Lê Vân - Yêu và sống - Chương 10 phần 3

Sống cuộc đời thường, khi niềm say đắm ban đầu qua đi, một lúc nào đấy nhìn lại, tôi chợt nhận ra rằng, đây không phải là người đàn ông có thể “trị” được mình. Thậm chí còn thấy khó chịu và bất hòa. Và khi mà người vợ đã không chịu phục cái trí tuệ của người chồng thì đến một lúc nào đó, tự nhiên sẽ buột ra những lời nói, cử chỉ coi thường. Nếu người đàn bà bị chinh phục hoàn toàn, họ sẵn sàng nhất nhất đi theo không cần suy nghĩ nhiều.

Nếu chỉ mưu cầu một cuộc sống bình thường đủ cho hai bữa cơm, tôi và chàng đã tạo dựng nên được một cơ ngơi vật chất tạm ổn, có thể thỏa mãn được rồi. Thế là chỉ việc rong chơi? Gặp đâu làm đấy, chẳng có nghề nghiệp ổn định.

Những lúc bực lên, tôi nói với anh thế này: “Anh như là một cái đinh ốc lỏng, phải xiết lại. Em mệt mỏi lắm”. Dường như lúc nào tôi cũng phải gồng mình lên, phải giả đui để cuộc sống an bài. Chàng có cái tốt là rất yêu vợ tin tưởng vợ, nhưng để khoe khoang với đời rằng chồng tôi là ông nọ ông kia thì tôi chẳng có gì để khoe cả, chỉ ngậm ngùi giữ kín trong lòng thôi. Bởi suy cho cùng thì mình là cái gì mà lại mong muốn người khác vừa có tâm hồn lãng mạn, vừa phải biết làm ăn kiếm liền, lại vừa phải có học thức nữa! Nghe nó mỉa mai quá! Làm sao tìm được một người như thế!

Khi mọi thứ ổn định ở Việt Nam, chàng không làm tour du lịch đưa Việt kiều về thăm thân nữa. Càng ngày càng có nhiều người làm hơn nên thu nhập chập chờn không được là bao. Thậm chí còn bị thua lỗ do máy bay trễ giờ, chàng phải bỏ tiền đền cho khách ở lại khách sạn. Về Việt Nam, sau một thời gian bận bịu xây nhà xây cửa, cho thuê xong là hết việc. Chẳng nghĩ ra được việc gì mới, suốt ngày chàng la cà quán cà phê nọ cà phê kia. Người ta hỏi: “Chồng em làm gì?, Trả lời: “Chồng em chẳng làm gì cả”.

Trong khi đó, tôi vẫn phải liên tục làm việc. Khi vất vả quá, tôi thầm khao khát có một người đàn ông gánh vác trụ cột cả trong nhà lẫn ngoài xã hội, người có đủ trí tuệ và bản lĩnh khiến tôi nể phục. Tôi cho rằng, trong gia đình, người chồng nhất định phải là thủ lĩnh, phải gánh vác được những việc lớn. Còn tôi, tôi có thể bỏ nghề để chỉ luẩn quẩn lo thu vén sang sửa căn nhà mảnh vườn, cơm ngon canh ngọt cho chồng con. Tôi thèm được quay về với những điều giản dị như thế thôi. Và cứ ước mong, giá mà mình có một người đàn ông như thế, mình sẵn sàng buông xuôi hết, giã từ hết để được làm một người phụ nữ Việt Nam với đúng chức năng nội trợ trong nhà.

