Trước lúc ngủ say - Chương 06 phần 2

‘Người phụ nữ tóc đỏ là ai vậy?’ tôi hỏi.

Bác sĩ Nash mỉm cười. ‘Một người bạn cũ của cô, có lẽ vậy?’

‘Anh có biết tên cô ấy không?’

‘E là không. Những bức đó lấy từ hồ sơ của cô. Chúng không ghi nhãn.’

Tôi gật đầu. Một người bạn cũ. Dĩ nhiên là tôi đã nhận ra điều đó - chỉ có điều tôi rất muốn biết tên cô ấy thôi.

‘Anh nói là dẫu sao thì tôi cũng đã có phản ứng với các bức ảnh à?’

‘Vâng, với vài bức.’

‘Điều đó tốt chứ?’

‘Cần xem các kết quả chi tiết hơn trước khi có thể đưa ra kết luận. Công việc này quá mới mẻ,’ bác sĩ Nash giải thích. ‘Nó đầy tính thử nghiệm.’

‘Tôi hiểu.’ Tôi mời bác sĩ Nash ăn bánh nhưng cậu ta từ chối, tay vỗ vỗ vào bụng. ‘Phải canh chừng cái này!’ Cậu ta nói vậy, mặc dù bụng hãy còn khá phẳng, và tuổi tác chỉ vừa mới chạm nhẹ đến cậu ta thôi.

Tôi xắn một góc bánh cà rốt. Nó cũng đắng nữa, lại thêm lớp kem phết quá ngọt. Tôi ngả người về phía trước với lấy cái ly của mình và ngực tôi nẩy nhẹ trong lần áo lót, như thể muốn nhắc tôi nhớ rằng chúng vẫn đang tồn tại. Tôi thu mình lại và cảm thấy làn da dưới cánh tay run nhẹ. Tôi không còn là một bé gái còi cọc, thậm chí cũng không còn là một thiếu nữ, cơ thể tôi bắt đầu sắp từng lớp mỡ.

Tôi nhìn chòng chọc vào miếng bánh và tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Có lẽ tôi sẽ tiếp tục phình to lên, mập hơn, lùn đi và nung núc mỡ. Hoặc vẫn cân nặng như bây giờ, nhưng những nếp nhăn hằn sâu trên mặt còn da tay dần mỏng lét như vỏ hành và tôi dần biến thành một bà lão, từng chút một, ở trong tấm gương phòng tắm.

Bác sĩ Nash cúi xuống gãi đầu. Có một mảng da đầu tròn tròn hiện rất rõ ở ngay đỉnh chóp. Giờ chắc cậu ta chưa chú ý đến nó đâu, cho đến một ngày nhìn thấy bức ảnh chụp mình từ phía sau, hoặc khi bạn gái hay thợ cắt tóc cho cậu ta có lời bình phẩm. Tuổi tác sẽ tóm được tất cả chúng ta trong những cách rất khác nhau.

‘Ô,’ bác sĩ Nash thốt lên, vẻ phấn khởi đượm chút gượng gạo. ‘Tôi đã mang cho cô một thứ. Cũng không hẳn là một món quà, chỉ là thứ có lẽ cô sẽ thích cũng nên.’ Cậu ta với tay xuống chiếc cặp đang để dưới sàn, mở cặp và lấy ra một phong bì xốp, dán kín bằng băng dính, bên ngoài có ghi tên tôi bằng bút dấu màu đen đậm.Christine. ‘Đây, tặng cô.’ Tôi biết đó là cái gì ngay khi nó hiện diện nặng trĩu trong tay tôi. ‘Đó là tiểu thuyết của cô,’ cậu ta tuyên bố. ‘Tác phẩm mà cô đã viết.’

Tôi lấy từ trong phong bì ra một cuốn tiểu thuyết không còn mới nữa, các mép giấy đã ố vàng, trên mặt bìa loang lổ vệt cà phê. Khi cầm nó tôi thấy lại mình những ngày còn rất trẻ, nỗ lực hoàn thành cuốn tiểu thuyết này để dọn đường cho cuốn tiếp theo. Nhưng việc đó đã không trở thành hiện thực - cuốn tiểu thuyết thứ hai đã không bao giờ được hoàn tất.

‘Cảm ơn anh,’ tôi thốt lên. ‘Cảm ơn.’

