Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 04 - Phần 04

Biết tướng Hàn đánh quân Kình Bố ở phía nam và phía Bắc Thao Thủy, phá tan quân quân Kình Bố, đuổi theo và chém Kình Bố ở Phiên Dương. Phàn Khoái cầm riêng một cánh quân bình định đất Đại, chém Trần HY ở Dương Thành.

Tháng 11, Cao Tổ đem quân về trở về Trường An sau khi đã đánh Kình Bố.

Tháng 12, Co Tổ nói :

- Tần Thủy Hoàng, Sở Ẩn Vương nước Sở là Trần Thiệp, An Ly Vương nước Ngụy, Dẫn Vương nước Tề, Điệu Tương Vương nước Triệu đều chết mà không có con cháu, ta cho họ mỗi người được mười nhà để giữ phần mộ. Ta cho Tần Hoàng đế hai mươi nhà, Ngụy công tử Vô Kỵ (47) năm nhà.

Nhà vua tha cho quan lại và dân chúng đất Đại đã bị Trần Hy và Triệu Lợi cưỡng ép theo họ. Viên hàng tướng của Trần Hy nói rằng khi Trần Hy làm phản thì Yên Vương Lư Quán sai người đến nhà Hy cùng bàn mưu. Nhà vua sai Tích Vương Hầu đến đón Quán; Quán cáo bệnh. Tích Dương Hầu quay về báo lại rằng việc Quán làm phản đã có manh mối. Tháng 2, Cao Tổ sai Phàn Khoái, Chu Bột cầm quân đánh Yên Vương Lư Quán, tha cho quan lại và dân chúng ở Yên đã theo kẻ làm phản và lập hoàng tử Kiến làm Yên Vương. Khi đánh Kình Bố, Cao Tổ bị một mũi tên lạc, trên đường về bị bệnh. Bệnh nặng, Lữ Hầu mời thầy thuốc giỏi đến. Thầy thuốc vào yết kiến. Cao Tổ hỏi thầy thuốc, thầy thuốc nói :

- Bệnh này có thể chữa được.

Cao Tổ bèn mắng (48) thầy thuốc :

- Ta xuất thân áo vải, tay cầm ba thước kiếm lấy được thiên hạ, đó chẳng phải mệnh trời hay sao? Mệnh đã ở trời thì dù có tài giỏi như Biển Thước (49) cũng làm được gì!

Bèn không cho chữa bệnh, thưởng 50 cân vàng rồi cho về. Ít lâu sau Lữ Hậu nói :

- Nếu bệ hạ trăm tuổi rồi và tướng quốc Tiêu Hà cũng mất thì lấy ai thay?

Nhà vua nói :

- Tào Tham có thể làm được.

- Sao đó đến ai?

- Vương Lăng có thể được, nhưng Vương Lăng hơi gàn. Trần Bình có thể giúp ông ta. Trần Bình thì trí khôn có thừa, nhưng khó mà làm một mình. Chu Bột là người trung hậu, ít văn hóa nhưng người làm họ Lưu được an chính là Chu Bột đấy (50), có thể cho ông ta là Thái úy.

Thái hậu lại hỏi :

- Sau đó đến ai?

Nhà vua nói :

- Sau đó thì ngươi cũng không biết được (51).

Lư Quán cùng mấy ngàn quân kỵ đợi ở biên giới chờ cho nhà vua thôi bệnh để vào tạ tội. Tháng tư ngày giáp thìn, Cao Tổ mất ở cung Trường Lạc. Mất đã bốn ngày rồi mà không báo tang. Lữ Hậu bàn mưu với Thẩm Tự Cơ (52) :

- Các tướng và nhà vua trước đều là thường dân nay họ phải quay mặt về hướng bắc xưng là bầy tôi nên vẫn thường bực bộ. Nay gặp nhà vua còn nhỏ, nếu không giết hết tất cả đi thì thiên hạ không an.

