Nhím thanh lịch - Phần 05 chương 05 - 06 - 07

SUY NGHĨ SÂU SỐ 3

Kẻ mạnh

Ở loài người

Không làm gì cả

Họ nói

Và nói

Đó là một suy nghĩ sâu của tôi, nhưng nó được sinh ra từ một suy nghĩ sâu khác. Trong bữa ăn tối hôm qua, một người khách của bố tôi đã nói: “Những ai biết làm thì làm, những ai không biết làm thì dạy, những ai không biết dạy thì dạy các thầy giáo, còn những ai không biết dạy các thầy giáo thì làm chính trị.” Tất cả mọi người đều có vẻ thấy câu nói đó rất chí lý nhưng vì lý do xấu. “Thật quá đúng,” chị Colombe nói. Chị ấy là một chuyên gia về tự phê bình giả tạo và nằm trong số những người nghĩ rằng hiểu biết tương đương với quyền lực và ân huệ. Nếu tôi biết rằng mình thuộc tầng lớp ưu tú tự thỏa mãn thường bán của cải chung với bất kỳ giá nào do quá thừa ngạo mạn, thì tôi không bị phê bình và uy tín của tôi được nhân lên gấp đôi. Bố tôi cũng nghiêng về suy nghĩ tương tự, mặc dù bố đỡ ngốc nghếch hơn chị Colombe. Bố còn tin rằng có tồn tại một thứ gì đó gọi là nghĩa vụ và, mặc dù đây chỉ là ý kiến viễn vông của tôi, điều đó bảo vệ ông khỏi sự vô liêm sỉ yếu đuối. Tôi giải thích thế này: chẳng ai ngây thơ hơn kẻ vô liêm sỉ. Bởi vì bố tôi vẫn còn hoàn toàn tin rằng thế giới có ý nghĩa và vì không thể từ bỏ những suy nghĩ ngớ ngẩn của tuổi thơ nên bố tôi chọn thái độ ngược lại. “Đời là một con đĩ, tôi không còn tin vào bất cứ điều gì nữa, tôi thấy phát buồn nôn” cũng là lời nói của một kẻ ngây thơ khi tức giận. Đó chính là chị tôi. Chị ấy đã vào học trường sư phạm, nhưng vẫn tin vào ông già Noel, không phải vì chị ấy có trái tim nhân hậu, mà vì chị ấy vẫn hoàn toàn là trẻ con. Chị ấy cười một cách ngờ nghệch khi ông bạn bố tôi nói ra câu hay ho đó, trong trường hợp tương tự, tôi biết cách lấy điểm để nói về sĩ diện, và điều này khẳng định thêm suy nghĩ lâu nay của tôi: chị Colombe là một thảm họa toàn diện.

Nhưng tôi lại tin rằng câu nói đó là một suy nghĩ sâu thực sự, chính bởi vì nó không đúng, hay đúng hơn là không hoàn toàn đúng. Ý của nó không phải như suy nghĩ ban đầu của mọi người. Nếu người ta thăng tiến trên bậc thang xã hội vì năng lực kém, thì tôi đảm bảo với các bạn rằng thế giới không chuyển động như nó đang chuyển động. Nhưng vấn đề không phải ở đó. Ý nghĩa của câu nói đó không phải là những người không có năng lực lại đứng ở vị trí cao hơn, mà là không có gì nghiệt ngã và bất công hơn cái thực tế trong xã hội con người rằng: con người sống trong một thế giới mà lời nói, chứ không phải hành động, có quyền lực, và năng lực tối thượng là khả năng làm chủ ngôn ngữ. Thật kinh khủng, bởi vì nói cho cùng, chúng ta là loài linh trưởng đã được lập trình để ăn, ngủ, sinh sản, chinh phục và bảo vệ an toàn lãnh địa của mình, và những người có năng lực nhất trong công việc này, những người mang thú tính nhiều nhất trong chúng ta, luôn luôn bị những kẻ khác lừa bịp, những kẻ nói hay nhưng không đủ khả năng bảo vệ mảnh vườn của mình, không bắt nổi một con thỏ để nấu bữa tối hay không biết sinh đẻ đúng cách. Con người đang sống trong một thế giới mà kẻ yếu thống trị. Đây là một sự xúc phạm ghê gớm tới bản chất con vật của chúng ta, một kiểu đồi bại, mâu thuẫn sâu sắc.

