Trước lúc ngủ say - Chương 06 phần 1

THỨ TƯ. NGÀY 14 THÁNG MƯỜI MỘT

Sáng nay tôi hỏi Ben có khi nào anh ta để ria mép không. Tôi hãy còn cảm thấy hoang mang, chẳng rõ cái nào trúng và cái nào trật. Tôi thức dậy rất sớm và, không giống những ngày trước đó, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành. Đầy nhục dục. Chứ không nghĩ mình hãy còn là một đứa trẻ. Trong phòng tắm tôi kinh hoảng nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, nhưng tôi thấy tên người đàn ông - Ben - trong bức ảnh dán ở gương có vẻ quen thuộc, chẳng hiểu tại sao.

Bác sĩ Nash đã gọi cho tôi gần như ngay sau khi Ben đi làm. Cậu ta nhắc tôi về cuốn nhật ký. Có vài thứ trong đó tôi có thể nhớ lại, và có hẳn những đoạn tôi có thể nhớ đã viết gì, như thể có chút ký ức còn dư lại đã tồn tại qua đêm.

Có lẽ đó là lý do tại sao tôi phải chắc chắn về những thứ chứa sự thật ở trong nó. Tôi gọi Ben.

‘Ben.’ tôi bắt đầu, khi anh ta đã nghe máy và bảo là không bận rộn gì. ‘Anh đã bao giờ để ria mép chưa?’

‘Một câu hỏi hơi quái đó!’ Ben thốt lên. Tôi nghe tiếng thìa chạm lanh canh vào cốc và hình dung Ben đang cho đường vào cốc cà phê, một tờ báo trải rộng trước mặt. Tôi cảm thấy khó xử.

‘Em chỉ...’ tôi bắt đầu. ‘Em nghĩ mình vừa nhớ ra một kỷ niệm.’

Im lặng. ‘Một kỷ niệm à?’

‘Vâng,’ tôi đáp. Trí óc tôi chợt nháng lên về những điều mình đã viết - Ben với bộ ria mép và thân hình trần trụi... Hai chúng tôi ở trên giường. Những nụ hôn. Chúng bừng sáng ngắn ngủi, trước khi chìm trở lại xuống đáy sâu. Đột nhiên tôi cảm thấy sợ hãi. ‘Em dường như vừa nhớ ra là anh có để ria mép.’

Ben bật cười, và tôi nghe tiếng anh ta đặt ly nước xuống. Tôi cảm thấy nền đất cứng dưới chân bắt đầu chuội đi. Có lẽ mọi thứ tôi đã viết ra đều là xạo sự. Sau rốt, tôi là một tiểu thuyết gia mà, hoặc đã từng là vậy.

‘Có không anh,’ tôi thốt lên tuyệt vọng. ‘Nó thật sự... rất quan trọng...’

‘Xem nào,’ Ben nói. Tôi tưởng tượng anh ta đang nhắm mắt lại, chu môi trong bộ dạng tập trung đầy hài hước. ‘Hình như anh có để ria mép, một lần thì phải,’ Ben nói. ‘Ngắn thôi. Cách đây nhiều năm rồi. Anh đã quên bẵng đi... Đúng vậy. Thực sự là có. Có lẽ anh đã để cỡ một tuần hoặc hơn. Cách đây lâu lắm rồi...’

‘Cảm ơn anh,’ tôi thốt lên nhẹ nhõm. Khoảnh đất tôi đứng chân có vẻ đã an toàn hơn một chút.

‘Em không sao chứ?’ Ben hỏi, và tôi đáp mình vẫn ổn.

Bác sĩ Nash đón tôi lúc giữa ngày. ‘Chúng ta sẽ gặp một đồng nghiệp của tôi,’ cậu ta nói lúc ở trong xe. ‘Bác sĩ Paxton.’ Tôi chẳng nói gì cả. ‘Ông ấy là chuyên gia về những bệnh nhân với các vấn đề giống cô. Chúng tôi đang làm việc cùng nhau.’

