Hình hài yêu dấu - Chương 21 phần 1

TÔI RỜI CHỖ BỐ MẸ Ở BỆNH VIỆN, TÌM ĐẾN VỚI Ray Singh. Năm xưa anh chàng và tôi vừa tròn mười bốn tuổi. Giờ đây tôi nhìn anh chàng gối đầu trên gối, tóc đen trên nền màu vàng, da ngăm đen trên khăn trải giường màu vàng. Tôi vẫn yêu anh chàng như thuở nào. Tôi đếm những sợi lông mi ở mỗi bên mắt đang nhắm nghiền kia. Anh chàng là người suýt-thành, người lẽ-ra-thuộc-về tôi, và tôi chẳng muốn rời xa anh chàng cũng như không muốn xa gia đình mình.

Lúc nằm trên giàn giáo chống chếnh ở hậu trường sân khấu, bên dưới có Ruth đang đứng, Ray Singh nhích lại gần đến nỗi hơi thở của anh chàng quyện vào hơi thở tôi. Tôi ngửi thấy mùi đinh hương trộn mùi quế mà tôi hình dung mỗi sáng anh chàng rắc lên món bỏng ngũ cốc, ngoài ra còn có thứ mùi đậm đà, mùi của một cơ thể đang sát lại gần tôi, và sâu thẳm trong cơ thể ấy có những bộ phận điều hành bởi những hóa chất hoàn toàn khác với tôi.

Từ lúc biết chuyện ấy rồi sẽ đến, cho đến lúc nó xảy ra thực sự, tôi luôn đề phòng tránh cảnh một thân một mình gặp Ray Singh, dù trong hay ngoài khuôn viên nhà trường. Tôi hồi hộp sợ chính điều mà mình mong mỏi nhất: một nụ hôn của anh chàng. Tôi sợ rằng một nụ hôn không đem lại cảm giác như tôi vẫn nghe kể hay đọc trong các tạp chí Tuổi mười bảy, Thế giới hoa lệ, và Thời trang. Tôi sợ rằng mình quá vụng về - rằng với nụ hôn đầu tiên mình chẳng tỏ tình được mà còn làm người kia cảm thấy bị hắt hủi. Thế là tôi cứ tiếp tục sưu tầm các mẩu chuyện về đề tài cái hôn.

“Nụ hôn đầu tiên là giây phút định mệnh gõ cửa đấy, cháu ạ,” có lần bà ngoại Lynn nói thế qua máy điện thoại. Tôi cầm ống nghe trong lúc chờ bố đi gọi mẹ. “Lại chân nam đá chân chiêu rồi,” tôi nghe tiếng bố nói trong bếp.

“Giá được tái diễn màn này, bà sẽ chuẩn bị tô môi sẵn trước đó bằng loại son nào thật kỳ diệu, Hỏa và Băng chẳng hạn, nhưng hồi đó hãng Revlon chưa chế ra thứ son môi này. Bà để lại dấu ấn của mình trên người đàn ông như thế đấy.”

“Mẹ đấy à?” mẹ tôi nói xen vào từ máy phụ gắn trong phòng ngủ.

“Hai bà cháu đang nói về chuyện hôn, Abigail ạ.”

“Mẹ uống mấy ly rồi?”

“Nghe này, Susie,” bà ngoại Lynn nói, “nếu lúc hôn cháu thấy như thể mình là quả chanh thì cháu sẽ tiết ra nước chanh.”

“Sẽ cảm thấy thế nào hở bà?”

“Lại vẫn chuyện hôn với hít,” mẹ tôi nói. “Thôi để hai bà cháu tiếp tục vậy.” Trước đó tôi cứ theo hỏi bố rồi mẹ về chuyện hôn này để xem mỗi người kể khác nhau ra sao. Cảnh tôi còn ghi nhớ là hình ảnh bố mẹ tôi sau làn khói thuốc mù mịt - môi họ chỉ chạm phớt vào nhau sau màn khói ấy.

Một lúc sau bà ngoại Lynn thì thào: “Susie, cháu vẫn nghe bà chứ?”

“Vâng.”

Bà lại im lặng một lúc khá lâu. “Hồi đó bà mới bằng tuổi cháu, và người đầu tiên hôn bà là một người đàn ông. Bố một cô bạn của bà.”

“Sao bà lại làm thế!”, tôi kêu lên, choáng cả người.

“Cháu sẽ không đem bà ra bêu riếu đấy chứ?”

“Không đâu.”

