Lê Vân - Yêu và sống - Chương 05 phần 2

Ngay cả bộ quần áo tập hôm thứ bảy, gói về nhà đôi khi cũng không kịp giặt, vì phải căng thẳng, bò lăn bò toài ra làm bài cho kịp. Chưa kịp nghỉ ngơi một chút nào, 2 giờ chiều chủ nhật, tôi đã phải lên xe cho bố chở ra bến ô tô để chen chúc nhau về trường.

Vì đi xe buýt nhiều nên tôi có kinh nghiệm, nếu lên ở bến phụ thì không thể chen nổi. phải đến tận bến gốc ở Lò Đúc mới có chỗ. Ngồi sẵn đó khi xe chưa khởi hành là yên tâm nhất. Kiểu gì cũng sẽ vào đến trường. Kẻng điểm danh đánh đúng 7 giờ tối. Tất cả các lớp xếp hàng dọc. Dù cố gắng nhưng nhiều khi vẫn bị vào muộn. Mất hai ba tiếng đồng hồ để di chuyển 9 cây số là chuyện hết sức bình thường. Lỡ ô tô thì đúng là ác mộng. Điểm danh mà chưa có mặt sẽ kinh khủng lắm. Có những chủ nhật, bố bận đi ăn giỗ hay cưới xin gì đó, mải vui họ hàng bạn bè say sưa không về kịp, người tôi cứ như là phát rồ dại lên. Cứ như là sắp phải lãnh án tử hình hay một hình phạt nào đó thảm khốc đang chờ.

Sống trong cái guồng máy cơm không đủ no, lại luôn bị nỗi sợ hãi ám ảnh, tôi chẳng có cách nào khác là để mặc cho nó kéo mình đi. Suốt 7 năm trời, tôi chả có hơi sức đâu để mà phấn đấu, chỉ nghĩ đến trách nhiệm hoàn thành được các bài học văn hóa, bài tập chuyên môn đã là tốt lắm rồi. Mà không hoàn thành được thì phải tìm cách đối phó, nhất là đối phó trong các kỳ thi, kiểm tra, với các môn học lê thê buồn tẻ. Cho đến giờ, tôi vẫn không quên một kỷ niệm đáng xấu hổ về kỳ thi môn chính trị hồi lớp bảy.

Giờ chính trị tất nhiên là chỉ buồn ngủ hoặc nói chuyện riêng. Bởi vậy, khi thi, chúng tôi tìm cách học đối phó. Tôi và một cô bạn chia nhau mỗi đứa học thuộc lòng một nửa số câu hỏi thầy giao về nhà ôn. Nếu đề rơi vào câu của đứa nào, đứa ấy phải đọc lên cho đứa kia chép. Yên trí như vậy, nhưng đến trước giờ thi, có lẽ vì tâm lý lo sợ chăng mà bỗng nhiên tôi lại muốn đi vệ sinh kinh khủng, đành xin phép thầy ra ngoài. Lúc trở vào, tôi sững người, chỗ của tôi, thầy vô tình đã xếp vào một bạn khác. Tôi bị ngồi cách xa hẳn “cái phao” của mình. Đã thế, đề thi lại không trúng vào phần tôi chuẩn bị. Suốt buổi thi, tôi chẳng viết được chữ nào.

