Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 28 - Phần 03

Nhị Thế nói :

- Sao thế Cao vốn là hoạn quan, không vì cớ mình được ở nơi yên ổn mà ngông nghênh, không vì cớ mình ở nơi nguy hiểm mà thay đổi lòng trung. Ông ta phẩm hạnh liêm khiết, khéo trau dồi cái hay nên mới lên dện địa vị ấy. Ông ta nhờ trung mà được cất nhắc, nhờ tin mà được giữ địa vị, trẫm thực cho ông ta là người hiền, sao ông lại nghi? Vả chăng, khi tiên đế mất, trẫm còn ít tuổi, không biết gì, không quen cách trị dân, ông lại già, nếu không có ông ta sợ sẽ cùng thiên hạ tiêu diệt. Trẫm nếu không nhờ cậy Triệu Cao thì biết dùng ai?

Triệu Cao là người sáng suốt, liêm khiết, có sức làm việc, ở dưới biết dân tình, ở trên biết làm vừa ý trẫm. Ông đừng có nghi.

Lý Tư nói :

- Không phải thế Cao vốn là người hèn, không hiểu đạo lý, tham lam, đòi hỏi không biết chán, cầu lợi không thôi. Địa vị và quyền thế gần ngang với nhà vua; đòi hỏi, tham muốn không cùng. Cho nên thần mới nói là “nguy”. Nhị Thế trước đây vốn đã tin Triệu Cao, sợ Lý Tư giết y bèn nói riêng với Triệu Cao.

Triệu Cao nói :

- Thừa tướng chỉ lo ngại một mình Cao mà thôi. Sau khi Cao đã chết, Thừa tướng sẽ làm ngay việc Điền Thường đã làm đấy.

Nhị Thế bèn nói :

- Giao Lý Tư cho lang trung lệnh (40).

Triệu Cao tra xét Lý Tư. Lý Tư bị giam, bị trói ở trong nhà tù, ngẩng đầu lên trời nói :

- Than ôi! Thương thay? Làm sao có thể bàn mưu với ông vua vô đạo. Ngày xưa Kiệt giết quan Long Bàng, Trụ giết Tỷ Can, vua Ngô là Phù Sai giết Ngũ Tử Tư, ba người tôi kia đâu phải không trung? Nhưng họ dều không khỏi chết. Thân chết, nhưng kẻ mà mình trung với họ lại vô đạo. Nay trí khôn của ta không bằng ba người kia mà Nhị Thế còn vô đạo hơn cả Kiệt, Trụ, Phù Sai. Ta vì trung mà chết là đáng lắm. Vả chăng cách cai trị của Nhị Thế há chẳng gâyloạn lạc sao? Gần đây ông ta giết sạch các anh em mà tự lập, giết tôi trung mà tôn quý bọn hèn hạ, làm cung A Phòng bắt thiên hạ phải nộp thuế nặng. Ta không phải không can ngăn, nhưng ông ta không nghe. Phàm các vua thánh ngày xưa ăn uống có chừng mực, xe cộ, đồ dùng có số nhất định, cung thất có hạn độ, ra mệnh lệnh làm việc gì không ích lợi cho dân lại tốn kém nhiều thì đều cấm. Cho nên có thể trị an lâu dài (41). Nay Nhị Thế làm việc trái đạo lý với anh em, không đoái nghĩ gì đến mối lo về sau, giết oan trung thần, không nghĩ đến tai hoạ, ra sức làm cung thất cho lớn, vơ vét thiên hạ, không tiếc tổn phí. Một khi đã làm ba điều ấy (42) thì thiên hạ không nghe theo. Nay những người làm phản đã lấy được một nửa thiên hạ rồi. Thế mà vẫn còn chưa tỉnh ngộ, vẫn lấy Triệu Cao làm người giúp việc. Nhất định ta sẽ thấy giặc đến Hàm Dương, hươu nai chơi ở triều!

Nhị Thế bèn sai Cao xét án Thừa tướng, trị tội, kết tội Tư và con là Do làm phản. Bắt tất cả họ hàng tân khách.

