Hình hài yêu dấu - Chương 03 phần 2

Thế là tôi nhón chân chạy ra sau nhà, lúc đó mới thấy cửa ra hàng hiên đã mở toang.

Khi nhìn thấy mẹ, tôi quên luôn chuyện Grace Tarking. Ước gì tôi biết cách diễn đạt đúng hơn, nhưng tôi quả chưa hề thấy bà ngồi bất động, như thể ngồi nhưng không có mặt ở đây như thế. Bà ngồi trên cái ghế xếp bằng nhôm quay ra vườn sau, bên ngoài cánh cửa căng lưới muỗi. Bà cầm cái đĩa lót, trên có tách cà phê quen thuộc. Sáng hôm đó không có vệt son trên chiếc tách vì bà không tô môi, mãi sau đó bà mới tô…mà tô cho ai? Tôi chưa từng nghĩ tới việc đặt câu hỏi này. Bố tôi? hay cho chúng tôi?

Con Holiday nằm phục cạnh bể nước cho chim tắm, sung sướng thè lưỡi thở, không để ý tới tôi. Nó đang nhìn mẹ tôi. Bà đang nhìn đâu thật xa xăm. Giây phút ấy, bà không phải là mẹ của tôi mà là gì đó tách rời ra khỏi tôi. Tôi nhìn một con người mà trước giờ tôi chỉ biết là mẹ mình, thấy làn da mặt mịn màng như có đánh phấn của bà - phấn mà không dùng kem nền - mịn màng tự nhiên. Lông mày cùng với mắt bà hợp thành một tổng thể hài hòa. “Mắt đại dương,” bố tôi gọi bà như thế mỗi khi ông muốn xin một thỏi sô-cô-la anh đào bà cất riêng cho mình trong ngăn tủ dành để rượu. Bây giờ tôi mới hiểu nghĩa cái tên này. Tôi cứ nghĩ vì mắt mẹ màu xanh, nhưng nay mới hiểu vì chúng sâu thăm thẳm khiến tôi phát sợ. Bấy giờ tôi thấy bằng trực giác, không phải đã nghĩ kỹ, rằng trước khi con Holiday thấy và đánh hơi được tôi, trước khi làn sương mù là đà trên đám cỏ tan đi và người mẹ bên trong bà thức dậy như mỗi buổi sáng, tôi phải chụp ảnh bà ngay với cái máy ảnh mới tinh của mình.

Khi cuộn phim từ xưởng tráng Kodak được gửi lại trong chiếc phong bì đặc biệt dày cộm, tôi nhận ra sự khác biệt ngay lập tức. Chỉ có một tấm duy nhất trên đó mẹ tôi là cô Abigail. Đó là tấm ảnh đầu tiên, chụp lúc bà không hay biết, nắm bắt khoảnh khắc trước khi tiếng bấm máy làm bà giật mình trở lại thành bà mẹ của cô bé có sinh nhật, bà chủ của một con chó sung sướng, hiền thê của một ông chồng yêu vợ, mẹ của của bé gái thứ hai cùng một bé trai bà yêu quí. Là bà nội trợ. Là người chăm sóc vườn tược. Là bà hàng xóm vui tươi. Đôi mắt mẹ tôi là những đại dương chứa sự mất mát. Tôi tưởng sẽ có cả đời để tìm hiểu đôi mắt ấy, ngờ đâu tôi chỉ có một ngày duy nhất kia. Một lần trên dương thế tôi được thấy mẹ là cô Abigail, rồi tôi không cố gắng làm gì thêm mà lại để hình ảnh ấy trôi ngược mất hút - tôi không để mình bị mê hoặc vì tôi muốn bà vẫn cứ là bà mẹ kia, bao bọc tôi như bà mẹ ấy vẫn làm.

Tôi ngồi trong tòa vọng lâu, đang nhớ lại tấm ảnh, nghĩ đến mẹ tôi, thì Lindsay thức dậy giữa đêm, rón rén đi dọc hành lang. Tôi chăm chú nhìn em như theo dõi trong phim cảnh một tên đạo chích đi lùng khắp trong nhà. Tôi biết khi em tôi vặn nắm cửa phòng tôi, cửa sẽ mở. Tôi biết nó sẽ vào phòng, nhưng nó định làm gì trong đó? Lãnh thổ riêng của tôi đã trở thành một “vùng cấm địa” ngay trong nhà. Mẹ tôi không động đến nó. Giường tôi vẫn không được dọn dẹp từ buổi sáng tôi hối hả đi cho kịp giờ, buổi sáng ngày tôi lìa đời. Con hà mã nhồi bông bọc vải vẽ hoa nằm giữa đống gối và khăn trải giường, cả bộ quần áo tôi lôi ra trước khi chọn cái quần ống loe màu vàng.