Cuối cùng, sau gần hai chục năm trời gắn bó với hai người đàn ông, một anh trí thức miền Bắc và một chàng lãng tử miền Nam, tôi vẫn không có được cái khát khao bình dị: làm một người phụ nữ bình thường, làm vợ và làm mẹ. Nào tôi đâu có mơ ước điều gì cao siêu đâu mà sao chẳng được! vậy là, chỉ sau hơn một năm kết hôn, tôi đã đề nghị li hôn. Chàng quá bất ngờ. Vì đã đăng ký kết hôn và biết tôi không phải loại người dễ thay lòng đổi dạ, chàng chẳng bao giờ lo mất tôi. Khi đưa nhau ra tòa, chúng tôi làm mọi thứ một cách hết sức lặng lẽ. Tôi thuyết phục chàng rằng, tình thế của chúng tôi là không thể nào cứu vãn nổi, ầm ĩ mà làm gì?

Một cái kết lặng lẽ chẳng tốt cho cả hai ư? Sống với nhau nữa chỉ làm khổ nhau thôi, nhất là khi chúng tôi chưa có con chung, lại có điều kiện kinh tế mỗi người một cái nhà giá trị ngang nhau.

Chàng im lặng nghe tôi phân tích, và chắc cũng có nghe lời anh em bạn bè, thà chia tay trong lặng lẽ còn hơn làm rùm beng, nhỡ gia đình bà ấy bị kích động xúi bẩy mà nổi cơn tham lên thì khéo tay trắng luôn. Trong thâm tâm, không bao giờ tôi nghĩ mình có thể cướp đi một cái gì đó thuộc về của cải tiền bạc của chàng. Chúng tôi đạt được thỏa thuận, khi ở tòa, chẳng nên trách cứ thóa mạ nhau làm gì.

Ở tòa án, thẩm phán giải thích: “Theo chúng tôi, anh chị thỏa thuận được với nhau là thuận lợi nhất, vì cả hai cái nhà này đều đứng tên vợ anh, anh có hiểu pháp luật Việt Nam không? Cứ giả dụ như cả hai cái nhà đều là tiền của anh, nhưng chúng tôi chỉ biết trên giấy tờ nó là của chị Trần Lê Vân, nếu như chị Vân là một người không tử tế, anh sẽ phải ra đi tay trắng. Vì cái gì chứng minh nó là của anh? Tốt nhất, hai người tự thỏa thuận với nhau”. Đáp lại, chàng chỉ run rẩy: “Đây là do Vân tất cả chứ tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ Vân”. Nghe thật là xót xa. Tôi không dám nhìn chàng vì sợ bị mủi lòng. Theo qui định, sẽ có hai tuần kháng án, nhưng chàng nói trong mù mờ hi vọng: “Hai tuần này, trong qui định chỉ là hình thức thế thôi, với tôi, bất cứ lúc nào, kể cả sau ly hôn, Vân muốn thì chúng tôi vẫn có thể quay lại”.

Nói vậy, chàng muốn khẳng định rằng, chàng buộc phải theo tôi ra tòa chứ chàng không muốn thế chút nào. Dù tôi gây nên chuyện này, tất cả là do tôi, nhưng bất cứ lúc nào tôi nghĩ lại, chàng cũng sẵn sàng đón tôi về.

Đôi khi, tôi cũng ngẫm lại, liệu có phải mình đã sai lầm trong cuộc tình này không? Rồi tự trả lời, tôi chẳng hối tiếc vì đã yêu thương chàng. Cái gì đến sẽ phải đến. Tình yêu, dù bắt đầu từ một khoảnh khắc, nhưng rồi đến một khoảnh khắc nào đấy, tự nó lại tan rã, thui chột, đành phải chịu thôi.

Đã nghĩ rằng, mình nên dừng ở đây, đừng nên làm khổ ai nữa. Với chàng, tôi đã muốn giằn lòng dừng lại. Nhưng khi tình yêu đã hết, chúng tôi phải chia tay thôi. Đương nhiên, khi tình yêu đã hết, người thứ ba mới có thể chen vào. Đó lại là cả một câu chuyện dài…

Dù thế nào tôi cũng muốn công bằng mà nói, để chúng tôi có được kinh tế ổn định, là do xuất phát từ lòng tốt, sự tin cậy của chàng khi cùng tôi bắt tay vào xây dựng những viên gạch đầu tiên. Khi chia tay, tôi bảo: “Tùy anh, anh đi hỏi xem cái nhà nào giá trị hơn thì anh chọn trước”. Chàng chọn nhà Thụy Khuê, rồi không hiểu sao lại chọn nhà Hồ Tây.

