Thảo nguyên - Chương 4 phần 1

IV.

THẾ THÌ RỐT CỤC cái ông Varlamốp ấy là ai mà bí ẩn, khó gặp thế? Là người ta nhắc nhở nhiều thế, là ai mà Xolomon khinh bỉ, nhưng ngay đến bà bá tước xinh đẹp kia cũng cần đến? Ngồi bên cạnh Đenixka trên chiếc ghế xà ích, Iegoruska trong khi chập chờn nửa mê nửa tỉnh chỉ nghĩ đến con người ấy. Nó chưa bao giờ trông thấy ông ta, nhưng rất hay nghe người ta nói đến và đã nhiều lần tưởng tượng hình dáng ông ta trong trí óc. Nó được biết rằng ông Varlamốp có mấy chục ngàn đêxiachina(12) đất, khoảng chục vạn con cừu và rất nhiều tiền, về nếp sinh hoạt và công việc của ông ta thì Iegoruska chỉ biết là ông ta bao giờ cũng “quanh quẩn đâu đây” và lúc nào người ta cũng đi tìm ông.

Ở nhà, Iegoruska cũng được nghe nói nhiều về bá tước phu nhân Đranítxkaia. Phu nhân cũng có mấy chục ngàn đêxiachina đất, rất nhiều cừu, một trại nuôi ngựa, tiền bạc như nước, nhưng lại không “quanh quẩn”, mà chỉ ở nhà, trong một tòa dinh thự tráng lệ. Về tòa dinh thự này những người quen và Ivan Ivanứts vốn đã có việc đến nhà phu nhân mấy lần, có kể lại rất nhiều điều kỳ diệu; chẳng hạn, họ nói rằng trong phòng khách của phu nhân có treo chân dung của tất cả các nhà vua Ba Lan, lại có một chiếc đồng hồ rất lớn hình một tảng đá trên có một con ngựa bằng vàng mắt kim cương đứng chổng hai vó trước lên, và trên lưng ngựa có một kỵ sĩ bằng vàng, cứ mỗi lần đồng hồ điểm giờ thì lại vung gươm chém sang phải một nhát, rồi chém sang trái một nhát. Họ còn kể rằng cứ mỗi năm hai lần bá tước phu nhân mở vũ hội mời những người quý tộc và công chức khắp tỉnh về dự, và ngay cả Varlamốp cũng đến. Khách khứa đều uống trà đun trong những chiếc ấm lò bằng bạc, toàn ăn những món phi thường (chẳng hạn vào mùa đông, nhân lễ Giáng Sinh, họ dọn quả mâm xôi và dâu tây tươi ra mời khách), và nhảy múa theo tiếng nhạc ngày đêm không lúc nào ngớt...

“Mà sao bà ấy đẹp thế!” - Iegoruska nghĩ khi nhớ lại gương mặt và nụ cười của bà.

Ông Kudmitsốp hình như cũng đang nghĩ tới bá tước phu nhân, vì khi xe đã đi được khoảng hai vécxta, ông nói:

- Nói chứ cái thằng cha Kadimirơ Mikhailôvíts ấy bòn của bà ta cũng đã lắm của! Hai năm trước đây, hồi tôi đến mua lông cừu của bà ấy, cha có nhớ không, chỉ riêng món của tôi hắn đã bỏ túi được khoảng ba nghìn.

- Cái quân Ba Lan ấy thì còn phải nói, - cha Khrixtophor nói.

- Mà bà ấy thì biết đâu đến những chuyện đó. Người ta vẫn nói, trẻ nhưng mà ngu. Nhẹ dạ chết đi ấy mà!

Không hiểu sao Iegoruska chỉ muốn nghĩ đến Varlamốp và bá tước phu nhân, đặc biệt là bá tước phu nhân thôi. Bộ óc đang buồn ngủ của cậu bé khước từ hẳn những ý nghĩ thông thường, nó lu mờ đi và chỉ giữ lại những hình ảnh thần tiên, huyền hoặc, vốn có cái tiện là mỗi hình ảnh như thế đều tự nhiên, hiện ra trong óc, không cần người nghĩ phải mất công chút nào, và cũng tự khắc biến đi không để lại một dấu vết - chỉ cần lắc đầu một cái rõ mạnh. Vả lại, cảnh vật xung quanh cũng không gợi cho nó những ý nghĩ thông thường. Ở bên phải lù lù những quả đồi tối đen có vẻ như đang che giấu ở phía sau một cái gì bí ẩn và ở bên trái, cả khoảng phía trên chân trời đều ửng lên thành một cái ráng màu huyết dụ, và khó lòng có thể hiểu được đấy là ánh lửa của một đám cháy ở đâu đây, hay là ở phía ấy trăng sắp lên. Khoảng xa cũng nom thấy rõ như ban chiều, nhưng cái màu tím dịu của nó bị bóng đêm xóa mờ đi và đã mất hẳn, và cả thảo nguyên đều nấp vào bóng tối như mấy đứa con của Moixây Moixêíts nấp dưới tấm chăn vậy.

