Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 18 - Phần 01

Truyện Trương Nghi

1. Trương Nghi là người nước Ngụy. Trước cùng Tô Tần theo học Quỷ Cốc tiên sinh. Tô Tần tự cho mình kém Trương Nghi về học thuật. Trương Nghi học xong đi du thuyết các chư hầu. Nghi có lần theo tướng quốc nước Sở uống rượu, sau đó tướng quốc nước Sở mất ngọc bích. Môn hạ ngờ cho Trương Nghi, nói :

- Nghi nghèo không có nghề ngỗng gì, nhất định hắn lấy trộm ngọc bích của tướng quân.

Họ bắt Trương Nghi đánh vài trăm roi, Nghi không nhận tội. Họ tha cho. Vợ Nghi nói :

- Hừ! Nếu chàng không đọc sách đi du thuyết thì sao đến nỗi phải cái nhục này?

Trương Nghi bảo vợ :

- Nhìn xem lưỡi ta còn không?

Vợ cười :

- Lưỡi còn.

Nghi nói :

- Được rồi? (1)

Tô Tần phong bao lâu thuyết phục được Triệu Vương theo hợp tung và cầm đầu việc hợp tung với các nước. Song ông ta sợ nước Tần đánh chư hầu, sẽ hỏng mất ước tung. Nghĩ không ai có thể cầm quyền ở Tần ngoài Trương Nghi, Tô Tần bèn sai người gợi ý cho Trương Nghi nói :

- Ông trước quen Tô Tần, nay Tần đã cầm quyền, sao ông không đến chơi nhờ giúp để đạt chí nguyện của mình.

Thế là Trương Nghi sang Triệu, đưa danh thiếp xin yết kiến Tô Tần, Tô Tần bèn dặn bọn môn hạ đừng thông báo và không có đi đâu trong vài hôm.

Sau đó, Tần tiếp kiến Nghi, để Nghi ngồi dưới thềm, cho Nghi ăn cơm của hạng đầy tớ nàng hầu, nhân nhiếc Nghi :

- Tài năng như ngươi mà lại để khốn nhục thế à? Ta không phải là không thể nói để ngươi được giàu sang, nhưng ngươi không đáng được dùng.

Bèn từ tạ đuổi đi.

Trương Nghi tự cho mình là bạn cũ đến nhờ giúp đỡ, không ngờ lại bị sỉ nhục nên tức giận. Nghĩ chư hầu không đâu có thể nhờ được, chỉ có nước Tần mới làm khổ được Triệu, Nghi bèn đi vào Tần.

Sau đó, Tô Tần bảo môn hạ :

- Trương Nghi là hiền sĩ trong thiên hạ, ta không thể bằng. Nay ta may được dùng trước, mà chỉ có một mình Trương Nghi là có thể cầm quyền binh ở Tần. Song anh ta nghèo, không có cách gì để tiến thân. Ta sợ anh ta ham cái lợi nhỏ mà không thành đạt, cho nên mời đến làm nhục để trêu tức. Ngươi hãy vì ta giúp ngầm ông ta.

Đoạn, Tô Tần nói với Triệu Vương phát cho tiền của xe ngựa cho người lén lút theo Trương Nghi ở cùng nhà trọ, dần dần thân mật, đưa cho Nghi tiền bạc, xe ngựa, Nghi muốn gì thì chu cấp cho ngay, nhưng không nói. Trương Nghi nhờ vậy được yết kiến Tần Huệ Vương. Huệ Vương cho làm khách khanh, cùng mưu đánh chư hầu. Người môn hạ của Tô Tần bèn từ giã ra đi. Trương Nghi nói :

- Nhờ ông mới được hiển đạt, tôi sắp báo ơn sao ông lại đi?

Người kia nói :

- Không phải tôi biết ngài đâu, biết ngài là Tô Quân. Tô Quân lo Tần đánh Triệu, hỏng mất điều ước hợp tung. Lại cho rằng ngoài ngài ra, không ai có thể nắm được quyền bính nước Tần, cho nên trêu tức ngài rồi ngầm sai tôi theo hầu hạ tư cấp cho ngài làm trọn mưu kế của Tô Quân. Nay ngài đã được dùng, tôi xin về báo.

