Trước lúc ngủ say - Chương 02

PHẦN HAI

***

NHẬT KÝ CỦA CHRISTINE LUCAS

THỨ SÁU. NGÀY 9 THÁNG MƯỜI MỘT

Tôi là Christine Lucas, bốn mươi bảy tuổi và là một người mất trí nhớ. Tôi đang ngồi đây, trên chiếc giường chẳng hề quen thuộc này, viết chuyện của mình trong bộ đồ ngủ bằng lụa mà người đàn ông dưới lầu - người bảo tôi rằng anh ta là chồng tôi, rằng tên của anh ta là Ben - hình như đã mua tặng tôi nhân dịp sinh nhật lần thứ bốn mươi sáu. Căn phòng im vắng, chỉ có duy nhất một luồng sáng màu cam dịu tỏa ra từ ngọn đèn trên cái bàn đầu giường, khiến tôi như đang trôi bềnh bồng trong một bể ánh sáng.

Cửa phòng ngủ đã đóng. Tôi đang viết những dòng này trong riêng tư. Bí mật. Tôi có thể nghe thấy tiếng động của chồng tôi trong phòng khách - tiếng ho húng hắng cố kiềm chế, tiếng phì nhẹ của ghế sofa khi anh ta dựa lưng vào ghế hoặc đứng lên - nhưng nếu anh ta lên lầu, tôi sẽ giấu cuốn sổ này dưới giường hoặc gối. Tôi không muốn anh ta thấy tôi đang viết nó, cũng không muốn phải nói cho anh ta biết làm cách nào mà tôi có nó.

Tôi ngó cái đồng hồ đặt trên bàn đầu giường. Gần mười một giờ rồi; tôi phải viết thật nhanh mới được. Chắc chẳng mấy chốc nữa tôi sẽ nghe tiếng tivi tắt, tiếng cọt kẹt của ván sàn khi Ben đi ngang căn phòng, tiếng tách tách của công tắc đèn. Ben sẽ vào bếp rót cho mình ly nước, làm một miếng sandwich lót dạ, hay cứ thế mà đi ngủ luôn? Chịu. Tôi còn chẳng biết những thói quen của mình nữa là của anh ta.

Bỏi vì tôi làm gì có ký ức nào. Theo Ben, theo cậu bác sĩ tôi đã gặp lúc chiều, thì tối nay, khi trôi vào giấc ngủ, trí óc của tôi sẽ tẩy sạch mọi thứ tôi đã biết, đã làm hôm nay. Ngày mai tôi sẽ thức dậy hệt như lúc sáng nay. Ngỡ mình vẫn còn là một đứa trẻ. Vẫn còn cả một cuộc đời phía trước để chọn lựa. Để rồi sau đó nhận ra, một lần nữa, rằng mình đã lầm. Các lựa chọn của tôi đã được đưa ra. Nửa cuộc đời tôi đã ở lại phía sau.

Cậu bác sĩ ấy tên là Nash. Sáng nay, sau khi gọi điện, cậu ta đến chở tôi tới một văn phòng. Khi tôi bảo tôi chưa bao giờ gặp cậu ta trước đây, cậu ta chỉ cười và mở cho tôi coi một đoạn phim, một video clip thì đúng hơn, bằng cái máy tính đặt trên bàn.

Trong đoạn video đó tôi và cậu ta đang ngồi trên cùng những cái ghế này, trong cùng văn phòng này, chỉ có quần áo là khác. Cậu ta đưa bút chì cho tôi và đề nghị tôi vẽ hình trên giấy, bằng cách nhìn vào một cái gương để mọi thứ hiện ngược lên. Tôi thấy mình đã vẽ trầy trật, nhưng coi nó bây giờ tất cả những gì tôi trông thấy chỉ là những ngón tay nhăn nheo của mình và chiếc nhẫn cưới lấp lánh. Khi tôi đã vẽ xong cậu ta có vẻ hài lòng. ‘Cô vẽ nhanh hơn rồi đấy,’ cậu ta nói thế trong đoạn video, rồi thêm rằng hẳn là tiềm thức của tôi đã ghi nhớ được những tác động từ nhiều tuần tập luyện dù tôi chẳng nhớ gì về chính sự tập luyện ấy. ‘Hẳn là ký ức dài hạn của cô đang làm việc ở một mức độ nào đó,’ cậu ta giải thích và tôi thấy mình mỉm cười nhưng chẳng có vẻ gì là vui sướng. Hết phim.