Bác sĩ Nash mỉm cười. ‘Đừng bận tâm.’

Tôi đặt nó bên trong áo khoác, và ở đó, trên suốt đường về, nó cứ thổn thức đập như một trái tim.

*

* *

Trang bìa cuốn tiểu thuyết của tôi là một bức phấn màu vẽ cái bàn, trên có đặt máy đánh chữ. Một con quạ đậu trong lồng đang hếch đầu sang như thể đang đọc tờ giấy đã lắp vào máy chữ. Trên đầu con quạ là tên tôi, và trên đó nữa là tựa sách.

Những con chim đón sáng, nó ghi. Christine Lucas.

Tay tôi run run khi lật mở những trang sách. Lời đề tặng bên trong ghi, Tặng cha tôi, và tiếp theo là mấy chữ, con nhớ cha.

Tôi nhắm mắt lại. Ký ức trào lên nỗi xốn xang. Dưới những luồng sáng trắng lóa, cha đang nằm trên giường, làn da mờ đạc phủ một lớp mồ hôi bóng nhẫy. Cái ống gắn ở tay ông nối với túi chất lỏng trong suốt máng trên giá. Một y tá đang bắt mạch, đo huyết áp cho cha mà ông thì không hề tỉnh lại...

Rồi mùi sực lên. Mùi những bông hoa bị cắt và đất bẩn. Ngọt dịu và tang tóc. Cái ngày chúng tôi hỏa táng cha. Tôi vận đồ đen. Mẹ ngồi kế bà. Những tấm màn mở ra, quan tài trượt đi, và tôi khóc, hình dung cha biến thành tro bụi. Mẹ nắm chặt tay tôi, rồi chúng tôi về nhà, uống vang sủi rẻ tiền và ăn bánh sandwich trong khi mặt trời chìm dần trong ánh sáng nhập nhoạng.

Tôi thở dài. Hình ảnh vụt mất và tôi mở mắt ra. Cuốn tiểu thuyết của tôi đang nằm ngay trước mặt.

Chính lúc đó, trong dòng mở đầu tôi đã viết, với bàn chân phải nhấn chặt cần ga và động cơ đang gầm rú, cô thả tay khỏi vô lăng và nhắm mắt lại. Cô biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cô biết nó sẽ dẫn tới đâu...

Tôi lật tới đọc đoạn giữa cuốn tiểu thuyết, và một đoạn khác ở gần cuối.

Cuốn tiểu thuyết của tôi dường như bắt rễ từ một cuộc chiến, với nhân vật nữ tên Lou và nhân vật nam tên George. Chẳng phải tự truyện, nên bất cứ câu trả lời nào mà cuốn tiểu thuyết này có thể đưa ra cho tôi đều hạn hẹp. Nhưng chí ít thì tôi cũng đã sáng tác ra nó và nó đã được xuất bản.

Ở bìa cuối không có ảnh tác giả, thay vào đó là một tiểu sử ngắn.

Christine Lucas sinh năm 1960, ở miền bắc nước Anh, nó ghi. Cô học Ngữ văn Anh tại University College ở London, nơi cô hiện đang sống. Đây là tiểu thuyết đầu tay của cô.

Tôi mỉm cười với chính mình, cảm thấy tự hào lẫn hạnh phúc trào dâng. Tôi muốn đọc nó để giải mã những bí mật, nhưng cùng lúc lại không muốn làm thế. Tôi lo rằng sự thật có thể lấy đi niềm hạnh phúc của mình. Hoặc tôi sẽ thích cuốn tiểu thuyết và cảm thấy buồn vì mình sẽ không bao giờ viết được một cuốn khác nữa, hoặc tôi sẽ không ưa nó, và cảm thấy nản lòng vì tài năng của mình chưa đến độ. Tôi chẳng thể nói mình thích cái nào hơn, nhưng biết rằng sẽ có một ngày, không thể cưỡng lại sức lôi cuốn từ cái thành tựu duy nhất ấy của mình, tôi sẽ làm cái việc phát hiện ấy.

Nhưng không phải hôm nay. Hôm nay tôi đã có việc khác cần khám phá, một việc còn tệ hơn cả nỗi buồn. Một việc có thể khiến tôi tan nát.

