Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 04 - Phần 03

Năm thứ năm (202 trước công nguyên), Cao Tổ cùng quân của chư hầu đánh quân Sở thắng Hạng Vũ một trận quyết liệt ở Cai Hạ. Hoài Âm Hầu Hàn Tín cầm ba mươi vạn quân đương đầu với quân địch, Khổng Tướng Quânn ở cánh tả, Phi Tướng Quân ở cánh hữu, Hoàng đế ở phía sau. Giáng Hầu, Sài Tướng Quân ở sau lưng Hoàng đế. Quân của Hạng Vũ vào khoảng mười vạn. Hoài Âm Hầu đánh đầu tiên không thắng nổi, rút lui. Khổng Tướng Quân và Phi Tướng Quân đem quân đến giúp. Quân Sở không thắng nổi. Hoài Âm Hầu nhân lúc ấy tiến lên đánh quân Sở đại bại ở Cai Hạ. Binh sĩ Hạng Vũ nghe trong quân Hán hát những bài ca nước Sở cho rằng quân Hán đã lấy tất cả đất Sở rồi; Hạng Vũ thua bỏ chạy cho nên quân thua to. Hán Vương sai Kỵ Tướng Quân Quán Anh đuổi theo giết Hạng Vũ ở Đông Thành, chém đầu tám vạn người, bèn bình định được đất Sở; Nước Lỗ theo Sở giữ vững thành, quân Hán lấy không được. Hán Vương đem quân chư hầu đi về hướng bắc, chỉ cho các vị phụ lão ở Lỗ thấy đầu Hạng Vũ, Lỗ mới đầu hàng. Hán Vương bèn chôn cất Hạng Vũ với danh hiệu Lỗ Công ở Cốc Thành. Hán Vương trở về đến Định Bào, phi ngựa vào thành của Tề Vương, cướp quân của Tề Vương. Tháng giêng, chư hầu cùng các quan văn vũ suy tôn Hán Vương làm Hoàng đế, Hán Vương nói :

- Ta nghe nói: “Người hiền mới được làm đế, nếu không chỉ là lời nói suông không nên làm”. Ta không dám lên ngôi đế.

Quần thần đều nói :

- Đại vương xuất thân thấp hèn, giết bọn bạo ngược, bình định bốn biển, người nào có công thì được cắt mà phong làm vương, làm hầu. Nế? đại vương không có danh hiệu tôn quý thì họ đều nghi không tin. Bọn thần liều chết xin giữ điều đó.

Hán Vương ba lần nhường không được, bất đắc dĩ nói :

- Nếu các ông đều cho thế là tiện thì tôi nhận, vì tiện lợi của quốc gia.

Ngày giáp ngọ, Hán Vương bèn lên ngôi Hoàng đế ở phía bắc sông Tự Thủy. Hoàng đế nói :

- Nghĩa Đế không có con cháu, Tề Vương Hàn Tín quen phong tục của Sở, cho nên dời Tề Vương làm Sở Vương đóng đô ở Hạ Bì (41). Lập Kiến Thành Hầu là Bành Việt làm Lương Vương, đóng đô ở Định Đào, lập vua Hàn trước kia là Tín làm Hàn Vương, đóng đô ở Dương Địch. Dời Hành Sơn Dương Ngô Nhuế làm Trường Sa Vương, đóng đô ở Lâm Tương. Tướng của phiên quân là Mai Quyên có công theo Cao Tổ vào Vũ Quan, cho nên Cao Tổ tỏ ra ân đức với ông ta. Hoài Nam Vương Kình Bố, Yên Vương Tang Đồ, Triệu Vương Ngao đều như cũ.

Thiên hạ bình định, Cao Tổ đóng đô ở Lạc Dương chư hầu đều làm tôi. Hoan trước đấy làm Lâm Giang Vương, theo Hạng Vũ, phản lại Hán. Cao Tổ sai Lư Quán, Lưu Giả bao vây Hoan, nhưng không lấy được thành, mấy tháng sau Hoan đầu hàng và bị giết ở Lạc Dương. Tháng 5 bãi binh, binh sĩ đều được giải ngũ về nhà. Con cái các chư hầu ở Quan Trung được tha mười hai năm thuế. Người nào trở về nước mình thì tha cho sáu năm thuế để nuôi sống và thưởng cho một năm thuế.

