Hình hài yêu dấu - Chương 13 phần 1

VÀO MÙA THU NĂM 1974 KHI BẮT ĐẦU NĂM HỌC mới ở trường trung học cơ sở thì Lindsey không chỉ là em của một cô gái bị thảm sát, mà còn là con một kẻ “điên giở”, “mát dây”, “loạn trí”, điều sau này làm em phiền lòng hơn vì không đúng sự thật.

Những lời đồn đại mà Lindsey và Samuel nghe được trong những tuần đầu lan truyền khắp chốn, cứ như những con rắn lì lợm trườn quanh dãy tủ học sinh cất đồ dùng cá nhân dọc hành lang nhà trường. Giờ đây trong cơn lốc còn có thêm cả Brian và Clarissa nữa; cũng may mà năm ấy cả hai đứa đều lên trung học cấp hai cả. Ở Fairfax hai đứa cứ ôm nhau đi cặp kè, khai thác bằng đủ mọi cách sự việc xảy ra với chúng, lấy chuyện đã làm bố tôi mất mặt để tô vẽ cho mình lớp sơn của kẻ ngang tàng, gặp ai trong trường chúng cũng kể đi kể lại những gì diễn ra ở cánh đồng ngô đêm ấy.

Ray và Ruth đi bên nhau trong hành lang, hai bên là vách kính trông ra sân trong lộ thiên. Cả hai thấy Brian đang đứng nói thao thao ở chỗ đặt những đá tảng, nơi đám học sinh ngổ ngáo hay ngồi. Năm ấy, cậu không còn dáng dấp thằng bù nhìn nhút nhát nữa mà đi đứng kệnh khạng ra vẻ đàn ông. Còn Clarissa vẫn giữ tật cười rúc rích, nửa vì sợ nửa vì thú vị; cô nàng không còn e dè ngại ngùng gì nữa, thậm chí đã ăn nằm với Brian. Những đứa tôi quen biết đều trưởng thành, mỗi người mỗi cách không ai giống ai.

Năm ấy Buckley đi vườn trẻ và ngay ngày đầu đã mê mẩn cô giáo Koekle của nó. Mỗi khi dẫn nó đi nhà vệ sinh, hoặc giảng cho nó hiểu những việc nó được giao làm, cô đều nắm tay nó thật trìu mến, thế là nó thương cô không để đâu cho hết. Một mặt nó được lợi - cô thường cho nó thêm một miếng bánh hay dành cho nó tấm nệm êm hơn - mặt khác do được đãi ngộ, nó bị tách ra khỏi đám bạn cùng lớp. Vì chuyện tôi tử nạn mà nó bị xem là khác với mọi đứa trong một nhóm chỉ toàn trẻ con này, trong khi lẽ ra nó có quyền được sống hòa lẫn trong bọn, không ai để ý.

Samuel thường đưa Lindsey về đến nhà rồi đi dọc con đường chính, vẫy xe đi nhờ đến tiệm sửa xe mô-tô của Hal. Cậu cậy vào chuyện bạn bè của anh chạy trên đường nhận ra và chở cậu đến nhà trên những chiếc mô tô ráp từ nhiều kiểu khác nhau, hoặc những chiếc xe tải anh Hal đã “điều chỉnh” tăng sức máy theo yêu cầu của tài xế.

Trong một thời gian khá lâu Samuel không ghé nhà chúng tôi. Ngoài ra cũng chẳng có ai khác đến, trừ họ hàng thân thích. Tháng Mười, bố bắt đầu đứng lên, đi lại được. Các bác sĩ bảo bố rằng chân phải của ông sẽ bị cứng nhắc, nhưng nếu bố chịu khó co duỗi và đi lại thì không đến nỗi nào. “Miễn đừng chạy đua, còn thì tha hồ, ông muốn làm gì cũng được,” buổi sáng hôm ấy, sau ca phẫu thuật, bác sĩ nói với bố tôi như thế khi ông vừa tỉnh lại, thấy Lindsey ngồi cạnh mình, còn mẹ tôi đứng bên cửa sổ đăm đăm nhìn ra bãi đậu xe.

Sau khi được sưởi ấm nhờ lòng ưa ái của cô giáo Koekle rồi, Buckley về thẳng nhà, chui vào trong cái hốc trống vắng của trái tim bố. Nó luôn miệng hỏi về: “đầu gối giả” và bố tôi chịu khó giải thích cho nó vui.

“Đầu gối này người ta mang từ không gian trong vũ trụ về đấy con ạ,” bố tôi bảo thế. “Họ đẽo từ mặt trăng lấy nhiều mảng đem về, xén gọt cho vừa vặn, hiện nay họ dùng cho những trường hợp như thế này đấy.”

