Hình hài yêu dấu - Chương 03 phần 1

NHỮNG GÌ CHÚNG TÔI THẤY ĐƯỢC KHI NHÌN xuống dương gian thật là lạ lùng. Ngoài hình ảnh đầu tiên ta có thể nghĩ ngay đến, tức là hiện tượng nhìn-từ-nhà-chọc-trời-thấy-như-kiến-bò, còn có cảnh những vong hồn ở mọi nơi trên địa cầu đang rời khỏi hình hài thân xác họ.

Holly và tôi thường bay rà soát mặt đất mong tìm thấy gì bất ngờ trong khoảnh khắc không lấy gì làm ly kỳ ấy, và thỉnh thoảng mới hạ xuống, mục kích trong vài giây một cảnh tượng nào đó. Có linh hồn lướt ngang qua một người còn sống, quệt nhẹ vào vai hay má, rồi bay tiếp lên thiên đường. Người sống không bao giờ nhìn thấy rõ được những linh hồn này, nhưng nhiều người hình như cảm nhận rõ rệt rằng đã có gì thay đổi chung quanh họ. Họ kể về một luồng gió lạnh thổi qua. Người chồng hay vợ của kẻ quá cố chợt thức giấc giữa cơn mơ, thấy có ai đứng ở cuối giường hay ngưỡng cửa, hoặc bước lên xe buýt, như một bóng ma.

Khi thoát ra khỏi lòng đất tôi có chạm phải một cô nàng tên Ruth. Chúng tôi học cùng trường nhưng chưa hề có dịp làm quen. Tối hôm ấy, khi hồn tôi gào thét thoát khỏi lòng đất thì cô nàng đang đứng đúng trên hướng đó, chắn mất đường. Tôi buộc lòng phải chạm vào người cô nàng. Vừa mới được giải thoát khỏi kiếp sống bị hủy hoại một cách tàn bạo như vậy, tôi không thể tính toán đường đi nước bước. Tôi nào đã có thì giờ để suy ngẫm. Khi bị bạo hành con người chỉ còn tập trung lo chuyện thoát thân. Lúc hồn bắt đầu vượt qua lằn ranh, cuộc sống rời khỏi cơ thể như con thuyền buộc phải xa bờ, ta bám chặt lấy cái chết như níu sợi thừng sẽ đưa ta đi, ta cố đu thật mạnh, mong sẽ rơi xuống một nơi nào đó xa chỗ mình đang ở.

Tương tự một cú điện thoại gọi từ ngục tối, tôi chạm phải Ruth Connors- tôi đã gọi nhầm số, quay đại một số nào hú họa. Tôi thấy cô nàng đứng đó, cạnh chiếc xe Fiat đỏ và han gỉ của thầy Botte. Khi bay lướt qua, tôi vươn tay quệt mát cô nàng, chạm vào khuôn mặt cuối cùng, cảm nhận lần liên hệ cuối cùng với dương thế qua cô gái không-tiêu-biểu-lắm cho lứa tuổi của mình này.

Sáng ngày mùng bảy tháng chạp, Ruth than với mẹ đã mơ thấy một chuyện y như có xảy ra thật, chứ không phải chỉ là chuyện trong mơ. Khi bà hỏi vậy nghĩa là sao, Ruth đáp: “Con đang băng qua bãi đậu xe của thầy cô thì thấy ở đầu kia của sân bóng có một bóng ma mờ ảo chạy về phía con.”

Bà Connors đang quậy nồi bột yến mạch đặc quánh. Bà nhìn cô con gái đang làm điệu bộ với những ngón tay thon dài - bàn tay thừa hưởng từ ông bố.

“Đó là bóng một cô gái, con cảm thấy thế thật,” Ruth nói. “ Nó bay lên khỏi mặt đất. Mắt nó lõm vào sâu hoắm. Nó choàng một tấm khăn trắng mỏng, nhẹ như vải màn. Con nhìn xuyên qua khăn thấy mặt nó, các đường hiện ra khá rõ, mũi, hai mắt, khuôn mặt, cả tóc nữa.”

“Bà mẹ bê nồi yến mạch đặt bên cạnh rồi vặn lửa nhỏ lại. “Ruth à”, bà bảo, “con tưởng tượng quá nhiều rồi đấy biết không.”

