Hình hài yêu dấu - Chương 05

CON NGƯỜI TÔI BỊ GIẰNG CO, MỘT PHẦN TÔI mong muốn báo thù ngay, muốn bố tôi biến thành người khác hẳn xưa nay, thành một kẻ nổi hung vì điên giận. Giống như ta thấy trong phim và tiểu thuyết. Một người bình thường nào đấy đột nhiên vớ lấy súng hoặc vác dao truy đuổi kẻ đã sát hại gia đình mình. Ông thành một kiểu Bronson(15) và được người người hoan hô.

15. Charles Bronson (1921-2003): tài tử Mỹ, trong phim Death wish (19) đóng vai người chồng và cha báo thù cho vợ và con bị thảm sát.

Trong thực tế thì sự việc diễn ra như sau:

Sáng sáng bố thức dậy. Lúc còn ngái ngủ, ông vẫn như từ trước đến nay. Nhưng rồi, khi đã tỉnh ngủ, bố như bị ngấm dần thuốc độc. Mới đầu, ông không tài nào ngồi lên nổi. Ông nằm liệt dưới một gánh nặng. Song chỉ cựa quậy mới mong thoát ra được. Ông cố cựa quậy nhưng chẳng cựa quậy nào cứu vãn nổi. Mặc cảm tội lỗi như bàn tay Thượng đế ấn xuống và phán: “ngươi đã vắng mặt khi con gái ngươi cần đến ngươi.”

Trước khi bố tôi đi qua nhà tên Harvey, mẹ tôi đang ngồi ở tiền sảnh, cạnh tượng thánh St.Francis. Khi ông trở vào nhà, bà không còn ngồi đó nữa. Ông gọi bà ba lần, như mong bà đừng xuất hiện, rồi ông lên lầu vào phòng làm việc để ghi vào quyển vở đóng gáy xoắn: Bợm rượu? Thử chuốc hắn say. Biết đâu hắn sẽ thổ lộ.” Rồi ông viết: “Tôi nghĩ Susie đang quan sát tôi.” Trên thiên đường tôi như lên cơn say. Tôi ôm chầm Holly, ôm chầm Franny. Tôi nghĩ là bố tôi biết.

Thế rồi Lindsey sập cửa ầm ĩ hơn thường lệ, và bố tôi mừng vì có tiếng ồn như vậy. Tiếng sập cửa mạnh làm lắng xuống buổi chiều lạ lùng ông vừa trải qua, đưa ông trở về thực tại, với những sinh hoạt để ông khỏi bị chìm nghỉm. Tôi hiểu chứ - tuy như thế không có nghĩa tôi không hờn trách và quên cái lúc ngồi vào bàn ăn tối, nghe Lindsey khoe miết với bố mẹ là đã làm bài được điểm cao, hoặc thầy giáo môn sử đề cử em được cấp bằng khen cấp quận. Nhưng Lindsey đang sống, và người sống cũng phải được mọi người quan tâm chứ.

Em bước thình thịch lên thang lầu. Tiếng guốc em dộng lên mặt gỗ thông làm rung chuyển cả nhà.

Hẳn tôi có ghen tị chuyện bố chăm chút em, nhưng tôi thán phục cách em đối phó với tình thế. Hơn bất cứ ai trong nhà, Lindsey đối mặt với hiện tượng mà Holly gọi là hội chứng người-chết-dạo-quanh - tức là mọi người chỉ thấy ta-đã-khuất chứ không thấy ta.

Mọi người, kể cả bố mẹ tôi, đều thấy tôi khi nhìn Lindsey. Ngay cả Lindsey cũng bị hội chứng này. Em tránh soi gương. Tránh bật đèn khi tắm.

Em bước ra khỏi bồn tắm, mò mẫm tìm nơi vẫn vắt khăn. Em cảm thấy yên tâm trong bóng tối - hơi nước bốc lên từ sàn gạch che chở em. Nếu trong nhà im ắng cả hay chỉ còn tiếng rì rầm dưới nhà, em biết sẽ không bị quấy rầy. Đó là lúc em nghĩ đến tôi, bằng hai cách: hoặc em nghĩ Susie, chỉ một chữ này thôi, và bật khóc, để nước mắt lăn xuống gò má ướt đẫm hơi nước, biết rằng không ai nhìn thấy em, không ai tìm cách đo đếm định lượng cái chất nguy hiểm có tên là nỗi thống khổ này, hoặc em tưởng tượng tôi phải bỏ chạy, thoát khỏi hiểm nguy, tưởng rằng em bị bắt thay vào đó, nhưng em chống trả quyết liệt cho đến lúc thoát được. Em cố gạt khỏi tâm trí câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu, Hiện giờ Susie đang ở nơi nao?

