Lê Vân - Yêu và sống - Chương 10 phần 2

Không chỉ ngại dư luận mình chạy theo Việt kiều, thậm chí tôi còn cảm thấy ngượng và xấu hổ nữa. Tôi biết là dân Hà Nội sẽ chụp cho tôi cái mũ ấy. Trong thâm tâm thấy xấu hổ mà không hiếu tại sao lại xấu hổ. Nhưng đã trót yêu rồi, không lẽ vì ngại dư luận mà phải từ bỏ tình yêu của mình hay sao! Thậm chí tôi còn nghe đâu đó rằng: “Lũ con trai chúng mày chết hết cả rồi hay sao mà để con Vân nó đi lấy một cái thằng Việt kiều vô danh tiểu tốt?”. Mẹ tôi còn nặng lời hơn: “Bao nhiêu thằng trí thức, học thức yêu thì lắc đầu nguầy nguậy, đi đâm đầu vào cái thằng bụi đời”. Đối với dân Bắc, “Việt kiều” chẳng là gì. Thời đó, cái “mác Việt kiều” là một cái gì đó rất có giá với dân Nam. Muốn chinh phục được dân Bắc thì phải có trí tuệ, bằng cấp, địa vị xã hội. Câu nói của ai đó vô tình khía vào nỗi đau của cả một lớp kẻ sĩ miền Bắc, mà người tình đầu của tôi là một thí dụ. Anh đã biết thế nào là nhục vì không kiếm nổi tiền nuôi vợ nuôi con. Mặc dù anh là trí thức, được ăn học đàng hoàng. Nhưng cái đồng lương trả cho “thằng” trí thức rẻ mạt quá, nuôi cái thân còn không xong, thành ra hèn lúc nào không biết!

Sau này, bước quyết định khiến tôi ngả hẳn về người tình thứ hai xuất phát từ một lý do thẳm sâu chỉ mình tôi hiểu. Một lần nữa, tôi lại yêu một người đàn ông đã có vợ con gia đình đầm ấm. Có điều, vợ con chàng ở mãi một phương trời khác những cảnh tan cửa nát nhà không hiện diện trước mắt tôi.

Và khi không nhìn thấy nỗi đau của người ta thì tôi cũng đỡ bị giày vò hơn. Còn với mối tình đầu, tôi luôn thấy sự hiện diện của những con người vô tội ngay bên cạnh mình, luôn mang cái gánh nặng của tội lỗi. Mặc dù, vào thời điểm đó Người ấy đã được tự do và luôn mở rộng cánh cửa đón tôi về…

***

Vâng, Người ấy vẫn hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ quay về. Anh không cố níu giữ tôi, anh tin sớm muộn tôi sẽ nhận ra tình yêu với anh mới là tình yêu máu thịt, tình yêu với chàng lãng tử chỉ là sự bồng bột chốc lát mà thôi.

Thỉnh thoảng, nhân dịp nào đó vì công việc, chàng Việt kiều mới về lại Việt Nam. Chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội chứ không phải ở Sài Gòn nữa. Và tôi có một quan niệm, hãy thử sống với nhau đi, hiểu nhau, giữ được sự tử tế với nhau mới quan trọng, tờ giấy đăng ký kết hôn chẳng nói lên gì nhiều, chẳng thể giữ nhau lâu dài. Tôi không yêu cầu chàng bỏ vợ. Tôi muốn tạo ra một hướng mở như thế cho cả hai…

Thời gian đầu, mỗi lần ra Hà Nội, chàng phải về Phan Đình Phùng ở. Chả nhẽ lại ra khách sạn ở, mà đâu đã công khai được vì tôi chưa phải vợ người ta. Thời đó, mọi người sợ công an lắm. Sống với gia đình tôi, chàng chứng kiến năm con người sống trong một cái phòng hai tư mét vuông, tôi và Khanh sống trên gác xép, đứng lên một cái là cụng đầu, nhà có khách là mọi người phải rút hết lên gác xép, hoặc chạy sang nhà hàng xóm. Hàng ngày, chúng tôi phải xếp hàng để tắm, xếp hàng hứng nước, xếp hàng đi vệ sinh. Rồi những tiếng cãi cọ chửi bới từ mỗi gia đình vọng ra tất cả đều phải nghe. Những mâu thuẫn riêng tư của từng cá nhân cũng trở thành những tin tức nóng hổi cho cả cộng đồng dân cư dò đoán bàn tán. Sự đụng chạm, va chạm căng thẳng từng giây từng phút khiến con người ta trở nên nhỏ nhen, ích kỷ và tàn nhẫn. Chàng kêu lên: “Trời ơi, sao nghệ sĩ Miền Bắc khổ thế!”. Chàng bảo: “Xin lỗi em, anh không thể đi cầu được. Vì nhà cầu không có cửa, mà bao nhiêu người xếp hàng”. Suốt ngày diễn ra cái cảnh bi hài, nghe tiếng người bên ngoài lẹt quẹt dép thì người bên trong dặng hắng e hèm đánh tiếng có người. Chàng phải đi vệ sinh công cộng rồi trả tiền.

