Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 40 - Phần 02 (Hết)

6. Thời Vũ Đế có người nước Tề, họ Đông Phương tên là Sóc thích đọc sách truyện xưa, yêu đạo Nho, xem nhiều sách các nhà. Lúc đầu Sóc vào Trường An. Đến công xa dâng thơ, vào khoảng ba nghìn thẻ tre (10). Công xa (11) sai hai người ôm thẻ tre đưa lên mới nổi. Nhà vua ở trong cung đọc ngừng lại chỗ nào thì dành dấu chỗ đó, đọc hai tháng mới hết. Chiếu cho Sóc làm quan lang, thường hầu ở bên cạnh nhà vua, nhà vua mấy lần gọi đến trước mặt để nói chuyện, không lần nào nhà vua không vui lòng, có khi cho thức ăn trước mặt vua. Sóc ăn xong còn bao nhiêu thịt thì mang đi làm bẩn hết cả áo.

Mấy lấn nhà vua thưởng lụa là, Sóc vác lên vai mà đi. Dùng tất cả lụa tiền vua cho để lấy những người con gái đẹp và trẻ ở Trường An. Cứ lấy được một năm lại bỏ, lấy người vợ khác. Nhà vua cho được bao nhiêu tiền của đều tiêu hết vào việc lấy vợ. Các quan lang xung quanh nhà vua, phân nửa gọi Sóc là anh cuồng.

Nhà vua nghe vậy nói :

- Nếu Sóc làm quan mà không có điều này thì các ngươi làm sao kịp nó được.

Sóc cử con làm quan lang, lại làm người yết giả để chầu chực, thường cầm cờ tiết đi sứ. Sóc đi trong điện có quan lang bảo :

- Người ta đều bảo tiên sinh là người cuồng.

Sóc nói :

- Như bọn Sóc đây có thể gọi là trốn đời ở giữa triều đình vậy. Người đời xưa thì mới trốn đời ở trong núi sâu.

Sóc thường ngồi trên chiếu uống rượu, say bò trên đất mà hát :

- “Luân lạc cùng với bọn thế tục, ở ẩn cửa Kim mã. Trong cung điện, có thể trốn đời, bảo toàn thân mình, cần gì phải vào nơi núi sâu ngồi dưới lều cỏ!”.

Cửa Kim mã là cửa quan. Hai bên có hai con ngựa lồng nên gọi là “cửa Kim mã”. Sóc trường cùng với các bác sĩ họp nhau ở trong cung bàn luận.

Những người kia hỏi vặn Sóc (12) :

- Tô Tần, Trương Nghi một khi gặp các vị vua có vạn cỗ xe đều lên địa vị khanh tướng, ơn đức lưu lại đến đời sau. Nay ông trau dồi đạo tiên vương; hâm mộ cái nghĩa của thánh nhân, đọc thuộc ngâm nga lời của Kinh Thi, Kinh Thư, bách gia, kể không thể hết. Viết ở trên tre lụa, cho rằng trong thiên hạ không ai bằng mình. Như thế có thể gọi là kẻ biết nhiều, có tài biện luận vậy. Nhưng ông đem hết sức hết lòng để thờ thánh đế, đến nay, ngày qua tháng lại đã được mấy chục năm ròng mà chức quan chẳng qua chỉ thị lang (18), địa vị thực ra chỉ cầm kích để hầu, như thế có phải còn điều gì thiếu sót chăng? Thế là tại làm sao?

Đông Phương Sóc nói :

