Lê Vân - Yêu và sống - Chương 05 phần 1

5

… khi mà mình chỉ là dân đen

Trường múa, bảy năm trời chúng tôi sống như những người máy, dưới một thứ kỷ cương kiểu quân phiệt, đầy ải cả về thể xác lẫn tinh thần. Bố mẹ khoán trắng con cho nhà trường, cũng chả cần biết nó học hành ra sao. Có nhà trường nuôi đỡ cho một miệng ăn là tốt quá rồi, lại dạy chữ, dạy nghề nữa thì còn gì bằng. Cố lục lọi trong trí nhớ một chút ân tình ấm áp từ trường múa mà sao chỉ vọng về nỗi oán hận xa xôi. Đói ăn. Đói cả niềm vui sống. May sao đã thấy thấp thoáng vẻ đẹp bay bổng, lửng lơ của những bông hoa tuyết đầu mùa…

Vì sao tôi đi vào con đường nghệ thuật? Sự thật là tôi vào ngành nghệ thuật chẳng có chút ý thức nào. Chín, mười tuổi mà còn bảo mẹ đừng giết con, tức là đã có ý thức gì đâu. Có chăng chỉ là một câu hỏi từ cõi vô thức xa xăm, mù mờ không lời đáp: “Sao những người làm nghệ thuật làm văn hóa lại đối xử với nhau chả có văn hóa nghệ thuật gì cả? Bố và mẹ, những người làm nghệ thuật, yêu nhau kiểu gì mà chỉ thích cắn xé nhau? Cái môi trường nghệ thuật sao mà đáng sợ thế!”. Và dù rất mơ hồ sợ hãi cái gọi là làm nghệ thuật, dù không yêu thích múa may biểu diễn chút nào, thì một đứa bé gái cô độc mới chục tuổi đầu cũng không thể nói không với người lớn. Bởi vậy, lôi vào ngành nghệ thuật là do mẹ. Mẹ nghĩ đơn giản: Bố mẹ làm nghệ thuật thì cũng cho con vào một ngành nghệ thuật cho tiện.

Ban đầu, mẹ ấn tôi vào tuyển nhạc. Câu hỏi đầu tiên những người tuyển sinh hỏi là thích loại nhạc cụ nào. Trong thâm tâm tôi thích đàn piano nhưng không biết có phải tên cái đàn ấy là piano hay violon. Tức là còn nhỏ đến mức ấy và chẳng biết gì. Ngay cả bố mẹ cũng chẳng biết kiến thức gì về âm nhạc. Thế là cứ đắn đo và không trả lời. Mấy người tuyển bảo nhau, kiểu này là bố mẹ bắt đi tuyển rồi. Và trượt. Rồi một lần, hai mẹ con đi chợ Hàng Da, qua rạp Hồng Hà, thấy một tờ giấy quảng cáo trường múa Việt Nam tuyển sinh khóa 7. Mẹ bèn ấn tôi vào. Nghệ thuật nào cũng được, miễn là được học cả văn hóa lẫn học nghề. Ra trường sẽ có một nghề kiếm sống. Bản thân tôi lúc đó chẳng có chút khái niệm nào về múa, chứ đừng nói gì đến năng khiếu hay yêu thích. May mà những người tuyển không hỏi nhiều như lần tuyển nhạc, chỉ xem người ngợm chân tay. Thế là trúng. Đã trúng rồi thì phải đi học. Tôi khăn gói vào học nội trú trong trường múa từ đó, tuần được về nhà nghỉ một ngày Chủ nhật.

Ở trường múa, tất cả học sinh phải tuân thủ nội qui giống như những người máy. Thời gian học văn hóa, luyện múa, ăn, ngủ đều được qui định sít sao. Ăn cơm xong là đến kẻng học bài ôn văn hóa từ 7 đến 8 giờ. Rồi lại kẻng đến giờ ôn chuyên môn, xách giày tập lên sàn từ 8 đến 9 giờ ôn lại những tổ hợp, những động tác của bài vừa học mà mình vẫn chưa hoàn thiện được. 10 giờ về đến phòng mồ hôi mồ kê ướt đẫm. Quần áo vắt ra nước, giầy vải mềm ướt sũng bốc mùi thối khắm. Giờ nghĩ lại, không thể tưởng tượng nổi làm sao mà một đứa bé mới chục tuổi đầu lại có thể theo được cái guồng sống và học tập như vậy. Đó là một chương trình quá nặng, vừa chuyên môn vừa văn hóa lại còn lên sàn buổi tối.