Chàng bảo không muốn về Thụy Khuê nữa vì ngại đụng hàng xóm. Ít lâu sau, chàng nhờ tôi ký giấy bán nhà. Tôi cũng chẳng biết chàng bán cho ai, bán được bao nhiêu. Sau đó, chàng về quê hương Quảng Nam, đầu tư mua đất xây nhà ven sông ở Hội An. Rồi chàng sắm ô tô, thuê nhà sống tại Hà Nội. Ngỡ rằng như vậy, chúng tôi đã có một kết thúc êm thấm. Nhưng rồi xảy ra chuyện bài báo… Một bài báo trả thù.

***

Sau phán quyết li hôn, tôi ẵm con trai lớn sang Ý sống cùng bố cháu khi đó đang làm việc tại Roma. Đó là những tháng ngày ngập tràn hạnh phúc. Thành phố Roma cổ kính.

Tôi như đang được sống giữa một bảo tàng sống của nhân loại. Có lẽ, tôi nảy sinh “tình yêu” với nghệ thuật kiến trúc cũng từ đây. Không thể tin được, với bàn tay và khối óc, con người đã tạo nên được những kiệt tác về kiến trúc như vậy. Bế con thơ trên tay, tôi cứ ngơ ngẩn ngắm nhìn, lòng nhen nhóm ước mơ sau này, con trai tôi sẽ trở thành một kiến trúc sư…

Cũng trong thời gian đó, tôi mời bố sang Rome chơi cho cụ được thỏa con mắt ngắm nhìn. Mở chiếc va li nhỏ đựng quần áo, bố lặng lẽ đưa cho tôi một tờ báo. Hình như là một tờ báo phía Nam. Thú thật, giờ tôi chẳng nhớ tên tờ báo là gì. Bố bảo: “Đọc đi, để biết, khi con đi vắng, ở nhà chồng cũ của con đã bêu riếu nhà ta như thế nào. Mẹ mày bà ấy giận lắm”. Tôi bình tĩnh đọc bài báo của một tác giả tên Đức. Có thể thấy, người viết bài này ngầm ý muốn bênh vực chàng lãng tử, bạn họ. Càng đọc, tôi càng bình tĩnh, nói đúng hơn là bình thản. Tất cả thông tin trong đó đều không đúng sự thật.

Nội dung bài báo, đại loại là chàng đã bị vợ và mẹ vợ lừa để lấy hết cả nhà cửa tài sản. Mẹ vợ đứng tên chiếm nhà? Mẹ tôi có bao giờ đứng tên đâu! Rồi còn nói tất cả là của chàng hết.

Hãy khoan đánh giá về chàng lãng tử tội nghiệp của tôi mà hãy nhìn lại người viết bài báo đó. Họ đã không khách quan. Họ không viết đúng sự thật nên chẳng làm hại được tôi, chẳng khiến tôi bận lòng. Và lại càng không có sức thuyết phục những ai đọc nó. Đặc biệt với những người thân, bạn bè đã chứng kiến cảnh tôi rát mặt đi vay, cong mông lo đi trả lãi mới gây dựng được như thế. Khi tôi về Việt Nam, họ điện thoại, phẫn nộ hỏi: “Rõ ràng tôi thấy Vân một nhà, ông ấy một nhà, thế sao lại viết bậy bạ thế. Sao lại có thể nỏi mẹ vợ đứng tên chiếm nhà”. Mọi người trong gia đình chờ đợi ở tôi một cơn phản ứng thật dữ dội. Trái lại, tôi chỉ thấy mênh mông một nỗi buồn đau và thất vọng.

