em ra hỏi mấy chú coi!
Quyên nhoài chân xuống phiến đá đi theo thằng út. Ra gần tới miệng hang, Quyên đụng phải anh Hai Thép. Cô hỏi:
- Cà Mỵ nó mới tới đây hả anh Hai?
- ờ nó mới đem cơm với thuốc hút vô. Thiệt là không ngờ anh em đã thanh toán được thằng Xăm, khá quá!
- Nghe thằng út nói em không tin. Vậy nó chết thiệt rồi à?
- Chết rồi, bà Cà Xợi thì bỏ trốn mất biệt!
Thằng út nói leo:
- Sợ bả trốn ở ngoài nhà nò của tui quá!
- Sao mày biết?
- Chỗ đó êm lắm!
Anh Hai Thép không chú ý nghe thằng út nữa. Anh bảo Quyên:
- Tao thương con Mỵ quá. Con nhỏ tốt thiệt. Ban nãy thấy kiểu nó khóc tao nghi lắm, hỏi gặn mãi nó chỉ bảo:
- "Cháu không nói đâu. Chừng nào mấy chú ra khỏi hang cháu mới nói..".Vậy rồi nó chạy vụt đi. Lạ quá, quần áo của nó rõ ràng là bị xé rách.
Quyên thốt lên:
- Trời ơi..
Cô đut ngón tay vào miệng cắn cắn, và nín bặt. Trong đêm tối cô thấy Cà Mỵ hiện ra với khuôn mặt nâu rám hay ngước lên và khóe mắt của Cà Mỵ xưa nay vốn đã ươn ướt thì giờ lại càng ướt bhơn. Đôi mắt của cô gái hiện ra trước Quyên trông sao vẫn thiệt thà, vẫn ngây thơ một cách đáng thương. Quyên nhớ những khi Cà Mỵ cười khi nắc nẻ bên suối, nhớ Cà Mỵ gánh nồi đi Tri Tôn mồ hôi rấp dính những món tóc loăn xoăn trên trán. Quyên nhớ Cà Mỵ ngồi đan cà ròn, miệng hát bài "Hoàng tử chém chằn". Tháng nắng, chiều nào ra suối Cà Mỵ cũng đặt cà om lên cỏ, chúm đôi bàn tay dịu nhỉu múa điệu của riêng cô nghĩ ra. Thoáng chốc, Quyên nhớ đến mọi nét mọi vẻ của Cà Mỵ. Cả cái cử chỉ khi Cà Mỵ ôm cô mà hôn thiệt là kêu, thiệt là nhiệt thành.
Nghe thằng Xăm chết. Quyên không mảy may thương xót. Chớ thoáng nghe đờn Cà Mỵ hình như bị bọn giặc phá hoại Quyên đau quá, thương cho Cà Mỵ quá. Song Quyên vẫn không tin.
Quyên nói với anh Hai Thép:
- Đâu chắc là Cà Mỵ đã bị tụi nó làm ẩu. Anh Hai à, chưa chắc đâu.
Mặc dù nói vậy, sao Quyên cảm thấy chừng như việc đã gần với sự thật lắm. Linh tính của cô như quả quyết với điều ấy.
2
Mưa ngớt vào lúc nửa đêm. Qua hôm sau bầu trời Hòn Đất trở lại trong trẻo. Các vườn lá trên Hòn được trận mưa đêm tắm gội cho mướt mượt.
Địch không mở thêm một cuộc tấn công nào mới. Ngồi trong cái chuồng trâu bỏ trống dùng làm chỗ đóng quân, hạ sĩ Cơ và ba người lính cùng tiểu đội hồi hộp đợi từng tiếng đồng hồ của ngày hôm ấy trôi qua. Họ hy vọng mọi sự được êm ái, để trời sụp tối là họ tới nơi hẹn gặp thím Ba. Không may cho họ, lúc xế, hạ sĩ Cơ bị tên trung úy gọi tới:
- Anh về dẫn tiểu đội của anh lên đại đội!
Hạ sĩ Cơ thiếu điều muốn run lên. Anh nín thở, nghe tên trung úy nói tiếp:
- Tối nay người ta hát bóng cho Việt cộng với dân chúng coi.. Mấy anh em lên khiêng vác, làm giàn rớ gì đó!
- Dà..
Hạ sĩ Cơ thở phào nhẹ nhõm. Anh ta hỏi:
- Dạ đi bây giờ?
