Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 18 - Phần 02

Bấy giờ Sở Vương đã được Trương Nghi, nhưng lại không muốn đem đất Kiềm Trung cho Tần. Sở Vương định nghe theo Trương Nghi, Khuất Nguyên nói :

- Trước đại vương đã bị Trương Nghi lừa dối. Trương Nghi đến, thần tưởng đại vương giết hắn. Nay đã không nỡ giết mà lại nghe các tà thuyết của hắn là không nên.

Hoài Vương nói :

- Nghe Trương Nghi mà vẫn giữ đất Kiềm Trung là lợi to đấy Ta sẽ được lợi gấp đôi.

Sở Vương rốt cục vẫn nghe theo Trương Nghi thân thiện với Tần.

Trương Nghi ở Sở ra đi, nhân tiện sang Hàn, nói vớiHàn Vương :

- Đất nước Hàn hiểm trở, ở nơi dồi núi. Ngũ cốc ở đây chẳng qua chỉ có đỗ và lúa mạch. Thức ăn của dân chẳng qua đại để chỉ có đỗ và canh rau hoắc. Hễ một năm mất mùa không thu hoạch được là dân ăn tấm, cám không no. Đất chẳng qua có chín trăm dặm, không đủ thức ăn trong hai năm. Tất cả quân của đại vương, chẳng quá ba mươi vạn người, kể cả những người sai phái, khuân vác, trừ số quân canh ở biên cương, giữ nơi hiểm yếu, thì số quân chẳng quá hai mươi vạn mà thôi. Nước Tần quân mặc áo giáp hơn trăm vạn người, xe nghìn cỗ, ngựa vạn con. Hạng người dũng mãnh như hổ, đầu không đội mũ trụ, hai tay ôm má, cầm giáo hăng hái xông vào giữa quân địch đông không thể kể xiết. Ngựa của Tần hay, quân lính đông. Ngựa chạy chân trước cuốc, chân sau đạp, khoảng chân trước chân sau cách nhau đến ba tầm. Số ngựa chạy nhanh không biết bao mà kể. Quân sĩ của Sơn Đông, mặc áo giáp, đội mũ trụ để đánh. Quân của Tần, bỏ áo giáp, xắn tay áo xông vào giữa quân địch đông, tay trái xách đầu giặc, tay phải cắp tù binh. Quân sĩ của Tần so với quân sĩ Đông Sơn cũng như Mạnh Bôn so với kẻ nhát; lấy sức mạnh đè ép nhau, cũng như Ô Hoạch với đứa con thơ. Đem quân sĩ như Mạnh bôn, Ô Hoạch đi đánh nước yếu không phục, thì có khác gì buông sức nặng nghìn quân (10) lên trên quả trứng chim, tất nhiên là không thể sống sót vậy. Nay quần thần các nước chư hầu không hiểu đất nước mình nhỏ và ít, lại theo lời ngon ngọt, khéo léo của kẻ theo hợp tung, a dua để tô vẽ cho nhau. Họ đều hăm hở nói rằng: “Nghe kế của ta, có thể làm cho nước mạnh, làm bá thiên hạ”. Ôi? Họ không nghĩ đến cái lợi lâu dài của xã tắc mà lại nghe theo lời nói trong chốc lát, không có gì lừa dối nhà vua hơn thế. Đại vương không thờ Tần, Tần đem quân xuống chiếm giữ Nghi Dương, cắt đứt đất miền trên của Hàn. Ở phía Đông, Tần lấy Thành Cao, Huỳnh Dương thì cung Hồng Đài, vườn Tang Lâm không phải là đất đại vươngcó nữa. Nếu họ chặn Thành Cao, cắt đứt Thượng Địa thì nước của đại vương sẽ bị chia xẻ. Thờ Tần trước thì được yên, không thờ Tần thì bị nguy; nếu gây ra họa để cần được báo phúc, tính kế nông nổi để kết oán sâu, tí. ái Tần để thuận Sở, thì dù muốn không mất nước cũng không thể được. Cho nên đối với đại vương không có gì bằng thờ Tần. Tần chẳng muốn gì hơn là làm cho Sở yếu. Không nước nào làm cho Sở yếu bằng nước Hàn. Đó không phải là vì Hàn mạnh hơn Sở đâu; mà vì địa thế khiến như vậy. Nay đại vương về Tây mà thờ Tần để đánh Sở thì Tần Vương chắc chắn sẽ mừng. Đánh Sở để lấy lợi cho đất mình, chuyển họa làm vui lòng Tần, không kế gì tiện hơn thế!