5

Thân phận buồn

Sau một tháng đọc say sưa, tôi quyết định, và cảm thấy cực kỳ nhẹ nhõm, rằng hiện tượng luận là một trò lừa đảo. Cũng giống như các nhà thờ luôn đánh thức trong tôi một cảm giác gần như bất tỉnh mà người ta thường cảm thấy trước sự hiện diện của cái mà con người có thể xây dựng để tôn vinh một thứ gì đó không tồn tại, hiện tượng luận quấy nhiễu đầu óc vốn luôn nghi ngờ của tôi đối với quan điểm rằng biết bao trí lực đã bị hao tổn để phục vụ cho một công việc vô ích đến như vậy. Bây giờ đang là tháng Mười một, vì thế tôi tiếc là không được ăn mận. Trong trường hợp tương tự, thực ra mà nói, mười một tháng mỗi năm tôi đành bằng lòng với sôcôla đen (70%). Nhưng tôi biết trước kết quả của bài kiểm tra. Nếu như tôi thấy thích thú khi cắn ngon lành chiếc thước mà tôi dùng để đập thật kêu vào đùi khi đọc, và một chương hay như “Phát hiện ý nghĩa cuối cùng của khoa học trong nỗ lực cảm nhận sâu sắc khoa học như hiện tượng tư duy” hay “Những vấn đề cấu thành cái tôi tiên nghiệm” thậm chí có thể làm tôi phì cười, tôi đã bị đánh trúng tim trong chiếc ghế bành êm ái của mình, vì nước mận hay vì những dòng sôcôla chảy ở khóe miệng.

Khi muốn đề cập đến hiện tượng học, người ta cần phải ý thức rằng nó được tóm tắt trong một câu hỏi kép: Bản chất của ý thức con người là gì? Chúng ta biết gì về thế giới?

Hãy cùng bàn về câu thứ nhất.

Từ hàng nghìn năm nay, từ “hãy tự hiểu mình” đến “tôi suy nghĩ do đó tôi tồn tại”, người ta không ngừng bàn tán về một tính năng không đáng kể của con người là ý thức mà con người có cùng với chính sự tồn tại của mình, và nhất là khả năng của ý thức đó tự cho mình là một chủ thể. Khi nó gãi vào đâu đó trên cơ thể con người, con người gãi và ý thức được rằng mình đang gãi. Khi được hỏi thêm nữa (liệu anh có ý thức rằng mình ý thức được về hành động gãi không?), anh ta tiếp tục trả lời rằng có, và tương tự như vậy với tất cả các câu hỏi “liệu anh có ý thức không?” có thể được đặt ra. Liệu con người có thấy đỡ ngứa hơn khi biết mình đang gãi và ý thức được điều đó không? Ý thức phản xạ có giúp đỡ ngứa không? Không hề. Biết rằng đang gãi và ý thức được rằng mình có ý thức biết việc đó không hề làm thay đổi gì đối với hành động gãi. Thêm một điều bất lợi nữa là cần phải chịu đựng sự tỉnh táo sinh ra từ cái thân phận làm người đáng buồn này và tôi cá cược năm cân mận rằng điều này càng gây thêm khó chịu, trong khi con mèo của tôi chỉ cần một động tác đơn giản của chân trước là tống khứ được cái nỗi khó chịu đó. Nhưng dường như con người lại cảm thấy rất đỗi đặc biệt, bởi vì không một loài sinh vật nào khác có thể làm được như vậy và vì thế chúng ta thoát khỏi thú tính, rằng một sinh vật có thể tự hiểu khi tự biết mình đang gãi, rằng việc ý thức của con người luôn được đặt lên trên hết nhiều phần giống với sự thể hiện của cái gì đó thần thánh mà chúng ta, nó thoát khỏi thuyết quyết định lạnh lùng chi phối tất cả các vật chất.

Toàn bộ hiện tượng luận được dựa trên niềm tin chắc chắn sau đây: ý thức phản xạ của chúng ta, dấu hiệu về phẩm cách bản thể học, là thực thể duy nhất trong chúng ta đáng để nghiên cứu, bởi vì nó cứu chúng ta thoát khỏi thuyết quyết định sinh học.

Dường như không một ai ý thức được rằng, vì chúng ta là những động vật tuân theo thuyết quyết định lạnh lùng của các vật chất, nên mọi thứ xảy ra trước đều không có giá trị.