Vào những buổi tối và những đêm tháng Bảy không còn có tiếng cun cút và chim cuốc kêu nữa, họa mi không hót trong những khe rừng, không có mùi hương của các loài hoa, nhưng thảo nguyên vẫn đẹp và đầy sức sống. Mặt trời mới lặn và mặt đất vừa chìm trong bóng tối thì nỗi u buồn của buổi ban ngày đã bị quên lãng ngay đi, tất cả đều được tha thứ, và thảo nguyên thở nhẹ nhõm, căng hết cả lồng ngực rộng mênh mông lên. Như thể vì trong bóng tối cỏ không trông rõ được cái già nua của mình, nó phát ra những âm thanh rộn rã, tươi vui và trẻ trung mà ban ngày không hề nghe thấy; tiếng răng rắc, tiếng huýt gió, tiếng sột soạt, những giọng trầm, giọng trung và giọng bổng của thảo nguyên - tất cả đều hòa lẫn lại thành một tiếng rì rầm liên tục đơn điệu, một tiếng nhạc đệm rất dễ chịu cho những kỷ niệm và những ý nghĩ buồn buồn. Tiếng lách tách đơn điệu ru hồn ta như một điệu hát ru con; ta ngồi trên xe, cảm thấy mình thiu thiu dần, nhưng từ một phía nào lại nổi lên tiếng kêu đứt quãng, lo lắng của một con chim đang thức hay vẳng lại một âm thanh mơ hồ giống như một giọng người đang ngạc nhiên kêu lên: “a!”, nhưng rồi giấc ngủ thiu thiu lại hạ mi mắt ta xuống. Cũng có khi xe chạy ngang một cái khe nhỏ mọc đầy những bụi rậm, ta nghe thấy tiếng một con chim mà dân thảo nguyên gọi là “chim ngủ”, đang phân trần với ai: “Tôi ngủ! Ngủ! Ngủ!” hay tiếng một con chim khác cười khanh khách hay khóc lên nức nở: đó là con cú. Chúng nó kêu lên với ai, ai nghe nó trên dải đồng bằng này thì có trời biết được, nhưng trong tiếng kêu của nó chứa chan nỗi buồn và ý than vãn... Thoang thoảng mùi rơm rạ, mùi cỏ khô và mùi hoa nở muộn, nhưng mùi hương ấy nồng đậm, ngòn ngọt và dịu dàng.

Qua màn đêm có thể trông thấy mọi vật, nhưng khó nhận ra màu sắc và đường nét của từng cái một. Cái gì cũng hiện ra dưới một dáng vẻ khác thật. Xe đang đi, thì ta chợt thấy phía trước bên vệ đường có một bóng đen giống như ông tu sĩ; ông ta đứng yên không nhúc nhích, dáng chờ đợi, tay lăm lăm một vật gì... Kẻ cướp chăng? Cái bóng người nhích gần tới, to dần lên, và đã đến ngay tầm xe, lúc bấy giờ ta mới thấy rằng đó không phải là một con người, mà là một bụi cây đứng cô độc hay một tảng đá. Những bóng đen im lìm, dáng chờ đợi ai như thế thường thấy trên những quả đồi, nấp sau những gò đất, lấp ló sau một bụi rậm, và tất cả đều giống như những bóng người và đều khiến ta phải nghi ngại.

