Hình hài yêu dấu - Chương 06 phần 1

HAI TUẦN TRƯỚC NGÀY TỪ GIÃ CÕI ĐỜI, TÔI RỜI nhà muộn hơn thường lệ, nên lúc đến trường thì bùng binh tráng nhựa đen, bãi dành riêng cho xe buýt chở học sinh đã vắng tanh.

Một viên giám thị phòng kỷ luật túc trực sẵn để ghi tên học trò nào vào trường bằng cửa chính sau khi chuông reo lần thứ nhất, mà tôi thì không muốn bị loa phóng thanh réo tên mình giữa giờ học, bắt đến ngồi chờ ở băng ghế gỗ trước phòng ông Peterford, nơi mà ai cũng biết là sẽ bị bắt quỳ xuống để ông lấy thanh gỗ quất vào mông. Ông đã yêu cầu giáo viên môn thủ công đục vài lỗ để giảm lực cản của không khí, làm đau thêm bội phần khi nó phạng lên lớp quần jeans.

Tôi chưa bao giờ đến trường quá muộn hay làm điều gì sai quấy đến nỗi phải chịu đòn, nhưng tôi hay bất cứ đứa học trò nào khác hoàn toàn hình dung rõ rệt đến nỗi thấy rát bỏng cả mông. Clarissa kể cho tôi rằng mấy oắt con nghiện oặt, như vẫn gọi ở trường, toàn đi cửa sau xuyên hậu trường sân khấu mà bà Cleo gác trường luôn để ngỏ, bà đã phải bỏ học nửa chừng vì là dân nghiện thâm canh cố đế.

Thế là ngày hôm đó tôi lẻn vào khu hậu trường sân khấu, dò từng bước chân, cẩn thận để đừng vấp phải đủ loại dây điện và dây cáp nằm ngổn ngang. Tôi dừng lại chỗ giàn giáo, đặt cặp sách xuống để chải lại tóc. Tôi có thói quen đội cái mũ gắn chuông khi rời khỏi nhà nhưng vừa đi qua khỏi ngôi nhà gia đình O’Dwyer là tôi thay ngay, trùm cái mũ đan cũ màu đen của bố lên đầu. Tóc tôi dựng lên vì tĩnh điện nên đến nơi tôi phải vào ngay phòng vệ sinh nữ để chải cho tóc nằm xuống.

“Susie Salmon xinh lắm đấy.”

Tôi nghe tiếng mà không nhận ra từ đâu nên đưa mắt nhìn quanh quất.

“Đây cơ mà,” tiếng nói cất lên.

Tôi ngẩng lên thấy đầu và mình của Ray Singh ló khỏi giàn giáo trên đầu tôi.

“Chào bạn,” cậu nói.

Tôi biết Ray Singh đang phải lòng tôi. Cậu ta từ Anh đến đây năm ngoái nhưng Clarssa bảo sinh quán cậu ta lại là Ấn Độ. Chuyện một người có thể mang khuôn mặt của một quốc gia, nói ngôn ngữ của một dân tộc khác, rồi lại di cư sang một nước thứ ba quả thật tôi thấy quá khó tin. Tôi thấy cậu thật “hết xẩy”(17) là vì thế. Hơn nữa, cậu có vẻ thông minh gấp bọn tôi tám trăm lần, và cậu lại trồng cây si tôi nữa chứ. Cuối cùng những thứ mà tôi cho là điệu bộ - chiếc áo lễ phục thỉnh thoảng mặc đến trường, những điếu thuốc lá ngoại, thực ra là của bà mẹ - là bằng chứng tôi nghĩ cậu là con nhà gia thế. Cậu biết và thấy những điều bọn tôi không thấy. Buổi sáng hôm ấy, khi cậu nói với tôi từ trên cao, tim tôi như muốn rụng xuống sàn.

17. “Cool” (dùng trong nghĩa tiếng lóng) có thể hiểu là ngon lành, hết xẩy, chịu chơi.

“Chuông tiết đầu chưa rung à?” tôi hỏi.

“Hôm nay thầy Morton phụ trách điểm danh,” cậu nói. Như thế là đã giải thích cho tất cả. Thầy Morton thường xuyên váng đầu do nát rượu, cao điểm thường đúng vào giờ đểm danh. Thầy chẳng bao giờ điểm danh.

“Đằng ấy làm gì trên đó vậy?”

“Leo lên đây mà xem,” cậu vừa nói vừa lùi khuất tầm mắt tôi.

