Hình hài yêu dấu - Chương 15

THỜI GIAN ĐẦU KHÔNG CÓ AI GÂY TRỞ NGẠI CHO hai mẹ con hắn, điều đó khiến mẹ hắn lấy làm thú vị vô cùng. Tiếng cười lanh lảnh của bà khi hai mẹ con rẽ vào đường ngang ở góc phố để nấp sau khi chuồn khỏi một cửa hàng nào đó, rồi bà lôi ra khoe với hắn những món vừa thuổng được, làm George Harvey cũng bật cười theo, chờ dịp thuận tiện, như lúc bà mải mê với chiến lợi phẩm mới thu được, để ôm lấy mẹ.

Cả hai mẹ con đều thấy nhẹ nhõm khi tránh mặt được ông bố suốt buổi trưa, được lái xe đến thành phố lân cận mua thức ăn và các thứ cần dùng khác. Buôn hàng đồng nát thì họ thạo nhất, và kiếm tiền bằng cách nhặt nhạnh sắt vụn, vỏ chai chất lên thùng chiếc xe hàng cũ mèm của lão Harvey chở vào phố giao hàng.

Lần đầu hắn và mẹ bị bắt quả tang, cô giữ két đối xử với hai mẹ con rất khoan dung. “ Nếu bà có tiền để trả thì yên chuyện. Còn không thì bỏ hàng ra đây, cứ để nguyên cả bao bì thế lên quầy,” cô tươi tắn vừa nói vừa nháy mắt với thằng bé George Harvey tám tuổi. Mẹ hắn móc trong túi ra một lọ thuốc viên Aspirin nhỏ, rụt rè đặt lên quầy. Bà cúi mặt sượng sùng. “ Chẳng giỏi giang gì hơn thằng nhóc,” bố hắn hay mắng bà thế.

Tình thế bị bắt quả tang là một kinh nghiệm nhớ đời cho hắn vì luôn đi kèm với nỗi hoảng sợ - cảm giác buồn nôn trộn trạo trọng dạ dày hắn, như trứng bị đánh trong tô - hắn đọc được từ sắc mặt lầm lì và ánh mắt nghiệt ngã của những người đứng quanh, rằng kẻ đang xăm xăm tiến lại phía mẹ con hắn chính là một nhân viên cửa tiệm vừa phát hiện ra mụ đàn bà mới lấy cắp hàng.

Từ đó bà tìm cách tuồn ngay đồ ăn cắp cho hắn lận trong người, còn hắn làm thế là vì bà bắt hắn tuân theo. Nếu trót lọt và ra được tới xe, bà hay vỗ vỗ lên tay lái và gọi hắn là tên đồng lõa tí hon của bà. Buồng lái là nơi bà thể hiện thứ tình mẫu tử đột ngột kéo đến như dông bão được một lúc - rồi lắng dần xuống, đến khi hai mẹ con nhìn ra trên vệ đường có thứ gì lóng lánh làm họ lo căng óc đánh giá xem “ khả năng tiêu thụ” có cao lắm không, như mẹ hắn nói - lúc ấy hắn cảm thấy tự do. Tự do và ấm áp trong lòng.

Hắn nhớ lại lời mẹ hắn khuyên lúc trông thấy bên vệ đường một cây thập tự gỗ sơn trắng, lần đầu tiên cả hai lái xe trên một con đường ở bang Texas. Quanh đó là những bó hoa cả tươi lẫn héo úa. Đôi mắt kẻ sành tìm đồ phế thải của hắn lập tức nhận ra ngay mày sắc các bông hoa còn tươi.

“ Con phải tập được cách nhìn, dù đó là người chết cũng đừng lấy làm e ngại,” mẹ hắn nói. “ Thỉnh thoảng có mấy thứ đá hay ngọc cũng đáng công thu nhặt lắm”.

Ngay hồi ấy hắn đã cảm thấy họ đang làm điều gì đó sai trái. Hai mẹ con xuống xe, đi tới chỗ cây thập tự. Đôi mắt mẹ hắn thành hai chấm đen sì hắn quen thấy ở bà mỗi khi hai mẹ con bới móc lục lọi. Bà tìm thấy một viên đá hộ mệnh có hình con ngươi và một viên khác hình trái tim, chìa cho hắn xem.

