Trước lúc ngủ say - Chương 01 phần 3

Cạnh lối đi nhỏ lượn quanh rìa công viên là một sân chơi trẻ em, kế đó là một cái chòi nơi người ta xuất hiện với những món đồ uống bốc khói trên tay. Chúng tôi nhắm thẳng tới đó. Tôi chọn chỗ ngồi ở một trong những cái bàn formica cong vểnh trong khi bác sĩ Nash đi lấy đồ uống. Cà phê đen cho tôi, cà phê sữa cho cậu ta. Bác sĩ Nash thêm đường cho mình từ cái chén trên bàn, nhưng chẳng cho chút đường nào vào ly của tôi cả, và chính điều đó, hơn bất cứ thứ gì khác, thuyết phục tôi rằng chúng tôi đã từng gặp nhau trước đây. Cậu ta ngước lên và hỏi xem trán tôi đau thế nào.

‘Sao...?’ tôi buột miệng định hỏi nhưng rồi nhớ ra vết thâm tím đã thấy sáng nay. Lớp trang điểm của tôi rõ ràng đã không che nổi nó. ‘Chỗ đó à? Chắc không sao. Nó không còn đau nữa.’

Bác sĩ Nash không nói gì, chỉ khuấy nhẹ ly cà phê của mình.

‘Anh nói là Ben đã chăm sóc tôi từ khi tôi bị thế này sao?’ tôi hỏi.

Bác sĩ Nash ngước lên. ‘Đúng vậy. Ban đầu tình trạng của cô trầm trọng đến mức phải chăm sóc 24/24 giờ. Khi cô bắt đầu khá hơn Ben mới có thể chăm sóc cô một mình, nhưng nó cũng chẳng khác gì một công việc toàn thời gian cực nhọc.’

‘Anh ấy hẳn yêu tôi nhiều lắm,’ tôi nói nhỏ, như để cho chính mình nghe thôi.

Chúng tôi cùng nhấm nháp món đồ uống của mình. Im lặng. Bác sĩ Nash gật đầu. ‘Đúng vậy. Tôi nghĩ Ben yêu cô rất nhiều.’

Tôi cười, mắt ngó xuống đôi tay mình đang ấp quanh món đồ uống nóng hổi, ngó chiếc nhẫn cưới bằng vàng trơn, những móng tay ngắn ngủn, đôi chân đang vắt chéo nhau đầy khép nép. Tôi vẫn chẳng muốn thừa nhận thân thể này.

‘Tại sao chồng tôi không biết rằng tôi đang gặp anh?’ tôi thắc mắc.

Bác sĩ Nash thở dài, mắt nhắm lại, hai tay đan vào nhau và ngả người trong ghế. ‘Ngay từ đầu tôi đã đề nghị cô không nói cho Ben biết rằng cô đang gặp tôi.’

Một nỗi sợ điếng hồn lan khắp người tôi.

‘Kể tiếp đi,’ tôi giục.

‘Không ít bác sĩ, chuyên gia tâm thần học... đã tiếp cận cô và Ben trước đây, nhưng Ben đã rất miễn cưỡng với những việc như thế. Ben tuyên bố dứt khoát rằng cô đã được chữa trị quá đủ trước đó rồi, và theo anh ấy thì nó chẳng đem lại kết quả gì, chỉ tổ khiến cô thêm rối loạn...’

Dĩ nhiên rồi; Ben chẳng muốn tôi nuôi hy vọng hão huyền. ‘Vì vậy anh đã thuyết phục tôi gặp anh mà không cho anh ấy biết?’

‘Phải. Lúc đầu tôi đã nói chuyện với Ben trên điện thoại, thậm chí đã xin được gặp để có thể giải thích về những liệu pháp đề nghị, nhưng anh ấy đã từ chối. Vì vậy tôi đã trực tiếp liên lạc với cô.’

Lại một cú điếng hồn nữa trồi lên. ‘Bằng cách nào?’ tôi hỏi.

