Hình hài yêu dấu - Chương 13 phần 2

“Hoặc là hắn còn giữ lại đồ vật gì của chị Susie?” Bố tôi và Lindsey - lúc đó đã bôi kem lên chân kia nhưng chưa cạo - bàn bạc sôi nổi, vì khi hai cái que mang mối quan tâm của hai bố con cà vào nhau tóe lửa thì cũng lóe lên giả thiết rằng không chừng xác tôi đang bị vùi đâu đó trong ngôi nhà nọ. Thi thể tôi có thể ở dưới hầm, tầng một, tầng hai, hay trên tầng áp mái. Để tránh phải thừa nhận khả năng khủng khiếp này - nếu đúng như thế thì đó quả là những bằng chứng rành rành, tuyệt hảo, xác đáng - hai bố con cố nhớ lại những gì hôm đó tôi mang theo: viên tẩy hình nhân vật truyện tranh tên Frito Bandito tôi thích, phù hiệu hình ca sĩ David Cassidy tôi cài trong cặp, phù hiệu hình ca sĩ David Bowie tôi cài mặt ngoài cặp. Hai bố con nêu ra đủ mọi món lỉnh kỉnh có thể trở thành chứng cứ hiển nhiên, gây kinh hoàng nhất có thể tìm được - thi hài của tôi bị chặt khúc, trong hốc mắt trống không chỉ còn chút da thịt thối rữa.

Đôi mắt tôi: cách trang điểm bà ngoại Lynn hướng dẫn cho Lindsey cũng giúp được ít nhiều nhưng vẫn không giải quyết được chuyện hễ ai nhìn vào mắt Lindsey là tự động tìm xem có bao nhiêu phần giống mắt tôi. Khi tình cờ bắt gặp chính đôi mắt mình - trên tấm gương sáng choang trong hộp phấn trang điểm của cô gái ở bàn bên cạnh, hay ảnh phản chiếu bất chợt trên tấm cửa kính cửa hiệu - là em quay ngoắt đi. Đau khổ nhất vẫn là khi đối mặt với bố tôi. Trong lúc trò chuyện, em gái tôi nhận ra rằng, suốt lúc bàn về chuyện này - về tên Harvey, về bộ quần áo tôi mặc, cái cặp tôi mang, thi thể của tôi, và về con người tôi - những kỷ niệm sinh động còn giữ về tôi làm cho bố tôi còn nhận ra được em là Lindsey, chứ không phải một tổng thể làm não lòng vì lắp ráp bằng nửa nọ nửa kia của hai đứa con gái.

“Vậy bố muốn biết có cách nào đột nhập vào nhà hắn chứ gì?” em hỏi.

Hai bố con nhìn vào mắt nhau một lúc, người này hiểu rằng người kia cũng ý thức được sự nguy hiểm chứa đựng trong ý tưởng đó. Thấy bố ngập ngừng mãi, cuối cùng bảo rằng làm thế là phạm pháp, rằng ông chưa từng nghĩ đến chuyện đó, em biết là bố đang nói dối. Em thừa hiểu ông cần có người thay mình làm việc đó.

“Con lo cạo chân cho xong đi, bé ạ,” ông nói.

Lindsey biểu lộ đồng tình, quay đi, hiểu rõ bố ngầm bảo em làm gì rồi.

Bà ngoại Lynn đến nhà vào ngày thứ Hai trước ngày lễ Tạ Ơn. Cũng với đôi mắt như rọi tia la-de phát hiện ngay ở em gái tôi mọi tì vết ngoài bà không ai thấy, bà còn nhanh nhạy nhìn thấy gì đó ẩn sau nụ cười trong động tác từ tốn của con gái bà, cảm thấy cả cơ thể mẹ tôi phản ứng ra sao mỗi khi có ai đó đả động đến thanh tra Fenerman hay giới cảnh sát.