“ Chẳng biết bố sẽ làm gì với ba thứ này, nhưng ta cứ giữ lấy, chỉ mẹ con biết với nhau thôi.”

Bà có một chỗ cất giấu bí mật, không bao giờ tiết lộ với bố hắn.

“ Con muốn cái hình con ngươi hay hình trái tim?”

“ Hình con ngươi”, hắn đáp.

“ Mẹ thấy mấy bông hồng này còn tươi chán, treo trong xe được lắm”.

Đêm ấy hai mẹ con ngủ trong xe, không về kịp chỗ bố hắn đang làm qua ngày cái việc cưa xẻ ván bằng tay.

Hai mẹ con nằm co quắp vào nhau mà ngủ, như thỉnh thoảng vẫn phải làm thế, biến buồng lái thành một cái ổ không mấy thoải mái. Mẹ hắn lăn qua trở lại trên ghế, cứ như con chó nhay kéo tấm chăn. Sau những lần co kéo trước đây, George Harvey nghiệm ra rằng tốt nhất là cứ nằm trơ ra đấy, bà có ẩy hắn sang phía nào cũng mặc. Bà chưa tìm được thế nằm thoải mái thì chẳng ai nhắm mắt được.

Nửa đêm, hắn đang mơ tới những căn phòng ấm cúng của các cung điện như trong loại sách có tranh ảnh minh họa hắn xem ở thư viện công cộng thì có ai đó đập rầm rầm vào mui xe. George Harvey và mẹ ngồi bật ngay dậy. Đó là ba tay đàn ông đang nhòm qua kính xe với tia nhìn mà George Harvey nhận ra liền. Đó là cách bố hắn nhìn thỉnh thoảng khi ông uống rượu say. Tia nhìn này có hai hiệu ứng: tập trung cả vào mẹ hắn, đồng thời hư vô hóa thằng con, như thể hắn không hề có mặt ở đó.

Hắn hiểu rằng không được la hoảng.

“ Con ngồi yên. Bọn chúng mò đến không phải vì con đâu”, mẹ hắn thì thào. Người hắn bắt đầu run bần bật dưới tấm chăn nhà binh cũ hai mẹ con đang đắp chung.

Một trong ba gã đứng chặn trước mui xe. Hai gã kia đập vào hai bên mui xe, vừa cười hô hố vừa thè lưỡi.

Mẹ hắn lắc đầu quầy quậy, song chỉ làm chúng điên tiết thêm. Gã đứng chặn trước xe lấy mông huých vào càng xe làm đầu xe rung rinh khiến hai gã kia càng ôm bụng cười ngặt nghẽo.

“ Mẹ sẽ từ từ dịch người ra”, mẹ hắn thì thào, “ làm như sắp rời khỏi buồng lái. Khi nào mẹ bảo thì con nhổm tới chìa mở máy nhé”.

Hắn hiểu mẹ vừa giao hắn một việc rất quan trọng. biết mẹ cần hắn hỗ trợ. Dù mẹ hắn bình thản như vẫn quen tỏ ra ngoài mặt, hắn vẫn nghe ra cái âm thanh kim loại trong giọng bà, mũi cọc sắt chuyên chọc xuyên nỗi sợ hãi nhô lên.

Bà cười duyên với lũ đàn ông, rồi trong khi chúng reo hò và toàn cơ thể thư giãn thoải mái trở lại thì bà dùng khuỷu tay gạt cần số vào đúng vị trí. “ Nào!” bà nói bằng giọng đều đều, George Harvey chồm tới trước, vặn chìa khóa. Động cơ già nua của chiếc xe tải sống dậy nổ ầm ầm.