‘Tôi đợi cho đến khi cô ra khỏi nhà, rồi tiếp cận và tự giới thiệu mình.’

‘Rồi tôi cứ thế mà đồng ý gặp anh à?’

‘Lúc đầu thì không. Tôi đã phải thuyết phục cô nhiều. Tôi đã đề nghị chúng ta nên gặp nhau một lần, chỉ là để phục vụ cho một hội thảo. Rằng, sau cuộc viếng thăm đầu tiên đó cô sẽ quyết định nói cho Ben biết hay không, và nếu cô chọn không nói, tôi sẽ gọi điện thoại cho cô để chắc chắn là cô nhớ đến cuộc hẹn gặp của chúng ta, vân vân và vân vân.’

‘Vậy là tôi đã chọn không nói.’

‘Vâng. Cô bảo là muốn đợi cho đến khi công việc của chúng ta có nhiều tiến triển hơn...’

‘Và chúng ta đã làm được?’

Bác sĩ Nash nhấp thêm mấy ngụm cà phê rồi đặt ly xuống bàn. ‘Tôi tin là vậy. Dù rằng sự tiến triển là một cái gì đó rất khó định lượng. Nhưng dường như đã có kha khá các mảnh ký ức trở lại với cô trong mấy tuần qua. Ví dụ, bây giờ có đôi khi cô thức dậy và nhớ là mình đã kết hôn. Và... và... ừm, cô trở nên độc lập, tôi nghĩ vậy.’

‘Độc lập?’

‘Phải. Cô không lệ thuộc vào Ben nhiều như trước. Cả vào tôi nữa.’

Ra vậy, hóa ra đó là thứ tiến triển mà cậu ta nói đến. Độc lập. Có lẽ cậu ta muốn ám chỉ rằng tôi có thể tự tới cửa hàng hay thư viện mà không cần vú em đi kèm. Nói gì đi nữa thì tôi vẫn chưa đủ tiến triển để phô phang nó một cách tự hào trước mặt chồng tôi. Thậm chí chẳng đủ cho tôi lúc thức dậy còn nhớ ra là mình có một ông chồng.

‘Chỉ có vậy thôi sao?’

‘Đừng coi nhẹ điều đó, Christine.’

Tôi nhấp một ngụm cà phê và nhìn quanh quán cà phê. Nó gần như vắng tanh rồi. Từ căn bếp nhỏ sau quán vọng lại tiếng lục bục ngắt quãng của một ấm nước đang sôi lẫn trong mấy giọng nói lào xào... Thật khó tin rằng tôi chẳng có chút ý niệm nào về việc đã từng ở đây trước đó.

‘Vậy cái mà chúng ta vẫn đang làm trong suốt mấy tuần qua là gì thế?’ tôi hỏi bác sĩ Nash.

‘Cô có nhớ gì về những buổi làm việc trước của chúng ta không? Gì cũng được?’

‘Không,’ tôi đáp sẵng. Theo tôi biết thì hôm nay là lần đầu tiên tôi gặp anh.’

‘Tha lỗi cho tôi vì đã tọc mạch,’ cậu ta phân trần. ‘Như đã nói, đôi khi trong cô lóe lên những chớp sáng của ký ức. Dường như có vài ngày cô biết nhiều thứ hơn những ngày khác.’

‘Tôi chẳng hiểu gì hết. Tôi chẳng hề nhớ là đã gặp anh trước đây, hoặc chuyện gì đã xảy ra hôm qua, hay ngày trước đó. Dù vậy tôi vẫn có thể nhớ được vài chuyện từ nhiều năm trước. Thời thơ ấu của tôi. Mẹ của tôi. Tôi nhớ chuyện ở đại học như thể vừa mới đây. Tôi chẳng hiểu sao những ký ức cũ này vẫn có thể tồn tại khi mà mọi thứ khác đã bị tẩy sạch.’