Bác sĩ Nash bảo chúng tôi đã tiếp xúc với nhau suốt mấy tuần qua, rằng ký ức giai đoạn của tôi bị sút kém nghiêm trọng, do một số vấn đề về thần kinh rất hiếm gặp, khiến một số ngày tôi không thể nhớ gì xa hơn thời thơ ấu.

‘Một số ngày ư?’ tôi hỏi lại. Bác sĩ Nash không trả lời, và sự im lặng ấy đã nói cho tôi biết điều cậu ta thật sự muốn đề cập đến:

Hầu hết các ngày.

‘Những cách trị liệu cho bệnh mất trí nhớ mãn tính như thuốc men, thôi miên, đều đã được thử nghiệm hết cả rồi, chỉ còn cô là người duy nhất cứu được mình thôi, Christine ạ.’ Cậu ta khẳng định. ‘Cô không giống phần lớn những người mất trí nhớ khác. Các triệu chứng cho thấy các ký ức của cô không mất đi vĩnh viễn. Cô có thể nhớ lại các thứ trong nhiều giờ liền. Ngay trước khi cô ngủ. Thậm chí nếu chỉ ngủ lơ mơ, cô vẫn nhớ được mọi thứ khi choàng tỉnh, miễn là không ngủ một giấc sâu. Hầu hết những người mất trí nhớ không giữ nổi các ký ức mới sau vài giây...’

Bác sĩ Nash đẩy một cuốn sổ màu nâu sượt ngang bàn về phía tôi.

‘Nếu cô ghi lại quá trình điều trị của mình, cũng như các cảm xúc, hay bất kỳ một ấn tượng hoặc ký ức nào chợt đến với cô. Vào đây. Biết đâu sẽ có ích...’

Tôi với lấy cuốn sổ. Tất cả các trang của nó còn để trống.

Phương thuốc trị bệnh của tôi đây sao? Viết nhật ký? Tôi muốn nhớ được mọi thứ, nhưng chẳng phải bằng cách ghi lại chúng.

Hẳn đã nhận thấy vẻ thất vọng của tôi, bác sĩ Nash an ủi. ‘Tôi đang hy vọng việc ghi chép lại các ký ức có thể giúp cô khơi mào thêm nhiều ký ức nữa. Hiệu quả sẽ tích tụ dần.’

Thật sự thì tôi còn có lựa chọn nào đâu? Hoặc viết nhật ký hoặc cứ thế này, mãi mãi.

‘Thôi được, tôi sẽ viết.’

‘Tốt quá. Ngoài bìa có ghi số điện thoại của tôi đấy. Nếu có gì không ổn, hãy gọi cho tôi nhé.’

Bác sĩ Nash lấy ra một bức ảnh. ‘Hôm nay tôi muốn cô ngó qua cái này. Cô có nhận ra nó không?’

Đó là bức ảnh một ngôi nhà. Ban đầu trông nó chẳng quen thuộc tí nào, nhưng rồi mấy bậc thềm mòn vẹt dẫn vào cửa trước khiến tôi đột nhiên nhận ra. Đó là ngôi nhà nơi tôi đã lớn lên, ngôi nhà mà, sáng nay, tôi đã ngỡ là mình thức dậy trong đó. Trông nó có hơi khang khác, nhưng chẳng thể lầm được. Tôi khó nhọc nuốt nước miếng, nói. ‘Đó là nơi tôi đã sống khi còn nhỏ.’

Bác sĩ Nash gật đầu và bảo phần lớn ký ức đầu đời của tôi không bị ảnh hưởng. Cậu ta đề nghị tôi mô tả bên trong ngôi nhà.

Tôi kể cho cậu ta những gì còn nhớ; rằng cửa trước mở thẳng vào phòng khách, rằng có một phòng ăn nhỏ ở phía sau nhà, rằng khách khứa thường được bảo theo lối đi chung giữa nhà tôi với các nhà hàng xóm mà đi thẳng vào căn bếp phía sau.

‘Còn trên lầu?’