Triệu Cao trị tội Tư, dùng roi đánh hơn một nghìn cái, Tư đau đớn vô cùng nghĩ mình chịu tội oan ức. Tư không tự vẫn vì tự phụ mình có tài biện luận, có công lao, thực tình không có lòng làm phản, nên hy vọng có dịp dâng thư để bày tỏ, mong Nhị Thế sẽ tỉnh ngộ mà tha cho. Lý Tư bèn ở trong ngục dâng thư lên. Thư như sau :

“Thần làm Thừa tướng trị dân đã ba mươi năm. Lúc thần đến, đất Tần chật hẹp. Trong thời tiên vương, đất Tần chẳng quá nghìn dặm, quân vài mươi vạn. Thần đem hết tài mọn, cẩn thận chấp hành pháp luật, mệnh lệnh. Ngầm sai các mưu thần đưa cho vàng bạc, châu báu, để họ đi du thuyết chư hầu. Ngầm chuẩn bị vũ lực, quân đội, trau dồi chính giáo, cho những người chiến đấu dũng cảm làm quan, tôn trọng những bầy tôi có công, cho họ tước lộc dồi dào. Cho nên rốt cục uy hiếp nước Hàn, làm yên nước Ngụy, phá tan các nước Yên, Triệu, san phẳng các nước Tề, Sở, cuối cùng lấy tất cả sáu nước, cầm tù vua họ, lập Tần làm Thiên tử, đó là một tội? Đất không phải rộng thế mà phía Bắc lại đuổi các rợ Hồ, Mạch, phía Nam bình định Bách Việt (43) để nêu rõ cái mạnh của Tần, đó là hai tội! Tôn trọng các quan đại thần cho họ tước vị cao làm cho sự thân thiết với nhà vua càng thêm bền vững; đó là ba tội! Lập xã tắc, sửa sang tôn miếu, để làm sáng tỏ cái hiền của nhà vua, đó là bốn tội? Thay đổi các hoa văn khắc vẽ trên các đồ vật, thống nhất các đấu, các hộc, đồ đo lường, quy định các văn chương, ban bố với thiên hạ, để lập nên danh tiếng của nhà Tần, đó là năm tội? Làm đường vua đi, xây dựng ở những nơi danh thắng để nhà vua đi xem chơi, để nêu rõ điều đắc ý của nhà vua, đó là sáu tội: Nới hình phạt, giảm nhẹ đóng góp để làm thỏa mãn mong muốn của nhà vua đã thu được lòng dân chúng, vạn dân tôn quý nhà vua, đến chết cũng không quên, đó là bảy tội? Tư này làm tôi, tội đáng chết đã từ lâu. May được trên cho thần đem hết tài hết sức ra làm nên mới được sống đến nay. Xin bệ hạ xét cho”. (44)

Thư dâng lên, Triệu Cao sai viên lại vứt đi, không tâu lên, nói :

- Đã bị tù còn dâng thư sao được?

Triệu Cao sai hơn mười người khách của mình giả làm ngự sử, yết giả, thị trung (45) thay nhau đến xét hỏi Tư, Tư lại đem thực tình ra nói với họ, Cao lại sai người đánh Tư. Về sau Nhị Thế sai người đến hỏi Lý Tư, Tư cho rằng lần xét hỏi này cũng như mấy lần xét hỏi trước, rốt cục không dám thay đổi lời khai, nhận là mình đã phạm tội. Triệu Cao tâu lên rằng Tư đã nhận tội.

Nhị Thế mừng nói :

- Nếu không có Triệu Cao thì suýt nữa ta bị Thừa tướng làm hại rồi!

Khi Nhị Thế phái người đến xét tội trạng của Thái thú Tam Xuyên thì Hạng Lương đã giết chết Lý Do. Sứ giả về thì Lý Tư đã bị bắt giao quan coi ngục, Triệu Cao đổi tất cả những lời của sứ giả, nói rằng Lý Do làm phản.