Bố tôi lắng nghe những tiếng động trong phòng Lindsey. Rầm, cửa sập lại. Lẹp xẹp, tiếng sách quẳng xuống đất. Két két, em ngã vật ra giường. Bùm, bùm, guốc đá văng ra sàn. Vài phút sau ông đứng ở cửa phòng em.

“Lindsey”, ông vừa gõ vừa gọi.

Không có tiếng trả lời.

“Lindsey, bố vào được chứ?”

“Bố đi đi,” câu trả lời quyết liệt của em vọng ra.

“Thôi mà, bé yêu của bố,” ông năn nỉ.

“Bố đi đi!”

“Lindsey”, bố tôi nói, ông thở mạnh, “sao không để bố vào?” Ông khẽ tì trá vào cửa phòng ngủ. Gỗ mát lạnh và, trong một giây, ông quên tiếng mạch máu giật giật ở thái dương, quên nỗi nghi vấn cứ tự lặp đi lặp lại. Harvey, Harvey, Harvey.

Chân mang tất, Lindsey rón rén đi ra cửa. Em mở khóa, trong lúc bố lùi lại lấy vẻ mặt mà ông hi vọng sẽ diễn tả câu: “Nghe bố đã, đừng bỏ đi.”

“Sao cơ?” em bảo. Mặt em đanh lại, bướng bỉnh. “Bố muốn hỏi gì?”

“Bố muốn biết con ra sao,” ông trả lời. Ông nghĩ đến tấm màn buông xuống giữa ông và Harvey, lỡ dịp tóm cổ hắn, giải pháp toàn mỹ để ông trút được gánh nặng trách nhiệm. Ngày ngày ông phải chịu đựng nhìn người thân ra phố, đến trường, đi ngang qua cửa ngôi nhà ốp ván xanh của Harvey. Để máu chảy ngược về tim, ông nhất thiết cần đến con bé.

“Con muốn ở một mình,” Lindsey nói. “Bố không thấy sao?”

“Bố sẽ ở lại nếu con cần,” ông bảo.

“Bố à,” em nhượng bộ, “con tự lo được mà.”

Ông biết nói gì đây? Ông cũng có thể phá luật và thú nhận, “Bố thì không, bố không làm được như thế, đừng bỏ bố một mình,” nhưng ông đứng lặng một giây rồi rút lui. “Bố hiểu”, ông buột miệng nói, tuy trong lòng không nghĩ thế.

Tôi muốn nhấc bổng ông lên, như những tượng tạc tôi từng nhìn thấy trong các sách lịch sử nghệ thuật. Một người đàn bà nâng một người đàn ông. Một sự cứu thoát ngược đời.

Con gái mà lại bảo với bố: “Mọi chuyện ổn cả. Bố cũng vậy. Con sẽ không để xảy ra bất cứ điều gì mà làm bố đau lòng nữa.”

Thay vì nói thế tôi quan sát ông đi gọi điện thoại cho Len Fenerman.

Trong mấy tuần lễ đầu ấy có thể nói cảnh sát thật đáng phục. Chuyện thanh thiếu nữ chết mất xác ít xảy ra ở những vùng ngoại ô này. Nhưng khi mãi vẫn không có chút manh mối nào để tìm thi thể của tôi, hay ai là hung thủ thì họ bắt đầu nóng nảy. Thường thì sau một thời hạn nhất định họ đều tìm được vài bằng chứng cụ thể nào đó; cái khung thời gian này giờ cứ càng lúc càng thu nhỏ lại.

“Mong rằng tôi không nói những điều vô lý, thanh tra Fenerman ạ,” bố tôi nói.

“Xin gọi tôi là Len.” Gài ở góc quyển ghi vụ việc hàng ngày trên bàn là tấm ảnh chụp ở trường mẹ tôi đưa cho Len Fenerman. Ông biết rằng tôi đã chết rồi, trước khi có ai đó nói ra điều này.