Ruth ngầm hiểu là phải im miệng. Cô nàng không đả động đến giấc mơ này - tuy chẳng phải là mơ - nữa, kể cả mười ngày sau, khi tin về cái chết của tôi lan truyền khắp trường, được thêm thắt như với mọi chuyện kinh dị nào được xem là hay ho. Đám trẻ cùng lứa tuổi tôi cứ buộc phải tô vẻ cho chuyện thêm kinh hoàng hơn nữa. Tuy nhiên vẫn còn thiều nhiều chi tiết - diễn tiến ra sao, lúc nào và ai là hung thủ - đây là những cái bát không chúng đổ cho đầy bằng đủ mọi giả thiết. Ma quỷ. Tế lễ. Nửa đêm. Ray Singh.

Dù đã cố hết sức, tôi vẫn không làm sao mách nổi cho Ruth chú ý đến một món đồ chưa ai tìm ra: đó là chiếc vòng bạc với nhiều khoen móc. Tôi nghĩ nó sẽ giúp được cô nàng. Nó nằm phơi ra đó, chỉ chờ có bàn tay nào nhặt lên, một bàn tay biết nhận ra và liên tưởng ngay: đây chính là manh mối. Thế nhưng bây giờ nó không còn nằm trong cánh đồng ngô nữa.

Ruth bắt đầu làm thơ. Nếu bà mẹ, hay các thầy cô vốn dễ gần hơn, đều không muốn nghe kể kinh nghiệm về một thực tại huyền bí cô nàng đã trải qua, thì cô nàng đành đem những vần thơ che đậy thực tại đó vậy.

Tôi đã ước giá Ruth tìm đến nhà và kể cho gia đình tôi nghe. Có thể ngoài em gái tôi ra không ai từng nghe đến tên cô nàng. Ruth là đứa áp chót được chọn vào đội thể dục. Cô nàng chuyên thụp xuống tránh khi thấy quả bóng chuyền bay về phía mình, kệ cho bóng rơi xuống sàn khiến cả đội cùng huấn luyện viên phải cố nén mới không càu nhàu.

Trong lúc mẹ tôi ngồi lặng trên chiếc ghế tựa cứng ngoài hành lang, nhìn bố tôi lui tới lăng xăng làm những chuyện ông thấy có nhiệm vụ phải chu toàn - lúc này ông nhất nhất phải biết mọi động tĩnh trong căn nhà, biết đứa con trai bé bỏng, bà vợ và đứa con gái còn sót lại, đang ở đâu làm gì - thì Ruth, ghi nhớ cuộc hội ngộ tình cờ với tôi ở bãi đậu xe, âm thầm đi tìm hiểu thêm.

Ruth giở các tập kỷ yếu cũ, tìm được bức ảnh chụp cả lớp tôi, cả các ảnh chụp sinh hoạt như ở Câu lạc bộ Hóa học, cô nàng cắt ra với cái kéo hình thiên nga bà mẹ dùng lúc thêu thùa. Dù cô nàng ngày càng bị ám ảnh về chuyện tôi, tôi vẫn giữ thái độ dè chừng, cho đến tuần lễ cuối trước Giáng sinh, khi cô nàng phát hiện một chuyện trong hành lang nhà trường.

Đó là Clarissa bạn tôi và Brian Nelson. Tôi từng đặt tên cho cậu là “ chàng bù nhìn” bởi vì, dù có đôi vai vạm vỡ khiến lũ con gái phải ngẩn ngơ tơ tưởng, bộ mặt cậu lại cứ khiến tôi liên tưởng đến bao vải bố độn rơm. Cậu đội chiếc mũ da mềm kiểu Hippie, hút thuốc tự cuốn trong căn phòng dành cho học sinh hút thuốc. Theo mẹ tôi thì chuyện Clarissa thích tô mi mắt màu xanh da trời là một dấu hiệu báo động sớm, nhưng chính vì lý do đó mà tôi ưa cô nàng. Cô nàng toàn làm những chuyện tôi bị cấm đoán: nhuộm vàng tươi mái tóc dài, mang giày đế cộm, hút thuốc lá khi tan học.

Ruth đi trờ tới nhưng hai đứa kia không để ý. Cô nàng bê một chồng sách nặng trịch mượn của bà Kaplan, giáo sư xã hội học. Toàn những bài về phong trào đòi nữ quyền vào giai đoạn đầu, và cô nàng quay gáy sách vào người để không ai nhận ra những sách gì. Bố cô nàng, một nhà thầu xây cất, đã làm quà cho cô nàng hai dây đai co giãn rất chắc dùng để buộc sách. Ruth đã dùng hai dây này chằng buộc lô sách định sẽ đọc suốt kỳ nghĩ hè.