Sau bữa ăn chiều hôm đó, khi mẹ tôi từ chối không muốn bố phụ rửa bát, thì đôi mắt la-de đã rõ mười mươi. Bà ngoại Lynn làm cả nhà giật mình, trừ em gái tôi mừng húm, khi bà tuyên bố:

“Abigail này, mẹ sẽ phụ con rửa bát. Đây là phần việc của riêng mẹ con ta.”

“Mẹ bảo sao cơ?”

Mẹ tôi đã tính sẽ cho Lindsey nghỉ tay sớm, em chỉ đợi có thế, rồi cả buổi tối sẽ đứng bên bồn, vừa thong thả rửa, tráng, vừa nhìn ra ngoài cửa sổ cho đến khi màn đêm hắt trả lại ảnh mẹ trên mặt kính. Tiếng máy truyền hình rồi sẽ nhỏ dần và mẹ sẽ được một mình một bóng.

“Mẹ vừa mới làm móng tay ngày hôm qua,” bà ngoại Lynn nói sau khi buộc tạp dề phủ bộ quần áo thanh lịch màu vàng lông lạc đà, “nên mẹ chỉ lo phần lau khô thôi.”

“Mẹ à, con không cần đâu.”

“Cần chứ, cưng cứ tin mẹ đi,” bà ngoại nói. Có chút gì đó cộc lốc, khô khan trong chữ cưng

Buckley kéo tay bố vào phòng bên cạnh, nơi đặt máy truyền hình. Hai bố con ngồi xuống, còn Lindsey, bất ngờ có thì giờ rảnh rỗi, lên lầu gọi điện cho Samuel.

Cảnh tượng trông thật lạ lùng, nếu không nói là bất thường. Bà ngoại tôi đeo tạp dề, giương cao tấm khăn lau bát trông như tấm vải đỏ của tay đấu bò trong tư thế sẵn sàng chờ chiếc đĩa đầu tiên bay tới.

Hai mẹ con mải miết làm, không trao đổi một lời. Những âm thanh duy nhất là tiếng mẹ nhúng tay vào nước nóng bỏng, tiếng đĩa chạm nhau, tiếng dao nĩa lách cách. Sự yên ắng làm nỗi căng thẳng cứ nở phồng chiếm hết không gian, làm căn phòng ngột ngạt. Tiếng ồn ào từ trận bóng truyền hình ở phòng bên cũng làm tôi thấy lạ. Bố tôi xưa nay không hề xem bóng đá, ông chỉ ưa mỗi môn bóng rổ. Bà ngoại Lynn cũng ghét việc rửa bát; thức ăn đông lạnh hoặc nấu sẵn chỉ cần mua về vẫn là thứ vũ khí bà chọn để tránh phải rửa bát.

“Chúa ơi,” cuối cùng bà ngoại nói. “Con cầm lại này.” Bà đưa trả mẹ cái đĩa vừa tráng. “Mẹ có chuyện muốn nói với con nhưng sợ làm rơi mấy thứ này mất. Mẹ con mình đi dạo một lúc nhé.”

“Mẹ à, con cần phải…”

“Điều con cần làm là đi dạo một vòng.”

“Con phải rửa cho xong đã.”

“Nghe này”, bà ngoại nói, “mẹ biết tính mẹ thế nào, tính con ra sao, nghĩa là khác mẹ, con vẫn lấy làm mừng là không giống mẹ; nhưng có một số điều khi nhìn thấy mẹ hiểu ngay, và vào lúc này mẹ nghĩ chuyện trong gia đình con không kosher(55). Capisce(56)?”

55. “Kosher” (tiếng Do Thái), chỉ những món được phép ăn theo luật đạo của dân tộc này; ở đây có nghĩa: ổn thỏa.

56. “Capisce?” (tiếng La-Tinh): Con hiểu chứ?

Mẹ tôi lộ vẻ nao núng, rồi những đường nét trên mặt bà dịu lại, và đổi dạng - dịu nhẹ và ẩn hiện như hình ảnh phản chiếu mặt bà trên làn nước sóng sánh trong bồn rửa bát.

