Hình hài yêu dấu - Hài cốt (Hết)

BẠN KHÔNG HAY BIẾT LÀ NGƯỜI QUÁ CỐ RA ĐI, một khi họ đã quyết định rời bạn mãi mãi. Bạn không nhất thiết phải biết điều đó. Nhiều lắm thì bạn chỉ cảm thấy họ còn đó qua tiếng rủ rỉ hay tiếng thì thầm càng lúc càng nhỏ dần ấy. Tôi thì ví nó với người đàn bà ngồi ở hàng ghế cuối trong giảng đường hay rạp hát mà chẳng ai để ý, cho đến một lúc nào đó bà ta lẻn ra ngoài. Lúc ấy chỉ những ai ngồi gần cửa, như bà ngoại Lynn, mới nhận ra, với những người kia thì chỉ như có một làn gió thoảng, không rõ từ đâu đến, trong một căn phòng đóng kín cửa.

Mãi nhiều năm sau đó bà ngoại Lynn mới qua đời, nhưng ở đây thì tôi chưa thấy bà lần nào. Tôi mường tượng bà đang nhậu một chầu trên thiên đường của bà, uống rượu bạc hà với Tennessee Williams và Dean Martin(92) trên thiên đường của bà. Lúc nào thích bà sẽ đến đây, tôi tin thế.

92. Tennessee Williams (1911-1983): nhà văn Mỹ; Dean Martin (1967-1995): danh ca, tài tử điện ảnh Mỹ.

Nếu phải nói thật thì quả tình thỉnh thoảng tôi vẫn lẻn trở về xem gia đình mình ra sao. Tôi không làm sao khác được, và người thân thỉnh thoảng cũng nhớ đến tôi. Họ cũng thế, không làm sao khác được.

Sau lễ cưới, Lindsey và Samuel ngồi uống sâm banh với nhau trong ngôi nhà còn tuềnh toàng trên con lộ 30. Cành lá của hàng cây cao chõ qua cả khung cửa sổ trên lầu, còn hai người ngồi ngay bên dưới, thấy rõ sẽ phải chặt bỏ ngay mấy cành đó. Bố của Ruth hứa sẽ bán ngôi nhà cho hai đứa nếu Samuel thuận làm nhân viên đầu tiên trong hang trùng tu nhà cửa của ông ta. Quãng cuối mùa hè năm ấy, Samuel và Buckley hợp lực, ông Connors làm xong khâu khai quang khu đất, đặt ở đó một căn nhà lưu động - ban ngày là văn phòng làm việc của ông, ban đêm thành phòng học cho Lindsey.

Thời gian đầu khá nhọc nhằn, vì thiếu điện nước, muốn tắm phải về nhà bố mẹ hai bên, nhưng Lindsey lo vùi đầu vào việc học, còn Samuel bận lùng các loại nắm đấm cửa và chao đèn thích hợp với kiểu kiến trúc thời đó. Mọi người đều ngạc nhiên khi được Lindsey báo tin rằng mình có thai.

“Em chỉ tưởng chị béo ra thôi,” Buckley nói, cười mỉm.

“Em tưởng ai cũng giống mình cả đấy,” Lindsey bảo.

Bố tôi đã mơ đến ngày ông lại sẽ truyền dạy cho một đứa bé nữa nỗi đam mê làm những con tàu thả vào chai lọ. Ông biết lúc đó niềm vui sẽ luôn đi kèm với nỗi buồn; rằng hoài niệm về tôi sẽ cứ vang vọng mãi.

Tôi xin kể cho bạn rằng biết rằng ở đây cảnh đẹp, rằng tôi, và cả bạn một ngày nào đó, không còn phải lo sợ gặp hiểm nguy gì nữa. nhưng ở thiên đường này làm gì có vấn đền an toàn, hay thực tại đầy chông gai. Ở đây chúng tôi vui chơi thỏa thích.

Chúng tôi làm toàn chuyện khiến người ở trần thế kinh ngạc hoặc cảm kích biết ơn, chẳng hạn một năm nọ cho mảnh vườn của Buckley, trồng lung tung đủ loại cây, nở rộ hoa một lúc. Tôi làm thế là vì mẹ tôi, bà quyết định ở lại và phải chăm chút mảnh vườn. Bà nhìn từng cánh hoa, cành cây hay ngọn cỏ bà ngẩn ngơ. Từ khi về bà hay ngạc nhiên lắm - trước những khúc quanh ngoắt ngoéo mà cuộc đời an bài.

Bố mẹ tôi đem hết đồ dùng của tôi bà của Bà ngoại Lynn tặng cho các hội từ thiện.