‘Vâng,’ tôi đáp. Xe của bác sĩ Nash đang chết dí trong đám xe cộ tắc cứng. ‘Hôm qua tôi có gọi cho anh không?’ tôi hỏi và bác sĩ Nash đáp là có.

‘Cô đọc nhật ký chưa?’ bác sĩ Nash hỏi.

‘Đọc phần lớn thôi. Tôi nhảy cóc nhiều đoạn. Nó cũng khá dài.’

‘Cô bỏ qua những phần nào?’

Tôi ngẫm nghĩ một lát. ‘Có những phần dường như quen thuộc với tôi rồi. Chúng gây cảm giác như thể chúng vừa nhắc tôi nhớ lại những thứ mình đã biết. Đã nhớ...’

‘Nghe hay đấy.’ bác sĩ Nash nói, mắt liếc qua chỗ tôi.

Tôi cảm thấy người râm ran một cảm giác dễ chịu. ‘Vậy tôi đã gọi về chuyện gì? Hôm qua ấy?’

‘Cô muốn biết có phải cô đã từng viết tiểu thuyết không.’ ‘Và tôi đã từng viết, đúng không?’

Bác sĩ Nash mỉm cười. ‘Đúng thế, cô đã từng viết.’

Xe cộ nhúc nhích trở lại và chúng tôi đã thoát ra được. Tôi cảm thấy nhẹ cả người vì biết điều mình đã viết là sự thật.

Bác sĩ Paxton già hơn tôi tưởng, mái tóc bạc xỉa ra loạn xạ từ sau tai. Trông ông như sắp nghỉ hưu đến nơi.

‘Chào mừng đến Trung tâm chẩn trị hình ảnh Vincent.’ ông nháy mắt và bắt tay tôi sau khi bác sĩ Nash đã giới thiệu xong. ‘Đừng lo, nó không hoành tráng như cái tên đâu. Nào, lại đây. Để tôi đưa cô đi tham quan một vòng.’

Chúng tôi vào trong tòa nhà. ‘Ở đây, chúng tôi gắn bệnh viện chung với trường đại học,’ ông nói khi chúng tôi đi qua cổng chính. ‘Một dạng kết hợp cả hạnh phúc lẫn tai ương.’ Tôi mỉm cười.

‘Mọi người muốn chúng tôi làm được mọi chuyện,’ ông phá ra cười. ‘Nhưng chẳng ai muốn trả cho chúng tôi một tí gì.’

Chúng tôi bước vào một phòng đợi lỏng chỏng mấy cái ghế, tạp chí cùng một số cốc nhựa bỏ đi. Trông như thể một buổi tiệc dã chiến vừa tàn chưa kịp dọn. Bác sĩ Paxton dừng trước một cánh cửa khác. ‘Cô có muốn xem phòng tầm soát không?’

‘Có,’ tôi đáp. ‘Làm ơn cho xem.’

‘Kỹ thuật chụp MRI[2] chức năng còn khá mới mẻ.’ ông nói, khi chúng tôi bước vào phòng. ‘Cô đã nghe nói đến MRI bao giờ chưa?’

[2] MRI: Magnetic Resonance Imaging

Trong căn phòng nhỏ chỉ sáng nhờ những quầng sáng như ma trơi từ dãy màn hình máy tính, có một cái cửa sổ choán hết cả bức tường, bên kia cửa sổ là một căn phòng khác, chễm chệ trong đó là một cỗ máy hình trụ to tướng, một cái giường thòi ra khỏi nó như cái lưỡi thè lè. Tôi bắt đầu thấy sợ. Tôi chẳng biết gì về cỗ máy này cả.

‘Chưa.’ tôi thú thật.