Tháng 7 nấm thứ hai đời Nhị Thế. Tư bị đủ ngũ hình, bị xử chém ngang lưng ở chợ Hàm Dương. Tư ở trong ngục đira cũng bị áp giải với đứa con giữa. Tư quay lại bảo con :

- Ta muốn cùng ngươi lại dắt con chó vàng, ra khỏi cửa Đông ở ấp Thượng Sái đuổi con thỏ khôn, nhưng làm sao được nữa?

Cha con khóc với nhau. Tư bị giết cả ba họ (46).

8. Sau khi Lý Tư chết, Nhị Thế cho Triệu Cao làm trung Thừa tướng (47), mọi việc bất kỳ lớn nhỏ đều do Cao quyết định.

Cao tự biết quyền mình to lớn, bèn dâng vua con nai lại nói là con ngựa.

Nhị Thế hỏi những người chung quanh :

- Đó là con nai chứ?

Những người chung quanh nói :

- Con ngựa đấy ạ.

Nhị Thế cả kinh, tự cho mình loạn óc, bèn gọi quan thái bốc sai bói xem (48). Quan thái bốc nói :

- Bệ hạ mùa xuân mùa thu làm lễ tế giao, thờ phụng tôn miếu, quỷ thần, trai giới không nghiêm, cho nên đến thế. Nên theo đức lớn của các vị vua hiền ngày xưa và cẩn thận trong việc trai giới.

Nhị Thế bèn vào vườn Thượng Lâm trai giới, ban ngày đi chơi, săn bắn.

Có người vào vườn Thượng Lâm, Nhị Thế tự tay bắn chết. Triệu Cao bày cho con rể là Diễm Nhạc không biết có người nào giết người, đem xác đến vất ở Thượng Lâm. Triệu Cao bèn nói với Nhị Thế.

- Nhà vua vô cớ giết người vô tội, đó là điều trời cấm, quỷ thần không nhận dỗ tế lễ, trời sinh tai họa. Nên đi xa cung nhà vua để giải trừ tai họa.

Nhị Thế bèn dời đến Vọng di cung.

Nhị Thế ở đấy ba ngày, Triệu Cao làm chiếu nhà vua gọi vệ binh đến, sai họ đều mặc dỗ trắng cầm binh khí quay mặt vào trong. Triệu Cao vào cung nói với Nhị Thế :

- Quân trộm cắp ở Sơn Đông đến rất đông.

Nhị Thế lên lầu xem thấy thế hoảng sợ: Cao bèn nhân đấy bắt ép Nhị Thế phải tự sát (49). Triệu Cao mang ấn nhà vua, tả hữu, trăm quan không ai theo Cao. Cao lên điện, điện ba lần muốn sụp. Cao tự biết trời không cho mình làm vua, quần thần không chịu, bèn cho mời người em của Thủy Hoàng trao ấn cho ông ta.

Tử Anh lên ngôi, lo sợ bèn cáo ốm không ra triều nghe quần thần tâu bày các công việc. Tử Anh cùng viên hoạn quan Hàn Đàm và con mưu giết Cao.

Cao đến yết kiến Tử Anh để hỏi thăm bệnh. Tử Anh nhân đấy gọi vào, Hàm Đàm đâm chết rồi giết cả ba họ của Cao. Tử Anh làm vua được ba tháng, Bái Công đem quân từ Vũ Quan vào, đến Hàm Dương, các quan đều làm phản không đến. Tử Anh tự buộc dây ấn ở cổ cùng vợ con đầu hàng ở Chỉ Đạo. Bái Công nhân đấy giao Tử Anh cho quan đương sự Hạng Vương đến và chém Tử Anh. Nhà Tần rốt cuộc mất thiên hạ (50).

9. Thái Sử Công nói: Lý Tư xuất thân là kẻ áo vải nơi làng xóm, đi khắp các nước chư hầu, vào thờ Tần, nhân cơ hội các nước có chỗ hở có thể lợi dụng, nên giúp Thủy Hoàng làm nên nghiệp đế. Tư làm tam công, có thể gọi là dịa vị cao và được trọng dụng. Tư biết đạo của lục kinh nhưng không lo làm cho chính sự được sáng suốt để bổ cứu những thiếu sót của nhà vua; trái lại lo giữ tước cao, lộc hậu, a dua cẩu hợp, làm cho uy thêm nghiêm, hình phạt thêm tàn khốc, nghe theo lời tà thuyết của Cao, bỏ con trưởng lập con thứ. Đến khi chư hầu đã làm phản rồi Tư mới muốn căn ngăn thì chẳng phải muộn rồi sao? Người ta đều cho Tư tận trung mà bị ngũ hình chết, nhưng xét cho cùng thì không phải như lời thế tục thường bàn. Nếu không thế hóa ra công của Tư có thể sánh ngang với Chu Công, Thiệu Công vậy (51).

