Hình hài yêu dấu - Chương 02 phần 2

“Ray không được khỏe lắm,” bà mẹ trả lời khi điều tra viên đến nhà, yêu cầu được nói chuyện với Ray. Nhưng qua bà họ cũng thu thập được những gì cần biết. Ray gật đầu xác nhận khi bà lặp lại những câu hỏi của viên cảnh sát cho cậu. Đúng, cậu có viết thư tình cho Susie Salmon. Đúng, cậu có nhét vào quyển vở của Susie sau khi thầy Botte bảo Susie đi thu bài kiểm tra đột xuất thầy vừa ra cho cả lớp. Đúng thế, cậu tự gọi mình là gã người Moor.

Ray Singh trở thành nghi phạm số một.

“Cậu bé dễ thương đó ư?” mẹ tôi nói với bố.

“Ray Singh là người tử tế mà,” em gái tôi nói, giọng bình thản, lúc ăn tối hôm đó.

Tôi quan sát cả nhà, biết họ hiểu rằng Ray Singh không thể là thủ phạm được.

Cảnh sát ập đến nhà cậu, gây áp lực nặng nề, ám chỉ bóng gió khi lục vấn. Họ phấn khích vì nhìn màu da sẫm của Ray nghĩ ngay cậu là hung thủ, nhìn cung cách của cậu mà điên tiết, rồi còn vì thấy bà mẹ đẹp một cách lạ lẫm, lạnh lùng xa cách. Nhưng Ray có bằng chứng ngoại phạm. Cả một loạt quốc gia có thể làm chứng cho cậu. Bố cậu, giảng dạy môn lịch sử hậu thuộc địa ở đại học Pennyslavia, đã thôi thúc cậu trình bày về kinh nghiệm giới trẻ trong buổi thuyết trình ở Viện Quốc tế đúng ngày tôi lìa đời.

Lúc đầu thì chính việc Ray vắng mặt ở trường đã bị xem là bằng chứng buộc tội, nhưng khi cảnh sát được trao danh sách bốn mươi lăm người đã tai nghe mắt thấy Ray lên phát biểu về đề tài “Các khu vực ngoại vi thành phố: Kinh nghiệm của Hoa Kỳ” thì họ phải thừa nhận cậu vô tội. Mấy cảnh sát đứng ngoài khuôn viên gia đình Singh, vặt cành lá ở bờ rào. Sẽ dễ dàng cho họ biết bao nếu câu giải đáp, như có ma thuật, cứ tự động từ một cái cây trên trời rơi xuống. Dù vậy, tin đồn vẫn cứ lan truyền, cố gắng hòa nhập của Ray, chưa tiến xa được mấy, nay bị đổi ngược chiều. Từ đó hễ tan trường là cậu đi thẳng một mạch về nhà.

Những chuyện này làm tôi phát điên lên được. Phải mục kích mà không có cách nào hướng cảnh sát đi về phía ngôi nhà màu xanh lá cây ngay sát nhà bố mẹ tôi, nơi tên Harvey đang ngồi gọt chạm cái đầu mái ngôi nhà kiểu gô-tich hắn ráp cho búp bê. Hắn theo dõi tin tức và rà đọc hết các báo, nhưng hắn khoác một vẻ vô tội giống như mặc chiếc áo cũ song thoải mái dễ chịu. Trước đó tâm trí hắn hoảng loạn nhưng nay đã bình tĩnh lại rồi.

Tôi cố tìm an ủi nơi còn Holiday, con chó của gia đình tôi. Tôi nhớ nó khác cách tôi cho phép mình nhớ bố mẹ, em gái và em trai tôi. Vì nếu nhớ họ cũng như nhớ con chó là tôi chấp nhận sẽ không bao giờ còn được gần gũi người thân nữa; nghe thì ngớ ngẩn thật nhưng tôi chưa hề tin, và cũng không muốn tin điều đó. Tối đến Holiday nằm trong phòng Lindsey, nó luôn đứng cạnh bố tôi khi ông mở cửa cho người lạ, nó mừng quýnh mỗi khi được mẹ tôi chia cho vài mẩu những thứ bà lén ăn trong bếp và nó chịu để Buckley nắm đuôi kéo tai lôi đi lòng vòng trong ngôi nhà im ỉm khóa.