Cứ thế kiệt quệ 7 năm trời!

Rất nhiều người lầm tưởng rằng những năm ở trường múa là những năm tôi được học tập, rèn luyện tràn đầy niềm vui nhưng đâu phải thế. Mẹ bắt đi học múa thì phải đi thôi, nào có thích thú gì! Làm sao dám phản kháng rằng con không thích đâu, mẹ đừng bắt con đi học. Và khi đã phải đi, không dám chống đối, thì lúc vào học cũng nhất nhất nghe lời thầy cô, làm cái gì cũng hết sức nghiêm túc, thế là thành học giỏi. Cứ tự nhiên thành ra như thế. Cứ nghĩ tất cả là thật, là nghiêm túc, không thể lười biếng hay lơ là.

Trong lớp học cũng có bạn chăm bạn lười, có bạn tập rất hời hợt, vừa không tốn sức lại đỡ mệt, nên không thể có kết quả tốt. Tôi thì khác, chẳng hiểu sao ngay từ nhỏ đã bị “mắc bệnh”chân thành quá, máy móc quá. Làm việc gì cũng cứ vắt kiệt mình. Nhiều khi cứ bị như thể ngây thơ giả vờ, vì người ta bảo làm thế nào là cứ nhất nhất phải làm đúng, vì cứ tưởng thật. Thực ra, trong cuộc sống không phải lúc nào cũng cần nghiêm túc đến thế, có thể tập cầm chừng thôi, làm cầm chừng thôi mà chẳng chết ai.

Tôi là người không thích hóa trang hay trang điểm. Không phải là tôi không biết làm đẹp, nhưng có biết thì cũng tự tiêu diệt. Tôi không thích làm đỏm hay tỏ ra mình là yểu điệu thục nữ. Thậm chí còn ghét cả những người hay làm dáng điệu đà. Mặc dù, có những cô gái sinh ra đã mang tính uốn éo ỏn ẻn bẩm sinh, nhưng tôi vẫn không chịu được những người như vậy. Nhiều khi trước mặt bọn con trai họ lại còn cố tình điệu hơn, tỏ cái nữ tính của mình ra nữa, nom thật khó chịu và đáng ghét. Có lẽ vì thế, năm mười ba tuổi, thân hình tôi cứ quắt queo lại. Khi lớn rồi mới nghe bọn bạn tâm sự thật: “Nói thật với mày, hồi mới vào trường, tao cứ nghĩ, lớp mình có con bé nào xấu thế mà sao cũng được tuyển vào trường múa không biết”. Mà đúng thật, cái thời đó, tôi đang ở thời kỳ dở dở ương ương. Da mai mái, tái mét, xấu lắm. Bảo học thì học, bảo tập thì tập. Cứ ngây thơ như một con rối, hành xác mình đến quắt queo. Cũng chẳng phải vì có ý thức phấn đấu để trở thanh giỏi giang gì cả, thế mà lại được.

Khóa múa năm đó có rất nhiều người xinh. Cỏ một bạn rất hay được mẹ làm đỏm cho. Đồ đạc của cô ấy cái gì cũng đẹp. Đôi giày tập được mẹ thêu cho hai bông hoa vào đó, cái xô xách nước thì vẽ đôi thiên nga. Cô có mái tóc buộc vổng lên, môi đỏ, da trắng, mắt long lanh, đi đâu cũng được chú ý. Còn mình, đúng là một con vịt con xấu xí, chẳng là gì cả. Hồi đó, tôi đâu biết là mình xấu thế, nhưng may sao lại hay được các cô khen. Nếu có bạn nào trong lớp tập sai động tác, cô giáo lại bảo: “Thôi, em nghỉ đi, xem bạn Vân tập kia kìa!”. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, quả cũng lạ, chẳng biết tại sao mình lại có khả năng múa balet, thi vào vì bắt phải thi, vào trường rồi bắt học thì phải học. Chỉ biết thầy truyền cho cái gì là gắng sức mà làm cho bằng được, làm rất chân thành nghiêm túc, chứ cũng chẳng phải vì năng khiếu bẩm sinh gì.