(1) Thuật làm dế vương tức là chủ trương chính trị của Nho giáo.

(2) Tâm lý trắng trợn của một kẻ muốn thành đạt bất kể thủ đoạn, ý nói con người ta bỏ lỡ cơ hội thì cũng như con vật mang cái mặt người mà thôi.

(3) Đoạn 1: Lý Tư sang Tần bắt đầu được tin dùng.

(4) Nói rằng việc làm tốn kém. Kỳ thực việc dó rất có lợi cho Tần.

(5) Tùy hầu đi gặp con rắn bị chém gần dứt. Tùy hầu cứu nó sống, nó cho hòn ngọc gọi là Tùy châu. Biện Hòa xem chú thích ở Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện.

(6) Ý nói: đất nào cũng là đất của vua, người nào cũng là tôi của vua.

(7) Xem chú thích ở Tần Thủy Hoàng bản kỷ.

(8) Đoạn 3: Những việc của Tư khi làm Thừa tướng của Tẩn Thủy Hoàng.

Câu cuối chuẩn bị cho độc giả đón trước những điều bất hạnh mà Lý Tư sẽ gặp.

(9) Nhân vật Triệu Cao được miêu tả thành một hạng người tàn nhẫn nhưng quỷ quyệt, khôn ngoan.

(l0) Ý nói phải làm ngay.

(11) Đoạn đối thoại giữa Triệu Cao và Lý Tư sinh động như một vở bi kịch.

(12) Dò la ý của Tư.

(13) Tư biết ý Cao nên chẹn ngay. Việc quyết đinh ai làm vua là ở vua, bọn bầy tôi nói thế là bậy, việc này xảy ra khi nước sắp mất ý muốn dọa Cao.

(14) Biết không thể đem chuyện đạo lý ra mà thuyết Lý Tư như là thuyết Hồ Hợi. Cao bắt Lý Tư phải nghe theo mình vì lợi của bản thân Lý Tư.

(15) Dọa Lý Tư, muốn nói thế nào Lý Tư cũng chết.

(16) Lý Tư dọa lại. ý nói anh đừng có lo việc lập vua này bỏ vua kia. Ta nhất định không theo.

(17) Cao đe dọa: hiện nay còn an đấy nhưng tôi có thể làm cho an nguy, vận mệnh của anh là nằm trong tay tôi. Việc tôi làm tuy nguy hiểm, nhưng rồi sẽ an.

(18) Cao dọa giết Tư. Tư nói mình sẵn sàng chết để báo lại.

(19) Ý nói Hồ Hợi ở trong, Phù Tô ở ngoài, Thủy Hoàng ở trên, Phù Tô ở dưới, cho nên bây giờ tôn Hồ Hợi lên ngôi mà giết Phù Tô là việc hợp đạo.

(20) Ý nói Tư phải biết theo thời mà làm.

(21) Tư muốn đưa những việc xưa để chống lại: Tấn Hiến Công bỏ Thái tử Thân Sinh, lập Hề Tề làm Thái tử. Khi Hề Tề lên ngôi bị Lý Khắc giết Tuân Tức lập em Hề Tề là công tử Trác lên ngôi, Trác cũng bị Lý Khắc giết. Di Ngô từ nước Tần về giết Lý Khắc, lên ngôi vua. Loạn như vậy kéo dài ba đời.

(22) Đe dọa.

(23) Câu này nhằm chỉ trích Lý Tư.

(24) Đoạn 3: Triệu Cao, Lý Tư mưu lập Hồ Hợi làm vua.