Và khi trăng lên, đêm trở nên nhợt nhạt và uể oải. Sương mù như không còn nữa. Không khí trong suốt, tươi lành và ấm áp, có thể nhìn rõ mọi phía, và còn có thể thấy được cả từng thân từng nhánh của những bụi cây mọc sát vệ đường. Trong một khoảng khá xa có thể trông rõ những cái sọ súc vật và những tảng đá. Những bóng đen khả nghi giống như những ông tu sĩ, bây giờ nổi lên trên cái nền sáng của đêm trăng, trông lại càng đen hơn và có vẻ ảm đạm hơn. Tiếng “a-a!” ngạc nhiên của ai đó và tiếng kêu của một con chim đang thao thức hay đang mê ngủ gì đấy bây giờ vang lên mau hơn giữa tiếng lách tách đơn điệu, khua động làn không khí im lìm. Có những cái bóng rộng chờn vờn trên mặt cỏ phẳng lặng như những đám mây trôi trên trời, và trong khoảng không xa tắp, nếu nhìn thật kỹ thì thấy nổi lên cao và chồng chất lên nhau những hình ảnh mơ hồ cổ quái... Ta thấy hơi rờn rợn, phải nhìn lên bầu trời màu lục nhạt lốm đốm sao, không có một đám mây, một vết gợn nào, ta mới hiểu tại sao làn không khí ấm áp lại im lìm, tại sao thiên nhiên lại thủ thế không dám động đậy: nó thấy sợ và tiếc, không nỡ để mất dù chỉ là một khoảnh khắc của cuộc đời. Chỉ ở ngoài biển hay trên thảo nguyên vào một đêm trăng mới có thể lường được chiều sâu vô tận và chiều rộng vô biên của bầu trời. Bầu trời ấy đáng sợ, đẹp đẽ và âu yếm, nó nhìn ta đắm đuối và quyến rũ ta về với nó, và sự mơn trớn của nó làm cho ta thấy chóng mặt nôn nao.

Xe đi được một vài giờ gì đấy... Trên đường đi thỉnh thoảng lại gặp một ngọn gò già nua thầm lặng hay một tảng đá hình mụ đàn bà, có trời biết, do ai đặt đấy, và đặt tự bao giờ, một con chim đêm bay trên cao không một tiếng động, và dần dần trong ký ức lại hiện lên những truyền thuyết về thảo nguyên, những mẩu chuyện của những người gặp ở giữa đường, những câu chuyện cổ tích của các bà vú em vùng thảo nguyên và tất cả những gì mà ta đã thấy được, mà tâm hồn ta đã hiểu thấu. Đến lúc bấy giờ trong tiếng lách tách râm ran của côn trùng, trong những bóng đen khhi, và trong những gò đất, trong bầu trời cao, trong ánh trăng, trong dáng bay của con chim ăn đêm, trong tất cả những gì mà ta nghe, ta thấy đều như hiện rõ sự toàn thắng của cái đẹp của sự trẻ trung, của sức mạnh tràn trề và sự khát khao tha thiết đối với cuộc sống; tâm hồn lên tiếng đáp lại tiếng gọi của quê hương diễm lệ, khắc khổ, và ta thấy thèm được bay trên thảo nguyên như con chim ăn đêm. Và trong sự toàn thắng của cái đẹp, trong hạnh phúc tràn trề ta cảm thấy có sự khắc khoải và nhớ nhung, tựa hồ như thảo nguyên tự biết rằng mình cô độc, rằng sự phong phú và nguồn cảm hứng mà nó chứa đựng sẽ bị thế gian để cho mai một đi một cách phí hoài, không được ai ca ngợi và không có ích gì cho ai, và qua tiếng râm ran vui vẻ của nó ta nghe thấy một lời kêu gợi u hoài và tuyệt vọng: người ca ngợi đâu? Người ca ngợi đâu rồi?

- Prrr! Chào cụ Pantelây! Bình an cả chứ?

- Nhờ ơn Chúa, ông Ivan Ivanứts ạ!

- Anh em có gặp ông Varlamốp không?

- Không ạ, không gặp.

Iegoruska bừng tỉnh, mở mắt ra. Chiếc xe đã đỗ lại. Bên phải đường đi, đoàn xe chở hàng nối đuôi nhau kéo dài, mãi ra phía trước, bên đoàn xe có những bóng người lăng xăng đi đi lại lại. Xe nào cũng chở những kiện lông cừu lớn, thành thử trông cao ngồn ngộn, còn ngựa thì trông như bé loắt choắt chân thấp lè tè.

- Thế thì bây giờ ta sẽ đến xóm người theo đạo Kytô! - Kudmitsốp nói to. - Lão Do Thái nói là Varlamốp ngủ lại ở xóm người theo đạo Kytô. Vậy chào anh em nhé. Cầu Chúa phù hộ!

- Chào ông Ivan Ivanứts! - có tiếng mấy người đáp lại.