- ờ, đi liền bây giờ!
Hạ sĩ Cơ nghĩ bụng: "Nguy quá, kiểu này làm sao gặp thím Ba ú cho được!"
Về tới chuồng trâu, anh kêu lính trong tiểu đội sửa soạn đi và anh gọi riêng một trong số những người lính sẽ trốn với mình, rỉ tai bảo:
- Chạy lại quán cho thím Ba biết mình bị kẹt. Hỏi thím coi hưởn trê trễ tới lối bảy tám giờ được không. Rồi chạy cho tôi hay.
Hạ sĩ Cơ dắt tiểu đội lính đi lên đại đội
Tên chỉ huy đại đội bảo an thấy hạ sĩ Cơ dắt tên lính tới thì nói:
- Đi làm chỗ hát bóng đó hả?
- Dà
- Theo tôi!
Hắn dắt hạ sĩ Cơ cùng tiểu đội lính đi vô vườn mãng cầu. ở đó một đám người gồm nhiều phụ nữ và vài ông già đang ngồi lổm nhổm, có mấy tên bảo an đứng coi chừng.
Trong số đó có chú Tư Râu ba thằng út. Chú bị bắt khi đem cá vô xóm bán. Chú đang cảu nhảu:
- Mấy ông bắt tôi đi mần bất tử như vầy bỏ nò ở nhà không ai thăm. Tôi thì có biết làm cái vụ này đâu kia chớ!
- Không biết thì người ta chỉ cho biết. Bỏ một bữa thăm nò mà cằn nhằn hoài. Mấy người ham làm giàu vừa vừa chứ. Tụi tôi đi đánh Việt cộng cho mấy người hưởng chớ ai hưởng.
- Tôi không hưởng cái khoản đó!
Chú Tư thản nhiên đáp. Tên đại đội phó nổi cục, bước tới ngó mặt chú. Hắn ngó mé bên này rồi lại ngó mé bên kia.
- Ê, tên gì mày?
- Tôi tên Tư
- Tao hỏi mày tên gì?
- Tôi nói tôi tên Tư!
Tên đại đội phó vung tay đấm mạnh vào mặt chú Tư. Nhưng chú đã lẹ làng gạt phắt tay nó ra. Đám đờn bà thấy thế vụt chạy nhào tới:
- Trời ơi, sao đánh người ta. Ông hỏi tên thì người ta nói tên, chớ sao ông lại đánh?
Một ông già bảo tên thiếu úy:
- Ông à, ông trật rồi. chú ta tên Tư thiệt mà, bà con tôi vẫn kêu chú là chú tư Râu
Tên đại đội phó quay ngoắt đi:
- Đ.mẹ, tôi không biết Tư Râu Rai gì hết. A-lê, đi làm!
Đám đàn bà léo xéo:
- Không tụi tôi không đi nè. Ai giỏi làm gì thì làm thử coi!
Không muốn không khí trở nên găng, nên chú Tư ôn tồn nói:
- Thôi mình đi mấy thím!
Nói thế xong, bỗng chú bước vụt lên ngang mặt tên thiếu úy, nói vừa đủ cho hắn nghe:
- Cậu là người Việt nên tôi chỉ gạt tay cậu ra. Chớ Mỹ mà nó đánh tôi kiểu đó, tôi vặn họng nó rồi a cậu!
Tên thiếu úy ngó sững ngừng đàn ông râu ria xồm xoàm vai u thịt bắp. Hắn đi rướn tới, nặng nề, và hoàn toàn câm lặng
Đám phụ nữ nghe lời chú Tư Râu, lẽo đẽo đi theo. Tên thiếu úy ấy sai lính khiến mọi người vác tre, vác cưa, dao rựa đi về phía hang. Bọn lính đốc thúc bà con dựng lên một cái khung tre trước miệng hang.
Giữa lúc kềm giữ cho bà con đào lỗ, cắm cột, hạ sĩ Cơ không ngớt dòm về phía miệng hang. Anh ta bảo bụng: "Còn có mấy tiếng đồng hồ nữa thì mình thoát khỏi chỗ này rồi, phải thủ kỹ mới được". Anh lính đi lại quán thím Ba ú đã về cho hạ sĩ Cơ hay rằng bất luận thế nào thím Ba cũng đợi họ tại ngã Sĩ Lỳ để dắt họ đi, nếu họ về sớm sẽ đi sớm, về muộn sẽ đi muộn, không thể dời ngày khác được.