Nhưng không phải lúc nào tôi cũng nhất nhất nghe lời người lớn. Tôi nhớ, ngay từ khi còn rất nhỏ, đôi khi tôi rất bướng bỉnh, gan lì. Đó là thời bom Mỹ đánh phá miền Bắc. Suốt ngày còi báo động. Vừa nằm một tí lại phải chồm dậy, lao xuống hầm. Hơi một tí lại chạy ào ra đường chui xuống những cái hầm tăng xê, những cái ống cống có hai cái lỗ nhỏ xíu để thở. Trên vỉa hè có rất nhiều hầm như thế. Có những cái rất sạch sẽ, ai đó quét dọn vì phải thường xuyên chạy xuống đó.

Nhưng lần ấy tôi đã bất cần, đã mặc kệ. Mặc cho bố mẹ gọi ời ời: “Con Vân, xuống hầm ngay không chết bây giờ, có nghe thấy còi báo động không, xuống hầm ngay”. Tôi cứ ầm ừ, cứ nằm ì, nghĩ bụng, kệ nó, cùng lắm thì ầm một cái là chết chứ gì! Chạy lên chui xuống mãi phát mệt. Một lúc sau, lại thấy còi báo an, mọi người lục tục kéo nhau ra khỏi hầm.

Tôi được thể bảo: “Cả nhà thấy chưa, có sao đâu. Suốt ngày chạy, mệt mỏi quá. Cùng lắm là chết chứ gì. Nếu có chết thì cũng chết rất nhanh thôi, có gì đâu mà sợ”

***

Suốt 7 năm ở trường múa, từ khi còn là một đứa trẻ cho đến lúc ra trường, tôi luôn được dạy dỗ rằng, đã làm người thì càng trong hoàn cảnh khó khăn, người ta càng phải đùm bọc nhau, yêu thương giúp đỡ nhau. Phải vượt qua hoàn cảnh để sống. Đó là niềm vui và đạo lý. Nhưng cũng chính ở trường múa, tôi lại nhìn thấy, trải nghiệm một sự thật: vì hoàn cảnh khó khăn nên người ta âm thầm bớt xén của đám trẻ trong trường, vô hình chung, người ta trở nên độc ác với những người khác mà họ không biết. Không biết các bạn của tôi những người từng học trường múa có lúc nào nhớ lại những “kỷ niệm” ấy không? Đói, chúng tôi luôn bị đói.

Học sinh trường múa thuộc diện dược nhà nước ưu ái, xếp vào loại lao động nặng, như công nhân mỏ, nên không còn một mức trợ cấp lương thực nào cao hơn mức mà chúng tôi được hưởng. Từ 11 tuổi đến 18 tuổi đều được hưởng 21 cân gạo một tháng, làm sao ăn hết. Vậy mà thường xuyên đói. Sau này, mỗi khi nhớ lại thời gian học trong trường, lòng tôi tràn đầy uất hận. Vì sao chúng tôi đói? Tại sao họ lại để cho những đứa trẻ xa bố mẹ như thế bị đói!

Phải chăng vì người ta nghèo nên mới phải xà xẻo bớt chút khẩu phần của học sinh? Thủ kho một tí, thủ quỹ một tí, nhà bếp một tí. Nấu một chảo cơm, chỉ ít gạo thôi còn đâu là độn ngô vàng chóe. Hôm nào may thì có mì sợi đựng trong cái nồi nhôm méo. Có hôm ăn gạo dính viện trợ từ Ấn Độ. Gạo dính lại càng ngót. Càng bị đói. Lại có thời kỳ ăn những cục bột mỳ luộc thả trong cái chảo nước sôi to đùng gọi là “tàu ngầm” không thể nào nuốt nổi. Nhà bếp, nhà trường có biết điều đó không? Tất nhiên là biết. Học sinh không ăn được thì còn thừa ra đấy, họ mang về nhà chăn nuôi gà lợn.