Có người nghe điều ấy nói với Lịch tướng quân, Lịch tướng quân đến yết kiến Thẩm Tự Cơ nói :

- Tôi nghe nói nhà vua đã mất bốn ngày rồi vẫn không báo tang lại còn muốn giết các tướng, như vậy thì thiên hạ nguy mất! Trần Bình và Quán Anh cầm 10 vạn quân giữ Huỳnh Dương, Phàn Khoái và Chu Bột cầm 20 vạn quân, bình định đất Yên, đất Đại. Nếu họ nghe nhà vua, các tướng đều bị giết thì thế nào họ cũng đem quân liên kết với nhau quay về đánh Quan Trung, ở trong các quan đại thần làm phản, ở ngoài chư hầu làm phản, việc diệt vong có thể nhón gót mà chờ (53) vậy.

Thẩm Tự Cơ vào nói với Lữ Hậu, bèn báo tang, ngày đinh mùi, đại xá thiên hạ. Lữ Quán nghe Cao Tổ đã chết bèn bỏ trốn vào Hung Nô.

Lễ chôn cất vào ngày bính dần, ngày kỷ tỵ lập Thái tử làm vua, vua đến miếu Thái Thượng Hoàng. Quần thần đều nói :

- Cao Tổ xuất thân hàn vi, dẹp đời loạn làm cho nó trở lại đường ngay, bình định thiên hạ, làm Thái tổ nhà Hán, công lao hết sức lớn.

Nên dâng tôn hiệu là Cao Hoàng Đế (54). Thái tử nối nghiệp, hiệu là Hoàng Đế tức Hiếu Huệ Đế.

Nhà vua sai các quận, các nước và chư hầu đều lập miếu thờ Cao Tổ, mỗi năm tế thờ theo thời tiết. Đến khi Huệ Đế làm vua được năm năm, nhà vua nghĩ đến việc Cao Tổ buồn vui ở Bái Cung nên lấy Bái Cung làm miếu thứ hai thờ Cao Tổ. 120 người trước đây Cao Tổ dạy hát đều sai chơi nhạc, về sau thiếu người thì điền vào cho đủ số.

Cao Tổ có tám người con trai: người con đầu con người vợ thứ tên là Phi làm Điệu Huệ Vương ở nước Tề. Người con thứ hai tên là Hiếu Huệ là con của Lữ Hậu. Người con thứ ba làm Như Ý là Triệu Ẩn Vương con của Thích phu nhân, người con thứ tư là Hằng làm Đại Vương, sau đó làm Hiếu Văn Đế, con của Bạc thái hậu. Người con thứ năm là Khôi làm Lương Vương, trong thời Lữ thái hậu bị dời đi làm Triệu Cung Vương. Người con thứ sáu là Hoài Dương Vương tên là Hữu, thời Thái hậu bị dời đi làm Triệu U Vương. Người con thứ bảy là Trường bị làm Lệ Vương ở Hoài Nam, người con thứ tám là Kiến làm Yên Vương.

Thái Sử Công nói :

- Chính trị nhà Hạ trung thực. Khi sự trung thực kém đi thì bọn tiểu nhân mất lễ, cho nên nhà Ân kế tiếp theo dùng chữ “kính” để cai trị. Sự kính cẩn sau đó kém đi, bọn tiểu nhân lại theo ma quỷ, cho nên nhà Chu kế tiếp theo dùng “văn” để cai trị. Sau đó văn kém đi, kẻ tiểu nhân biến thành xảo trá. Vì vậy cho nên để bổ cứu sự xảo trá không gì bằng dùng chữ “trung thực”. Đạo tam vương xoay vận hết rồi lại quay lạ. Trong thời Chu, Tần có thể nói cái văn bị hư hỏng đi. Chính trị của Tần không thay đổi điều đó lại dùng hình phạt khốc liệt há chẳng sai lầm sao! cho nên khi nhà Hán nổi lên, sau khi tiếp thu tình trạng hư hỏng thì dễ thay đổ nó, khiến người ta có được nguyên lý của trời vậy (55). Cao Tổ tiếp triều thần, vào tháng 10, xe diềm bằng vải màu vàng, cờ đạo cấm ở bên trái, chôn ở Trường Lăng.