- Đó không phải là điều các ông biết được! Thời xưa khác, thời hay khác, có phải giống nhau đâu? Thời Trương Nghi, Tô Tần ngày xưa là lúc nhà Chu tan rã, chư hầu không vào chầu. Về chính trị thì dùng võ lực tranh nhau quyền thế, đem binh giữ nhau, thôn tính nhau còn lại mười hai nước (l4) không ai hơn ai. Nước nào được kẻ sĩ thì mạnh, nước nào mất kẻ sĩ thì mất nước. Vì thế cho nên kẻ sĩ nói được nghe, đi được lọt, thân mình ở địa vị tôn quý, ơn đức để lại đời sau, con cháu mãi mãi vinh hiển. Ngày nay không phải thế nữa! Thánh đế ở trên, ơn đức tưới khắp thiên hạ, chư hầu theo phục, uy thế vang đến tứ di, cả ngoài bốn biển cũng đều liền như chiếu thế yên ổn như cái chậu úp sấp, tất cả thiên hạ đều cân bằng, thu vào một nhà, có việc gì muốn làm thì dễ như trở bàn tay. Bấy giờ người hiền người dở có khác gì nữa đâu! Trong lúc này thiên hạ to lớn, kẻ sĩ và dân chúng đông đúc những người đem hết tâm lực, học thuyết, kéo nhau tụ tập không thế kể hết. Những kẻ hết sức theo nghĩa, ăn mặc còn thiếu thốn, có kẻ mất cả thể diện, gia thế. Giả sử Trương Nghi, Tô Tần cùng tôi đều sinh ra đời này thì họ sẽ không được chức quan chưởng cố, chứ làm gì mong đến chức thường thị thị lang. Truyện có câu: “Trong thiên hạ nếu không có điều nguy hại, tai họa, thì tuy thành nhân cũng không có chỗ để thi thố tài năng. Trên dưới hòa hợp thì tuy người hiền cũng không có cách gì lập công”. Cho nên nói rằng thời đổi khác thì việc đổi khác. Tuy nhiên điều đó đâu phải là để ta không lo tu thân? Kinh Thi nói: “Chuông đánh ở cung tiếng vang ra ngoài. Hạc kêu nơi ao đầm xa xôi, tiếng nghe trên trời”. Nếu mình tu thân thì lo gì không được hiển vinh! Xưa Thái công lo làm việc nhân đức, năm bảy mươi hai tuổi gặp Văn Vương được thực hành cái thuyết của mình, được phong đất ở Tề bảy trăm năm mà không dứt. Chính vì vậy cho nên kẻ sĩ ngày đêm lo lắng, trau dồi việc học, thực hành đạo nghĩa, không dám thôi. Nay những người xử sĩ (15), trên đời tuy chưa được gặp thời, vẫn đứng nghiễm nhiên ở một nơi, một mình sừng sững trên xem Hứa Do dưới nhìn Tiếp Dư (16), theo sách lược của Phạm Lãi, trung thành hợp với Tử Tư thiên hạ hòa bình tu thân để giữ gìn mình. Nếu mình cô độc ít có bạn bè thì đó là lẽ thường. Các ông sao lại nghi ngờ ta?

Các vị bác sĩ đều im lặng không biết lấy gì đáp lại.

Ở lan can nhà gác sau cung Kiến Chương, có con vật xuất hiện, hình nó giống như con nai. Người ta tâu lên, Vũ Đế đến xem, hỏi các quan chung quanh và những người am hiểu đạo nho, nhưng không ai biết là con gì! Sai Đông Phương Sóc đến xem. Sóc nói :

- Thần biết. Xin nhà vua cho rượu ngon cơm ngọt đãi thần một bữa tiệc sang thì thần mới nói.

Chiếu nói :

- Được.

Sóc lại nói :

- Ở nơi nọ có mấy sở công điền, ao cá, mấy khoảnh đất lau lách, bệ hạ cho thần thì thần Sóc này mới nói.

Bấy giờ Sóc mới chịu nói :

- Con ấy là con Sô nha. Nơi xa xôi sắp theo về thần phục cho nên con Sô nha xuất hiện trước. Răng cửa răng hàm nó như nhau, bằng nhau như không có răng vậy, cho nên gọi nó là Sô nha.

Sau đó một năm, quả nhiên vua Hồn Gia của Hung Nô đem mười vạn người đến đầu hàng Hán. Nhà vua bèn thưởng cho Sóc rất nhiều tiền bạc. Sóc sắp mất, can nhà vua :

- Kinh Thi có câu: “Lằng xanh nhung nhúc, đậu ở rào giậu. Người quân tử chớ nghe lời gièm pha. Lời gièm pha vô cùng làm rối loạn các nước bốn phương”. Xin bệ hạ đuổi xa bọn xu nịnh, gạt bỏ lời gièm pha.

Nhà vua nói :

- Ngày nay Đông Phương Sóc cũng nói những lời hay thế sao?

Và lấy làm lạ. Được ít lâu, quả nhiên Sóc mắc bệnh chết. Truyện có câu :

“Con chim sắp chết thì tiếng kêu thảm thương, con người sắp chết thì lời nói hay” (17) là ý nghĩa như vậy.