Hàn Vương nghe theo kế của Trương Nghi.

Trương Nghi về báo với Tần Huệ Vương. Tần Huệ Vương phong cho Nghi năm ấp gọi là Vũ Tín Quân. Rồi sai Trương Nghi đi sang Đông, nói về Tề Mẫn Vương :

- Trong thiên hạ không nước nào mạnh hơn Tề. Đại thần phụ huynh giàu thịnh đông vui. Thế mà những người bày kế cho đại vương đều nói chuyện nhất thời, không nghĩ cái lợi trăm đời. Những kẻ theo hợp tung chắc chắn nói với đại vương: “Nước Tề ở phía Tây có nước Triệu mạnh, ở phía Nam có nước Hàn, nước Lương. Tề là nước nhờ cậy có bể. Đất rộng dân nhiều, quân mạnh, tướng dũng cảm. Dẫu có trăm nước Tần cũng không làm gì được Tề”. Đại vương cho lời nói của họ là hay, mà không tính đến sự thực. Những kẻ theo hợp tung bè đảng a dua, ai cũng cho hợp tung là phải. Thần nghe Tề với Lỗ ba lần đánh nhau. Lỗ ba lần thắng, rồi sau đó nước diệt vong. Tuy có cái tiếng là thắng, nhưng thực ra là mất nước, thế là cớ làm sao? Vì Tề lớn mà Lỗ nhỏ. Nay Tần với Tề cũng như Tề với Lỗ vậy. Tần và Triệu đánh nhau ở sông Chương, hai lần đánh thì hai lần Triệu thắng Tần; đánh nhau ở gần Bàn Ngô, hai lần đánh thì hai lần Triệu thắng Tần: Sau bốn trận đánh nhau, Triệu mất vài chục vạnquân. Hàm Đan mới còn, tuy được cái tiếng thắng Tần, nhưng nước đã bị tan nát. Vì sao thế Vì Tần mạnh mà Triệu yếu. Nay nước Tần, nước Sở gả con cho nhau, làm nước anh em. Hàn dâng đất Nghi Dương, Ngụy hiến đất Hà Ngoại, Triệu vào chầu ở Dẫn Trì, cắt đất Hạ Gian để thờ Tần. Đại vương không thờ Tần, Tần sẽ xui Hàn, Lương đánh đất phía Nam của Tề, đem tất cả quân của Triệu vượt sông Thanh Hà, hướng tới Bắc Quan thì Lâm Tri, Tức Mặc sẽ không phải là đất của đại vương nữa. Một khi nước đã bị đánh, dẫu đại vương muốn thờ Tần cũng không thể được. Thế cho nên xin đại vương tính việc đó cho kỹ.

Tề Vương nói :

- Nước Tề ở xa xôi hẻo lánh trên bể Đông Hải, chưa hề được nghe điều lợi lâu dài của xã tắc.

Bèn nghe lời Trương Nghi.

Trương Nghi đi sang phía Tây, nói với Triệu Vương :

