Hình hài yêu dấu - Chương 21 phần 2

Cái xe không chịu chạy nhỉnh hơn tốc độ tối thiểu, tuy hắn đã ra sức đạp lút ga. Sau đó hắn lăn ra ngủ bên ngôi mộ đào lên để trống, và trong giấc ngủ hắn mơ thấy hàng con số 5! 5! 5! nên sáng tỉnh mơ thức dậy hắn lái xe đi Pensylvania ngay.

Những nét tạo nên con người Harvey mờ nhạt một cách lạ lùng. Bao năm qua hắn gạt được khỏi tâm trí mọi hồi tưởng về những người phụ nữ chết dưới tay hắn, nhưng giờ đây, hết người này đến người khác, họ trở lại ám ảnh hắn.

Cô gái trở thành nạn nhân đầu tiên của hắn hoàn toàn do ngẫu nhiên. Hắn như lên cơn rồ, không tự kiềm chế được, hoặc cũng có thể sau này hắn thêu dệt viện cớ như thế. Sau đó cô bỏ không trở lại trường trung học nơi cả hai theo học, nhưng điều này hình như chẳng làm hắn thắc mắc gì lắm. Thời kỳ đó hắn dời chỗ ở xoành xoạch nên hắn đoán cô ta cũng làm thế. Có lúc hắn ân hận về vụ cưỡng hiếp cô bạn học này mà không bị tố giác, nhưng không hề xem đó là chuyện sẽ theo đuổi hắn hoặc cô ta mãi. Như thể buổi trưa hôm đó có một ngoại lực nào ấn hai thân thể va chạm vào nhau. Sau đó chỉ thoảng một giây cô nhìn trừng trừng trừng vô hồn. Hố mắt sâu thẳm không đáy. Rồi cô mặc lại chiếc quần lót rách tả tơi, giắt vào cạp váy cho khỏi tuột. Cả hai lặng thinh và cô bỏ đi. Hắn lấy con dao bỏ túi rạch lên mu bàn tay. Lỡ bố hắn hỏi về vết máu thì hắn có sẵn câu giải thích hợp lý. “Đây này”, hắn sẽ chỉ vào chỗ đó trên bàn tay nói, “Con bị thương”.

Nhưng bố hắn không hỏi, cũng chẳng có ai khác tới tìm hắn. Không có ông bố hay người anh em trai, hoặc viên cảnh sát nào đến cả.

Thế rồi, điều tôi nhìn thấu được là Harvey cảm thấy cô gái nọ ngồi bên cạnh mình. Cô ta qua đời vài năm sau vụ đó, nguyên do là vì người anh hút thuốc rồi ngủ quên. Cô ta ngồi ghế phía trước. Tôi tự hỏi còn cần phải bao nhiêu năm nữa hắn mới hồi tưởng về tôi.

Dấu hiệu thay đổi duy nhất kể từ ngày tên Harvey chở tôi đến vứt ở chỗ gia đình Flanagan là những vật chắn đường hình tháp màu cam đặt quanh khu đất. Ngoài ra rõ rệt nhất là việc cái hố sụt nay rộng hẳn ra. Góc ngôi nhà về hướng đông nam nghiêng chếch xuống và hàng hiên phía trước bị lún xuống đất.

Ray thận trọng đậu xe ở lề bên kia của đường Flat, quãng có cây lá mọc um tùm. Tuy vậy, phía xe bên chỗ Ruth vẫn cạ phải lề đường. “Gia đình Flanagan giờ ra sao nhỉ?”. Ray hỏi khi hai người xuống xe.

“Bố tớ bảo rằng cái hãng mua khu đất này đã đền bù một số tiền và họ dọn đi rồi.”

“Ở đây cứ như có ma ám ý, Ruth nhỉ,” Ray nói.

