Hình hài yêu dấu - Chương 23

SÁNG HÔM SAU MÙI BÁNH NƯỚNG CỦA BÀ MẸ bốc lên theo cầu thang len vào phòng Ray, nơi anh và Ruth nằm ngủ. Sau một đêm thế giới của họ thay đổi hẳn. Chuyện đơn giản thế thôi.

Trước khi rời tiệm sửa xe của Hal, Ray và Ruth cẩn thận xóa mọi dấu vết cho thấy họ đã ở đó, xong hai người lái xe về nhà Ray, dọc đường không ai nói năng gì. Khuya hôm ấy, nhìn thấy hai người còn nguyên quần áo nằm ôm nhau ngủ, bà Ruana thấy vui bụng rằng rốt cuộc Ray cũng có được một cô bạn gái, dù cô ta hơi khác người thật.

Quãng ba giờ sáng Ray chợt thức giấc. Anh ngồi dậy ngắm Ruth, nhìn cặp đùi thuôn dài, tấm thân tuyệt mỹ mình đã yêu thương gần gụi, và chợt cảm thấy một luồng hơi nóng lan khắp người. Anh vừa định đưa tay vuốt ve cô nàng thì chợt có vệt sáng rọi lên sàn nhà, đó là ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ nơi bao năm qua tôi vẫn đứng nhìn vào ngắm anh ngồi học. Anh đưa mắt dõi theo vệt sáng, thấy túi xách của Ruth để trên sàn nhà.

Khẽ khàng để không làm cô nàng thức giấc, anh rời giường đi ra chỗ cái túi. Trong đó có quyển nhật ký của cô nàng. Anh lấy ra đọc.

“Phần ngọn mấy sợi lông vũ thì rỗng, dưới gốc có vệt máu. Tôi cầm mấy mẩu xương đưa lên cao, mong sao chúng cũng bắt ánh sáng như những mảnh thủy tinh vỡ… tuy nhiên tôi vẫn tìm cách sắp xếp, gắn các mẩu xương ấy lại, để những cô gái bị giết đó được sống lại lần nữa.”

Anh lật sang trang sau:

“Trạm Penn, dãy nhà vệ sinh, dấu vết cuộc vật lộn kéo đến tận bồn rửa. Một người đàn bà lớn tuổi.

Chuyện trong gia đình. Đại lộ C. chồng và vợ.

Trên mái nhà ở đường Mott, một thiếu nữ, bị bắn.

Vào giờ nào? Bé gái trong C.P(90) bước lẫm chẫm đến bụi cây. Cổ áo trắng viền đăng-ten, đẹp mắt.”

90. C.P.: Central Park, công viên ở New York

Anh chàng thấy người lạnh cóng nhưng vẫn đọc tiếp, chỉ ngẩng lên khi nghe Ruth cựa mình.

“Mình còn nhiều chuyện để kể cho bạn lắm,” cô nàng nói.

Cô y tá Eliot đỡ bố tôi ngồi lên xe đẩy trong khi mẹ và em gái tôi lo gom góp các cành thủy tiên để mang về nhà.

“Cô Eliot ơi” bố nói. “Tôi sẽ không quên lòng tử tế của cô, nhưng hy vọng không phải sớm tái ngộ với cô đâu nhé.”

“Tôi cũng mong thế,” cô đáp. Cô nhìn mọi người mong gia đình tôi đứng tề tựu đủ mặt. “Buckley à, mẹ và chị đều tay bưng tay xách cả rồi. chỉ còn cháu thôi.”

“Con đẩy xe cẩn thận nhé, Buck,” bố tôi nói.

Tôi nhìn theo bốn người dọc hành lang ra thang máy. Buck và bố tôi đi trước, còn Lindsey và mẹ tôi theo sau, tay ôm những nhánh thủy tiên ướt còn nhỏ nước.