7. Trong thời Vũ Đế, đại tướng quân Vệ Thanh là anh của Vệ Hậu được phong làm Trường Bình Hầu. Vệ Thanh đem quân đi đánh Hung Nô, đến Dư Ngô Thủy (18) chém thủ cấp bắt giặc, có công trở về, vua ban chiếu thưởng một ngàn cân vàng. Khi tướng quân ra khỏi cửa cung, có người nước Tề là Đông Quách tiên sinh về làm phương sĩ cho nên chầu chực ở nha môn công xa, giữa đường ngăn xe của Vệ tướng quân lạy mà nói :

- Xin cho trình bày sự việc.

Tướng quân dừng xe lại cho Đông Quách tiên sinh đến trước mặt. Đông Quách đến bên xe nói :

- Vương phu nhân mới được nhà vua yêu, nhà phu nhân nghèo. Nay tướng quân mới được ngàn cân vàng, nếu đem một nửa cho người bà con của Vương phu nhân, nhà vua biết thế nào cũng vui lòng. Điều đó có thể gọi là kế lạ và nhanh vậy :

Vệ tướng quân cảm tạ và nói :

- Tiên sinh bày cho tôi cái kế hay, tôi xin vâng lời.

Đoạn Vệ tướng quân đem năm trăm cân vàng làm lễ chúc thọ thân nhân của Vương phu nhân. Vương phu nhân đem việc ấy nói với Vũ Đế. Vũ Đế nói :

- Đại tướng quân không biết điều đó đâu?

Hỏi Vệ Thanh :

- Ông nghe theo kế của ai?

Vệ Thanh đáp :

- Nghe theo lời người chờ chiếu là Đông Quách tiên sinh.

Nhà vua gọi Đông Quách tiên sinh vào và cho làm Đô úy ở quận. Đông Quách tiên sinh đã lâu ngồi chờ chiếu ở công xa, nghèo khổ, đói rét, quần áo rách rưới, giày không còn nguyên. Khi đi giữa tuyết, giày chỉ còn mu ở trên mà không còn đế, chân giẫm đất. Người trên đường cười chế nhạo. Đông Quách tiên sính trả lời ngay :

- Ai có thể đi trên tuyết mà khiến cho người ta thấy ở trên là giày, ở dưới vẫn là chân được đâu?

Đến khi được bổ làm quan hai nghìn hộc lương, Đông Quách tiên sinh mang dải ấn xanh ra khỏi cửa cung (19) đến tạ người chủ trọ. Thì ra người này trước đây cũng là người chờ chiếu làm quan như mình, đứng tiễn mình ở ngoài đô thành. Đông Quách tiên sinh lên đường vinh hoa lập danh trong đời. Có thể nói là người mặc áo ngắn mà mang đồ quý vậy. Khi ông ta nghèo khốn, không ai nhìn ngó, đến khi giàu có, người ta lại tranh nhau xu phụ. Ngạn ngữ có câu :

“Xem ngựa thấy nó gầy nên không biết là ngựa hay, xem kẻ sĩ thấy họ nghèo nên không biết họ giỏi”, phải chăng là ý nghĩa như vậy?

Vương phu nhân ốm nặng, nhà vua thân hành đến hỏi :

- Con nàng sẽ làm vương. Nàng muốn con nàng làm vương ở đâu.

Vương phu nhân đáp :

- Muốn làm vương ở Lạc Dương.

Nhà vua nói :

- Không dược, Lạc Dương có kho vũ khí, kho lúa, giữ cửa quan, là yết hầu của thiên hạ. Từ tiên đế đến nay, không hề đặt vương ở đấy. Nhưng các nước ở quan đông không có nước nào lớn bằng nước Tề, có thể cho làm Tề vương.

Vương phu nhân lấy tay đập vào dầu kêu :

- Thế thì may lắm.

Vương phu nhân chết, hiệu là “Tề vương thái hậu chết” (20).