Một lần, chàng mời cả nhà tôi đi chơi Quán gió công viên Thống Nhất. Ở đây có bán cà phê loãng và nước sen dừa, những đồ uống khá xa xỉ so với món chè đỗ đen giải khát duy nhất thời đó. Lần đầu tiên ra Quán gió, được hưởng gió hồ mùa hè mát như quạt hầu, mẹ tôi thốt lên: “Trời ơi, cả đời tôi chỉ ước ao có một nơi nào đó để được hưởng cái không khí trong lành yên tĩnh như thế này”. Câu nói bâng quơ của bà lọt vào tai chàng, chàng ghi nhớ với tình cảm thương xót chân tình. Vì thế, chàng mới động lòng trắc ẩn bảo: “Mỗi lần đưa khách về Việt Nam du lịch thăm thân, để dành được một ít tiền, chúng mình tiết kiệm chứ không tiêu vung đi nữa. Em ở đây thử xem có nơi nào có thể tạm ở được thì mua, ít tiền thôi nhưng phải được riêng biệt”.

Từ đó, chàng có ý thức gửi tiền nhờ tôi giữ hộ, cho đến lúc vừa xoẳn mua được miếng đất của một gia đình đông con. Họ buộc phải bán đi để chia năm xẻ bảy. Vì chẳng ai trông nom nên nó tối thui những cây với muỗi. Miếng đất nằm ở một vị trí sâu hút, đã rẽ vào ngõ, lại quặt vào ngách, rồi lại quẹo nữa không biết gọi là gì. Nhưng nhà mình thì sướng quá, ban đầu chỉ có cái nhà cấp bốn dột nát, nhưng nó là của riêng mình. Chàng bảo, cố gắng thiết kế thật đơn giản, một tầng thôi. Rồi xây một cái toilet chung cho cả nhà. Nghĩ bụng, sáu ba người một cái còn được cơ mà. Đây lại còn có cả lavabo bằng sứ trắng để đứng đánh răng rửa mặt thì đúng là thiên đường. Chàng cũng xác định là xây với một chi phí thấp tối đa vì làm gì có tiền mà xây. Làm sao cho mỗi người có một khoảnh không gian nhỏ nhưng riêng biệt. Bếp thì dùng chung. Vì tất cả là chung một nhà, y như ở Phan Đình Phùng.

Chàng nói ý định đó, hoàn toàn xuất phát từ tình cảm, mong làm được một cái gì đó cho gia đình người chàng yêu thương đỡ khổ, chứ không phải có nhiều tiền để mà vung vẩy. Ai ngờ đâu, bạn tôi, một kiến trúc sư tài hoa mang nhiều chất nghệ sĩ, anh Đoàn, giảng viên trường đại học xây dựng, lại vẽ tặng cho một cái nhà không đơn giản chút nào. Anh bảo, lần dầu tiên vẽ nhà cho nghệ sĩ, anh muốn thiết kế một cái nhà không giống ai. Một ngôi nhà không to nhưng ấm cúng và có nét riêng. Người thiết kế bao giờ cũng muốn thực hiện được trọn vẹn ý tưởng, không lẽ mình lại nói, tôi không đủ tiền đâu, cần phải cắt chỗ này chỗ kia đi à? Tôi đành chấp nhận: “Thôi được, em sẽ cố gắng theo thiết kế của anh, nhưng cũng phải làm dần dần thôi”. Xây nhà, tôi không xin nghỉ ngày nào, ban ngày vào đoàn làm việc, chiều về vác xi măng, xếp gạch. Trông nom thợ, chỉ huy thợ, một tay tôi làm cả.

