Hình hài yêu dấu - Chương 16 phần 1

ĐÚNG HÔM TRÒN MỘT NĂM KỂ TỪ NGÀY TÔI qua đời, tiến sĩ Singh gọi điện thoại về nhà báo rằng sẽ không về kịp vào giờ ăn tối. Được tin, bà Ruana vợ ông vẫn tiếp tục luyện tập như thường lệ. Nếu trong khi tập kéo giãn cơ bắp trong người, trên tấm thảm ở cái góc vào mùa đông là chỗ ấm áp nhất trong nhà, mà không sao gạt khỏi tâm trí những thắc mắc về việc ông chồng hay cáo việc vắng nhà, thì bà đành chịu để chúng gặm nhấm làm bà mòn mỏi, cho đến khi cơ thể nài nỉ bà cứ để ông đi đừng níu giữ, nên tập trung đầu óc - như lúc này đây, bà khom người tới trước, hai cánh tay vươn ra cố chạm đầu ngón chân - lo vận động toàn thân, cho não bộ ngừng làm việc, quên đi mọi chuyện trừ cảm giác thanh thoát dễ chịu khi kéo giãn tối đa mọi cơ bắp và uốn cong được toàn thân.

Bệ dưới của khung cửa sổ phòng ăn thấp gần sát nền nhà, giữa bệ cửa và sàn là ống nẹp sắt chạy dọc chân tường của hệ thống lò sưởi mà bà Ruana thường vặn tắt, vì tiếng ồn làm rộn bà. Nhìn ra ngoài bà thấy cây anh đào, hoa lá đã rụng cả. Lồng chim trống hoác treo lủng lẳng ở một nhánh cây đang đung đưa.

Bà kéo cho giãn mọi cơ bắp, cứ thế đến lúc thấy ấm người và không còn nhớ mình là ai, ngôi nhà nơi bà đang ở cũng trôi vào quên lãng. Không nhớ mình bao nhiêu tuổi hay có một cậu con trai nữa. Thế nhưng bóng dáng ông chồng vẫn lẻn vào được vào, lảng vảng đâu đây. Bà linh cảm một điều. Bà không tin có người đàn bà hay thậm chí một cô sinh viên nào đó mến mộ đến độ níu kéo được ông, khiến ông sau này thường về nhà rất muộn. Bà biết nguyên cớ đó là gì, bởi bà từng trải nghiệm, ngày đó cách đây đã lâu, và đã phải đấu tranh gay gắt với chính mình mới thoát ra được, sau một thời gian dài mang nhiều thương tích. Đó là lòng hiếu thắng.

Bỗng bà nghe có tiếng ồn.. Tiếng con Holiday sủa cách hai đường phố vọng đến đây, thế là con chó nhà Gilbert sủa lại, thêm vào đó tiếng Ray đang lục đục trên gác. May thay, một lúc sau đùng đùng trỗi lên nhạc của Jethro Tull(64), át hết mọi âm thanh nào khác.

64. Jethro Tull: ban nhạc Rock, lấy tên nhà nông học người Anh Jethro Tull (thế kỷ 17).

Trừ vài điếu thuốc lá thỉnh thoảng bà hút, kín đáo không để Ray thấy mà nại cớ bắt chước, còn thì bà rất chăm lo giữ gìn sức khỏe. Nhiều bà hàng xóm kháo nhau không hiểu bà làm thế nào mà trông trẻ hoài, có người còn hỏi xin bà bí quyết, bà thì cho rằng những lời yêu cầu đó chỉ là cái cớ để chuyện vãn với bà, người láng giềng sống biệt lập, sinh quán ở mãi đâu xa xôi. Tuy vậy, khi tĩnh tọa theo thế Sukhasana(65), làn hơi chậm dần theo nhịp thở sâu, bà vẫn không thể giải thoát tâm trí, rũ bỏ được mọi ý nghĩ. Nỗi băn khoăn còn luẩn quẩn trong trí - rằng bà sẽ phải tính sao đây khi Ray đến tuổi trưởng thành, còn ông chồng ngày càng bù đầu làm việc nhiều hơn - mới đầu chui vào gan bàn chân, chạy dọc bắp chân đến đầu gối, rồi lần lên phía bụng.

65. Kiểu ngồi khoanh chân (kiết già).

Tiếng chuông gọi cửa vang lên.