Đúng lúc định nộp giấy trắng thì một cậu bạn bàn trên quay xuống, chìa ra cho một bài làm sẵn. Thì ra, cậu ấy có một cách đối phó khác là chép tất cả các câu trả lời vào giấy từ ở nhà, đến giờ thi, trúng câu nào thì chỉ việc mang câu ấy ra, mạo chữ ký của thầy và nộp. Tôi mừng quá, viết ngay tên mình vào góc trang giấy. Đúng lúc trống đánh hết giờ, lại còn phải giả chữ ký của thầy nữa? Cậu bạn luống cuống thế nào, ký hỏng bét, chẳng giống tẹo nào. Cậu ta bèn nhanh trí, rỏ vào đó một giọt mực nhoe nhoét làm như chẳng may bị giây bẩn để lập liếm cái tội giả mạo kia… Tôi nộp bài, ngay lập tức bị thầy giáo phát hiện ra sự gian lận. Thầy giận lắm, báo lên ban giám hiệu nhà trường. Các thầy cô bộ môn khác nhìn tôi bằng con mắt kinh ngạc, tại sao tôi lại có thể nghĩ ra cái trò gian dối kỳ quái như vậy chứ? Tuy trò chơi có hai người nhưng chỉ mình tôi chịu trận. Cậu bạn tốt bụng định giúp tôi mà lại thành hại tôi. Cậu im lặng. Hình như cậu ấy hơi thích tôi. Đặc biệt thích tập múa đôi với tôi. Có lẽ vì người tôi nhẹ, dễ nâng. Tiếc là tôi lại không có một chút tình cảm đặc biệt nào với cậu, không thích tập với cậu. Cứ đến động tác cậu phải lấy hết sức từ từ nâng tôi lên cao khỏi đầu thì tôi ì ra, không chịu múa phối hợp, thành thử tuy tôi gầy thật, nhẹ thật nhưng cậu không thể nào nâng tôi lên được. Chẳng phải tôi ghét bỏ gì bạn ấy, chỉ đơn giản là không thích múa cùng thì phản ứng bằng cách trẻ con như thế…

Vâng, chúng tôi đã trẻ con làm sao! Có lần, hồi năm thứ hai hay thứ ba của khóa học, bọn con trai con gái choai choai lớp tôi, không biết đứa nào đầu têu, nghĩ ra trò chơi “khiêng người chết”. Một đứa phải giả làm người chết, nằm thẳng cẳng, mắt nhắm nghiền, hai tay để trên bụng. Một đứa con trai ở phía trên đầu, tám đứa kia chia làm hai bên dọc theo “người chết”. Hôm đó, tôi xung phong làm “người chết” đầu tiên. Tôi nằm xuống cái sàn xi măng lạnh buốt sống lưng.

Qui định ngặt nghèo của trò chơi là tất cả phải chung một niềm tin như đang cùng nhau tham gia một nghi lễ. Trong bầu không khí linh thiêng, chín đứa quì xuống. Mỗi đứa chỉ được chạm ngón tay trỏ của bàn tay trái của mình vào “xác chết”. Đứa con trai phía trên đầu “người chết” lầm rầm câu đầu tiên: “Tôi đi đưa ma bác đi đâu”. Đứa thứ hai lặp lại: “Tôi đi đưa ma bác đi đâu?”… Cứ thế, cứ thế… lầm bầm, rì rầm, câu hỏi ấy được truyền đi sang đứa thứ ba, đứa thứ tư, đứa thứ năm… cho đến lúc trở lại hỏi đứa ban đầu, thì nó phải nói: “Nào, chúng ta cùng đi!”. Tôi cảm thấy thân mình như không còn trọng lượng, từ từ được chín ngón tay nâng cao lên khỏi đầu. Tôi sởn da gà, lạnh toát. Cảm thấy những bước chân đưa ma tôi chầm chậm di chuyển. Bỗng tôi phì cười Như có một luồng điện chạy qua, cả lũ rùng mình cười theo. Lập tức, trọng lượng trở lại, tôi rơi bụp xuống đất. Trò chơi dừng. Đến lượt tôi vào vị trí người khiêng, tôi cũng chạm một ngón tay vào “xác chết”, cũng lầm rầm hỏi câu thần chú, cũng “đưa ma” lên cao quá đầu, cũng đi được vài bước ra cửa rồi cả lũ lại cười đánh rơi “con ma” bộp xuống sàn. Đứa nào cũng muốn, ít nhất một lần, thử được là người chết, rồi lại thử được là người khiêng. Cho đến bây giờ tôi vẫn không cắt nghĩa được sự bí hiểm như có bùa ngải của trò chơi ấy…

Có lẽ, dù làm bất kỳ điều gì lớn hay nhỏ, dù chỉ là trò chơi trẻ con, thì cũng cần phải có mềm tin…