Trương Nghi nói :

- Than ôi? Thế là ta mắc mưu Tô Quân mà không biết, rõ ràng ta không bằng Tô Quân. Ta lại mới được dùng làm sao nghĩ đến việc đánh Triệu được? Ông tạ ơn Tô Quân hộ ta. Trong thời còn Tô Quân, Nghi đâu dám nói chuyện đánh Triệu? Vả lại, Tô Quân còn đấy, Nghi dám làm trò gì được?

Sau khi làm Thừa tướng nước Tần, Trương Nghi bèn viết tờ hịch bảo tướng quốc nước Sở: “Trước ta theo ngươi uống rượu, ta không lấy trộm ngọc bích của ngươi, ngươi đánh đòn ta. Ngươi hãy lo giữ nước cho khéo, ta sẽ có ngày lấy trộm thành của ngươi đấy”.

Đất Ba và đất Thục đánh nhau, đều đến cầu cứu Tần. Tần Huệ Vương muốn đem quân đánh Thục, nhưng ngại đường sá hiểm trở, nhỏ hẹp khó đi.

Hàn lại đến xâm lấn; muốn đánh Hàn trước, sau sẽ đánh Thục, nhưng sợ không lợi; muốn đánh Thục trước nhưng lại sợ Hàn đánh úp Tần. Huệ Vương do dự chưa quyết. Tư Mã Thác cùng Trương Nghi tranh luận ở nước mặt Huệ Vương.

Tư Mã Thác (2) muốn đánh Thục. Trương Nghi nói :

- Chẳng bằng đánh Hàn.

Huệ Vương nói :

- Xin nói tại sao?

Nghi nói :

- Thân với Ngụy, làm bạn với Sở, đem quân xuống Tam Xuyên, ngăn chặn cửa Thập Cốc, làm chủ đường Đồn Lưu. Ngụy cắt đứt Nam Dương, Sở đến gần Nam Trịnh, Tần đánh Tân Thành, Nghi Dương để đến gần ngoại đồng của hai Chua (3), trách tội Chu Vương xâm lấn đất của Sở, Ngụy. Chu tự biết không thể cứu được tất phải đem đồ báu và chín vạc (4) ra. Giữ lấy chín vạc, cầm lấy địa đồ, sổ sách, lấy thế Thiên tử để ra lệnh cho thiên hạ, thiên hạ ai dám không nghe theo! Ấy là nghiệp vương đấy. Nay Thục là nước xa tít về phía Tây, và thuộc hạng Nhung, Địch. Ta làm lính mệt, dân chúng vất vả nhưng không đủ để nổi danh: được đất của nó không đủ để làm lợi. Thần nghe nói “tranh danh ở triều, tranh lợi ở chợ”. Nay Tam Xuyên, Chu Thất tức là triều và chợ của thiên hạ, mà đại vương không tranh, lại tranh Nhung, Địch, thế là còn cách xa vương nghiệp lắm.

Tư Mã Thác nói :

- Không phải. Thần nghe nói: vị vua muốn nước giàu thì cốt được ruộng đất; vị vua muốn binh mạnh thì cất được dân giàu; vị vua muốn làm vương thì cất được đức rộng lớn. Có ba điều ấy thì nghiệp vương sẽ theo sau. Nay nhà vua đất nhỏ, dân nghèo, cho nên thần muốn làm việc dễ trước. Nay Thục là nước xa tít về phía Tây và là trưởng các dân Nhung, Địch, đang có loạn Kiệt, Trụ. Lấy binh Tần đánh nước ấy khác nào khiến sài lang đuổi đàn dê? Được đất nước ấy đủ để mở rộng nước, lấy của nước ấy đủ để làm dân giàu, nuôi binh si không thiệt đến dân chúng mà họ đã theo phục. Đánh đổ một nước mà thiên hạ không cho là bạo; được hết lợi vùng Tây Hải mà thiên hạ không cho là tham. Thế là ta làm một việc mà có cả danh lẫn thực, lại còn có cái tiếng là trừ bạo, ngăn loạn nữa. Nay ta đánh Hàn tất sẽ uy bức Thiên tử, là danh không tốt, mà vị tất đã có lợi, lại mang cái tiếng bất nghĩa. Đánh nước thiên hạ không muốn đánh, thật là nguy vậy Thần xin bày rõ tại sao. Chu là tôn thất trong thiên hạ, Tề là nước thân thiện với Hàn. Chu tự biết mất chín vạc, Hàn tự biết mất đất Tam Xuyên. Hai nước ấy chung sức họp mưu, để dựa vào Tề, Triệu mà cầu hòa với Sở, Ngụy. Bệ hạ không thể ngăn họ lấy chín vạc cho Sở, lấy đất cho Ngụy. Thần bảo nguy là thế đấy. Không bằng đánh Thục là kế vạn toàn.