Hai ông bà chia sẻ tâm tư khi khi cảm thấy có tôi đâu đây. Chung sống ở bên nhau, hồi tưởng và nhắc nhở về người đã khuất trở thành một phần hoàn toàn bình thường trong cuộc sống của họ. Mỗi khi Buckley đập trống, tôi cũng lắng tai nghe em.

Ray nay là bác sĩ Singh, “bác sĩ chính danh trong toàn gia tộc,” như bà Ruana nói. Và anh chàng càng có dịp trải nghiệm những khoảnh khắc khiến anh phải tin là có thực. Dù quanh mình toàn những nhà phẫu thuật và khoa học gia nghiêm túc, có thẩm quyền trên thế giới trong đó trắng đen rạch ròi, anh vẫn tin là còn có những thứ khác nữa: rằng những người xa lạ thỉnh thoảng hiện ra vẫy gọi người đang hấp hối không phát xuất từ trí tưởng tượng do họ bị chứng đột quỵ, rằng anh chàng có gọi Ruth bằng tên tôi, và chuyện ân ái với tôi hoàn toàn có thực.

Khi nào hoài nghi, anh chàng gọi điện thoại cho Ruth. Ruth đã nâng cấp chỗ ở, bỏ góc buồng xép, dọn đến một căn hộ riêng, chỉ nhỉnh hơn chút ít, ở khu Lower East Side. Ruth, kẻ luông tìm cách ghi chép về những người cô nàng đã gặp và những gì cô nàng trải nghiệm. Ruth, kẻ mong mỏi mọi người tin vào những gì cô nàng biết là có thực: rằng người chết quả tình có trò chuyện với chúng ta, rằng trong khoảng không giữa những người đang sống luôn dập dìu những linh hồn bay lượn cười đùa với chúng ta. Họ là dưỡng khí ta vẫn hít thở.

Lúc này tôi đang ở tại nơi tôi gọi là Đại thiên đường, vì đó là nơi đáp ứng mọi ước vọng dù bình dị, nhỏ nhặt hay cao xa nhất của tôi. Chữ ông nội dùng là nguồn an ủi.

Cho nên ở đó ê hề bánh gọt, đầy rẫy gối nệm đủ màu, thế nhưng dưới tấm chăn muôn mảnh chắp lại rất bắt mắt kia có những chỗ như căn phòng yên ắng nọ, nơi bạn có thể vào ngồi với một người nào đấy, chỉ nắm tay nhau, không cần nói gì cả. không kể lể dài dòng. Không trách cứ than van. Nơi bạn có thể tiếp thụ mọi cảm giác trên từng làn da thứ thiệt, thời gian không hạn định. Đại thiên đường này quy tụ cả những chiếc đinh tán, những sợi lông tơ mềm trên cành lá non, những chuyến ngồi xe chạy tuột đường băng uốn hình số tám, những viên bi rơi ra, lơ lửng giữa trời rồi đưa bạn đến một nơi chốn nào đấy mà khi ở thiên đường bé nhỏ của mình bạn có nằm mơ cũng không hình dung ra nổi.

***

Một trưa nọ tôi đứng cùng ông nội, lướt mắt nhìn khắp chốn trên mặt đất. Hai ông cháu ngắm lũ chim chuyền từ ngọn nọ sang ngọn kia của những cây tùng cao nhất của vùng Maine, chia sẻ cảm giác khi chúng đáp xuống, đập cánh bay lên, rồi lại đáp xuống. Sau cùng chúng tôi dừng ở thành phố Manchester, vào quán ăn bình dân dù ông tôi vẫn còn nhớ từ thời ông ngược xuôi kiếm sống suốt mạn bờ biển phía Đông. Sau hai mươi năm quán ấy trong tồi tàn xập xệ hẳn, thấy thế chúng tôi bỏ đi. Vừa quay ra tôi chợt nhìn thấy tên Harvey: hắn đang từ trên chiếc xe buýt của hãng Greyhound bước xuống.

Hắn vào quán, tới quầy gọi một ly cà phê. Ai không biết nhìn hắn chỉ thấy một người bình thường, chính hắn cũng cố tạo vẻ đó, trừ chỗ quanh hai mắt, nhưng bây giờ hắn không mang loại kính áp tròng nữa và chẳng ai rỗi hơi nhìn qua lớp mắt kính dày cộm của hắn.

Lúc bà hầu bàn đưa hắn ly cà phê nóng bỏng bằng chất dẻo màu trắng, hắn nghe tiếng leng keng của cái chuông treo phía trên cánh cửa sau lưng vào cảm thấy có luồng gió lạnh lùa vào.