‘Có hai phòng ngủ. Một ở phía trước, một ở đàng sau. Phòng tắm và toilet thì phải đi thông qua nhà bếp, ở ngay phía sau nhà. Ban đầu chúng được xây riêng, sau đó mới được nối với phần còn lại của ngôi nhà bằng hai bức tường gạch với mái nhựa dợn sóng.’

‘Cô có nhớ những chi tiết nhỏ nhặt nào đó không?’

‘Ừm... Trong chạn đựng thức ăn, mẹ tôi có giấu một cái lọ ghi chữ Đường trên đó, nhưng thực chất là để bà bỏ tiền. Bà giấu nó ở ngăn trên cùng, cùng với những lọ mứt bà tự làm. Chúng tôi thường lái xe tới một khu rừng để hái các loại quả mọng. Ba người chúng tôi thường lội sâu vào rừng để hái quả. Một loạt giỏ đầy ụ luôn. Và rồi mẹ tôi sẽ nấu chúng để làm mứt.’

‘Tốt lắm, rất tuyệt! Còn những cái này?’

Bác sĩ Nash đưa cho tôi một cặp ảnh nữa. Một bức chụp một người phụ nữ, chỉ nhìn thoáng qua tôi đã nhận ra đó là mẹ tôi. Bức kia chụp tôi. Tôi nói cho bác sĩ Nash những gì mình biết. ‘Rất tốt. Cô đã nhớ được rất nhiều về thời thơ ấu của mình hơn thường lệ. Tôi nghĩ nhờ có những bức ảnh. Lần tới tôi sẽ cho cô xem vài bức nữa.’

Chẳng biết bác sĩ Nash lấy những tấm hình này ở đâu, và cậu ta biết về đời tôi nhiều hơn tôi biết về chính mình đến độ nào nữa.

‘Tôi có thể giữ bức ảnh chụp nhà cũ của tôi không?’

Bác sĩ Nash mỉm cười. ‘Dĩ nhiên!’

Tôi nhét nó vào giữa các trang sổ.

Bác sĩ Nash chở tôi về nhà. Cậu ta đã giải thích rằng Ben không biết chúng tôi đang tiếp xúc với nhau, và bảo tôi nên suy nghĩ cẩn thận về chuyện có kể cho anh ấy nghe về cuốn nhật ký sắp viết không. ‘Có thể sau khi kể với Ben cô sẽ cảm thấy không tự nhiên, hoặc ngần ngại khi viết về những chuyện nào đó. Tôi nghĩ điều quan trọng là cô có thể viết bất cứ điều gì cô muốn. Hơn nữa, Ben có thể sẽ không vui khi biết cô thử điều trị, một lần nữa.’ Cậu ta ngừng lại. ‘Có lẽ cô phải giấu nó thôi.’

‘Nhưng làm sao để tôi biết là phải viết nó? Anh sẽ nhắc tôi à?’

‘Vâng, vậy thì cô phải nói cho tôi biết cô sẽ giấu nó ở đâu.’ Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà. Sau khi cậu ta tắt máy xe một lúc tôi mới nhận ra đó là nhà của tôi.

‘Tủ quần áo,’ tôi thốt lên. ‘Tôi sẽ giấu nó ở góc trong cùng của tủ quần áo.’

‘Ý hay.’ cậu ta tán thành. ‘Nhưng tối nay cô phải viết nó đấy. Trước khi cô ngủ. Nếu không thì ngày mai nó sẽ chỉ là một cuốn sổ trống trơn nào đó. Cô sẽ không biết nó là cái gì.’

Tôi hứa sẽ viết, rằng tôi đã hiểu rõ, rồi ra khỏi xe.

‘Bảo trọng nhé, Christine,’ cậu ta dặn với theo.

Giờ thì tôi đang ngồi trên giường, đợi chồng tôi. Tôi nhìn bức ảnh chụp căn nhà mình đã lớn lên ở đó. Trông nó quá đỗi bình thường, và quá đỗi thân thương.

Đồng hồ trong phòng khách thả chuông điểm giờ. Nửa đêm rồi. Ben sắp lên cầu thang. Tôi sẽ giấu cuốn sổ trong một cái hộp đựng giày mới tìm được và nhét nó trong tủ áo, đúng nơi mà tôi đã bảo với bác sĩ Nash. Sáng mai, nếu cậu ta gọi điện thoại, tôi sẽ viết thêm nữa.