(25) Hồ Hợi biết muốn hưởng lạc lại muốn nước yên, dân sướng là hai điều mâu thuẫn nhau. Vậy có cách nào làm được cả hai điều ấy không?

(26) Hồ Hợi là con thứ mười tám của Thủy Hoàng.

(27) ý nói công tử Cao muốn làm phản nhưng gặp tình cảnh nguy cấp quá đành phải làm thế.

(28) Quân khởi nghĩa của Trận Thắng đến gần Hồng Môn bị quân của Tần do Chương Hàm cầm đầu đánh thua to.

(29) Đoạn 4: Triệu Cao xúi giục Nhị Thế thi hành chính sách bạo ngược độc tài.

(30) Đốc là tra xét tội, trách là dùng hình phạt. Thuật đốc trách là cách dùng hình phạt nghiêm bắt người ta sợ pháp luật.

(31) Tức Thân Bất Hại.

(82) Xem Thương Quân liệt truyện.

(33) Chích là tên người ăn trộm thời cổ.

(34) Lý Tư là bạn đọc của Hàn Phi, biết Hàn Phi giỏi hơn mình, nên gièm với vua Tần giết chết Hàn Phi. Nhưng ở đây lại cực lực tán dương Hàn Phi một cách trơ trẽn quả thực không biết thẹn.

(35) Hình thức lý luận gần giống như hình lức lý luận trong đại học.

(36) Đoạn 5: Luận đốc trách” của Lý Tư. Thực ra Tư chẳng nói gì mới.

Nhà Tần từ thời Thương ương đã theo thuyết pháp gia, đến đời Thủy Hoàng, Nhị Thế pháp luật lại càng nghiêm khắc. Đây chỉ là một cách Ngụy biện để làm vừa lòng nhà vua.

(37) Kết quả uy quyền của Nhị Thế chuyển sang (triệu cao.

(38) Giác lực: trò chơi thời cổ, từng cặp hai ba người, đầu mang sừng húc nhau.

(39) Vì được lòng mọi người nên trong thực tế đã trộm được nước.

(40) Tức giao cho Triệu Cao.

(41) Lúc này Tư đã bỏ hẳn cái thuyết “đốc trách”.

(42) Làm trái đạo anh em, giết tôi trung, xây cung thất.

(43) Hồ và Mạch chỉ Hung Nô ở phương Bắc Trung Quốc. Bách Việt là tên chung chỉ các dân tộc miền Lưỡng Quảng phía Nam đến Giao Chỉ (Việt Nam)

phía Bác đến bờ biển Chiết Giang, phía Đông đến bờ biển Phúc Kiến, phía Tây đến Quảng Tây. Những bộ lạc nổi tiếng là: Đông Việt, âu Việt, Tây Việt, Tường Kha, Lạc Việt.

(44) Tất cả đoạn này đều dùng hình thức phản ngữ nên có sức thuyết phục mạnh.

(45) Ngự sử coi giấy tờ trong cung, kiêm việc can ngăn nhà vua. Yết giả làm chức tiếp khách khứa. Thị trung coi việc giấy tờ tâu lên nhà vua.

(46) Đoạn 7: Mâu thuẫn gay gắt trong tập đoàn thống trì Triệu Cao giết Lý Tư.

(47) Thừa tướng ở trong cung cấm.

(48) Xem Tần Thủy Hoàng bản kỷ đoạn 7. Ở hai nơi có nhũng chi tiết không giống nhau.

(49) Việc chép ở đây và ở đoạn 7 của Tần Thủy Hoàng bản kỷ có chỗ không giống nhau.

(50) Đoạn 8: Triệu Cao giết Nhị Thế, nhà Tần bị diệt vong.

(51) Đoạn 9: Lời bàn của Tư Mã Thiên. ý tác giả nói Tư không phải là người trung mà là người có tội. Nếu như lời nói của người thường mà đúng chẳng hóa ra công của Tư sánh ngang với Chu Công, Thiệu Công sao? Câu này nhiều người giải thích sai cho là Tư Mã Thiên ca ngợi Lý Tư quá đáng, nhưng thực ra thì tác giả trách Lý Tư chứ không khen.