Người chậm - Chương 16 phần 2

Ông gấp cuốn sổ đánh tách. Nếu tai ông không nóng rực lên là tốt. Đây là điều ông sợ: bà ta biết hết, từng li từng tí. Mụ già khốn kiếp! Lúc nào ông cũng ngỡ ông làm chủ bản thân, ai ngờ ông như con chuột ở trong lồng, lao theo đường này lối nọ, càu nhàu, với một mụ đàn bà trời đánh thánh vật khống chế ông, quan sát ông, lắng nghe ông, ghi chép tỉ mỉ tiến triển của ông.

Hoặc còn tệ hại hơn, tệ ghê gớm, thảm hại, là trí tuệ bị đe doạ uốn cong? Có thể coi nó là thứ hiện tại ông chỉ gọi được là “mặt khác”? có phải đấy là điều đã xảy ra với ông; có phải nó cũng xảy ra với những người khác?

Ông rón rén ngồi vào cái ghế bành. Nếu đây không phải là khoảnh khắc quan trọng, thì là cái gì? điều bí mật lớn lao nhất trong các điều bí mật vừa lộ ra với ông. Không ngờ gì nữa, có một cõi đời thứ hai tồn tại sát cạnh cõi đời thứ nhất. Con người chạy bình bịch trong không khoảng thời gian nhất định ở cõi đời thứ nhất, rồi Thần chết hiện lên dưới cải vỏ là Wayne Blight hoặc bất cứ ai như hắn. Ngay lập tức, thời gian ngừng lại vĩnh viễn, con người rơi xuống một cái hố tối tăm. Rồi, hấp! Con người xuất hiện ở cõi đời thứ hai giống hệt cái thứ nhất, thời gian lại tiếp tục và bao giờ hoạt động trở lại - bay trong không khí như một con mèo, đám đông người tò mò đứng xem, xe cấp cứu, bệnh viện, bác sĩ Hanse, vân vân - trừ một điều, hiện giờ Elizabeth Costello hoặc một người như bà ta đè đầu cưỡi cổ ông.

Bỏ cách một quãng, từ chữ C-H - Ó trong cuốn sổ đến cuộc sống sau cái chết. Một sự phỏng đoán hung dữ. Có lẽ ông sai. Nhiều khả năng ông sai. Nhưng dù ông đúng hay sai, dù cái sự do dự nhất mà ông gọi là “mặt khác” có thực hay chỉ là ảo tưởng, tính ngữ đầu tiên chợt đến trong đầu ông, hiện ra từng chữ một đàng sau mí mắt do một cái máy chữ trên thiên đường đánh ra là đáng thương. Nếu chết chẳng là gì ngoài một trò bịp bợm, biết đâu cũng hay ho như trò chơi chữ, nếu cái chết chỉ là tiếng nấc đúng lúc sau đó sự sống tiếp tục như trước kia, thì sao phải rối rít om sòm? Liệu con người có được khước từ sự bất tử này, định mệnh đáng thương này? tôi muốn cuộc đời cũ của tôi trở lại, cái cuộc đời đã chấm dứt trên đường phố Magill.

Ông mệt lử, đầu óc quay cuồng, vừa nhắm mắt là chìm ngay vào giấc ngủ. Nhưng ông không muốn nằm trơ ra ở đây, phơi bày lộ liễu khi mụ Costello trở về. Ông bắt đầu nhận ra một đặc tính của bà ta, xảo quyệt hơn cả chó sói, sự hiện diện của bà ta chỉ làm ông căng thẳng và không tin cậy tí nào. Ông hình dung quá dễ dàng bà ta lảng vảng từ phòng này sang phòng kia trong bóng tối, hít hít, lùng sục, rình mò.

Ông vẫn ngồi trong ghế bành và thấy hơi run. Đứng trước ông không phải cái bà Costello cáo già mà là Marijana Jokić trùm khăn màu đỏ, người phụ nữ bằng cách nào đó (trong giây lát ông không thể nhớ ra vì soa, đầu óc ông quá mụ mẫm) là căn nguyên, nguồn gốc của mọi chuyện rắc rối này.

- Ông Rayment, ông ổn chứ?

- Marijana! Vâng, tất nhiên. Đương nhiên là tôi ổn - nhưng không đúng vậy. Ông không khỏe. Miệng ông hôi hám, lưng ông cứng đờ, và ông không thích bị giật mình - Mây giờ rồi?