Được thoát nạn khỏi phải nghĩ ngợi tiếp, bà Ruana thấy nhẹ người, nên tuy vốn cho rằng việc tuân thủ các bước tuần tự là một phần của việc tập thiền, bà vẫn bật ngay dậy, vớ chiếc khăn choàng vắt ở thành ghế quấn quanh thắt lưng, đi ra mở cửa trong khi tiếng nhạc của Ray từ trên lầu dội xuống đinh tai. Bà thoáng nghĩ chắc có ai bên hàng xóm sang than phiền tiếng nhạc ồn, rồi họ sẽ thấy bà xuất hiện trong độc bộ áo nịt bó sát người màu đỏ, thêm cái khăn choàng quấn quanh lưng.

Ruth đứng ở ngưỡng cửa, tay ôm túi đựng hàng siêu thị.

“Cháu đấy à,” bà Ruana nói. “Có chuyện gì đấy?”

“Cháu muốn gặp Ray.”

“Cháu vào đây.”

Hai người phải nói to mới át được tiếng ồn từ trên lầu vọng xuống. Ruth bước vào nhà.

“Cháu cứ lên thẳng trên ấy,” bà Ruana gào, tay chỉ lên cầu thang.

Tôi quan sát bà Ruana chăm chú nhìn bộ đồ bảo hộ lùng thùng, chiếc áo lót cổ lọ và chiếc áo pác-ca của Ruth. Cô bé này mình sẽ nói chuyện hợp đấy, bà nghĩ thầm.

Lúc đang đứng với mẹ trong siêu thị, Ruth chợt nhìn thấy lô nến sáp xếp cạnh chồng đĩa giấy và dao nĩa bằng nhựa. Sáng nay vào lớp, cô nàng đã nhớ ra hôm nay là ngày gì đó rồi nhưng khi thấy những việc mình làm từ sáng đến giờ - nằm trên giường đọc quyển Chuông thủy tinh(66), phụ mẹ dọn dẹp cái góc mà ông bố nhất định gọi là nhà kho chứa đụng cụ của ông, còn cô nàng gọi là kho trữ thơ văn, rồi tháp tùng mẹ đi chợ - chẳng có gì để đánh dấu rằng đó là ngày giỗ của tôi, nên cô nàng nghĩ phải làm một điều gì đấy mới được.

66. ‘The Bell Jar’.

Khi chợt nhìn thấy nến cô nàng biết ngay việc mình cần làm là đến tìm Ray, rủ cậu cùng đi. Vì hai đứa hay gặp nhau ở khu ném tạ nên dù cách đối xử chẳng giống các đôi lứa cùng tuổi, bọn trẻ trong trường vẫn trêu chọc gán ghép hai cô cậu với nhau. Dù Ruth có vẽ đến bao nhiêu tranh phụ nữ khỏa thân hay quấn đủ kiểu khăn trùm đầu, viết luận văn về nữ danh ca Janis Joplin hoặc phản đối quyết liệt chuyện đàn bà cứ phải cạo sạch lông chân lông nách, dưới mắt lũ bạn cùng trường ở Fairfax cô nàng vẫn là một thiếu nữ hơi kỳ quặc, có lần bị chúng bắt gặp đang làm màn H-Ô-N-M-Ộ-T-C-Á-I-Đ-I với một cậu trai cũng lập dị không kém.

Điều không ai hiểu được - và dĩ nhiên hai đứa đâu thể tiết lộ với ai - là hai đứa muốn làm thử xem sao. Ray mới chỉ hôn một mình tôi, còn Ruth chưa hề hôn ai, nên hai đứa mới hội ý thử hôn nhau xem sẽ cảm thấy thế nào.

“Tớ chẳng cảm thấy gì hết,” ngay sau đó Ruth nói, khi cả hai còn nằm trên lớp lá rụng dưới gốc cây đằng sau bãi đậu xe của giáo viên.

“Tớ cũng thế,” Ray thú nhận.

“Thế khi hôn Susie bạn có thấy gì không?”

“Có.”

“Thấy sao?”

“Thấy muốn thêm nữa. Tối hôm ấy tớ nằm mơ, thấy lại hôn cô nàng lần nữa, rồi lại thắc mắc không biết cô nàng có cùng mong muốn như mình không.”

“Thế còn chuyện ăn nằm với nhau?”