Tôi ngần ngại.

“Nào, Susie.”

Đó là ngày duy nhất trong cuộc đời tôi dám làm đứa học trò hư - hay ít ra bắt chước làm những điều cấm kỵ. Tôi đặt chân lên nấc thang cuối của giàn giáo, với tay nắm thanh xà ngang đầu tiên.

“Mang cả đồ lên luôn,” Ray khuyên tôi.

Tôi quay lại lấy cặp sách, vụng về leo lên.

“Để mình giúp,” cậu nói rồi đưa hai tay xốc nách tôi nhấc lên, dù qua lớp áo pác-ca mùa đông tôi cũng thấy ngượng. Tôi ngồi buông thõng hai chân đu đưa một lúc.

“Rút chân lên đi,” cậu ta nói. “Như thế sẽ không ai nhìn thấy mình.”

Tôi làm theo rồi đăm đăm nhìn cậu một lúc. Đột nhiên tôi cảm thấy mình thật ngớ ngẩn - không hiểu sao lại lên trên này.

“Thế đằng ấy ở đây suốt cả ngày hay sao?” tôi hỏi.

“Chờ hết giờ Anh văn thôi.”

“Bạn bỏ giờ Anh văn!” Cứ như cậu nói mới đánh cướp ngân hàng xong.

“Vở kịch nào của Shakespeare do đoàn Royal Shakespeare Company diễn mình đều đã xem cả rồi,” Ray nói. “Mụ cù lần đó đâu có gì để dạy mình.”

Lúc đó tôi thật ái ngại cho bà Dewitt. Nếu làm đứa học trò hư có nghĩa phải gọi bà là mụ cù lần thì không có tôi rồi đấy.

“Mình thích vở Othello,” tôi mạnh miệng nói.

“Mụ toàn giảng nhăng cuội, thái độ lại trịch thượng kẻ cả. Một dị bản Đen như tôi đây của gã người Moor(18).”

18. Nhân vật Othello là người Moor, một nô lệ da đen.

Ray rất thông minh. Thêm chuyện là dân gốc Ấn đến từ Anh đã khiến cậu thành người từ sao Hỏa ở thị trấn Norristown này.

“Tay tài tử trong phim hóa trang thành đen trông ngô nghê thật,” tôi nói.

“Đằng ấy nói về Ngài Laurence Olivier(19) chứ gì.”

19. Sir Laurence Kerr Olivier (1907-1989), diễn viên người Anh nổi tiếng, đóng các vai chính trong các vở kịch của đại văn hào Shakespeare.

Ray và tôi im lặng. Im lặng đủ để nghe tiếng chuông kết thúc màn điểm danh, ròi năm phút sau là tiếng chuông báo để chúng tôi xuống tầng trệt vào lớp do bà Dewitt phụ trách. Khi tiếng chuông rứt tôi cảm thấy da mình như cứ từng giây từng phút nóng dần lên theo tia nhìn của Ray đang lướt khắp người mình, để ý từng chi tiết cái áo khoác pác-ca màu xanh dương quý tộc và chiếc váy ngắn màu xanh lá cây chói chang cùng tất dài tiệp màu hiệu Danskin của tôi. Đôi giày tôi muốn mang lại đang nằm trong cặp đựng sách để bên cạnh. Chân tôi đang xỏ đôi ủng giả da cừu lót len nhân tạo, những sợi len xoắn xít hoen bẩn thòi ra dọc các đường nẹp và chỗ cổ ủng, trông như mớ ruột gà lòng thong. Giá biết trước ở đây sẽ diễn ra màn tình tự luyến ái duy nhất của cả cuộc đời mình thì tôi đã sửa soạn kỹ hơn, lấy thỏi son hiệu Nụ hôn tình dược có vị dâu ngọt và chuối ra tô môi lại trước khi bước vào đây rồi.

Tôi cảm thấy Ray đang cúi xuống tôi, giàn giáo bên dưới chúng tôi kêu kẽo kẹt theo từng cử động của cậu. Tôi thầm nghĩ Anh chàng đến từ Anh quốc. Môi cậu càng lúc càng gần lại, giàn giáo nghiêng chênh chếch một bên. Người tôi chống chếnh - sắp thả người lặn ngụp dưới con sóng của nụ hôn đầu, chợt cả hai cùng nghe có tiếng động. Chúng tôi lặng cả người.