Đứng trong buồng thang máy, Lindsey nhìn đăm đăm vào cuống hoa màu vàng tươi. Em nhớ lại, Samuel và anh Hal có thấy hoa thủy tiên ở cánh đồng ngô buổi chiều ngày giỗ đầu của tôi. Đến nay họ vẫn không biết ai đã đem hoa đến đặt ở đấy. Em gái tôi hết nhìn hoa lại nhìn sang mẹ. Em cảm thấy người cậu em tì sát vào mình, còn bố tôi, ngồi trong chiếc xe đẩy bóng loáng của nhà thương, trông có vẻ mệt nhưng hoan hỉ vì được về nhà. Khi họ xuống đến tiền sảnh và cửa thang máy được mở ra thì tôi biết rằng định mệnh đã an bài cho họ, cả bốn người, để mãi mãi ở bên nhau.

Bà Ruana gọt táo hết quả này đến quả khác, bàn tay ướt nhũn, sưng tấy lên, vừa làm bà vừa lặp đi lặp lại trong đầu từ ngữ mà bao năm qua bà tránh nghĩ tới: ly dị. Chính tư thế nằm ôm quấn lấy nhau của Ray và Ruth đã gợi điều gì đó trong tâm tưởng và cuối cùng giải thoát bà khỏi mọi bó buộc. Bà không nhớ lần chót cùng vào giường với chồng là lúc nào nữa. Ông vào phòng ngủ êm ru như một bóng ma, khẽ khàng len vào trong chăn cũng như một bóng ma, đến nỗi khăn trải giường cũng không thấy nhàu mấy. Ông không xấu xa tệ bạc như kiểu ta vẫn thấy chiếu trên truyền hình hay tả trên báo. Sự nhẫn tâm nằm ở tình trạng khiếm diện của ông. Kể cả khi đến bữa ông ngồi vào bàn, ăn món bà nấu, ông có mặt ở đó thật nhưng tâm trí thì ở mãi đâu đâu.

Bà nghe có tiếng nước chảy trong phòng tắm trên lầu, đợi một lúc đến khi bà nghĩ là đủ lâu rồi bà mới gọi vọng lên bảo hai người xuống. Sáng sớm hôm đó mẹ tôi gọi điện tới cảm ơn bà đã cho biết tin nhà lần từ mẹ tôi gọi điện từ California về, bà Ruana liền nảy ra ý định nướng bánh táo mang đến biếu.

Trao cho Ruth và Ray mỗi người một ly cà phê xong bà Ruana mới bảo rằng không còn sớm sủa gì lắm, rằng bà muốn Ray cùng đi với bà đến nhà gia đình Salmon, bà định chỉ ghé để ổ bánh ở bậc cửa rồi đi ngay.

“Ô, cứ như trẻ con ấy,” Ruth buộc miệng.

Bà Ruana nhìn cô nàng chòng chọc.

“Mẹ thứ lỗi,” Ray nói. “Hôm qua chúng con gặp chuyện căng thẳng quá.” Song anh chàng tự hỏi, nếu đem ra kể hết bà mẹ có tin nổi không đây.

Bà Ruana đi ra quầy bếp, bưng một trong hai ổ bánh nóng hổi vừa nướng xong ra bàn. Mùi thơm lựng theo hơi nóng nghi ngút bốc lên từ cách lỗ hõm trên mặt bánh. “Ăn điểm tâm nhé?”, bà hỏi.

“Bác là bà tiên thật!”, Ruth nói.

Bà Ruana mỉm cười.

“Ăn cho thỏa thích đi rồi thay quần áo để còn đi với tôi chứ.”

Ruth nhìn Ray nói: “Mình có việc phải đi đằng này đã, nhưng sau đó sẽ ghé qua.”