Bác sĩ Nash cứ gật đầu trong suốt đoạn độc thoại của tôi. Không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn là cậu ta đã nghe điều này trước đây rồi. Có lẽ tuần nào tôi cũng hỏi cùng cái chuyện đó.

‘Ký ức là một thứ rất phức tạp,’ cậu ta giải thích. ‘Trí nhớ ngắn hạn dùng để lưu giữ những thông tin và sự kiện xảy ra trong một phút trước đó hoặc hơn, còn trí nhớ dài hạn có thể lưu giữ những lượng thông tin khổng lồ, trong một thời gian dài không xác định. Hai chức năng nói trên dường như được những phần trí não khác nhau điều khiển, thông qua những liên kết nơ-ron. Có một phần trí não dường như chịu trách nhiệm đem những ký ức ngắn hạn mã hóa chúng thành ký ức dài hạn nhằm mục đích sử dụng về sau. Bệnh nhân mất trí nhớ có hai dạng cơ bản. Dạng thông thường nhất là không thể nhớ lại những sự kiện đã qua, nên các việc vừa mới xảy ra gần đó cũng bị tác động nghiêm trọng. Ví dụ, nếu bệnh nhân bị tai nạn xe hơi, họ có thể chẳng nhớ gì về tai nạn đó, hay về những ngày hoặc những tuần trước đó, nhưng lại có thể nhớ mọi thứ trong khoảng, ừm, sáu tháng trước tai nạn một cách chi tiết.’

Tôi gật đầu. ‘Còn dạng kia?’

‘Dạng kia thì hiếm hơn. Đôi khi có một nỗ lực bất thành trong việc chuyển ký ức từ lưu giữ ngắn hạn sang lưu giữ dài hạn, nên người mắc chứng này chỉ có thể nhớ lại chuyện vừa xảy ra ngay tức thì, và chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.’

Bác sĩ Nash ngưng nói, như thể đợi tôi phát biểu gì đó. Như thể mỗi chúng tôi đều có lời thoại riêng, và chúng tôi đã diễn tập cuộc đối thoại này khá thường.

‘Tôi mắc cả hai chứng đó à?’ tôi thăm dò. ‘Đánh mất những ký ức đã có, cộng thêm việc không thể hình thành ký ức mới?’

Cậu ta dọn giọng. ‘Vâng, thật đáng tiếc. Dầu vậy, điều không bình thường trong trường hợp của cô là kiểu quên. Cô xử lý các ký ức mới theo cách mà tôi chưa bao giờ gặp trước đây. Nếu bây giờ tôi rời nơi này và trở lại sau đó hai phút thì phần lớn những người mất trí nhớ dạng hiếm kia sẽ chẳng còn nhớ là vừa mới gặp tôi xong. Còn cô thì lại nhớ được các việc xảy ra trong vòng hai mươi bốn giờ trước khi đánh mất chúng. Nó cho thấy rằng cô có thể chuyển các ký ức từ ngắn hạn sang dài hạn khá tốt. Nhưng chẳng hiểu tại sao cô lại không nhớ được chúng.’

‘Cái gì đã khiến nó ra nông nỗi ấy?’ tôi hỏi, lòng tự nhủ rằng dù đang phải kéo lê một cuộc đời tan vỡ, nhưng cũng còn may là nó đã vỡ thành những mảnh đủ lớn để tôi còn giữ được cái vẻ ngoài độc lập.

Căn chòi yên ắng. Không khí như quéo lại và ẩm ướt. Khi bác sĩ Nash cất giọng, lời lẽ của cậu ta cứ như dội ngược lại từ những bức tường. ‘Bệnh tật, khủng hoảng tinh thần, hút chích... có thể làm hư hại đến ký ức, dài hạn hoặc ngắn hạn. Trạng thái hư hại cụ thể dường như không giống nhau, tùy thuộc vào phần trí não bị tác động.’

‘Nhưng cái gì đã gây ra tình trạng của tôi?’