Huệ Vương nói :

- Phải, quả nhân xin nghe nhà ngươi.

Rồi đem binh đánh Thục. Đến tháng mười lấy được Thục. Bèn bình định nước Thục, truất Thục Vương đổi hiệu làm hầu, rồi khiến Trần Trang làm Thừa tướng nước Thục.

Thục đã thuộc Tần, Tần vì thế càng giàu mạnh khinh chư hầu. Năm thứ 10 thời Tần Huệ Vương, vua Tần sai công tử Hoa cùng Trương Nghi vây Bồ Dương, Bồ Dương phải hàng. Nghi nhân nói với Tần lại thân thiện với Ngụy, rồi sai công tử Do làm con tin ở Ngụy.

Nghi nhân nói với Ngụy Vương :

- Tần Vương đãi Ngụy rất hậu, Ngụy không thể vô lễ được.

Ngụy nhân nộp đất Thượng Quận, đất Thiếu Dương để tạ Tần Huệ Vương. Tần Vương bèn cho Trương Nghi làm Thừa tướng, đổi tên Thiếu Dương gọi là Hạ Dương. Nghi làm Thừa tướng nước Tần được bốn năm, lập Huệ Vương làm “vương”. Một năm sau khi Nghi làm Thừa tướng, nước Tần đánh lấy đất Thiểm, đắp ải Thượng Quận; hai năm sau Tần sai Nghi đi hội với tướng các nước Tề, Sở tại Khiết Tang. Khi từ phương Đông trở về, Nghi thôi không làm Thừa tướng.

Nghi sang làm tướng quốc nước Ngụy, bảo Ngụy Vương: “Tần muốn Ngụy thờ Tần trước để chư hầu bắt chước”. Ngụy Vương không chịu nghe Nghi. Tần Vương giận, đánh lấy đất Khúc ốc, Bình Chu của Ngụy lại ngầm đãiTrương Nghi càng hậu. Trương Nghi thẹn không có gì để về báo đáp Tần lưu ở lại Ngụy bốn năm. Ngụy Tương Vương chết. Ai Vương lên ngôi, Trương Nghi lại nói với Ai Vương, Ai vương không nghe. Trương Nghi ngầm bảo Tần đánh Ngụy. Ngụy đánh nhau với Tần bị thua. Năm sau Tề lại đánh bại Ngụy ở bến Quán Tân. Tần lại muốn đánh Ngụy, trước tiên đánh bại quân của Thân Sai nước Hàn, chém tám vạn thủ cấp. Chư hầu khiếp sợ. Trương Nghi lại bảo với Ngụy Vương :