Có quá nhiều máu thấm vào đất.

Ngày mười lăm tháng Chạp, trong số những tiếng gõ cửa thường báo hiệu cho gia đình tôi là phải chuẩn bị tư thế đối phó trước khi mở cửa cho khách lạ - mấy người láng giềng tử tế lúng túng chia buồn, những tay phóng viên ăn nói vụng về mà nhẫn tâm - có tiếng gõ cửa của người làm cho bố tôi cuối cùng phải tin thật.

Đó là Len Fenerman, người luôn ân cần tử tế với bố, và một cảnh sát viên mang sắc phục.

Họ bước vào, lâu nay họ quen lệ là mẹ tôi muốn họ cần bảo gì thì vào thẳng phòng khách, để hai đứa em tôi trên gác không nghe lỏm được.

“Chúng tôi có tìm được một món đồ và nghĩ là của Susie,” Len nói. Len rất ý tứ. Tôi thấy ông đang cân nhắc từng lời. Ông để ý lựa lời để bố mẹ tôi đừng lập tức nghĩ ngay rằng cảnh sát đã tìm thấy xác tôi, rằng lần này chắc chắn tôi đã chết thật rồi.

“Món đồ gì?” mẹ tôi sốt ruột hỏi. Bà khoanh tay lại, gắng nghe kể thêm một chi tiết với bà là vớ vẩn nhưng với mấy người kia thì đầy ý nghĩa. Bà như một bức tường. Tập vở với sách truyện chẳng nói với bà được điều gì. Con gái bà có thể vẫn còn sống, cho dù cụt một cánh tay. Máu me nhiều là máu me nhiều. Không phải là xác người. Jack, chồng bà nói thế và bà cũng tin vậy; trên đời này chẳng có gì là chắc chắn cả.

Nhưng khi họ giơ lên bao tang vật đựng cái mũ của tôi, có gì đó vỡ vụn trong lòng bà. Bức tường mỏng manh bằng pha lê chỉ từng che chở trái tim bà - chẳng hiểu sao làm cho bà tê liệt, đến mất cả lòng tin - bỗng vỡ tan tành.

“Cái ngù len,” Lindsey kêu lên. Em từ nhà bếp lẻn vào phòng khách. Không ai ngoài tôi nhìn thấy em vào phòng.

Mẹ tôi kêu hộc lên một tiếng, tay chới với, nghe như tiếng kim loại cọ xát, như khi một người máy hực lên vài âm cuối trước khi động cơ tắt hẳn.

“Chúng tôi đã cho phân chất sợi bông,” Len nói. “Rất có thể là kẻ dụ dỗ cháu đã sử dụng nó khi phạm tội ác.”

“Sao cơ?” bố hỏi. Ông thấy mình bất lực. Người ta giải thích mà ông chẳng hiểu ất giáp gì.

“Để cháu không kêu lên được.”

“Cái gì?”

“Cái ngù đẫm nước bọt của cháu,” viên cảnh sát mang sắc phục nãy giờ vẫn yên lặng, tự động xen vào. “Hắn đã dùng nó bịt miệng cháu bé.”

Mẹ tôi giật nó khỏi tay ông Len Fenerman, những cái chuông tí hon bà khâu vào ngủ kêu leng keng khi nó rơi xuống đầu gối bà. Bà gục trên cái mũ đã đan cho tôi.

Tôi thấy Lindsey đứng đờ ở cửa. Em không nhìn ra bố mẹ nữa; em không còn nhận ra bất cứ gì nữa.

Bố tiễn ông Len Fenerman, con người đầy thiện chí, và viên cảnh sát mặc sắc phục ra cửa trước.