‘Ben đã nói gì với cô?’

‘Chẳng có gì đặc biệt. Anh ấy chỉ nói là tôi đã bị một tai nạn.’

Bác sĩ Nash với tay xuống cái cặp để dưới bàn, lấy ra một cuốn sổ và đưa nó cho tôi. ‘Bệnh mất trí nhớ của cô là do khủng hoảng tinh thần mà ra. Đó là sự thật, ít nhất thì cũng là một phần nào đó. Cô đọc đi. Nó sẽ giải thích mọi chuyện tốt hơn tôi đấy. Đặc biệt là về thứ đã gây ra tình trạng của cô. Cả về những chuyện khác nữa...’

Cuốn sổ được đóng bìa da màu nâu, quấn trong dải băng thun. Tôi gỡ dải băng và mở hú họa. Giấy dày và có đường kẻ mờ, lề đỏ, các trang đầy chữ viết tay đặc nghẹt. ‘Cái gì thế này?’ tôi thốt lên.

‘Một cuốn nhật ký,’ bác sĩ Nash trả lời. Thứ mà cô vốn đang viết suốt mấy tuần qua.’

‘Một cuốn nhật ký ư?’ tôi sửng sốt và lấy làm lạ rằng tại sao cậu ta lại có nó.

‘Phải. Tôi đã đề nghị cô ghi nó. Chúng ta đang làm nhiều việc nhằm nỗ lực tìm ra cách mà ký ức của cô vận hành. Tôi nghĩ có thể hữu ích nếu cô ghi chép về những việc chúng ta đang thực hiện.’

Tôi nhìn cuốn sổ trước mặt. ‘Vậy là tôi đã viết cái này sao?’ ‘Đúng vậy. Tôi đã bảo cô viết bất cứ cái gì cô thích vào đó. Nhiều bệnh nhân mất trí nhớ đã thử làm những điều tương tự, nhưng thường thì không mấy hiệu quả vì họ có khoảng ký ức quá ngắn. Còn cô lại có thể nhớ được nhiều thứ trong cả một ngày trời. Tôi cho là việc viết ra vài ghi chép nhỏ vào cuối ngày có thể giúp cô thiết lập một mạch ký ức từ ngày này sang ngày khác. Hơn nữa, tôi cảm thấy rằng ký ức có lẽ cũng giống như cơ bắp, biết đâu một phần nào đó có thể trở nên mạnh mẽ hơn nhờ luyện tập.’

‘Và anh vẫn đang đọc nó, khi chúng ta tiến hành các cuộc gặp?’

‘Không. Cô vẫn viết nó một cách riêng tư.’

‘Nhưng sao có thể...?’ tôi ngập ngừng mở lời, rồi nói tiếp, ‘Ben nhắc tôi viết nó ư?’

Bác sĩ Nash lắc đầu. ‘Tôi đã đề nghị cô giữ bí mật. Cô vốn đang giấu nó, ở nhà. Tôi thường gọi điện thoại để bảo cô nơi nó được cất giấu.’

‘Mỗi ngày ư?’

‘Vâng. Gần như vậy.’

‘Không phải Ben sao?’

‘Không. Ben vẫn chưa đọc nó.’

Chẳng biết cuốn nhật ký này có thể chứa những gì mà tôi lại không muốn chồng mình đọc. Tôi có thể có những bí mật nào nhí? Những bí mật của chính mình mà thậm chí đến tôi còn không biết.

‘Nhưng anh đã đọc nó?’

‘Lần gặp trước cô đã để nó lại cho tôi. Cô nói là muốn tôi đọc nó. Rằng đã đến lúc.’

Tôi ngó cuốn sổ đầy kích động. Một cuốn nhật ký. Một gạch nối trở lại với quá khứ đã mất, dẫu chỉ mới gần đây. ‘Anh đã đọc hết cả rồi chứ?’

