Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 22 - Phần 03

Thái Trạch nói :

- Ố (53), sao mà ngài thấy muộn thế. Đại phàm trật tự bốn mùa thay nhau đổi, thành công rồi thì rút lui. Thân thể mạnh mẽ, chân tay lanh lẹn, tai mắt tỏ tường, trí khôn sáng suốt điều đó chẳng phải mọi kẻ sĩ đều muốn hay sao?

Ứng Hầu nói :

- Phải.

Thái Trạch nói :

- Nắm lấy điều nhân, giữ lấy điều nghĩa, làm việc hợp đạo thi hành ân đức, đắc chí trong thiên hạ, thiên hạ vui vẻ, tôn kính hâm mộ đều muốn tôn làm vua, đó chẳng phải là chí hướng của kẻ sĩ có tài biện thuyết hay sao?

Ứng Hầu nói :

- Đúng.

Thái Trạch lại nói :

- Giàu sang vinh hiển, xử lý vạn vật, khiến cho vạn vật đều êm đẹp, tính mạng lâu dài, sống trọn tuổi trời, không phải chết yểu. Thiên hạ nối được cái quy mô của mình, giữ được cơ nghiệp của mình, truyền mãi đến vô cùng, cả danh lẫn thực đều đẹp đẽ, ân đức tràn khắp ngàn dặm, đời đời khen ngợi không bao giờ dứt, cùng với trời đất không bao giờ cùng, đó chẳng phải là dấu hiệu của đạo đức, thánh nhân gọi đó là điềm lành, việc tốt dó sao?

Ứng Hầu nói :

- Đúng.

Thái Trạch nói :

- Xem việc nhà Tần đối với Thương Quân, nước Sở đối với Ngô Khởi, nước Việt đối với đại phu Chủng thì kết cục của họ có làm ta vừa ý không? (54)

Ứng Hầu biết Thái Trạch muốn dùng cách biện thuyết để bắt bí mình, nên dùng lối ngụy biện nói :

- Tại sao lại không được. Công Tôn phương thờ Hiếu Công suốt đời không hài lòng, chỉ lo việc công mà không nghĩ đến việc riêng, đặt ra dao cưa để cấm bọn gian tà, việc thưởng phạt đều rõ ràng, làm cho nước được thịnh trị, phơi gan ruột, bày tỏ nỗi lòng, chịu người ta oán giận, lừa bạn cũ, giành bắt công tử Ngang nước Ngụy, làm cho xã tắc nhà Tần được yên, làm lợi cho trăm họ, cuối cùng vì nước Tần bắt sống tướng địch, cướp đất ngàn dặm (55). Ngô Khởi thờ Điệu Vương, khiến cho việc riêng không được hài đến việc công, giời gièm pha không che được người trung thực, khi nghe lời nói, không cốt nghe kẻ a dua theo mình, không vì việc nguy mà thay đổi hành động, làm việc nghĩa không tránh hoạn nạn, chỉ lo làm sao cho nhà vua xưng bá, làm cho nước được mạnh, không từ tai họa gian nguy (56) Đại phu Chủng thờ Việt Vương, vua tuy bị khốn, bị nhục, nhưng mình vẫn đem hết lòng trung thành không chút lười biếng, vua tuy ở trong cảnh nguy vong, vẫn đem hết lòng mà không rời công thành mà không khoe khoang, giàu sang mà không, kiêu ngạo nhác nhớn. Ba người kia đã đạt đến mức độ cao nhất của điều trung, cho nên người quân tử vì giữ nghĩa mà chết, trong lúc hoạn nạn, coi chết như về. Sống mà nhục chẳng bằng chết mà vinh. Kẻ sĩ vốn có cái nghĩa chịu hy sinh thân mình, để cho cái danh được thành. Chỉ cốt đó là đạo nghĩa thì dù có chết cũng không oán hận, có gì là không được đâu?