Lindsay bước qua tấm thảm chùi chân mềm mại, sờ vào cái váy màu xanh nước biển và cái áo khoác móc bằng sợi đỏ và xanh bị vò lại như hai quả bóng vải cực kỳ kinh tởm. Em cũng có một cái móc cùng kiểu, sợi màu cam và xanh lục. Em cầm cái áo lên, trải trên giường, vuốt cho phẳng phiu. Cái áo thật xấu nhưng đột nhiên lại vô cùng quý giá. Tôi thấy thế. Em vuốt ve cái áo.

Lindsay lấy ngón tay lần theo vành cái khay mạ màu vàng tôi để trên tủ áo, đựng đầy huy hiệu của trường hay được phát trong các kỳ vận động bầu cử. Cái tôi ưa nhất có màu hồng mang hàng chữ “Hippy-Dippy yêu bạn lắm” tôi nhặt được ở bãi đậu xe nhưng đã phải hứa với mẹ là sẽ không đeo. Tôi giữ một lô trong khay, còn thì cài lên tấm hiệu kỳ to tướng của trường Đại học bang Idiana, nơi bố tôi từng theo học. Tôi nghĩ em tôi sẽ nhón lấy - một hai cái thôi để cài - nhưng không phải. Em cũng chẳng cầm lên cái nào. Chỉ lướt mấy đầu ngón tay lên các thứ trong khay. Rồi em ngó nhìn chiếc khay, một mẩu màu trắng nhỏ xíu thò ra bên dưới. Em kéo ra.

Đó chính là tấm ảnh.

Em thở ra một hơi dài, ngồi xuống sàn nhà, miệng vẫn hé mở, tay vẫn cầm tấm ảnh. Mấy sợi dây buộc lá hiệu kỳ bay lất phất, quật quá lại như chiếc lều vải bật khỏi cọc. Em cũng vậy giống như tôi trước buổi sáng chụp tấm ảnh này, chưa hề nhìn thấy con-người-lạ-mà-cũng-là-mẹ-mình này bao giờ. Em đã từng thấy những tấm ảnh chụp ngay sau đó. Mẹ tôi trong mệt mỏi nhưng tươi cười. Mẹ và con Holiday đứng trước cây sơn thù du, ánh nắng chiếu qua chiếc áo ngủ và áo khoác ngoài. Nhưng tôi muốn mình là người duy nhất trong nhà biết rằng mẹ còn là một kẻ khác nữa - một con người bí ẩn và xa lạ với chúng tôi.

Lần đầu tiên tôi vi phạm quy định là do ngẫu nhiên. Hôm ấy là ngày 23 tháng chạp năm 1973.

Em Buckley đang ngủ. Mẹ tôi đưa Lindsay đi nha sĩ. Tuần đó bố mẹ tôi đã thống nhất rằng mỗi ngày cả gia đình phải giành thì giờ để ổn định nhịp sống bình thường. Bố tôi tự nguyện nhận việc thu dọn phòng dành cho khách ở trên lầu, lâu nay trở thành phòng làm việc của ông.

Ông nội chúng tôi đã chỉ ông cách làm tàu thuyền cho vào chai lọ. Mẹ, em gái với em trai tôi chẳng mảy may thú vị. Còn tôi lại mê thích vô cùng. Phòng làm việc đầy những tàu thuyền như thế.

Công việc của ông là cộng toàn những số là số - đó là sự cần cù mà hãng bảo hiểm Chadd Ford đòi hỏi - tối về ông làm thuyền hay đọc sách về cuộc Nội chiến cho đầu óc thư giãn. Ông gọi tôi vào mỗi khi sắp sửa giương buồm. Lúc đó thân tàu đã được dán chắc chắn vào đáy chai. Tôi vào phòng, ông bảo tôi đóng cửa lại. Thường thì hình như ngay tức khắc có tiếng chuông gọi ăn tối, như thể mẹ tôi có giác quan thứ sáu trước những sinh hoạt không có bà tham gia. Nhưng khi giác quan này không làm việc, nhiệm vụ của tôi là giữ cái chai cho ông.