Tôi cố nhét gọn cuốn sách trở vô phong bì. Trong đó còn có một thứ khác nữa. Một tờ giấy gấp làm bốn, có mấy chữ của bác sĩ Nash trên đó: Tôi nghĩ cái này có thể khiến cô quan tâm!

Tôi mở nó ra. Ngang đầu giấy bác sĩ Nash viết Standard, 1988. Bên dưới nó là bản in một bài báo, có ảnh kèm. Tôi nhìn chằm chặp cả mấy giây rồi mới nhận ra đó là bài phê bình cuốn tiểu thuyết của tôi và bức ảnh đó chụp tôi.

Tôi bàng hoàng cầm tờ giấy. Nó là đồ cổ rồi; dù hay, dù dở, bất kể tác động ấy ra sao thì nó cũng đã trôi qua từ lâu, đã thành lịch sử, sức gợi của nó đã hoàn toàn tan biến. Nhưng với tôi nó cực kỳ quan trọng. Tôi muốn biết tác phẩm của mình đã được đón nhận thê nào, nhiều năm trước.

Tôi lướt qua bài báo. Những con chữ nhảy múa trước mặt. Phần lớn có vẻ tích cực. Cẩn trọng. Sâu sắc. Khốc liệt. Đầy tính nhân văn.

Tôi nhìn bức ảnh trắng đen chụp tôi đang ngồi bên bàn viết, thân hình nghiêng về phía ống kính, trong một tư thế đầy ngượng nghịu. Có gì đó khiến tôi không thoải mái, chẳng rõ là vì cái người đứng đằng sau ống kính, hay tại cái vị trí tôi đang ngồi. Mặc dù vậy tôi vẫn cười tươi. Tóc tôi dài, buông lơi và đen thẫm. Sau lưng tôi là những cánh cửa mở ra hàng hiên, và trong góc cửa có một cái cây trụi lá. Bên dưới bức ảnh là lời chú thích. Christine Lucas, tại ngôi nhà ở Bắc Londocủa cô.

Tôi nhận ra đó đích thị là ngôi nhà tôi đã ghé thăm cùng bác sĩ Nash. Trong tích tắc người tôi tràn ứ nỗi khát khao được trở lại đó, mang theo bức ảnh này và tự thuyết phục mình rằng, vâng, đó chính là sự thật; tôi đã tồn tại lúc đó. Người trong bức ảnh đó đã là tôi.

Tôi mỉm cười và chạm tay vào bức ảnh, rê mấy đầu ngón tay khắp nó, tìm kiếm những manh mối còn ẩn giấu như cách của một người mù. Tôi lần theo rìa mái tóc của mình, rà tay lên mặt mình. Trong ảnh trông tôi không thoải mái, nhưng mặt mũi khá rạng rỡ. Như thể tôi đang nắm giữ một bí mật đầy mê hoặc. Cuốn tiểu thuyết của tôi đã được xuất bản, vâng, nhưng hãy còn thứ khác, một thứ còn hơn vậy nữa.

Trong lúc quan sát cái cách mình vắt tay ngang bụng, và gờ ngực phồng căng trong bộ váy trễ, tự dưng một ký ức chợt sủi lên trong đầu tôi. Tôi thấy mình đang lựa thế ngồi để chụp hình, nhiếp ảnh gia đang ở trước mặt, phía sau cái giá ba chân, còn cô nhà báo viết về tác phẩm của tôi đang đi loanh quanh trong bếp. Cô ấy gọi với ra, hỏi xem mọi việc tới đâu rồi, và cả hai chúng tôi cùng đáp ‘Tuyệt!’ đầy vẻ hân hoan rồi phá ra cười. ‘Không lâu đâu.’ nhiếp ảnh gia nói lúc thay phim. Cô nhà báo châm một điếu thuốc và gọi hỏi tôi nhà có gạt tàn thuốc không. Tôi cảm thấy hơi bứt rứt. Sự thật là tôi cũng đang thèm hút một điếu, nhưng tôi đã từ bỏ, kể từ khi phát hiện ra rằng...

Nhìn lại bức ảnh lần nữa tôi đã hiểu ra. Trong bức ảnh đó tôi đang mang thai.

Trong tích tắc, trí óc tôi khựng lại rồi rảo chạy. Nó tự vấp phải gờ nhận thức bén ngót rằng, lúc ngồi trong phòng ăn để chụp ảnh, tôi đã biết, mình đang hạnh phúc được mang trong người một mầm sống.