“Ông Salmon ạ,” Len Fenerman nói, “trên cơ sở lượng máu tìm được, và sự bạo tàn tôi ước đoán được qua đó, cũng như dựa trên những chứng cớ khác mà chúng ta đã trao đổi, bây giờ chúng tôi phải tiến hành vụ này với giả thiết là con gái ông đã bị giết hại thật rồi.”

Lindsey nghe lỏm được điều em đã biết từ năm ngày trước, khi bố kể về mẩu xương khuỷu tay. Mẹ tôi bắt đầu khóc rấm rức.

“Kể từ này chúng tôi sẽ xử lý vụ này như một án mạng,” Fenerman nói.

“Nhưng xác cháu vẫn chưa tìm ra mà,” bố cố vớt vát.

“Mọi tang chứng đều cho thấy con gái ông đã chết thật rồi. Tôi xin thành thực chia buồn.”

Viên cảnh sát mang sắc phục cứ nhìn chệch sang bên phải, tránh ánh mắt van lơn của bố tôi. Tôi tự hỏi phải chăng họ đã học ở trường nghiệp vụ cách phản ứng như thế. Còn ông Len Fenerman nhìn thẳng vào mắt bố tôi. “Tôi sẽ ghé lại lần nữa trong ngày,” ông bảo.

Lúc quay vào phòng khách, bố tôi suy sụp đến nỗi không thể chìa tay cho mẹ tôi đang ngồi trên thảm hay cho em tôi đang đứng chết trân bên cạnh. Ông lên lầu, nhớ rằng có Holiday nằm trên tấm thảm trong phòng làm việc. Hồi nãy ông thấy nó nằm đó. Tí nữa đây, vùi mặt vào bộ lông dày quanh cổ nó, bố mới bật ra tiếng khóc.

Buổi trưa hôm ấy cả ba người đều rón rén đi lại, cố giữ im lặng, như sợ rằng tiếng bước chân sẽ xác nhận những tin mới kia. Bà mẹ cu Nate gõ cửa để giao trả Buckley. Không ai ra mở cửa. Bà lùi ra vì linh cảm đã có chuyện gì đấy xảy ra trong ngôi nhà này, tuy nó giống y những nhà bên cạnh. Bà trở thành đồng lõa với em trai tôi, khi bảo sẽ dắt nó ra hiệu kem cho ăn đến kỳ chán mới thôi.

Cuối cùng, lúc bốn giờ, mẹ và bố tôi cùng đứng trong căn phòng dưới nhà. Mỗi người vào bằng một cửa khác.

Mẹ tôi nhìn bố: “Bà ngoại”, bà bảo, và ông gật đầu. Ông quay số gọi cho bà ngoại Lynn, người duy nhất còn sống trong các ông bà của chúng tôi.

Tôi hơi lo cho em gái, sợ bị bỏ một mình nó sẽ làm chuyện dại dột. Em ở trong phòng riêng, ngồi trên cái trường kỷ cũ bố mẹ tôi đã thải, đang tập cho mình cứng cáp vững vàng hơn. Hít sâu vào rồi nín giữ hơi. Cố ngồi yên lần sau lâu hơn lần trước. Thu mình nhỏ lại như hòn đá. Quấn những ven rìa của bạn lại rồi gập chúng xuống mặt dưới để không ai thấy được.

Mẹ tôi bảo để tùy em chọn ở nhà hay vẫn đi học cho tới Giáng sinh - cũng chỉ còn một tuần nữa thôi - nhưng Lindsey chọn đi học.

Sáng thứ Hai, cả lớp chăm chăm nhìn khi thấy Lindsey bước vào phòng học.

“Ông hiệu trưởng muốn gặp em đấy, cưng ạ,” bà Dewitt hạ giọng nói với em.