‘Vâng, tôi nghĩ mình đã đọc hết mọi thứ quan trọng, ít nhất là vậy.’ Cậu ta ngưng lại và ngoảnh sang chỗ khác, tay cào nhẹ sau gáy vẻ như đang bối rối. ‘Tôi đã không ép cô cho tôi đọc nó. Tôi muốn cô biết thế.’

Tôi gật đầu và im lặng dùng nốt phần đồ uống còn lại của mình. Mặt bìa trong của cuốn nhật ký ghi chi chít ngày tháng. ‘Những ngày tháng này là sao?’ tôi hỏi.

‘Đó là những ngày chúng ta đã gặp,’ bác sĩ Nash trả lời. ‘Và cả những ngày dự kiến. Tôi vẫn thường gọi để nhắc và đề nghị cô coi qua nhật ký.’

Tôi nghĩ tới mẩu giấy ghi chú màu vàng nhét giữa những trang lịch ghi nhớ của mình. ‘Nhưng còn hôm nay?’

‘Vì hôm nay tôi đang giữ cuốn nhật ký của cô, thế nên thay vào đó chúng ta đã viết một mẩu ghi chú.’

Tôi lướt qua phần còn lại của cuốn sổ đặc nghẹt chữ viết tay. Trang này tiếp trang kia. Sản phẩm của nhiều ngày liên tiếp.

Vừa tự hỏi mình đào đâu ra thời gian để viết, tôi chợt nhớ đến tấm bảng trong bếp và câu trả lời đã rõ rành; tôi chẳng có mấy việc phải làm.

Tôi đặt cuốn sổ xuống bàn. Một anh chàng trẻ tuổi bận quần jeans và áo thun ngắn tay bước vào, liếc qua chỗ chúng tôi trước khi gọi đồ uống và ngồi xuống một cái bàn đọc báo. Anh ta không thèm ngước nhìn tôi lần nào nữa, và tôi-hai-mươi-tuổi thấy khó chịu làm sao. Tôi có cảm giác mình giống như một kẻ vô hình.

‘Đi thôi chứ?’ tôi đề nghị.

Chúng tôi trở ngược lại con đường đã đến. Mây giăng đầy trời và một màn sương mỏng lơ lửng trong không trung. Bàn chân đi trên mặt đất sũng sĩnh nước như thể đang lội trên cát trượt.

‘Chúng ta không thường gặp nhau ở đây chứ?’ tôi hỏi, khi đã ra đến đường lớn. ‘Ý tôi là trong quán cà phê ấy?’

‘Không. Thường là tại văn phòng của tôi. Để làm các bài trắc nghiệm và nhiều thứ đại loại thế.’

‘Vậy sao hôm nay lại ở đây?’

‘Tôi chỉ muốn đưa lại cho cô cuốn nhật ký. Tôi lo vì cô không có nó bên cạnh.’

‘Tôi đã tới mức phụ thuộc vào nó à?’ tôi ngỡ ngàng hỏi.

‘Theo một cách nào đó thì là vậy.’

Chúng tôi băng qua đường, trở lại ngôi nhà tôi chia sẻ với Ben. Chiếc xe của bác sĩ Nash vẫn còn đậu bên ngoài mảnh vườn nhỏ xíu của nhà chúng tôi. Tôi hãy còn chưa thật tin đây là nơi sống của mình.

‘Anh có muốn vào uống chút gì đó không?’ tôi hỏi.

Bác sĩ Nash lắc đầu. ‘Không. Xin cám ơn. Tôi phải đi rồi. Julie và tôi đã có vài kế hoạch cho tối nay.’

Mái tóc cắt ngắn, rẽ ngôi gọn gàng của bác sĩ Nash và cái cách cậu ta mặc áo sơ mi sọc đứng chỏi với cái áo len sọc ngang chui đầu khiến tôi nhận ra rằng cậu ta chỉ lớn hơn cái con người trẻ trung mà tôi đã ngỡ là mình khi thức dậy sáng nay. ‘Julie là vợ anh à?’