- Anh em ạ, bây giờ thế này nhé, - ông Kudmitsốp nói nhanh, - bây giờ anh em trông hộ thằng bé nhà tôi! Việc gì cứ bắt nó chạy đi chạy lại với chúng tôi? Bác Pantelây ạ, bác cho nó lên xe bác, cứ đi dần đi, chúng tôi đuổi theo sau. Cháu sang đi, Iegoruska, đi đi, không sao đâu!...

Iegoruska rời ghế xà ích tụt xuống. Mấy cánh tay nhấc bổng nó lên cao, và nó thấy mình ngất nghểu trên một đống gì to, mềm và hơi ẩm vì sương. Bây giờ nó gần nó hơn, mà mặt đất thì xa đi.

- Này, cầm lấy cái áo khoác của mày! - Đenixka quát đâu ở tít dưới xa.

Chiếc áo khoác và chiếc tay nải được ném từ phía dưới lên rơi phịch xuống cạnh Iegoruska. Lúc bấy giờ nó không muốn nghĩ đến việc gì hết. Nó đút nhanh cái tay nải xuống dưới đầu, lấy cái áo khoác đắp lên người, và duỗi thẳng đôi chân ra, người so ro vì sương xuống lạnh, và cất tiếng cười khoái trá.

“Bây giờ thì ngủ, ngủ, ngủ...” - nó nghĩ.

- Nhưng mấy ông quỷ sứ chớ có xúc phạm nó đấy nhé! - có tiếng Đenixka ở phía dưới.

- Chào anh em nhé! Cầu Chúa phù hộ! - ông Kudmitsốp nói to. - Tôi trông cậy ở anh em đấy!

- Ông cứ yên tâm, ông Ivan Ivanứts ạ!

Đenixka quát ngựa, chiếc xe rít lên và chuyển bánh, nhưng không đi trên đường cái nữa, mà rẽ sang một bên. Trong khoảng hai phút im ắng hẳn đi, như thể đoàn xe chở hàng đã ngủ yên, chỉ nghe tiếng loảng xoảng của cái xô treo ở phía sau xe xa dần rồi tắt hẳn. Nhưng rồi ở phía trước đoàn xe có ai quát lên:

- Kiriukha, đi thôi!

Chiếc xe chở hàng đi đầu cọt kẹt chuyển bánh, rồi đến chiếc thứ hai, thứ ba... Iegoruska cảm thấy chiếc xe nó nằm lắc lư và cũng kêu lên cọt kẹt. Đoàn xe lên đường, Iegoruska nắm thật chặt sợi dây thừng ràng các bó lông cừu, lại cười lên một tiếng khoái trá, nắn lại cho ngay cái bánh nướng ở trong túi và bắt đầu thiếp đi như thường khi vẫn ngủ trên giường ở nhà...

Khi Iegoruska thức giấc thì mặt trời đã mọc; một cái gò che lấp nó đi, còn nó thì cố phun ánh sáng lên khắp thế gian, lên gân bắn thật mạnh các tia nắng ra khắp bốn phía và rót đầy vàng lên chân trời. Iegoruska có cảm giác là nó mọc không đúng chỗ, vì hôm qua nó mọc sau lưng chứ không phải chếch hẳn sang bên trái như bây giờ... Vả lại quang cảnh ở xung quanh cũng không giống như hôm qua. Chẳng thấy đồi đụn gì nữa, nhìn đi đâu cũng thấy một dải đồng bằng màu nâu hung khắc khổ trải rộng bát ngát; lác đác trên đồng bằng thấy những nấm đất nhô nhô lên và mấy con quạ hôm qua bay lượn. Xa xa ở phía trước thấy trăng trắng mấy cái tháp chuông và những ngôi nhà gỗ của một làng nào đấy: hôm nay là ngày chủ nhật, dân Ucraina ngồi nhà nấu nướng các thức ăn - có thể thấy rõ như vậy khi nhìn những làn khói bốc lên từ tất cả các ống khói và hòa lại thành một tấm màn trong suốt màu xám xanh lơ lửng trên thôn. Ở những khoảng cách giữa các nhà và phía sau nhà thờ thấy xanh xanh một dòng sông, và bên kia sông, cảnh vật chìm dần trong sương mù. Nhưng không có cái gì khác hôm qua cho bằng con đường. Thay cho con đường là một cái gì rộng rãi, phóng khoáng, dũng mãnh phi thường chạy dài trên thảo nguyên; đó là một dải thẳng màu xám, phẳng phiu và phủ bụi như mọi con đường khác, nhưng rộng đến mấy chục mét. Chiều rộng thênh thang của nó khiến cho Iegoruska băn khoăn và gợi lên trong trí nó những ý nghĩ hoang đường. Ai vẫn thường đi trên con đường này? Ai đi mà đường phải rộng như thế? Thật khó hiểu và kỳ dị. Quả có thể nghĩ rằng ở trên đất Nga này vẫn còn những con người khổng lồ như Ilya Murométx và Xolovây Radbôiních(13), và những con tuấn mã khổng lồ của các tráng sĩ vẫn chưa tuyệt giống. Iegoruska nhìn con đường mà mường tượng như nghe tiếng bánh xe lăn ầm ầm của sáu chiếc xe ngựa cao như kiểu xe trên những hình vẽ trong cuốn thánh sử đang xếp thành hàng ngang phóng nhanh; mỗi chiếc xe như vậy thắng sau con ngựa bất kham phi lồng lên, những đôi bánh xe cao tung bụi mù trời, và người cầm cương là những nhân vật mà ta vẫn thường trông thấy trong những giấc mơ hay ta vẫn tưởng tượng ra khi đang có một tâm tư huyền thoại. Vả lại những hình ảnh sẽ ăn ý biết bao nhiêu với thảo nguyên và con đường rộng thênh thang này, nếu những nhân vật ấy có thật!