6

Áo dài len thô

Bây giờ đến câu hỏi thứ hai: chúng ta biết gì về thế giới?

Những người theo chủ nghĩa duy tâm như Kant đã trả lời câu hỏi này.

Họ trả lời thế nào?

Họ trả lời: không nhiều.

Chủ nghĩa duy tâm, đó là quan điểm cho rằng chúng ta chỉ có thể biết cái xuất hiện trong ý thức của mình, ý thức là thực thể nửa thần thánh cứu giúp chúng ta thoát khỏi thú tính. Chúng ta biết về thế giới qua những gì ý thức của mình có thể nói về thế giới vì điều đó xuất hiện trong nó - và không hơn không kém.

Ví dụ, một con mèo dễ thương tình cờ được đặt tên là Léon. Tại sao? Bởi vì tôi thấy như thế dễ gọi hơn đối với một con mèo. Và tôi hỏi các bạn: tại sao các bạn lại có thể chắc chắn rằng đó là một con mèo, và thậm chí còn biết rằng con mèo là gì? Câu trả lời an toàn là viện dẫn ra việc nhận thức của bạn về con vật, thông qua một vài cơ chế khái niệm và ngôn ngữ, đưa bạn đến chỗ hình thành sự hiểu biết đó. Nhưng câu trả lời duy tâm là đề cao khả năng không thể biết được liệu cái mà chúng ta cảm nhận và quan niệm về con mèo, liệu con mèo trong ý thức của chúng ta có phù hợp với con mèo trong nội tâm sâu xa của nó không. Hiện tại, tôi nhận thức về con mèo của mình như một động vật bốn chân béo phì với hai túm ria mép rung rinh, và trong đầu mình, tôi đặt nó vào một ngăn kéo rồi dán nhãn “mèo”. Tuy nhiên, trên thực tế và trong chính bản chất của nó, con mèo lại là một khối tròn keo dính màu xanh lá cây và không biết kêu meo meo. Nhưng các giác quan của tôi được định dạng theo kiểu điều đó không hiện ra trong tôi; đống keo dính bẩn thỉu màu xanh lá cây đó lừa dối sự chán ngấy và niềm tin ngây thơ của tôi, nó xuất hiện trong ý thức của tôi dưới cái vỏ bề ngoài của một con vật nuôi trong nhà háu ăn và có bộ lông mượt mà.

Đó là chủ nghĩa duy tâm của Kant. Chúng ta chỉ biết về thế giới qua ý niệm mà ý thức của chúng ta tạo ra. Nhưng còn có một học thuyết làm nản lòng hơn thế, một học thuyết mở ra những quan điểm còn đáng sợ hơn việc vuốt ve một mẩu dãi màu xanh lá cây, hay buổi sáng, tống vào trong một cái hang sần sùi chỗ bánh mì mà bạn định cho vào máy nướng bánh.

Ngoài ra còn có chủ nghĩa duy tâm của Edmund Husserl. Học thuyết này làm tôi liên tưởng đến một nhãn hiệu áo dài bằng len thô dành cho các giáo sĩ say mê sự chia rẽ mờ ám của Giáo hội Baptiste.

Trong học thuyết đó chỉ có nhận thức về con mèo. Còn con mèo thì sao? Người ta bỏ qua nó. Cần gì mèo. Để làm gì? Con mèo nào? Từ đây, triết học tự cho phép mình chỉ say sưa với sự lạm dụng trí óc thuần túy. Thế giới là một thực tế không thể tiếp cận được, cho dù cố gắng tìm hiểu cũng vô ích. Chúng ta biết gì về thế giới? Hoàn toàn không biết gì. Mọi hiểu biết chỉ là kết quả tự thăm dò của chính ý thức phản tỉnh đó, do đó người ta có thể tống khứ thế giới đi.

Hiện tượng luận là “khoa học về cái xuất hiện trong ý thức.” Một ngày của nhà nghiên cứu hiện tượng luận diễn ra như thế nào? Anh ta ngủ dậy, có ý thức xoa xà phòng lên cơ thể dưới vòi hoa sen, một cơ thể tồn tại không có cơ sở, ăn vài lát bánh mì phết bơ hoặc mứt mà anh ta coi như không tồn tại, xỏ bộ quần áo giống như những dấu ngoặc đơn trống rỗng, đi đến nơi làm việc và tóm lấy con mèo.