Lúc bà Dewitt nói em tôi không nhìn bà. Em đang luyện để hoàn thiện nghệ thuật vừa giao tiếp vừa nhìn xuyên suốt người đối thoại với mình. Đó là dấu hiệu đầu tiên bảo cho tôi biết rằng sắp có chuyện đến nơi. Bà Dewitt cũng là giáo sư Anh văn, nhưng quan trọng hơn là chuyện ông Dewitt chồng bà, huấn luyện viên bóng đá cho đám con trai, đã từng khuyến khích Lindsey gia nhập đội bóng. Em tôi quý mến hai ông bà, nhưng sáng hôm đó em quyết định chỉ nhìn thẳng vào mắt những ai em biết có thể phản công chống trả được.

Trong lúc thu gom tập vở, em nghe chung quanh toàn những tiếng xầm xì. Em biết mười mươi rằng ngay trước khi em rời phòng, Danny Clarke đã rỉ tai Sylvia Henley điều gì đó. Có ai vừa đánh rơi gì đấy phía cuối phòng học. Em biết chúng cố ý làm thế để nhân lúc cúi lượm rồi quay về chỗ sẽ thì thao trao đổi với nhau về em của cô gái mới chết nọ.

Lindsey đi xuyên suốt dãy phòng học, rẽ phải lách trái dọc hành lang đặt tủ có khóa - né tránh bất cứ ai định sán lại hỏi han. Ước gì tôi được đi sóng đôi bên em, bắt chước điệu bộ của ông hiệu trưởng và cách ông khai mạc những buổi họp toàn trường ở đại sảnh: “Hiệu trưởng của các em là người bạn có nguyên tắc(3)!” Tôi sẽ lải nhải mãi bên tai làm em phải cười sặc lên.

3. Nguyên văn “Your principal is your pal with principles”: Hiệu trưởng (principal) của các em là người bạn (pal) có nguyên tắc (principle) - tác giả chơi chữ.

May mắn cho em là đi suốt không gặp ai, nhưng đến văn phòng thì em phải hứng chịu những cái nhìn đầy thương cảm của mấy bà thư ký thích an ủi vỗ về. Không sao. Ở nhà, trong phòng riêng, em đã chuẩn bị sẵn rồi. Em tự trang bị đến tận răng để đương đầu với mọi biểu lộ thiếu tế nhị của lòng trắc ẩn.

“Lindsey à”, ông hiệu trưởng Caden nói, “sáng nay thầy mới nhận được điện thoại của cảnh sát. Thầy thành thực chia buồn với em về nỗi mất mát này.”

Em nhìn thẳng vào mắt ông. Không phải tia nhìn mà là chùm tia la-de. “Chính xác thì em mất cái gì ạ?”

Ông Caden thấy nên nói thẳng vào những khủng hoảng của bọn trẻ. Ông đi vòng từ phía sau bàn giấy, dắt Lindsey tới băng ghế mà đám học trò đặt cho cái tên Trường kỷ. Mai đây ông sẽ thay nó bằng hai cái ghế dựa, cũng bởi vì khi đi kiểm tra một loạt các trường trong hạt này, các vị chức trách trong giới chính trị gia đã bảo ông: “Không nên để trường kỷ ở đây - mà nên để ghế dựa. Trường kỷ dễ gây hiểu lầm.”

Ông Caden ngồi xuống nên em tôi cũng ngồi theo. Tôi thích nghĩ rằng lúc đó, dù bực bội đến mấy, em cũng thấy hồi hộp khi ngồi trên chính cái Trường kỷ nổi tiếng này. Tôi muốn tin rằng không vì tôi mà em mất hết mọi khả năng cảm nhận của mình.

“Thầy cô luôn bên cạnh để giúp các em bằng mọi cách,” ông Caden bảo. Ông tỏ hết thiện chí.

“Em đâu có sao ạ.”

“Thế em có muốn kể thầy nghe không?”

“Kể gì ạ?” Lindsey hỏi lại. Em đang giở cái giọng mà bố tôi gọi là “xấc láo”, như khi ông nói “Susie này, không được nói cái giọng xấc láo đó với bố nghe chưa.”