Cao Tổ đặc tiệc rượu ở phía nam cung Lạc Dương. Cao Tổ nói :

- Liệt hầu và các tướng đừng giấu giếm. Tất cả đều nói tình thực. Tại sao ta lấy được thiên hạ? Tại sao họ Hạng mất thiên hạ?

Cao Khởi và Vương Lăng nói :

- Bệ hạ ngạo mạn và khinh người. Hạng Vũ nhân từ và thương người. Nhưng bệ hạ sai ai cướp được thành, lấy được đất, hàng phục được nơi nào thì cho ngay nơi ấy, cùng chung lợi với thiên hạ. Hạng Vũ ghen người giỏi, ghét người có tài, hại người có công, nghi người hiền. Khi đánh thắng thì không thưởng công cho người ta, khi được đất, thì không cho người ta hưởng lợi, do đó cho nên mất thiên hạ.

Cao Tổ nói :

- Ngươi chỉ biết một mà chưa biết hai, phàm việc tính toán trong màn trướng mà quyết định được sự thắng ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Tử Phòng (42), trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ta không bằng Tiêu Hà. Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là nhất định thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người này đều là những kẻ hào kiệt, ta biết dùng họ cho nên lấy được thiên hạ. Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà không biết dùng cho nên bị ta bắt.

Cao Tổ muốn đóng đô vỉnh viễn ở Lạc Dương. Lưu Kinh người đất Tề nói với Lưu Hầu Trương Lương khuyên vua vào đóng đô ở Quan Trung. Ngay hôm ấy, Cao Tổ lên xe ngựa vào đóng ở Quan Trung. Tháng 6, đại xá thiên hạ.

Tháng 10, Yên Vương Tang Đồ làm phản, đánh lấy đất Đại. Cao Tổ thân hành cầm quân đánh, bắt được Yên Quân Tang Đồ, lập Thái úy Lương Quán làm Yên Vương, sai Thừa tướng Phàn Khoái cầm quân đánh đất Đại. Mùa thu năm ấy, Lợi Cơ làm phản Cao Tổ thân hành cầm quân đánh, Lợi Cơ bỏ chạy. Lợi Cơ nguyên là tướng của họ Hạng, khi họ Hạng thua trận, Lợi Cơ làm Trần Công không trốn theo hàng Cao Tổ nên được Cao Tổ phong hầu ở Đĩnh Xuyên. Cao Tổ đến Lạc Dương cầm sổ tất cả các thông hầu (43) và triệu tập họ. Lợi Cơ sợ cho nên làm phản.

Năm thứ 6 (201 trước công nguyên) Cao Tổ cứ năm ngày đến thăm Thái Công theo như lễ cha con trong nhà. Viên quan lệnh ở nhà Thái Công nói :

- Trên trời không có hai mặt trời, dưới đất không có hai vua. Nay Hoàng đế tuy là con nhưng là vua, ngài tuy là cha nhưng là tôi. Lẽ nào ngài lại khiến nhà vua lạy bầy tôi như vậy? Làm như vậy thì uy lớn không thi hành được.

Sao đó Cao Tổ đến thăm Thái Công. Thái Công cầm chổi ra cửa đón đi thụt lùi. Cao Tổ cả kinh, xuống xe đỡ Thái Công, Thái Công nói :

- Hoàng đế là vua, lẽ nào lại vì tôi mà làm sai phép tắc của thiên hạ.

Cao Tổ bèn tôn Thái Công làm Thái Thượng Hoàng, khen viên lệnh trong nhà Thái Công, thưởng cho ông ta 500 cân vàng.