“Mẹ bảo sao cơ?”

“Mẹ thắc mắc vài chuyện, nhưng không muốn nói ra ở đây.”

Trúng phóc, Bà ngoại Lynn ạ, tôi thầm nghĩ. Chưa bao giờ tôi thấy bà cương quyết đến thế.

Hai mẹ con muốn ra khỏi nhà đi dạo riêng với nhau thì không có gì khó. Bố tôi, do đầu gối còn đau, chẳng thể đi cùng, còn Buckley luẩn quẩn bên bố, có ông thì nó mới đi theo.

Mẹ tôi làm thinh. Bà không có cách nào thoái thác. Hai mẹ con tháo tạp dề vắt lên mui chiếc xe Mustang trong nhà để xe. Mẹ tôi khom người nâng cửa nhà xe đẩy lên.

Chưa muộn lắm nên lúc hai mẹ con ra ngoài trời vẫn còn sáng. “Dắt cả Holiday theo nhé,” mẹ tôi hỏi.

“Mẹ với con thôi,” bà ngoại nói. “Thấy bộ đôi mẹ con mình là thiên hạ đủ hoảng rồi.”

Hai mẹ con chưa hề có quan hệ mật thiết. Cả hai đều biết vậy, nhưng đó không phải là điều làm bận lòng họ, chẳng những thế còn đem ra cười giễu như hai đứa bé không ưa nhau lắm, nhưng lại là hai đứa bé duy nhất trong một khu dân cư mênh mông vắng bóng trẻ. Giờ đây, sau thời gian dài để con gái bà rời nhà khá sớm và bay nhảy đi những đâu bà không biết, và chưa hề tìm cách ngăn trở, đột nhiên bà thấy mình đuổi theo bắt kịp con gái.

Họ đi qua ngôi nhà của gia đình O’Dwyer, mãi khi sắp đến nhà của gia đình Tarking thì bà ngoại mới nói ra điều bà muốn thổ lộ.

“Mẹ chọn vùi chuyện đó bằng cách ra vẻ xem như không,” bà ngoại nói. “Bố con dan díu nhiều năm với một người đàn bà ở New Hamshire. Tên mụ ấy bắt đầu bằng vần F, nhưng mẹ chẳng biết gì thêm. Năm này qua năm khác mẹ thử tra tìm, ra được hàng nghìn người có thể mang tên vần đó.”

“Ơ kìa, mẹ!”

Bà ngoại tôi vẫn bước tiếp, không quay nhìn mẹ. Bà thấy không khí mát lạnh của mùa thu giúp bà nhiều, tràn vào tẩy rửa, làm hai buồng phổi như sạch hơn mấy phút trước đó.

“Ngày đó con có hay biết gì không?”

“Không.”

“Chắc mẹ không kể cho con,” bà nói. “Hẳn mẹ nghĩ con chẳng nên biết làm gì. Bây giờ đã đến lúc, phải không nào?”

“Con không rõ vì sao bây giờ mẹ đem ra kể cho con nghe.”

Họ đã tới bùng binh, ngoặt lại là quay về. Nếu cứ đi tiếp họ sẽ đến trước cửa nhà tên Harvey. Mẹ tôi thấy lạnh cóng.

“Tội nghiệp con chưa,” bà ngoại nói. “Đưa tay cho mẹ nào.”

Cả hai lúng túng. Mẹ tôi đếm được trên đầu ngón tay số lần ông bố cao lớn khom người xuống hôn ngày mẹ còn bé. Bộ râu ông cọ má làm ngứa, mát mùi nước hoa mà nhiều năm sau bà vẫn không tìm ra là hiệu gì. Bà ngoại nắm lấy bàn tay mẹ, cứ thế hai người đi tiếp ngoặt sang hướng khác.