“Về nỗi mất mát của em đấy,” ông nói. Ông vương tay sờ đầu gối em. Bàn tay ông như dấu sắt nung ấn lên da thịt em.

“Em không hề biết là đã đánh mất cái gì ạ,” em đáp, rồi lấy hết sức bình sinh, em rà soát khắp người, lộn trái hết các túi quần túi áo ra xem.

Ông Caden không biết phải nói gì. Năm ngoái Vicki Kurtz gục đầu vào lòng ông mà khóc. Tình thế có nan giải thật, đúng vậy, nhưng giờ đây nghĩ lại, ông thấy trong trườn hợp Vicki Kurtz với bà mẹ mới mất, cách ông giải quyết cơn khủng hoảng quả là khéo léo. Ông dìu Vicki Kurtz đến băng ghế - không, không đúng, chính Vicki đi thẳng đến cái băng, ngồi xuống đó - ông vừa nói: “Thầy có lời chia buồn về nỗi mất mát của em” thì Vicki Kurtz òa khóc như quả bóng bơm quá căng bị nổ tung. Ông vỗ về cô bé khóc ròng trong vòng tay mình, và chiều hôm đó ông đưa bộ quần áo cho hiệu giặt hấp tẩy.

Nhưng Lindsey Salmon khác. Cô bé có năng khiếu, là một trong hai mươi học sinh được trường tuyển chọn gửi đi dự hội nghị học sinh năng khiếu toàn bang. Sự cố duy nhất bị ghi trong học bạ là vụ cãi lại giáo sư hồi đầu năm, không trầm trọng gì lắm, khi cô nàng bị khiển trách đã mang loại tiểu thuyết nhảm nhí - Sợ bay(4) - vào lớp.

4. “Fear of Flying”

“Thầy cứ chọc cho nó cười đi,” tôi muốn nói cho ông hiệu trưởng biết vô cùng. “ Thầy dẫn nó đi xem phim hài của Bộ tứ huynh đệ nhà họ Marx(5), hoặc lừa cho nó ngồi phải chiếc gối phát ra tiếng rắm, hay cho nó thấy cái quần đùi thầy đang mặc có in hình mấy tên quỷ oắt con đang ăn bánh mỳ kẹp xúc-xích!” Tôi chỉ nói thôi chứ không thể làm gì khác, khổ nỗi không ai ở dương gian nghe được lời tôi.

5. Marx Brothers: bốn anh em biểu diễn ca nhạc, nổi tiếng với những phim hài vào những năm 1930-1950.

Có lần Sở giáo dụ của hạt tổ chức thi sát hạch để xem trò nào có năng khiếu, trò nào không. Trước kia tôi hay để cho Lindsey hiểu rằng tôi ghen tị với nó vì tóc nó đẹp, hơn là vì tôi bị xem là “chị ngố” trong hai đứa. Lúc còn bé cả hai mái đầu rậm một màu vàng nhưng lớn lên tóc vàng của tôi rụng dần, thay vào đó là lớp tóc mới màu nâu xỉn như lông chuột. Còn tóc Lindsey không đổi màu, được xem như chuyện hoang đường. Trong gia đình, em là người duy nhất có mái tóc vàng thật sự.

Nhưng một khi được xem là có năng khiếu, cô nàng tự buộc mình làm sao cho xứng đáng với danh hiệu ấy. Cô nàng khóa cửa phòng miệt mài đọc toàn những quyển sách dày cộm. Lúc tôi còn đọc A-lô, Chúa đấy phải không ạ? Con là Margaret đây(6), thì cô nàng đọc các tác phẩm mang tựa đề Kháng cự, Nổi loạn, và Cái chết của Camus(7). Có lẽ không hiểu mấy, nhưng đi đâu cô nàng cũng kè kè cắp theo, thế là mọi người - kể cả thầy cô - phải dần dần để cho nó yên.

6. “Are you the God? It’s me, Margaret”.

7. Albert Camus (1913-1960): Nhà văn Pháp, giải Nobel văn chương năm 1957.

“Lindsey ạ, thầy muốn nói là ai cũng nhớ tiếc Susie cả,” ông Caden nói.