Thái Trạch nói :

- Vua thánh, tôi hiền là cái phúc lớn trong thiên hạ; vua sáng tôi ngay là cái phúc của nước; cha nhân từ, con hiếu, chồng tín vợ trinh, đó là cái phúc của nhà. Vì vậy cho nên Tỷ Can (57) trung mà không thể bảo tồn được nhà vua Ân; Tử Tư khôn mà không thể bảo toàn được nước Ngô; Thân Sinh (58) có hiếu mà nước Tấn nổi loạn. Họ đều là những tôi trung, con hiếu, nhưng nước nhà vẫn loạn lạc, vẫn bị tiêu diệt là tại làm sao? Vì không có vua sáng, cha hiền để nghe họ, cho nên thiên hạ đều căm ghét, mắng nhiếc vua và cha mà thương cho kẻ làm tôi và làm con. Nay Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng làm người tôi thì phải, nhưng vua của họ thì trái. Cho nên đời khen ba người này lập được công, nhưng vẫn không được báo đáp, chứ có phải thích việc họ không gặp thời mà chết đâu. Nếu cứ đợi chết rồi sau đó mới được gọi là trung, mới lập được danh tiếng thì Vi Tử (60) không đáng gọi là nhân, Khổng Tử không đáng gọi là thánh, Quản Trọng không đáng gọi là lớn. Người ta lập công, ai lại không muốn được thành đạt toàn vẹn? Thân và danh được toàn vẹn là tốt nhất. Danh có thể nêu gương mà thân thì chết đó là hạng thứ hai. Danh bị ô nhục mà thân được toàn vẹn thì đó là hạng bét. Lúc đó, Ứng Hầu mới khen là giỏi (61).

Thái Trạch dần dần tìm ra chỗ hở (62), bèn nói :

- Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng làm tôi tận trung lập nên công, đó là điều đáng mong mỏi. Hoành Yêu thờ Văn Vương, Chu Công giúp Thành Vương, há không phải là bậc thánh trung hay sao (53). Theo như ý ngài làm Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng với làm Hoành Yêu, Chu Công thì nên làm người nào hơn?

Ứng Hầu nói :

- Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng không thể bằng được.

Thái Trạch nói :

- Thế thì vua của ngài về mặt nhân từ, tin dùng kẻ trung thần, nhớ đến tình xưa nghĩa cũ, tôn trọng kẻ sĩ có tài và có đạo gắn bó với họ, không bỏ sót người công thần, so với Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, Việt Vương thì ai hơn?

Ứng Hầu nói :

- Chưa biết như thế nào.

Thái Trạch nói :

- Nay nhà vua thân với kẻ trung thần nhiều lắm là như Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, Việt Vương. Về mặt trổ tài trí lực, giúp cho nhà vua bình định được việc nguy, sửa sang chính trị, dẹp loạn, làm cho quân mạnh, trừ bỏ điều lo lắng, tiêu diệt điều tai nạn, mở mang đất đai, trồng trọt ngũ cốc, làm cho nước giàu, nhà no đủ, nhà vua mạnh, xã tắc được tôn trọng, tôn miếu được hiển vinh, thiên hạ không ai dám phạm đến nhà vua, uy thế của nhà vua vang dội khắp bốn bể, công lao vang lừng ở ngoài vạn dặm, thanh danh sáng ngời đến ngàn đời, thì ngài so với Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng ai hơn?

Ứng Hầu nói :

- Ta không bằng.

Thái Trạch nói :