Tháng 12, có người báo với nhà vua có việc biến động, rằng Sở Vương Hàn Tín mưu phản, nhà vua hỏi các quan chung quanh đến tranh nhau giục nhà vua đánh. Nhà vua dùng kế của Trần Bình giả vờ đi chơi đầm Vân Mộng, hợp chư hầu ở đất Trần. Sở Vương Hàn Tín đến đón liền bị bắt.

Hôm ấy đại xá thiên hạ. Điền Khẳng mừng Cao Tổ :

- Bệ hạ bắt được Hàn Tín, lại cai trị Quan Trung. Tần là nước hình thế hiểm trở, sông núi bao quanh như cái đai, cách thiên hạ ngàn dặm, với hai vạn người cầm giáo có thể chống lại một trăm vạn người. Địa thế tiện lợi cho nên khi đem quân xuống đánh chư hầu cũng như người ở trên nhà cao đổ một chậu nước xuống. Nước Tề phía đông có Lang Gia, Tức Mặc mầu mỡ, phía nam có núi Thái Sơn vững chắc, phía tây có dòng sông Hoàng Hà nước đục làm giới hạn, phía bắc có cái lợi là biển Bột Hải, đất vuông hai ngàn dặm với hai mươi vạn quân Tề có thể chống cự nổi một trăm vạn quân cách xa ngàn dặm. Cho nên hai nơi này gọi là Đông Tần và Tây Tần. Nều không phải là con em thân thích thì không phải cho làm vương nước Tề được (44).

Cao Tổ nói :

- Phải đấy!

Bèn thưởng 500 cân vàng. Mười ngày sau, Cao Tổ phong Hàn Tín làm Hàm Âm Hầu chia đất đai của Tín làm hai nước. Cao Tổ nói :

- Lưu Giả có nhiều công phong cho làm Kinh Vương làm vương ở Hoài Đông người em của ta là Giao làm Sở Vương cai trị Hoài Tây, con của ta là Phi làm Tề Vương cai trị bảy mươi thành. Những người nào nói được tiếng Tề thì đều thuộc vào nước Tề.

Cao Tổ bèn xét đến vào công lao của mỗi người cùng các liệt hầu, chặt phù, phong đất, dời Hàn Vương Tín đến Thái Nguyên.

Năm thứ 7 (200 trước công nguyên) Hung Nô đánh Hàn Vương Tín ở Mã Ấp. Tín nhân bàn mưu với chúng làm phản ở Thái Nguyên. Những người ở Bạch Thổ, Mạn Khâu và Vương Hoàng lập viên tướng trước kia của nước Triệu là Triệu Lợi làm vua để làm phản. Cao Tổ thân chinh đi đánh. Gặp lúc trời lạnh trong số mười binh sĩ thì có hai, ba người rụng ngón tay. Cao Tổ đến Bình Thành, quân Hung Nô vây quân ta bảy ngày ở Bình Thành, sau đó mới bỏ đi. Nhà vua sai Phàn Khoái ở lại, bình định đất Đại, lập người anh của Cao Tổ là Lưu Trọng làm Đại Vương.

Tháng 2, Cao Tổ từ Bình Thành qua thành Lạc Dương của Triệu đến Trường An. Cung Trường Lạc đã xây xong từ Thừa tướng trở xuống đều dời đến Trường An.

Năm thứ 8 (199 trước công nguyên) Cao Tổ đem quân về hướng đông đánh những quân giặc sót lại của Hàn Vương Tín ở Đông Viên. Thừa tướng Tiêu Hà đã xây xong cung Vị Ương, dựng cửa phía đông, cửa phía bắc, kho võ khí, kho lúa ở điện đằng trước. Cao Đế quay về thấy cung và cửa cung to lớn quá, cả giận bảo Tiêu Hà :

- Thiên hạ đang khổ sở vì chiến tranh đã lâu, việc thành bại chưa biết như thế nào, tại sao lại dựng cung thất quá chừng như vậy?