Marijana phớt lờ câu hỏi. Chị đặt một cái phong bì lên bàn nước cạnh ông.

- Séc của ông - chị nói - Anh ấy bảo trả lại, chúng tôi không nhận tiền của ông. Chồng tôi ấy mà. Nhà tôi nói anh ấy không nhận tiền của người đàn ông khác.

Tiền. Drago. Một kiểu suy nghĩ khác hẳn. Ông trầm tĩnh lại.

- Thế Drago thì sao? - ông nói - Việc học của Drago thì sao?

- Nhà tôi bảo Drago có thể đi học như cũ, không cần vào trường nội trú.

Cô bé Ljuba đang mút ngón tay cái, lơ đãng sờ vào váy mẹ. Mụ Costello kín đáo lướt vào phòng, đàng sau cô bé. Bà ta đã vào nhà trong lúc ông đang ngủ?

- Chị có muốn tôi nói chuyện với anh ấy không? - ông nói.

Marijana lắc đầu mạnh mẽ. Chị không thể tưởng tượng nổi bất cứ việc gì tệ hơn, ngu xuẩn hơn.

- Thôi được, vậy chúng ta sẽ nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. Có lẽ bà Costello muốn có vài lời khuyên.

- Chào Ljuba - Elizabeth Costello nói - ta là bạn của mẹ cháu, cháu cứ gọi ta là Elizabeth hoặc là bà Elizabeth. Rất tiếc đã nghe được chuyện của cô Marijana, nhưng tôi mới biết chuyện nên tôi nghĩ là không nên can thiệp.

Lúc nào bà chẳng can thiệp, ông nghĩ, cay cú. Tại sao bà lại ở đây, nếu không định xen vào?

Thở dài gần như khóc, Marijana gieo mình xuống chiếc sofa. Chị che mắt, lúc này nước mắt đang mấp mé. Ljuba đến cạnh mẹ.

- Thằng bé giỏi giang như thế - chị nói - Khá như thế - chị chợt nức nở - Nó muốn đi lắm chứ.

Trong cuộc đời khác, ông trẻ và còn nguyên vẹn hơi thở thơm tâm hồn, ông sẽ ôm Marijana vào trong vòng tay, hôn để lau nước mắt cho chị. Hãy tha thứ cho anh, tha thứ cho anh ông sẽ nói. Anh đã không chung thủy với em, anh không hiểu vì sao! Chuyện ấy chỉ xảy ra có một lần và không bao giờ xảy ra nữa! Hãy tiếp nhận tình yêu của anh, anh sẽ chăm sóc em cho đến ngày nhắm mắt, anh xin thề.

Cặp mắt đen láy của con bé nhìn xoáy vào ông. Ông đã làm gì mẹ cháu? Hình như nó hỏi. Tất cả là lỗi của ông!

- Chúng ta còn nhiều thời gian - ông nói, giọng chắc chắn nhất - Còn một tuần lễ nữa mới hết hạn nộp đơn cho năm sau. Tôi sẽ bảo đảm khoản học phí, tôi sẽ nhờ luật sư của tôi viết một thư bảo lãnh cho họ, hình như việc đó không được làm trực tiếp.tôi sẽ nói chuyện với chồng chị, khi nào anh ấy đã dịu. Tôi tin chắc chị có thể đưa cháu nó đi, chị và Drago với nhau.

Marijana nhún vai tuyệt vọng. Chị nói gì đó với con mà ông không hiểu, cô bé lon ton ra khỏi phòng rồi trở lại, cầm một nắm khăn giấy. Marijana hỉ mũi ầm ĩ. Nước mắt, nước mũi nhầy nhụa, khía cạnh ít lãng mạn nhất của nỗi buồn tận cùng. Giống như tận cùng hoạt động tình dục là những vết bẩn và mùi.

Chị có nhận ra chuyện gì đã diễn ra đã đây, trên chiếc sofa chị ngồi? chị có thể cảm thấy không?

- Hoặc là - ông nói tiếp - nếu trở thành vấn đề danh dự, nếu chồng chị không muốn nhận tiền của người đàn ông khác, có lẽ chúng ta sẽ thuyết phục bà Costello viết séc, làm người trung gian cho việc làm chính đáng này.

Đây là lần đầu tiên ông quyết định khử mụ Costello. Ông cảm thấy trào dâng cảm giác đắc thắng.

Bà Costello lắc đầu.