Trong lúc tôi tất bật như thế, cả gia đình trên Phan Đình Phùng hầu như chẳng ai dòm ngó hỏi han. Thế rồi, xây nhà nó cứ đẻ ra cái này cái kia. Hết tiền, chẳng biết làm thế nào, đúng lúc chàng điện thoại sang, tôi tủi thân òa khóc nức nở. Chàng động viên: “Cố gắng đi vay rồi anh sẽ gửi về sau”.

Thế là, vì muốn tôi theo đến cùng bản thiết kế, chính anh kiến trúc sư lại lén giấu vợ cho tôi vay năm trăm đô la. Không hiểu sao chị vợ vẫn biết. Có lẽ nhờ cái bản năng tự vệ của đàn bà, sợ chồng mình mang tiền cho cô nghệ sĩ dùng, chị đánh tiếng đòi lại. Tôi lo lắng chạy vạy long tóc gáy lên, rồi nhà cũng xây xong.

Khi dọn về, nhà rỗng không, chưa giường, chưa tủ, chưa bàn ghế. Nhưng so với cái gác xép làm phòng ngủ của tôi và Khanh, cái gác xép cao một mét mà lỡ quên đứng dậy thì “ăn” một cái cộc trời giáng đau nổ đom đóm mắt; so với cái bếp năm mét vuông cơi thành nhà của mẹ, so với cái giường kê ngay phòng khách của bố… nó là một toà lâu đài. Cả nhà phấn khởi lắm, tất cả đều cảm nhận được đây đúng là một món quà xuất phát từ tình cảm thương yêu, từ sự chia sẻ…

Từ chỗ chứng kiến gia đình người yêu mình, một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng mà sống nghèo sống khổ thế, chàng lãng tử đã tìm cách giúp đỡ. Chàng chẳng bao giờ khoe khoang ai về chuyện này. Và tôi đón nhận nó cũng rất tự nhiên chứ không nghĩ là phải suốt đời hàm ơn. Yêu nhau thì làm cho nhau đỡ khổ, chia sẻ với nhau trong cuộc sống chẳng phải là một lẽ tự nhiên nên làm sao? Tôi chỉ nghĩ rất giản dị như thế. Tôi và chàng cũng có một khoảnh riêng trong căn nhà chung đó.

***

Có rất nhiều lý do để sau một thời gian dài sống chung với nhau, chúng tôi mới đi đến quyết định làm đăng ký kết hôn. Thứ nhất, chàng đã trao cho tôi một tình yêu tuyệt đối chân thành, tin tưởng tôi hoàn toàn cả về kinh tế lẫn tình cảm. Thứ hai, chàng muốn trở về Việt Nam sống nốt quãng đời còn lại. Thứ ba, quan trọng hơn cả, vì là Việt kiều nên chàng cần phải có mối quan hệ chính thức với tôi để được hợp pháp sống tại Việt Nam.

Vì chàng là Việt kiều, lại đã có gia đình nên trong suốt quá trình chúng tôi sống với nhau, công an liên tục rà soát hỏi thăm giấy tờ. Có thời gian, tôi đã phải sống trong trạng thái rất hồi hộp, chàng vừa có công chuyện bay vào Sài Gòn thì lập tức công an ập đến nhà. Ba bốn ông cảnh sát ùa vào nhìn ngó. Tôi bảo: “Anh ấy vừa bay rồi”. Hình như họ nghĩ chàng là một con cáo già, hay tin gì đó nên đã tẩu thoát ngay, họ lập tức thông tin vào Sài Gòn “đón lõng”. Hóa ra, chàng đã bị công an nghi ngờ suốt một thời gian dài mà không biết. Lý do vì sao? Trước giải phóng, chàng quen biết nhiều người cả bên ta lẫn bên địch. Bởi chàng từng làm việc cho một tổ chức từ thiện, nên với danh nghĩa một tổ chức Quốc tế, một số biệt động nội thành có thể vào nhà chàng lánh nạn. Nhưng chàng lại cũng có thời gian đi lính bên kia, nên bây giờ, về nước với danh nghĩa Việt kiều yêu nước, nhưng chẳng ai biết “ông ấy” thuộc loại người gì, ở chiến tuyến nào, Iàm việc cho ai? Trước giải phóng, anh ta biến mất, nay lại lù lù xuất hiện. Lại có người nhìn thấy anh ta nói chuyện với một nhà báo Mỹ ở Sài Gòn. Có lẽ họ tình cờ gặp nhau thế thôi, nhưng với những người có trọng trách, đó là những dấu hiệu không bình thường.