- Nay nhà vua về mặt thân với kẻ trung thần, không quên tình xưa nghĩa cũ đã không bằng Hiếu Công, Điệu Vương, Câu Tiễn, mà về mặt công lao được tin yêu, thân cận ngài lại không bằng Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng. Đã thế, tước lộc, chức vị của ngài lại sang trọng hơn, nhà cửa của ngài lại giàu có hơn cả ba người kia, thế mà ngài còn chưa rút lui thì tôi sợ còn đáng lo hơn cả ba người kia. Tôi xin lo thay cho ngài. Tục ngữ có câu: “Mặt trời lên đến đỉnh đầu thì sẽ xế, trăng đầy thì khuyết, sự vật thịnh thì suy. Đó là cái lẽ thường của trời đất. Khi tiến khi lùi, khi đầy khi vơi theo thời tiến hóa, đó là cái đạo thường của thánh nhân”. Cho nên “nước có đạo thì làm quan, nước không có đạo thì đi ở ẩn” (84). Thánh nhân nói: “Rồng bay lên trời, lợi thấy kẻ đại nhân” (65). “Bất nghĩa mà giàu sang thì ta xem như dám mây nổi” (66). Nay oán thù ngài đã trả, ân đức ngài đã báo, điều sở nguyện đã đạt, thế mà không thay đổi cái kế của mình, thì tôi trộm cho ngài như thế là không nên. Vả chăng con chim trả, chim hộc, con tê ngưu, con viu, chỗ ở không phải là không xa chỗ chết, mà sở dĩ chết là vì ham mồi. Tô Tần, Trí Bá không phải là không đủ trí khôn đề tránh điều nhục, tránh xa cái chết, nhưng sở dĩ đều chết, đó là vì tham lợi không chịu dừng lại (67), cho nên bậc thánh nhân đặt ra lễ để hạn chế cái lòng dục, lấy ở dân có chừng mực, sai dân đúng thời vụ, dùng của cải của dân có mức độ. Cho nên trí họ không tự mãn, hành động của họ không kiêu, luôn luôn theo đạo mà không bỏ. Vì vậy giữ mãi được thiên hạ mà không mất. Ngày xưa Tề Hoàn Công nhóm họp chư hầu, chỉnh đốn thiên hạ, đến khi họp ở Quỳ Khâu thì có ý kiêu căng, chín nước phản lại; vua Ngô là Phù Sai, quân đội vô địch trong thiên hạ, dũng mãnh coi khinh chư hầu, lấn át nước Tề, nước Tần cho nên rút cục thân bị giết, nước bị mất. Hạ Dục, Thái Sử Hiệu (68) hò hét làm ba quân sợ hãi, nhưng thân bị chết bởi một người tầm thường. Những người này thanh thế đã đến cực thịnh, nhưng không quay về với đạo lý, không khiêm tốn rút lui để an tâm chịu nghèo hèn cho nên mới xảy ra tai họa như thế! Thương Quân làm pháp lệnh cho Tần Hiếu Công, cấm nguồn gốc của tội ác, có công nhất định thưởng, có tội nhất định phạt, làm cho cân ngang nhau, chỉnh lý việc đo lường, điều chỉnh nặng nhẹ, phá vỡ các đường thiên, đường mạch (59) để cho dân ổn định được nghề nghiệp. Do đó thống nhất được tục lệ, khuyến khích người cày làm hết cái lợi của đất, một nhà không lo hai việc, ra sức cày ruộng, súc tích lương thực, tập nghề chiến trận; kết quả, khi dám binh dành thì mở đất rộng, khi nghỉ binh thì nước được giàu, cho nên trong thiên hạ không đâu địch nổi, có uy thế đối với chư hầu, lập thành cơ nghiệp nước Tần. Công ông ta đã thành, rút cục ông ta lại bị xe xé xác. Đất Sở vuông mấy ngàn dặm, người cầm kích một trăm vạn, Bạch Khởi chỉ huy mấy vạn quân, đánh nhau với Sở, đánh một trận lấy đất Yến, đất Sính, đốt Di Lăng; đánh hai trận phía Nam lấy đất Thục, đất Hán, rồi vượt qua nước Hàn, nước Ngụy đánh nước Triệu mạnh; phía Bắc chôn sống Mã Phục, làm cỏ hơn bốn mươi vạn người, họ bị chôn ở gần Trường Bình, máu chảy thành sông, sóng sôi lên như sấm (70). Sau đó, vào vây Hàm Đan, khiến cho nước Tần có được cơ nghiệp