Sắc mặt bọn đàn ông thay đổi hẳn, nỗi khoái trá vì sắp được mồi biến đâu mất, rồi trong lúc bà lùi xe được một đoạn khá dài thì chúng sững sờ nhìn theo, hoang mang do dự. Bà cài sang số chạy rồi hét con trai: “ Lăn xuống sàn!” hắn cảm thấy cơ thể của một tay đàn ông tông mạnh vào xe, cách chỗ hắn đang nằm cuộn người chỉ vài tấc. Rồi cơ thể đó bị hất tung lên mui xe, nằm ở đó chỉ một giây, thời gian đủ để mẹ hắn sang số lùi lần nữa. trong trí hắn chớp nhoáng lóe lên nhận thức về phương cách làm sao để tồn tại được ở cuộc đời này: đừng mang thân phận một đứa trẻ hay một người đàn bà. Đó là hai số phận phải chịu nhiều khốn đốn nhất.

Tim hắn đập loạn lên khi thấy Lindsey chạy vội đến bụi cây hương mộc, nhưng rồi ngay lập tức hắn trấn tĩnh lại. Đây là một kỹ năng mà mẹ, chứ không phải bố, đã truyền dạy cho hắn - chỉ ra tay hành động sau khi cân nhắc hậu quả xấu nhất có thể xảy ra cho từng phương án hắn còn có thể chọn lựa. Hắn thấy ngay là quyển sổ ghi chép của hắn bị xe dịch và nhận ra trang giấy vừa bị xé mất của tập phác họa. Hắn kiểm tra cái túi đựng con dao. Hắn mang dao xuống hầm, quẳng xuống cái hố vuông vức khoan xuyên qua móng nền nhà. Hắn gom từ tấm kệ sắt lô đá hộ mệnh của mấy người đàn bà mà hắn còn cất giữ. Hắn nhặt viên đá hộ mệnh hình bang Pennsylvania từ chiếc vòng cổ của tôi, nắm chặt trong tay. Viên đá mang may mắn. Còn những viên đá kia hắn trải lên một chiếc khăn tay trắng, rồi buộc túm bốn góc cột thành một túi nhỏ. Hắn thò tay xuống cái hố dưới móng nhà, nằm xoãi người để thọc sâu tới tận vai. Những ngón tay của hắn mò mẫm, trong khi tay kia giữ túi vải, cho đến lúc thấy đầu thanh cốt thép hoen gỉ còn nhô ra khi thợ nề đổ xi măng lên làm móng. Hắn treo túi chiến lợi phẩm vào đấy rồi rút tay ra, đứng dậy. Tập thơ xon-nê hắn đã chôn ngay đầu mùa hè trong rừng ở gần Công viên Valley Forge, nhẩn nha thủ tiêu dần dần tang vật là cách hắn vẫn làm từ trước đến nay, nhưng giờ đây hắn chỉ dám mong là còn kịp thì giờ.

Nhiều lắm cũng chỉ mất độ năm phút. Có thể do hắn bị sốc và tức giận. Hắn kiểm tra lại những thứ mà người khác xem là có giá trị: khuy măng-sét, tiền mặt, đồ nghề. Song hắn không có nhiều thì giờ để xem kỹ, hắn biết. Hắn phải gọi cho cảnh sát.

Hắn hồi hộp. Hắn đi đi lại lại, bước ngắn và nhanh, hơi thở dồn dập, rồi khi người trực máy ở tổng đài lên tiếng thì hắn cao giọng ra vẻ cáu gắt.

“ Nhà tôi bị phá cửa đột nhập. Yêu cầu cảnh sát đến ngay”, hắn vừa nói vừa chuẩn bị sẵn phần mào đầu tường thuật sự vụ theo ý hắn, nhẩm tính cách làm sao chuồn khỏi đây cho nhanh và những gì cần mang theo.

Bố tôi gọi điện tới đồn cảnh sát, yêu cầu gặp Len Fenerman. Nhưng không ai biết ông Fenerman đang ở đâu. Họ cho bố tôi biết hai cảnh sát mặc sắc phục đã được phái đi điều tra. Khi Harvey mở cửa, hai cảnh sát viên này thấy một người đàn ông mắt còn ứa lệ, hoang mang lo lắng, song nếu xét về mọi phương diện khác, trừ ác cảm gây ra cho các viện chức khi thấy một anh đàn ông không tự kiềm chế xúc động, thì hắn ta phản ứng rất bình thường, không rối trí khi bị cật vấn về diễn biến sự việc.