7. Ngày xưa Tề Vương sai Thuần Vu Khôn dâng chim hộc cho nước Sở. Đi khỏi cửa ấp, giữa đường chim bay mất, chỉ còn lại cái lồng không. Thuần Vu Khôn đặt lời nói dối, đến gặp Sở Vương :

- Tề Vương sai thần đem chim hoàng hộc đến biếu. Khi đi qua trên mặt nước, thần không nỡ để cho chim khát nên đem ra cho uống. Chim bỏ thần bay mất. Thần muốn đâm bụng thắt cổ mà chết. Nhưng sợ người ta nói rằng nhà vua vì việc chim muông mà bắt kẻ sĩ phải tự sát. Hộc là một thử chim có nhiều con giống, thần muốn mua chim khác thay vào nhưng sợ làm thế là không tin và lừa dối nhà vua. Thần muốn chạy trốn sang nước khác, nhưng đau lòng về việc sứ thần qua lại giữa hai vị vua bị đoạn tuyệt, cho nên thần đến đây dập dầu xin chịu tội với đại vương.

Vua Sở nói :

- Tốt lắm! Tề Vương có kẻ sĩ trung tín như thế sao?

Bèn thưởng rất hậu, tiền bạc gấp đôi so với việc hiến chim hộc.

8. Trong thời Vũ Đế nhà vua mời Thái thú Bắc Hải đến nơi nhà vua ở.

Người lo việc giấy tờ là ông Vương xin được cùng đi với Thái thú, nói :

- Tôi sẽ giúp ích được cho ông.

Thái thú bằng lòng. Các viên thư lại trong phủ đều nói :

- Ông Vương là người thích rượu, lắm lời nhưng trống rỗng, sợ không thể cùng đi.

Thái thú nói :

- Ý ông ta muốn đi, ta không thể trái.

Bèn cùng ông ta đi. Đến chờ chiếu nhà vua ở của cung. Ông Vương chỉ mang tiền mua rượu cùng viên quan coi vệ binh uống say cả ngày không gặp Thái thú. Thái thú vào quỳ bái kiến. Ông Vương nói với viên quan coi cửa :

- Nhờ ông ngoảnh vào cửa quan, gọi vọng ông chủ tôi giúp.

Quan coi cửa cung gọi Thái thú. Thái thú đến thấy ông Vương ở đằng xa.

Ông Vương nói :

- Nếu thiên tử hỏi ngài cai trị đất Bấc Hải như thế nào mà không có trộm cướp thì ngài trả lời như thế nào?

Thái thú đáp :

- Chọn và cất nhắc đúng người tài, ai cũng dùng đúng năng lực của họ, thưởng những người giỏi, phạt những người kém.

Ông Vương nói :

- Đáp như thế là tự đề cao, tự khoe công. Không nên. Ngài cứ đáp: “Đó không phải là sức của thần. Đó là nhờ thần linh uy vũ của bệ hạ đã cảm hóa dược lòng dân”.

- Được! Phải đấy.

Khi Thái thú được triệu vào, đến dưới điện có chiếu hỏi :

- Nhà ngươi cai trị đất Bắc Hải như thế nào mà trộm cướp không nổi lên?

Thái thú dập dâu đáp :

- Đó không phải công của thần. Đó là nhờ thần linh uy vũ của bệ hạ cảm hóa được lòng dân.

Vũ Đế cả cười nói :

- Ủa, ông làm sao có được lời nói của bậc trưởng giả mà trình bày như vậy? Ai bày cho ông đấy?

Thái thú đáp :

- Tôi học của người coi việc văn thư.

Nhà vua hỏi :

- Ông ta nay ở đâu?

- Ở ngàị cửa cung.

Nhà vua cho chiếu gọi vào, cho ông Vương làm thủy hành thừa (21), cho Thái thú Bắc Hải làm Thủy hành đô úy (22). Truyện có câu: “Lời nói đẹp có thể đem ra mà múc được, phẩm hạnh cao quý có thể làm cho cao hơn người được. Người quân tử lấy lời nói để tiễn nhau, kẻ tiểu nhân lấy tiền của để tiễn nhau”.

9. Thời Ngụy Văn Hầu, Tây Môn Báo làm huyện lệnh ở ấp Nghiệp. Báo đến ấp Nghiệp gặp các trưởng lão hỏi dân tình khổ sở vì điều gì? Các vị trưởng lão nói :

- Khổ vì chuyện Hà Bá lấy vợ nên dân nghèo.