Họ đến một khu hình như ngày càng có nhiều gia đình mới dọn đến. Tôi nhớ mẹ tôi gọi đó là những ngôi nhà móc vào neo, tôi nhớ thế, vì chúng nằm dọc hai bên đường dẫn vào khu trung tâm, nối khu phố với con lộ chính có từ xưa, trước khi vùng này được nâng cấp lên phố thị. Đó là con đường dẫn đến Thung lũng Forge, đến George Washington và cuộc Cách mạng(57).

57. Valley Forge: trại đóng quân mùa đông trong cuộc chiến tranh chống vương quốc Anh, 1775-1782, George Washington là tổng soái chỉ huy.

“Từ lúc Susie mất đi mẹ mới lại nhớ về bố con,” bà ngoại nói. “Mẹ vẫn chưa để tang bố con theo đúng nghĩa.”

“Con biết,” mẹ tôi nói.

“Con vẫn bực mẹ về chuyện đó phải không?”

Mẹ tôi ngần ngừ. “Có thế thật.”

Bà ngoại lấy tay kia vỗ nhẹ mu bàn tay mẹ. “Hay lắm, con thấy chưa, đã hé ra một mẩu rồi đấy.”

“Mẩu gì cơ?”

“Thì một mẩu của cả câu chuyện bây giờ mới hé ra. Con với mẹ. Một mẩu của sự thật giữa hai mẹ con ta.”

Họ đi qua khu các lô đất, mỗi lô rộng khoảng một mẫu Anh, cây cối trồng từ ngót hai mươi năm. Tuy không chót vót nhưng thân cây cũng cao gấp đôi những ông bố ngày đó cứ cuối tuần là mang loại giày làm vườn dằm đất quanh chỗ ươm cây.

“Mẹ có biết con cảm thấy mình cô độc đến mức nào không?”

“Đó là nguyên do của buổi đi dạo này, Abigail ạ,” bà ngoại Lynn đáp.

Mắt mẹ tôi nhìn sững ra phía trước, nhưng qua bàn tay nắm lấy tay bà ngoại bà vẫn duy trì mối dây liên hệ. Bà nhớ lại cảm giác cô đơn suốt thời thơ ấu. Nhớ những lúc thấy hai cô bé gái con mình xuyên lỗ xỏ dây vào hai ly giấy rồi chia ra mỗi đứa vào một phòng để chơi trò thì thào lén kể cho nhau những bí mật của chúng, bản thân bà thực tình chưa hề biết thế nào là chia sẻ bí mật. Trong nhà chẳng có ai khác ở với bà, ngoài bố và mẹ, sau đó ông bố của mẹ lại ra đi.

Bà nhìn đăm đăm lên đầu ngọn cây, đám cây cao nhất trong toàn vùng, cách xa khu chúng tôi cả dặm đường. Chúng mọc trên một ngọn đồi cao, đến nay chưa bị phát quang lấy đất xây nhà. Vẫn còn vài chủ nông trại đã luống tuổi cư ngụ ở đó.

“Con không diễn tả được những gì mình cảm thấy,” mẹ nói. “Không nói được với ai cả.”

Họ đi tới cuối khu phố đúng lúc mặt trời khuất sau ngọ đồi trước mặt. Một khoảnh khắc trôi qua nhưng chưa ai có ý đi vòng trở lại. Mẹ tôi dõi mắt nhìn theo tia sáng cuối cùng còn phản chiếu trên mặt vũng nước đọng chỗ cuống rãnh ở cuối con đường.

“Con không biết mình nên làm gì,” mẹ nói. “Bây giờ khi chuyện đã xong.”

Bà ngoại không rõ khi nói “chuyện” thì mẹ ám chỉ gì nhưng không vặn hỏi thêm.

“Ta quay lại chứ?” bà đề nghị.

“Sao ạ?”, mẹ tôi hỏi.

“Về nhà, Abigail ạ. Quay về nhà.”

Họ vòng lại, tiếp tục bách bộ. Đi qua hết nhà này đến nhà khác, tất cả xây cùng một kiểu giống hệt nhau. Chỉ khác ở những phần xây bà ngoại gọi là thêm thắt. Bà chịu không hiểu nổi sao người ta có thể sống ở một chỗ như thế này, đây lại là nơi con gái bà chọn để cư ngụ.