“Hay hết ý,” Buckley cười nói: “Thế bao giờ Nate cũng được xem, hở bố?”

“Không lâu đâu, Buck ạ, nay mai thôi,” bố tôi đáp, chỉ gượng nhếch miệng cười.

Khi Buckley kể những chuyện này cho mẹ chúng tôi, “đầu gối bố làm bằng xương mặt trăng” hay “cô Koekle khen con tô màu đẹp quá” thì mẹ chỉ gật. Bây giờ bà như có ý thức hơn về những việc bà đang làm. Bà cắt cà rốt và cần tây thành những đoạn ngắn vừa miệng. Bà tráng rửa bình thủy và hộp đựng bữa trưa cho Lindsey mang đi học, rồi khi nó bảo rằng đã lớn, không cần hộp thì bà chợt thấy vui thật sự khi nghĩ ra cái cách dùng túi vải tráng sáp để thức ăn không dây bẩn quần áo con gái bà, làm bà cứ phải giặt, phải gấp. Sau đó phải là thẳng, treo phẳng phiu trên móc. Những quần áo vứt ra nhà bà phải nhặt nhạnh, hoặc lôi từ trong xe hay từ chiếc khăn tắm ẩm ướt quẳng bừa bãi trên giường mà sáng sáng bà thu vén, giắt bốn góc khăn trải giường, giũ gối cho phẳng phiu, xếp ngay ngắn những con thú nhồi bông rồi kéo mành mành lên cho sáng phòng.

Những lúc em Buckley quấn quít vòi bà, bà chấp nhận làm một cuộc đổi chác. Bà để tai lắng nghe nó kể chuyện trong vài phút rồi mới thả hồn rời khỏi ngôi nhà này, khỏi mái ấm này để đến với Len.

Quãng tháng Mười một, bố tôi đã thành thạo động tác ông gọi là ‘đi cà-nhắc thật điệu nghệ’, nếu Buckley hò reo cổ vũ thì ông còn làm thêm động tác vừa nhảy vừa xoay người, làm mãi đến lúc cậu con trai hết cười mới thôi, bản thân không hề nghĩ rằng nếu ai đó hay mẹ tôi nhìn thì thấy ông trông lố bịch hay thảm thương quá. Trừ Buckley, còn thì trong nhà ai cũng biết: sắp đến ngày giỗ đầu của tôi.

Vào những ngày nắng thu rực rỡ, buổi trưa Buckley và bố tôi hay chơi với con Holiday trong khu vườn rào kín. Bố tôi ngồi trên chiếc ghế sắt cũ kỹ, chân duỗi dài, chống nhẹ lên tấm thảm chùi giày rất kiểu cọ mà bà ngoại Lynn tìm được trong một cửa hàng đồ cổ ở Maryland.

Buckley ném con bò độn bông phát âm thanh chút chít cho con Holiday chạy đi nhặt. Bố tôi thấy vui khi nhìn đứa con năm tuổi nhanh nhẹn, nghe tiếng cười khanh khách khi con Holiday húc nó ngã lăn quay rồi dụi mõm vào người nó hay thè cái lưỡi dài màu hồng liếm mặt. Tuy vậy bố không sao gạt được ý nghĩ: đứa con trai yêu quí của ông đó, biết đâu có ngày bị kẻ lạ nào bắt đi mất.

Có nhiều lý do khiến bố tôi ở nhà, được tiếp tục nghỉ việc dài hạn vì lý do sức khỏe, vết thương cũng là một trong những lý do chính đáng. Lúc này sếp của ông đối xử với thái độ khác hẳn, các đồng nghiệp cũng thế. Họ chỉ lảng vảng bên ngoài văn phòng của ông, đứng xa cách bàn làm việc của ông cả thước, tuồng như lúc ông có mặt mà họ thư thái không đề phòng thì có khi cũng gặp họa như ông - như thể việc có đứa con chết sớm là một loại bệnh truyền nhiễm. Ai cũng tự hỏi làm sao ông kham nổi công việc trước giờ vẫn đảm trách đây, nhưng đồng thời họ lại muốn ông giấu kín những biểu hiện của nỗi đau buồn, xếp vào trong tập hồ sơ, nhét vào một ngăn kéo nào đó không ai muốn mở ra nữa. Bố tôi thường tạt vào hãng, sếp của ông lúc nào cũng sẵn sàng cho ông nghỉ thêm một tuần, nếu cần thì một tháng cũng được, bố tôi xem việc được ưu đãi thế là nhờ trước nay ông luôn làm xong việc đúng thời hạn hay không nề hà việc nán lại làm thêm giờ. Nhưng ông tránh mặt tên Harvey, thậm chí còn tự bắt mình đừng nghĩ tới hắn nữa. Ông tránh cả nhắc đến tên hắn, trừ trong quyển sổ ghi chép giấu trong phòng làm việc mà ông đề nghị mẹ tôi đừng vào thu dọn nữa, điều đáng ngạc nhiên là bà cũng thuận theo ý ông. Trong quyển sổ này ông đã viết lời xin lỗi tôi. “Bố cần nghỉ để hồi sức, con gái yêu ạ. Bố cần tính xem phải theo dõi hắn bằng cách nào. Mong con hiểu cho.”