Con mèo đó tồn tại hay không tồn tại và nó là gì trong nội tâm sâu xa của nó, anh ta không mấy quan tâm. Sự việc không quyết định được không làm anh ta để ý. Trái lại, không thể phủ nhận được rằng trong ý thức của anh ta xuất hiện một con mèo và anh ta quan tâm đến chính sự xuất hiện đó.

Vả lại, sự xuất hiện đó khá phức tạp. Chỉ riêng việc người ta có thể phân tích chi tiết đến thế hoạt động của nhận thức bằng ý thức về một vật mà bản thân sự tồn tại của nó không mang ý nghĩa quan trọng đúng là đáng được chú ý. Liệu các bạn có biết rằng ý thức của chúng ta không nhận thức được ngay lập tức nhưng lại thực hiện được hàng loạt tổng hợp phức tạp, và thông qua các mặt cắt liên tiếp để làm hiện ra ở các giác quan của chúng ta những sự vật khác nhau, ví dụ như con mèo, cái chổi hay cái vỉ ruồi và có Trời mà biết được chúng có ích lợi gì hay không? Hãy thử nhìn con mèo của bạn và tự hỏi cứ như bạn biết được đằng trước, đằng sau, bên dưới và bên trên của nó như thế nào, trong khi hiện tại bạn chỉ nhìn thấy nó từ trước mặt. Ý thức của bạn cần phải vừa tổng hợp trong khi bạn không chú ý đến vô số cảm nhận về con mèo dưới tất cả các góc độ có thể, vừa tạo ra được hình ảnh đầy đủ của con mèo mà góc nhìn hiện tại không bao giờ cho bạn thấy rõ. Tương tự như vậy với chiếc vỉ ruồi, bao giờ bạn cũng chỉ nhìn thấy một phía, mặc dù bạn có thể hình dung ra tổng thể của nó trong đầu và thật kỳ diệu, bạn biết mặt kia của nó như thế nào mà không cần phải lật lên.

Người ta cho rằng hiểu biết này rất có ích. Người ta không thể tưởng tượng ra Manuela dùng chiếc vỉ ruồi mà ngay lập tức không huy động hiểu biết rằng nó có những mặt cắt khác nhau rất cần thiết để nhận thức về nó. Thế nhưng người ta không tưởng tượng ra Manuela dùng chiếc vỉ ruồi chỉ đơn giản vì không bao giờ có ruồi trong căn hộ của những người giàu. Không ruồi, không bệnh tật, không mùi hôi thối, không bí mật gia đình. Ở nhà của người giàu, mọi thứ đều sạch sẽ, nhẵn nhụi, an toàn và do đó được bảo vệ khỏi quyền năng bạo ngược của những chiếc vỉ ruồi và không bị mất danh dự trước công luận.

Như vậy, hiện tượng luận là màn độc thoại đơn độc và không có hồi kết của ý thức với chính nó, một căn bệnh tự kỷ thuần túy và nặng nề mà chưa bao giờ có một con mèo nào thực sự gây khó chịu.

7

Ở miền Nam hợp bang

- Chị đọc gì thế? - Manuela hỏi tôi; cô ấy vừa mới tới, mệt phờ sau khi làm việc ở nhà Quý Bà de Broglie. Tối nay bà ấy mời khách ăn tối và bị lao phổi vì việc đó. Trong lúc nhận bảy hộp trứng cá đen Petrossian từ tay người giao hàng, bà ấy thở như Dark Vador(10).

10. Một nhân vật trong phim Chiến tranh giữa các vì sao.

- Một tuyển tập thơ dân gian, - tôi nói, tôi quyết định từ nay khép hẳn lại chương về Hussel.

Hôm nay, Manuela có tâm trạng rất vui, tôi nhận thấy rõ điều này. Cô ấy hào hứng dỡ một cái giỏ nhỏ đầy ắp bánh ngọt vẫn còn đặt trong những chiếc khuôn nướng màu trắng, ngồi xuống, dùng bàn tay xoa nhẵn chiếc khăn trải bàn, khúc dạo đầu của một tuyên bố mà vì nó cô ấy tới đây.

Tôi bày cốc, rồi cũng ngồi xuống và chờ đợi.

- Bà de Broglie không hài lòng với món nấm của bà ấy, - Manuela mở đầu.

- Thế thì sao? - tôi lịch sự đáp.