“Tôi tin chắc có một người hàng xóm biết ít nhiều về chuyện này.” Ông đăm đăm nhìn qua cửa sổ phòng làm việc trên lầu về phía cánh đồng ngô. Người chủ ruộng ngô cho báo chí biết rằng ông sẽ không tạm canh gác trong ít lâu.

“Người đó là ai, và điều gì đã khiến ông tin như vậy?” Len Fenerman hỏi. Ông ta cầm một mẩu bút chì đã bị gặm mòn trên khay sắt trong ngăn kéo trên bàn giấy.

Bố tôi kể về cái lều, về cung cách tên Harvey xua đuổi ông về nhà, cách hắn nhắc tên tôi, về những người láng giềng vẫn kháo nhau rằng một người sống không con cái, không có việc làm ổn định như Harvey quả là bất thường.

“Tôi sẽ kiểm tra,” Len Fenerman nói thế vì không thể làm khác. Đó là vai ông phải đóng trong vở diễn này. Nhưng những gì bố tôi vừa thông báo là quá ít, nếu không nói là chẳng giúp ông ta được gì. “Ông nhớ đừng kể cho ai khác và tránh đừng gặp hắn nữa,” ông căn dặn bố.

Gác máy xong, bố tôi cảm thấy mình trống rỗng một cách lạ lùng. Sức cùng lực kiệt ông mở cửa phòng làm việc rồi khép nhẹ lại sau lưng. Đứng ở hành lang, ông lại gọi tên mẹ một lần nữa: “Abigail ơi!”

Mẹ tôi đang đứng trong phòng tắm dưới nhà, ăn vụng mấy miếng bạnh hạnh nhân mà hãng của bố vẫn gửi làm quà Giáng sinh. Bà ăn ngấu nghiến; chúng như những mặt trời nở bung trong miệng bà. Hồi mang thai tôi, suốt mùa hè bà khoác mãi một cái áo thụng cho đàn bà chửa bằng vải bông kẻ sọc, không chịu bỏ tiền mua thêm cái nào khác, nhưng ăn đủ các thứ bà thèm, bà vừa lấy tay xoa xoa bụng, vừa nói: “Cám ơn bé yêu,” trong lúc để sô-cô-la nhiễu cả xuống ngực áo.

Có tiếng gõ vào phía dưới cánh cửa.

“M…e…ẹ?” Bà nhét mấy cái bánh hạnh nhân vào tủ thuốc trở lại, nuốt vội mấy miếng còn trong miệng.

“M…e…ẹ?” Buckley lại gọi, giọng nghe còn ngái ngủ.

“Mẹ…mẹ…ẹ ẹ!”

Bà ghét cay ghét đắng cái tên gọi đó.

Khi mẹ tôi mở cửa, Buckley ôm lấy đầu gối, áp má lên đầu bà.

Nghe có tiếng chân, bố tôi vào bếp, gặp mẹ. Cả hai cùng tìm an ủi trong việc chăm chút Buckley.

“Chị Susie đâu rồi?” Buckley bật hỏi khi bố đang phết mức hạt dẻ lên bánh mì. Ông làm ba lát. Một cho mình, một cho vợ, và một cho cậu con trai bốn tuổi.

“Con cất đồ chơi rồi à?” bố tôi hỏi Buckley, rồi lấy làm lạ tại sao mình lại cứ nhất định lẩn tránh vấn đề với nhân vật duy nhất đã hỏi thẳng như thế.

“Mẹ sao vậy?” Buckley hỏi. Cả hai bố con cùng nhìn mẹ tôi, bà đang nhìn sững vào bồn rửa bát khô queo.

“Con có muốn tuần này nhà mình đi vườn Bách thú chơi không?” bố tôi hỏi. Ông thấy mình đáng ghét vì đã nói thế. Ông ghét mua chuộc và bỡn cợt - ghét lừa phỉnh. Nhưng làm sao ông kể nổi cho nó biết rằng chị cả của nó có thể đã vùi thân ở đâu đó, bị chặt thành nhiều mảnh?