“Tuyệt lắm cháu ạ,” bà ngoại Lynn nói. “Ông ấy đúng là biết cách hôn. Bọn con trai mà hôn thì bà chán chịu không nổi. Bà áp tay lên ngực chúng đẩy ra. Ông McGahern biết cách phải hôn bằng môi như thế nào.”

“Rồi sao nữa hở bà?”

“Quả là lạc thú ở đời,” bà nói. “Bà biết làm thế là bậy, nhưng thật là tuyệt vời - ít ra là cho bà. Bà chưa hề hỏi xem ông ta cảm thấy thế nào, nhưng sau lần ấy bà chẳng bao giờ gặp riêng ông ta nữa.”

“Thế sau đó bà có muốn hôn lại như vậy nữa không?”

“Có chứ. Bà vẫn tìm hòa xem có cảm giác thấy lại như lần đầu nữa không.”

“Thế còn ông ngoại?”

“Ông chẳng giỏi môn đó đâu,” bà nói. Tôi nghe tiếng đá cục kêu lanh canh ở đầu kia. “Bà không quên nổi ông McGhern, dẫu chỉ là chuyện thoáng qua thôi. Có cậu nào muốn hôn cháu à?”

Cả bố lẫn mẹ tôi đều không hỏi tôi chuyện nào. Bây giờ tôi mới rõ, ngày đó hai người biết cả rồi, và nhìn nhau tủm tỉm cười khi kể lại cho nhau nghe.

Tôi nuốt như nghẹn bên đầu dây của tôi. “Có.”

“Tên gì?”

“Ray Singh”

“Cháu có thích cậu ta không?”

“Có”

“Thế thì vấn đề nằm ở đâu?”

“Cháu sợ mình không biết cách.”

“Susie à!”

“Sao ạ?”

“Thích thì cứ làm, cháu ạ.”

Nhưng trưa hôm ấy đứng bên chiếc tủ của mình, nghe Ray gọi tên - lần này từ đằng sau chứ không phải từ trên cao - tôi chưa kịp cảm thấy ham thích gì. Bảo rằng không thích cũng không đúng hẳn. Không phải là những trạng thái rõ ràng, hễ không đen thì trắng, mà tôi từng biết qua. Tôi cảm thấy, nếu cần dùng chữ để tả thì xao xuyến. Không phải động từ mà là tính từ chỉ trạng thái. Sung sướng + Lo âu hồi hộp = Xao xuyến.

“Ray”, tôi chưa kịp nói thành lời thì Ray đã cuối xuống hôn lên đôi môi tôi vừa chớm hé. Tuy tôi đã linh cảm từ nhiều tuần nay là chuyện này sẽ đến nhưng vì xảy ra quá đột ngột, nên tôi chẳng thấy thỏa lòng. Tôi mỏi mòn mong ngóng được hôn Ray Singh lần nữa.

Buổi sáng hôm sau ông Connors cắt từ tờ báo ra một bản tin giữ lại để đưa cho Ruth. Bài báo cóa hình vẽ chi tiết khu hố sụt Flanagan và thông tin về phương án san lấp trong thời gian sắp tới vào đúng thời điểm Ruth thay quần áo chuẩn bị lên đường thì ông ghi thêm cho cô nàng lời chú giải: “Đó là loại hố nguy hiểm chết người. Sẽ có ngày một người bất cẩn chạy qua lọt xuống tiêu cả người lẫn xe cho mà xem.”

“Bố tớ bảo đây là hồi chuông báo tử của ông,” Ruth vừa nói với Ray vừa hươ mảnh giấy báo, lúc chui vào chiếc xe Chevy xanh của Ray đậu ở đầu ngõ vào nhà. “Nghe bảo rằng khu nhà của tớ xe bị mất nước khi chia lô lại. Bạn nghe này. Trong bài báo này họ có bốn khu mà, vuông vức như hình khối mình tập vẽ hồi mới học hội họa, đọc để biết họ định san lấp cái hố bằng cách nào.”

“Ruth, tớ rất vui được gặp lại bạn,” Ray nói, vừa cho xe chạy lùi ra ngõ vừa đưa mắt nhìn dây an toàn, ra hiệu khi thấy Ruth chưa gài.

“Xin lỗi, Ruth nói. “Chào bạn”

“Bài báo nói gì?” Ray nói.

“Hôm nay đẹp trời, thời tiết tuyện vời.”

“Thôi thôi. Đủ rồi. Kể xem bài báo nói gì.”

Cứ bẵng đi vài tháng mới gặp lại nhau, lần nào Ray cũng phải nhớ rằng cô bạn mình luôn hăng say sôi nổi và hiếu kỳ ham tìm hiểu đủ chuyện - hai đức tính làm họ thấy hợp nhau và muốn duy trì quan hệ bạn bè.