Thức ăn thường có món thịt mỡ kho thái mỏng dính, nổi lềnh phềnh trong cái thứ nước hàng đen sì. Trời lạnh, lớp mỡ đóng băng lại, phải cố gạt cái lớp băng giá lạnh ấy ra, lấy tí nước mặn màu gạo cháy tưới vào bát cơm lạnh ngắt mà nuốt. Thế mà cũng phải tranh nhau ăn chứ có biết nhường nhau đâu. Vì tôi cứ mắc bệnh sĩ, hay ngượng, nên càng hay bị đói. Làm sao mình dám xới đầy một bát cơm cho mình, phải xới lưng bát thôi, nhiều khi chưa kịp xới bát thứ hai thì đã hết. Thế là chịu vậy. Ngô không ăn được, thịt mỡ cũng không biết ăn. Đói đến tong teo cả người.

Họa hoằn lắm mới có món cá biển kho đồng mốt một cân, tôi thích lắm. Đó là cái thứ cá lộn xộn, rẻ mạt còn lại sau khi đã lọc hết những con cá to ngon nhất cho những cửa hàng cao cấp. Thời đó có mấy loại cửa hàng thực phẩm, loại dành cho cán bộ cao cấp, loạt dành cho cán bộ bình thường và loại cửa hàng cho nhân dân. Cái thứ cá mà học sinh, sinh viên được ăn là thứ cá hạng bét, ấy vậy mà, những ngày cơm có cá là những bữa đại tiệc. Cá ăn dễ hơn vì nó không có mỡ. Dù khi ăn, nó có lạnh ngắt, tanh nồng thì vẫn cứ tuyệt ngon.

Món thứ hai tôi cũng rất hay thèm là món bắp cải xào. Họ thái to lắm, cứ như cho lợn ăn ấy, láng qua chút mỡ thôi, nhưng mà tôi rất thích. Đó là hai món ăn mơ ước của cơ thể cũng như tâm hồn tôi suốt 7 năm trường múa. Nó ăn sâu vào nỗi thèm khát của tôi đến nỗi, chủ nhật về nhà, mẹ hỏi thích ăn gì, tôi nói ngay, tôi chỉ khao khát được ăn thỏa thích món cá biển kho và bắp cải xào! Tôi không đòi hỏi bún chả bún nem, chỉ thích mỗi thế thôi, thích cái món ở trường thỉnh thoảng mới được ăn ấy. May quá, mẹ thở phào vì tôi chẳng đòi hỏi gì hơn.

Hôm nào may mắn được ăn cơm độn bánh mỳ cũng rất thích. Có một loại tem nào đó sẽ đổi được cái bánh mỳ 225 gam. Mọi thứ đều được định lượng rõ ràng. Phần ăn độn được nhà bếp đổi ra thành bánh mỳ. Vì chả gặm được bánh mỳ không, tôi cùng mấy cô bạn nghĩ ra một kế. Đồng phục tập của chúng tôi hồi đó là những cái quần có chun túm ống và áo khoác bên ngoài. Dấu những cái bánh mỳ không ăn được ấy vào trong nách áo khoác, mang ra khỏi nhà bếp mà không ai biết. Chiều tối, chúng tôi mang bánh mỳ ra ngoài quán bán cho mấy bà hàng nước. Được một món tiền nhỏ, chung nhau lại mua mấy lạng đỗ đen, mua bột đao, với chút đường được phát, chúng tôi nhờ bếp cán bộ nấu một nồi chè đầy. Tối đi tập về, cả lũ xì xụp ăn chè trong một niềm hạnh phúc khó tả. Có lần, từ nhà ăn đi về, qua một rãnh nước, chẳng hiểu sao tôi lại quên béng mất bánh mỳ đang kẹp nách, vung tay lên nhảy qua, thế là rơi hết bánh mỳ xuống nước. Tôi đang thẫn thờ tiếc nồi chè, cô bạn lại nghĩ ra một kế, đem bánh mỳ vào lò nướng, bánh mỳ lại khô, lại đem ra đổi hàng nước. Khi thì được quả trứng, lúc thì được cái kẹo, quả chuối… thích lắm.