Ray và tôi nằm bên nhau, mắt dán lên trần nhà đầy bóng đèn và chằng chịt dây điện. Một lúc sau cửa hậu trường mở ra, ông Peterford và cô Ryan phụ trách môn mỹ nghệ bước vào, chúng tôi nhận ra họ qua giọng nói. Còn một người thứ ba nữa cùng đi với họ.

“Lần này thầy cô chưa áp dụng biện pháp kỷ luật, nhưng nếu em cứ tiếp tục thì sẽ phải trừng phạt thôi,” ông Peterford bảo. “Cô Ryan này, cô có cầm theo những thứ ấy không?”

“Có đây.” Cô Ryan đã từ một trường Công giáo chuyển tới trường Kennet này, phụ trách khoa mỹ nghệ thay hai tay cựu Híp-pi(20) bị sa thải vì vụ nổ lò nung. Chúng tôi hết còn được làm thí nghiệm với kim loại nung nóng chảy, nhồi nặn đất sét nữa, bây giờ ngày này qua ngày khác phải phác họa mặt nhìn nghiêng những tượng gỗ trong tư thế cứng ngắc cô giáo đem dựng làm mẫu cho cả lớp vào mỗi đầu giờ học.

20. Hippies: những người thuộc phong trào phản kháng của giới trẻ ở Hoa Kỳ cuối những năm 1960, không chấp nhận lối sống đương thời, chủ trương trở lại với thiên nhiên, sống đơn giản hiền hòa nhân đạo,…; ấn tượng về họ nói chung là hình ảnh những người theo chủ nghĩ tự nhiên, không nhận trách nhiệm với xã hội,… hoặc hình ảnh những kẻ đầu bù tóc rối, nghiện cần sa, ma túy.

“Em chỉ làm bài tập thôi mà.” Đó là Ruth Connors. Tôi nhận ra giọng nói và Ray cũng thế. Chúng tôi cùng có tiết Anh văn với bà Dewitt.

“Đây không phải là bài tập,” ông Peterford nói.

Ray nắm tay tôi, bóp mạnh. Chúng tôi biết họ đang nói về chuyện gì. Bản sao một bức tranh vẽ của Ruth được chuyền đi một vòng trong thư viện, đến tay cậu đang đứng ở tủ đựng phiếu thư mục sách thì bị bà thủ thư bắt gặp.

“Nếu cô không nhầm thì trên tượng mẫu không có bầu vú” cô Ryan nói.

Bức tranh vẽ một người đàn bà nằm hai chân vắt chéo. Không phải hình bức tượng gỗ có thân mình nối với tứ chi bằng khoen móc và dây kẽm. Người đàn bà trông rất thật, và nét chì than tô mắt - vô tình hay hữu ý - tạo một vẻ khiêu dục gợi tình làm đứa nào nhìn cũng hoặc cực kỳ khó chịu hoặc hân hoan thú vị, xin cảm ơn bạn thật đấy.

“Trên tượng mẫu cũng đâu có mũi hay mồm,” Ruth chống chế, “thế nhưng cô vẫn bắt bọn em vẽ đủ cả.”

Ray lại bóp mạnh tay tôi lần nữa.

“Không cần nhiều lời, cô nương ạ,” ông Peterford nói. “Chính cái thế nằm ườn trong bức vẽ này rõ ràng đã khiến cậu nhóc nhà Nelson đem đi sao chụp.”

“Lỗi tại em à?”

“Không có bức vẽ thì đã chẳng có chuyện.”

“Vậy vẫn lỗi tại em chứ gì?”

“Tôi yêu cầu cô hiểu là cô đã đưa trường ta vào tình thế nào rồi, và giúp chúng tôi bằng cách vẽ những gì mà cô Ryan đã đề ra cho cả lớp, tránh thêm thắt những chi tiết không cần thiết.”

“Leonardo da Vinci(21) từng vẽ cả xác chết đấy thôi,” Ruth khẽ nói.

“Rõ chưa?”

“Rõ ạ”, Ruth nói.

21. Leonardo da Vinci (1452-1519): danh tài người Ý thời Phục hưng, kiệt xuất trong nhiều lĩnh vực: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật.

Có tiếng cửa hậu trường mở ra, sập lại, sau đó một lúc Ray và tôi nghe tiếng Ruth Connors khóc. Ray chúm môi để tôi hiểu ý muốn nói “ Xuống đi!”, thế là tôi dịch người dần ra phía bờ giàn giáo, đung đưa chân tìm chỗ bám.