- Đất của nước Ngụy vuông không đầy nghìn dặm, quân không quá ba mươi vạn người, bốn bề bằng phẳng, các phía thông với chư hầu, không có núi cao sông lớn ngăn trở. Đi từ Trịnh đến Lương (5) hơn hai trăm dặm xe chạy người đi không phải vất vả mà đến được. Nước Lương ở phía Nam, giáp giới nước Sở; phía Tây giáp giới nước Hàn; phía Bắc giáp giới nước Triệu; phía Đông giáp giới nước Tề; binh sĩ đi thú giữ nơi đồn lũy ở bốn phía không đến mười vạn. Địa thế nước Lương rõ ràng là bãi chiến trường. Nước Lương phía Nam thân với Sở, không thân với Tề, thì Tề đánh ở mặt Đông; phía Đông thân với Tề không thân với Triệu, thì Triệu đánh ở mặt Bắc không hòa hợp với Hàn thì Hàn đánh ở mặt Tây; không thân với Sở thì Sở đánh ở mặt Nam. Nói ở cái cảnh chia năm xẻ bảy là như thế. Vả lại chư hầu hợp tung là để yên xã tắc, làm cho vua được tôn quý, quân được mạnh và nổi tiếng vậy. Nay những kẻ hợp tung chủ trương thống nhất thiên hạ ước làm anh em, giết ngựa trắng ăn thề trên sông Hoàn Thủy để giữ vững cho nhau. Nhưng anh em thân cùng một cha mẹ còn tranh nhau tiền tài, muốn dùng lối lừa dối để lật nhau. Rõ ràng cái mưu thừa của Tô Tần không thể thành được. Nếu đại vương không chịu theo Tần, Tần sẽ đem quân xuống đánh miền Hà Ngoại, chiếm cứ Quyền Diễn, Toan Tảo, uy bức nước Vệ, lấy Dương Tấn thì Triệu sẽ không đi xuống phía Nam được; Triệu không đi xuống phía Nam thì Lương không lên Bắc được; Lương không đi lên miền Bắc thì con đường hợp tung đứt; con đường hợp tung đứt thì không thể nào nước của đại vương không nguy. Tần dọa Hàn để đánh Lương. Hàn bị Tần ép, Hàn với Tần làm một, Lương có thể đứng đợi mất nước được, thần thấy lo cho đại vương về chỗ ấy. Đối với đại vương chẳng có kế gì bằng thờ Tần. Thờ Tần thì Sở, Hàn không dám cựa quậy. Đại vương không lo về Sở, Hàn thì cứ việc nằm khểnh, nước chắc chắn không phải lo ngại gì. Vả lại nước mà Tần muốn làm yếu nhất là Sở; mà nước làm Sở yếu thì không nước nào bằng Lương, Sở tuy có danh là giàu lớn, nhưng thực ra thì trống rỗng. Quân nước ấy tuy nhiều, nhưng dễ chạy hay trốn. không chiến đấu bền bỉ được. Nay đem tất cả quân của Lương quay về phía Nam để đánh Sở thì nhất định thắng Sở. Cắt nước Sở để mở rộng Lương, bớt xén Sở để vừa lòng Tần; gây họa cho nước khác để nước mình được yên, đó là việc hay. Nếu đại vương không nghe thần, Tần cho binh sĩ mặc áo giáp đi đánh miền Đông, bấy giờ dẫu muốn thờ Tần cũng không thể được. Vả lại, kẻ theo chước hợp tung chỉ nói hăng, nhưng ít đáng tin. Thuyết phục được một chư hầu là được phong hầu, cho nên kẻ sĩ du thuyết trong thiên hạ không ai không ngày đêm nắm tay trợn mắt nghiến răng để thuyết phục các vị vua về sự tiện lợi của hợp tung; các vị vua khen lời bàn luận là hay, rồi cứ bám riết lấy lời nói của họ, làm sao khỏi lầm được. Thần nghe nói “chất lông chim sẽ làm chìm thuyền; chở nhiều vật nhẹ sẽ làm gãy trục xe, miệng người ta làm chảy loài kim, nhiều lời gièm pha làm tan cốt nhục!”. Xin đại vương xét kỹ kế bàn và cho xin hài cốt (6) để rời khỏi nước Ngụy.

Ai Vương bèn bỏ hợp tung rồi nhờ Nghi, xin hòa với Tần.

Trương Nghi về lại làm Thừa tướng nước Tần. Được ba năm, Ngụy lại chống Tần, lo hợp tung. Tần đánh Ngụy lấy đất Khúc Ốc. Năm sau Ngụy lại thờ Tần. Tần muốn đánh Tề. Tề, Sở hợp tung với nhau. Vì thế, Trương Nghi sang làm Thừa tướng nước Sở. Sở Hoài Vương nghe Trương Nghi đến, để dành cái nhà to cho Nghi ở, nói :

- Nước tôi là nước xa xôi hủ lậu, ông có gì dạy bảo không?

Nghi nói với Sở Vương :

- Đại vương nếu nghe thần, đóng cửa quan tuyệt giao ước với Tề thì thần xin dâng đất Thượng Ư sáu trăm dặm, khiến con gái Tần được làm thiếp hầu hạ quét tước cho đại vương. Hai nước Tần, Sở lấy vợ gả chồng với nhau thành nước anh em mãi mãi. Thế là phía Bắc thì làm yếu nước Tề mà phía Tây làm ích nước Tần đấy. Không kế gì tiện bằng thế.