đế vương. Nước Sở, nước Triệu là nước mạnh trong thiên hạ và là kẻ thù của nước Tần. Nhưng từ đó về sau, Sở, Triệu đều nem nép sợ không dám đánh Tần nữa. Đó là cái thế của Bạch Khởi. Bạch Khởi thân hành đánh lấy bảy mươi thành, nhưng khi công đã thành, lại bị nhà vua trao kiếm chịu chết ở Đỗ Bưu. Ngô Khởi lập phép tắc cho vua Sở Điệu Vương, giảm bớt uy lớn của các quan đại thần, bãi những người không có năng lực, những người vô dụng, bỏ những chức quan không cần kíp, trừ việc xin xỏ ở cửa nhà tư, thống nhất phong tục nước Sở, cấm những người đi du thuyết, biểu dương những kẻ sĩ giỏi cày và chiến đấu, phía Nam lấy đất Dương Việt, phía Bắc thâu tóm đất Trần, đất Thái, phá kế liên hoành, giải tán kế hợp tung, khiến cho những kẻ sĩ đi du thuyết đều không có cách nào mở miệng, cấm bè đảng để khuyến khích trăm họ, ổn định chính trị nước Sở, binh lực nổi tiếng trong thiên hạ, uy thế làm chư hầu phải phục. Nhưng khi công đã thành, cuối cùng lại bị xé cả tay chân. Đại phu Chủng vì Việt Vương nghĩ mưu sâu bày kế xa, chuyển mất thành còn, nhân điều sỉ nhục mà đổi thành vinh quang; khai khẩn đất đai đầy cỏ dại lập thành ấp trại, vở đất trồng ngũ cốc; cầm đầu kẻ sĩ bốn phương, trên dưới đều hết lòng giúp cho cái hiền của Câu Tiễn, trả được cái thù với Phù Sai; cuối cùng phá được nước Ngô mạnh khiến cho nước Việt làm nên nghiệp bá. Công như thế rõ ràng là rực rỡ vậy. Kết cục Câu Tiễn phụ bạc mà giết ông ta. Bốn người này công thành mà không bỏ đi cho nên tai vạ đến thân mình. Đó là biết duỗi mà không biết co, biết đi mà không biết về vậy (71). Phạm Lãi biết điều đó vượt ra khỏi ràng buộc của thế lợi, trốn đời, suốt đời làm Đào Chu Công (72). Ngài không thấy người ta đánh bạc hay sao? Có kẻ muốn tố nhiều, có kẻ muốn tố ít, rồi tiến lên dần dần, đó là điều ngài đã biết rõ. Nay ngài làm tướng nước Tần, bàn kế không rời khỏi chiếu, bàn mưu không ra khỏi nơi lăng miếu, ngồi mà khống chế chư hầu, lấy hết Tam Xuyên để bồi đắp cho đất Nghi Dương (73) phá được cái hiểm ở Dương Trường, chẹn được con đường Thái Hàng, sáu nước không dám hợp tung, đường sạn đạo ngàn dặm thông đến đất Thục, đất Hàn, khiến cho thiên hạ đều sợ Tần. Như thế là điều mong muốn của Tần dã đạt được rồi và công của ngài cũng đã đạt tột độ rồi đó. Nay cũng là lúc nước Tần chia công. Nếu ngài như thế mà không rút lui thì sẽ như Thương Quân, Bạch Công, Ngô Khởi, đại phu Chủng vậy. Tôi nghe nói: “Nhìn xuống nước thì thấy mặt mình; nhìn vào người thì biết dữ lành”. Kinh thư có câu: “Sau khi thành công, không thể ở lâu”, Ngài chịu tai họa của bốn người kia làm gì? Tại sao ngài không nhân lúc này trả ấn Thừa tướng, trao ấn nhường cho người hiền, rút lui về ở ẩn nơi rừng núi xa, xa lánh thế sự. Như thế thì thế nào cũng được cái liêm của Bá Di, suốt đời làm Ứng Hầu, đời đời xưng công, lại được cái tiếng nhân nhượng của Hứa Do, Diên Lăng Quý Tử, được cái thọ của Kiều, Tùng (74), thế chẳng hơn cuối cùng mắc tai họa sao? Nếu ngài cứ tiếc mà không nỡ rời, nghi ngờ mà không dám quyết định, thì thế nào cũng mắc cái họa của bốn người kia. Kinh dịch có câu: “Càng Long hữu hối” (75). Đó là nói chỉ biết tiến lên mà không biết lùi, chỉ biết duỗi mà không biết co, chỉ biết đi mà không biết về vậy. Xin ngài nghĩ kỹ cho.