***

Năm nào tôi cũng là học sinh xuất sắc nhưng lại không được vào Đoàn. Mãi đến khi sắp ra trường, có một đợt vào Đoàn vét, tôi mới được chiếu cố kết nạp. Các bạn trong đội cờ đỏ, trong ban đại diện đánh giá tôi kém tinh thần phấn đấu. Mặc dù học giỏi cả chuyên môn lẫn văn hóa nhưng vẫn bị coi là kém đạo đức. Trong mắt ban cán sự lớp, tôi không có ý chí vươn lên về mặt tác phong tư tưởng. Không cần cù gương mẫu trong sinh hoạt. Không giúp đỡ kèm cặp các bạn yếu. Thú thực, không hiểu sao, dù có cố gắng đến mấy tôi cũng không “phấn đấu” theo cách ấy được. Mà tại sao lại phải phấn đấu? Phấn đấu theo kiểu ấy, tôi thấy nó cứ giả dối thế nào! Tôi là thế đấy! Nếu tôi xứng đáng thì kết nạp tôi, tại sao lại phải cố gắng? Cố gắng trong thời gian cảm tình đoàn không được phạm sai sót gì. Đáng học đến 9 giờ tối rồi đi ngủ thì lại phải “cố gắng phấn đấu” học thêm, hành xác thêm một, hai tiếng nữa. Song rồi, khi hết thời gian cảm tình, hết được thử thách với phấn đấu, lại tha hồ “quậy”, không cần phải tỏ ra chăm ngoan nữa, vì đã được kết nạp rồi? Vậy thì phấn đấu tức là cố tình cho người ta thấy tôi đang ngoan đây! Tôi không làm thế được. Dù có muốn, tôi không có đủ sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần để phấn đấu kiểu giả tạo ấy.

Tôi vẫn đi học đều, vẫn học giỏi, vân luôn là nhân vật chính trong lớp, thế mà tại sao tôi lại không được kết nạp Đoàn? Đành chấp nhận bị xếp vào loại tụt hậu vậy chứ tôi cũng chẳng biết làm thế nào khác.

Chính trong vụ vào Đoàn này, tôi nhận được một bài học đắt giá đầu tiên về tình bạn.

Trong lớp, tôi kết bạn với hai cô gái cũng thuộc loại học giỏi. Nói thân cũng không hẳn vì tính tôi ít khi thố lộ với ai. Chẳng qua là thích tụ nhau lại thành một nhóm cùng đi tập, đi ăn với nhau. Đi tập về cùng ra nhà tắm, thay phiên nhau đứa xách nước, đứa tắm, đứa giặt. Đến giờ ăn thay phiên nhau lên tầng 4 lấy bát lấy thìa đỡ khổ cả ba đứa đều phải đi. Ăn xong luân phiên nhau rửa bát. Hai cô bạn kia không được trời phú cho một dáng dấp tự nhiên cần thiết. Một cô trong nhóm lúc nào cũng tập tành rất chăm chỉ, ngoài giờ bắt buộc phải tập múa trên lớp, đêm đêm, trên sân thượng tối thui, cô tự mình vật vã quằn quại “hành xác” thêm nữa. Cần cù phấn đấu bù lại cái mà trời không cho: một thân hình lý tưởng cho nghệ thuật balet. Sức học của cô cũng khá, thuộc dạng cần cù bù khả năng.

Hai cô bạn đều thuộc diện trong ban cán sự, chính các cô là người đi họp báo cáo tình hình lớp. Lần ấy, họ có một cuộc họp về việc xét kết nạp Đoàn trong đó có tôi. Tôi nghĩ lần này, thế nào họ cũng phải xét đến mình. Mình có những hai cô bạn làm cán sự cơ mà. Chả cần các bạn ấy phải tâng bốc mình lên, chỉ cần nói đúng sự thật và nếu cần ủng hộ thì chắc chắn các bạn ấy sẽ giơ cho một cánh tay chứ. “Lần này xét đến mày đấy”, cô bạn nói thế rồi đi họp. Còn chính bản thân mình là người đang được xét đến thì bị bật ra ngoài. Tất nhiên rồi, vì mình chỉ là thứ dân đen, là Bạch Vệ. Tuy nhiên, tôi yên tâm, lần này thế nào chúng nó cũng ủng hộ mình. Về sau, tôi mới ngã ngửa ra, khi được một một cô bạn khác lớp tường thuật lại buổi họp và nhấn mạnh về thái độ khó hiểu của “hai cô bạn thân” của tôi. Trong buổi họp, một người phụ trách chung đứng lên nhận xét rằng tôi hay dậy muộn, vào tập trung muộn, không cần cù gương mẫu… Tóm lại, tôi có rất nhiều khuyết điểm, rất nhiều tội lỗi và không xứng đáng đứng vào hàng ngũ của Đoàn. Nghe vậy, hai cô bạn của tôi vẫn ngồi im re không nói năng gì, không nhúc nhích. Nghĩa là các bạn ấy đồng ý với nhận xét trên. Và tôi không được kết nạp Đoàn đợt đó. Chuyện này làm tôi rất sốc, nhưng tôi cũng chỉ biết im lặng.