Sở Vương thích lắm nên nghe theo. Quần thần đều chúc mừng, chỉ một mình Trần Chẩn chia buồn với nhà vua. Sở Vương giận nói :

- Quả nhân không phải cử binh xuất quân mà được sáu trăm dặm đất, quần thần đều mừng, một mình người chia buồn là tại làm sao?

Trần Chẩn thưa :

- Không phải. Theo điều thần thấy thì không thể lấy được đất Thượng Ư mà trái lại Tề với Tần sẽ hòa hợp. Tần với Tề hòa hợp thì điều lo ngại nhất định sẽ đến.

Sở Vương nói :

- Ông lấy gì làm căn cứ để nói thế.

Trần Chẩn thưa :

- Tần trọng Sở chẳng qua là vì có Tề. Nay Sở đóng cửa quan, tuyệt giao với Tề thì Sở lại bị cô lập. Tần mong chờ gì ở cái nước bị cô lập mà cho sáu trăm dặm đất Thượng Ư? Trương Nghi về Tần, thế nào cũng phụ bệ hạ, thế là phía Bắc ta tuyệt giao với Tề; phía Tây phải lo lắng với Tần vậy. Rồi quân lai nước ấy thế nào cũng đều đến. Đối với bệ hạ, không kế gì bằng bề trong ngầm hợp với Tề mà bề ngoài thìtuyệt giao với Tề. Sai người theo Trương Nghi. Họ cho ta đất, ta sẽ tuyệt giao với Tề cũng chưa muộn. Họ không cho ta đất thì ta cứ ngầm hợp với Tề để mưu tính.

Sở Vương nói :

- Xin ông Chẩn câm miệng đừng nói nữa để đợi quả nhân được đất đã.

Bèn trao ấn tướng quốc cho Trương Nghi và cho Nghi nhiều cửa. Rồi đóng cửa tuyệt giao với Tề. Lại sai một viên tướng quân đi theo Trương Nghi.

Trương Nghi đến Tần, giả vờ làm bị đứt dây vịn ngã xe, ba tháng không vào chầu. Sở Vương nghe tin nói :

- Nghi cho quả nhân chưa kiên quyết tuyệt giao với Tề ư?

Bèn sai dũng sĩ sang Tống, mượn phù tiết của Tống, sang Bắc mắng Tề Vương, Tề Vương giận lắm, nén lòng chịu phục tùng Tần. Tình giao hiếu của Tần với Tề lại nối lại, Trương Nghi mới vào chầu, bảo sứ giả của Sở :

- Thần có sáu dặm đất ăn lộc xin hiến để dâng tả hữu của đại vương (7).

Sứ giả của Sở nói :

- Thần được lệnh của vương là lấy sáu trăm dặm đất của Thượng Ư, chứ không thấy nói sáu dặm.

Sứ giả về báo với Sở Vương, Sở Vương giận lắm, đem quân đánh Tần.

Trần Chẩn nói :

- Chẩn có thể mở miệng nói được chăng? Đánh Tần chẳng bằng cắt đất để cho Tần, cùng Tần họp quân để đánh Tề. Thế là ta bỏ đất ra cho Tẩn mà được bù lại ở Tề vậy. Như thế nước của vương ngõ hầu có thể còn.

Sở Vương không nghe. Cuối cùng đem quân đi và sai tướng quân Khuất Cái đánh Tần. Tần, Tề cùng đánh Sở, chém tám vạn thủ cấp, giết Khuất Cái, lấy đất Đan Dương, Hán Trung. Sở lại đem thêm quân để đánh úp Tần. Đến Lam Điền đánh nhau ở đó. Sở thua to. Sở bèn cắt hai thành để hòa với Tần.

Tần đòi Sở cho đất Kiềm Trung, muốn lấy đất ngoài Vũ Quan để đổi. Sở Vương nói :

- Không muốn đổi đất, muốn được Trương Nghi rồi sẽ dâng đất Kiềm Trung.

Tần Vương muốn cho Nghi đi, nhưng miệng không nỡ nói. Trương Nghi bèn xin đi. Huệ Vương nói :

- Sở Vương giận ông nói dối về việc hiến đất Thượng Ư, tức là sẽ giết ông cho hả giận.