Nhưng ông quyết định ngày mồng 2 tháng Chạp sẽ đi làm trở lại, ngay sau lễ Tạ Ơn(53). Ông muốn trở lại hãng đúng một năm sau ngày tôi mất tích. Làm việc bình thường và giải quyết công việc ứ đọng - ở một nơi có kẻ qua người lại, buộc ông chú tâm đến chuyện khác càng nhiều càng tốt. Và nếu ông dám thú nhận với chính mình, lý do chính là để tránh mặt mẹ tôi.

53. Lễ Tạ Ơn Chúa sau mùa gặt, vào cuối tháng Mười một, là dịp gia đình đoàn tụ đông đủ, đây là lễ đặc biệt ở Mỹ, còn quan trọng hơn lễ giáng sinh.

Ông biết làm gì đây để bơi trở về với bà, tìm lại chỗ của mình trong tâm tưởng bà? Bà cứ tự đẩy mình xa thêm mãi - có bao nhiêu sức bà đều để vào việc làm tan nát mái ấm gia đình, còn ông dồn hết sức mình cho nó. Ông quyết định phục hồi sức khỏe và vạch ra kế hoạch theo dõi tên Harvey. Tập trung quy lỗi cho kẻ nào đó thì dễ hơn là ngồi tính sổ, cộng thêm hết nỗi đau này đến mất mát khác mà ông phải chịu.

Bà ngoại Lynn hẹn sẽ đến nhà vào dịp lễ Tạ Ơn; Lindsey lâu nay làm theo phương pháp chăm sóc sắc đẹp do bà ngoại hướng dẫn qua thư. Mới đầu nó thấy thật ngớ ngẩn khi đắp những lát dưa leo lên hai mắt (để chống mọng mí mắt), bôi cháo yến mạch lên mặt (để tẩy lỗ chân lông và hút chất nhờn thừa) hay bôi lòng đỏ trứng gà lên tóc (cho tóc bóng mượt). Việc nó lấy thực phẩm dùng vào việc dưỡng da và tóc làm mẹ tôi buồn cười, nhưng bà bắt đầu tự hỏi chắc mình cũng nên chăm sóc nhan sắc. Nhưng bà chỉ thoáng nghĩ thế thôi, bởi tâm trí bà bận bịu về Len, không phải vì yêu ông ta mà vì dan díu với ông ta là cách nhanh nhất bà biết được để tìm quên lãng.

Hai tuần trước bà ngoại Lynn tới, Buckley và bố ở ngoài vườn với con Holiday. Buckley và Holiday chơi đuổi bắt, chạy luẩn quẩn giữa mấy đống lá sồi mới rụng còn bóng láng, càng lúc càng hăng say. “Coi chừng, Buck,” bố nói. “Con làm thế Holiday sẽ cắn bậy đấy.” Và thế là y như rằng.

Bố tôi bảo ông muốn thử một trò chơi mới.

“Để xem ông bố già có cõng nổi con không. Để ít lâu nữa con lớn quá hết chơi được.”

Thế là ở một góc vườn nằm khuất, để lỡ ông ngã thì chỉ có một thằng bé và một con chó luôn yêu quí ông nhìn thấy, hai bố con lóng ngóng làm chuyện cả hai đều mong mỏi: trở lại quan hệ bố - con bình thường. Khi Buckley leo lên đứng trên ghế sắt rồi, bố tôi khom người xuống, dặn: Leo lên lưng bố, bám vai bố cho vững” mà không biết liệu có đủ sức cõng nó hay không. Trên thiên đường tôi nín thở, chắp tay cầu cho bố được may mắn. Hôm ở cánh đồng ngô tôi cũng làm thế, đúng vậy, nhưng lúc này đây, khi ông sửa sang cái khung để gia đình trở về nếp sống thường nhật ngày trước, chẳng quản thương tật để giành lại một khoảnh khắc như thế này, thì ông trở thành người hùng trong mắt tôi.