Bác sĩ Paxton mỉm cười. ‘MRI là một thủ thuật khá chuẩn xác, gần giống với việc chụp X quang cơ thể. Ở đây chúng tôi sử dụng cùng một số kỹ thuật nhưng là để quan sát chức năng hoạt động thực sự của cơ thể.’

Bấy giờ bác sĩ Nash mới mở lời, giọng nhỏ xíu, gần như thều thào. Tôi chẳng rõ cậu ta đang e ngại bác sĩ Paxton, hay đang liều mạng gây ấn tượng với ông ấy.

‘Nếu cô có một khối u não thì bấy giờ chúng tôi cần chụp cắt lớp cả đầu để tìm xem khối u nằm ở đâu, phần não nào bị ảnh hưởng. Bằng cách quan sát cấu trúc. Việc MRI chức năng cho phép chúng tôi xem cô sử dụng phần não nào khi làm một số công việc nhất định. Chúng tôi muốn xem trí óc cô xử lý phần ký ức ra sao.’

‘Những phần sáng lên là phần đang hoạt động,’ bác sĩ Paxton giải thích. ‘Nơi các dịch chất đang chảy.’

‘Nó sẽ có ích chứ?’ tôi hỏi.

‘Hy vọng nó sẽ giúp chúng tôi nhận biết thương tổn ở đâu.’ bác sĩ Nash đáp lại. ‘Cái nào đi trật nhịp. Cái nào không vận hành đúng cách.’

‘Và chuyện đó sẽ giúp tôi có lại trí nhớ của mình?’

Bác sĩ Nash khựng lại rồi đáp, ‘Chúng tôi mong là thế.’

Tôi tháo nhẫn cưới, bông tai và bỏ chúng vào một khay nhựa. ‘Bỏ luôn giỏ xách của cô vào đây nữa,’ bác sĩ Paxton nhắc. ‘Nào, nó hơi ồn ỹ một chút. Cô sẽ cần mấy thứ này.’ Ông đưa cho tôi mấy cái nút tai màu vàng, ‘sẵn sàng chưa?’ ông hỏi.

Nỗi sợ bắt đầu râm ran khắp người tôi. Căn phòng dường như tóp lại và sụp tối, và qua lớp kính cái máy nội soi cắt lớp hiện ra lờ mờ. Tôi có linh cảm mình đã nhìn thấy nó trước đây, hoặc một thứ gì đó gần giống nó. ‘Tôi không chắc lắm,’ tôi thú thật.

Bác sĩ Nash tiến đến, đặt tay lên tay tôi trấn an.

‘Nó hoàn toàn không đau. Chỉ hơi ồn thôi.’

‘Nó an toàn chứ?’ tôi hỏi lại.

‘Cực kỳ an toàn. Tôi ở đây, ngay bên cạnh lớp kính này thôi. Chúng tôi có thể thấy cô suốt trong lúc chụp mà.’

Hẳn là trông tôi đầy vẻ bất an, thế nên bác sĩ Paxton cất giọng, ‘Đừng lo. Cô đang ở trong những vòng tay an toàn, bạn thân mến ạ. Chẳng có gì không ổn đâu.’ Tôi nhìn ông trân trối, còn ông mỉm cười và nói, ‘Có lẽ cô nên nghĩ về những ký ức của mình đang lạc mất đâu đó trong trí óc. Tất cả những gì chúng tôi làm với cái máy này là thử tìm xem chúng ở đâu.’

Thật là lạnh, dù đã có chăn quấn quanh người, và tối, trừ một ngọn đèn đỏ lự nhấp nháy đâu đó trong phòng; và một tấm gương máng trên khung cách đầu tôi vài xăng-ti-mét, treo nghiêng và phản chiếu một màn hình máy tính đặt ở đâu đó. Ngoài cặp nút tai tôi còn mang thêm headphone, họ bảo là sẽ nói chuyện với tôi qua đó, nhưng giờ thì hoàn toàn yên lặng. Tôi chẳng nghe thấy gì ngoại trừ tiếng thở của tôi, giật cục và nặng nhọc, tiếng nhịp tim của tôi thình thịch tẻ ngắt.