Nhưng Buckley vừa nghe lọt tai từ vườn Bách thú và tất cả những ý nghĩa của từ này - với em chủ yếu là Khỉ! - thế là em lại dấn bước trên con đường mòn chông chênh của miền quên lãng thêm một ngày nữa. Cái bóng của năm tháng chưa đè quá nặng lên thân hình bé nhỏ của nó. Em biết là tôi đã đi xa đấy, nhưng ai đi mà chẳng có lúc trở về.

Khi Len Fenerman đi hỏi từ nhà này sang nhà khác trong vùng, ông ta không thấy tên George Harvey có gì đáng chú ý. Harvey hiện sống độc thân, nhưng nghe nói lúc đầu hắn dự tính đến đây với bà vợ. Song trước ngày dọn nhà ít lâu, bà vợ qua đời. Hắn nhận việc lắp ráp nhà cho búp-bê, giao cho các cửa hàng chuyên bán những món đồ đó. Hắn sống tách biệt, ít giao du. Mọi người chỉ biết có thế. Tuy hắn không quan hệ thân thiết với ai, song hàng xóm luôn có cảm tình. Mỗi ngôi nhà ở đây đều chứa đựng một câu chuyện. Đặc biệt với Len Fenerman thì ngôi nhà của George Harvey có vẻ là một câu chuyện hấp dẫn.

Không, Harvey khai hắn không quen biết gia đình Salmon lắm. Hắn có thấy lũ trẻ. Ai cũng biết nhà nào có trẻ con nhà nào không, hắn nói thêm, đầu hơi cúi về phía trái một chút. “Nhìn vào vườn thấy có đồ chơi. Những nhà này bao giờ cũng sống động hơn,” hắn nhận xét thêm, giọng ngập ngùng.

“Tôi được biết ông có trò chuyện với ông Salmon cách đây không lâu,” Len nói hôm trở lại ngôi nhà màu xanh lục.

“Đúng vậy, có gì không ổn ư?” Harvey hỏi. Hắn nháy mắt với Len nhưng lại thôi ngay. “Xin lỗi tôi phải tìm cái kính đã,” hắn nói. “Tôi đang ráp mấy chi tiết cho một công trình thời Đệ nhị Đế chế.”

“Đệ nhị Đế chế.” Len thắc mắc.

“Hàng người ta đặt cho mùa Giáng sinh tôi đã giao xong cả rồi, bây giờ tôi có thể thử nghiệm mẫu mã khác,” Harvey nói. Len theo hắn ra phía sau, cái bàn ăn ở đây được đẩy sát vào tường. Trên bàn nằm xếp lớp hàng tá những thanh ván nhỏ, trông như ván dát tường tý hon.

Hắn có hơi kỳ dị thật, Fenerman nghĩ bụng, nhưng điều đó đâu khiến hắn trở thành kẻ giết người.

Harvey mang kính lên và đột nhiên trở nên cởi mở hơn. “Đúng thế, ông Salmon có lần trên đường đi dạo có ghé vào giúp tôi dựng cái lều hợp cẩn.”

“Lều hợp cẩn là sao?”

“Năm nào tôi cũng làm gì đó cho Leah,” hắn giải thích. “Cô ấy là vợ tôi. Tôi góa vợ.”

Len cảm thấy vừa xâm phạm những nghi thức riêng tư của người đàn ông này. “Vâng, tôi hiểu,” ông nói.

“Tôi thấy chuyện xảy ra với cô bé thật quá khủng khiếp,” Harvey nói. “Tôi cố bày tỏ điều này với ông Salmon. Nhưng tôi có kinh nghiệm rằng vào những lúc như thế này mọi sự chẳng có ý nghĩa gì hết cả.”

“Vậy năm nào ông cũng dựng cái lều đó à?” Len Fenerman hỏi. Đây là điều mà hàng xóm có thể xác nhận với ông là có hay không.

“Trước kia tôi dựng trong nhà, nhưng năm nay tôi thử dựng ngoài trời. Chúng tôi lấy nhau vào đúng mùa đông mà. Tôi nghĩ sẽ dựng kịp trước khi tuyết bắt đầu rơi.”

“Trong nhà là chỗ nào?”

“Ở dưới hầm. Nếu ông muốn tôi chỉ ông xem. Tôi vẫn còn cất giữ mọi thứ của Leah dưới đó.”

Nhưng Len không đi xa thêm nữa.