Mãi tới choạng vạng cái khung để mắc màn ảnh mới dựng xong, sau bao lượt dùng dằng chèo kéo.
Hạ sĩ Cơ dắt tiểu đội trở về tới chuồng trâu thì trời sụp tối. Anh ta và bốn người lính nọ bưng cà men cơm ăn qua loa vài hột rồi vác súng lỏn đi..
Tới ngã ba Sĩ Lỳ, họ không thấy ai cả. Người nọ thì thào hỏi người kia.
- Cha, sao không thấy thím Ba đâu hết?
- Mày nghe thím dặn kỹ không?
- Hạ sĩ cơ hỏi
Ngay lúc đó, có tiếng bên vệ đường vọng ra:
- Anh em đó hả?
Đúng là tiếng thím Ba. Mà vẫn chưa thấy thím đâu. Lát sau mới nghe tiếng sột soạn trong bụi cây vệ đường:
- Tôi đây nè
Cái bóng to béo của thím ở trong bụi bước ra, thì thào hỏi:
- Anh em tới đủ hết chưa?
- Đủ
- Đưa súng đạn hết đây cho tôi!
Bốn người lính cởi súng đạn, run run cầm giao cho thím Ba. Thím lanh lẹ tóm xách một tay hai cây súng lủi vô bụi. Chốc sau, thím chui ra trao cho mỗi người một ốp mo cau còn bốc hơi nóng ấm:
- Đây là phần cơm của mấy cậu. Có thịt gà ở trỏng1
Bốn người lính cóm róm đỡ lấy mo cau, thím Ba bắt đầu đi vượt lên, xấp xải. Khỏi ngã ba vài ba trăm thước, thím rẽ xuống ruộng. Bốn người đi theo thím như chạy. Một đỗi sau, tới giữa đồng, họ bỗng nghe tiếng loa vọng ồm ồm trong xóm. Thím Ba hỏi:
- Cái chi vậy?
- Tụi nó lùa bà con đi coi hát bóng mà!
Thím Ba yên tâm đi tới. Sông Vàm Răng hiện ra như một kẽ trũng, đang chảy đổ ra biển. Nước sông mỗi lúc một ráo kiệt, thỉnh thoảng réo lên, như tiếng người kêu khản giọng giữa bốn bề đất trống đồng khồ.
Thím Ba ú xăm xăm đi tới bờ sông. Thím vỗ tay bộp bộp ở phía bờ bên kia sông chuỗi dậy mấy cái bóng phụ nữ vắt vẻo búi tóc:
- Chị Ba đó hả?
- ờ.
- Cho anh em qua đi. Cứ lội qua, cạn xợt thôi!
Thím Ba ú nói với bốn người lính:
- Thôi bây giờ mấy cậu đi nghe. Phận sự tôi tới đây xin hết!
Thím móc túi lấy cái gì đưa hạ sĩ Cơ:
- Đây, bà con cho chung mấy cậu ba trăm?
Hạ sĩ Cơ rụt tay lại. Thím Ba ú nhét vô tay hạ sĩ Cơ và bảo:
- Mấy cậu cầu mà xài đường. Của bà con cho, mấy cậu cứ lấy, không can chi!
Hạ sĩ Cơ buộc lòng cầm tiền. Anh ta ứ đứng ngây, miệng lúng búng câu gì không rõ. Bốn người lính từ biệt thím Ba rồi cởi giầy, lần lượt lội xuống bãi bùn.
Người phụ nữ bờ bên kia nói trỏ xuống bốn người lính đang lội ồn ột:
- Mấy cậu bận quần xà lỏn thôi, còn đồ cởi ra ém xuống sình đi! Qua đây sẽ có quần áo cho mấy cậu thay!
Bốn người nghe lời cởi quần áo giữa lòng sông cạn. Họ vo guộn những bộ binh phục bảo an vụt xuống bãi bùn rồi lấy chân đạp nhận xuống thật sâu.
Trong bóng tối lờ mờ, thím Ba ú còn nhìn thấy bóng những người lính vừa rũ bỏ binh phục đang lội lên bãi sông bên kia. Bây giờ thím Ba ú mới thiệt tin là bổn phận mình đã hoàn tất. Cái gì khiến thím hân hoan thật sự.
Thím tự nhủ: "Được bốn người cũng đỡ bốn người!"
Đến lúc anh em lên bờ bên kia. Thím mới quày lưng trở về .