“Khi mình đến góc rẽ vào bùng binh thì con muốn đi qua căn nhà đó,” mẹ tôi nói. “Ngang qua nhà hắn?”

“Vâng.”

Tôi thấy bà ngoại rẽ theo mẹ.

“Con hứa với mẹ là sẽ không gặp lại người đàn ông đó nữa chứ?”, bà ngoại hỏi.

“Gặp ai cơ?”

“Người đàn ông con đang dan díu ấy. Mẹ nói chuyện này từ nãy đến giờ thôi.”

“Con chẳng dan díu với ai cả,” mẹ tôi đáp. Đầu óc bà, như cánh chim, bay nhảy từ nóc nhà này sang nóc nhà khác. “Mẹ à!”, bà gọi, quay nhìn bà ngoại.

“Gì thế, Abigail?”

“Nếu cần đi xa một thời gian, con đến nhà nghỉ(58) của bố ở tạm được không?”

“Nãy giờ con có để tai nghe mẹ nói không?”

58. Kiểu nhà ván gỗ, có tiện nghi tối thiểu, dựng ở đồi, rừng, thường làm nơi nghỉ mát mùa hè.

Họ ngửi thấy mùi gì thoang thoảng trong không khí. Một lần nữa tâm thức luôn âu lo, thắc mắc của mẹ tôi lại trôi tuột đi đâu. “Có ai hút thuốc đây,” bà nói.

Bà ngoại Lynn đăm đăm nhìn con gái. Con người nội trợ luôn đảm đang, nghiêm túc ở mẹ tôi bỗng biến đâu mất. Bà thành kẻ tính tình bất nhất, đầu óc lơ đãng. Bà ngoại thấy không còn gì để nói với con gái nữa.

“Thuốc lá ngoại, mẹ ạ,” mẹ tôi nói. “Để xem từ đâu ra!”

Trong nắng tà dần tắt bà ngoại ngẩn ngơ nhìn theo mẹ tôi đang lần theo mùi thuốc lá.

“Mẹ quay về nhà đây,” bà ngoại nói.

Nhưng mẹ tôi cứ bước tiếp.

Chẳng mấy chốc bà phát hiện khói thuốc từ đâu bay ra. Đó là bà Ruana Singh đang đứng sau cây thông cao trong vườn nhà bà.

“Chào chị”, mẹ tôi lên tiếng.

Bà Ruana không giật mình như tôi tưởng. Tính bình tâm của bà có được nhờ công phu tập luyện. Bà biết cách điều khiển nhịp thở để đương đầu mọi biến cố bất ngờ nhất, chẳng hạn con trai bà bị cảnh sát buộc tội giết người, hay ông chồng mời ăn tối nhưng lại biến bữa tiệc thành cuộc họp hội đồng khoa học. Bà bảo Ray cứ rút lên lầu, còn bà đi ra cửa sau để không ai để ý.

“Chào bà Salmon,” bà Ruana nói, phả làn khói thuốc thơm lừng. Mẹ tôi đưa tay ra trong làn khói và hơi ấm ùa đến, bắt tay bà Ruana.

“Nhà ông bà đang có khách à?” mẹ tôi hỏi.

“Ông nhà tôi mở tiệc đãi khách. Tôi là bà chủ nhà.”

Mẹ tôi mỉm cười.

“Chỗ mình đang sống thật quái lạ,” bà Ruana nói.

Ánh mắt họ chạm nhau. Mẹ tôi gật đầu. Đâu đó trên đường về nhà có mẹ của bà đang bước, còn bà lại đứng đây, như bà Ruana, trên một hòn đảo yên tĩnh ngoài khơi, nằm xa đất liền.

“Chị còn thuốc lá không?”