Nếu chàng ít nhiều tỏ ra cao thượng thì lương tâm tôi còn day rút, nhưng khi người ta đã làm cái hành động bêu riếu tôi và gia đình, thì chẳng còn gì để nói nữa. Giá như chàng im lặng! Tôi đã thầm nghĩ không thể ngờ được là chàng lại không làm chuyện gì ầm ĩ, lặng lẽ chia tài sản, ra tòa không kháng án. Nhưng có lẽ, chính sự nín nhịn, lặng lẽ ấy là dấu hiệu của một cơn giông tố ghê gớm, chỉ cần bị kích động là bùng ra với tất cả sức mạnh hoang dã. Tiếc thay, chàng đã tự bôi nhọ mặt mình, sổ toẹt đi tất cả. Buồn và thất vọng về chàng nhưng lương tâm tôi như rũ bỏ được mặc cảm của tội lỗi. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm.

Cầm bài báo trên tay, tôi đến gặp chàng: “Tôi đã tưởng tôi sẽ kính trọng người đàn ông cao thượng trong anh, thật tiếc, anh cũng chỉ là một kẻ tầm thường. Giá như anh đừng cư xử thấp hèn như thế, cả đời tôi sẽ sống trong ăn năn day dứt, dày vò dai dẳng… Thế là hết, chẳng còn gì để nói với nhau”. Nghe tôi nói, chàng run rẩy thanh minh, tại ông bạn nhà báo nghe tâm sự rồi tự ý thêu dệt nên. Tôi hỏi: “Nếu anh không kể ra thì làm sao người ta dám viết. Anh có dám để cho tôi gặp ông ta không? Tôi sẽ kiện ông ta tội vu khống”.

Nói với chàng như vậy, nhưng khi về đến nhà mình, với những người đang chờ đợi tôi nổi cơn tam bành, tôi lại bình.tĩnh giải thích: “Mọi người hãy hiểu và thông cảm cho anh ấy. Khi anh ta đã mất đi tất cả, anh ta phải có nhu cầu trút giận cho hả dạ. Người ta không thể sống với một khối u uất chất chứa trong lòng. Anh đã trút giận một cách tuyệt vọng, không cần biết đúng sai. Hãy quên đi và tha thứ cho anh ấy”.

Bào chữa cho hành động của chàng như vậy, nhưng từ thẳm sâu trái tim, tôi trộm nghĩ, chàng xử sự như vậy phải chăng đúng với bản chất con người chàng? Bấy nhiêu năm yêu thương tôi và được yêu thương lại, cái bản chất ấy, đôi khi cũng thấy chập chờn đâu đó, nhưng không có tình huống cụ thể nào để bộc lộ ra. Chỉ có một lần, khi tôi đề nghị chia tay mỗi người một nhà, chàng đã lồng lên: “Tất cả là của tôi, cô hãy đi di, cô chẳng có cái gì hết”.

Sau chuyện bài báo, một số người bạn nửa đừa nửa thật bảo chàng rằng: “Ông ơi, ông không là cái gì cả, thế mà ông đã có nàng gần chục năm trời, cho dù ông có mất hết, thì cái mà ông được còn hơn thế nhiều. Chúng tôi đây có ai dám mơ là chồng hay người yêu của nàng đâu, thế mà ông có được điều đó một cách quá dễ dàng. Còn chúng tôi, có mơ ước cũng không dám mở miệng, thế mà ông lại còn gào lên là bị lừa”.