Em không đáp.

“Chị của em rất thông minh,” thầy thử lần nữa.

Em trân trối nhìn thầy.

“Từ nay mọi chuyện đổ lên vai em hết.” Ông không biết mình đang nói những gì, nhưng thầy thấy em im lặng nên cho rằng mình đã dò đúng hướng. “Bây giờ em là con gái duy nhất họ nhà Salmon.”

Vẫn yên lặng.

“Em có biết ai đến tìm thầy sáng nay không?” Ông Caden còn giữ lại cho hồi kết cuộc một cái tin chủ bài mà ông chắc sẽ có tác dụng. “Thầy Dewitt đấy. Thầy ấy dự định lập đội bóng đá nữ,” ông Caden kể. “Hình dung sẽ là một đội tập hợp quanh em. Thầy ấy quan sát biết em chơi khá, ngang ngửa bọn con trai, nên nghĩ các trò gái khác se tham gia nếu có em làm đội trưởng. Em thấy sao?”

Trong lòng em tôi trái tim co lại như nắm đấm. “Em thấy thật khó có lòng dạ nào chạy chơi bóng đá trên cái sân cỏ chỉ cách nơi người ta bảo chị em bị giết hại đâu có mười thước.”

Tung lưới rồi!

Ông Caden há hốc miệng, nhìn sững Lindsey.

“Còn chuyện gì nữa không ạ?” em hỏi.

“Không, thầy...” ông Caden lại đưa tay ra. Sợi dây giăng nối vẫn còn đó - ông vẫn còn mong thấy hiểu thêm. “Em phải biết rằng các thầy cô đều đau lòng,” ông nói.

“Em phải về lớp thôi ạ, em hụt tiết học đầu mất rồi,” em nói.

Lúc đó em làm tôi nhớ lại một nhân vật trong các phim Cao-bồi mà bố tôi rất thích, loại phim mấy bố con cùng xem trên đài truyền hình lúc về khuya. Phim luôn có một anh chàng, vừa nã đạn xong liền chậm rãi nâng súng lên chúm môi thổi nhẹ vào nòng.

Lindsey đứng lên, thong thả rời văn phòng hiệu trưởng Caden. Đường về lại lớp là thời gian duy nhất mà em thư thái. Bên kia cửa là các bà thư ký, thầy cô đứng trên bục giảng trước cả lớp, bàn nào cũng có học trò, ở nhà thì lúc nào bố mẹ cũng có đó, cảnh sát ngày nào cũng đảo qua. Em sẽ không gục ngã. Tôi quan sát em, nghe cả những câu em nhẩm đi nhẩm lại trong đầu. Ổn cả. Mọi chuyện ổn cả. Tôi chết rồi, song chuyện này ngày nào chẳng có - thiên hạ người ta vẫn chết đấy thôi. Hôm ấy, khi ra khỏi phòng ngoài - phòng của các bà thư ký, tưởng như em nhìn vào mắt các bà, nhưng thực ra em chú mục vào vệt son môi tô vụng hay bộ váy với áo khoác bằng vải kép Trung Quốc in họa tiết lá cành của họ.

Tối hôm đó ở nhà, em nằm trên sàn trong phòng mình, thọc chân vào dưới tủ làm chỗ tựa. Em tập ngồi dậy mười bận. Rồi quay sang thế hít đất. Không phải kiểu con gái đâu. Thầy Dewitt từng kể cho em nghe hồi ở Lính thủy đánh bộ thầy tập như thế nào, đầu ngẩng cao, chỉ chống một tay thôi, rồi chập hai tay, chống một tay, chập hai tay, cứ xen kẽ như thế. Xong mười lượt em đi lại kệ sách lôi ra hai quyển nặng nhất - quyển từ điển và quyển niên giám thế giới. Em tập gồng bắp tay cho đến lúc hai cánh tay mỏi nhừ. Em chỉ tập trung vào việc thở. Hít vào, thở ra.