Chính tuần đó Ray hôn tôi bên chiếc tủ cá nhân của tôi. Lúc ở trên giàn giáo cậu muốn lắm mà lỡ cơ hội. Nụ hôn duy nhất của chúng tôi xảy đến bất ngờ như một tai nạn - một cầu vồng tuyệt vời trong vũng xăng.

Tôi leo xuống giàn giáo, lưng quay về phía Ruth. Cô nàng không nhúc nhích hay trốn tránh, chỉ đưa mắt nhìn tôi quay người lại. Cô nàng ngồi trên một thùng gỗ gần sau hậu trường. Đôi màn phông cũ kỹ buông rủ xuống phía trái cô nàng. Cô nàng nhìn tôi bước đến gần, không buồn lau nước mắt.

“Susie Salmon”, cô nàng nói, chỉ để tự xác định. Khả năng tôi bỏ giờ đầu, trốn ở hậu trường trong thính phòng, cho đến ngày hôm đó, quả thật khó xảy ra như chuyện đứa nữ học sinh thông minh nhất lớp tôi bị thầy giám thị phụ trách kỷ luật la mắng vậy.

Tôi đúng trước mặt cô nàng, mũ trong tay.

“Mũ gì trông kỳ cục quá,” cô nàng nói.

Tôi giơ cái mũ đính chuông lên nhìn. “Tớ biết chứ. Của mẹ tớ đan cho đấy.”

“Vậy là bạn nghe rồi hả?”

“Cho tớ xem được không?”

Ruth giở bản chụp đã nhàu vì qua tay nhiều người và tôi chăm chú nhìn.

Brian Nelson đã lấy bút bi xanh vòng một lỗ trông thật tục tĩu vào chỗ giữa hai đùi bắt tréo. Tôi lùi lại còn cô nàng quan sát tôi. Tôi thấy có gì lóe lên trong ánh mắt cô nàng, một câu hỏi kín đáo, rồi cúi lôi từ ba lô một tập giấy vẽ bọc bìa da màu đen.

Tranh trong đó đẹp khôn tả. Đa số vẽ đàn bà, nhưng cũng có thú vật và đàn ông nữa. Tôi chưa hề được xem những thứ như thế bao giờ. Trang nào cô nàng cũng vẽ đầy kín. Lúc ấy tôi mới hiểu vì sao Ruth bị xem là phá hoại, không phải vì cô nàng vẽ tranh đàn bà khỏa thân bị bọn con trai đem ra tô bậy, mà vì cô nàng có tài hơn các giáo viên. Cô nàng là thứ nổi loạn trầm lặng nhất. Tuyệt vọng, đúng thế.

“Bạn vẽ tài thật đấy Ruth ạ,” tôi tấm tắc.

“Cảm ơn”, cô nàng trả lời, còn tôi tiếp tục xem từng trang, như uống và người. Vùng cơ thể nằm dưới lằn đen ngang rốn trong những tấm hình này - phần mẹ tôi gọi là “bộ máy chế tạo em bé” - đã khiến tôi vừa sợ vừa phấn khích.

Tôi từng tuyên bố với Lindsey rằng sẽ không bao giờ có con, và khi vừa tròn mười tuổi, trong suốt gần sáu tháng trời tôi luôn thổ lộ với bất cứ người lớn nào chịu lắng nghe rằng tôi có ý định sau này sẽ đi thắt ống dẫn trứng. Thực ra tôi không hiểu mấy thế nghĩa là sao, chỉ biết đó là một biện pháp quyết liệt, đòi hỏi phải giải phẫu, khiến bố tôi phá lên cười.

Kể từ đó, Ruth đã từ lập dị biến thành đặc biệt đối với tôi. Mấy bức họa tuyệt đến nỗi làm tôi lúc đó quên bẵng nội quy nha trường, rằng lũ học trò chúng tôi phải tuân theo tiếng chuông và tiếng còi.

Sau khi cánh đồng ngô bị quây lại, đào bới dò tìm, rồi bỏ hoang, Ruth hay ra đó đi dạo. Cô nàng quấn cổ bằng chiếc khăn len to của người bà cho, dưới chiếc áo thủy thủ sờn cũ của ông bố. Cô nàng sớm nhận ra rằng ngoài môn thể dục, thầy cô các môn khác không báo lên văn phòng nếu cô nàng trốn học. Không có cô nàng họ càng mừng: trí thông minh của cô nàng đã khiến cho cô nàng trở thành vấn đề, vì nó đòi hỏi họ phải tập trung giảng dạy và đẩy nhanh chương trình học.