Cậu ta mỉm cười và lắc đầu. ‘Không, là bạn gái. Đúng ra là vị hôn thê của tôi. Chúng tôi đã đính hôn rồi mà. Tôi cứ quên mất...’

Tôi mỉm cười lại với cậu ta. Đây là những chi tiết nên nhớ, tôi nghĩ vậy. Có lẽ những câu chuyện tầm phào kiểu này tôi đã viết đầy trong cuốn sổ kia, những cái móc nho nhỏ này treo cả một đời người lên đó.

‘Chúc mừng nhé,’ tôi nói và ước gì có thể hỏi thêm nhiều câu hơn, bày tỏ nhiều quan tâm hơn, nhưng có ít manh mối quá. Mà bây giờ cậu ta có kể gì đi nữa thì tôi cũng sẽ quên sạch trước khi thức dậy vào sáng mai thôi. Chỉ mỗi hôm nay là tất cả những gì tôi có. ‘Tôi cũng phải vào nhà đây, chúng tôi sắp đi chơi cuối tuần. Ra biển. Tôi cần soạn đồ liền...’

‘Tạm biệt cô, Christine,’ bác sĩ Nash mỉm cườị và quay lưng đi, rồi đột nhiên ngoảnh lại bảo tôi. ‘Trong cuốn nhật ký của cô có ghi số điện thoại của tôi đó. Ở phía trước ấy. Hãy gọi tôi, nếu cô muốn gặp tôi lần nữa. Ý tôi là để tiếp tục việc điều trị của cô. Đồng ý chứ?’

‘Nếu à?’ tôi thắc mắc. Tôi nhớ lại những cuộc hẹn đã ghi bằng bút chì trong cuốn nhật ký cho khoảng thời gian từ đây đến cuối năm. ‘Tôi tưởng chúng ta đã định sẵn các cuộc gặp rồi?’

‘Cô sẽ hiểu khi đọc nhật ký của mình. Nó sẽ giải thích rõ mọi chuyện.’

‘Được rồi.’ tôi nói rồi nhận ra mình tin tưởng cậu ta, và thấy mừng vì không phải chỉ có một mình ông chồng để dựa dẫm.

Tôi pha một tách cà phê rồi mang vào phòng khách. Chùm âm thanh hỗn độn của tiếng huýt sáo, tiếng khoan lỗ nặng nề và thỉnh thoảng là một tràng cười khùng khục ở bên ngoài nhà lùi xa thành những tiếng ì à nho nhỏ khi tôi ngồi lún vào ghế bành. Mặt trời thảy những tia sáng yếu ớt qua màn cửa lưới, phả trên cánh tay và bắp đùi tôi một làn hơi âm ấm.

Tôi lấy cuốn nhật ký ra khỏi giỏ xách, lòng cảm thấy bồn chồn, không biết cuốn sổ này chứa đựng những bất ngờ hay bí ẩn nào nữa. Tôi nhìn cuốn album nằm trên bàn cà phê. Trong đó có một phiên bản quá khứ của tôi, nhưng là một phiên bản do Ben chọn lựa. Liệu cuốn sổ tôi đang cầm có chứa một phiên bản khác?

Trang đầu tiên của cuốn nhật ký không có dòng kẻ. Tôi đã viết tên mình bằng mực đen ngang qua giữa trang. Christine Lucas. Cũng lạ là tôi đã không viết bên dưới nó mấy chữ Riêng tư! Hoặc Đừng tọc mạch!

Nhưng có thứ đã được thêm vào. Một thứ rất bất ngờ và đáng sợ. Đáng sợ hơn bất cứ gì khác tôi đã gặp hôm nay. Ở đó, ngay dưới tên tôi, bằng mực xanh và chữ in hoa, là ba từ.

ĐỪNG TIN BEN.

Tôi lật trang giấy và bắt đầu đọc quá khứ của mình.