Mặc dù đã được thông báo qua điện đàm về bức phác họa Lindsey đã lấy được, việc Harvey sẵn sàng để họ khám nhà gây cho hai viên cảnh sát ấn tượng tốt về hắn. Họ thấy hắn có vẻ chân thành khi bày tỏ mối đồng cảm của hắn về gia đình Salmon.

Hai viên cảnh sát càng lúc càng thấy ngại ngùng. Họ chỉ khám chiếu lệ nên chẳng tìm ra gì khác ngoài việc thấy hiển hiện trước mắt gia cảnh một kẻ sống cô đơn cùng cực, trên tầng hai còn có một căn phòng đầy những ngôi nhà xinh xắn lắp cho búp bê, lên đến đó họ chuyển đề tài, hỏi hắn làm nghề lắp ráp này đã bao lâu rồi.

Sau này họ báo cáo nhận thấy thái độ của hắn đột nhiên thân thiện hẳn. Hắn vào phòng ngủ đem ra tập giấy có các sơ đồ, nhưng không đả động đến bức vẽ bị lấy mất. Hai cảnh sát viên nhận thấy càng lúc hắn càng xởi lởi khi đưa họ xem bản phác hoạ nhà cho búp-bê của hắn. Họ khéo léo hỏi tiếp một câu.

“ Thưa ông”, một viên cảnh sát nói, “ chúng tôi có thể đưa ông về đồn để lấy khẩu cung tiếp và dĩ nhiên ông có quyền đòi có mặt luật sư, nhưng…”

Tên Harvey ngắt lời ngay. “ Tôi sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của các ông ở đây. Tôi là kẻ bị thiệt hại, tuy tôi không có ý định đưa kiện cô bé đáng thương kia”.

“ Cô gái đột nhập vào nhà ông”, viên cảnh sát nói tiếp, “ đã lấy đi một thứ. Đó là bản vẽ một kiểu xây ở cánh đồng ngô…”

Sau này hai cảnh sát viên tường trình với thanh tra Fenerman là khi được hỏi thế Harvey trả lời ngay một cách đầy thuyết phục. Hắn giải thích có đầu có đuôi, ăn khớp hoàn toàn đến nỗi họ không nghĩ hắn sẽ bỏ trốn - nói cho đúng thì vì ngay từ đầu họ không hề nghi hắn là kẻ sát nhân.

“ Chà cô bé đáng thương đó”, hắn nói. Hắn đặt những ngón tay trên đôi môi mím lại. Hắn quay sang lật các trang trong tập vẽ, cho tới chỗ có bức họa rất giống bức mà Lindsey đã lấy.

“ Đây, có phải vức hình kia giống như bức này không?” Hai cảnh sát viên - giờ trở thành khán giả của hắn - gật đầu. “ Tôi từng hình dung thử xem sự vụ xảy ra thế nào”, tên Harvey bộc bạch. “Tôi xin thú nhận là tính kinh dị của vụ đó quả tình đã ám ảnh tôi mãi. Tôi nghĩ rằng cả vùng này ai cũng vắt óc nghĩ cách làm sao phòng ngừa những vụ tương tự. Băn khoăn tự hỏi vì sao họ không hề nghe, cũng chẳng hề thấy gì hết. Ý tôi muốn nói là cô bé kia chắc chắn phải có gào thét chứ”.

“Thế này nhé”, hắn vừa nói với hai viên cảnh sát vừa chỉ cây bút lên bản vẽ. “Xin lỗi, nhưng tôi có thói quen suy nghĩ bằng sơ đồ xây cất, thế nên sau khi nghe kể ở cánh đồng ngô có dấu máu, rồi đấy ở chỗ đó phải xới tung lên, tôi nghĩ có lẽ…” Hắn nhìn họ, thăm dò ánh mắt. Cả hai viên chức chăm chú lắm nghe. Họ muốn nghe hắn nói tiếp. Đến nay cảnh sát chẳng tìm ra được dấu vết nào, tử thi cũng không, manh mối chẳng có. Biết đâu tay đàn ông kỳ dị này có một giả thiết họ có thể dùng được. “Thế này nhé, kẻ gây ra vụ này hẳn đã xây gì đó ngầm dưới đất, một cái hố chẳng hạn, và xin thú thật là từ đó tôi mới nghĩ tới nghĩ lui, thêm chi tiết này nọ, theo cách tôi vẫn phác họa nhà cho bup-bê, thế nên tôi vẽ thêm ống khói và ngăn kệ, nói cho cùng, cũng vì thói quen thôi”. Hắn ngưng nói một lúc. “Tôi có thì giờ vì ở có một thân một mình”.