Tôi nắm trong tay phải một quả bóng cao su đầy căng hơi. ‘Hãy bóp mạnh nó, nếu cô cần báo gì đó cho chúng tôi,’ bác sĩ Paxton đã dặn thế. ‘Nếu cô nói chúng tôi cũng sẽ không nghe được.’ Tôi mân mê lớp vỏ cao su của quả bóng và đợi. Tôi muốn nhắm mắt lại, nhưng họ đã bảo tôi phải mở mắt nhìn vào màn hình. Mấy miếng mút chêm giữ đầu tôi yên vị tuyệt đối; tôi chẳng thể cục cựa, dù có muốn đi nữa. Tấm chăn phủ lên tôi như một tấm vải liệm.

Có tiếng tách nhẹ rồi tiếng ồn inh ỏi khiến tôi giật mình, dù đã có mấy miếng nút tai. Tiếng ồn bí ẩn từ trong cỗ máy, hoặc từ cái đầu tôi, chẳng phân biệt được. Nó như một con thú ì ạch đang thức dậy. Tôi nắm quả bóng cao su, quyết định là sẽ không bóp nó và rồi một tiếng ồn, giống như chuông báo động hoặc tiếng máy khoan, cứ trở tới trở lui, ồn ã không chịu nổi, ồn đến mức toàn thân tôi rung nảy với mỗi đợt chấn động mới. Tôi nhắm nghiền mắt lại.

Một giọng nói vang lên trong tai tôi. ‘Christine,’ nó gọi. ‘Làm ơn mở mắt ra được không?’ Hóa ra họ vẫn có thể thấy tôi. ‘Đừng lo, mọi thứ tốt đẹp mà.’

Tốt đẹp? Họ thì biết gì về tốt đẹp chứ? Họ thì biết gì về tình cảnh giống như tôi, phải nằm ở đây, trong một thành phố tôi chẳng nhớ ra, với những con người tôi chưa hề gặp. Mình đang trôi nổi, tôi nghĩ, hoàn toàn chẳng có neo, phó mặc cho gió trời đưa đẩy.

Một giọng khác. Giọng bác sĩ Nash. ‘Cô có thể nhìn vào những bức ảnh không? Nghĩ xem chúng là gì, nói ra, nhưng chỉ với cô thôi. Đừng nói thành tiếng.’

Tôi mở mắt ra. Phía trên tôi, trong những cái gương nhỏ xíu, là những bức vẽ, cái này nối tiếp cái kia, hình trắng trên nền đen. Một người đàn ông. Một cái thang. Một cái ghế. Một cái búa. Tôi nói từng cái khi chúng xuất hiện, và rồi bức ảnh hiện lên mấy chữ Xin cm ơn! Giờ hãy thư giãn! và tôi cũng tự nói thế với mình, để khiến mình bận rộn, cùng lúc tự hỏi liệu có ai biết thư giãn thế nào cho phải cách trong bụng một cỗ máy như vậy không.

Thêm những chỉ dẫn hiện lên trên màn hình. Nhớ lại một sự kiện trong quá khứ, nó nói thế, và rồi bên dưới nó chạy chữ Một bữa tiệc.

Tôi nhắm mắt lại.

Tôi thử nghĩ về bữa tiệc mình đã nhớ ra khi cùng Ben ngắm pháo hoa. Tôi thử hình dung mình đang ở trên mái nhà bên cạnh cô bạn thân, nghe tiếng ồn ào của bữa tiệc đang diễn ra bên dưới, cảm nhận mùi pháo hoa lan trong không khí.

Những hình ảnh xuất hiện nhưng dường như không thật tí nào. Tôi có thể nói không phải mình đang nhớ ra mà là đang sáng tác ra chúng.

