Nữ hầu tước - Phần 1

Nữ hầu tước

MỘT CỖ XE thắng bốn con ngựa béo tốt đẹp đẽ chạy vào chiếc cổng lớn, như người ta gọi, cửa Krátxnưê của nam tu viện N; các tu sĩ và học sinh tu viện đã tụ tập đông đủ, phía nhà khách dành riêng cho các bậc quyền quý; từ đằng xa, trông thấy người xà ích và mấy con ngựa béo tốt là họ đã biết ngay người phụ nữ ngồi trong cỗ xe là nữ hầu tước Vêra Gavrilốpna quen thuộc và hảo tâm của họ.

Ông già đánh xe mặc chiếc áo đính dải bạc nhảy ra khỏi ghế và bước lại mở cửa đỡ nữ hầu tước ra. Nàng nâng tấm mạng che mặt lên, khoan thai bước lại gần các tu sĩ cho họ lần lượt làm dấu, sau đó dịu dàng gật đầu chào các học sinh rồi đi vào tu viện.

- Thế nào, vắng nữ hầu tước, các người có thấy buồn không? - nàng nói với mấy tu sĩ mang giúp đồ đạc của nàng vào. - Cả tháng vừa rồi ta không đến đây. Các người ngắm nhìn đi. À, còn cha giám mục đâu nhỉ? Trời ơi ta nóng lòng gặp cha quá. Thật là một ông già kỳ diệu. Các người cần biết tự hào là các người đã có một vị giám mục như thế.

Khi vị giám mục bước vào, nữ hầu tước mừng rỡ thốt lên, đưa tay làm dấu ngực rồi đến gần bên ông.

- Không, không! Cha hãy để cho con hôn cha! - nàng vừa nói, vừa cầm lấy tay giám mục vồ vập hôn ba lần liền. - Ôi, con thật sung sướng vì cuối cùng đã được gặp cha. Chắc cha đã quên nữ hầu tước của cha rồi, còn con thì không lúc nào không tưởng tượng ra mình được sống trong tu viện thiêng liêng này. Ở tu viện của cha thật là tuyệt diệu thưa cha tôn kính. Cách xa với cuộc đời trần tục, ở chốn thâm nghiêm này, có một cái gì đặc biệt lôi cuốn mà con cảm thấy được bằng cả tâm hồn mình tuy không sao nói ra lời được!

Gương mặt nữ hầu tước ửng đỏ, mắt nàng rơm rớm lệ. Nàng nói liền một thôi, giọng say sưa, và vị giám mục, một ông già bảy mươi tuổi, vẻ mặt nghiêm nghị, xấu xí, thì rụt rè đứng im, chỉ chốc chốc mới lại nói mấy tiếng nhát gừng theo kiểu nhà binh:

- Đúng thế, thưa bà... Vâng, tôi hiểu...

- Bà đến chơi với chúng tôi có được lâu không ạ? - vị giám mục hỏi.

- Hôm nay con sẽ ngủ lại đây, ngày mai thì đến chỗ bà Klápđia Nikôlaiépna - đã lâu con không được gặp bà ấy, ngày kia con lại trở về đây ở chừng ba, bốn hôm. Con muốn được tĩnh tâm ở chốn này ít ngày, cha đáng kính ạ!...

Nữ hầu tước thích đến tu viện N. Từ hai năm nay, nàng thích lui tới chốn này, hầu như tháng hè nào nàng cũng đến đây, ở lại chừng hai, ba ngày, có khi đến một tuần. Những học sinh rụt rè, vẻ tĩnh mịch, mái trần thâm thấp, mùi cây trắc bá, những bữa ăn thanh đạm, những tấm rèm cửa rẻ tiền - tất cả những cái đó làm nàng cảm thấy trong lòng lâng lâng, dìu dịu, thích ngắm cảnh đất trời và nghĩ tới điều thiện. Chỉ cần ở tu viện nửa tiếng đồng hồ là nàng đã bắt đầu có cảm giác rằng chính mình trở nên rụt rè, khiêm nhường, từ người nàng như cũng toát ra mùi hương cây trắc bá; quá khứ lùi về đâu xa lắc, không còn nghĩa lý gì nữa, và nữ hầu tước bắt đầu nghĩ rằng, mặc dầu nàng mới hai mươi chín tuổi, nàng vẫn giống vị linh mục già kia, cũng sinh ra không phải để hưởng giàu sang, để hưởng yêu đương và danh vọng nơi trần tục, mà để sống một cuộc đời lặng lẽ xa cách với thế giới bên ngoài, âm thầm tối tăm như những căn buồng trong tu viện...