“Tôi quấy rầy ông thế là đủ rồi,” ông nói. “Tôi chỉ định rà qua mọi người trong khu vực này một lượt nữa.”

“Các ông điều tra đến đâu rồi?” Harvey hỏi. “Phát hiện được gì chưa?”

Len không bao giờ ưa những câu hỏi như thế, cho dù theo ông nghĩ đó là quyền của những kẻ bị ông xâm phạm đời tư.

“Đôi khi tôi nghĩ manh mối sẽ tìm được cách xuất hiện đúng lúc,” ông đáp. “Nghĩa là nếu chúng muốn người ta phát hiện.” Đó là lối trả lời bí hiểm, kiểu Khổng Tử, nhưng lại hầu hết hiệu quả với hầu hết đám dân sự.

“Ông có nói chuyện với thằng nhỏ nhà Ellis rồi chứ?” Harvey hỏi.

“Chúng tôi đã nói chuyện với gia đình đó.”

“Tôi nghe nói nó đã hành hạ lũ vật nuôi của nhà hàng xóm.”

“Cậu ta có vẻ hư, tôi công nhận,” Len nói, “nhưng vào thời điểm đó cậu ta đang làm việc trong khu thương xá.”

“Có người làm chứng chứ?”

“Có.”

“Tôi chỉ nghĩ được đến thế,” Harvey nói. “Ước gì giúp ông được nhiều hơn.”

Len cảm thấy hắn chân thành.

“Đúng là hắn hơi hâm hấp,” Len gọi điện cho bố tôi, “nhưng tôi không có chứng cứ gì để buộc tội hắn.”

“Thế hắn nói sao về cái lều?”

“Rằng hắn dựng cho bà vợ tên là Leah.”

“Tôi nhớ bà Stead có kể cho cô Abigail nhà tôi rằng tên vợ hắn là Sophie mà,” bố tôi nói

Len giở sổ tay kiểm tra lại. “Không, tên là Leah. Tôi có ghi rõ ràng.”

Bố tôi đâm hoài nghi chính mình. Ông nghe cái tên Sophie ở đâu nhỉ? Ông chắc chắn là có nghe cái tên đó, nhưng cách đây đã nhiều năm rồi, ở một buổi liên hoan trong khu phố, tên các đứa nhỏ và các bà vợ cứ bay phấp phới như hoa giấy giữa các câu chuyện phiếm người ta kể để tỏ ra hòa thuận với láng giềng, còn những lời giới thiệu con cái và người lạ lại quá mơ hồ khiến chẳng còn nhớ đến hôm sau.

Tuy nhiên ông nhớ chắc tên Harvey không đến dự bữa liên hoan đó. Cũng không hề tham dự bất cứ buổi liên hoan nào khác. Theo chuẩn mực của nhiều người trong khu, chứ không phải của bố tôi, thì đó là do tính hắn kỳ quặc. Bố không hề thấy thật thoải mái khi cứ phải gượng gạo chan hòa như thế.

Bố tôi viết vào sổ “Leah”. Rồi ông viết “Sophie?”. Ông không ngờ mình đã bắt đầu lên danh sách những người bị giết. (cont)

Hôm lễ Chúa giáng sinh, nếu ở thiên đường có lẽ mọi người trong gia đình tôi sẽ thoải mái hơn. Trên đó chẳng mấy ai buồn biết đến lễ Giáng sinh. Có vài người mặc toàn một màu trắng toát giả làm bông tuyết, ngoài ra chẳng có gì khác nữa.

Giáng sinh ấy, Samuel Heckler bất ngờ đến nhà chúng tôi. Cậu không hóa trang thành bông tuyết. Cậu khoác cái áo da cũ của ông anh, mặc chiếc quần nhà binh rộng thùng thình.

Em trai tôi đang mải miết với lô đồ chơi ở gian ngoài. Mẹ tôi mừng vì đã mua quà cho nó từ trước rồi. Lindsey được đôi găng tay và thỏi son môi có vị anh đào. Bố tôi được năm khăn tay trắng mẹ đặt mua qua bưu điện tù nhiều tháng trước. Trừ em trai Buckley còn chẳng ai nghĩ đến chuyện quà cáp. Suốt mấy ngày trước Giáng sinh đèn đóm trên cây thông cũng không được cắm điện. Chỉ có ngọn nến bố tôi đặt ở cửa sổ phòng làm việc của ông là được thắp lên. Bố thắp nến lúc trời sụp tối; còn mẹ, em gái và em trai tôi không ra khỏi nhà sau bốn giờ chiều. Chỉ mình tôi nhìn thấy ngọn nến.