Ứng Hầu nói :

- Hay lắm! Ta nghe nói: “Chỉ muốn mà không biết dùng thì sẽ mất điều mình muốn; có mà không biết cho là đủ thì sẽ mất điều mình có”. May mắn được tiên sinh chỉ giáo, Thư này xin kính cẩn vâng lời.

Bèn mời vào ngồi, tôn làm thượng khách. Mấy ngày sau, Phạm Thư vào triều, nói với Tần Chiêu Vương :

- Vừa có một người khách ở Sơn Đông đến tên là Thái Trạch. Ông ta là người biện sĩ, biết việc Tam Vương, hiểu sự nghiệp Ngũ Bá, biết sự biến đổi của thế tục, có thể giao chính sự nước Tần cho ông ta. Thần thấy người rất nhiều, nhưng không ai bằng, thần cũng không bằng. Thần xin tâu để nhà vua biết.

Tần Chiêu Vương mời vào tiếp kiến, cùng nói chuyện rất lấy làm thích, cho làm khách khanh. Ứng Hầu nhân đấy cáo bệnh rút lui, trả lại ấn Thừa tướng.

Chiêu Vương cưỡng ép Ứng Hầu dậy, Ứng Hầu bèn cáo bệnh nặng. Phạm Thư thôi làm Thừa tướng. Chiêu Vương thích kế hoạch của Thái Trạch bèn phong Thái Trạch làm Thừa tướng nước Tần, sang Đông thôn tính nhà Chu.

Thái Trạch làm Thừa tướng mấy tháng, có người gièm, Thái Trạch sợ bị giết, bèn cáo bệnh trả ấn Thừa tướng, hiệu là Cương Thành Quân, Thái Trạch ở Tần hơn mười năm, thờ Chiêu Vương, Huệ Văn Vương, Trang Tương Vương, cuối cùng thờ Thủy Hoàng Đế, đi sứ cho nước Tần sang nước Yên, được ba năm thì nước Yên sai Thái tử Đan vào làm con tin ở nước Tần (76).

3. Thái Sử Công nói :

- Hàn Tử nói: “Ống áo dài khéo múa, lắm tiền khéo buôn”. Lời nói ấy đúng làm sao! Phạm Thư, Thái Trạch là nhưng người biện sĩ giỏi nhất một thời, thế mà đi du thuyết chư hầu, đến lúc đầu bạc cũng không có cơ hội thành đạt. Đó không phải là kế hoạch của họ dở mà chỉ vì những nước họ đến du thuyết đều yếu (77). Đến khi hai người làm khách ở nước Tần, nối gót nhau làm khanh tướng, công để lại trong thiên hạ. Đó là vì cái thế mạnh và yếu khác nhau vậy. Nhưng kẻ sĩ cũng có lúc ngẫu nhiên mà gặp cơ hội. Những người hiền hơn hai người kia, nhưng thể trổ hết tài nhiều không kể xiết. Thế nhưng hai người, nếu không bị khốn cùng thì làm sao mà khích lệ họ được (78)?

(1) Câu này chuẩn bị cho những việc sau này Phạm Thư sẽ làm đôi với Nhương Hầu.

(2) Câu này cũng là một cái thuật “thăm dò”, mục đích kích thích sự chú ý của nhà vua.

(3). Năm 246 trước Công nguyên, vua Tần tự lập làm Tây Đế, sai sứ khuyên Tề Dẫn Vương tự lập làm Đông Đế. Vua Tề tự xưng làm Đông Đế được hai tháng rồi thôi. Sau đó vua Tần lại xưng vương như cũ.

(4) Đoạn này nêu một cách điển hình những mánh khóe của một người du thuyết để làm cho nhà vua nghe theo ý của mình.

(5) Ý nói điều tôi nói ra là điều chắc chắn đúng, tôi đâu dám đem cái trò du thuyết vu vơ ra để chịu hình phạt.