Chuyện gì đã xảy ra? Giờ này đứa bé ấy đã bao nhiêu tuổi? Mười tám? Mười chín? Hai mươi?

Nhưng chẳng có đứa trẻ nào cả. Con trai mình đâu rồi?

Tôi cảm thấy thế giới của mình ngả nghiêng lần nữa. Con trai.Tôi đã nghĩ về nó, đã tự nói với mình đầy chắc chắn. Chẳng hiểu sao, từ đâu đó sâu thẳm trong lòng, tôi biết rằng mầm sống mình mang là một cậu bé.

Tôi níu chặt thành ghế cố đứng vững, và ngay lúc đó một từ khác lại sủi lên bề mặt ký ức và vỡ toang ra. Adam. Thế giới của tôi tuột khỏi đường rãnh này và trượt sang đường rãnh khác.

Tôi đã có con. Chúng tôi gọi nó là Adam.

Tôi đứng lên, cái gói đựng cuốn tiểu thuyết rớt thẳng xuống sàn. Như một thứ động cơ kêu ậm ạch mãi cuối cùng cũng phát nổ, năng lượng đổ tóe ra trong tôi. Chẳng thấy thằng bé đâu trong cuốn album tự chế ở phòng khách. Hẳn là tôi đã nhớ ra nếu thấy ảnh con mình khi xem lướt cuốn album đó sáng nay, đã hỏi Ben thằng bé là ai, đã viết về nó trong nhật ký. Tôi nhét bài báo trở lại phong bì cùng với cuốn tiểu thuyết rồi chạy lên lầu, cắm mắt vào đám ảnh dán quanh tấm gương trong phòng tắm, những bức ảnh chụp quá khứ, những bức ảnh mà tôi phải dùng để định hình chính mình khi không còn ký ức.

Tôi. Ben. Tôi và Ben. Hai chúng tôi với một cặp khác, già hơn, chắc là cha mẹ của Ben. Tôi đang quàng khăn và nựng nịu một chú chó, trông trẻ trung và đầy hạnh phúc. Nhưng không có Adam. Không một ảnh trẻ con lúc sơ sinh hay đã biết đi lẫm chẫm. Chẳng có những bức ảnh chụp nó trong ngày đầu tiên đi học, đi hội thao ở trường, hay đi nghỉ. Cũng chẳng có bức nào chụp nó đang xây lâu đài cát. Chẳng có gì hết.

Thật vô lý. Chẳng phải đó đương nhiên là những bức ảnh mà mỗi bậc cha mẹ đều muốn chụp cho con mình và chẳng ai chịu bỏ đi sao?

Tôi nhấc những tấm ảnh lên để xem liệu có còn bức nào khác dán bên dưới chúng không, nhưng chẳng có gì cả. Chẳng có gì ngoại trừ những viên đá lát tường màu xanh nhạt và mặt gương trơn láng.

Adam. Cái từ đó cứ nhào lộn trong đầu. Mắt tôi nhắm lại. Những ký ức thụi vào, từng cái một nện kịch liệt, từng cái một bật sáng rồi biến mất. Tôi thấy mái tóc vàng hoe một ngày nào đó sẽ ngả nâu của Adam, thấy cái áo Người nhện đã chật cứng mà nó cứ khăng khăng đòi mặc mãi, thấy nó nằm ngủ trong xe đẩy như một tạo tác hoàn mỹ nhất, thấy nó cưỡi chiếc xe đạp ba bánh màu xanh dương - quà sinh nhật - trong công viên, đầu cúi gằm trên ghi-đông xe, miệng cười toe toét khi bay xuống một con dốc lao về phía tôi và chỉ giây sau đã ngã chổng kềnh. Tôi thấy mình ôm con vào lòng trong khi nó khóc nức, lau máu trên mặt con, tìm cái răng của con rớt trên mặt đất kế bên cái bánh xe hãy còn quay tít. Tôi thấy con khoe với tôi bức tranh nó vẽ - vệt xanh dương cho trời, xanh lá cho đất còn giữa chúng là ba hình hài như ba giọt nước và một ngôi nhà tí tẹo, tôi thấy cả con thỏ đồ chơi mà nó tha theo ở khắp mọi nơi.