“Tớ đâu đã tiến xa đến thế. Bây giờ tớ hôn bạn đã thấy khác, không giống lần đó.”

“Mình thử lại cũng được,” Ruth nói. “Tớ chẳng ngại, với điều kiện bạn đừng tiết lộ cho ai biết.”

“Tớ tưởng bạn chỉ để tâm đến phái nữ thôi,” Ray nói.

“Tớ đề nghị thế này nhé,” Ruth nói, “bạn coi như tớ là Susie, tớ cũng thế.”

“Bạn nghĩ chuyện loạn bậy thật đấy,” Ray cười cười trả lời.

“Nghĩa là bạn không muốn chứ gì?” Ruth trêu.

“Cho tớ xem tranh của bạn đi.”

“Có thể óc tớ nghĩ loạn bậy thật,” Ruth vừa đáp vừa lôi trong cặp ra tập vẽ - đầy những hình phụ nữ khỏa thân phác theo ảnh trong tạp chí Playboy, nhiều bộ phận cơ thể được phóng lớn hoặc thu nhỏ lại, những sợi lông và chỗ da xếp nếp đã bị tẩy xóa trên tờ báo được vẽ thêm vào hay tô lại - “song ít ra tớ không bắt cây bút chì phải vẽ sai sự vật bao giờ.”

Lúc Ruth lên đến phòng Ray thì cậu đang nhảy theo tiếng nhạc. Cậu đeo mắt kính - lúc đi học thì không, vì kính dày cộp mà ông bố chỉ chịu xuất tiền cho loại gọng rẻ và bền bỉ nhất. Cậu mặc một chiếc quần jeans lụng thụng, bạc màu và chiếc áo thun cụt tay mà Ruth đoán - còn tôi biết rõ - là cậu cứ mặc thế đi ngủ chứ không thay.

Chợt thấy cô bạn ôm túi đồ xuất hiện ở ngưỡng cửa, cậu khựng lại ngừng nhảy, đưa tay lên tháo kính, rồi không biết phải làm gì, cậu huơ kính: “Chào bạn.”

“Bạn vặn nhạc nhỏ lại được không?” Ruth hét.

“Được chứ!”

Hét tiếng ồn mà Ruth vẫn còn bị ù tai mất một giây. Trong khoảnh khắc ấy cô nàng thấy có tia sáng lóa lên trong mắt Ray.

Cậu đứng phía tường bên kia, giữa hai người là chiếc giường ngủ, khăn trải cái thì nhàu cái thì vo cuộn vội, phía trên đầu giường có treo bức tranh Ruth phác họa tôi theo hồi ức.

“Tranh này bạn đem treo thật à?” Ruth nói.

“Tớ thấy tranh rất đạt.”

“Ngoài bạn với tớ ra có thấy ai thế đâu.”

“Có, mẹ tớ cũng thấy tranh rất đạt.”

“Mẹ bạn cảm nhận mọi thứ đều rất sâu sắc,” Ruth vừa nói vừa đặt túi xuống. “Thảo nào bạn cũng có tính dở hơi.”

“Trong túi có gì vậy?”

“Nến đấy,” Ruth đáp. “Tớ mua ở siêu thị. Hôm nay là ngày mồng 6 tháng Chạp.”

“Tớ biết.”

“Tớ nghĩ hay bọn mình đi ra ruộng ngô, thắp nến lên. Nói lời vĩnh biệt.”

“Bạn nói vĩnh biệt bao nhiêu lần nữa?”

“Tớ chợt nảy ra ý đó, có thế thôi,” Ruth đáp. “Tớ đi một mình vậy.”

“Không”, Ray nói. “Tớ đi với.”

Ruth để nguyên áo xống ngồi xuống chờ cậu thay áo thun. Cô nàng nhìn cậu đang quay lưng lại, trông người mảnh dẻ, song bắp thịt cánh tay nổi cuộn sẽ còn nảy nở tiếp, còn nước da, giống bà mẹ, trông mời mọc lôi cuốn hơn nước da cô nàng nhiều.

“Mình thử hôn nhau một lúc đi, nếu bạn thích.”

Cậu quay lại, cười hoan hỉ vì bắt đầu thích thử nghiệm kiểu này. Cậu không còn nghĩ đến tôi những lúc đó nữa - dù vậy thấy chưa đến lúc thú thật với Ruth.