“Ba bức đầu vẽ cùng một hình, chỉ khác ở chỗ các mũi tên chỉ vào những điểm khác nhau, có ghi chú “lớp đất trên cùng”, “tầng đá vôi nứt rạn” và “đá phân hủy”. Bức cuối cùng mang hàng chữ lớn “Cách san lấp”, bên dưới viết: “Đổ bê-tông xuống họng hố, trét vữa kín các khe hở.”

“Gọi là họng hố à?” Ray hỏi.

“Tớ biết”, Ruth đáp. “Trang kia còn vẽ thêm một mũi tên nữa, như thể đây là một dự án to tát đến nỗi họ phải tạm dừng một giây để độc giả có thì giờ hiểu được khái niệm, xong mới chú thêm: ‘Sau đó đổ rác xuống lấp hố cho bằng.’ “

Ray bật cười.

“Như một quy trình trong y học,” Ruth nói. “Phải dùng đến phẫu thuật phức tạp để vá víu sửa sang hành tinh này.”

“Tớ đang nghĩ hang hố sâu dưới lòng đất thường làm người ta ghê sợ vô cớ.”

“Đã hẳn”, Ruth nói. “Hang hố có họng để nuốt, Chúa ạ! Vậy mình đến tận nơi xem sao.”

Suốt một quãng độ một dặm dọc con đường này có dựng nhiều bản thông báo sẽ có những khu nhà nào sắp xây lên. Ray rẽ trái, chạy vào những khu xây quay lại thành hình vòng cung mặt đường mới được lát đá, cây cối ở đây đã bị đốn sạch, cứ một quãng ngắn lại có lá cờ đuôi nheo vàng hay đỏ phất phới, treo ở đầu những chiếc cọc chăng dây theo cao ngang thắt lưng.

Hai người đang yên trí là không có ai khác ngoài mình lần dò khám phá đường sá của một vùng đất không người cư ngụ thì chợt nhìn thấy Joe Ellis đang đi phía trước.

Ruth với Ray đều không vẫy, mà Joe cũng chẳng làm cử chỉ gì cho thấy nhìn ra họ.

“Mẹ tớ bảo cậu ta vẫn sống với bố mẹ và không tìm được việc làm”

“Cậu ta làm gì cho hết ngày nhỉ?” Ray hỏi.

“Tập diễn những vai kinh dị, tớ đoán thế.”

“Cậu ta không bao giờ vượt nổi chuyện này,” Ray hỏi, còn Ruth chăm chú dõi mắt nhìn những lô đất trống nối nhau hết dãy này đến dãy khác, cho tới lúc Ray quay xe ra lại trục lộ chính, băng qua đường ray xe lửa, theo đường số 30 đến chỗ hố sụt.

Ruth để thong tay bên ngoài cửa xe để cảm nhận làn không khí ấm buổi ban mai sau cơn mưa. Tuy Ray từng bị buộc tội là có thể dính dáng đến chuyện tôi mất tích, song anh chàng hiểu rằng cảnh sát phải làm nhiệm vụ của họ thôi. Nhưng Joe Ellis thì không hề sống bình thường lại được do việc bị buộc tội đã giết lũ chó mèo mà thực ra tên Harvey mới là thủ phạm. Cậu ta cứ đi lang thang, tránh gặp hàng xóm láng giềng và mong muốn được lũ chó mèo quấn quít trìu mến mình hầu tìm an ủi. Tôi lạ thấy điều bi thảm nhất là lũ vật này đánh hơi được tâm tư day dứt khổ đau nơi Joe - một khuyết tật bẩm sinh - nên cứ lảng ra xa.

Trên đường số 30, gần Eels Rod Pike, một phố nhỏ nơi Ray và Ruth sắp đi qua, tôi thấy ông Len ra khỏi một căn hộ nằm bên trên tiệm hớt tóc của Joe. Ông xách ra xe loại túi khoác vai của sinh viên, trong nhét khá nhiều thức. Ba-lô này là quà tặng của chủ căn hộ, một phụ nữ trẻ. Một hôm cô ta mời ông cùng đi uống cà phê khi gặp ông ở buổi họp tại trụ sở cảnh sát trong chương trình khoa tội phạm học ở Trường cao đẳng West Chester. Ba-lô chứa đủ thứ - vài món ông định đưa cho bố tôi xem, vài thứ khác mà các bậc cha mẹ không nên nhìn thấy. Trong đó có ảnh chụp hầm mộ và những thi thể tìm được ra - xác nào cũng còn đủ hay khuỷu tay.