Cuối cùng, tôi cũng được vào Đoàn đợt vét, có lẽ để nhà trường có thành tích 100% học sinh tốt nghiệp là đoàn viên chăng? Hôm kết nạp Đoàn, tôi thấy sao mà ngượng thế.

Một lá cờ được treo lên. Những đoàn viên tương lai được gọi lên đứng trước lá cờ đoàn. Sau khi Bí thư đoàn hô câu gì đại loại như “Xin thề làm cánh tay phải của Đảng”, tôi cũng giơ tay lên đủ ba lần, và hô “Xin thề, xin thề, xin thề”, mà cứ thấy ngượng chín hết cả người, đỏ hết cả sống lưng. Bởi rõ ràng là mình chẳng nghĩ như thế một tí nào. Mình chẳng “tiến bộ” được tí nào. Thế mà miệng lại phải hô rõ to. Sao mà nó sống sượng và hình thức đến thế! Dù mình đứng quay lưng vào các bạn, quay mặt vào lá cờ, chả ai nhìn thấy mặt mình cả, nhưng vẫn thấy tự ngượng với mình.

Về phòng, tôi cứ thắc mắc, không biết các bạn khác khi vào Đoàn có cái cảm giác bị luộc chín người như mình không nhỉ? Cũng có thể họ thành thật tin rằng họ đã được trở thành cánh tay phải của Đảng, hoặc cũng có thể họ giả vờ tin như thế nhưng không để lộ ra. Làm sao mình biết được. Họ phấn đấu suốt 7 năm học trong cương vị lãnh đạo, làm lớp trưởng với bí thư, nhưng rồi học tập vẫn kém, ra trường chẳng được về đoàn Trung ương. Kết thúc khóa học, thôi nhé, tạm biệt lớp trưởng với bí thư! Ra trường rồi thì cái mác bí thư chi đoàn ấy liệu còn có hiệu quả gì nữa?

***

Mỗi lần nhớ về mái trường xưa lại đau xót nghĩ không lẽ ngần ấy năm trời mà chẳng lưu lại một chút ấm áp chân tình nào ư? Tôi sẽ là kẻ vô ơn nếu không nhớ lại được một chút niềm hạnh phúc nào, chút ánh sáng nào từ nơi đó.

Phải, tất nhiên là có chứ, dù sao thì cũng phải có chút ánh sáng để mà sống mà hi vọng chứ. Tôi nhớ, năm thứ tư là năm sa sút nhất của lớp tôi. Chúng tôi bị rơi vào tay một cô giáo lớn tuổi. Cô ra bài tập là những tổ hợp trì trệ không gợi chút bay bổng nào. Thậm chí không chút hào hứng nào để học. May sao, có một lứa giáo viên vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện ở Nga về, họ là học sinh của trường được cử đi học về hướng dẫn lại cho các khóa sau. Vì lớp tôi sa sút quá nên nhà trường phân công ngay một chị về dạy. Chị Kim Dung, sinh viên xuất sắc khóa hai, được cử đi Nga đào tạo thêm. Nhóm này về thực sự mang lại một luồng gió mới, không khí học tập mới, cách truyền đạt mới, gợi hứng cho học sinh rất nhiều. Mỗi lần tập là một bài mới, âm nhạc họ chọn cũng khác chứ không phải là thứ âm nhạc gõ như cơm nguội. Cứ phải nghe đi nghe lại mãi một thứ âm thanh chán ngắt thì làm sao thiên nga cất cánh cho nổi. Mới về nước, họ đầy nhiệt huyết truyền thụ kiến thức, cất cánh cho học sinh.