“Vậy ông có rút được kết luận gì không?” một viên cảnh sát hỏi

“Tôi vẫn tin rằng tôi đoán không sai lắm đâu”.

“Thế sao ông không báo cho chúng tôi?”

“Tôi có báo thì cũng chẳng đem được cô con gái còn sống về trả cho họ. Lần thanh tra Fenerman hỏi cung tôi khai thấy thằng con nhà Ellis khả nghi, nhưng hóa ra sai bét. Từ đó tôi không muốn đưa những suy luận vớ vẩn của mình ra cho ai biết”.

Hai cảnh sát viên cáo từ và báo trước hôm sau thanh tra Fenerman sẽ ghé qua, vì ông ta chắc chắn muốn kiểm tra lại mọi chuyện: xem tập phác họa, nghe những quyết đoán của Harvey về vụ cánh đồng ngô. Harvey đáp hắn xem đây thuộc phần nghĩa vụ công dân của mình, tuy đúng ra hắn mới chính là nạn nhân. Hai cảnh sát viên lập biên bản vụ em gái tôi đột nhập từ lúc phá cửa sổ hầm cho tới khi nó trèo ra ngoài cửa sổ phòng ngủ. Họ bàn đến những thiệt hại cần đòi bồi thường nhưng Harvey bảo sẽ tự bỏ tiền ra sửa, nhấn mạnh là hắn nhìn thấy nỗi đau buồn hằn trên khuôn mặt ông Salmon suốt nhiều tháng nay, giờ đến nỗi đau đó có lẽ đã lây lan sang em gái của cô bé tội nghiệp kia.

Càng ngày tôi càng thấy những cơ may cho phép chặn bắt tên Harvey ngày một giảm đi, đồng thời tôi mục kích sự suy sụp dần của gia đình mình mà tôi biết rõ từ tấm bé, giờ đây tôi còn thấy nó bắt lửa cháy phựt lên.

Sau khi đón Buckley từ nhà bà Nate về, mẹ tôi ngừng ở trạm điện thoại công cộng trước một tiệm 7 - Eleven(63) trên đường số 30. Bà bảo ông Len đến gặp, chỗ hẹn là một cửa hàng tạp phẩm giá rẻ trong khu thương xá cạnh siêu thị. Ông ta lên xe đi ngay. Xe ra khỏi cổng thì điện thoại reo trong nhà nên ông ta không nghe thấy. Ông ngồi trong chiếc xe như trong chiếc hộp bọc kín, nghĩ đến mẹ tôi, ý thức rằng những gì đã xảy ra quả là không nên không phải, rồi nghĩ đến chuyện ông không thể dứt khoát đoạn tuyệt với bà vì những lý do mà bản thân ông cũng không rõ, vì chưa hề dành đủ thì giờ phân tích cặn kẽ hay quyết tâm gạt sang một bên.

63. 7 - Eleven: siêu thị cỡ nhỏ mở cửa thông tầm từ 7h sáng đến 11h đêm

Mẹ tôi lái đoạn đường ngắn từ siêu thị tới khu thương xá, dắt Buckley đi qua nhiều lượt cửa kính đến một bãi hình tròn ở tầng dưới, nơi các ông bố bà mẹ có thể gửi con chơi ở đấy trong khi đi mua sắm

Buckley thích mê. “Sân làm trò xiếc! Con chơi được không?” nó hỏi, khi thấy đám trẻ cùng trang lứa đang từ giàn leo nhảy xuống rồi nhào lộn trên nền nhà có lót lớp đệm cao su.

“Con thích chơi lắm hả, cưng?”, bà hỏi cậu con.

“Thích lắm”, nó đáp.

Bà đóng vai bà mẹ phải nhượng bộ con. “Thôi được”, bà nói. Nó liền chạy ào tới chiếc cầu trượt bằng sắt màu đỏ. “Ngoan nhé!” bà gọi với theo. Trước giờ bà chưa từng cho phép nó chơi khi bà không có mặt tại chỗ để trông chừng.