Chế độ ăn uống, cách nấu nướng đã vậy, nhưng bát đũa cũng không có. Sau buổi học sáng, hơn mười hai giờ, mệt lả vì đói, chúng tôi lại phải lê lên gác tư lấy bát đũa ăn cơm. Nghĩa là từ tầng tư của lớp học ở tòa nhà này đi xuống, xong lại leo lên tầng tư của tòa nhà khác là ký túc xá để lấy bát đũa. Sau rồi mới lại xuống nhà bếp ở tầng trệt để ăn cơm.

Người cứ lả đi vì đỏi và mệt. Chỉ muốn tranh thủ đi ào ra bếp ăn thật nhanh để rồi leo lên gác tư nằm vật ra thở một tí, chợp mắt một tí. Chỉ một tí thôi đã lại đến 1 giờ 30, lại kẻng báo giờ lên lớp. Đó là tiếng kẻng hãi hùng. Tất cả học sinh, dù kiệt sức thế nào cũng vẫn phải bật dậy như những người lính, giờ nghĩ lại, vẫn thấy hằn đọng một nỗi oán hận.

Không hiểu sao những người lớn lại nỡ đối xử với chúng tôi như thế? Ấm ức và oán giận lắm, nhưng nghĩ lại, cũng chỉ tại cái đói cái nghèo! Còn chúng tôi, những đứa trẻ xa nhà, dù đói khổ thế, đói khổ nữa, chúng tôi vẫn phải tập múa, tập kiên trì bay lượn trên mười đầu ngón chân yếu ớt vì suy dinh dưỡng của mình.

***

Về tinh thần, có thể ví nó như cái thời quân phiệt. Một thời gian biểu được vẽ ra để học sinh học tập và sinh hoạt theo như cách quản lý người trong trại tập trung. Nhà trường chọn ra cái gọi là “ban đại diện học sinh”, gồm những học sinh trong đội cờ đỏ, những người “bôn sệt”, suốt ngày lo phấn đấu về mặt kỷ luật, lo hoàn thành nhiệm vụ theo dõi và tố giác các học sinh khác. Tại các buổi họp với ban giáo vụ, họ có nhiệm vụ báo cáo với ban thi đua. Họ theo dõi từng người, rồi nhận xét hạnh kiểm, rồi chấm cho người ấy là cờ đỏ, cờ xanh hay cờ trắng. Trong lớp có nhiều bạn phấn đấu đạt cờ đạo đức vì không bao giờ xuống muộn, không nghỉ ốm vặt hoặc rất cần mẫn ghi chép khuyết điểm của người khác để được tăng điểm hạnh kiểm cho mình. Chẳng hiểu sao, về mặt này, tôi chẳng mấy khi được cờ đỏ. Mặc dù luôn lo lắng và sợ hãi bị phê bình, kiểm điểm, nhưng tôi không thể nào phấn đấu được, lúc nào tôi cũng cảm thấy kiệt sức, chỉ muốn nằm thêm một chút, xuống tập thể dục muộn một chút. Và lại sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi.

Một trong những nỗi sợ hãi kinh hoàng của tôi thời đó là nghe tiếng keng thể dục buổi sáng. Vì thời gian biểu được sắp xếp dậy từ 5.30 sáng, nên tôi luôn bị ngái ngủ. Trong cơn ngái ngủ ấy, tôi cứ nghĩ, 7 giờ đã phải tập balet rồi, lên sàn vận động rồi, tại sao lại cứ bắt dậy sớm thế để tập thể dục. Sợ nhất là kẻng tập thể dục. Sợ thứ hai là phải chen chúc nhau trên cái ô tô buýt chiều thứ Bảy để về nhà. Về đến nhà coi như thoát chết. Sợ thứ ba là phải làm một bài văn dài trả cô vào sáng thứ hai. Ngoài ra, cô lại còn giao cho làm bao nhiêu là bài tập của các môn khác nữa. Chỉ cần cắm đầu vào một bài tập làm văn, coi như đi đứt nửa ngày Chủ nhật. Không còn đầu óc nào để mà nghỉ ngơi sau cả một tuần căng thẳng.