- Tần Vương của tệ ấp sai thần dâng kế ngu muội lên đại vương. Đại vương cầm đầu thiên hạ để bài xích Tần. Quân của Tần không dám ra cửa Hàm Cốc đã mười năm nay. Uy thanh của đại vương lan ra vùng Sơn Đông. Tệ ấp sợ hãi thế áo giáp, mài binh khí, sắm xe ngựa, tập ruổi ngựa bắn tên, ra sức làm ruộng, tích trữ thóc, giữ bờ cõi bốn bề, buồn sầu lo sợ không dám ho he, đó là vì đại vương có ý trách lỗi tệ ấp sâu sắc Nay với lực lượng của đại vương lại muốn lấy đất Ba; đất Thục, chiếm Hán Trung thôn tính hai Chu, dời chín vạc giữ bến Bạch Mã; Tần tuy ở xa xôi, nhưng trong lòng tức giận nung nấu đã lâu. Nay Tần có binh sĩ mặc áo giáp mỏi yếu đóng ở Dẫn Trì, vượt sông Hà, qua sông Chương chiếm giữ Bàn Ngô, hội ở dưới Hàm Đan, xin định ngày giáp tí hợp chiếu để sửa lại cái việc của chúa Trụ nhà ân (11). Kính sai thần đến nói trước để tả hữu của đại vương biết. Đại vương tin những kẻ theo chước hợp tung là cậy có Tô Tần. Tô Tẩn đánh lừa chư hầu lấy phải làm trái, lấy trái làm phải. Muốn phản nước Tề, lại sai xé xác mình ở chợ. Rõ ràng là thiên hạ không thể thống nhất được. Nay Sở với Tần là nước anh em, mà Hàn, Lương xưng thần làm hàng rào phía Đông; Tề dâng đất sản xuất ra cá muối, thế là chặt một cánh tay phải của Triệu. Mất cánh tay phải mà cùng người chiến đấu mất bè cánh, bị cô lập, làm sao khỏi nguy được? Nay Tần đem ba đạo quân: một đạo chặn Ngọ Đạo, bảo Tề cử quân sang đò sông Thanh Hà, đóng ở phía Đông Hàm Đan; một đạo đóng ở Thành Cao, xua quân của Hàn, Lương ra Hà Thủy; một đạo đóng ở Dẫn Trì, ước với bốn nước cùng nhau hợp nhất để đánh Triệu. Triệu hàng phục thì đất của Triệu sẽ bị chia tư. Vì thế cho nên thần không đám giấu ý, ẩn tình, xin nói trước để tả hữu của đại vương biết. Thần trộm nghĩ đối với đại vương chẳng gì bằng gặp Tần Vương ở Dẫn Trì, mặt trông thấy nhau và miệng giao kết với nhau, xin đóng quân lại, không đánh nhau. Mong đại vương quyết định kế cho.

Triệu Vương nói :

- Thời tiên vương, Phụng Dương Quân chuyên quyền cậy thế, che giấu tiên vương, một mình cai quản công việc. Quả nhân ở trong cung, dựa vào các quan Sư, Phó, không dự bàn việc nước. Tiên vương mất đi, quả nhân tuổi còn ít, ngày phụng tự còn mới, trong lòng vẫn trộm nghi ngờ về việc ấy cho là theo phe hợp tung không thờ Tần không phải là cái lợi lâu dài cho nước, nên muốn thay lòng đổi ý, cắt đất tạ lỗi trước để thờ Tần. Đang định ruổi xe đi mau, chợt được nghe lởi bảo sáng rõ của sứ giả.

Triệu Vương nghe theo Trương Nghi.

Trương Nghi bèn đi về phía Bắc, đến nước Yên, nói với Yến Chiêu Vương :

- Nước mà đại vương thân thiện, không đâu bằng Triệu. Xưa Triệu Tương Tử đã gả chị cho vua nước Đại. Triệu Tương Tử thôn tính nước Đại bèn hẹn với vua nước Đại gặp nhau ở ải Câu Chú. Tương Tử sai thợ làm cái môi múc bằng kim khí có cán dài, có thể dùng để đánh người. Tương Tử cùng vua nước Đại uống rượu ngầm dặn người nhà bếp: “Khi chén đã vui say thì bưng ngay canh nóng lên, quay môi múc để đánh nó”. Bấy giờ uống rượu vui say, đến lúc dâng canh nóng, nhà bếp bưng canh lên, nhân quay môi đánh vua nước Đại chết. Óc ở đầu vua nước Đại thảy nhảy nhụa ra đất. Chị của Tương Tử nghe tin ấy, bèn mài trâm để tự đâm mình, cho nên đến nay có núi tên là Ma Trâm (mài trâm). Chuyện vua nước Đại bị bại vong, thiên hạ ai cũng nghe. Nay Triệu Vương tham lam, tàn bạo, đại vương đã thấy rõ điều đó. Vả lại đại vương cho Triệu Vương là đáng thân chăng? Triệu cử quân đánh Yên hai lần vây quốc đô nước Yên để uy hiếp, đại vương cắt mười thành để tạ Triệu. Nay Triệu Vương đã vào chầu ở Dẫn Trì, dâng đất Hà Gian để thờ Tần. Nếu đại vương không thờ Tần, Tần sẽ đem quân xuống Vân Trung, Cửu Nguyên, xua quân Triệu để đánh Yên, thì Dịch Thủy, Trường Thành không phải là đất của đại vương nữa. Vả lại ngày nay, Triệu đối với Tần cũng như là quận, huyện của Tần vậy, không dám cử quân càn bậy để đánh. Nay đại vương thờ Tần, Tần Vương tất mừng, Triệu không dám hành động bậy. Thế là ở phía Tây dại vương có nước Tần mạnh giúp đỡ, mà ở phía Nam không có tai vạ Tề, Triệu. Vì thế, nên mong đại vương tính toán kỹ điều đó cho.