Tôi vốn sức yếu, lúc nào cũng như là bị quá sức. Khi múa, tôi đã không biết tiết kiệm sức, cứ hay dùng hết tất cả sức lực của mình. Nhìn diễn viên vận dụng hết nội lực của mình để múa, người trong nghề biết ngay. Chị Kim Dung, trong một lần tập một tổ hợp, đã bảo tôi: “Vân ạ, em khô lắm. Khi diễn, em phải thở chứ đừng có nín thở, cố gồng mình lên như thế. Em phải biết điều tiết nhịp thở. Chính sự điều tiết nhịp thở sẽ làm em trở nên mềm mại hơn. Em hãy thử hình dung, đôi khi bắt gặp trên phim, khi mà những bông hoa tuyết đầu mùa rơi xuống, nó bay bổng, lơ lửng, nhẹ nhàng như thế nào rồi chạm xuống mặt đất. Vậy thì khi em tiếp đất, em cũng phải tạo được cái tiếp xúc nhẹ nhàng như vậy, nhẹ như những bông tuyết đầu mùa ấy”. Từ buổi đó, tôi cứ ngẫm nghĩ về những lời nói của chị Dung và đã thực sự tiếp nhận được cái kinh nghiệm quí báu ấy rồi biến nó thành của riêng mình. Đó chính là cái chìa khóa thành công trong các bài múa của tôi. với sức lực của người Việt Nam, phải biết tiết kiệm sức ở một số động tác để dành sức cho những thời điểm quyết định. Với một vở balet dài hai tiếng rưỡi, phải biết lúc nào là lúc chùng người xuống, xả hơi, lấy lại sức để khi cần thì bật lên. Khi chính diện với khán giả thì phải hết sức, khi nào nghỉ được là nghỉ ngay chứ không phải lúc nào cũng thật thà dùng hết sức mình làm sao chịu nổi. Chính hình ảnh rất gợi cảm của bông tuyết đầu mùa đã giúp tôi vận dụng rất nhiều vào cách biểu diễn của mình. Tôi không bị nín thở căng cứng đến mức gân guốc tạo cảm giác căng thẳng cho người xem. Tôi biết múa một cách mềm mại hơn và vẫn điều hòa được nhịp thở của mình. Nếu không điều hòa được, không những cơ bắp nổi lên mà ngay cả mặt mũi diễn viên cũng nom rất căng cứng.

Trong nghề múa, cũng là động tác giơ cánh tay lên nhưng tại sao người này giơ rất có hồn, người khác lại nom cửng đơ. Hơn nhau chính là ở cái hồn của người biểu diễn. Nhìn những người vô cảm múa thì sợ lắm, giống như các cháu mẫu giáo tập múa ấy. Cô bảo hát một con vịt xòe ra hai cái cánh thì cũng hát và cũng xòe hai tay ra chứ nào có ý thức gì, đâu nghĩ là phải lắp cái hồn của chúng vào. Nhưng trong đám ấy, bỗng nhiên lại có những cháu múa rất say sưa, say sưa theo tiếng nhạc, theo lời bài hát, nó nghĩ nó là con vịt thật và xòe ra hai cái cánh thật, thế là nó thành có hồn của nó. Nó múa tự nhiên, nhịp nhàng theo âm nhạc. Sợ nhất là những người không cỏ nhạc cảm, mặt không chút biểu cảm, âm nhạc đi một đằng múa đi một nẻo, khập khiễng làm cho xong.

Đến tận bây giờ, có lẽ chị Kim Dung vẫn không biết, chị đã truyền đạt cho tôi một kinh nghiệm quí báu biết chừng nào. Tôi vô cùng biết ơn lời gợi ý này. Nó trở thành bí quyết riêng, kinh nghiệm riêng của tôi. Sau này, tôi cũng truyền lại kinh nghiệm múa cho một số diễn viên múa trẻ - những bông hoa tuyết đầu mùa…

***

Ra trường. Thở phào. Vĩnh biệt nhé tiếng kẻng báo thức cơn ác mộng lúc năm giờ sáng. Vĩnh biệt nhé những bữa cơm “tàu ngầm” bột mỳ luộc tắc nghẹn. Vĩnh biệt nhé những bài tập làm văn dài lê thê sáng Chủ nhật. Vĩnh biệt nhé những chuyến xe buýt địa ngục và nỗi lo vào trường muộn.

Vĩnh biệt nhé nỗi buồn… khi mà mình chỉ là dân đen.