Bị giật ngược về hiện tại, trong cái phòng tắm đang đứng, nhưng tôi vẫn ngoan cố nhắm mắt lại. Tôi muốn nhớ ra con trai lúc nó đi học, hoặc khi đã thiếu niên, hoặc đang ở bên tôi hoặc bên cha nó, nhưng không thể. Ký ức của tôi cứ dập dờn rồi lẩn khuất, giống như một cái lông chim được gió liên tục đổi hướng bất cứ khi nào có một bàn tay vồ lấy nó. Thay vào đó tôi thấy con đang cầm một que kem chảy nước, thấy con mặt mũi nhoe nhoét kẹo cam thảo, thấy con nằm ngủ ở băng sau xe. Tất cả những gì tôi có thể làm là dõi nhìn khi những ký ức này đổ đến rồi ra đi nhanh chóng.

Ký ức hút cạn mọi sức lực đến độ tôi chẳng còn đủ sức để giật phăng mấy tấm ảnh trước mặt. Tôi muốn xé toạc chúng khỏi bức tường để tìm kiếm những vết tích về con trai mình, nhưng lại đứng gần như bất động trước tấm gương, mọi múi cơ trong người thảy đều căng cứng.

Chẳng có bức ảnh nào trên bệ lò sưởi. Chẳng có phòng ngủ kiểu teen với những poster về các ngôi sao nhạc pop dán đầy tường. Chẳng có cái áo T-shirt nào trong thùng giặt hay trong những chồng đồ đem ủi. Chẳng có đôi giày thể thao xơ xác nào trong tủ dưới cầu thang. Mà nếu thằng bé đã rời khỏi nhà đi nữa hẳn vẫn còn đâu đó vài dấu vết chứng tỏ sự tồn tại của nó chứ? Phải có vài dấu vết chứ?

Nhưng không, con trai tôi không có mặt trong ngôi nhà này. Tôi rùng mình nhận ra dường như thằng bé không hề tồn tại, chưa bao giờ tồn tại.

Tôi chẳng biết mình đã đứng bao lâu trong nhà tắm, ngó trân trân vào sự thiếu vắng của đứa con. Mười phút? Hai mươi phút? Một giờ? Đến tận lúc nghe có tiếng mở khóa ở cửa trước, tiếng sột soạt chà lên thảm chùi chân, tôi vẫn không nhúc nhích. Ben vào bếp, rồi vào phòng ăn, rồi gọi với lên lầu, hỏi xem mọi việc có ổn không. Trong giọng anh ta có thêm vẻ bồn chồn mà buổi sáng tôi chưa nghe thấy, nhưng tôi chỉ ậm ừ vâng, dạ. Tôi nghe tiếng Ben vào phòng khách, rồi tiếng tivi bật lên.

Đầu óc tôi chợt trống huếch. Mức độ nôn nóng muốn biết điềugì đã xảy ra với con trai mình ngang ngửa với nỗi sợ về điều có thể tôi sẽ khám phá ra.

Tôi giấu cuốn tiểu thuyết của mình vào trong tủ áo rồi xuống lầu.

Đứng ngoài khung cửa phòng khách, tôi thử kìm nhịp thở mà không thể; nó cứ hổn hển gấp gáp. Tôi chẳng biết phải nói với Ben thế nào về chuyện Adam. Nếu anh ta hỏi làm sao tôi biết được, tôi sẽ phải nói gì?

Dầu vậy, chẳng có gì cản được, chẳng có gì hơn được việc phải biết về con trai mình. Tôi nhắm mắt lại và, khi đã cảm thấy bình tĩnh như chưa bao giờ bình tĩnh đến thế, nhẹ nhàng đẩy cánh cửa trượt lên lớp thảm xù xì.

Ben đang ngồi trên sofa coi tivi, đĩa bánh quy đặt trong lòng. Tôi cảm thấy nổi giận. Trông Ben rất thư thái và hạnh phúc. Tôi muốn lao tới vồ lấy anh ta và thét lên cho tới khi anh ta chịu kể cho tôi nghe mọi thứ, kể tại sao anh ta đã giấu cuốn tiểu thuyết của tôi, giấu sự hiện diện của con trai tôi. Tôi muốn đòi anh ta trả lại cho mình mọi thứ mà tôi đã mất.

Nhưng tôi biết chuyện đó chẳng có ích gì. Thay vào đó, tôi bật ho khe khẽ. Một tiếng ho để thông báo Em chẳng muốn làm phiền anh đâu, nhưng...