- Món nấm ấy không thơm, - Manuela nói tiếp với vẻ mặt không vui, cứ như khuyết điểm đó là sự lăng nhục thậm tệ đối với cá nhân cô.

Chúng tôi tận hưởng thông tin này đúng với giá trị thực của nó và tôi thích thú tưởng tượng ra bà Bernadette de Broglie đứng trong bếp, mặt mũi nhớn nhác, đầu bù tóc rối, cố sức phun lên những câu nấm củ có lỗi một thứ nước cốt được chiết xuất từ loại nấm bầu và nấm mồng gà với hy vọng nực cười nhưng điên rồ rằng rốt cuộc chúng sẽ tỏa được mùi gì đó có thể gợi nhớ đến rừng.

- Còn Neptune đã đái vào chân ông Saint - Nice, - Manuela nói tiếp. - Con chó đáng thương đó đã phải nhịn vài tiếng đồng hồ rồi, đến khi ông ấy bỏ dây dắt ra, nó không thể đợi được nữa, nó đi luôn vào gấu quần của ông ấy.

Neptune là con chó cocker của các gia chủ ở tầng bốn, bên phải. Riêng tầng ba và tầng bốn mỗi tầng được chia làm hai căn hộ (mỗi căn rộng hai trăm mét vuông). Ở tầng hai, có nhà de Broglie, ở tầng năm là nhà Arthens, ở tầng sáu là nhà Josse, còn ở tầng bảy là nhà Pallières. Ở tầng ba có nhà Meurisse và nhà Rosen. Ở tầng bốn có nhà Saint-Nice và nhà Badoise. Neptune là con chó của nhà Badoise, hay đúng hơn là của cô con gái nhà Badoise, hiện đang là sinh viên luật ở Assas và thường tổ chức đua chó cùng với đám bạn bè cũng sở hữu chó cocker và cùng học luật ở Assan.

Tôi rất có cảm tình với Neptune. Vâng, chúng tôi rất quý nhau, chắc chắn là vì có sự đồng cảm nảy sinh từ việc hai bên hiểu tình cảm của nhau ngay lập tức. Neptune cảm nhận được rằng tôi yêu nó; các ý thích khác nhau của nó tôi đều hiểu rõ. Điều thú vị là nó vẫn khăng khăng muốn là một con chó, trong khi cô chủ lại thích nó biến thành một quý ông lịch sự. Khi ra sân, ở đầu dây, tít tận đầu của chiếc dây dắt bằng da màu vàng hung, nó thèm khát nhìn những vũng nước đầy bùn ở đó. Cô chủ kéo mạnh chiếc đai ở cổ làm cho phần thân sau của nó rơi xuống sát đất, và không kiểu cách gì nữa, nó liếm luôn của quý của mình. Athéna, con chó whippet rất buồn cười của nhà Meurisse, thè lưỡi nhìn nó như nhìn một kẻ tà dâm và vừa bước đi vừa thở phì phò, đầu đầy những huyễn tưởng. Điều đặc biệt buồn cười ở giống chó cocker là khi tâm trạng muốn bông lơn, chúng đu đưa người khi bước đi; có thể nói rằng dưới chân chúng có gắn những chiếc lò xo nhỏ giúp chúng bật lên cao - nhưng rất nhẹ nhàng, không bị nảy lên. Động tác đó cũng tác động lên chân và đôi tai như tàu biển bị lắc lư, và thế là con chó cocker giống như đội một con tàu dễ thương lướt trên mặt đất, mang đến cho khung cảnh đô thị này một nét biển mà tôi rất ưa thích.

Sau cùng, Neptune cực kỳ háu ăn, sẵn sàng làm tất cả để có được một mẩu củ cải hay một mẩu bánh mì ỉu. Khi cô chủ đi qua trước gian chứa rác, nó lôi cô như điên về phía đó, thè lưỡi ra, đuôi ngoáy tít. Với Diane Badoise, đó là nỗi thất vọng. Với tâm hồn lịch lãm ấy, dường như con chó của cô ấy lẽ ra phải giống như những cô gái của xã hội thượng lưu ở Savannah, ở miền Nam hợp bang của nước Mỹ trước chiến tranh, những cô gái chỉ có thể lấy được chồng nếu giả vờ ăn không ngon miệng.

Thay vì như thế, Neptune lại là một tên yankee miền Bắc đói khát.