(6) Phạm Thư ám chỉ mình, tự cho mình như viên ngọc quý nhưng chưa được người thợ giỏi biết đến.

(7) Ám chỉ Nhương Hầu vơ vét của cải trong nước để làm giàu cho mình.

(8) Ám chỉ Nhương Hầu không nghĩ đến quyền lợi của nước nên không dung nạp những người du thuyết ở các nước chư hầu như Phạm Thư.

(9) Đặc điểm lối nói của hạng du thuyết là không đi ngay vào đề mà bắt đầu bằng những câu nói bóng gió.

(10) Thiên này rất thành công trong việc miêu tả những mánh khoé của bọn du thuyết. Sau khi làm vua chú ý đến mình, Phạm Thư dùng lối nói khích để bắt nhà vua thấy xấu hổ.

(11) Vua của bộ lạc Nghĩa Cừ và Tuyên thái hậu gian díu với nhau sinh hai con. Tuyên thái hậu lừa giết vua Nghĩa Cừ ở Cam Tuyền rồi sau đem binh tiêu diệt Nghĩa Cừ. Câu nói này chứng tỏ nhà vua cũng cho lời nói của Phạm Thư là đúng.

(12) Làm cho nhà vua 1o lắng chắc việc sắp nói sẽ quan trọng. Cử chỉ này của Phạm Thư cũng xứng đáng với lời khen của Tư Mã Thiên: “Biện sĩ giỏi nhất một thời”.

(13) Lữ Thượng còn gọi là Lã Vọng. Trong những hòn non bộ ở ta thường có ông Lã Vọng ngồi câu cá.

(14) Then chốt của đoạn này là mấy chữ “quen biết thì sơ nhưng lời nói thì sâu cho nên đành phải dè dặt”. Ở đây đồng thời ngụ ý tự cho mình là Lã Vọng, lại hy vọng nhà vua sẽ là Văn Vương, tức là có ý.

(15) Ý nói mình không gắn bó với nhà vua.

(16) Nói bóng gió việc Nhương Hầu và Tuyên thái hậu.

(17) Đoạn này dài, hoàn toàn không liên quan đến điều trình bày nhưng rất quan trọng để chuẩn bị trước cho nhà vua nghe theo ý của mình. Chú ý Phạm Thư nhắc đến chỗ “chết” mười một lần, chỗ “không sợ” bốn lần, cốt làm cho nhà vua nóng ruột, bị thuyết phục hoàn toàn trước khi nghe. (Xem bài “Thuyết nan” trong Thân Hàn).

(18) Lại đưa ra một trường hợp cực đoan, trái với trường hợp Văn Vương để kích thích nhà vua. Vua Trụ hôn ám, Tỷ Can bị giết.

(19) Đe dọa và khích vua Tần tức giận.

(20) Mánh khóe này làm cho vua Tần từ địa vị một ông vua chuyển sang địa vị một người cầu khẩn. Trái lại, Phạm Thư đã từ địa vị một người cầu khẩn sang địa vị một ân nhân. Việc chuẩn bị tâm lý mà thuật du thuyết đòi hỏi đã đạt được bước đầu.

(21) Hai cái là địa lợi, nhân hòa.

(22) Tên một con chó khoẻ.

(23) Để chứng minh mưu kế đem quân Tần vượt qua Hàn, Ngụy để đánh Tề là sai, Phạm Thư dẫn trường hợp của Tề. Năm 285 trước Công nguyên, Tề đem quân đi xa đánh Sở. Vua sai Nhạc Nghị thống lĩnh quân các nước Yên, Triệu, Ngụy đánh Tề thua to (xemNhạc Nghị liệt truyện). Phạm Thư kết luận bằng một câu tục ngữ.

(24) Văn Tử tức Mạnh Thường Quân.

(25) Đưa ra một dẫn chứng khác để bênh vực học thuyết “giao hiếu với các nước ở xa mà đánh những nước ở gần”. Nước Triệu một mình đã quất hết nước Trung Sơn to lớn mà chẳng ai làm được gì, vì Triệu ở gần Trung Sơn.