Tiêu Hà nói :

- Thiên hạ vừa mới ổn định cho nên có thể nhân đó mà xây dựng cung thất. Nhà vua lấy bốn biển làm nhà, cung thất không tráng lệ thì không làm cho uy thế mình thêm lớn. Vả chăng, không thể để cho đời sau có thể có gì thêm vào việc bệ hạ đã làm.

Cao Tổ bèn bằng lòng. Cao Tổ đến Đông Viên, đi qua Bách Nhàn, bọn Quán Cao làm Thừa tướng nước Triệu mưu giết Cao Tổ. Cao Tổ thấy xúc động trong lòng, nên không ở lại (45). Vua Đại là Lưu Trọng bỏ nước trốn, thân hành trở về Lạc Dương, bị phế truất cho làm Hợp Dương Hầu.

Năm thứ 9, việc làm phản của bọn Thừa tướng nước Triệu là Quán Cao bị lộ, bị giết cả ba họ, Cao Tổ phế truất Triệu Vương Ngao làm Tuyên Bình Hầu, năm ấy dời bọn quý tộc nước Sở là các họ Chiêu, Khuất, Cảnh, Hoài và họ Điền nước Tề đến Quan Trung. Cung Vị Ương đã xong, Cao Tổ triệu chư hầu, quần thần đặt tiệc rượu ở điện trước cửa cung Vị Ương. Cao Tổ cầm chén ngọc đứng dậy chúc thọ Thái Thượng Hoàng, nói :

- Trước đây cha cho tôi không làm được việc gì, không lo làm ăn chẳng bằng anh Trọng. Bây giờ công nghiệp tôi làm so với anh Trọng thì ai hơn?

Quần thần trên điện đều hô “vạn tuế” tất cả cười vang rất là vui vẻ.

Năm thứ 10, tháng 10, Hoài Nam Vương Kình Bố và Lương Vương Bành Việt, Yên Vương Lư Quán, Kinh Vương Lưu Giả, Sở Vương Lưu Giao, Tề Vương Lưu Phi, Trường Sa Vương Ngô Nhuế đều đến chầu ở cung Trường Lạc. Mùa xuân và mùa hạ không có gì xảy ra. Tháng 7 Thái Thượng Hoàng mất ở cung Vị Ương. Sở Vương và Lương Vương đều đến đưa tang, Cao Tổ tha những người bị tù ở Lịch Dương, đổi tên Lịch Ấp là Tân Phong. Thánh 8, tướng quốc nước Triệu là Trần Hy làm phản ở đất Đại. Nhà vua nói :

- Hy trước kia thường làm sứ giả của ta, rất được tin cậy. Đất Đại là nơi quan trọng đối với ta, cho nên phong Hy làm hầu để làm tướng quốc và giữ đất Đại. Nay hắn lại cùng bọn Vương Hoàng dùng vũ lực cướp đất Đại. Quan lại và dân chúng đất Đại đều không có tội, ta tha tội cho họ.

Tháng 9, nhà vua thân hành đi về hướng đông đánh Trần Hy. Khi đến Hàm Đan, nhà vua mừng rỡ nói :

- Hy không chiếm cứ Hàm Đan ở phía Nam mà lại chẹn sông Chương Thủy, ta biết rằng hắn không làm gì được!

Khi nghe nói các tướng của Hy nguyên trước là con buôn, vua nói :

- Ta đã biết phải cho chúng cái gì rồi. (46) 

Bèn đút lót cho các tướng của Hy nhiều vàng. Nhiều người ra hàng.

Năm thứ 11, nhà vua giết bọn Trần Hy ở Hàm Đan. Công việc chưa xong, tướng của Hy là Hầu Sưởng cầm đầu hơn vạn quân quấy nhiễu, Vương Hoàng đánh Liễu Thành, Hán sai tướng quân Quách Mông cùng tướng nước Tề đánh phá tan. Thái úy Chu Bột đi theo đường Thái Nguyên vào bình định đất Đại. Khi tới Mã Ấp, Mã Ấp không hàng phục, Chu Bột tấn công và tàn phá thành này. Tướng của Hy là Triệu Lợi giữ thành Đông Viên, Cao Tổ đánh không lấy được. Đã hơn một tháng, binh sĩ của Lợi mắng nhiếc Cao Tổ, Cao Tổ nổi giận. Đến khi thành đầu hàng, Cao Tổ sai chém những người đã mắng nhiếc mình, còn những người không mắng nhiếc thì tha cho. Cao Tổ cho chia đất Triệu và miền ở bắc cho các núi lập con của mình là Hằng làm Đại Vương, đóng đô ở Tấn Vương.