Cậu thích cách cô nàng rủa xả và tỏ lòng căm ghét nhà trường. Cậu thích cách cô nàng hành xử thông minh khéo léo, cách cô nàng ra vẻ không hề tự ái về chuyện bố cậu là tiến sĩ (tuy không phải bác sĩ y khoa, như có lần cô nàng lưu ý cậu) còn bố cô nàng chỉ là người làm nghề dọc sạch loại nhà sắp phải phá sập, hay ở gia đình Singh sách xếp hàng dãy trong khi cô nàng thiếu thốn, thèm có sách biết bao.

Cậu ngồi xuống giường cạnh bên cô nàng.

“Cởi áo khoác ra nhé?”

Cô nàng làm theo.

Thế là vào ngày giỗ của tôi Ray ôm ghì lấy Ruth, hai người mê mải hôn nhau cho đến lúc cô nàng nhìn cậu kêu lên: “Bố khỉ!”, cô nàng nói. “Hình như tớ có cảm thấy gì đấy thật.”

Khi Ray và Ruth ra đến cánh đồng ngô, cả hai cùng lặng thinh, cậu cầm lấy tay Ruth. Cô nàng không rõ cậu nắm tay cô nàng vì cả hai bắt đầu buổi lễ tưởng niệm tôi hay vì cậu mến cô nàng. Đầu óc cô nàng đang rối rắm, không còn sáng suốt như thường lệ.

Thế rồi cô nàng nhận thấy mình không phải là người duy nhất tưởng nhớ đến tôi. Hal và Samuel Heckler đứng kia rồi, lưng quay về phía cô nàng, tay đút túi quần. Ruth thấy mấy cành hoa thủy tiên màu vàng trên mặt đất.

“Bạn mang hoa này tới à?” Ruth hỏi Samuel.

“Không”, Hal đáp thay em. “Khi bọn này tới thì đã thấy có rồi.”

Bà Sead đứng ở phòng con trai bà trên lầu nhìn ra. Bà quyết định khoác áo măng-tô đi ra cánh đồng ngô. Bà thấy không cần băn khoăn là có nên ra đó góp mặt hay chăng.

Bà Grace Tarking đang đi dạo quanh khu nhà thì gặp bà Stead cầm hoa trạng nguyên từ nhà đi ra. Hai bà trao đổi vài câu ngắn ngủi. Bà Grace bảo bà tạt về nhà rồi sẽ ra ngay.

Bà Grace gọi điện thoại đi hai nơi, một cho ông bạn ở một khu sang hơn gần đấy, một cho gia đình Gilbert. Gia đình này vẫn chưa hết bàng hoàng vì ngẫu nhiên đóng vai nhân chứng cho phép xác định rằng tôi chết thật rồi - con chó giống Labrador trung thành của họ phát hiện ra tang vật đầu tiên. Bà Grace đề nghị để bà đi cùng, hai ông bà Gilbert cao tuổi nên việc băng qua mấy sân cỏ hàng xóm và đường đất mấp mô ngoài đồng sẽ nhọc nhằn đấy, nhưng ông Gilbert bảo được mà, ông muốn đến đó. Họ có nhu cầu làm vậy, nhất là vợ ông - ông bảo bà Grace Tarking như thế, tuy tôi thấy rõ chính ông cũng suy sụp không kém. Ông luôn xoa dịu nỗi đau bằng cách hết lòng chăm sóc bà vợ. Có lúc hai ông bà đã định đem cho con chó rồi ấy chứ, song lại thôi vì nó là niềm an ủi lớn của họ.

Ông Gilbert tự hỏi không biết Ray, thường ngày lãnh việc mua các thứ cần dùng cho ông bà, cậu trai dễ mến, bị ngờ oan kia, có hay biết chuyện này không, nên ông mới gọi điện đến nhà gia đình Singh. Bà Ruana bảo cậu con trai hẳn có mặt ở đó rồi, và chính bà cũng sẽ đến.

Lindsey nhìn ra cửa sổ đúng lúc thấy bà Grace Tarking khoác tay bà Gilbert, còn ông bạn của bà Grace đỡ ông cụ đi qua bãi cỏ nhà O’Dwyer.

“Mẹ ơi, ở ngoài đồng đang có chuyện gì ấy,” cô nàng nói.