(26) Then chất của mưu kế Phạm Thư là lấy Hàn, Ngụy ở gần mà giao hiếu với Tề ở xa. Nhưng muốn lấy Hàn, Ngụy thì trước hết phải cô lập nó, cho nên đầu tiên phải giao hiếu với nó để nó thoát ly ảnh hưởng của các nước lớn Tề, Sở, Triệu. Sau đó phải làm sao cho Sở, Triệu phải phục tùng theo mình không can thiệp vào việc đánh Hàn, Ngụy. Muốn vậy thì xui hai nước đánh nhau, giúp nước yếu đánh nước mạnh, làm cả hai nước đều kiệt quệ mà phải thần phục tùng mình. Một khi Hàn, Nly, Triệu, Sở đã thuần phục rồi thì nước Tề lúc bấy giờ tự mình, hứng ở vào thế cô, nên thế nào cũng phỉ giao hiếu với Tần khi ấy giao hiếu với các nước xa xôi rồi, việc lấy Hàn, Ngụy dễ như trở bàn tay.

(27) Chức quan ở trên cấp đại phu.

(28) Thượng Đảng ở phía Bắc đất Hàn. Chặn đường Thái Hàng thì quân Hàn ở phía Bắc không xuống miền Nam mà tiếp viện được.

(29) Sau mấy năm mới đưa chủ ý ra bàn. Lúc bấy giờ Phạm Thư đang chuẩn bị đầy dủ cho nhà vua dể nhà vua nghe theo mình.

(30) Đưa ra một nhận xét ký quặc để nhân đó giải thích định nghĩa của khái niệm vua.

(31) Ý nói nếu chú trọng đến cái ngọn thì hại cái. gốc.

(32) Chủ Phụ tức là Vũ Linh Vương nước Triệu. Phạm Thư đưa ra hai thí dụ để chứng minh cái nguy của nhà vua, và tìm những thí dụ nổi bật làm nhà vua phải sợ.

(33) Câu này cắt nghĩa lời nói của Phạm Thư: “Nước Tần nguy nhất trứng để đầu đẳng”, và thái độ dê dặt của Thư khi gặp Chiêu Vương.

(34) Năm 266 trước Công Nguyên. Đoạn 2: Phạm Thư du thuyết vua Tần làm đến chức Thừa tướng.

(35) Qua lời nói này ta thấy rõ uy lực của Tần đôi với chư hầu lúc bấy giờ như thế nào.

(36) Bao Tư từ chối cho rằng sở dĩ mình cửu nước Sở là vì mồ mả của mình ở Kinh thuộc đất Sở, như vậy là vì mình mà làm chứ không phải vì nước Sở (Xem Ngũ Tử Tư liệt truyện).

(3l) ý nói một ngày kia nhà vua chết.

(38) ý nói Phạm Thư chết.

(39) ý nói tôi bị tội chết.

(40) Dùng lối nói phản ngữ, ý nói yêu tôi.

(41) Theo lệ của Tần, Thái thú sau một năm phải báo cáo về tình hình cai trị ở quận một lẩn.

(42) Xem Bình Nguyên Quân, Ngu Khanh liệt truyện.

(43) Đoạn 3: Phạm Thư báo án, báo oán.

(44) Tức Triệu Quát. Xem Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện.

(45) Điều này cắt nghĩa câu “ba năm không báo lên nhà vua về việc cai trị” ngỡ như thừa.

(46) Phạm Thư theo luật Tần đáng bị giết ba họ hai lần.

(47) Đoạn 4: Những người Phạm Thư tiến cử làm phản, Thư không có mưu kế gì nữa.

(48) Toàn là những nét tầm thường, chẳng có cái gì đáng chú ý, thế mà muốn tự ví mình là Lý Đoái, cho nên Đường Cử gọi đùa là thánh nhân.

(49) Đoạn 1: Thái Trạch đi du thuyết các nước không thành công bên sang Tẩn.

(50) Cách thuyết phục của Thái Trạch chẳng kém cách thuyết phục của Phạm Thư.

(51) Đoạn này rất hay, nó là sự gặp gở của hai tay thuyết khách tìm mọi cách để thuyết phục nhau.