Ngẫm lại, cái thuyết phục nhất ở chàng đối với tôi chính là sự chân thành và lòng tin. Chàng đã tự nguyện trao phó cuộc đời cho tôi. Tự nguyện từ bỏ vợ con để sống ổn định với tôi, đó là cái giá trị cao nhất của chàng. Bởi vậy, tôi cũng chẳng đòi hỏi gì hơn, sẵn sàng dừng lại, đi đến quyết định đăng ký kết hôn. Tôi biết, nếu tôi không gây ra tội phụ tình này, chàng vẫn hết sức tử tế với tôi. Tôi biết, chính tôi chứ không phải ai khác, đã đẩy chàng vào đường cùng, giống như một con thú mất miếng mồi của mình. Có đăng ký kết hôn, chàng ngỡ tôi đã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của chàng rồi, nhưng lại bị cướp mất. Và con thú trong chàng mới lồng lộn lên, nó không đủ bản lĩnh để kiềm chế cơn đau. Nóng giận mất khôn. Qua đó để thấy bản lĩnh đàn ông của chàng quá kém cỏi. Đời người ta còn gặp phải nhiều tình huống khó khăn hơn, nhưng vẫn phải cư xử sao cho đáng mặt đàn ông chứ?

Nhiều người cho rằng, những viên gạch ban đầu xây dựng nhà cửa, món tiền ban đầu của chàng là một món tiền lớn. Đúng vậy, nhưng với tôi, món tiền ấy dù có lớn gấp cả trăm lần thì vẫn chẳng là gì để so sánh với tình cảm chân thành, nhân hậu của chàng lúc đó. Chưa bao giờ tôi nghĩ, vì chàng đem lại cho tôi đời sống vật chất khá hơn, mà tôi rời bỏ người chồng sắp cưới để chạy theo chàng. Chàng là người cực kỳ phản đối việc các cô gái lấy chồng Việt kiều chỉ để có cuộc sống vật chất tầm thường hoặc chỉ để ra nước ngoài sống.

Là người có một tấm chân tình thực sự, thương xót những người thân làm nghệ thuật trong cái gia đình nhỏ này, từ đó, chàng thương xót cho cả cái kiếp nghệ sĩ Miền Bắc nữa, những người hoàn toàn trông chờ lương nhà nước, không dám diễn chui, làm chui một cái gì. Cũng như chàng, nhà báo Sâm Thương ra Hà Nội, ông chứng kiến gia cảnh nhà tôi và cũng rất thương xót. Ông thốt lên: “Trời ơi, một cô diễn viên nổi tiếng như thế, khán giả trong Nam yêu thích như thế, bao nhiêu Việt kiều chỉ thầm mong về nước gặp được cô ấy, thế mà cô sống thế này ư?”. Ông Sâm Thương đã làm một việc rất tế nhị, xách xe đạp ra chợ Hòe Nhai, mua về nửa con gà phết nghệ vàng chóe, đưa cho mẹ tôi làm cơm. Ông phải rào đón: “Nhân tiện ghé qua chợ thì mua đại đi”, (bởi nhìn gia cảnh ông biết ngay, làm gì có tiền đi chợ đãi khách). Nhưng ông cũng phải thật khéo để không làm gia đình tôi bị tổn thương. Những nghĩa cử ân tình ấy, tôi không thể nào quên.

Với người đàn ông này, người ta mua được nửa con gà vì thương, thì với người đàn ông kia, người ta vét hết tiền trong túi ra giúp đỡ cho có một chỗ ở, cũng vì thương. Sự trao tặng xuất phát từ tấm lòng làm sao có thể đong đếm? Người nông cạn, ác ý sẽ chỉ nghĩ đến khía cạnh vật chất của món quà tặng, còn tôi, trong tâm mình, tôi chỉ nghĩ đến khía cạnh tình cảm thôi. Mười lăm cây vàng lúc đó chứ một trăm năm mươi cây, tôi cũng chỉ yêu được chàng đến thế chứ không thể yêu nhiều hơn! Chưa hề tồn tại trong đầu tôi mảy may khía cạnh vật chất trong mối tình này. Chàng không chỉ thương mỗi tôi phải sống với căn gác xép mà còn thương cả gia đình tôi nữa. Tình thương ẩy không phải là mép môi mà bằng hành động cụ thể, làm cách nào đấy để giúp gia đình thoát khỏi cảnh sống chung đụng như vậy.