Khi ông gọi điện vào nhà thương, y tá cho biết hiện ông Salmon có vợ và gia đình tới thăm. Giờ đây ông có cảm tưởng tội lỗi mình nặng trĩu thêm lúc lái xe vào bãi đậu của bệnh viện, ông ngồi thừ ở đấy một lúc, trong cái nóng đổ lửa do ánh nắng chiếu qua lớp kính chắn làm tăng nhiệt độ trong xe.

Tôi nhìn ông Len loay hoay sắp xếp câu cú cho những điều ông thấy cần nói. Ông chỉ nghĩ ra một giả thiết duy nhất - sau gần bảy năm trời, và từ cuối năm 1975 không mấy khi liên lạc lại - rằng điều bố mẹ tôi chờ đợi nhất là thấy thi thể tôi, hay tin bắt được tên Harvey. Vậy mà ông chỉ mang cho bố mẹ tôi có mỗi viên đá hộ mệnh.

Ông vớ chiếc ba-lô, khóa cửa xe, đi qua chỗ cô gái bán hoa với những bó thủy tiên mới mang trở ra. Ông biết số phòng của bố tôi nên không cần mất công hỏi ở phòng y tá trực tầng năm mà chỉ gõ nhẹ cửa phòng đang mở tôi bước vào.

Mẹ tôi đang đứng xoay lưng về phía ông. Khi bà quay lại tôi cũng thấy được rằng sự hiện diện của bà làm ông choáng váng. Bà đang nắm tay bố tôi. Tôi chợt cảm thấy mình lẻ loi cô độc khôn xiết.

Mẹ tôi hơi chống chếnh khi bắt gặp ánh mắt ông Len, nhưng rồi bà tìm ngay được cách chào hỏi xởi lởi.

“Hễ thấy ông là mọi chuyện thành tuyệt diệu, đúng không?”, bà bông lơn.

“Chào anh Len,” bố tôi gượng nói. “Abbi, em cho giường lên cao một chút nhé.”

“Chào ông Salmon, hiện ông thấy trong người ra sao?”

Len hỏi trong lúc mẹ tôi bấm mũi tên chỉ hướng nâng lên ở giường.

“Cứ gọi tôi là Jack đi,” bố tôi yêu cầu.

“Để ông bà không phải hi vọng hão,” Len nói, “chúng tôi chưa bắt được hắn.”

Bố tôi thất vọng thấy rõ.

Mẹ tôi chêm lại mấy cái gối để bố tôi tựa lưng và gáy. “Vậy ông đến đây có việc gì?”

“Chúng tôi tìm được một món đồ của Susie,” Len đáp.

Ông nói một câu gần như không chệch một chữ so với câu ông nói lần mang chiếc mũ đính chuông lại nhà tôi. Câu này lại văng vẳng trong tai bà.

Tối hôm trước, mới đầu mẹ tôi ngắm bố tôi đang ngủ, rồi sau đó bố tôi thức dậy thấy đầu bà kề bên gối, cả hai đều cố gặt ra khỏi ký ức cái đêm đầu tiên tuyết rơi, trời mưa, rơi cả mưa đá nữa ấy, quên cảnh hai người ôm lấy nhau, và không ai dám nói ra điều mình mong mỏi nhất. Tối hôm qua chính bố tôi là người rốt cuộc nói ra: “Con mình chẳng bao giờ về lại nữa đâu.” Một sự thật rõ ràng và đơn giản mà mọi người từng quen biết tôi đều chấp nhận rồi. Nhưng chính ông phải nói ra được, và bà cần nghe câu đó từ cửa miệng ông.

“Đó là viên đá móc ở vòng tay của Susie,” ông Len nói, “viên đá hình bang Pensylvania, có khắc chữ tắt tên cháu.”

“Chính tội chọn mua cho cháu,” bố tôi nói. “Ở trạm xe Đường Mười ba, hôm tôi lái xe vào phố. Họ dựng quầy bày bán, có người đàn ông mang kính bảo hiểm lo việc khắc tên, không tính thêm tiền. anh cũng mua cho Lindsey một cái. Em nhớ chứ, Abigail?”

“Em nhớ”, mẹ tôi đáp.

“Chúng tôi tìm thấy nó gần một ngôi mộ ở bang Connecticut.”

Bố mẹ tôi đột nhiên như chết sững một lúc - tựa những con vật lọt vào trong một tảng băng đá, hai mắt đông cứng cứ mở to khẩn khoản xin ai đó đang bước đi trên băng giải cứu hộ, xin ông bà làm ơn làm phước.