- Tôi không tin có thể can thiệp được - bà nói - Thêm nữa trong thực tế có nhiều khó khăn nhất định, nên tôi không thích dính vào thì hơn.

- Như thế nào? ông nói.

- Nên tôi không thích dính vào thì hơn - bà ta nhắc lại.

- Tôi chẳng thấy có gì khó khăn - ông nói - Tôi viết một cái séc cho bà và bà viết séc lại cho nhà trường. Chẳng có gì đơn giản hơn. Nếu bà không làm việc đó, nếu bà từ chối, như bà nói là can thiệp, xin bà đi ngay cho. Đi đi và để mặc chúng tôi.

Ông hy vọng sự chua cay của ông làm bà ta bối rối. Nhưng bà ta chẳng bối rối chút nào.

- Để mặc các người? - bà ta nói khẽ, khẽ đến nỗi chỉ có ông nghe thấy - Nếu tôi để mặc các người, - cái nhìn của bà ta lướt qua Marijana - Nếu tôi để mặc hai người lại với nhau, ông sẽ ra sao đây?

Marijana đứng dậy, xì mũi lần nữa và nhét gọn chiếc khăn vào ống tay áo.

- Chúng tôi phải đi đây - chị nói kiên quyết.

- Giúp tôi đứng dậy, Marijana - ông nói - nhờ chị.

Ở đầu cầu thang, ngoài tầm nghe của mụ Costello, chị quay sang ông.

- Elizabeth là bạn tốt của ông?

- Tốt ư? Không.tôi không nghĩ thế. Không phải là bạn tốt, cũng không phải là bạn thân. Tôi chưa bao giờ để mắt đến bà ta, mãi đến gần đây. Thực ra, bà ta không phải là bạn gì hết. Elizabeth là nhà văn chuyên nghiệp. Bà ta viết truyện, tiểu thuyết. Hiện tại, bà ta đang săn lùng các nhân vật để đưa vào cuốn sách dự định viết. Hình như bà ta rất hy vọng vào tôi. Tiếp theo là đến chị. Nhưng tôi không thích. Chính vì thế bà ta quấy rầy tôi. Cố làm cho tôi thích hợp

Bà ta đang cố khống chế cuộc sống của tôi. Đấy là câu ông muốn nói. Nhưng lôi kéo Marijana trong tình cảnh của chị lúc này dường như không ngay thẳng. Hãy cứu tôi với.

Marijana tặng ông nụ cười yếu ớt. Dù nước mắt đã cạn, song mắt chị vẫn đỏ, mũi chị sưng phồng. Buổi sáng rực rỡ từ trời cao tàn nhẫn chiếu thẳng vào chị, da chị thô không trang điểm, răng chị đổi màu. Người đàn bà này là ai, ông nghĩ, mình đang thương mến ai thế này? một điều bí ẩn, tất cả đều là huyền bí. Ông cầm tay chị.

- Tôi sẽ ủng hộ chị - ông nói - Tôi sẽ giúp đỡ chị, tôi xin hứa. Tôi sẽ giúp Drago.

- Mẹ ơi - con bé rên rỉ.

Marijana rút tay ra.

- Mẹ con tôi phải đi thôi - chị nói và ra đi.

Mười bảy

- Tôi có khách - ông tuyên bố với mụ Costello - Tôi e rằng tối nay sẽ không tiện cho bà. Có khi bà muốn có những cuộc dàn xếp khác.

- Tất nhiên rồi. Tôi mừng thấy ông trở lại với hoạt động xã hội. Để tôi xem nào.. Tôi sẽ làm gì nhỉ? Có lẽ đi xem phim. Ông biết có gì đáng xem không?

- Tôi chưa nói rõ ý mình. Khi nói có những cuộc dàn xếp khác, ý tôi là bà nên đi ở chỗ khác.

- Chà, vậy theo ông thì tôi nên ở đâu?

- Tôi không biết. Bà đi đâu không phải việc của tôi. Có lẽ nên trở lại nơi bà ra đi.

Im lặng.

- Ra thế. - bà ta nói - Ít ra ông cũng nói thẳng thừng - rồi thêm - Ông nhớ không Paul, câu chuyện về Sinbad và ông già?

Ông không đáp.