Yên Vương nói :

- Quả nhân là man di ở xa, tuy là người lớn, nhưng chỉ như đứa trẻ con, không có đủ trí khôn để theo một mưu kế gì Nay may được thượng khách chỉ bảo cho xin hướng về phía Tây để thờ Tần, dâng cho Tần năm thành ở cuối núi Hằng Sơn.

Yên Vương nghe Nghi. Nghi về báo, chưa đến HàmDương thì Tần Huệ Vương đã chết. Vũ Vương lên ngôi. Vũ Vương từ khi còn là Thái tử đã không ưa Trương Nghi. Đến khi lên ngơi, quần thần phần nhiều gièm pha Trương Nghi, noi :

- Chớ tin hắn, hắn chỉ xoay xở bán nước để được người ưa. Nếu Tần còn dùng hắn nữa e làm thiên hạ cười.

Chư hầu biết Trương Nghi thôi không được Vũ Vương dùng, đều bỏ liên hoành, lại hợp tung.

Năm đầu thời Tần Vũ Vương, quần thần ngày đêm ghét Trương Nghi chưa thôi, thì những lời trách móc của Tề lại dồn đến. Trương Nghi sợ bị giết, bèn nói với Tần Vũ Vương :

- Nghi có cái kế vụng về, xin hiến đại vương.

Vũ Vương nói :

- Thế nào?

Nghi nói :

- Muốn mưu tính cho xã tắc nước Tần, thì phương Đông phải có biến cố to, đại vương mới có thể cắt lấy được nhiều dết. Nay nghe nói Tề Vương rất ghét Nghi, Nghi ở đâu, Tề tất cử quân đánh đấy. Cho nên Nghi xin đại vương cho mang cái thân ngu đần này đi sang Lương. Tề thế nào cũng đem quân đánh Lương. Quân của Lương, Tề cầm cự mãi ở dưới thành không dám rời nhau, đại vương nhân dịp ấy đánh Hàn, vào Tam Xuyên, đem quân ra cửa Hàm Cốc, kéo đến kinh đô Chu, không đánh chác gì mà đồ tế tự của Chu tất phải đem ra.

Mượn uy thế Thiên tử, cầm những đồ tịch. ấy là vương nghiệp đấy.

Tần Vương lấy làm phải, mới sắp đủ ba mươi cỗ binh xa để đưa Trương Nghi vào Lương. Tề quả nhiên đưa quân đánh Lương. Lương Ai Vương sợ lắm.

Trương Nghi nói :

- Đại vương chớ lo. Tôi xin bắt Tề bãi binh.

Nghi bèn sai môn hạ là Phùng Hỷ sang Sở, nhân tiện sai ông ta sang Tề, bảo Tề Vương :

- Đại vương rất ghét Trương Nghi. Tuy nhiên đại vương giữ Nghi ở Tần cũng là hậu đấy.

Tề Vương nói :

- Quả nhân ghét Nghi, Nghi ở đâu ta tất cử binh đánh đấy. Sao lại cho là giữ hắn?