Clarissa và Brian đan cười khúc khích. Tay anh chàng thò vào dưới áo cô nàng, càng lần lên cao thì nàng càng cười to nhưng cố ngăn cản bằng cách quay đi hay lùi ra sau. Ruth đứng tránh ra, như vẫn luôn như thế. Thông thường cô nàng sẽ tảng lờ, cúi đầu, mắt quay chỗ khác nhưng ai cũng biết Clarissa là bạn của tôi. Nên Ruth mới nhìn.

“Thôi mà cưng”, Brian nói, “cho sờ chút đi. Một gò thôi cũng được.”

Tôi thấy Ruth bĩu môi ghê tởm. Trên thiên đường môi tôi cũng bĩu lên như vậy.

“Không, Brian. Ở đây không được đâu.”

“Thế ra bãi ngô có được không?” cậu thì thào.

Clarissa khúc khích cười bối rối, nhưng vẫn rúc mặt vào gáy cậu. Tạm thời cô nàng cứ từ chối đã.

Sau vụ đó tủ của Clarissa bị bẻ khóa.

Trong các thứ bị mất có tập tạp ký đóng giấy rời, mấy tấm ảnh linh tinh dán trong tủ và chỗ cần sa Brian giấu ở đó mà Clarissa không hề hay biết.

Ruth chưa hề biết hít là gì, đêm ấy đã moi ruột mấy điếu thuốc dài màu nâu hiệu More 100 của bà mẹ, nhét cần sa thay vào. Cô nàng ngồi trong nhà kho để dụng cụ rọi đèn pin xem ảnh tôi và hút nhiều cần sa hơn những tay nghiện nặng ở trường từng hút.

Bà Connors, đang đứng rửa bát bên cửa sổ bếp, ngửi thoang thoảng mùi khói thuốc bay từ nhà kho.

“Em đoán là con Ruth có bạn ở trường rồi đấy, mình ạ,” bà nói với ông chồng đang nhâm nhi cà phê, đọc tờ bản tin chiều. Cuối một ngày làm việc ông quá mệt, chẳng buồn suy diễn.

“Tốt thôi”, ông bảo

“Có lẽ vẫn còn hy vọng cho nó.”

“Đã hẳn”, ông đáp.

Khuya hôm đó, khi Ruth loạng choạng bước vào nhà, mắt đờ đẫn do dùng đèn pin và hút hết tám điếu thuốc More, bà mẹ mỉm cười đón cô nàng, bảo có bánh nướng nhân quả việt quất trong bếp. Phải mất mấy ngày bận bịu về những đề tài không-liên-can-đến-Susie, Ruth mới nghiệm ra vì sao cô nàng ăn một mạch hết cả ổ bánh ấy.

Không khí trong thiên đường của tôi thường có mùi chồn hôi - chỉ thoang thoảng thôi. Đó là mùi tôi rất thích lúc còn ở dương thế. Khi hít vào tôi vừa thở vừa ngửi nó. Đó là các chất mà một con thú sung sức tiết ra lúc đang hoảng sợ, hỗn hợp thành một mùi xạ hương cay hăng, bám dai dẳng. Thiên đường của Franny đượm mùi thuốc lá loại hảo hạng. Còn của Holly thơm mùi trái quất vàng.

Tôi những muốn ngồi suốt ngày đêm trong tòa vọng lâu nhìn xuống. Thấy Clarissa đang dần xa tôi, tìm khuây khỏa nơi Brian. Thấy Ruth đứng nép sau góc tường gần phòng gia chánh hoặc trước cửa quán giải khát kế bên trạm y tế, đăm đăm nhìn Clarissa. Mới đầu, được tha hồ quan sát mọi chuyện trong trường, tôi đâm nghiện. Tôi thấy chàng phụ tá huấn luyện viên bóng đá lén để hộp sô-cô-la cho cô giáo môn khoa học tự nhiên đã có chồng, hay tay trưởng đội cổ động viên làm đủ cách để lôi kéo sự chú ý của một nhóc con từng bị đuổi nhiều lần khỏi nhiều trường đến nỗi không đếm xuể. Tôi mục kích thầy dạy vẽ làm tình với cô bồ trong phòng đặt lò nung đồ gốm, thấy ông hiệu trưởng thờ thẩn tương tư tay phụ tá huấn luyện viên bóng đá kia. Tôi kết luận rằng tay phụ tay phụ tá huấn luyện viên bóng đá trong trường trung học cơ sở Kennet là một gã lang chạ(8) thập thành, tuy tôi không thể nào mê nổi cái cằm vuông của hắn.