Bị “đón lõng” trong Sài Gòn, chàng được đưa thẳng từ sân bay về đồn cảnh sát, lúc đó ai mà biết liệu có được trở về sau cuộc phỏng vấn ấy không? Còn tôi, tôi cũng không thể nào thanh minh được rằng tôi tin chàng là người tốt. Đời nào người ta tin mình. Họ hỏi: “Anh ta là thế nào với chị. Anh ta có vợ bên kia rồi. Thân nhân anh ta khai là ở Quảng Nam cơ. Hai người chưa phải là gì của nhau cả. Vậy thì cái sự khai thăm thân ở đây là bất hợp pháp!”. Họ lấy cớ đó để bắt bẻ nhiều chuyện, làm tôi đau đầu, tinh thần bất ổn. Còn chàng, lúc nào cũng như ở trong tình trạng hết sức hiểm nghèo. Cũng có khai báo tạm trú nhưng người ta bảo có phải vợ chồng đâu mà được thăm thân, được tạm trú. Có lần xin visa, sát nút rồi vẫn không được, chàng buộc phải ra khỏi Việt Nam, sang nằm chờ bên Thailand vài ngày. Ai ngờ đâu, sau một tháng, người ta vẫn chưa cấp visa. Tiền mang đi đã tiêu hết, không có tiền để về Canada mà cũng không có tiền để ở lại. May quá, tôi nhớ đến một người quen trong sứ quán bên đó, gọi điện sang mượn tiền. Chàng đến sứ quán lấy tiền tiêu cho qua ngày và chờ đợi.

Không thể sống mãi trong tâm trạng bất an như thế, tôi đành bảo chàng: “Anh ạ, em không có lòng nào bảo anh phải bỏ vợ con, nhưng vì để an toàn cho anh, có lẽ chúng mình phải hợp thức hóa mối quan hệ này”. Chàng trả lời: “Anh đã làm cái việc ấy rồi”. Nghĩa là, anh đã làm thủ tục ly hôn với vợ bên Canada” Hành động của chàng làm tôi rất cảm động. Quá gắn bó với tôi, anh muốn mọi sự được chính danh được rõ ràng.

Ngay khi có quan hệ tình cảm với tôi, anh đã nói chuyện thẳng thắn với vợ, rằng anh không thể sống với chị ấy được nữa. Vợ anh, nghe nói là người theo đạo Thiên chúa, là một người đàn bà hiểu biết, hiền lành, lịch lãm. Ba đứa con anh đều ngoan ngoãn bảo ban nhau học hành giỏi giang, đều đã sang Việt Nam chơi. Khi nghe chàng thổ lộ muốn về Việt Nam sống nốt tuổi già, vì sống ở nước ngoài không hợp, chị đã không hề hỏi tại sao anh bỏ em, mà sẵn sàng ký giấy ly dị, để anh về Việt Nam.

Nói đến hành động này của chàng lãng tử Sài Gòn, tôi lại nhớ về Người ấy, một kẻ sĩ Bắc Hà, một nghệ sĩ hàn lâm, người tình đầu máu thịt của tôi. Tại sao gọi đó là mối tình thiêu rụi tuổi trẻ của tôi? Vì mười năm trời đằng đẵng trôi đi, người ấy không quyết định nổi một điều chọn lựa. Cứ đằng đẵng, tràn đầy những ăn năn hối hận, cứ ngột ngạt những day dứt nhớ thương, cứ quặn thắt những lo lắng giày vò. Tôi chẳng thể trách anh tại sao không bỏ vợ con để lấy tôi, nhưng lại suy ra một điều khác, người ta quá nặng lòng với gia đình.

Trong khi đó, chàng lãng tử của tôi, không cần tôi phải một lời thúc giục bóng gió xa xôi, chàng lẳng lặng cắt đứt mối quan hệ chính thức với vợ con. Tấm lòng chân thành của chàng tôi phải ghi nhận. Tôi cũng hiểu quyết định cắt đứt họ như thế không phải vì chàng ác với vợ con, mà còn vì, đời sống của chàng ở nước ngoài thực ra cũng không hạnh phúc gì. Chàng không khổ về vật chất, nhưng khổ về tinh thần. Nhà chàng có năm người thì bốn người thuộc về xã hội bên kia rồi. Vợ con chàng đều nói tiếng Tây, đi học trường Tây, hoà nhập với xã hội Tây… của người ta, thời gian họ dành cho chàng, tâm sự với chàng, đùa vui với chàng là rất hiếm, nên dù muốn hay không, chàng vẫn bị lạc lõng. Nhà có một tầng hầm, suốt ngày chàng làm việc, sống âm u trong đó. Cuộc sống của chàng rất cô đơn. Và chàng đã quyết định chia tay vợ để trở về sống ở Việt Nam.