Bên phải, suốt dọc đường đều có những cột điện tín hai dây. Càng xa càng nhỏ dần đi, dãy cột điện tín này chạy đến làng thì mất hút sau các ngôi nhà và các rặng cây, rồi lại hiện ra trong khoảng xa màu tím nhạt thành những cái que nhỏ và mảnh giống như những cây bút chì cắm xuống đất. Trên dây điện có những con ó, những con chim cắt và những con quạ đậu rải rác thản nhiên nhìn đoàn xe đang tiến tới.

Iegoruska nằm trên chiếc xe cuối đoàn cho nên có thể nhìn thấy cả đoàn xe. Cả đoàn xe có khoảng hai mươi chiếc, và cứ ba chiếc lại có một người áp tải. Bên cạnh chiếc xe sau, tức là chiếc của Iegoruska, có một ông già râu bạc, cũng gầy gò nhỏ bé như cha Khrixtophor, nhưng da mặt nâu sạm đi vì nắng, vẻ mặt nghiêm khắc và tư lự. Rất có thể ông già này chẳng nghiêm khắc mà cũng chẳng tư lự gì hết, nhưng đôi mi mắt đỏ và cái mũi dài nhọn hoắt của ông khiến cho gương mặt ông có cái vẻ nghiêm khắc, khô khan thường thấy ở những người đã quen luôn nghĩ đến những việc nghiêm trang và suy tưởng một mình. Cũng như cha Khrixtophor, ông đội một chiếc mũ lễ rộng vành loại mũ của các ông lớn, mà làm bằng dạ thô màu hung, trông giống một hình nón cụt hơn là một hình trụ. Ông đi chân không. Có lẽ vì một thói quen bắt đầu có từ những đêm đông giá lạnh đã nhiều lần phải đứng tê cóng bên cạnh chiếc xe, ông ta vừa đi vừa vỗ đùi đen đét và giẫm chân thật mạnh. Thấy Iegoruska đã thức dậy, ông nhìn nó và nói, người co ro như bị lạnh:

- À, cậu bé dậy rồi đấy à? Cậu là con trai ông Ivan Ivanứts phải không?

- Không ạ, cháu là cháu gọi ông ấy bằng cậu.

- Cháu của ông Ivan Ivanứts ấy à? Còn tôi thì tôi đã cởi giày đi chân không đây này. Chân tôi đau lắm, cóng hết rồi, không đi ủng thì dễ chịu hơn... Dễ hơn đấy cậu ạ... Nghĩa là nếu không đi ủng ấy... Thế cậu là cháu ông ấy? Ông ấy là người tốt, khá lắm... Cầu Chúa cho ông ấy được sức khỏe... Khá lắm... Ấy là tôi nói Ivan Ivanứts ấy... Ông ấy đến xóm người theo đạo Kytô rồi... Lạy Chúa phù hộ!

___________

12. Ðêxiachina - một đơn vị diện tích ở nước Nga, tương đương 1,09 hécta.

13. Ở đây nói tới các nhân vật trong các tráng ca và truyện cổ tích Nga là Ilya Murométx người sinh trưởng ở thành phố Murom. Nhân vật này là một hiệp sĩ, đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược nhân dân Nga. Xolovây Radbôiních - một quái vật hung dữ.