Sứ giả thưa :

- Thế là vương giữ Nghi đấy. Khi Nghi ra đi, vốn đã dặn Tần Vương: “Muốn mưu tính cho nhà vua thì phương Đông phải có biến lớn, nhà vua mới có thể cắt lấy được nhiều đất Nay Tề Vương rất ghét Nghi, Nghi ở đâu tất. cử binh đánh đấy. Cho nên Nghi xin cho lại cái thân ngu đần để đi sang Lương. Tề tất cử quân đánh Lương. Quân của Tề, Lương cầm cự nhau mãi ở dưới thành không dám rời nhau. Nhân dịp ấy đại vương đánh Hàn, vào Tam Xuyên, kéo quân ra cửa Hàm Cốc, rồi kéo đến kinh đô nhà Chu, không đánh chắc gì mà đồ tế tự của Chu tất phải đem ra, rồi mượn thế Thiên tử, cầm những đồ tịch của Chu. ấy là vương nghiệp đấy”, Tần Vương lấy làm phải, mới sắp đủ ba mươi cỗ binh xa để đưa Nghi vào Lương. Thế là Lương ở trong, tự làm mỏi mệt nước mình; mà ở ngoài đi đánh nước giao hiếu với mình. Mở rộng kẻ cừu địch, ở bên láng giềng để tự làm nguy mình, và làm cho Nghi được Tần Vương tin cậy. Thần bảo giữ Nghi là thế đấy.

Tề Vương nói :

- Phải.

Bèn sai bãi binh. Trương Nghi làm tướng ở nước Ngụy một năm, chết ở nước Ngụy.

2. Trần Chẩn là kẻ sĩ du thuyết, cùng với Trương Nghi thờ Tần Huệ Vương đều được quý trọng và tranh nhau được nhà vua yêu. Trương Nghi nói xấu Trần Chẩn với Tần Vương :

- Chẩn trọng của, khinh sứ giả. Tần, Sở sẽ là hai nước giao hiếu với nhau.

Nay Sở không thân thêm với Tần mà lại thân với Chẩn, thế mà Chẩn lo cho mình nhiều mà lo cho đại vương thì ít đấy. Vả lại Chẩn muốn bỏ Tần để sang Sở, sao đại vương không cho đi?

Nhà vua bảo Trần Chẩn :

- Ta nghe nói ngươi muốn bỏ Tần sang Sở, việc ấy có không?

Trần Chẩn nói :

- Có Tần Vương nói :

- Lời của Nghi quả đúng thật.

Trần Chẩn nói :

- Không những một Nghi biết mà những kẻ sĩ thi thố học thuyết của mình đều biết việc ấy. Ngày xưa Tử Tự trung với vua mà thiên hạ tranh nhau mời ông ta ra làm quan; Tăng Sâm hiếu với cha mẹ mà thiên hạ xin để làm con. Cho nên bán con hầu mà không phải đưa ra khỏi làng xóm, chứng tỏ là con hầu tốt. Bị chồng bỏ mà lại lấy được chồng ở trong làng xóm là người đàn bà giỏi. Nay nếu Chẩn bất trung với vua sao Sở lại cho là trung được? Trung mà lại bị bỏ rơi Chẩn không đi Sở thì đi đâu?

Nhà vua cho là phải, bèn đãi Chẩn tử tế. Chẩn ở Tầnđược một năm, Tần Huệ Vương vẫn dùng Trương Nghi làm Thừa tướng. Cuối cùng Trần Chẩn chạy sang Sở, Sở chưa trọng dụng Chẩn, nhưng sai Chẩn đi sứ sang Tần. Khi đi qua Lương, Chẩn muốn vào yết kiến Tê Thủ. Tê Thủ từ tạ không tiếp. Chẩn nói :

- Tôi đến là vì có việc muốn hỏi ông. Ông không tiếp Chẩn. Chẩn sắp đi, không đợi được.

Ngày khác Tê Thủ tiếp Chẩn, Chẩn nói :

- Sao ông thích uống rượu thế?

Tê Thủ nói :

- Vì không có việc.

Trần Chẩn nói :

- Tôi xin làm cho ông có nhiều việc được không?

Tê Thủ nói :

- Thế nào?

Trần Chẩn nói :

- Điền Nhu (tướng quốc nước Ngụy) ước với chư hầu hợp tung, Sở Vương nghi ngờ chưa tin. ông hãy nói với nhà vua: Thần với Yên Vương, Triệu Vương là chỗ quen biết cũ, họ mấy lần sai người đến nói, không có việc gì sao không gặp nhau? Ông nói với Sở Vương xin đi, Sở Vương cho ông đi, ông đừng xin nhiều xe, chỉ lấy ba chục cỗ bày ra ở trước sân, rồi nói rõ là đi sang Yên, Triệu.