“Giữ cho chắc nhé,” ông sẽ bảo. “Con là phó thuyền trưởng thứ nhất của bố đấy.”

Ông nhẹ nhàng kéo đầu sợi dây còn thòi ra ở cổ chai, và, voilà(9), mấy cánh buồm giương hết lên, dù đó là thuyền buồm thô sơ hay tàu cao tốc. Chúng tôi đã hoàn thành con tàu. Tôi rất muốn nhưng không vỗ tay được vì bận giữ cái chai. Sau đó đó bố tôi phải thật nhanh tay, đốt đầu dây còn trong chai với cái móc áo ông vừa hơ nóng trên ngọn nến. Nếu ông sơ sẩy, sẽ hỏng cái tàu, hoặc tệ hơn nữa mấy cánh buồm giấy tí hon sẽ bắt lửa và đột nhiên, trong tiếng xì xì dữ dội, tôi sẽ chỉ còn giữ trong tay một cái chai rực lửa.

9. Voilà (tiếng Pháp trong nguyên bản): thấy chưa; xong xuôi, thành công!

Cuối cùng bố tôi ráp một cái giàn đỡ bằng gỗ Balsa(10), để thay tôi. Lindsey và em Buckley không có cùng một ham thích như tôi. Bố tôi muốn truyền một phần hứng thú của mình sang vợ con nhưng rồi đành bỏ cuộc và rút vào phòng một mình. Với họ thì tàu thuyền trong chai nào cũng như nhau thôi.

10. Balsa: một loại gỗ rất nhẹ ở Nam Mỹ, thổ dân dùng đóng bè đi biển.

Nhưng hôm ấy, khi dọn phòng ông đã trò chuyện với tôi.

“Susie, con ơi, cô thủy thủ bé bỏng của bố ơi,” ông bảo, “mấy cái thuyền nhỏ này con vẫn thích nhất đấy.”

Tôi nhìn ông bưng mấy cái tàu thuyền trong chai lọ vẫn bày trên kệ để thành hàng trên bàn. Ông lấy cái áo cũ của mẹ xé ra làm giẻ, lau bụi trên kệ. Dưới gầm bàn là những hàng vỏ chai không - hai bố con đã nhặt nhạnh về trữ sẵn dự định sẽ làm tiếp. Trong tủ còn nhiều tàu hơn nữa - những chiếc tàu bố cùng làm với ông nội, những chiếc làm một mình, rồi những chiếc hai bố con tôi làm với nhau. Vài cái còn nguyên vẹn, nhưng vải buồm đã ngả nâu; mấy chiếc khác sụp xuống hay đổ nghiêng qua bao năm tháng. Có cả chiếc đã bốc cháy vào tuần lễ trước ngày tôi chết.

Ông đập nát chiếc này trước tiên.

Tim tôi thắt lại. Ông quay nhìn khắp lượt những chiếc kia, những năm tháng chúng ghi dấu và những bàn tay từng cầm giữ chúng. Bàn tay người cha quá cố, bàn tay đứa con mới tử biệt. Tôi nhìn ông đập nát hết số còn lại. Ông làm phép rửa tội cho mấy bức tường và cái ghế gỗ bằng tin tôi chết, sau đó ông đứng giữa căn phòng làm việc cũng là phòng cho khách, quanh ông đầy mảnh chai màu xanh lục. Chai lọ, tất cả vỡ tan nằm la liệt trên sàn, những lá buồm và thân tàu ngổn ngang trong đó. Ông đứng giữa một bãi đổ nát. Đúng lúc ấy, tôi hiện ra mà không rõ bằng cách nào. Tôi chiếu mặt mình lên từng mảnh chai, từng miếng giấy, từng mẩu gỗ. Bố tôi ngó xuống rồi nhìn quanh, mắt ông lướt khắp phòng. Chỉ một giây thôi, rồi tôi biến mất. Bố tôi lặng đi một lúc, rồi ông cười - tiếng gào hộc lên từ trong gan ruột. Ông cười vang và đục đến nỗi tôi run rẩy trên thiên đường.