Tôi ngồi trong tòa vọng lâu ở quảng trường chính trong thiên đường của mình (ông bà hàng xóm O’Dwyers từng có một tòa vọng lâu; suốt thời niên thiếu tôi ganh tị thèm có được một cái như vậy) nhìn em tôi đang nổi cơn thịnh nộ.

Vài giờ trước khi tôi chết, mẹ tôi dán lên cánh cửa tủ lạnh một tấm tranh em Buckley vẽ. Bức tranh có một vạch đậm xanh da trời làm đường ranh giới giữa không gian và mặt đất. Những ngày sau đó tôi nhìn người trong nhà đi qua đi lại trước bức tranh và tôi bỗng tin chắc rằng cái vạch màu xanh đó là một nơi có thật - một Cõi lưng chừng - nơi thiên đường tiếp giáp hạ giới. Tôi muốn tới đó để đi vào trong sắc xanh hoa xa cúc của bút chì màu Crayola, sắc xanh sẫm vương giả, sắc ngọc lam lóng lánh, sắc màu thiên thanh.

Nhiều lần tôi thấy hễ mình cứ mong ước những điều đơn giản là y như rằng được toại nguyện. Những món quà quí giá gói trong lông thú. Hoặc chó chẳng hạn.

Hằng ngay chó lớn chó con đủ loại chạy rông khắp công viên trong thiên đường của tôi, bên ngoài phòng riêng. Khi mở cửa nhìn ra tôi thấy chúng, con thì phục phịch vẻ thỏa thuê, con thì ốm nhom mà rậm lông, hoặc gầy còm da trụi lủi. Bọn chó Pitbull nằm ngửa lăn qua lăn lại trong nắng, núm vũ nâu sẫm của mấy con cái căng phồng, gọi lũ chó con đến bú. Lũ chó giống Basset vấp cả vào những cái tai dài lòng thòng của chúng, lại đủng đỉnh đi tiếp, huých vào sườn mấy con chó Dachs, móc vào chân mấy con Greyhound, va vào đầu mấy con chó cảnh Bắc Kinh. Khi Holly mang cái kè xắc-xô gam cao ra ngồi trước cửa chính trông ra công viên, thổi nhạc Blues, bầy chó ùa cả lại hòa ca. Chúng ngồi chồm chỗm, đồng thanh tru lên. Cửa nhiều nhà khác liền mở toang, mấy người đàn bà, sống một mình hay chung nhà với bạn, bước ra xem. Tôi cũng rời phòng. Holly cứ thổi hết bài này đến bài khác. Mặt trời lặn dần, và tất cả chúng tôi khiêu vũ với bầy chó. Chúng tôi đuổi bắt chúng, chúng săn đuổi chúng tôi. Tất cả nối nhau thành hình tròn. Kẻ mặc áo vải đốm, người khoác áo in hoa hoặc kẻ sọc, hay trơn một màu. Khi trăng đã lên cao tiến kèn mới dứt. Buổi khiêu vũ kết thúc. Chúng tôi lạnh run.

Bà Bethel Utemeyer, người cao tuổi nhất trong thiên đường của tôi, mang ra cây vĩ cầm. Hollt nhẹ hòa tiếng kèn theo. Họ trình diễn một màn song tấu. Một bà cao tuổi, trầm lặng và một cô chưa kip sống trọn tuổi con gái. Kẻ ứng người đối, đó là bài nhạc giai điệu hỗn loạn nhất mà họ từng sáng tác để làm chúng tôi khuây khỏa.

Những người khiêu vũ lần lượt trở vào nhà. Bài nhạc còn âm vang cho đến khi Holly hòa âm một lần cuối và bà Utemeyer, trầm lặng, trong tư thế đứng thẳng, theo tập tục, kết thúc bằng một khúc dân nhạc cho điệu nhảy Jig.

Lúc ấy ngôi nhà đã chìm vào giấc ngủ; đó là buổi lễ ban tối của tôi.