Trương Nghi nói :

- Tần mạnh, Sở yếu. Thần quen Cận Thượng. Thượng được hầu hạ Sở phu nhân là Trịnh Tụ. Tụ nói gì Sở Vương cũng nghe. Vả lại, thần mang phù tiết của vương sang sứ nước Sở, Sở sao dám giết? Dù cho họ giết thần mà Tần được đất Kiềm Trung thì đó là điều thần mong muốn nhất.

Nghi bèn đi sứ sang Sở. Sở Hoài Vương được Nghi, liền bỏ tù, toan giết đi. Cận Thượng bảo Trịnh Tụ :

- Phu nhân có biết phu nhân sẽ không được nhà vua yêu quý không?

Trịnh Tụ nói :

- Sao vậy?.

Cận thần nói :

- Tần Vương yêu Trương Nghi lắm, nhất định sẽ làm cho ông ta thoát nạn. Nay Tần sẽ lấy sáu huyện đất Thượng Dung biếu Sở, lấy mĩ nhân dâng Sở, lấy người hát hay ở trong cung đưa sang Sở. Vương trọng đất, tôn Tần, con gái nước Tần thế nào cũng được yêu quý, phu nhân sẽ bị đuổi. Chi bằng phu nhân nói để tha Nghi ra.

Trịnh Tụ ngày đêm nói với Hoài Vương :

- Bầy tôi ai cũng làm việc cho vua của mình. Nay đất của Sở chưa nhập vào Tần, Tần đã sai Trương Nghi đến, là trọng bệ hạ. Bệ hạ chưa có lễ đáp lại mà lại giết Trương Nghi, Tần tất giận mà đánh Sở. Thiếp xin cho mẹ con dời đi Giang Nam, để không bị Tần giết chết.

Hoài Vương sau đó hối rồi tha Trương Nghi, hậu đãi Nghi như trước, Trương Nghi đã dược ra, chưa đi thì nghe thấy tin Tô Tần chết. Bèn nói với Sở Vương :