Thế là từ nay sáng sáng cô nàng đi theo xe ông bố để khỏi phải đón xe buýt. Ông rời nhà rát sớm, mang theo hộp sắt tây đỏ thuôn thuôn đựng bữa ăn trưa, chiếc hộp mà hồi cô nàng còn nhỏ ông cho cô nàng lấy chơi, giả làm chuồng cho ngựa của búp-bê Barbie, bây giờ ông dùng đựng chai rượu Bourbon. Trước khi thả cô nàng xuống bãi đậu xe vắng vẻ, ông dừng chiếc xe tải nhưng vẫn để máy sưởi.

“Hôm nay mọi chuyện cũng suôn sẻ cả chứ?” lần nào ông cũng hỏi.

Ruth gật đầu.

“Làm một ngụm để còn đi tiếp nhé?”

Lần nào cô nàng không gật đầu mà đưa cái hộp cho ông. Ông mở nắp, vặn nút chai rượu, ực một ngụm to rồi trao lại cho con gái. Cô nàng ngửa cổ ra sau rất kịch rồi hoặc lấy lưỡi che bớt miệng chai để chỉ có một ít rượu vào miệng, hoặc rúm người làm một ngụm nếu ông đang nhìn.

Từ trên buồng lái cao ngất nghểu cô nàng tụt xuống. Trời lạnh, lạnh cắt da trước khi mặt trời ló dạng. Rồi cô nàng nhớ một điều học được trong lớp: vận động thì ấm hơn chỉ ngồi một chỗ. Thế là cô nàng bắt đầu rảo bước thẳng đến cánh đồng ngô. Cô nàng vừa đi vừa độc thoại, thỉnh thoảng nghĩ đến tôi. Cô nàng thường tựa bờ rào chăng lưới ngăn sân bóng đá với đường chạy để nghỉ chân, ngắm nhìn thế giới chung quanh đang sống dậy.

Mỗi sáng chúng tôi gặp nhau trong mấy tháng đầu như thế đấy. Mặt trời lên cao trên cánh đồng ngô và con Holiday, được bố tôi thả ra, sẽ lùng sục lũ thỏ giữa những thân ngô khô héo. Lũ thỏ thích những bãi cỏ được tỉa xén trên những bãi tập điền kinh; khi lại gần, Ruth thấy bóng chúng sẫm màu dọc những đường biên xa nhất vạch bằng vôi trắng, trông như một đội thể thao tí hon. Cô nàng thích ý tưởng này, tôi cũng thế. Cô nàng tin rằng đám thú nhồi bông đi lại vào ban đêm khi người ta đi ngủ. Cô nàng vẫn nghĩ rằng trong hôp đựng thức ăn trưa của ông bố có những con bò và cừu tí hon dư thì giờ để nhâm nhi rượu Bourbon với dồi Baloney(22).

22. Mortadella di Bologna: món dồi xuất xứ từ Bologna (Ý). Do đọc trại nên Bologna biến thành baloney.

Sau khi Lindsey đem đôi găng tay, quà Giáng sinh của tôi, đặt giữa đường biên xa nhất của sân bóng đá tiếp giáp cánh đồng ngô, thì một sáng nọ tôi thấy lũ thỏ đang thám thính: chúng ngửi ngửi những góc găng có dính da đồng loại. Rồi tôi thấy Ruth kịp nhặt chúng lên trước khi con Holiday đớp mất. Cô nàng lộn trái một chiếc, lật mặt lông ra ngoài rồi áp lên má. Cô nàng ngước nhìn trời rồi nói “Cảm ơn.” Tôi thích nghĩ rằng cô nàng đang trò chuyện với tôi.

Tôi dần dần quý mến cô nàng từ nhũng buổi sáng ấy, cảm thấy rằng bằng cách nào đấy chúng tôi sinh ra để bầu bạn với nhau, điều chẳng bao giời giải thích nổi khi nỗi đứa ở một bên Cõi lưng chừng. Hai đứa con gái khác thường đã tìm đến nhau một cách hết sức khác thường - trong cảm giác ớn lạnh đã khiến cô nàng rùng mình khi tôi lướt qua hôm đó.