Anh Hal khuân bộ trống đến cho em trai tôi. Anh và bà ngoại đã hội ý với nhau trước đó. Tuy còn mấy tuần nữa Buckley mới đầy mười ba tuổi nhưng lúc này nó rất cần có món quà kia. Samuel không tháp tùng Lindsey và Buckley đi đón bố mẹ tôi trong nhà thương. Với bố mẹ thì việc trở về nhà có nghĩa gấp đôi. Mẹ tôi đã ở bên bố tôi suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ, trong quãng thời gian đó thế giới đã thay đổi không chỉ với hai người mà cả với những người káhc nữa, và, bây giờ tôi cũng thấy thế, sẽ cứ chuyển biến liên tục. Không có cách gì làm ngừng lại được.

“Bà biết là sáng sớm thì chưa nên khai mạc,” bà ngoại Lynn nói, “nhưng các cậu thích loại độc dược nào đây?”

“Cháu tưởng mình chuẩn bị sẵn sâm banh rồi,” Samuel nói.

“Thứ đó uống sau,” bà nói. “Bây giờ bà mời rượu khai vị.”

“Cháu xin kiếu,” Samuel nói. “Lát nữa có Lindsey cháu sẽ uống luôn.”

“Còn cháu Hal?”

“Cháu còn phải chỉ cho em Buck cách đánh trống.”

Bà ngoại Lynn kịp giữ miệng, không buông lời bình phẩm việc các đại danh thủ nhạc Jazz đột nhiên chê rượu một cách đáng ngờ. “Thế lấy ba cốc nước đã nhé?”

Bà ngoại tôi quay vào bếp lấy thức uống. Lúc qua đời rồi tôi mới biết thương yêu bà sâu đậm, hơn hẳn thời gian còn sống. Tôi ước giá nói được với bà điều này lúc bà đứng trong bếp nhà bà, quyết định bỏ rượu, song giờ đây tôi hiểu rằng tật uống rượu cũng là phần tạo nên con người bà ngoại tôi. Nếu sau này điều tệ hại nhất người ta nghĩ về bà là đã giúp đỡ con cháu trong tình trạng nát rượu, thì với tôi đó lại là điều tôi ghi nhớ mãi.

Bà lấy nước đá từ tủ đông, cho vào bồn đập ầm ầm. Bảy viên nước đá cho mỗi cái cốc vại. Bà mở vòi cho nước chảy đến khi lạnh buốt. Abigail con bà sắp trở về nhà. Cô nàng Abigail kỳ quặc, đứa con gái bà yêu thương.

Nhưng khi ngước lên nhìn ra cửa sổ, bà thề có trời chứng giám là thấy rõ ràng có một cô bé gái mặc một bộ quần áo thời bà còn trẻ, ngồi bên ngoài pháo đài chứa dụng cụ làm vườn của Buckley, đăm đăm nhìn bà. Thoáng cái cô biến đâu mất. Bà cố gạt bỏ cảnh tượng đã thấy. Hôm đó bà còn bận bịu bao nhiêu là việc. Bà sẽ không kể cho ai nghe cả.

Khi chiếc xe của bố rẽ vào ngõ, tôi bắt đầu suy ngẫm phải chăng đó là điều tôi mong đợi, mong đợi gia đình tôi trở về - không phải là về với tôi, mà là về với nhau, còn tôi đã đi khỏi rồi.

Trong ánh nắng xế trưa trông vóc người bố tôi như nhỏ hơn, gầy đi, nhưng mắt của ông lộ vẻ sáng khoái sau bao năm mới lấy lại.

Về phần mẹ tôi, bà càng lúc càng nghĩ mình đủ sức vượt khó khăn để trở về nhà cũ.

Cả bốn người cùng bước xuống xe một lúc. Buckley từ hàng ghế sau bước tới trước để đỡ bố tôi tuy có lẽ bố tôi không cần lắm, cũng có thể để che chở bố trước mẹ tôi. Lindsey đứng phía bên kia đầu máy xe nhìn cậu em - kiểu kiểm tra thường lệ của em vẫn vận động tự hành. Em cảm thấy mình có trách nhiệm, em trai và cả bố tôi cũng đều cảm thấy có trách nhiệm với nhau. Rồi em quay sang, thấy mẹ đang nhìn mình, gương mặt bà phản chiếu màu vàng hoa thủy tiên rạng rỡ lên.