Tôi thử mường tượng ra Keith, thử nhớ lại cách hắn ngó lơ tôi, nhưng chẳng có gì xảy ra. Những ký ức đó lại mất rồi. Bị chôn chặt, dường như mãi mãi, dù bây giờ ít nhất thì tôi cũng biết rằng chúng có tồn tại, rằng chúng ở đó, ở đâu đó, và bị khóa chặt rồi.

Trí óc tôi chuyển sang những bữa tiệc thời ấu thơ. Những tiệc sinh nhật với mẹ, dì và cô em họ Lucy. Trò chơi chuyền khăn. Trò mở nhạc giành ghế. Mẹ với những túi kẹo làm quà thưởng. Bánh sandwich đã bỏ vỏ cứng với thịt muối và patê cá. Bánh xốp kem và rau câu.

Tôi nhớ ra bộ váy trắng có tay viền đăng ten, đôi giày đen. Tôi với mái tóc vàng hoe đang ngồi trước một cái bánh kem cắm nến, hít một hơi thật sâu, nghiêng người về phía trước và thổi. Khói lan trong không khí.

Rồi những ký ức về một bữa tiệc khác ập đến. Tôi thấy mình ở nhà, đang ngó chừng ra cửa sổ phòng ngủ. Tôi khoảng mười bảy, trên người không một mảnh vải. Ngoài phố có những cái bàn tạm, sắp thành hàng dài, chất đầy các khay bánh thịt xúc xích và sandwich, những bình nước cam ép. Khắp nơi đều thấy quốc kì’ Anh và cờ trang trí treo trên mọi cửa sổ. Xanh. Đỏ. Trắng.

Trẻ con trong những trang phục ngộ nghĩnh - cướp biển, phù thủy, người Viking - còn người lớn thì cố lập nhóm để chơi trò rước trứng bằng muỗng. Tôi có thể thấy mẹ ở bên kia đường đang thắt áo choàng quanh cổ chú Matthew.

Soper và ngay bên dưới cửa sổ phòng tôi, cha tôi đang ngồi trên ghế bố với một ly nước ép trong tay.

‘Trở lại giường nào,’ một giọng nói vang lên. Tôi ngoái lại. Dave Soper đang ngồi trên cái giường đơn của tôi, bên dưới tấm poster của ban nhạc Slits. Tấm ra trắng nhàu nhĩ quanh cậu ta vương vãi vệt máu. Tôi đã không bảo cậu ta đây là lần đầu tiên của mình.

‘Không.’ tôi đáp. ‘Đứng dậy đi! Cậu phải mặc quần áo vào trước khi ba mẹ tớ về!’

Cậu ta bật cười, dù chẳng ác ý. ‘Thôi mà!’

Tôi dứt khoát với lấy chiếc áo T-shirt và tròng vào chiếc quần jeans. ‘Đứng dậy đi. Làm ơn?’

Cậu ta có vẻ thất vọng. Lúc này tôi chỉ thích được ở một mình.

‘Thôi được.’ cậu ta nói thế rồi đứng dậy. Thân hình cậu ta xanh xao, gầy nhẳng và cái ấy ngó thật lố bịch. Tôi ngoảnh nhìn ra ngoài cửa sổ trong lúc cậu ta mặc quần áo. Thế giới của tôi đã thay đổi. Tôi đã vượt qua một lằn ranh, và không thể quay trở lại. ‘Vậy thì bye nhé,’ cậu ta chào, nhưng tôi không mở miệng, không cả nhìn lui cho đến khi cậu ta đi khỏi.

Một giọng nói vang lên trong tai mang tôi trở về với thực tại. ‘Tốt lắm. Giờ thì thêm vài hình nữa nhé, Christine.’ bác sĩ Paxton nói. ‘Chỉ cần nhìn vào từng cái và tự nói đó là cái gì hoặc ai thôi. Được chứ? sẵn sàng chưa?’