Ray hay đi bộ, như tôi, dù nhà ở cuối khu phố nằm quanh trường học. Cậu đã từng thấy Ruth Conners đi dạo một mình trên các sân bóng đá. Từ sau lễ Giáng sinh cậu luôn rảo bước một mạch đến trường rồi về nhà ngay, không hề la cà đâu nữa. Cậu mong tên sát nhân sớm bị tóm cổ không kém gì bố mẹ tôi. Chưa tóm được hắn thì dù có chứng cớ tại ngoại cậu vẫn không làm sao xóa được mọi nghi ngờ.

Cậu chọn một buổi sáng ông bố không phải đi dạy ở trường đại học, rót đầy trà ngọt bà mẹ pha vào bình thủy của ông bố. Cậu rời nhà sớm để ngồi chờ Ruth trên vành sắt uốn vòng mà các vận động viên ném tạ tì chân ở vành tròn bê-tông.

Khi thấy Ruth đang đi phía bên kia hàng xích sắt giữa ngăn nhà trường với sân bóng, trong đó có cái sân được trân trọng nhất - bãi bóng bầu dục - cậu xoa tay, chuẩn bị những gì định nói. Lần can đảm này không phải vì cậu đã hôn tôi - mục tiêu cậu đặt ra từ cả năm trước khi hoàn thành - mà vì sự cô đơn cùng cực ở tuổi mười bốn.

Tôi quan sát Ruth đang tiến đến gần sân bóng đá, tưởng chỉ có mình ở đó. Khi dọn dẹp một ngôi nhà cũ của bố cô nàng đã tìm thấy và đem về cho cô nàng một thứ rất thích hợp với thú tiêu khiển mới của cô nàng - đó là một tuyển thơ. Cô nàng ôm quyển sách sát vào người.

Cô nàng thấy Ray đứng lên khi vẫn còn cách một đoạn.

“Chào Ruth Conners!” cậu vừa gọi vừa vẫy hai tay.

Ruth ngó qua, nhớ ngay tên cậu: Ray Singh. Ngoài ra cô nàng không biết gì hơn nữa. Cô nàng nghe đồn cảnh sát đã đến tận nhà cậu ta, nhưng cô nàng tin lời ông bố rằng “ Chẳng đứa con nít nào làm chuyện đó cả.” Cô nàng liền đi về phía cậu.

“Tớ có trà trong bình thủy đây,” Ray nói. Trên thiên đường tôi đỏ mặt xấu hổ giùm cho cậu. Khi luận về vở Othello thì cậu nói hay thật, nhưng lúc này cậu vụng về làm sao.

“Không, mình cám ơn,” Ruth nói. Cô nàng đứng gần nhưng vẫn giữ một khoảng cách xa hơn bình thường. Mấy móng tay cô nàng bấu vào cái bìa đã sờn của tập thơ.

“Hôm bạn với Susie nói chuyện sau hậu trường mình cũng có mặt ở đó nữa,” Ray nói. Cậu đưa bình thủy cho cô nàng nhưng cô nàng không nhích lại gần hơn, cũng chẳng ừ hữ gì.

“Susie Salmon đấy,” cậu nói rõ thêm.

“Mình biết cậu muốn nói ai mà,” cô nàng bảo.

“Bạn đến dự lễ tưởng niệm chứ?”

“Mình không biết có buổi lễ đó,” cô nàng nói.

“Chắc mình không đến đâu.”

Tôi đăm đăm nhìn vào môi anh chàng. Chúng đỏ hơn do trời lạnh. Ruth xích lại một bước.

“Bạn muốn bôi sáp chống khô môi không?”, Ruth hỏi.

Ray đưa tay mang găng lên ngang miệng, sợi len vướng vào những vết nẻ trên đôi môi tôi từng hôn. Ruth thọc tay vào túi áo khoác lấy ra thỏi Chap Stick. “Đây này”, cô nàng bảo, “ Mình có cả lô cả lèn. Cậu cứ giữ mà dùng.”

“Hay quá”, cậu trả lời. Thế có muốn ngồi xuống đây cùng chờ xe buýt với mình không?”

Cả hai cùng ngồi ở bãi xi-măng của các vận động viên đẩy tạ. Tôi lại chứng kiến một cảnh chưa từng thấy: hai người ngồi bên nhau. Điều này làm Ray trở nên quyến rũ tôi hơn hẳn trước kia. Mắt anh chàng màu xám đậm. Từ trên thiên đườn nhìn xuống tôi không ngần ngại thả mình vào đó.