- Bên bờ một dòng suối nước tràn mênh mông, Sinbad gặp một ông già. “Tôi già và ốm yếu” - ông già nói - hãy đưa tôi sang bờ bên kia và Đức Allah sẽ phù hộ cho anh”. Là một anh chàng tốt bụng, Sinbad nhấc ông già lên vai và lội qua dòng suối. Nhưng sang đến bờ bên kia, ông già không chịu tụt xuống. Ông ta quặp chặt chân quanh cổ Sinbad cho đến lúc Sinbad thấy ngạt thở. “Bây giờ ngươi là nô lệ của ta” ông già nói “ngươi phải tuân lệnh ta mọi việc”.

Ông nhớ ra câu chuyện ấy rồi. Trong một quyển sách tên là Những truyện cổ hay, trong tủ sách của ông ở Lourdres. Ông nhớ sâu sắc bức tranh minh hoạ: lão già gầy giơ xương, đóng mỗi cái khố, đôi chân khẳng khiu quặp quanh cổ Sinbad, còn chàng lội trong dòng nước cao đến eo. Quyển sách ấy ra sao rồi? cái tủ sách và nhiều thứ khác của một cậu bé ở Pháp đã vượt đại dương đến một đất nước mới giờ ra sao? Nếu ông trở lại ngôi nhà của ông bố dượng ở Ballarat, liệu có tìm thấy chúng trong tầng hầm, truyện Sinbad, cáo và quạ, Jeanne d’Arc? Và bao truyện khác đóng trong những cái thùng các tông, kiên nhẫn đợi người chủ tí hon trở về và cứu chúng. Hay người đàn ông Hà Lan ấy đã vứt chúng đi từ lâu, sau khi ông ta góa vợ?

- Phải, tôi nhớ rồi - ông nói - Tôi hiểu tôi là Sinbad trong truyện còn là là lão già? Trong việc này bà đang đứng trước một khó khăn. Bà không có ý leo lên vai tôi đấy chứ? - mà tôi làm việc này cho khéo sao được? tôi sẽ không giúp bà đâu.

Bà Costello cười, nụ cười bí ẩn.

- Có khi tôi đã leo lên cổ ông rồi - bà ta nói - mà ông không biết thôi.

- Không, chưa đâu, bà Costello. Tôi không dưới quyền bà, không một chút nào, và tôi sẽ chứng minh điều đó. Tôi yêu cầu bà trả lại tôi chìa khóa - chiếc chìa khóa bà đã cầm mà không được phép - mời bà ra khỏi nhà tôi và không quay lại.

- Nói với một bà già như thế thật khó nghe, ông Rayment. Có chắc là ông muốn thế không?

- Bà Costello, đây không phải là một vở hài kịch. Tôi yêu cầu bà ra đi.

Bà ta thở dài:

- Giờ mới hay đây. Nhưng chắc là tôi không biết sẽ xảy ra chuyện gì với tôi trong cảnh mưa trút như thác và trời sắp tối đen tối mò như thế này.

Trời không mưa, cũng không tối. Một buổi chiều dễ chịu, ấm áp và êm ả, loại buổi chiều làm con người vui sướng vì được sống.

- Này - bà ta nói - chìa khóa của ông đây. - bà đặt cái biểu tượng của sự giải phóng lên bàn nước, cẩn thận quá mức - Tôi cần một sự chiếu cố ngắn ngủi đủ thu dọn đồ đạc và sửa sang diện mạo. Rồi tôi sẽ đi, và ông lại chỉ có một mình. Tôi biết chắc ông đang mong thế lắm.

Ông sốt ruột quay mặt đi. Vài phút sau bà ta trở lại.

- Tạm biệt - bà chuyển cái túi mua hàng từ tay phải sang tay trái, chìa bàn tay phải cho ông - Tôi còn để lại một vali nhỏ. Một, hai hôm nữa tôi sẽ cho người đến lấy, khi tôi tìm ra chỗ khác.

- Bà mang ngay vali đi tôi sẽ thích hơn.

- Không thể được.

- Có thể lắm chứ, và tôi sẽ mừng hơn những bà làm thế.

Họ không nói gì thêm nữa. Từ cửa đàng trước, ông quan sát bà xuống cầu thang, nấn ná, từng một, tay xách cái vali. Nếu là một người đàn ông hào hoa, ông sẽ đề nghị giúp, dù chân ông có hỏng hay không. Nhưng trong trường hợp này, ông không muốn là người hào hoa. Ông chỉ muốn bà ta cuốn xéo ra khỏi đời ông.