(1) Tên thật là Bang nhưng vì húy nên không viết. Tên Quý chứng tỏ Lưu Bang là con thứ ba, theo thứ tự: Bá, Trọng, Quý.


(2) Mười làng thành một đinh, mười đinh thành một hương.

(3) Vì sổ nợ viết trên thẻ tre hay miếng gỗ.

(4) Theo pháp luật nhà Tần, nếu để người ta trốn thì bị tội chết. Nhận xét này chứng tỏ là việc làm của Lưu Bang là một cái thuật để chinh phục lòng người, bất đắc dĩ mà phải làm.

(5) Đoạn một - Lai lịch. Đoạn này có một vài chi tiết hoang đường, điều đó thường thấy trong mọi sách sử cổ. Điều đáng chú ý ở Tư Mã Thiên là rất ít gặp những chuyện hoang đường. Đây là một ngoại lệ mà có thể xem là một ngoại lệ bắt buộc, không thể không nhắc đến khi nói đến vị vua đầu tiên của nhà Hán. Có thể nói đây là hình thức bắt buộc để lồng vào những nhận xét hiện thực, có tính chất phê phán.

(6) Nước Sở mở rộng.

(7) Nhấn mạnh điểm bấy giờ tuy khởi nghĩa, nhưng ai cũng sợ việc không thành.

(8) Vì bấy giờ Lưu Bang nổi dậy để hưởng ứng theo Trần Thiệp. Thiệp làm Vương nên Bang là Công.

(9) Hoàng đế được xem là tổ người Trung Quốc. Xuy Vưu được xem là thần chiến tranh.

(10) Đoạn 2 - Khởi nghĩa ở quận Bái.

(11) Pháp chế nhà Tần ở mỗi quận đặt quan thú coi về chính trị, quan úy coi về quân sự và quan giám coi việc cung cấp cho quân đội.

(12) Trước khi Bái công lấy đất Phong.

(13) Đoạn này rắc rối. Trần Thiệp sai Chu Thị đi đánh lấy Phương Dư, nhưng Chu Thị làm phản, lập nên nước Ngụy, cho Ngụy Cửu làm vua Ngụy và chống lại Thiệp tức là chống lại Lưu Bang. Do đó Chu Thị khuyên Ung Xỉ là tướng của Lưu Bang đầu hàng mình.

(14) Vì có tin Trần Thiệp bị ám sát chết, nên Cảnh Câu được lập làm Giả Vương tức là vua lâm thời.

(15) Vị tướng cầm riêng một cánh quân.

(16) Tên chức quan.

(17) Trần Thiệp

(18) Con của Lý Tư.

(19) Tức là Thái thú.

(20) Tên tướng thấp hơn thứ tướng quân.

(21) Đoạn 3 - Việc làm của Lưu Bang sau khi khởi nghĩa đến khi được lệnh vào Quan Trung.

(22) Vì Lương Bang ghét nhà nho nên tiếp kiến Lịch Sinh một cách ngạo mạn.

(23) Xem Lịch Sinh, Lục Giả liệt truyện.

(24) Một nét điển hình khác của Lưu Bang là thấy người ta có kế hay, công to là thưởng ngay, thưởng hậu, không tiếc đất tiếc tiền.

(25) Đoạn 3 - Bái Công tiến quân vào Quan Trung thắng lợi.

(26) Làm thế dân càng dễ phục.

(27) Đoạn 4 - Lưu Bang ở Quan Trung được lòng dân Tần.

(28) Tức là không đợi dân chư hầu.

(29) Phạm Tăng.

(30) Một thứ cầu treo bắc ngang qua núi ở những nơi địa hình hiểm trở.

(31) Tức là Vạn Lý Trường Thành.