Hai người băng qua con đường vắng người. Trên cao bầu trời xanh nhạt điểm vài đám mây màu khói. Đứng từ dâu nhìn ra họ thấy được cả mặt sau tiệm sửa xe mô-tô của anh Hal phía bên kia đường ray xe lửa.

“Chẳng hiểu Hal Hecker có còn là chủ tiệm không nữa?”, Ruth nói. “Thời mới lớn tớ mê mẩn chàng ta lắm đấy.”

Rồi hai người đi vòng về hướng khu đất. Không ai nói gì. Ruth bước vòng như theo những đường xoáy cứ nhỏ dần lại quanh một trung điểm là cái hố và và vòng bờ vực không có cái gì đánh dấu rõ. Ruth đi trước dẫn đường, Ray theo sau. Nhìn từ xa thì hố trông không có gì nguy hiểm - giống một bãi bùn rộng ngày càng khô hạn nước. Quanh hố đây đó có những mảng cỏ dại mọc um tùm và nếu đến gần nhìn kỹ hơn ta thấy hình như đó không phải là đất nữa, mà là một thứ thịt màu ca-cao nâu nhạt, mềm và mặt lồi lên, hút tất cả mọt thứ gì đặt trên bề mặt nó xuống đáy.

“Sao bạn dám chắc nó sẽ không nuốt chửng bọn mình?”, Ray hỏi.

“Tại mình không đủ nặng,” Ruth đáp.

“Phải dừng bước ngay nếu thấy đất lún xuống.”

Nhìn hai người tôi nhớ lại lúc nắm tay Buckley hôm mấy bố con tôi đem tủ lạnh đi vứt. Trong lúc bố tôi trò chuyện với ông Flanagan thì Buckley và tôi lần mò tới chỗ dốc dài xuống và đất mềm mềm, nói có trời chứng, lúc ấy tôi cảm thấy đất dưới chân mình hơi thụt xuống. Cảm giác đó giống như khi đang đi trong nghĩa trang nhà thờ, bỗng dưng hụt hẫng, chân đạp phải ngách hang bọn chuột chũi khoét giữa các mộ bia.

Cuối cùng thì chính vì nhớ lại về lũ chuột chũi này - hình ảnh thấy trong sách về một loài vật mù lào, luôn sục mũi đánh hơi, giành ăn với nhau - nên tôi thấy là bị chôn dưới lòng đất trong một két sắt nặng trịch còn hơn. Ít ra két sắt còn cản được chuột chũi.

Lúc Ruth nhón chân đi tới chỗ cô nàng cho là bờ vực thì tôi nhớ lại tiếng cười giòn giã của bố tôi vào cái ngày xa xưa ấy. Trên đường về nhà tôi đã nghĩ ra một câu chuyện cho em trai tôi: rằng dưới cái hố sụt đó có cả một ngôi làng mà không ai biết và dân làng đón nhận những máy móc gia dụng này như quà tặng từ thiên đàng mặt đất. “Khi vớ được tủ lạnh của nhà ta,” tôi kể thế, “họ sẽ ca ngợi chúng ta, vì họ là một tộc ít người tí hon rất thích lắp ráp các thứ lại như cũ.” Tiếng bố cười vang trong xe.

“Ruthie này”, Ray nói, “tới gần thế đủ rồi.”

Các ngón chân của Ruth nằm trên chỗ đất mềm, chỉ gót chân còn đặt trên chỗ đất cứng, nhìn cô nàng tôi có cảm tưởng cô nàng sắp duỗi thẳng các ngón tay, dang hai tay lên cao rồi phóng xuống sâu đến tận bên cạnh tôi. Nhưng Ray đã tiến sát tới sau lưng cô nàng.

“Có vẻ như cuống họng trái đất đang ở vậy.” cậu nói.

Cả ba chúng tôi chăm chú nhìn góc của một khối bằng kim loại đang trồi lên.

“Máy Maytag đời 69, nổi danh một thời,” Ray nói.