Ông rời phòng, đi quá hai cửa đến phòng ngủ của tôi. Hành lang thì hẹp, cửa phòng tôi giống cửa các phòng khác, đều mỏng mảnh, tống mạnh cũng thủng. Ông định đập tan tấm gương trên tủ quần áo của tôi, định lấy móng tay xé giấy dán tường, nhưng thay vì làm thế, ông lại ngã lăn ra giường tôi khóc nức nở, vo tròn tấm khăn trải giường màu hoa oải hương trong đôi tay.

“Bố đó hả?” Buckley hỏi. Em tôi nắm quả đấm cửa.

Bố quay lại nhưng không sao ngăn được nước mắt. Ông tuột xuống sàn, tay vẫn nắm tấm khăn giường, rồi dang rộng hai tay. Ông phải bảo em trai tôi hai lần, điều chưa từng thấy, và Buckley đã tới bên ông.

Bố quấn em trong cái khăn còn mùi tôi. Ông nhớ lại ngày tôi năn nỉ ông sơn và dán giấy tường màu tía cho tôi. Hồi tưởng lúc xếp những số cũ của tạp chí National Geographics vào tầng kệ dưới cùng. (Tôi từng muốn miệt mài trong nghề nhiếp ảnh dã thú). Hồi tưởng quảng thời gian ngắn ngủi khi trong nhà mới có một đứa con, trước ngày Lindsey ra đời.

“Với bố, con là đứa rất đặc biệt đấy, nhóc ạ,” bố vừa nói vừa ôm nó.

Buckley lùi lại, nhìn đăm đăm vào gương mặt nhăn nheo của bố với những giọt lệ long lanh nơi khóe mắt. Nó nghiêm trang gật đầu và hôn lên mà bố. Một điều thiêng liêng đến thế thì ngay cả trên thiên đường cũng không ai nghĩ ra được: đó là sự chăm chút một đứa bé con dành cho một người lớn.

Bố tôi quàng tấm trải giường lên vai Buckley và hồi tưởng chuyện tôi lăn từ trên cái giường to bốn cọc rơi xuống thảm mà không hề thức giấc. Lúc ấy đang ngồi đọc sách trên cái ghế xanh lục trong phòng làm việc, ông giật nảy mình nghe tiếng tôi rớt xuống đất. Ông đứng dậy đi một khúc ngắn tẹo đến phòng tôi. Ông hay ngắm tôi ngủ ngon lành, ác mộng hay ngay cả sàn nhà cứng cũng không đánh thức nổi. Những lúc như thế, ông thề sẽ làm tất cả để tạo điều kiện cho các con ông trở thành vua hay chúa, nghệ nhân hay bác sĩ, hoặc nhà nhiếp ảnh dã thú. Chúng mơ gì được nấy.

Vài tháng trước khi tôi chết, ông có vào nhìn tôi ngủ, nhưng lần này vùi trong chăn còn có cả Buckley, mặc đồ ngủ, tay ôm con gấu, nằm nép vào lưng tôi, vừa ngủ vừa mút ngòn tay cái. Lúc ấy bố tôi lần đầu tiên thoáng cảm thấy nỗi ưu tư khác lạ của một kẻ làm cha rằng mình không bất tử. Đời ông đã sinh ra ba đứa con, con số ấy làm ông yên tâm. Ông hay Abigail dù có mệnh hệ nào thì ba đứa cũng có nhau. Như thế thì dòng dõi do ông mở đầu, theo ông thấy, sẽ trường tồn như sợi dây thép bền bỉ kéo suốt vào tương lai, vẫn tồn tại sau khi ông không còn nữa, dù ông văng khỏi sợi dây ấy, rơi xuống đâu đi nữa. Ngay cả vào lúc tuổi hạc đã cao cũng không hề gì.

Hẳn giờ đây ông tìm thấy hình ảnh Susie của ông trong đứa con trai út. Hãy dành tình thương cho người còn sống. Ông tự nhủ - nói to trong đầu mình - nhưng sự xuất hiện của tôi kéo ông, lôi giật ông lại. Ông đăm đăm nhìn đứa con trai bé bỏng đang ôm trong vòng tay. “Bé là ai thế?” ông thấy mình đang tự hỏi. “ Bé từ đâu đến đây vậy?”

Tôi nhìn đứa em trai và bố mình. Sự thật rất khác với những gì ta học ở trường. Sự thật là: đường ranh giữa người sống và người chết dường như mờ mờ ảo ảo, nhạt nhòe.