“Có ai ngoài cửa kìa!” em tôi kêu lên. Nó vừa xây Nhà trọc trời và ngôi nhà vẫn chưa chịu đổ. “Anh ta xách một cái va-li.”

Mẹ tôi tạm ngừng làm món trứng đánh với rượu, rời bếp ra phía cửa trước. Lindsey đang đau khổ vì mấy ngày lễ đòi hỏi em phải có mặt trong phòng sinh hoạt. Em và bố đang chơi trò Monopoly(16), hai bố con cùng lờ đi những ô ác liệt để người kia khỏi lâm vào thế kẹt. Bãi bỏ thuế hàng xa xỉ, không chấp nhận Vận rủi.

16. Monopoly: Độc quyền; tên một trò chơi phổ biến, còn gọi là tỷ phú, các đối tranh nhau mua, bán, thuê bất động sản, biểu tượng là các tòa nhà và địa danh trên bàn cờ.

Ở tiền sảnh mẹ tôi lấy tay miết cho phẳng nếp váy. Bà kéo Buckley ra trước và đặt tay lên vai em.

“Đợi người ta gõ cửa đã,” bà bảo.

“Chắc là mục sư Strick,” bố vừa nói với Lindsey vừa vơ số tiền mười lăm đô-la giải nhì cuộc thi hoa hậu.

“Con mong là không phải, vì hương hồn chị Susie,” Lindsey đánh bạo nói.

Lindsey buộc miệng gọi tên tôi, thế là bố tôi bám khư khư vào cái tên ấy. Lindsey đổ được quân nhị, tiến đến Marvin Gartens.

“Vậy thành hai mươi tư đô-la,” bố nói, “nhưng bố sẽ lấy mười.”

“Lindsey ơi,” mẹ tôi gọi. “Con có khách.”

Bố tôi nhìn em đứng dậy ra khỏi phòng. Bố với tôi cùng nhìn. Lúc đó tôi ngồi lại với bố. Tôi là hồn ma trên bàn cờ. Ông nhìn trân trối chiếc giày cũ nằm một bên góc hộp. Giá mà tôi nâng nó lên được, cho nó nhảy từ đường Bàn cờ đến đường Biển Baltic, nơi tôi luôn cho là chỗ cư ngụ của những người khá giả hơn. “Vì chị hay chê bai báng bổ,” hẳn Lindsey sẽ nói thế. Còn bố tôi sẽ bảo, “Bố thật hãnh diện đã nuôi dạy con thành một đứa không hợm hĩnh.”

“Nhà ga đây, Susie à,” ông nói. “Con vẫn thích tậu mấy nhà ga lắm mà.”

Để làm nổi bật kiểu tóc đuôi nhọn và ép được mớ tóc bò liếm, Samuel Heckler chỉ chịu chải tém ra sau. Vì thế trông cậu, ở tuổi mười ba, thêm cái áo da màu đen, giống như ma cà-rồng còn vị thành niên.

“Chúc Lindsey một mùa Giáng sinh vui tươi,” cậu nói rồi trao cho em tôi hộp quà bọc giấy xanh.

Tôi thấy hết: toàn thân Lindsey bắt đầu xoắn lại. Em đã khổ công luyện tập để giữ khoảng cách với tất cả mọi người không trừ ai, còn em thấy Samuel Heckler đáng yêu quá. Tim em, như một chất liệu cho món ăn đang nấu trên bếp, co lại và nếu tạm quên cái chết của tôi, thì năm nay em đã mười ba, cậu ta thì dễ mến, nhất là lại đến thăm em vào lễ Giáng sinh.

“Nghe nói Lindsey được xếp hạng có năng khiếu,” cậu nói, vì không ai lên tiếng. “Mình cũng thế.”

Lúc đó mẹ tôi mới sực nhớ vặn nút sang vai bà chủ nhà. “Cháu vào chơi?” bà đon đả bảo. “Bác có món kem trứng đánh rượu trong bếp.”