“Cúi xuống, cúi nữa,”ông nhắc khi đi qua khung cửa ở tầng trệt rồi bước lên cầu thang, mỗi bước là một cố gắng giữ thăng bằng, là một cơn đau nhói rúm người. Rồi khi con Holiday phóng lên cầu thang, vượt qua hai bố con, thì bố tôi, trên lưng là kỵ mã Buckley đang hứng chí, biết rằng ông đã đúng khi thử xem sức mình đến đâu.

Hai bố con - thêm con chó nữa - vừa kịp nhận ra có Lindsey trong phòng tắm trên lầu, thì đã nghe tiếng cô nàng ca cẩm:

“Bố ơi là bố…!”

Bố tôi thẳng người đứng lên. Buckley với tay sờ ngọn đèn gắn trên trần.

“Con đang làm gì đấy?”, bố hỏi.

“Thế bố nhìn mà không thấy à?”

Em đang ngồi trên nắp bồn cầu, quấn chiếc khăn trắng to khổ (những chiếc khăn mẹ phải tẩy trắng, những chiếc khăn mẹ phải phơi trên dây cho khô, những chiếc khăn mẹ phải gấp, xếp vào giỏ rồi bưng lên cất vào tủ để khăn…), chân trái gác lên thành bồn tắm, bôi một lớp kem cạo râu. Tay cầm con dao cạo của bố.

“Con không được nói hỗn thế,” bố nói.

“Xin lỗi bố,” em gái tôi nói, mắt nhìn xuống sàn. “Con chỉ muốn được ở riêng một lúc.”

Bố tôi nâng Buckley lên quá đầu ông. “Ấy, coi chừng trừng tủ quần áo giặt, con ơi,” bố kêu và Buckley hoảng vía vì thấy bàn chân lấm lem của mình tựa vào, để dấu trên chiếc tủ khảm gạch trong phòng tắm - một điều cấm kỵ.

“ Nhảy xuống đi.” Buckley nghe theo. Con Holiday liền chồm tới quấn lấy nó.

“Con đâu đã đến tuổi, sao đã cạo lông chân,” bố tôi bảo.

“Bà ngoại Lynn cạo từ hồi mười một tuổi đấy thôi.”

“Buckley, con về phòng đi, dắt con chó theo nhé. Bố sẽ vào sau.”

“Thưa vâng.”

Buckley còn là một đứa bé, bố tôi chỉ cần kiên nhẫn và khéo léo một chút là có thể công kênh nó lên vai, như mọi bố con khác. Nhưng bây giờ nhìn Lindsey ông thấy đau đớn bội phần. Tôi là đứa bé gái ngồi trong bồn tắm, một bé con mới lẫm chẫm ông nhấc lên đặt vào bồn rửa mặt, một thiếu nữ vừa đến tuổi để làm y như em gái tôi lúc này đây, nhưng không bao giờ được phép trưởng thành nữa.

Khi Buckley đi rồi, ông tập trung tâm trí cho em gái tôi. Ông sẽ lo cho cả hai cô con gái bằng cách chăm chút đứa này: “Con biết cách cạo chứ?”

“Con mới thử lần đầu,” Lindsey nói. “Bố cứ để con tự làm.”

“Lưỡi dao cạo này có sẵn lúc con lấy từ hộp dao của bố phải không?”

“Vâng.”

“Ồ, râu bố cứng nên làm dao mau cùn. Để bố lấy cho con lưỡi dao mới.”

“Cám ơn bố,” em gái tôi nói và trở lại làm con bé Lindsey dễ thương bố cõng nhong nhong thưở nào.

Ông rời phòng tắm, đi dọc hành lang sang phía bên kia, tới phòng ngủ của bố mẹ tôi, tiếng là phòng chung nhưng hai người ngủ riêng giường từ lâu rồi. Vươn tay mở tủ kính lấy hộp lưỡi dao mới, ông chợt thấy đau nhói ở ngực. Ông cố quên đi, tập trung vào việc định làm. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua: Lẽ ra Abigail làm chuyện này mới phải.

Ông đem lưỡi dao cạo ra, chỉ Lindsey thay dao và cạo cho đúng cách. “Cẩn thận chỗ mắt cá và đầu gối,” ông nói. “Mẹ con gọi đó là những chỗ dễ bị phạm.”

“Bố thích thì ngồi đây với con, tùy bố,” Lindsey nói, bây giờ em chấp nhận sự có mặt của ông. “Nhưng coi chừng con làm chảy máu văng tung tóe.” Nói xong em ân hận muốn tự vả vào mặt. “Con xin lỗi,” em nói. “Đây bố ngồi đây, con lui ra kia.”