“Không phải mộ Susie đâu,” ông Len nói, vội vàng lấp khoảng trống. “Điều này chỉ có nghĩa là tên Harvey dính dáng tới cả những vụ án mạng khác nữa ở Delaware và Connecticut. Viên đá của Susie chúng tôi tìm thấy gần một ngôi mộ nằm ngoài thị trấn Hartford.”

Bố mẹ tôi nhìn ông Len loay hoay mở khóa kéo chiếc ba lô. Khóa bị kẹt. mẹ tôi nhẹ vuốt tóc bố tôi ra phía sau và tìm gặp ánh mắt của ông. Song tâm trí bố tôi lại tập trung vào triển vọng ông Len vừa cho thấy - việc lục lại hồ sơ vụ án của tôi. Còn mẹ tôi, mới cảm thấy vững chân trên một nền đất không chuồi trượt đi mãi, không được để lộ ra là bà không hề muốn mọi chuyện lại bắt đầu lần nữa. nghe đến cái tên Goerge Harvey là bà câm bặt. Bà chưa hề suy nghĩ xem mình nên nói gì về hắn. đối với mẹ tôi, việc để cuộc sống của bà dính dáng lằng nhằng mãi với việc có bắt được và trừng phạt hắn hay không, mang ý nghĩa là chọn sống mãi với kẻ thủ, thay vì lo học cách làm sao sống tiếp trong một thế giới vắng bóng tôi.

Ông Len lôi ra một cái túi ni-lông trong khổ to có khóa kéo. Ở góc dưới bố mẹ tôi trông thấy ánh vàng lóng lánh. Len trao túi cho mẹ tôi, bà cầm túi giơ trước mắt, tay hơi dang ra không muốn để gần mình.

“Anh không cần các móng này nữa à, Len?” bố tôi hỏi.

“Chúng tôi đã kiểm tra xét nghiệm kỹ,” Len đáp. “Đã lập hồ sơ tìm thấy ở đâu và chụp ảnh nào cần giữ. Có thể một lúc nào đấy tôi cần lại, nhưng cho tới lúc đó ông bà cứ giữ lấy.”

“Em mở ra đi, Abbie,” bố tôi nói.

Tôi nhìn mẹ cầm cái túi đã mở, nghiêng người xuống đưa bố. “Món này là của anh, Jack ạ,” mẹ mói. “Món quà anh tặng con ngày đó.”

Khi bố cho tay vào túi, bàn tay ông run run, một giây sau ông cảm thấy bằng đầu ngón tay các cạnh sắc nhọn của viên đá. Cách ông lôi nó ra khỏi túi làm tôi nhớ tới trò chơi Thao tác với Lindsey, khi chúng tôi còn bé. Nếu tay ông chạm phải hai bên thành bao ni-lông thì chuông báo động sẽ réo lên và ông phải trả tiền phạt.

“Sao ông biết chắc rằng chính hắn đã giết những cô gáo khác?”, mẹ hỏi, mắt đăm đăm nhìn mảnh vàn bé tí óng ánh trong bàn tay bố.

“Trên đời chẳng có gì là chắc chắn cả,” Len đáp.

Tiếng vọng kia lại dội vào tai mẹ lần nữa. Len có sẵn một số câu nói hay dùng. Đó cũng là câu bố tôi mượn lại để vỗ về vợ con. Đó là một câu nói tàn nhẫn, vì nó khiến người ta hy vọng hão.

“Tôi thấy tốt nhất ông nên rời khỏi đây ngay,” mẹ nói.

“Ơ hay, Abigail?” bố ngạc nhiên hỏi.

“Tôi không muốn nghe thêm gì nữa.”

“Tôi rất cảm kích vì có được viên đá này, anh Len ạ,” bố tôi nói.

Ông Len giơ tay như muốn nhấc mũ chào bố tôi rồi quay đi. Ông có quan hệ yêu đượng với mẹ tôi trước khi bà bỏ đi, theo kiểu lấy ái ân để tìm quên lãng. Đó là loại quan hệ ông có ngày một nhiều hơn trong những căn buồng phía trên hiệu cắt tóc nọ.

Tôi lên đường trực chỉ hướng nam định tìm Ruth và Ray, nhưng lại gặp tên Harvey. Hắn lái chiếc xe màu cam, chắp vá từ nhiều mảnh khác nhau của cùng một kiểu xe và cùng một thương hiệu, khiến nó giống như nhân vật ma quái trong truyện Frankenstein gắn trên bốn bánh xe. Mui máy xe được cột chằng bằng một sợi dây cao su, nhưng cứ bật lên bật xuống mỗi khi ngược gió.