Ben nhìn tôi và mỉm cười. ‘Em đó hả, cưng!’

‘Ben,’ tôi bước vào phòng và nói, giọng ráo hoảnh, nghe lạ lẫm cả với tôi. ‘Ben? Em cần nói chuyện với anh.’

Mặt Ben chùng lại vẻ băn khoăn. Anh ta đứng dậy bước về phía tôi, cái đĩa trượt xuống sàn. ‘Chuyện gì vậy, cưng? Em có sao không?’

‘Không,’ tôi đáp. Ben khựng lại cách tôi cả mét. Tôi ngoảnh khỏi vòng tay đang dang ra chờ đón của anh ta.

‘Có chuyện gì không ổn sao?’

Tôi ngó chằm chặp vào chồng mình, vào gương mặt của anh ta. Ben có vẻ tự chủ, như thể đã quen với những khoảnh khắc đầy kích động này rồi.

‘Adam đâu?’ tôi thốt lên. Từ ngữ thoát ra trong một luồng thở hổn hển. ‘Thằng bé đâu rồi?’

Mặt Ben biến sắc. Anh ta nuốt nước bọt.

‘Kể cho em đi!’ tôi thúc giục.

Ben ôm tôi trong tay mình. Tôi muốn đẩy anh ta ra, nhưng không được. ‘Christine, làm ơn bình tĩnh lại nào. Mọi việc đều ổn cả mà. Anh có thể giải thích mọi thứ. Được chứ?’

Tôi muốn bảo anh ta là mọi thứ chẳng ổn chút nào cả, nhưng chẳng mở miệng nổi. Tôi vùi mặt mình vào trong những nếp áo của Ben, cả người run rẩy.

‘Kể cho em đi.’ tôi nài nỉ. ‘Làm ơn kể liền bây giờ đi.’

Chúng tôi ngồi trên sofa. Tôi đầu này. Ben đầu kia. Đủ gần như tôi muốn thế.

‘Adam đã chết.’ Ben nói. Lời lẽ của anh ta nghe bén ngót như dao cạo.

Tôi rúm người lại, co chặt mình như một con ốc.

Tôi nghĩ tới con ruồi kẹt ở kính chắn gió trên đường từ nhà bà về.

‘Christine, anh rất xin lỗi.’

Tôi cảm thấy giận Ben phát điên, dù biết đó chẳng phải là lỗi của anh ta.

Tôi ép mình mở miệng. ‘Chuyện là thế nào?’

Ben thở dài, nói trong gắng gỏi đứt quãng. ‘Adam nhập ngũ. Thằng bé là lính Hải quân Hoàng gia. Nó đóng quân ở Afghanistan. Và hy sinh. Năm ngoái.’

Tôi chết lặng. Mọi thứ lùi xa, bỏ tôi lại cùng với nỗi đau. Nỗi đau. Gom lại thành độc điểm. Tôi nuốt nước bọt. Cổ họng khô khốc.

‘Chuyện thế nào? Em muốn biết... Em cần phải biết.’

Ben với sang nắm tay tôi. ‘Em không cần phải biết rõ mọi thứ đâu...’

Cơn giận trào lên không kìm lại được. Giận dữ và đau đớn. ‘Thằng bé là con em!’

Ben ngoảnh nhìn sang phía cửa sổ.

‘Thằng bé thuộc phân đội hộ tống, đang hành quân trong một chiếc xe bọc sắt,’ Ben kể chậm chạp, gần như thầm thì. ‘Có một quả bom, cài bên đường. Chỉ một người lính sống sót. Adam và người kia thì không.’

Tôi nhắm mắt lại và giọng tôi cũng rớt xuống thầm thì. ‘Nó có đi ngay không? Có đau đớn không?’

Ben thở dài, cả giây sau mới nói. ‘Không, thằng bé không bị đau đớn. Họ nghĩ chuyện đó diễn ra rất nhanh.’

Tôi nhìn sang chỗ Ben ngồi. Anh đang nói dối.

‘Tại sao thằng bé lại ở Afghanistan?’ tôi hỏi.

Ben bảo vì nước chúng tôi đã tham chiến. Một cuộc chiến chống khủng bố. Anh ta nói đã có một vụ tấn công kinh hoàng ở nước Mỹ. Hàng ngàn người đã bị giết chết.