Cách chỗ hắn vài hàng ghế có một cô gái ngồi đấy cũng đã mấy tiếng đồng hồ, nghe máy Walkman, miệng lẩm nhẩm hát theo. Hắn ngồi ở quầy chờ đến lúc cô gái rời nhà vệ sinh thì theo gót cô ra ngoài.

Tôi thấy hắn bám theo cô trên sân phủ tuyết lầy bên hông quá, ra sau bến xe buýt, nơi cô tìm được một chỗ khuất gió để hút thuốc. Lúc cô đang đứng đó thì hắn mon men lại gần. Cô chẳng hề hoảng hốt. Lại một lão ăn mặc lôi thôi lếch thếch, trông mà chán.

Hắn thầm tính. Trời lạnh, tuyết đổ. Vực sâu, dốc đứng nằm ngay trước mặt. Bên kia vực là rừng cây hoang vu. Hắn lân la bắt chuyện.

“Đi đường xa nhỉ!”

Mới đầu cô nhìn hắn, như không tin rằng hắn nói với mình.

“Hừm”, cô ậm ừ.

Lúc ấy tôi mới nhận ra một dãy, dài và chi chít, ngay trên đầu họ. Băng nhũ.

Cô gái lấy gót giày dụi tắt điều thuốc, quay người định đi.

“Đồ bợm già,” cô nói, rồi rảo bước bỏ đi.

Trong chốc lát một thanh băng nhũ rơi xuống. Khối đá lạnh và nặng làm tên Harvey mất thăng bằng sẩy chân, trượt luôn xuống vực. Phải đến vài tuần sau tuyết dưới vực mới tan dần để lộ xác hẳn ra.

Nhưng bây giờ tôi xin kể cho các bạn nghe về một người đặc biệt:

Lindsey khoanh một thửa trên sân đất để làm vườn. Tôi nhìn em nhổ cỏ dại mọc ở những luống dài đầy hoa. Mấy ngón tay của em co lại trong găng khi nghĩ đến những bệnh nhân ngày ngày đến phòng khám: làm cách nào giúp họ giải mã được những lá bài mà cuộc đời phân chia cho họ, có cách nào làm giảm được những cơn đau của họ?

Tôi nhớ lại rằng những điều đơn giản nhất lại là những điều mà bộ não tôi cho là xuất chúng của em không nắm bắt được. Phải suy nghĩ lung lắm em mới hiểu ra rằng tôi luôn xung phong tỉa cỏ sát chân hàng rào, vì như thế tôi làm vườn mà vẫn chơi được với con Holiday. Em sực nhớ tới con Holiday, còn tôi dõi theo những ý nghĩ của em. Ít năm nữa, khi nhà cửa tươm tất, rào giậu xong xuôi, là đến lúc tìm cho con bé con một chú chó. Rồi em nghĩ đến chuyện hiện giờ có loại máy xén tỉa hàng rào, từ cột này đến cột kia chỉ vài phút - ngày trước chúng tôi vừa làm vừa càu nhàu, mất hàng giờ mới xong.

Lúc đó Samuel từ trong nhà đi ra chỗ Lindsey, kia kìa nó nằm trong tay cậu, bé con bụ bẫm dễ thương của tôi, chào đời mười nằm sau khi tôi sống tròn mười bốn năm trên quả đất này. Tên cháu là Abigail Suzanne. Tôi gọi là Susie-bé. Samuel đặt Susie nằm trên vuông chăn trải cạnh luống hoa. Còn Lindsey, em gái tôi, giữ mãi hình ảnh tôi trong ký ức, đó mới đúng là chỗ dành riêng cho tôi.

***

Trong một ngôi nhà nhỏ cách đó năm dặm có người đàn ông đưa cho vợ xem chiếc vòng tay dính bùn của tôi.

“Em xem này, anh tìm thấy nó ở khu công nghiệp cũ,” anh ta nói. “Một cậu thợ xây bảo là họ đang cho xe san bằng toàn khu đó. Họ sợ vẫn còn nhiều hố sụt giống cái hố từng nuốt chửng cả cái ô-tô nọ.”

Cô vợ vặn vòi rót nước vào ly, còn anh chồng tẩn mẩn lấy ngón tay xoay chiếc xe đạp bé xíu, chiếc giày ba-lê, lẵng hoa và chiếc đê khâu. Lúc cô đặt ly nước xuống, anh chồng chìa chiếc vòng.

“Cô bé có chiếc vòng này giờ chắc lớn lắm rồi,” cô vợ nói.

Gần đúng.

Nhưng không đúng hẳn.

Tôi chúc tất cả các bạn tiếp tục sống lâu, hạnh phúc.