Thuyết khách của Yên, Triệu nghe biết, ruổi xe về báo với vua họ. Yên, Triệu sai người đón Tê Thủ. Sở Vương nghe vậy giận lắm, nói :

- Điền Nhu cùng quả nhân giao ước, mà Tê Thủ đi sang Yên, Triệu; thế là Điền Nhu lừa dối ta. Vua Sở không nghe theo việc hợp tung của Nhu. Tề nghe tin Tê Thủ đi sang miền Bắc, sai người đem công việc ủy thác cho Tê Thủ, Tê Thủ làm tướng cả ba nước. Công việc đều do Tê Thủ quyết định.

Chẩn bèn đến Tần. Hàn, Ngụy đánh nhau một năm trời không xong. Tần Huệ Vương muốn cứu họ, hỏi các quan hầu. Có người nói cứu là hơn, có người nói đừng cứu. Huệ Vương chưa quyết định được việc ấy. Chợt Trần Chẩn đến Tần, Tần Huệ Vương nói :

- Ngươi bỏ quả nhân đi sang Sở, vậy có nhớ quả nhân không?

Trần Chẩn nói :

- Đại vương đã nghe chuyện Trang Tích nước Việt rồi chứ?

Vua nói :

- Chưa nghe.

Trần Chẩn nói :

- Trang Tích là người Việt làm quan nước Sở đến tước cầm ngọc khuê. Được ít lâu bị bệnh. Sở Vương nói: “Tích là kẻ hèn mọn ở nước Việt, nay làm quan ở nước Sở đến tước cầm ngọc khuê, thật là phú quý, vậy còn nhớ Việt chăng?”. Quan Trung tả thưa rằng: “Phàm người ta nhớ nhung thì tất ở lúc có bệnh đau ốm. Hắn nhớ Việt thì nói tiếng Việt, không nhớ Việt thì nói tiếng Sở”. Sai người đến nghe thì ông ta vẫn còn chuộng tiếng Việt. Nay thần tuy bị bỏ đuổi sang Sở, há không nói được tiếng Tần sao?

Huệ Vương bảo :

- Phải. Nay Hàn, Ngụy đánh nhau một năm không xong, có người bảo quả nhân cứu họ là hơn, có người bảo đừng cứu họ. Quả nhân không quyết định được, mong ngươi ngoài việc vì vua của ngươi, còn vì quả nhân mưu tính việc ấy.

Trần Chẩn nói :

- Đã có ai đem chuyện Biện Trang Tử đâm hổ nói với đại vương chưa? Biện Trang muốn dâm hổ, đứa trẻ ở quán trọ ngăn nói rằng: “Hai con hổ sắp ăn thịt con trâu, ăn ngon miệng thế nào chúng cũng tranh nhau, tranh nhau thì phải đánh nhau. Khi đánh nhau thì con hổ lớn bị thương, con hổ nhỏ chết. Nhằm con bị thương mà đâm thì làm một việc mà được cả hai”. Biện Trang Tử cho là phải, đứng chờ. Được một lát hai con hổ quả đánh nhau thật, con lớn bị thương, con nhỏ chết, Biện Trang Tử nhằm con bị thương mà đâm, làm một việc mà quả được cả hai con hổ. Nay Hàn, Ngụy đánh nhau một năm trời không xong, thế nào nước lớn cũng bị thương, nước nhỏ cũng bị mất. Nhằm nước bị thương mà đánh, làm một mà được hai, cũng như chuyện Biện Trang Tử đâm hổ vậy. Vua của thần cũng như đại vương chẳng lo việc gì khác.

Huệ Vương nói :

- Phải Rồi không cứu ai, nước lớn quả bị thương, nước nhỏ bị mất. Tần dấy quân đánh được nước lớn. Đó là mưu kế của Trần Chẩn.

3. Tê Thủ (tên quan nước Ngụy) là người đất âm Tấn nước Ngụy, tên là Diễn, họ là Công Tôn, Tê Thủ không chơi với Trương Nghi. Trương Nghi vì Tần sang Ngụy, Ngụy Vương dùng Trương Nghi làm tướng quốc. Tê Thủ bực bội sai người bảo Hàn Công Thúc :

- Trương Nghi đã làm cho Tần, Ngụy giao hiếu với nhau. Hắn nói rằng: “Ngụy đánh Nam Dương, Tần đánh Tam Xuyên”. Ngụy Vương sở dĩ quý Trương Nghi là vì muốn được đất của Hàn và muốn lấy Nam Dương. Tại sao ông không mời ông Công Tôn Diễn đến cho ông ta làm quan to? Nếu làm thế thì có thể cản trở được sự giao hiếu của Tần và Ngụy. Ngụy tất lo đánh Tần mà bỏ Nghi, thu nạp Hàn mà dùng Diễn làm tướng quốc.