Bà cho nhân viên trông trẻ ở sân chơi biết tên con mình, bảo là bà đi chợ trong siêu thị cạnh tiệm Wanamaker ở tầng dưới.

Vào thời điểm tên Harvey trình bày với hai viên cảnh sát hắn đã thử tưởng tượng tôi có thể bị giết theo cách nào thì mẹ tôi đang đứng trong tiệm tạp phẩm rẻ tiền của công ty Spencer’s, chợt bà cảm thấy có bàn tay chạm nhẹ vào sau vai. Bà quay lại, thấy nhẹ người sau thời gian đứng đợi, song chỉ nhìn thấy lưng ông Len Fenerman đang tìm lối đi về hướng cửa ra. Mẹ tôi đi theo ông, ngang qua những chiếc mặt nạ sơn dạ quang, những quả bóng màu đen vẽ mặt trừng trợn, những loại móc chìa khóa hình một lũ quỷ tóc xù và một cái đầu lâu to tướng răng nhe nhăn nhở.

Ông ta không quay lại lần nào. Bà bước theo, mới đầu còn căng thẳng, sau thành ra bực bội. Khoảnh khắc giữa những bước chân đủ dài để nghĩ suy, nhưng bà không muốn nghĩ đến bất cứ điều gì cả.

Cuối cùng bà thấy ông mở khóa một cánh cửa màu trắng ẩn vào tường mà trước nay bà không hề để ý.

Qua tiếng ồn ào trong hành lang tối om trước mặt bà biết Len đưa bà vào khi đặt máy và ống dẫn quanh trục giữa của khu thương xá. Hệ thống lọc không khí hay bơm nước. Bà không lấy làm bận tâm. Trong bóng tối, bà tưởng tượng đang ở trong chính trái tim mình, tấm phim phóng lớn bà đang thấy ở phòng mạch bác sĩ của bà vụt hiện ra trước mắt, cùng lúc đó bà thấy bố tôi, khoác lại áo như bằng giấy của bệnh viện, chân mang tất đen, ngồi ở mép bàn khám nghiệm, nghe bác sĩ giải thích cho cả hai về nguy cơ bị liệt tim do chứng sung huyết. Đúng lúc bà sắp buông mình chìm lỉm trong sầu muộn, muốn gào lên, loạng choạng, tâm trí rối loạn thì bà cũng vừa đi đến cuối hành lang, chỗ dẫn vào một không gian mênh mông, chiều cao bằng ba tầng lầu, vang động tiếng ro ro, rì rầm của máy chạy liên tục, đó đây chỗ nào cũng đầy những ngọn đèn tí hon gắn trên các bể chứa kín và trục quay bằng kim loại. Bà đứng lại, lắng nghe xem có một âm thanh nào khác ngoài tiếng rì rầm đinh tai của không khí được hút từ cả khu thương xá về tinh lọc ở đây rồi chuyển ngược trở lại. Không có tiếng gì khác.

Tôi nhìn thấy Len trước cả khi bà thấy ông. Đứng một mình ở một góc gần như tối om, ông ta quan sát bà một lúc, thấy mình không nhầm khi đọc được nỗi khát khao trong đôi mắt bà. Ông thấy có lỗi với bố tôi, với gia đình tôi, nhưng ông ta chọn buông thả để mình chìm trong đôi mắt ấy. “Anh chỉ muốn chết đuối trong đôi mắt em thôi, Abigail ạ”, ông ta muốn nói với bà nhưng biết rằng không được phép làm thế.

Lần hồi mẹ tôi nhìn ra hình thù các thứ kết nối chằng chịt hợp thành cái khối sắt thép bóng loáng này, và trong một khoảnh khắc tôi nghĩ hẳn bà thấy chỉ cần một căn phòng này là đủ, một lãnh thổ xa lạ cách biệt là đã đủ để bà cho tất cả lắng dịu xuống. Đó là cảm giác khi không để cho ai hay bất cứ điều gì làm phiền mình nữa.