Mẹ tôi đang đọc Molière là kịch tác gia bà từng nghiên cứu kỹ hồi ở đại học, song từ đó không hề đọc lại. Trên bàn cạnh chỗ bà là sách của những tác giả ảnh hưởng sâu sắc lên cô nàng sinh viên tư tưởng cấp tiến là bà thời đó: Sartre, Colette, Proust, Flaubert(67). Bà chọn ra, rút chúng khỏi kệ sách trong phòng ngủ và tự hứa sẽ đọc lại toàn bộ trong năm nay.

67. Những nhà văn và triết gia Pháp nửa cuối thế kỷ 19 cho đến những năm 80 thế kỷ 20.

“Ai muốn làm gì mẹ không để ý tới,” bà nói với Lindsey, “nhưng mẹ tin chắc bố con về biết tin thì sẽ rất quan tâm đấy. Sao con không lên lầu chơi với em?”

Từ mấy tuần nay em gái tôi tự nhận bổn phận săn đón mẹ, không thắc mắc về những tín hiệu bà phát ra. Bên dưới bề mặt băng giá kia có ẩn chứa điều gì đấy. Lindsey tin chắc như thế. Em ở bên mẹ, lấy ghế ngồi cạnh bà, ngó ra cửa sổ dõi theo mấy người hàng xóm.

Khi bóng đêm buông xuống thì nến của những người đến muộn phòng xa mang sẵn thắp lên rọi sáng cánh đồng ngô. Dường như mọi bạn bè tôi quen biết hoặc từng ngồi cạnh nhau từ mẫu giáo tới lớp tám đều có mặt. Sau khi chuẩn bị sẵn cho buổi thí nghiệm hàng năm về quy trình tiêu hóa ở loài vật diễn ra ngày hôm sau, thầy Botte ra về, chợt nhận thấy là đang có chuyện gì đấy. Ông cũng nối bước đi theo, chừng hiểu chuyện rồi ông quay về trường gọi điện thoại đi mấy nơi. Gọi bà thư ký từng đau buồn thống thiết vì cái chết của tôi. Bà sẽ đến cùng với con trai. Gọi cả vài thầy và cô giáo lần trước không đến được buổi lễ tưởng niệm chính thức ở trường, nay muốn có mặt.

Tin đồn về việc tên Harvey bị tình nghi là thủ phạm bắt đầu loan đi từ tối hôm lễ Tạ Ơn, truyền từ nhà nọ sang nhà kia. Đến trưa hôm sau thì đó là đề tài duy nhất mọi người trong khu bàn tán - sao lại như thế được nhỉ? Có lẽ nào tên đàn ông lập dị sống không điều tiếng hàng ngày họ thấy lại chính là kẻ giết Susie Salmon? Song không ai dám tới nhà tôi để hỏi chi tiết. Người ta chỉ dám hỏi anh em họ hàng của bè bạn, hay ông bố các cậu trai đang xén cỏ xem có biết gì không. Những ai người ta nghĩ là có nguồn tin về việc gì cảnh sát đang tiến hành đều bị chặn hỏi trong tuần lễ vừa qua; thế là lễ tưởng niệm vừa là cách bày tỏ lòng thương tiếc tôi, vừa là dịp láng giềng hỗ trợ tinh thần lẫn nhau. Một tên sát nhân sống ngay giữa chòm xóm, họ vẫn gặp hắn ngoài đường, hắn từng mua bánh con gái họ bán gây quỹ cho Hội nữ Hướng đạo, từng đặt mua báo tháng qua con trai họ.

Trên thiên đường của mình, tôi váng vất vì hơi nóng và năng lượng càng lúc càng tăng do số người đổ về cánh đồng ngô cứ đông dần, thắp nến lên và bắt đầu lầm rầm hát bài ca truy điệu, gợi cho ông O’Dwyer hoài niệm về ông nội ông quê quán ở Dublin(68). Mới bắt đầu mấy người hàng xóm của tôi còn ngại ngùng, nhưng khi ông O’Dwyer lĩnh xướng thì bà thư ký nhà trường cũng hát theo dù giọng không du dương bằng. Bà Ruana Singh đứng ở vòng ngoài, xa chỗ con trai bà. Ngay trước khi bà đi, tiến sĩ Singh đã gọi về bảo rằng sẽ ngủ lại tại văn phòng của ông. Nhưng có những ông bố khác đi làm về vừa đậu xe trong sân xong là nhập vào dòng người trong xóm. Làm cách nào để vừa lo sinh kế nuôi gia đình vừa đảm bảo an ninh cho con cái? Giờ đây họ cùng hiểu ra, đó là điều không thể làm nổi, dù có đặt ra bao nhiêu quy định, luật lệ cũng thế thôi. Chuyện từng xảy ra với tôi hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ ai khác.