Em đứng lên, lại ngồi trên thành bồn tắm, vặn vòi nước, còn bố tôi ngồi xuống nắp bồn cầu.

“Được rồi, con ạ,” bố nói. “Lâu nay bố con mình không có dịp trò chuyện về chị con.”

“Có ai cần nói nhỉ?”, em gái tôi đáp. “Chị ấy có mặt mọi lúc mọi nơi mà.”

“Em trai con có vẻ không bị khủng hoảng gì lắm.”

“Nó cứ bám riết lấy bố.”

“Có thế thật,” ông nói và thấy sung sướng có đứa con trai quấn quít nịnh bố.

“Ái”, Lindsey kêu lên, một vệt máu nhỏ rỉ qua lớp bọt trắng của kem cạo râu. “Thôi, hỏng rồi.”

“Rịt ngón cái vào vết xước. Máu sẽ cầm ngay. Con chỉ nên cạo tới đầu gối thôi,” bố khuyên. “Mẹ con vẫn làm thế, trừ khi cả nhà đi chơi biển.”

Lindsey ngừng lại. “Bố với em Buckley đâu có ra biển bao giờ.”

“Ngày xưa có đi đấy chứ.”

Bố quen mẹ khi cả hai cùng làm việc cho tiệm Wanamaker vào dịp trường đại học nghỉ hè. Ông vừa buông lời bình phẩm chua chát về căn phòng để cho nhân viên ngồi nghỉ, bị ám mùi thuốc lá nồng nặc, thì bà cười cười rút ra gói Pall Mall thời đó được ưa chuộng. “Touché”(54), ông nói, rồi ngồi lì bên bà, để khói thuốc hôi rình quyện cả vào người.

54. Touché (tiếng Pháp): bị chạm, bị đâm trúng (trong trò thi đấu kiếm).

“Con đang ngĩ xem con giống ai,” Lindsey nói. Giống bà ngoại Lynn hay mẹ.”

“Bố trước giờ vẫn thấy con với chị con giống mẹ,” bố nói.

“Bố à!”

“Sao con?”

“Bố vẫn cho rằng tên Harvey dính dáng tới vụ này thật sao?”

Như một cái que, nếu ta cứ cà mãi vào cái que khác, cuối cùng sẽ tóe lửa - việc cọ sát đã đem lại kết quả.

“Bố tin chắc như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, con ạ.”

“Vậy sao chú Len không bắt hắn cho rồi?”

Em hững hờ kéo dao cạo râu từ bàn chân ngược lên. Thế là xong một bên. Rồi dừng tay không làm tiếp, chờ đợi.

“Ước gì bố có thể nói sao cho con dễ hiểu,” bố nói, khó nhọc như phải moi óc từng chữ để ráp thành câu. Ông chưa từng kể lể dông dài với ai về những nỗi ngờ vực của mình. “Hôm ấy, gặp trong vườn nhà hắn, bố phụ hắn dựng lều - hắn bảo lều này dựng cho vợ hắn, bố nhớ hắn bảo tên là Sophie, nhưng sau Len lại ghi là Leah - trong cử chỉ thái độ của hắn có gì đó bắt bố phải tin như thế.”

“Mọi người ở đây cũng thấy hắn kỳ dị, không giống ai.”

“Đúng thế, bố biết,” bố nói. “Nhưng nói cho cùng họ chả việc gì phải dây dưa quan hệ với hắn. Họ không biết phải xem tính lập dị ở hắn là lành hay dữ.”

“Lành nghĩa là sao?”

“Là vô hại.”

“Con Holiday không ưa hắn chút nào,” Lindsey nhắc thêm.

“Đúng thế, bố chưa bao giờ nghe nó sủa hăng đến như vậy. Sáng hôm ấy long cổ nó dựng ngược hết cả lên.”

“Nhưng cảnh sát lại cho rằng bố bị chứng bệnh tưởng.”

“Họ chỉ đưa ra độc một câu trả lời: Không có bằng chứng.” Không bằng chứng và - bố nói con nghe đừng lấy làm ghê nhé - bao lâu không tìm được thi thể thì họ bó tay, và chẳng có cơ sở gì cho phép họ tống giam ai.”

“Thế nào là có cơ sở?”

“Bất cứ điều gì chứng minh được hắn có liên quan đến Susie, bố nghĩ thế. Chẳng hạn có ai đấy nhìn thấy hắn ngoài cánh đồng ngô, hay chỉ cần thấy hắn lảng vảng quanh nhà trường thôi cũng đủ. Đại loại thế.”