- Đất Tần chiếm một nửa thiên hạ, binh đánh lại được bốn nước (8) Quân dũng sĩ mạnh như hổ có hơn trăm vạn người, xe nghìn cỗ, ngựa vạn con, thóc chất như gò núi. Pháp lệnh đã rõ ràng, sĩ tốt đều không sợ khó khăn, vui với cái chết. Vua sáng và nghiêm, tướng quân nhiều mưu trí lại vũ dũng. Tuy không xuất quân, nhưng nếu thu lấy nơi hiểm vùng núi Thường Sơn như cuốn chiếu thì thế nào cũng làm gấy xương sống của thiên hạ. Thiên hạ nước nào thần phục sau thì sẽ mất trước, và lại theo kế hợp tung, không khác gì xua đàn dê để đánh mãnh hổ; dê không địch lại hổ, điều đó rõ ràng lắm. Nay đại vương không theo mãnh hổ mà lại theo đàn dê, thần trộm cho kế của đại vương là nhầm. Tóm lại nước mạnh trong thiên hạ không Tần thì Sở, không Sở thì Tần. Hai nước tranh giành nhau, ta không thể cùng đứng được Đại vương không theo Tần, Tần đem quân xuống giữ Nghi Dương, đất phía trên của Hàn không giao thông được, đem quân xuống Hà Đông lấy Thành Cao, Hàn thế nào cũng phải vào thần phục Tần; Lương cũng cúi rạp theo gió. Tần đánh phía Tây của Sở, Hàn, Lương đánh phía Bắc của Sở, xã tắc của Sở làm sao khỏi nguy được? Vả lại những kẻ theo kế hợp tung hợp các nước yếu để đánh nước hết sức mạnh, không lượng kẻ địch mà đánh liều; nước nghèo mà dấy binh luôn, ấy là con đường nguy vong đấy. Thần nghe nói “quân không bằng người ta thì chớ khiêu chiến với họ, thóc không bằng người ta thì chớ cầm cự lâu với họ”. Nay bọn theo kế hợp tung, dùng lý luận suông, dùng lời trống rỗng, tán dương tiết hạnh của các vị vua, nói cái lợi mà không nói cái hại, nếu đột nhiên bị Tần gây họa thì không kịp lo đến mình. Thế cho nên thần muốn dại vương tính việc đó cho chín. Tần ở phía Tây có đất Ba, đất Thục, thuyền to chứa thóc, đi đường sông từ Vấn Sơn, xuống đến Sở hơn ba nghìn dặm, dùng thuyền đôi chở quân, mỗi thuyền trở được năm mươi người với lương ăn ba tháng, thuyền đi một ngày hơn ba trăm dặm. Số dặm dẫu nhiều, nhưng không phí sức trâu ngựa. Không đến mười ngày mà đến Hãn Quan, Hãn Quan hoảng kinh, thì từ biên giới về phía Đông, đều giữ lấy thành tất cả. Thế là Kiềm Trung, Vu Quận không phải là đất của đại vương nữa. Tần cử binh ra cửa Vũ Quan, hướng về phía Nam để đánh, thì đất miền Bắc của Sở bị cắt đứt. Quân Tần đánh Sở, điều nguy nan xảy ra chỉ trong vòng ba tháng, mà Sở ehờ cứu viện của chư hầu phải hơn nửa năm, ấy là thế không kịp nhau vậy. Đợi nước yếu cứu, quên cái vạ của Tần mạnh, đó là điều thần lo cho đại vương đấy. Đại vương đã cùng quân Ngô đánh nhau, đánh năm trận thắng ba. Quân đi chiến trận hết cả, chỉ riêng việc giữ thành mới lấy được, giữ gìn dân cư, đã là khổ sở rồi. Thần nghe nói: “Công to thì dễ nguy, dân khổ thì oán người trên”. Nay giữ lấy cái công dễ nguy để làm hài lòng nước Tần mạnh, thần trộm cho thế là nguy cho đại vương. Vả lại Tần sở dĩ không đem quân ra cửa Hàm Cốc trong mười lăm năm nay để đánh Tề, Triệu là vì có âm mưu thôn tính cả thiên hạ. Sở đã gây hấn với Tần, đánh nhau ở Hán Trung, người Sở bị thua, hạng tước hầu cầm khuê (9), chết hơn bảy mươi người, kết quả mất Hán Trung. Sở Vương cả giận, cử binh dành úp Tần ở Lam Điền. Thế nghĩa là như người ta nói “hai hổ đánh nhau” đấy. Nay Tần, Sở đánh nhau mỏi mệt mà Hàn, Ngụy còn nguyên vẹn lại khống chế ở phía sau, thật không có kế nào nguy hơn thế nữa? Xin đại vương tính kỹ cho. Tần đem quân đánh Vệ và Dương Tấn, tức là mởtoang lồng ngực của thiên hạ. Đại vương đem tất cả quân để đánh Tống, không đầy vài tháng có thể lấy được Tống. Tống đã bị lấy, bèn đi về phía Đông, thì mười hai nước chư hầu ở trên sông Tứ sẽ là của đại vương hết. Người trong thiên hạ chủ trương hợp tung để các nước bảo vệ cho nhau được bền vững là Tô Tần. Tần được phong làm Vũ An Quân rồi làm tướng quốc nước Yên. Tô Tần ngầm mưu với Yên Vương, đánh phá Tề mà chia đất Tề. Rồi vờ làm có tội, chạy sang nước Tề. Tề Vương nhân đấy nhận mà cho làm tướng quốc. Tô Tần ở Tề hai năm Tề Vương mới hiểu, giận lắm, dùng xe ngựa xé xác Tô Tần ở chợ, anh chàng Tô Tần muốn dùng lời dối trá để kinh doanh thiên hạ, thống nhất chư hầu, rõ ràng không thể thành công được. Nay Tần với Sở bờ cõi tiếp nhau, cố nhiên là nước hình thế gần gũi. Đại vương nếu quả nghe thần, thần xin bảo Thái tử của Tần vào làm con tin ở Sở, Thái tử của Sở làm con tin ở Tần. Xin đem con gái của Tần để làm người thiếp quét dọn cho đại vương, dâng đô thị muôn nhà để làm ấp của đại vương. Hai nước làm anh em mãi mãi, suốt đời không đánh nhau. Thần cho không gì tiện bằng kế ấy.