Nhưng đó không phải là máy giặt hay két sắt, mà là một cái bếp ga cũ rích màu đỏ đang xê dịch chầm chậm.

“Bạn có bao giờ nghĩ xem xác của Susie Salmon bị vùi ở đâu không?”, Ruth hỏi.

Tôi thật muốn chui ra khỏi chỗ bụi cây rậm phủ một phần chiếc xe màu xanh đá băng của hai người, băng qua đường, nhảy xuống đáy vực kia rồi ngoi lên, vỗ nhẹ vai cô nàng mà nói: “Tớ đây! Bạn đoán ra rồi! Trúng phóc! Bóng vào lưới rồi!”

“Chưa”, Ray đáp. “Chuyện đó tớ phải nhường cho bạn thôi.”

“Mọi thứ ở đây giờ thay đổi hết. Lần nào tớ về thăm nhà cũng thấy có cái gì đó vừa biến mất đi, khiến vùng này khác mọi nơi trên đất nước này,” Ruth nói.

“Bạn có muốn vào trong ngôi nhà này không?”, Ray hỏi, nhưng tâm trí đang bận nghĩ đến tôi. Nhớ lại ở tuổi mười ba anh chàng đã si mê tôi như thế nào. Anh chàng thấy tôi đằng trước, trên đường đi học về. Nhớ lại một lô chi tiết vụn vặt: cái váy kẻ ô lùng thùng của tôi, chiếc áo vét đính lông con Holiday, cách chúng tôi đi về nhà, mái tóc nâu màu lông chuột của tôi phản chiếu nắng trưa, những đốm sáng chờn vờn nhảy nhót khi hai chúng tôi nối bước nhau. Thế rồi, ít hôm sau đó, trong giờ xã hội học, anh chàng đứng lên cầm nhầm bài luận văn về Jane Eyre mà đọc, thay vì bài về cuộc chiến tranh năm 1812, tôi nhìn anh chàng bằng ánh mắt mà anh chàng thấy là đầy cảm tình.

Ray đi về phía tòa nhà nay mai sẽ bị phá sập, những nắm đấm cửa và vòi nước nào trong nhà còn dùng được thì ông Connors đá tháo mang đi vào một buổi tối nọ. Ruth đứng lại trên bờ vực. Lúc Ray đã vào trong nhà rồi thì sự việc mới xảy ra. Cô nàng thấy tôi, rõ như ban ngày, đang đứng ngay bên cạnh cô nàng, nhìn xuống chỗ tên Harvey đã quẳng xác tôi.

“Susie”, Ruth càng cảm thấy rõ rệt hơn sự hiện diện của tôi, khi gọi tên tôi.

Nhưng tôi lặng thinh.

“Tớ đã làm thơ về bạn,” Ruth lên tiếng để bằng cách đó giữ tôi ở lại bên cô nàng. Điều cô nàng ao ước được một lần trong đời cuối cùng đang diễn ra. “Bạn không có ước nguyện gì nữa ư, Susie?”, cô nàng hỏi.

Thế rồi tôi biến mất.

Ruth đứng đó, choáng váng chờ đợi trong ánh sáng xám nhạt của mặt trời Pensylvania. Câu hỏi của cô nàng cứ văng vẳng bên tai tôi: “Bạn không có ước nguyện gì nữa ư?”

Tiệm sửa xe của anh Hal bên kia đường ray hôm nay đóng cửa. Anh nghỉ làm, đưa Samuel và Buckley cùng đi xem triển lãm xe mô-tô ở Radnor. Tôi thấy hai tay Buckley vuốt ve cái vè hình vành cung bánh trước của một chiếc xe máy mini. Sắp đến sinh nhật nó rồi. Anh Hal và Samuel chăm chú nhìn nó. Anh Hal định tặng em trai tôi chiếc kèn xăcxô antô cũ của Samuel, nhung bà ngoại Lynn xen vào ngay. “Nó đang có nhu cầu phang nện lên các thứ, cháu ạ,” bà nói. “Ba cái thứ mỏng mảnh phải cất đi.” Thế là anh Hal và Samuel chung tiền mua lại một dàn chiêng trống cũ cho em trai tôi.