Báo hỏi tại sao, họ đáp :

- Quan tam lão (23) và những người thuộc lại mỗi năm thu thuế trăm họ được mấy trăm vạn, lấy ra hai ba mươi vạn để cưới vợ cho Hà Bá. Còn bao nhiêu thì giao cho ông đồng bà cốt chia nhau mang về. Đến lúc ấy, bọn bà cốt đi thấy nhà nào có con gái dẹp thì nói nên gả cho Hà Bá và đem đồ sính lễ đến cưới. Họ tắm rửa cho cô ta xong, lấy the lụa mặc cho cô ta, cho ở một mình, ăn chay, dựng nhà trai cung ở trên bờ sông Hoàng Hà, bày cờ đỏ màn the, cho người con gái sống ở trong cung. Cô ta có đủ thịt bò, rượu, cơm. Làm như thế hơn mười ngày. Sau đó lại đánh phấn tô điểm cho cô ta, chuẩn bị giường chiếu như cô dâu thật, để cô gái trên giường cho trôi ở trên sông Hoàng Hà. Lúc đầu còn trôi ở trên mặt nước, đi đến mấy dặm rồi mới chìm. Nhà nào có con gái đẹp cũng rất sợ ông đồng bà cốt bắt gả cho Hà Bá. Cho nên nhiều người mang con gái trốn đi nơi xa. Vì thế trong thành vắng tanh không người, lại càng đói kém.

Tục này đã có từ lâu. Dân gian có câu tục ngữ tương truyền: “Nếu không lấy vợ tho Hà Bá thì nước dâng lên chết hết dân”.

Tây Môn Báo nói :

- Khi nào Hà Bá lấy vợ, xin cụ tam lão, các ông đồng bà cốt, các phụ lão tiễn người con gái trên sông Hoàng Hà đến nói với tôi; tôi cũng muốn tiễn cô ta.

Họ đều nói :

- Dạ.

Đến hôm ấy, Tây Môn Báo đến họp trên sông Hoàng Hà. Cụ tam lão, các thuộc lại, những người tai mắt, các bô lão trong làng nhân dân đến xem hai ba nghìn người. Bà cốt là nhột bà già, tuổi dã bảy mươi. Bọn con gái làm đệ tử theo bà đến mười người. Tất cả đều mặc áo the mỏng đứng đằng sau bà cốt chính. Tây Môn Báo nói :

- Gọi người vợ Hà Bá đến dây xem xấu dẹp thế nào?

Người ta hến dẫn người con gái ở trong màn ra trước mặt Báo. Báo nhìn người ấy, đoạn quay lại bảo tam lão, ông đồng bà cốt :

- Người con gái này không đẹp. Phiền bà cốt xuống sông báo với Hà Bá khi nào tìm được người đẹp để thay sẽ đưa dâu.

Liền sai thuộc hạ và quân lính ôm bà cốt già ném xuống sông Hoàng Hà.

Một lát sau, Báo lại nói :

- Bà cốt già sao đi lâu thế? Các đệ tử phải giục bà ấy đi!

Lại sai ném một người đệ tử xuống sông. Một lúc sau, Báo lại nói :

- Đệ tử sao lâu về thế? Phải sai một người nữa đi giục họ về.

Lại ném một đệ tử xuống sông nữa. Tây Môn Báo lại nói :

- Bà cốt già và đệ tử đều là đàn bà con gái không thể trình bày công việc được. Xin phiền vị tam lão xuống trình bày đầu đuôi.

Lại sai ném tam lão xuống sông Hoàng Hà. Tây Môn Báo cắm bút lên đầu làm ra vẻ cung kính quay về phía sông một hồi lâu. Các vị trưởng lão và thuộc lại đứng bên cạnh đều sợ hãi. Tây Môn Báo quay lại nói :

- Bà cốt già, tam lão không về! Bây giờ làm thế nào?

Muốn sai một người thuộc lại và một người trưởng lão xuống giục.

Hai người này đập đầu van xin, đầu muốn vỡ, máu chảy lênh láng trên đất, sắc mặt xám như tro nguội. Tây Môn Báo nói :

- Được ta hãy đợi một chút.

Một lát sau, Tây Môn Báo bảo :

Ông lại đứng dây, Hà Bá giữ khách như thế lâu rồi. Cho tất cả về nhà.