68. Dublin: thủ đô Ireland. Người Ireland di dân sang Mỹ rất đông.

Không ai gọi điện đến nhà tôi. Gia đình tôi không bị ai làm rộn. Bức tường bất khả xâm phạm quây quanh vách nhà lợp ván, ống thông khói lò sưởi, những chồng củi xếp lớp, lối xe ra vào và hàng rào, tương tự một lớp băng trong suốt bọc cả thân cây khi nước mưa vừa rơi xuống gặp lạnh đông ngay lại. Ngôi nhà của chúng tôi nhìn thì y như mọi căn khác trong khu phố này, nhưng thật sự không giống hẳn. Do vụ án mạng, cửa nhà tôi mang màu đỏ máu, phía sau cánh cửa đó diễn ra những gì thì khó ai hình dung nổi.

Khi bầu trời đây đó có ánh sáng hồng lên thì Lindsey hiểu chuyện gì đang diễn ra. Còn mẹ tôi suốt từ nãy đến giờ không hề rời mắt khỏi trang sách.

“Họ đang làm lễ cho chị Susie,” Lindsey nói. “Mẹ nghe xem này.” Em hé mở cửa sổ. Khí lạnh tháng Chạp và tiếng hát văng vẳng lùa vào nhà.

Mẹ tôi vận hết sức lực để bật ra: “Nhà mình tổ chức lễ tang rồi. Với mẹ vậy là xong.”

“Xong gì cơ?”

Hai cánh tay mẹ tôi tựa trên thành chiếc ghế bành màu vàng. Bà hơi cúi người tới trước, hướng khuôn mặt về phía tối khiến Lindsey khó thấy nét mặt bà ra sao. “Mẹ không tin rằng chị con mong mình có mặt ngoài đó. Mẹ không nghĩ rằng thắp nến và làm mấy chuyện kia mới tỏ lòng tưởng nhớ chị con. Có những cách khác.”

“Cách nào cơ?”, Lindsey hỏi. Cô nàng ngồi khoanh chân trên tấm thảm con trước mặt mẹ tôi, bà ngồi trên ghế, lấy ngón tay di vào hàng chữ chỗ đang đọc dở trong quyển Molière.

“Mẹ muốn mẹ còn là gì khác nữa chứ không chỉ là một bà mẹ.”

Lindsey nghĩ rằng em hiểu được ý bà muốn nói gì. Chính em cũng từng muốn mình là gì khác nữa chứ không chỉ đơn thuần là một đứa con gái.

Mẹ tôi đặt quyển Molière lên bằng ăn sáng, từ trên ghế bà trườn người ngồi luôn xuống thảm. Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Mẹ tôi không ngồi bệt xuống sàn bao giờ, bà toàn ngồi ở bàn dành cho việc thanh toán hóa đơn hay trong chiếc ghế bành cao quá đầu, thỉnh thoảng ngồi ở một góc ghế tràng kỷ với con Holiday nằm cuộn tròn bên cạnh.

Mẹ cầm bàn tay em giá tôi ấp vào tay mình.

“Mẹ sắp bỏ chúng con mà đi hay sao?”, Lindsey hỏi.

Mẹ tôi lao đao cả người. Bà nên nói điều mình biết chắc sẽ xảy ra bằng cách nào đây? Cuối cùng, bà chọn câu nói dối: “Mẹ hứa sẽ không rời bỏ các con.”