Giá không hề xảy ra chuyện có bàn tay ông Len đưa ra, các đầu ngón tay ông chạm nhẹ các ngón tay bà thì có lẽ tôi đã níu giữ được mẹ ở đó, cho riêng một mình tôi. Không gian này sẽ chỉ là nơi tạm nghỉ để hồi sức khá ngắn ngủi trong cuộc đời của người đàn bà tên Salmon.

Nhưng ông ta đã chạm vào tay bà và bà quay người lại. Bà vẫn chưa thể nhìn thẳng vào mặt ông ta. Nhưng ông ta chấp nhận tâm trạng hồn một nơi thân xác một nẻo của bà.

Tôi nhìn mà đầu óc quay cuồng, tay bíu chặt vào chiếc trường kỷ trong vọng lâu, cố hớp hơi để thở. Tôi thầm nghĩ bà sẽ chẳng bao giờ biết được rằng trong lúc bà luồn tay vào tóc ông Len, còn ông ta vòng tay ra sau lưng ghì sát bà vào người, thì kẻ giết tôi đang tiễn chân hai viên cảnh sát ra cửa.

Những nụ hôn tới tấp trên cổ xuống đến ngực mẹ tôi gây cho tôi cảm giác đang có những bàn chân chuột nhắt giẫm nhẹ lân mình, như những cánh hoa đang rơi. Dẫn đến sa đọa nhưng lại tuyệt vời quá đỗi. Chúng là lời thì thào rủ rê bà bỏ đi để thoát khỏi tôi, khỏi gia đình và nỗi sầu muộn của mình. Bà để thân xác mình đi theo tiếng gọi đó.

Vào lúc ông Len nắm tay kéo bà rời chỗ bức tường đi đến một chỗ chằng chịt đường ống, nơi tiếng động rầm rĩ phía trên cao phụ họa thêm cho cuộc hòa âm thì tên Harvey bắt đầu thu xếp hành trang, ở sân chơi trò xiếc, em Buckley làm quen một cô bé chơi trò quay vòng Hula-Hoop, em gái tôi và Samuel nằm bên nhau trên giường của nó, quần áo vẫn mặc sẵn phòng khi phải đi ngay, tinh thần căng thẳng, bà ngoại tôi một mình ngồi nốc ba ly rượu mạnh trong phòng ăn, còn bố tôi cứ ngồi canh máy điện thoại.

Mẹ tôi giằng lấy áo khoác của ông Len giật phăng ra, rồi đến áo sơ-mi, mê man trong cơn thèm khát, ông phụ bà cởi nốt. Ông đứng nhìn bà cuống quít tự cởi quần áo, kéo chiếc áo len qua đầu, thả rơi chiếc váy, xong đến chiếc áo lót cổ lọ, trên người giờ chỉ còn quần áo lót. Ông ngây người nhìn bà.

Samuel hôn lên gáy em gái tôi, ngửi thấy mùi xà bông và thuốc sát trùng Bactine, chợt biết ngay từ giây phút đó, rằng cậu không bao giờ muốn rời xa em nữa.

Ông Len định thốt lên điều gì, tôi cũng thấy mẹ tôi đã đoán biết ngay khi ông vừa hé môi. Bà nhắm nghiền mắt, ra lệnh cho toàn thế giới phải im tiếng - lời gào thét inh vang trong óc. Bà lại mở mắt ra nhìn ông ta. Ông lặng thinh, miệng khép lại. Bà kéo tấm áo lót bằng vải bông qua đầu và tuột nốt chiếc quần lót. Mẹ tôi có dáng dấp của tôi, nhưng tôi thì sẽ chẳng bao giờ trưởng thành để có thân hình như bà được. Nhưng bà đặc biệt có nước da trắng ngà, có đôi mắt xanh thẫm màu đại dương. Bà ruỗng nát, chìm đắm, buông thả.

Lúc tên Harvey bước ra khỏi ngôi nhà của hắn lần cuối cùng thì mẹ tôi cũng thỏa được ước vọng lúc đó vô cùng khẩn thiết đối với bà, đó là tìm lối thoát ra khỏi trái tim đã kiệt quệ, tìm đường tự cứu lấy mình bằng một cuộc phiêu lưu tình ái.