(32) Mỗi triều đại nổi lên đều lập đền thờ, thờ thần xã coi về đất đai, thần tắc coi về mùa màng. Nói gộp lại là xã tắc chỉ một nước. Triều đại khác nổi lên thế nào cũng hủy bỏ hai đền thờ ấy, lập đền thờ thần xã thần tắc của mình để chứng minh triều đại này đã được các thần thừa nhận.

(33) Đời Hán mỗi làng có một tam lão cứ trong số thân hào trên 50 tuổi có đạo đức và tài năng nhất để làm người cố vấn của làng.

(34) Một cách biểu lộ tang lễ.

(35) Lưu Bang lợi dụng cơ hội này hiệu triệu chư hầu đánh Hạng Vũ.

(36) Trước khi đầu hàng Hán.

(37) Tức là Huệ Đế người kế tiếp Lưu Bang làm vua.

(38) Đoạn trên nói Báo phản lại Hán Vương.

(39) Tướng của Hạng Vũ.

(40) Điều này chứng tỏ Lưu Bang hết sức nhanh trí.

(41) Thực ra thì Lưu Bang sợ Hàn Tín nên nói khéo, cho Tín làm vua Sở, nói là kế nghiệp Nghĩa Đế.

(42) Trương Lương.

(43) Tức là triệt hầu, cấp bậc tôn quý nhất trong các hầu nhà Hán đổi là thông hầu vì húy (tên Vũ Đế là Triệt).

(44) Chính vì vậy mà khi nghe Hàn Tín tự lập là Giả Vương nước Tề, Lưu Bang hoảng hốt muốn đem quân đánh.

(45) Xem Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện.

(46) Con buôn thì tham lợi.

(47) Tức là Tín Lãng Quân, xem Ngụy công tử liệt truyện.

(48) Chữ “bèn”chứng tỏ một mánh khóe để đề cao.

(49) Thầy thuốc nổi tiếng: Nhất thời chiến quốc.

(50) Nhận xét rất tinh: Quả nhiên sau Lữ Hậu tìm cách giết họ Lưu đưa họ Lữ lên thì chính Chu Bột đã tiêu diệt họ Lữ và giữ cho nhà Hán vẫn còn. Xem Trần thừa tướng thế gia.

(51) Ý nói sau đó thì Lữ Hậu cũng chết rồi.

(52) Người hầu hạ và đồng thời cũng là tính nhân của Lữ Hậu.

(53) Cũng như nói đến ngay tức khắc.

(54) Theo pháp chế đời xưa, khi vua chết, quần thần hợp lại căn cứ vào hành trạng, công lao hay tội lỗi của vua mà đặt cho một tên gọi là thụy hay hiệu bụt. Có người được tên đẹp như Lưu Bang nhưng cũng có người được tên xấu như Kiệt Trụ v.v...

(55) Đây là tác giả trình bày quan điểm của mình về chính trị. Tác giả quan niệm sự vật biến đổi theo vòng tròn tức là có thay đổi mà không có tiến hóa. Quan điểm ấy là then chốt của Kinh Dịch. Nhà Hạ, lấy việc trung thực làm then chốt cho việc cai trị dân, nhưng trung thực quá thì thành ra thô lỗ, để khắc phục sai lầm ấy, nhà Ân nêu lên nguyên tắc “kính”, lấy kính làm then chốt. Nhưng một khi thiên lệch thì kính biến thành sợ, do đó nhà Ân, về sau chỉ nói đến quỷ thần, thờ cúng. Nhà Chu dùng “văn” (lễ nghi hình thức) để bổ cứu, nhưng khi thiên lệch sẽ thành gian xảo như trong thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Đáng lý Tần lên phải bổ cứu văn bằng trung thực lại bổ cứu bằng pháp luật tức là không đi theo vòng tròn. Do đó mà thất bại. Đối với các tác giả cũng như đối với các tư tưởng gia Trung Quốc trước kia nói chung cái đạo rong chính trị là biểu hiện cho cái đạo trong trời đất.