Vào thời điểm gặp chàng, tôi cũng có rất nhiều người đàn ông theo đuổi. Họ đều là những chàng trai chưa vợ. Nhưng làm sao tôi có thể sống nổi với người mình không yêu? Còn chàng, lúc bấy giờ, chính chàng là người biết rõ hơn ai hết, chàng không phải là người giàu có. Cái mà gọi là vật chất ở chàng không phải là điều gì to tát, Ồ ạt, mà rất tự nhiên, rẩt chân tình. Có thế thì tôi mới bị chinh phục chứ? Sau này, chàng “nghênh ngang” lắm, kể lại với bạn bè chiến công có được “cô Duyên”, chàng nửa đùa nửa thật bảo: “Sở dĩ tôi chinh phục được nàng vì khi trời mưa, đi đón nàng ở chỗ quay phim về, đáng lẽ phải mua hai cái áo mưa cho hai người, nhưng tôi bảo chỉ đủ tiền mua một cái thôi, thế là phải trú chung cùng nhau. Thế có phải là lãng mạn hơn không? Đi đâu tôi cũng mời cả cô em, đâu có phải đang yêu cô chị phải chiều cô em”.

Cũng chẳng hiểu tại sao tình yêu của chúng tôi mãnh liệt như vậy mà vẫn có thể lụi tàn, cũng như tình yêu của tôi với người đàn ông đầu tiên, yêu đến chết đi sống lại, thế mà rồi cũng tan! Sau bài báo tội tình đó, chàng có ân hận hay không? Làm tôi bị bôi nhọ, bị mất mặt như thế, chàng hả giận ư?

Chàng quên mất rằng, ở đời này, người ta còn rất nhiều việc phải làm, phải đàm tiếu. Hôm nay, đọc xong chuyện của chàng và tôi, ngày mai người ta lại hăm hở lao vào một xì căng đan khác, hơi đâu dừng ở đây để nói mãi cái chuyện của bà Lê Vân? Thông cảm cho tâm lý của chàng, tôi chấp nhận hành động đó chỉ là biểu hiện của tính nông nổi nhất thời. Đã có lúc tưởng như cả hai không bao giờ có thể nhìn lại mặt nhau được nữa. Nhưng tôi nghĩ tại sao lại biến nhau thành kẻ thù? Mình phải ứng xử thế nào đấy để người ta vơi dần, vơi bớt nỗi đau khổ do mình mang đến. Người ta không còn hằn học với mình mà coi mình như bạn bè.

***

Đã sang một trang mới rồi. Mười năm nữa đã trôi qua. Tôi vẫn thấy chàng quẩn quanh với phố phường Hà Nội. Tóc râu đã bạc trắng, khuôn mặt hằn sâu những nếp khắc của thời gian, anh già sụp đi nhanh quá. Nhưng tôi vẫn nhận ra đâu đó dáng dấp xưa của chàng lãng tử phong trần, cởi mở. Nghe nói chàng xây nhà ở Hội An rất đẹp, ngay cạnh con sông chảy ra Cửa Đại. Ngôi nhà ấy chẳng bao giờ đóng cửa, lúc nào cũng như sẵn sàng mời bạn bè trong Nam, ngoài Bắc ghé chân, như tấm lòng chân thành của chủ nhân, chàng lãng tử một thời của tôi.

Một người bạn kể lại, chàng nói: “Bao giờ Vân đi hẳn, tôi sẽ về Hội An sống nốt tuổi già”.

Vâng, bao giờ tôi sẽ Ra Đi để cho chàng Trở Về? Chàng “lỡ một chuyến bay” để có tình yêu, nhưng rồi tôi và chàng lại mất nhau…

… Và lỡ một kiếp vợ chồng.