Về Việt Nam, sống với tôi, chàng có một cuộc sống khác hẳn. Ở chàng, cái đáng quí nhất là niềm tin đặt vào tôi một cách vô điều kiện. Về kinh tế, kiếm được chút tiền bạc nào là lại đưa hết cho vợ. Khi anh muốn về Việt Nam, anh cứ việc tay trắng mà ra đi. Về Việt Nam, dần dần hai vợ chồng mới làm nên. Anh vẫn thường nói, từ ngày có em, anh lại có nhà có cửa. Về tình cảm, chàng đã lặng lẽ hi sinh gia đình có những đứa con tuyệt vời và một người vợ giỏi giang. Ngày xưa, anh chị gặp nhau ở Sài Gòn, lấy nhau, sinh Phú Sơn, con trai đầu lòng ở Việt Nam. Trước khi chiến tranh kết thúc, anh theo vợ con về Canada. Khi Việt Nam cho phép Việt kiều về nước, anh nộp đơn xin về thăm quê ngay. Không phải vì gia đình trục trặc mà chàng phải đi tìm hạnh phúc mới.

Cũng giống như Người ấy, chàng đã tình nguyện hi sinh gia đình vợ con để chứng tỏ tình yêu với tôi! Chàng làm giấy ly hôn trước cả khi hỏi rằng tôi có đồng ý lấy chàng hay không? Điều đó làm tôi thực sự cảm động. Và chúng tôi dẫn nhau ra Sở tư pháp để đăng ký kết hôn. Lúc nào tôi cũng nói, giấy tờ chỉ là hình thức, chẳng thể nào giữ được tình yêu, nên tôi chẳng hề coi việc ký tên vào tờ giấy kết hôn là việc nghiêm túc. Thậm chí, cũng giống lần đi đăng ký trước, tôi coi đó như là chuyện đùa.

Hôm đó, có khoảng ba, bốn đôi cũng lấy người nước ngoài đến nhận giấy đăng ký. Chàng lãng tử của tôi ăn mặc bình thường. Tôi cũng thế, chỉ mặc một cái váy đũi rất giản dị. Ai ngờ đâu, ở Sở tư pháp, họ bày bánh kẹo thuốc lá như một buổi lễ quan trọng. Lúc họ gọi từng đôi lên, trao giấy, hỏi lần cuối: “Anh chị có tình nguyện lấy nhau hay không?”, tôi còn kịp ghé vào tai chàng, nói đùa: “Chả nhẽ em lại nói, tại vì các ông công an nên tôi mới phải làm cái giấy này”.

***

Tôi bàn với chàng, bên cạnh việc tranh thủ tận dụng tuổi trẻ làm nghệ thuật, chúng tôi phải củng cố kinh tế gia đình, để đến khi sự nghiệp nghệ thuật chững lại, là đến thời gian dành cho con cái. Chàng cũng thấy thế là hợp lý. Chúng tôi đi thế chấp cái nhà Thụy Khuê, vay tiền mua một mảnh đất, xây nhà. Chưa xây xong, họ đã đổ xô đến đòi thuê. Mình lại “yêu sách” họ chồng tiền một năm và mình dùng tiền ấy mua trang thiết bị nội thất. Thời đó, nhìn chung cũng ít người có nhà cho thuê nên còn làm ăn được.