Mùa xuân Hoài Âm Hầu Hàn Tín mưu phản ở Quan Trung bị giết cả ba họ. Mùa hạ, Lương Vương Bành Việt mưu phản, bị phế truất dời đi đất Thục, sau đó lại muốn phản, nên giết cả ba họ. Nhà vua lập người con là Khôi làm Lương Vương, lập người con là Hữu làm Hoài Dương Vương. Tháng bảy, mùa thu, Hoài Nam Vương Kình Bố làm phản ở phía đông lấy đất của Kinh Vương Lưu Giả, phía bắc, vượt qua sông Hoài. Sở Vương là Giao bỏ chạy vào đất Tiết, Cao Tổ thân hành đem quân đến đánh, lập người con trưởng của mình làm Hoài Nam Vương; Tháng mười, năm thứ 12, sau khi đánh xong quân của Kình Bố ở Hội Truỵ, Kình Bố bỏ chạy. Cao Tổ sai biệt tướng đuổi theo. Cao Tổ trở về đi qua đất Bái, dừng lại ở đây, đạt rượu ở Bái Cung mời tất cả những người quen biết cũ, không kể già trẻ, cho uống tha hồ. Sai chọn những đứa trẻ ở Bái được một trăm hai mươi người, dạy cho hát; Khi uống rượu say, Cao Tổ gõ đàn trúc, đứng dậy tự làm bài ca :

Gió lớn thổi dậy chừ, mây bay ngổn ngan!

Uy vang bốn biển chừ, về quê hương,

Làm sao có được kẻ sĩ mạnh chừ giữ bốn phương

Sai bọn con trẻ tập hát bài ấy. Cao Tổ bèn đứng dậy múa, lòng cảm khái buồn bã, khóc và nói với những người phụ huynh đất Bái :

- Kẻ đi xa nhớ làng cũ. Ta tuy đóng đô ở Quan Trung nhưng sau khi trăm tuổi hồn phách của ta vẫn còn thích đất Bái. Ta xuất thân là Bái Công nhờ giết kẻ bạo nghịch mà có được thiên hạ. Ta lấy đất Bái làm đất riêng, dân ở đấy đời đời không phải đóng thuế.

Các phụ huynh, các bà mẹ và những người quen cũ ở đất Bái uống rượu vui chơi cả ngày rất là vui vẻ, kể lại chuyện cũ mà cười. Vui chơi hơn mười ngày. Cao Tổ muốn ra đi, phụ huynh đất Bái cố tình giữ lại, Cao Tổ nói :

- Quân của ta đông, các ông không thể nào cung cấp cho họ được.

Bèn ra đi. Dân Bái bỏ huyện trống tất cả dồn về phía tây thành, hiến lễ vật. Cao Tổ lại dừng lại, dựng trướng lên uống rượu ba ngày. Phụ huynh đất Bái đều đập đầu lạy, nói :

- Đất Bái may mắn được miễn thuế, nhưng đất phong vẫn chưa được, xin bệ hạ thương đến nó.

Cao Tổ nói :

- Đất Phong chính là nơi ta sinh trưởng, làm sao lại quên được; nhưng chỉ vì Ung Xỉ ngày xưa làm phản ta theo Ngụy...

Phụ huynh đất Bái cố nài xin. Cao Tổ bèn tha thuế cho cả đất Phong và đất Bái. sau đó nhà vua cho Bái Hầu Lưu Tỵ làm Ngô Vương.