Tôi nuốt khan. Họ sẽ cho tôi xem gì nhỉ? Xem ai? Nó có thể tệ đến cỡ nào?

Sẵn sàng, tôi tự nhủ và chúng tôi bắt đầu.

Bức đầu tiên là ảnh trắng đen, chụp một bé gái chừng bốn, năm tuổi trong vòng tay một người phụ nữ. Bé gái đang chỉ trỏ gì đó, và cả hai cùng cười, hậu cảnh, hơi nhòa nét, là một con hổ đang nằm nghỉ sau hàng rào chấn song. Bà mẹ, tôi tự nhủ. Cô con gái. Vườn thú. Và rồi tôi bị sốc, hơi thở chẹn ngang cuống họng khi nhìn kỹ gương mặt đứa trẻ và nhận ra bé gái đó chính là mình, còn bà mẹ chính là mẹ tôi. Là mình, tôi lặng lẽ nói, nhớ cái điều tôi được bảo làm. Mẹ. Tôi nhìn trân trối vào màn hình, cố gắng khắc sâu hình ảnh của bà vào trong ký ức, nhưng bức ảnh nhòa đi và được thay bằng một tấm khác, cũng là mẹ tôi, giờ thì già hơn, dù dường như chưa đủ già đến mức cần cây gậy chống mà bà đang tựa vào. Bà đang mỉm cười nhưng trông có vẻ mệt lử rồi, đôi mắt trũng sâu trên khuôn mặt gầy gò. Mẹ mình, tôi lại nghĩ, và những từ khác tự động kéo đến: đang ốm. Tôi nhắm mắt lại một cách vô thức. Phải ép chúng mở ra lại thôi. Tôi bắt đầu bóp mạnh quả bóng trong tay.

Rồi những hình ảnh đến rất nhanh, và tôi chỉ kịp nhận ra vài bức. Một bức là cô bạn trên mái nhà, hệt như tôi đã mường tượng trong ký ức. Tôi thấy rùng mình khi nhận ra cô ấy gần như ngay lập tức trong cái áo T-shirt và quần jeans xanh bợt, đang hút thuốc, mái tóc đỏ buông xõa tự do. Một bức khác chụp cô với mái tóc ngắn đã nhuộm đen, và cặp kính mát đẩy cao trên đỉnh đầu. Tiếp đó là bức ảnh cha tôi đang đọc báo trong phòng khách, mỉm cười đầy hạnh phúc, kế đó là bức chụp tôi và Ben, đứng cùng một cặp khác mà tôi không nhận ra.

Những bức ảnh khác toàn người xa lạ. Một phụ nữ da đen bận đồng phục y tá, một phụ nữ mang cặp kính hình bán nguyệt ngồi trước một tủ sách với vẻ mặt nghiêm nghị. Một người đàn ông tóc hoe. Một cậu bé chừng sáu, bảy tuổi đang ăn kem và rồi, sau đó, vẫn là cậu bé ấy, đang ngồi bên bàn vẽ. Một người đàn ông trông khá hấp dẫn, với mái tóc đen hơi dài, cặp kính gọng tối hẹp rí viền quanh đôi mắt và một vết sẹo chạy xuống một bên mặt... Trong lúc những bức ảnh này diễu hành, tôi ngó chằm chặp vào chúng, cố nhớ ra tên tuổi và nơi chốn gặp gỡ những người đó, cố nhớ ra họ đã được dệt như thế nào hoặc có được dệt hay không vào tấm thảm cuộc đời tôi.

Chợt, tiếng máy ro ro dường như cao vống lên cho tới lúc nó trở thành chuông báo động, và dạ dày tôi thắt lại, cả người bất động. Không thở được nữa, tôi nhắm mắt lại, và sức nặng của tấm chăn bắt đầu đè lún tôi xuống, nặng như một phiến đá cẩm thạch, đến nỗi tôi ngỡ mình đang chìm.