“Gì vậy mẹ?”

“Con trông giống bà nội như tạc,” mẹ tôi nói.

“Mẹ phụ con lấy hành lý với,” em gái tôi nói.

Hai mẹ con vòng ra phía thùng xe, còn em trai tôi dìu bố theo lối cửa vào cửa chính.

Lindsey đứng yên, nhìn đăm đăm vào góc tôi thùng xe. Em chỉ cần được rõ một điều.

“Mẹ sẽ còn làm bố đau khổ nữa không đấy?”

“Mẹ sẽ làm tất cả để bố không phải sầu não nữa,” mẹ tôi đáp, “nhưng lần này mẹ không hứa.” Bà đợi cho đến lúc Lindsey ngước lên, nhìn bà bằng đôi mắt đầy thách thức, như mắt một đứa trẻ đã lớn vọt lên, chạy nước rút từ cái ngày cảnh sát đến báo tin là mái nhiều đến ướt cả đất, rằng con gái bà / chị của cháu / con của ông bà đã chết.

“Chuyện gì mẹ làm con đều rõ cả.”

“Mẹ cũng biết thế.”

Em gái tôi nhấc chiếc túi ra.

Hai mẹ con nghe như có tiếng kêu: Buckley chạy ra hàng hiên trước nhà. “Chị Lindsey ơi,” em gọi, quên vẻ nghiêm nghị thường lệ, vóc người đẫy đà của em thoắt nhanh nhẹn hẳn. “Chị vào mà xem quà anh Hal đem cho em này.”

Em gõ beng beng, đập bùm bùm, đánh cheng cheng, không ngừng tay. Sau năm phút nghe tiếng chiêng trống anh Hal là người duy nhất còn tươi cười. Mọi người khác đều mường tượng được tương lai, sẽ rất ồn ào náo động.

“Bà nghĩ đã đến lúc hướng dẫn em cách sử dụng bộ cọ rồi đấy,” bà ngoại Lynn nói. Anh Hal tuân lời bà.

Mẹ tôi trao bó thủy tiên cho bà ngoại Lynn rồi đi ngay lên lầu, viện cớ vào phòng vệ sinh. Ai cũng biết bà định đi đâu: vào căn phòng cũ của tôi.

Mẹ đứng ở ngưỡng cửa, đơn độc, như thể đang đứng bên bờ Thái Bình Dương. Căn phòng vẫn sơn màu tím hoa oải hương. Bàn ghế trong phòng vẫn để nguyên chỗ cũ, chỉ thêm chiếc ghế bành chỉnh được lưng tựa của bà ngoại tôi.

“Mẹ thương con quá, Susie ơi,” mẹ nói.

Tôi nghe bố tôi nói câu này không biết bao nhiêu lần rồi, nên bây giờ tôi bị chấn động. Chính tôi cũng không ý thức rằng mình luôn mong mỏi chờ đợi câu đó từ miệng mẹ tôi. Bà cần phải có thời gian để nghiệm ra rằng tình mẫu tử không hủy diệt con người mình, và - bây giờ tôi mới biết - tôi đã cho bà quãng thời gian đó, tôi cho được vì thời gian thì tôi thừa thãi.

Bà chợt thấy một bức ảnh đặt trên chiếc tủ cũ của tôi, được bà ngoại Lynn lồng trong khung màu vàng. Đó làm tấm ảnh đầu tiên tôi chụp bà - chân dung không ai biết được của bà Abigail đang tô son môi, lúc cả nhà chưa ai thức giấc. Susie Salmon, nữ nhiếp ảnh viên chụp thú rừng, đã thu được hình ảnh một người đàn bà đang đăm đăm nhìn qua sân cỏ mù sương vùng ngoại ô này của bà.