Bà ngoại Lynn đến khu thương xá tìm máy bộ y phục giản dị mà lịch sự để thuyết phục mẹ tôi mặc. Với những ngón tay thoăn thoắt sau nhiều năm quen làm như thế, bà lôi cái áo màu xanh dương từ dây móc treo toàn quần áo màu đen. Tôi nhìn cả sắc mặt người đàn bà đứng cạnh bà ngoại chuyển sang màu xanh vì tiếc rẻ.

Ở nhà thương mẹ tôi đang đọc to cho bố nghe tờ Bản tin ban chiều của hôm trước, còn bố nhìn đôi môi bà mấy máy chứ tai không chú ý nghe. Ông chỉ mong được hôn bà.

Còn Lindsey.

Tôi thấy tên Harvey rẽ vào khu nhà cũ của tôi ngay giữa ban ngày ban mặt, không lo sẽ có ai nhận diện vì hắn tin tưởng mình có khả năng không để ai thấy - ngay ở đây, trong khu láng giềng nơi nhiều người từng tuyên bố sẽ không bao giờ quên được mặt hắn, rằng họ luôn thấy hắn có vẻ gì khắc lạ, họ đã ngờ ngay từ đầu rằng người vợ quá cố mà hắn nhắc đến bằng mấy tên khác nhau chính là một trong những nạn nhân của hắn.

Lindsey đang ở nhà một mình.

Tên Harvey lái xe chạy ngang qua nhà bé Nate trong phần nối dài của khu gia cư này. Mẹ của Nate đang ngắt tỉa nhưng bông hoa héo ở các luống hoa hình bầu dục ở vườn trước. Bà ngẩng lên nhìn xe chạy qua. Bà thấy một chiếc xe lạ, lắp ráp từ nhiều mảnh, nghĩ là xe của bạn học một trong những cô cậu sinh viên nào đấy về nhà nghỉ hè. Bà không nhìn thấy tên Harvey ngồi ở ghế lái. Hắn rẽ trái vào con đường ngay mạn dưới, đường này vòng lại khu hắn ở ngày xưa. Con Holiday ư ử dưới chân tôi, vẫn thứ tiếng rên rỉ yếu ớt mỗi khi chúng tôi đưa nó đi bác sĩ thú y.

Bà Ruana Singh đang ngồi quay lưng ra không thấy hắn. Tôi nhìn qua cửa cổ phòng ăn thấy bà trong đó, đang xếp chồng sách mới theo thứ tự chữ cái rồi sắp ngay ngắn lên giá. Trẻ con đang chơi đu, đi cà kheo, hoặc đuổi nhau bằng súng phun nước trong vườn sau nhà. Một khu dân cư đầy những kẻ có thể trở thành nạn nhân của hắn.

Hắn đánh một vòng ở cuối con đường nhà chúng tôi rồi chạy qua cái công viên nhỏ đối diện nhà gia đình Gilbert. Họ đang ở nhà. Bà Gilbert giờ đã già yếu. rồi hắn thấy ngôi nhà xưa, không sơn màu xanh lá cây nữa, tuy với tôi và gia đình đó vẫn cứ là “ngôi nhà màu lục”. Người chủ mới đã sơn màu tím hoa cà ngả sắc hoa oải hương, xây một bể bơi và ngay bên cạnh, gần cửa sổ tầng hầm, một tòa vọng lâu bằng gỗ cây củ tùng, quanh có dây thường xuân leo rủ lòng thong, đồ chơi trẻ con treo lủng lẳng. những luống hoa trước nhà đã được thay băng đá lát để lối đi được rộng rãi, còn hiên trước được lắp kính chịu lạnh, sau lớp kính hắn thấy trang trí như phòng làm việc. Hắn nghe tiếng cười của các bé gái ngoài vườn, thấy một bà đội mũ che nắng cầm kéo tỉa cây bước ra cửa trước. Bà nhìn chằm chặp người đàn ông trong chiếc xe màu cam, thấy co giật trong bụng - cảm giác bụng rỗng mà nôn nao buồn nôn. Bà quay phắt vào nhà, đứng cửa cửa sổ tiếp tục theo dõi hắn. Chờ xem có gì xảy ra.