Tôi bóp chặt tay phải, nhưng nó vo tròn lại thành một nắm đấm, những móng tay cấu vào da thịt; tôi đã thả rơi quả bóng mất rồi. Tôi bật la như tiếng khóc không thành lời.

‘Christine,’ một giọng nói vang lên trong tai tôi. ‘Christine.’

Tôi khóc và bắt đầu đá cái chăn ra khỏi người.

‘Christine!’

Lúc này tiếng gọi to hơn, kế đó cái tiếng inh ỏi như còi hụ kêu o o rồi ngưng bặt, một cánh cửa cạch mở, và có những giọng nói trong phòng, những cánh tay đặt trên người, trên tay, trên chân và choàng sang ngực tôi, tôi mở mắt ra.

‘Mọi việc ổn rồi.’ bác sĩ Nash nói vào tai tôi. ‘Cô không sao đâu. Tôi ở đây mà.’

Sau khi đã trấn tĩnh và nhận lại giỏ xách, bông tai, nhẫn cưới, bác sĩ Nash và tôi đến một coffee bar nhỏ xíu nằm dọc theo hành lang, với bàn formica vàng và ghế nhựa màu cam, tủ kính nhựa trong veo bày các loại bánh quen thuộc.

Tôi chẳng có đồng nào trong ví cả, nên đành để bác sĩ Nash mua cho mình ly cà phê và miếng bánh cà rốt, rồi chọn chỗ ngồi cạnh cửa sổ trong khi cậu ta trả tiền và mang mọi thứ đến. Ngoài trời đang nắng, những cái bóng đổ dài trên sân cỏ lác đác những bông hoa màu tím.

‘Mời cô,’ bác sĩ Nash nói khi đặt cái khay trước mặt tôi. ‘Hy vọng là ổn.’

Cậu ta đã chọn cho mình món trà túi lọc. Tôi nhấp ly cà phê của mình và nhăn mặt. Nó đắng nghét và nóng phỏng. ‘Ổn mà.’ tôi thốt lên. ‘Cảm ơn anh.’

‘Tôi xin lỗi.’ cậu ta nói sau cả giây lâu, làm tôi cứ ngỡ cậu ta nói về ly cà phê. ‘Tôi không nghĩ là cô sẽ thấy rất khổ sở ở trong đó.’

‘Nó ồn quá thể và giống như bị giam cầm ấy,’ tôi phân trần. ‘Tôi đã làm rơi mất nút khẩn cấp.’

Bác sĩ Nash nhấc túi trà ra và đặt nó lên khay, rồi nhấp một ngụm.

‘Chuyện gì đã xảy ra vậy?’ tôi hỏi.

‘Cô dường như phát hoảng. Điều đó không lạ. Chẳng dễ chịu gì khi ở đó...’

Tôi nhìn xuống lát bánh của mình. Còn nguyên. Khô khốc. ‘Những người trong mấy bức ảnh đó là ai vậy? Anh lấy chúng ở đâu?’

‘Một số tấm lấy từ hồ sơ bệnh án của cô, có mấy tấm tôi đã đề nghị cô mang từ nhà theo từ đám hình dán quanh cái gương ở nhà cô. Vài tấm khác do tôi cung cấp - về những người cô chưa gặp bao giờ, để làm vật đối chứng. Chúng tôi trộn tất cả lại với nhau. Vài hình là những người cô đã biết hồi còn rất trẻ, những người mà cô sẽ, hoặc có thể, nhận ra. Gia đình. Bạn hồi đi học. Còn lại là những người mà xét từ thời cô sống chắc chắn cô không thể nhớ ra. Bác sĩ Paxton và tôi đang cố gắng quan sát xem có sự khác nhau nào không trong cách cô thử truy cập vào ký ức từ những giai đoạn khác nhau này. Phản ứng mạnh nhất là với chồng cô, dĩ nhiên rồi, sau đó là với vài người khác nữa...’