“Dĩ nhiên còn chứ, bà Salmon.” Bà cho tay vào túi chiếc ao len đan dài màu đen, lấy ra gói thuốc và chiếc bật lửa. “Hiệu Dunhills”, bà nói. “Hi vọng bà cũng thích.”

Mẹ tôi châm thuốc rồi đưa lại bà Ruana gói thuốc màu xanh có giấy bạc màu vàng. “Abigail”, mẹ nói trong lúc phả khói thuốc. “Cứ gọi tôi bằng tên Abigail.”

Trên phòng riêng đã tắt hết đèn, Ray ngửi thấy mùi thuốc lá của mẹ. Bà chưa bao giờ mắng cậu là đã lấy lén thuốc lá của bà, cũng hệt như cậu chưa từng để lộ rằng cậu biết bà có thuốc. Cậu nghe tiếng người nói từ dưới nhà vọng lên - tiếng ông bố trò chuyện ồn ào với các đồng nghiệp, họ trao đổi với nhau bằng sáu thứ tiếng, tiếng họ cười cợt về ngày lễ sắp tới, lễ đặc biệt của người dân Mỹ. Cậu ta không biết rằng mẹ tôi đang đứng cùng mẹ cậu ngoài sân cỏ hoặc tôi đang nhìn cậu ngồi bên cửa sổ, hít vào mùi thuốc lá thơm dịu. Chỉ lát nữa thôi cậu sẽ rời cửa sổ, bật ngọn đèn con ở đầu giường để đọc. Bà giáo McBride đã bảo mỗi học sinh tự chọn một bài thơ thể xon-nê mà mình thích để viết bình luận. Nhưng mỗi khi đọc những dòng thơ trong Tuyển tập Norton, đầu óc cậu lại lãng đãng quay về thời điểm cậu tha thiết muốn níu giữ, muốn trải nghiệm lần nữa. Giá lúc ấy trên giàn giáo cậu cứ hôn tôi thì biết đâu mọi chuyện đã chẳng xoay chiều theo hướng nào khác rồi.

Bà ngoại Lynn tiếp tục lộ trình mà hai mẹ con đã tính trước đó, đi một lúc thì quả nhiên thấy nó - ngôi nhà họ cố quên đi dù chỉ ở cách đó có hai căn. Jack có lý, bà ngoại nghĩ thầm. Ngay cả trong bóng tối bà cũng cảm thấy điều đó. Chỗ ngôi nhà tọa lạc như phát tỏa dấu hiệu của cái ác. Bà rùng mình, nghe tiếng dế gáy và nhìn thấy lũ đom đóm tụ lại thành đàn trên các luống hoa sát bờ rào trước nhà hắn. Bà chợt nghĩ chỉ mong một điều là cảm thông được con gái mình. Con bà đang sống ở tâm điểm nơi bom vừa nổ, những chuyện lăng nhăng của chồng bà đâu thể giúp con gái bà sáng suốt tự nhìn lại mình được. Sáng sớm mai bà sẽ bảo mẹ tôi rằng lúc nào cần cứ đến tìm, chìa khóa căn nhà nghỉ vẫn để sẵn đó.

Đêm ấy, mẹ tôi mơ một giấc mơ thật tuyệt vời. Bà mơ thấy nước Ấn Độ, nơi bà chưa hề đến. Ở đó có đèn hiệu giao thông hình nón màu da cam và các loại côn trùng tuyệt đẹp màu xanh dương, hàm dưới nạm vàng. Một thiếu nữ bị dong trên đường phố. Cô bị dẫn tới một giàn thiêu, người ta quấn khăn quanh người bó cô lại, đặt lên bệ bằng cành cây ràng bện thành giàn. Ngọn lửa sáng rực thiêu đốt cô gây cho mẹ tôi cảm giác vui sướng sâu sắc, thanh thoát, như bà vẫn thấy khi nằm mơ. Cô gái bị thiêu sống thật, nhưng lúc đầu, thân thể cô nằm đó, sạch sẽ và nguyên vẹn.