Hắn lái tiếp ngang qua mấy nhà nữa.

Em tôi đang có đó, đứa em gái yêu dấu của tôi. Hắn nhìn qua cửa sổ tầng trên thấy nó. Nó đã cắt tóc ngắn và mấy năm qua càng lớn càng thon thả, nhưng đúng là cô bé đó, đang ngồi bên bảng vẽ dung làm bàn viết, đọc một quyển sách về tâm lý.

Đúng lúc ấy tôi thấy tất cả đi thành một đám đông lũ lượt đổ về.

Trong lúc hắn nhìn từng khung cửa sổ nhà cũ của tôi và tự hỏi các người khác trong nhà tôi đang ở đâu - bố tôi có còn phải đi tập tễnh không - thì tôi thấy những gì còn sót của lũ thú vật và đoàn người toàn đàn bà con gái đi ra khỏi ngôi nhà cũ của tên Harvey. Tất cả nhốn nháo chen nhau đi tới cùng một lúc. Hắn nhìn em gái tôi mà nhớ tới mấy tấm khăn trải giường hắn phủ lên những chiếc cọc lều hợp hôn. Ngày ấy, hắn đã nhìn thẳng vào mắt bố tôi khi ông thốt ra tên tôi. Còn con chó - luôn sủa om đằng trước nhà hắn - chắc đã chết rồi.

Lindsey đi đi lại lại sau khung cửa sổ. Tôi quan sát hắn đang theo dõi em tôi. Nó đứng lên, đi vòng, tiến về cuối phòng chỗ kệ sách cao sát trần. Lindsey với tay lôi xuống một quyển sách. Khi em trở lại bàn và mắt hắn dán lên khuôn mặt em thì hắn chợt thấy trong kính chiếu hậu một chiếc xe tuần tra sơn đen trắng đang từ từ tiến lại gần.

Hắn biết có chạy cũng không thoát nổi. Hắn ngồi yên trong xe, chuẩn bị mấy nét của bộ mặt hắn luôn trưng ra trước nhân viên công lực hàng chục năn nay - bộ mặt một kẻ lễ phép làm người ta thương hại hoặc khinh bỉ nhưng không bao giờ buộc lỗi. Trong lúc viên cảnh sát chạy xe lại cạnh xe hắn, mấy người đàn bà len qua cửa sổ xe, còn lũ mèo nằm cuộn mình quanh chân hắn.

“Ông lạc đường à?”, viên cảnh sát trẻ hỏi khu ngừng xe cạnh chiếc xe màu cam.

“Trước kia tôi cư ngụ tại đây,” tên Harvey đáp. Tôi giật nẩy người. Hắn chọn cách khai hết sự thật.

“Có người gọi báo cho chúng tôi về một chiếc xe khả nghi.”

“Tôi nhận ra người ta đang xây mới trên khu này, ngày xưa là cánh đồng ngô,” tên Harvey nói. Thế là tôi biết rằng một phần thi thể của mình nhập đoàn với đám người và thú vật kia, lả tả rơi rụng, những mẩu mảnh nào hắn muốn giữ lại cho riêng mình thì rơi như mưa vào lòng xe hắn.

“Họ xây trường học lớn thêm ra.”

“Tôi thấy vùng này trông phồn thịnh hơn,” hắn nói với vẻ luyến tiếc.