Bà vào phòng tắm, vặn vòi xả nước chảy ào ào, xổ lô khăn tắm ra xem. Bà biết ngay người mua những chiếc khăn này là bà ngoại: màu kem, khăn lông ai lại đi lựa màu này - kiểu chữ cái thêu lồng - tức cười thật, bà thầm nghĩ. Nhưng, ngay lập tức, bà tự cười nhạo mình. Bà bắt đầu tự hỏi không hiểu cách bà giải quyết, đi đến đâu đốt sạch dấu vết mình đến đấy, rốt cuộc đã giúp gì cho bà trong bao nhiêu năm. Mẹ của bà dù nát rượu nhưng yêu thương con cháu, là chỗ dựa vững chắc tuy bà ham mấy thứ phù phiếm. lúc nào mới đúng lúc cần thôi không níu giữ không chỉ người chết mà cả kẻ đang sống nữa - học cách chấp nhận?

Lúc đó tôi không có mặt trong phòng tắm, ẩn trong bồn tắm hay vòi nước; tôi cũng không trụ trên tấm gương treo cao hơn đầu bà, hay thu nhỏ người đứng trên đầu mỗi sợi bàn chải đánh răng của Lindsey hay Buckley. Bằng cách nào đó, mà tôi không lý giải nổi - mọi người có vẻ sung sướng hân hoan thì phải? Bố mẹ tôi tái hợp và sẽ ở bên nhau mãi mãi chăng? Buckley bắt đầu nói ra được về những gì dằn vặt em chưa đây? Trái tim của bố tôi sẽ lành lặn hẳn chứ? Tôi sẽ thôi không mong mỏi thấy người thân, không đòi hỏi họ tưởng nhớ mình mãi. Nói vậy thôi chứ tôi vẫn tiếp tục thương nhớ. Và mọi người sẽ nghĩ đến tôi. Mãi mãi.

Dưới nhà, anh Hal giữ cổ tay chỉ cho Buckley cầm que cọ. “Chỉ cần quẹt phớt lên trên chiếc trống con thôi.” Buckley làm theo rồi nhìn Lindsey đang ngồi trên trường kỷ đối diện.

“Buck cừ thật!” em gái tôi khen.

“Nghe như tiếng con rắn chuông.”

Anh Hal hài lòng. “Đúng thế”, anh nói, viễn tượng về một ban nhạc Jazz, vĩ đại nhất từ xưa đến nay bắt đầu nhảy nhót trong đầu óc anh.

Mẹ tôi trở xuống dưới nhà. Khi bước vào phòng bà đưa mắt nhìn bố trước tiên. Bà ngầm tỏ cho ông thấy bà vẫn bình thường, bà vẫn đang hít không khí vào phổi, rằng núi cao nhưng bà vượt được.

“Này, tất cả nghe đây!”, bà ngoại gọi từ nhà bếp. “Samuel có đôi điều muốn nói, vậy ngồi cả xuống đi!”

Mọi người bật cười và chưa ai kịp rút vào cái vỏ bọc khép kín của mình - cuộc hội ngộ đông đủ là điều tuy ai cũng mong ước, nhưng vẫn đòi hỏi nhiều cố gắng - thì Samuel cùng bà ngoại Lynn bước vào phòng. Bà bưng một khay đầy loại sâm banh cao nghệu chờ được rót đầy. Cậu liếc mắt nhìn Lindsey.

“Bà ngoại Lynn sẽ rót rượu giúp cháu,” cậu nói.

“Việc đó bà thạo lắm mà,” mẹ nói.

“Abigail?”, bà ngoại gọi.

“Sao ạ?”

“Được gặp con mẹ cũng rất vui.”

“Samuel, cháu nói đi,” bố nói.

“Cháu muốn nói rằng cháu rất sung sướng được có mặt ở đây với cả nhà.”

Nhưng anh Hal biết tính cậu em. “Nói vậy đâu đã xong, chú mới dạo đầu thôi. Buck đâu, quẹt vài tiếng cọ xem.” Lần này anh Hal để Buckley chơi một mình, thế là Buckley đệm nhịp cho Samuel nói.