8. Nguyên văn: a stud (tức studhorse): ngựa giống

Tối tối trên đường về lại ngôi nhà ghép hai căn, tôi bước dọc dãy đèn đường kiểu cổ tôi từng có lần thấy trong vở kịch Thành phố của chúng ta. Các bóng đèn như những quả cầu treo võng trên trụ sắt hình vòng cung. Tôi nhớ lại chúng vì khi xem vở kịch với gia đình, tôi mường tượng chúng là những trái dâu khổng lồ, nặng trĩu, đầy ánh sáng. Ở thiên đường, trên đường về nhà, tôi chơi trò xê dịch sao cho cái bóng của tôi với hái được những quả dâu ấy.

Một tối nọ sau khi quan sát Ruth, ngay giữa đường về tôi gặp Franny. Phố xá vắng teo, trước mặt tôi lá cây xoáy tròn tung bay trong gió. Tôi đứng đó nhìn bà - nhìn nhưng nếp nhăn do hay cười quanh mắt và khóe miệng bà.

“Sao cháu run vậy?” Franny hỏi.

Tuy không khí ẩm ướt lạnh lẽo nhưng tôi không thể bảo đó là lý do được.

“Cháu cứ nhớ mẹ cháu mãi,” tôi bảo thế.

Franny lấy cả hai tay ủ bàn tay trái của tôi và mỉm cười.

Tôi muốn hôn nhẹ lên má bà hoặc được bà ôm vào lòng, nhưng lại thôi, chỉ đứng nhìn bà bước xa dần, nhìn tà áo xanh của bà khuất dần. Tôi biết bà không phải là mẹ mình. Tôi không thể làm như thể bà là mẹ mình được.

Tôi quay gót về lại tòa vọng lâu. Tôi cảm thấy khí ẩm luồn suốt dọc tứ chi, đẩy nhẹ, rất nhẹ, ngọn những sợi tóc của tôi. Tôi nghĩ đến những màng nhện vào buổi sáng tinh mơ, sương đọng tựa như hạt ngọc, vậy mà nhiều khi tôi nở đưa tay gạt nhẹ, phá đi không chút bận tâm.

Vào buổi sáng sinh nhật thứ mười một của mình, tôi thức giấc thật sớm. Chưa ai dậy cả, tôi tưởng thế. Tôi rón rén xuống nhà nhìn vào phòng ăn, nghĩ là quà cho mình để ở đó. Nhưng chẳng có gì hết. Cũng vẫn cái bàn y như hôm trước. Nhưng khi quay người lại tôi mới thấy nó nằm trên cái bàn của mẹ trong phòng sinh hoạt. Cái bàn rất đẹp này lúc nào cũng sạch bóng. Bố mẹ gọi là “bàn để thanh toán hóa đơn.” Cái máy ảnh bọc giấy mềm nhưng chưa đóng hộp đang nằm đó - món quà tôi đã hỏi xin bằng giọng năn nỉ than van, không dám tin rằng bố mẹ sẽ mua cho mình. Tôi lại gần cúi nhìn ngẩn ngơ. Đó là một chiếc tự động Instamatic, bên cạnh là ba cuộn phim và một hộp bốn bóng đèn nháy vuông vức. Đó là cái máy ảnh đầu tiên của tôi, hộp đồ nghề ban đầu để sau này làm nghề mình ưa thích. Một nhiếp ảnh viên chuyên chụp thú rừng.

Tôi nhìn quanh. Không có ai. Nhìn qua tấm mành cửa trước mà mẹ tôi luôn để xeo xéo - “ mời mọc nhưng vẫn kín đáo” - tôi thấy Grace Tarking, nhà ở cuối phố, học trường tư thục, đang tập môn đi bộ, cổ chân cô nàng cột mấy quả tạ nhỏ. Tôi hấp tấp nạp phim rồi rình săn ảnh Grace Tarking, tôi hình dung mai sau lớn lên cũng sẽ rình rập săn ảnh voi và tê giác trong rừng. Ở đây tôi nấp sau mành mành và cửa sổ, còn ở rừng sâu sẽ nấp trong lau sậy. Tôi vừa khẽ khàng, ý tôi muốn nói là lén lút, vừa túm gọn vạt áo ngủ dài bằng vải flanen trong bàn tay không cầm máy ảnh. Tôi bám theo cô nàng, tôi chạy qua phòng khách, tiền sảnh sang phòng làm việc phía đối diện. Nhìn bóng cô nàng dần khuất, đầu tôi chợt nảy ra một ý hay ho: chạy ra vườn sau, ở đó tôi có thể thấy cô nàng mà không bị cản tầm mắt.