“Thế thì tốt quá,” Samuel nói và đưa tay cho em tôi khoác, làm em và tôi đều ngẩn cả người.

“Cái gì thế này?” Buckley lon ton chạy theo hỏi, tay chỉ vào cái em tưởng là va-li.

“Kèn an-tô,” Samuel Heckler đáp.

“Là cái gì?” Em hỏi lại.

Lindsey bây giờ mới lên tiếng. “Anh Samuel chơi kèn xắc-xô an-tô.”

“Sơ sơ thôi,” Samuel nói.

Em trai tôi không hỏi tiếp kèn xắc-xô là gì. Nó biết Lindsey sắp như thế nào. Cô nàng sắp thành thứ mà tôi gọi là “làm bộ làm tịch,” chẳng hạn “Buckley ơi, em đừng lo, Lindsey sắp ‘làm bộ làm tịch’ đấy.” Thường thì tôi vừa nói vừa cù em, có khi dụi dụi hay húc đầu vào bụng nó, miệng lẩm bẩm ‘làm bộ làm tịch’ mãi cho đến khi nó cười như nắc nẻ.

Buckley lẽo đẽo theo sau ba người vào bếp và hỏi điều mà ngày nào em cũng hỏi ít nhất một lần, “Chị Susie đâu rồi?”

Mọi người lặng thinh. Samuel nhìn Lindsey.

“Buckley ơi,”bố gọi em từ phòng bên cạnh, “ra đây chơi Monopoly với bố nào.”

Em tôi chưa hề được dự phần chơi trò Monopoly. Ai cũng bảo em còn bé quá, nhưng đây hẳn là phép lại của lễ Giáng sinh. Em chạy vào phòng sinh hoạt, bố nhấc em đặt ngồi lên lòng.

“Con thấy chiếc giày chứ?” bố hỏi.

Buckley gật đầu.

“Bố muốn con lắng nghe những gì bố sắp nói về chiếc giày này, rõ chưa?”

“Chị Susie?” em hỏi, mơ hồ đoán rằng hai chuyện có liên quan đến nhau.

“Đúng thế, bố sắp kể cho con nghe chị Susie giờ đang ở đâu.”

Trên thiên đường tôi bật khóc. Tôi biết phải làm gì khác bây giờ?

“Chiếc giày này là quân Susie chọn để chơi Monopoly,” ông bảo. “Bố có quân xe ô-tô, đôi khi lấy xe cút-kít. Lindsey chọn cái bàn là, khi nào mẹ chơi thì mẹ chọn cỗ súng đại bác.”

“Kia là con chó phải không bố?”

“Phải, đó là con chó xù Scottie.”

“Nó là của con!”

“Được”, bố nói. Ông không vội vàng gì. Ông đã có cách giải thích. Ông ôm con trong lòng, vừa nói ông vừa cảm nhận thân thể tí hon trên đùi mình - một khối nằng nặng, rất ấm, rất sống động, rất người. Điều này an ủi ông. “Con chó Scottie từ nay sẽ là quân của con. Thế quân của chị Susie là gì nào, nhắc lại đi?”

“Chiếc giày”, Buckley trả lời.

“Đúng, còn bố là quân xe, chị Lindsey là cái bàn là, mẹ là cỗ đại bác.”

Em tôi cố sức tập trung.

“Bây giờ mình bày hết lên bàn cờ, nhé? Con làm đi, thay cho bố.”

Buckley bốc một nắm, lại bốc tiếp, cho đến khi mọi quân cờ đều yên vị giữa ô Vận may và Quỹ cứu tế.

“Bây giờ ta xem các quân cờ kia là bạn mình nhé.”

“Như Nate hả bố?”

“Đúng thế, mình chọn cái mũ làm Nate. Còn bàn cờ là thế giới. Bây giờ nếu bố bảo, khi bố gieo xúc-xắc xong sẽ có một quân cờ bị lấy đi, thì điều đó nghĩa là gì?”

“Mấy quân đó không chơi được nữa à?”

“Đúng thế.”

“Tại sao vậy?” Buckley hỏi.

Em ngước nhìn bố, do dự

“Sao vậy hả bố?” em lại hỏi lần nữa.