“Cháu xin tỏ lòng mừng thấy bác gái về lại, bác trai cũng được về nhà, và cháu có vinh dự được hỏi cưới cô nàng con gái xinh đẹp của hai bác.”

“Nghe được quá chứ, được lắm!” bố tôi nói.

Mẹ tôi đứng lên giữ khay cho bà ngoại, hai người đi một vòng đưa ly cho từng người.

Nhìn người thân nhấm nháp sâm banh, tôi ngẫm nghĩ về cuộc đời họ, bị xô đẩy tới trước hay dạt ngược ra sau từ ngày tôi qua đời, rồi nhìn Samuel lấy hết can đảm hôn Lindsey giữa phòng trước mặt mọi người thân, tôi cảm thấy mình được nhấc bổng khỏi nơi ấy.

Đây là nắm xương tàn thân yêu của tôi, đã hình thành quanh sự kiện tôi vắng mặt: những mối liên hệ - đôi khi ngẫu nhiên có được, đôi khi đòi hỏi nhiều công sức, nhưng tất cả đều tuyệt vời - đã kết với nhau sau khi tôi khuất bóng. Thế là từ nay tôi bắt đầu nhìn mọi chuyện theo một cách mới cho phép tôi hiểu được cái thế giới trong đó không có mình nữa. Mọi sự kiện mà cái chết của tôi gây ra chẳng qua là chỉ là những mảnh xương của một cơ thể được gom góp đầy đủ vào một thời điểm chưa dự kiến được trong tương lai. Cái giá để tôi thấy được hình hài nhiệm màu đó chính là cuộc đời ngày trước của tôi.

Bố tôi nhìn cô con gái đang đứng trước mặt. Đứa con gái trong bóng tối đã biến mất hẳn.

Được anh Hal hứa sẽ dạy em đánh trống sau bữa ăn tối, Buckley mới chịu buông dùi vào que cọ, bảy người nối đuôi nhau vòng qua bếp để vào phòng ăn, nơi Samuel và bà ngoại Lynn đã soạn sẵn các khay đẹp nhất để bầy món ziti(91) nhãn hiệu Stouffer và bánh pho-mát ngọt hiệu Sara Lee - đều là món làm sẵn đông lạnh.

91. Ziti: món làm từ bột mì cán thành lát, xếp lớp xen kẽ với thịt bằm và rau, trên rắc phó-mát, bỏ lò nướng

“Có ai ngoài cửa,” anh Hal nói khi thấy một người đàn ông qua cửa sổ. “Ray Singh kìa!”

“Mời cậu ấy vào đi,” mẹ tôi bảo.

“Cậu ấy quay ra rồi.”

Mọi người, trừ bố tôi và bà ngoại ngồi lại trong phòng ăn, ùa ra để bắt kịp anh chàng.

“Ray ơi!”, anh Hal mở cửa gọi, suýt giẫm phải cái bánh. “Đợi tí!”

Ray quay lại. Bà mẹ ngồi trong xe, máy vẫn để nổ.

“Tôi với bà cụ không muốn làm rộn gia đình,” Ray nói với anh Hal. Trong khi đó thì Lindsey,Samuel, Buckley và một bà mà anh chàng nhận ra là bà Salmon đang đứng chật cả ở hàng hiên.

“Phải bà Ruana đó không?”, mẹ tôi hỏi. “Cháu mời bà vào nhà đi.”

“Thưa phải, cảm ơn bác,” Ray đáp nhưng vẫn đứng đó không bước lại gần. Susie có đang chứng kiến cảnh này không nhỉ? Anh chàng tự hỏi.

Lindsey và Samuel tiến ra, bước về phía anh chàng.

Lúc đó mẹ tôi đã đi ra từ lối chính ra chỗ xe đậu, tựa vào cửa xe trò chuyện với bà Ruana.