Thuộc lại và dân chúng ấp Nghiệp đều hoảng sợ. Từ đó về sau không ai dám nói đến việc Hà Bá lấy vợ nữa. Tây Môn Báo sai dân đào mười hai con ngòi để đem nước sông Hà vào tưới ruộng của dân, ruộng đều đầy nước. Lúc bấy giờ dân chúng đào ngòi rất khổ cực, không muốn làm, Báo nói :

- Dân chúng có thể vui thích khi việc đã thành, nhưng không thể cùng họ lo toan khi bắt đầu làm. Nay các cụ và con em tuy lo lắng, khổ sở vì ta, nhưng một trăm lăm sau thế nào con cháu của các cụ cũng sẽ nhớ đến lời ta.

Đến nay, nhờ được thủy lợi, nhân dân đều được no đủ, giàu có. Mười hai con ngòi chạy thẳng, cắt mất đường của xe. Đến khi nhà Hán lên, quan lại cho rằng cầu của mười hai cái ngòi chắn mất đường đi, các ngòi lại gần nhau không tiện, muốn hợp các ngòi lại, ở trên đường cái, gộp ba ngòi làm một cầu.

Nhân dân và các phụ lão đất Nghiệp không chịu nghe quan lại, cho rằng đó là điều Tây Môn Báo đã làm. Phép tắc của người hiền không thể thay đổi được.

Rút cục quan lại phải nghe theo, gác việc ấy lại. Tây Môn Báo làm huyện lệnh đất Nghiệp nổi tiếng trong thiên hạ, ơn đức lưu lại đời sau không khi nào hết.

Chẳng phải là một vị đại hiền sao?

Truyện nói: “Tử Sản cai trị đất Trịnh, dân không thể dối. Tử Tiện cai trị đất Đan Phụ, dân không nỡ dối. Tây Môn Báo cai trị đất Nghiệp, dân không dám dối”. Tài năng của ba người này ai giỏi hơn? Người nào biết phân tích đạo trị người thì mới biết điều đó (24).

(1) Văn lục kinh tuy khác nhau nhưng đều thống nhất ở chỗ có tác dụng chính trị.

(2) Tác giả cho những lời bông đùa cũng xếp vào loại Lục Kinh. Đó là một ý kiến táo bạo.

(3) Một thiên trong Sử ký, tức là thiên Điền Kinh, Trọng Hoàn thế gia (không dịch).

(4) Một hộc bằng mười đấu.

(5) Chấp pháp và ngự sử đều là những quan coi về nghi lễ.

(6) Dùng lối phản ngữ làm cho việc chôn ngựa thành ra lố bịch.

(7) Then chốt la ở câu này.

(8) Việc hợp thời nên làm.

(9) Chử Thiếu Tôn người đời Hán, làm bác sĩ thời Thành đế, Nguyên đế có bổ sung vào Sử ký của Tư Mã Thiên. Từ đoạn nay trở đi là của Chử Thiếu tôn.

(10) Bấy giờ chưa có giấy, ghi chép dùng dao khắc vào gỗ, tre.

(l l) Chức quan coi việc giấy tờ các nơi đưa đến nhà vua hoặc nhà vua đi các nơi.

(12) Từ “Những người kia...” đến “không biết lấy gì đáp lại” là bài “Giải trào” của Đông Phương Sóc, Sóc cũng sinh một thời với Tư Mã Thiên, cái nhìn của Sóc về thời đại của mình rất là tiêu biểu.

(13) Chức thị lang đời Hán chỉ có nhiệm vụ cầm kích canh phòng trong cung khác chức thị lang triều Nguyễn là một chức quan to.

(14) Thời Tô Tần, Trương Nghi.

(15) Kẻ sĩ ở nhà chưa ra làm quan.

(16) Hứa Do là ẩn sĩ. Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Do. Hứa Do không nhận.

Tiếp Dư là ẩn sĩ ở nước Sở cùng thời với Khổng Tử.

(17) Luận ngữ, thiên “Thái bá”.

(18) Hiện nay là biên giới phía Bắc nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.

(19) Đô úy mang dải ấn màu xanh.

(20) Điều đó chứng tỏ con sẽ làm Tề Vương.

(21) Người giúp việc cho Thủy hành đô úy.

(22) Coi vườn Thượng Lâm của nhà vua..

(23) Chức quan ngày xưa coi việc giáo huấn trong làng.

(24) Ý nói: Tử Sản thông minh không ai dối được; Tử Tiện được dân yêu không ai nỡ dối; dân sợ Tây Môn Báo không ai dám dối.

HẾT