“Có lẽ ông nên rời khu này chạy tiếp đi,” viên cảnh sát nói. Ông thấy tội cho tên Harvey phải lái chiếc xe lắp ráp nhiều mảnh, song tôi để ý thấy ông ta có ghi số xe.

“Tôi đâu có ý làm ai lo lắng sợ hãi đâu.”

Tên Harvey là một tay lõi đời, nhưng lúc đó tôi không hề quan tâm. Sau mỗi đoạn đường hắn vượt qua, tôi lại tập trung vào Lindsey đang đọc sách ở nhà, vào những dữ liệu từ những trang sách ấy thâm nhập và bộ não của em, vào chuyện em thông minh và đa tài đến mức nào. Ở đại học Temple em đã quyết định sẽ trở thành bác sĩ chuyên khoa. Rồi tôi nghĩ tới cái hỗn hợp không khí ở khoảnh vườn trước nhà chúng tôi, ánh sáng ban ngày, một bà mẹ có tật buồn nôn và một viên cảnh sát - bao nhiêu là cơ may hội tụ bảo đảm an toàn cho em gái tôi đến bây giờ. Mỗi ngày vẫn là một dấu chấm hỏi.

Ruth không kể cho Ray chuyện vừa xảy ra. Cô này tự hứa sẽ ghi vào nhật ký. Khi cả hai băng qua đường để ra xe, Ray thấy có thứ gì màu tim tím trong bụi cây nằm ở lưng chừng gò đất lẫn rác mà nhóm thợ xây cất nào đó trút xuống đấy.

“Cây nhạn lai hồng,” anh chàng nói với Ruth. “Tớ ra hái một ít mang về cho bà cụ.”

“Ý hay đấy, bạn cứ làm, mình đợi đây,” Ruth đáp.

Ray chui vào bụi cây quan sát phía tay lái của xe rồi lên đồi đi về phía bụi hoa nhạn lai hồng, còn Ruth đang đứng chỗ đỗ xe. Lúc nào tâm trí Ray không bận bịu về tôi nữa. anh chàng đang nghĩ đến nụ cười của bà mẹ. Cách chắc chắn nhất khiến bà nhoẻn miệng cười là tìm các loại hoa dại như vậy mang về nhà, xem bà ép hoa, việc đầu tiên là trải từng cánh hoa đặt nằm cho phẳng giữa các trang từ điển hoặc sách tra cứu. Ray leo lên đỉnh ụ đất rồi đi khuất xuống phía bên kia hi vọng tìm ra thêm nhiều hoa nữa.

Đúng lúc ấy tôi mới cảm thấy đau nhói dọc theo cột xương sống khi bóng dáng anh chàng chợt khuất sau ụ đất. Tôi nghe tiếng con Holiday, nỗi hoảng sợ của nó nằm thật sâu trong cuống họng, và nhận ra nó rên ư ử không phải vì lo cho Lindsey. Tên Harvey vừa lái đến đỉnh Eels Rod Pike, nhìn thấy cái hố sụt và những ụ hình tháp dùng chắn đường sơn màu cam cùng màu xe hắn. Hắn từng vứt một thi thể xuống đó. Hắn nghĩ đến viên đá hộ mệnh màu hổ phách của mẹ hắn, nhớ khi bà ta trao cho hắn viên đá vẫn còn ấm.

Ruth nhìn những người đàn bà bị lèn đầy xe, áo đỏ như máu, cô nàng tiền về phía họ. Chính trên con đường này, nơi vùi xác tôi, tên Harvey lại chạy xe ngang qua chỗ Ruth đứng. Cô nàng chỉ nhìn thấy đám đàn bà con gái. Thế rồi: blackout(88).

88. “Blackout”: hiện tượng tự nhiên mất hết tri giác, ký ức không ghi nhớ bất cứ điều gì.

Đó là giây phút tôi rơi xuống cõi trần.