Sau khi chính thức kết hôn, mọi việc dần đi vào ổn định Được gia hạn visa lâu dài, bớt cảnh bồng bềnh hồi hộp đi đi về về, cuộc sống bớt phần lãng mạn sương khói. Và một cuộc sống thật trần trụi lộ ra: Sống với chàng, tất cả mọi việc từ A đến Z, từ xây sửa nhà cửa, vay mượn tiền nong, đụng độ với thực tế xã hội, với công an, phòng thuế, cộng với bao nhiêu là rối ren, khó khăn của thủ tục hành chính… tôi đều phải dùng đến “cái mặt mình” để giao dịch. Vì đi đến đâu người ta cũng nhận ra tôi, lập tức tôi có được sự đồng cảm và giúp đỡ. Dần dần, chàng coi việc tôi phải chường mặt ra với đời là lẽ đương nhiên. Chàng cứ đùn tất cả công việc ấy cho tôi. Đã thế, khi tôi đi lo giấy tờ vô cùng mệt mỏi về đến nhà, chàng lại buông thõng một câu: “Có một mình em biến nó thành quan trọng chứ anh thấy người ta cứ cho thuê nhà bừa đi cũng có sao đâu. Mà sao em cứ phải cuống lên chạy nơi nọ chạy nơi kia”. Chàng đâu có chịu hiểu rằng, nếu không có đủ những giấy tờ tối thiểu đó, khi người ta kiểm tra bất chợt, là mình phạm luật. Tôi gắt lên: “Tôi không muốn bị hoạch họe. Hơn nữa, tôi cũng không thích cái sự phải quị luỵ xin xỏ ai. Vậy thì, cách tốt nhất, khi còn kịp, mình hãy hoàn thiện hồ sơ đi để nếu bị hỏi đến, mình còn có cái tư thế của mình chứ! Tại sao lại thích kiểu làm ăn nhuôm nhoam, đại khái, khi bị phạt lập tức quị luỵ xin xỏ, mất hết cả tư cách?”

Kiểu lời qua tiếng lại như thế cứ được tích tụ dần, nó bào mòn sự long lanh lãng mạn. Càng ngày tôi càng nhận ra một thực tế o, dù đã có chồng nhưng tôi vẫn phải làm việc, hành xử, lo lắng như một gã đàn ông! Rõ ràng trong nhà có một người đàn ông nhưng lại quá nhu nhược. Bất cứ cái gì chàng cũng gọi Vân ơi, rồi lẩn sang phòng khác. Và tôi lại phải đương đầu. Thậm chí, ngay chuyện xin ra hạn tạm trú cho chàng, đáng lẽ cả hai cùng đi, nhưng chàng cũng bảo, em đi đi. Ra báo tạm trú cho khách thuê nhà cũng vậy. Thôi thì cứ cầm bao thuốc ra, hôm đó ai trực ban thì mời người ta, rồi khai báo để người ta vào sổ quản lý. Việc đơn giản thế nhưng chàng cũng đùn hết cho vợ. Cứ thế, sự khó chịu được tích tụ, tôi kiệt sức và mệt mỏi, mãi thế này chắc không chịu nổi, lại ao ước: bao giờ mình mới được làm một người đàn bà thực sự đàn bà đây?

Tôi ước được quanh quẩn lo những chuyện nội trợ bếp núc chứ không phải đương đầu với những chuyện to tát. Ví dụ như đi vay tiền chẳng hạn. Phải ngoại giao nhờ cậy đã đành. Đến ngày đáo hạn, lại phải cậy cục đi vay nóng trong một ngày, chồng đủ số tiền mấy trăm triệu, rồi lại mang trả.

Nghĩ lại thấy sao mà liều thế, một thân một mình, ôm một túi du lịch tiền phóng xe máy qua cầu Chương Dương. Vay tiền về, chỉ cho ngân hàng thấy tiền đấy, tôi có khả năng trả, rồi lại mang đi. Đúng là một việc tầy đình chứ, nhưng sao cũng chỉ mình tôi cặm cụi lo toan xoay sở!

Cuộc sống với chàng ngày càng lủng củng, chính vì vậy mà tôi cứ trì hoãn chuyện con cái. Tôi lờ mờ nhận thấy, tại sao mình cứ phải làm đàn ông trong khi đã có chồng? Tại sao chàng lại nhu nhược đến thế, đôi khi còn có biểu hiện… hèn nữa? Và thế là, chẳng còn gì lung linh trong mắt nhau nữa, chỉ còn thấy những điều hết sức bình thường, tầm thường, thậm chí đôi khi tôi còn phản ứng bằng cách quay đi bĩu môi coi thường, chán chẳng thèm nói, không tôn trọng nữa. Những thứ độc tố đó lớn dần lên làm thui chột tình yêu lúc nào không biết. Và khi tình yêu thui chột, sẽ chỉ thấy toàn những cái chưa được của nhau.