Bố tôi không muốn trả lời rằng “bởi vì cuộc đời bất công” hay “bởi vì cuộc đời là thế.” Ông muốn tìm một hình ảnh đơn giản, rõ ràng, giải thích cho một đứa bé bốn tuổi hiểu được chết nghĩa là thế nào. Ông ấp bàn tay lên tấm lưng bé bỏng của Buckley.

“Chị Susie chết rồi,” ông nói, chịu không ghép nổi chuyện này vào bất cứ luật chơi nào. “Con có thể hiểu được thế nghĩa là gì không?”

Buckley vươn tay che chiếc giày. Em ngẩng đầu nhìn bố xem mình trả lời thế có đúng không.

Bố gật đầu. “Con sẽ chẳng bao giờ gặp chị Susie nữa, bé ạ. Không ai trong chúng ta còn gặp.” Bố tôi nấc lên. Buckley ngước nhìn vào mắt bố nhưng em không hiểu hết đầu đuôi.

Sau đó Buckley đặt chiếc giày trên mặt tủ quần áo của em, cho đến một hôm nó đột ngột biến mất, tìm mấy cũng không thấy.

Trong bếp mẹ làm xong món kem trứng đánh rượu rồi xin lỗi để sang phòng ăn soạn dao muỗng nĩa bằng bạc đếm cho đủ số, bày đúng thứ tự lớp lang theo hình ‘bậc tam cấp’ như đã học được thời bà làm ở hiệu Wanamaker chuyên bán hàng cưới, trước khi sinh tôi. Bà thèm một điếu thuốc và ước gì mấy đứa con còn sống của bà biến quách đi một lúc.

“Lindsey bóc quà ra xem chứ hả?” Samuel Heckler hỏi em gái tôi.

Chúng đứng bên tủ bếp, dựa vào máy rửa bát và các ngăn kéo đựng khăn ăn và khăn lau bát. Trong căn phòng bên tay phải có bố đang ngồi với em trai tôi; phía bên kia nhà bếp mẹ tôi đang nghĩ tới những Wedgwood Florentine, Cobalt Blue, Royal Worcester, Mountbatten, Lenox và Eternal.

Lindsey mỉm cười, kéo dải ruy-băng màu trắng thắt trên nắp hộp.

“Mẹ mình thắt nơ hộ đấy,” Samuel Heckler nói.

Em xé lớp giấy xanh bọc chiếc hộp nhung đen. Xé giấy xong em thận trọng cầm nó trong lòng bàn tay. Trên thiên đường tôi cũng hồi hộp phấn khích. Hồi Lindsey và tôi còn chơi búp-bê hiệu Barbie và cậu chàng Ken làm đám cưới lúc mười sáu tuổi. Với chúng tôi con người chỉ yêu một lần duy nhất trong đời; chúng tôi không hình dung được thế nào là thỏa hiệp, hoặc thử tới thử lui.

“Cứ mở ra đi,” Samuel Heckler bảo.

“Mình sợ lắm.”

“Có gì đâu.”

Cậu sờ lên cánh tay em và ôi chao là cảm giác của tôi lúc đó! Lindsey đứng trong bếp cạnh một chàng trai dễ thương, dù giống ma cà-rồng hay không! Thật là tin sốt dẻo, tin giật gân chạy tít trên báo - tôi tình cờ được biết mọi chuyện. Em sẽ chẳng bao giờ hé răng kể cho tôi những chuyện này đâu.

Hộp đựng món quà gì còn tùy mắt người xem, hoặc rập khuôn, hoặc gây thất vọng, hoặc tuyệt vời. Rập khuôn vì cậu mới mười ba tuổi, hoặc gây thất vọng vì không phải là một chiếc nhẫn cưới, hoặc tuyệt vời. Cậu tặng em một nửa quả tim bằng vàng. Nửa kia cậu kéo ra từ sợi dây da thô đeo quanh cổ nhét trong chiếc áo thun hiệu Hukapoo.

Lindsey đỏ bừng mặt; trên thiên đường mặt tôi cũng ửng hồng.

Tôi quên bẵng bố đang ở trong phòng sinh hoạt, quên mẹ đang lo đếm muỗng nĩa bạc. Tôi nhìn Lindsey tiến sát lại Samuel Heckler. Em ôm hôn cậu; một cảnh tượng huy hoàng. Tôi như được hồi sinh.