(52) Đáng lý phải lạy.

(53) Toàn là giọng xược.

(54) Thuyết khách trổ tài với nhau cũng dùng toàn lôl văn châm ngôn, so sánh, nhưng Phạm Thư là người quen cái lối nói ấy nên biết đối phó ngay.

(55) Xem Thường Quân liệt truyện.

(56) Xem Tôn Vũ Tử, Ngô Khởi liệttruyện.

(57) Tỷ Can can vua Trụ mà bị giết, nhà Ân sau đó cũng mất.

(58) Ngũ Tử Tư biết nước Việt thế nào cũng tiêu diệt nước Ngô khuyên vua Ngô đánh Việt, nhưng vua Ngô không nghe. Tử Tư bị giết, sau đó nước Ngô cũng bị tiêu diệt.

(59) Tấn Hiếu Công yêu Ly Cơ. Ly Cơ vu thái sử Thân Sinh mưu kế giết cha. Thân Sinh sợ mình trình bày oan uổng thì sẽ làm cho cha đau lòng nên tự sát. Sau đó các công tử tranh nhau ngôi, nước Tấn loạn.

(60) Vi Tử can Trụ, Trụ không nghe. Vi Tử bỏ sang Chu.

(61) Trở lên Phạm Thư chỉ nói “đúng” vì cách lập luận cũng tầm thường, lúc này thấy Thái Trạch quả có tài thực. Phạm Thư mới khen giỏi.

(62) Chỗ hở của Phạm Thư là không biết mình sẽ bị giết lúc nào, Phạm Thư muốn làm theo Thương Ương, Ngô Khởi cho nên sẵn sàng chờ chết mà không biết làm thế nào.

(63) Chu Công và Hoành Yêu đều lập công to, lại thành đạt toàn vẹn cho nên gọi là thánh trung.

(64) Câu của Khổng Tử trong Luận Ngữ.

(65) Câu trong Kinh dịch, ý nói đã được địa vị tôn quý thì phải đề phòng.

(66) Câu của Khổng Tử trong LuậnNgữ.

(67) Tô Tần đi du thuyết, làm tể tướng sáu nước, sau đó bị người đâm chết ở Tề. Trí Bá đem quân của Hàn, Ngụy đánh Triệu. Hàn, Ngụy sợ Trí Bá nên mưu với Triệu giết Trí Bá.

(68) Tên những dũng sĩ thời cổ.

(69) Đường nhỏ ở ruộng, đường từ Bắc đến Nam gọi là thiên, từ Đông đến Tây gọi là mạch.

(70) Các thuyết khách muốn cho lời lẽ hùng hồn nên hay dùng lối ngoa dụ.

(71) Trở lên kể bốn trường hợp sát thân thánh nhân.

(72) Xem Việt Vương Câu Tiễn thế gia.

(73) Sau khi Tần diệt Hàn thì đặt quận Tam Xuyên. Nghi Dương là một ấp của Hàn, Tần đã lấy từ trước.

(74) Hứa Do là một người hiền đời trước, vua Nghiêu muốn nhường ngôi cho ông, nhưng ông không bằng lòng. Diên Lăng Quý Tử, con thứ tư vua Ngô, nhà vua muốn nhường ngôi, nhưng ông không nhận. Vương Kiều, con Chu Linh Vương và Xích Tùng Tử người đời Thần Nông là những người sống lâu.

(75) Kinh Dịch quẻ “càn hào” “thượng cửu”- con rồng bay trên cao muốn hạ cũng không kịp, thế nào cũng hối hận. Ý nói chỉ biết tiến không biết thoái thì sẽ hối hận.

(76) Đoạn 2: Thái Trạch trổ tài, thuyết phục được Phạm Thư và làm Thừa tướng nước Tần.

(77) Ý nói giúp nước yếu thì khó thành công, giúp kẻ mạnh thì dễ có kết quả.

(78) Đoạn 3: Tác giả tiếc mình không gặp thời nhưng lại lấy cảnh khốn cùng của họ để tự khích lệ mình.