Công Thúc cho là tiện, nhân giao đất của Hàn cho Tê Thủ để làm công.

Quả nhiên Diễn làm tướng quốc nước Ngụy.

Trương Nghi đi. Vua nước Nghĩa Cừ sang triều nước Ngụy. Tê Thủ nghe tin Trương Nghi lại làm Thừa tướng nước Tần, ghét Nghi, bèn nói với vua nước Nghĩa Cừ :

- Đường xa sau này lại không được gặp nhau nữa. Xin bày tỏ sự tình.

Rồi nói :

- Các nước ở Sơn Đông không làm gì thì Tần được dịp đốt phá, cướp bóc đất nước ngài. Nếu các nước đánh Tần, Tần sẽ nhẹ phần sứ giả, nặng phần lễ vật để phụng sự nước ngài.

Đến sau, năm trước đánh Tần, Trần Chẩn bảo Tần Vương :

- Vua nước Nghĩa Cừ là vua hiền trong các nước Man Di. Chẳng bằng đút lót họ để làm yên tâm họ.

Tần Vương nói :

- Phải.

Bèn lấy nghìn tấm gấm thêu, trăm người đàn bà đưa cho vua nước Nghĩa Cừ. Vua nước Nghĩa Cừ mời quần thần đến bàn :

- Công Tôn Diễn nói là thế chăng (12)?

Bèn cử quân đánh úp Tần, quân Tần bị thua to ở gần ấp Lý Bá. sau khi Trương Nghi chết, Tê Thủ vào làm tướng nước Tần, có lần đã mang ấn tướng quốc năm nước làm ước trưởng.

4. Thái Sử Công nói: Đất Tam Tấn có nhiều kẻ sĩ quyền biến. Những kẻ chủ trương hợp tung, liên hoành để làm cho Tần mạnh, nói chung đều là người của Tam Tấn. Việc làm của Trương Nghi tệ hại hơn việc làm của Tô Tần. Song người đời ghét Tô Tần, vì Tô Tần chết trước, Nghi lại nêu bày chỗ kém của Tô Tẩn để bênh vực cái thuyết của mình, làm cho thuyết liên hoành của mình thành công. Tóm lại, cả hai người ấy đều là những kẻ gian trá nguy hiểm làm sao!

(1) Một chi tiết hết sức điển hình.

(2) Tổ của Tư Mã Thiên.

(3) Nhị Chu: Đông Chu và Tây Chu.

(4) Chín vạc: Vua Hạ Vũ đúc chín cái vạc để tượng trưng cho chín châu trong thiên hạ. Thời tam đại coi chín vạc ấy là bảo vật khí truyền nước. Thành Thang thiên chín vạc ấy ra Thương ấp. Chu Vũ Vương lại thiên ra Lạc ấp.

(5) Lương: Đại Lương là nơi Ngụy Huệ Vương đóng đô.

(6) Xin hài cất: xin từ chức, ý nói để cho hài cốt được đem về chôn ở quê hương.

(7) Tả hữu của đại vương nghĩa đen là các quân hầu, ở đây là chỉ nhà vua.

(8) Đất hiểm trở, sông Hoàng Hà vắt ngang, bốn bề biên giới che ngăn làm cho nước vững chắc.

(9) Khuê là thứ ngọc mà vương hầu được cầm khi triều hội tế tự, thời phong kiến dùng ngọc làm con tin. Ngọc khuê tùy theo tước vị có khác nhau.

(10) Quân: quả cân nặng 30 cân.

(11) Ý nói đánh Triệu. Ngày giáp tí là ngày Vũ Vương đánh và tiêu diệt Trụ.

(12) Ý Diễn nói Tần chẳng thương gì vua nước Nghĩa Cừ muốn được yên ổn thì chỉ có một cách là đánh Tần thôi.