Điều mà bà mong ước nhất là được trở lại làm cô gái không có gì ràng buộc, bận bịu sắp xếp trưng bày đồ sứ ở hiệu Wanemaker, lo giấu viên quản lý cái tách hiệu Wedgwood bà lỡ tay làm gãy quai, mong có ngày sang Paris sống như bà Beauvoir và Sartre(69), rồi hôm ấy trên đường về nhà cứ bật cười một mình khi nghĩ về anh chang Jack Salmon ngang tính nhưng xét ra cũng đáng yêu, lại không ưa khói thuốc. Cô mới kể cho cậu ta nghe rằng vào quán cà phê ở Paris chỉ thấy toàn dân hút thuốc, làm cậu có vẻ mê cô nàng lắm. Cuối hè năm ấy, cô mời anh về nhà, với cả hai người đó là lần đầu trong đời, cô châm thuốc hút, anh bảo đùa cũng muốn làm một điếu. Khi anh đưa cái tách bằng sứ xanh sứt quai để gạt tàn thuốc, cô mới kể lể thêm thắt cho câu chuyện làm gãy quai cái tách sứ Wedgwood rồi giấu trong áo măng-tô đem về dùng trong nhà.

69. Simon de Beauvoir (1908-) nữ văn sĩ Pháp; Jean Paul Sartre (1905-1980) văn sĩ và triết gia Pháp.

“Lại đây, bé yêu,” mẹ tôi gọi, Lindsey vâng theo. Em tựa lưng vào ngực mẹ, bà lóng ngóng ôm cô nàng đung đưa như ru con trên thảm. “Lindsey ơi, con giỏi lắm, bố nhờ có con mới gượng sống tiếp được đấy.” Rồi hai mẹ con nghe tiếng xe chạy vào sân.

Lindsey để yên cho mẹ ôm mình vào lòng, trong lúc đó bà miên man nhớ lại cảnh bà Ruana Singh đứng hút thuốc sau nhà. Hương thuốc lá Dunhills dịu tỏa ngát bay theo đường phố, đưa bà đi thật xa. Người bà yêu, trước khi gặp bố tôi, thích hút thuốc Gauloises. Một kẻ tự cao tự đại, bà nghĩ thế, nhưng bộ dạng sao mà nghiêm nghị thế, đến nỗi bà cũng lây phong cách đó.

“Mẹ có thấy họ thắp nến không?”, Lindsey hỏi, mắt nhìn đăm đăm ra cửa sổ.

“Con ra đón bố kìa,” mẹ tôi nói.

Em gái tôi ra đón bố ở phong treo mũ áo, ông vừa mắc chùm chìa khóa và áo choàng. Ừ, mấy bố con đi chứ, ông nói. Dĩ nhiên là bố con mình ra đó.

“Bố ơi!” Em trai tôi từ trên lầu gọi xuống. Bố và em gái tôi lên ngay với nó.

“Tùy con thôi,” bố nói với Lindsey trong khi Buckley ôm xoắn lấy ông.

“Cứ phải che giấu, sợ em biết sẽ có hại cho nó, mãi, con mệt quá,” Lindsey đáp. “Con thấy không nói cho em biết là không thực tế. Chị Susie không về nữa. Em con biết thế mà.”

Em trai tôi ngẩng nhìn chị dò hỏi.

“Người ta tụ tập làm lễ cho chị Susie,” Lindsey nói. “Chị và bố sẽ dắt em theo.”

“Mẹ ốm à?”, Buckley hỏi.

Lindsey không muốn nói dối em, song em cảm thấy nói thế lại diễn tả đúng nhất điều em biết được.

“Ừ.”

Lindsey bảo bố chờ em đưa Buckley lên phòng thay quần áo, sau đó sẽ xuống để bố con đi ngay.

“Chị à, em có gặp chị Susie rồi,” nghe Buckley nói, Lindsey thảng thốt nhìn em.

“Lần chị bận chơi bóng đá chị ấy đến ngồi chơi với em, hỏi chuyện nữa.”

Lindsey không biết phải nói gì, em dang tay ôm choàng Buckley, ghì em vào lòng như thằng bé vẫn thường ôm siết con Holiday.

“Em tôi thật là đặc biệt,” Lindsey nói với em trai tôi. “Chị sẽ luôn ở bên em, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.”

Bố tôi đi thật chậm xuống cầu thang, tay trái bám lan can bằng gỗ, ông bước từng bước một cho đến khi đặt chân lên nền gạch hoa.

Ông cố ý gây tiếng động báo rằng mình đang đi tới. Mẹ tôi cầm quyền Molière lên, đi nhanh vào phòng ăn, để ông không thấy bà được. Bà đứng ở một góc phòng ăn, cắm cúi đọc sách, tránh mặt cả nhà. Bà chờ cho đến khi nghe tiếng cửa mở ra rồi sập lại.