Ray liếc nhìn, thấy bà mẹ mở cửa xe để đi vào nhà. “Cho hai mẹ con thì món gì cũng được trừ bánh táo,” bà vừa đi vừa nói với mẹ tôi.

“Tiến sĩ Singh bận công việc ạ?”, mẹ tôi hỏi.

“Như mọi khi thôi,” bà Ruana đáp. Bà nhìn theo, thấy Ray cùng với Lindsey và Samuel bước vào nhà. “Chị có định ghé chơi hút với tôi thứ thuốc lá nặng mùi đó nữa không?”

“Hẹn thế nhé,” mẹ tôi đáp.

“Chào Ray, ngồi xuống đi cháu,” bố tôi nói khi nhìn thấy anh chàng xuyên qua phòng sinh hoạt bước vào. Bố đặt biệt ưu ái cậu trai trẻ đã đem lòng yêu con gái ông, nhưng Buckley đã sà ngay vào chiếm chiếc ghế bên cạnh bố.

Lindsey và Samuel khiêng hai chiếc ghế từ phòng sinh hoạt sang đặt cạnh tủ bát đĩa. Bà Ruana ngồi giữa bà ngoại Lynn và mẹ tôi, còn anh Hal ngồi một mình cuối bàn.

Lúc ấy tôi mới nghiệm ra rằng họ chẳng biết lúc nào tôi biến đi, cũng không biết thỉnh thoảng tôi lẩn quẩn mãi trong một căn phòng nào đấy. Buckley đã từng trò chuyện với tôi, và tôi có đối đáp với em. Ngay cả khi tôi không nghĩ là có trò chuyện với em, thì thực sự là tôi có trò chuyện. Tôi hiển hiện theo đúng cách họ mong mỏi được thấy lại tôi.

Cô nàng lại ra đó nữa, đơn độc bước ra giữa cánh đồng ngô, trong khi mọi người khác mà tôi hằng lưu tâm đang ngồi quây quần trong một căn phòng. Cô nàng sẽ luông cảm thấy có tôi bên cạnh và tưởng nhớ tới tôi. Tôi thấy trước điều đó, nhưng tôi không thể làm gì hơn được. Trước kia Ruth là một cô gái bị ám ảnh, giờ đây cô nàng trở thành một người đàn bà bị ám ảnh. Trước kia do tình cờ đưa đẩy, còn bây giờ là hoàn toàn tự ý. Tất cả, chuyện về cuộc đời cũng như về cái chết của tôi, trở thành chuyện của cô nàng nếu cô nàng quyết định đem ra kể, dù mỗi lần chỉ kể cho một người duy nhất.

***

Bà Ruana ngồi chơi được một lúc khá lâu thì Samuel kể về ngôi nhà xây kiểu gô-tích phục hưng mà cậu đã phát hiện ở quãng cây cối rậm rạp trên đường số 30. Khi cậu kể chi tiết cho mẹ tôi nghe về ngôi nhà, tả lại giây phút cậu ấy thấy phải ngỏ lời cầu hôn với Lindsey và muốn sống với em trong ngôi nhà đó, Ray buột miệng hỏi: “Có phải ngôi nhà có lỗ thủng lớn trên trần căn phòng phía sau, và phía trên cánh cửa vào nhà có những cửa sổ trông rất đặc biệt không?”

“Phải rồi”, Samuel nói, và khi thấy bố tôi có vẻ lo lắng, cậu tiếp: “Nhưng sửa chữa được, bác Salmon ạ. Cháu bảo đảm.”

“Ông bố của Ruth là chủ ngôi nhà đó,” Ray nói.

Mọi người im lặng một lúc, rồi Ray nói tiếp:

“Ông ấy vay tiền mua lại những ngôi nhà cũ nào chưa phải phá sập. Ông ấy muống trùng tu lại.”

“Chúa ơi”, Samuel thốt lên.

Thế là tôi ra đi.