Trong căn buồng mờ mờ tối của người tu sĩ ăn chay đang mê mải đọc kinh, có khi bất chợt rọi tới một tia nắng mặt trời, hay một con chim nhỏ nào bỗng đậu vào cửa sổ và cất tiếng hót; người tu sĩ ăn chay khắc khổ kia chắc sẽ bất giác mỉm cười, và trong trái tim nhà tu hành, từ trong nỗi lo âu về tội lỗi, như từ dưới một tảng đá đang đè nặng, bỗng tràn lên một niềm vui lặng lẽ trong trắng. Nữ hầu tước cảm thấy như chính nàng đã đem theo tới chốn này một niềm an ủi giống như tia nắng hay tiếng chim hót ngoài cửa sổ kia. Nụ cười tươi vui niềm nở của nàng, ánh mắt nhìn xinh xắn, giọng nói, câu đùa, và tất cả con người nàng, nhỏ nhắn, cân đối trong chiếc áo màu đen giản dị, chắc chắn cũng gợi cho những người tu sĩ bình thường khắc khổ ấy một niềm vui nhè nhẹ và thiết tha. Mỗi tu sĩ nhìn lên nàng chắc đều phải nghĩ rằng: “Chúa đã phái tới chúng ta một thiên thần”... Cảm thấy rằng mỗi người tu sĩ đều đang nghĩ như thế, nữ hầu tước càng cố cười cho ra vẻ niềm nở hơn, cố làm cho mình giống như con chim hót ngoài cửa sổ.

Uống một chút nước chè và nghỉ một lúc, nàng bước ra ngoài đi dạo. Mặt trời đã lặn. Trong vườn tu viện, những bông hoa mộc tê thảo vừa được tưới tỏa hương thơm ngào ngạt, từ phía nhà thờ nghe vọng lại những giọng nam hát xa xa có lẽ là buồn buồn, êm dịu. Họ đang làm lễ cầu kinh buổi tối. Từ ánh đèn dầu le lói qua những khung cửa sổ sẫm tối đến hình dáng người tu sĩ già ngồi trên bậc thềm nhà thờ, gần bên tượng Chúa xin của bố thí, toát ra một vẻ gì thật thanh cao, yên tĩnh, đến nỗi nữ hầu tước cảm thấy mình muốn khóc...

Phía ngoài cổng lớn, trên con đường men theo bờ tường và những hàng bạch dương, nơi đặt những chiếc ghế băng dài, bóng tối đã phủ xuống. Không gian tối đi rất nhanh... Nữ hầu tước đi dạo trên con đường nằm giữa hai hàng cây, ngồi xuống ghế và miên man suy nghĩ.

Nàng nghĩ rằng tốt hơn hết có lẽ nên dọn đến sống suốt đời ở tu viện này, nơi cuộc sống thật bình yên, lặng lẽ như một buổi chiều hè, tốt hơn hết là quên hẳn người chồng bội bạc, sa đọa, quên hẳn cái gia tài nguy nga đồ sộ, quên hẳn những tên chủ nợ ngày nào cũng quấy rầy nàng, quên những điều bất hạnh của mình và quên cả đứa hầu gái Đasa mà sáng trông thật dữ tợn. Thật là khoan khoái biết bao nếu nàng có thể ngồi lại chiếc ghế này suốt đời nhìn qua những hàng cây bạch dương và thấy sương chiều nhè nhẹ bay dưới chân đồi, từ phía cánh rừng xa tít tắp đàn quạ nhịp nhàng bay về tổ như một dải khăn voan, và hai học sinh, một người cưỡi con ngựa khoang, một người chạy bộ, cả hai đang xua đàn ngựa ăn đêm - vui thú với cảnh trời khoáng đãng, cả hai người cùng đùa giỡn như trẻ thơ; giọng nói trẻ trung của họ vang đi khắp khoảng không gian tĩnh mịch, nghe rõ từng tiếng một. Thật là khoan khoái biết bao, khi ngồi đây và lắng nghe tiếng gió nhè nhẹ thổi lao xao trên những ngọn bạch dương, tiếng ếch nhái nhảy lạo xạo trong đám lá khô, tiếng đồng hồ sau bức tường kia chốc chốc lại điểm mười lăm phút... Giá như được ngồi yên ở đây, lắng nghe và suy nghĩ, suy nghĩ miên man...

Một bà lão vai đeo chiếc túi, đi qua. Nữ hầu tước nghĩ rằng, có lẽ nên mời bà lão dừng lại, nói với bà một điều gì thật chân tình, dịu dàng và giúp đỡ bà... Nhưng bà lão không hề quay nhìn nàng một lần nào và rẽ quặt sau bờ tường.

Một lát sau, trên con đường ấy xuất hiện một người đàn ông cao, chòm râu bạc trắng, đầu đội mũ rơm. Đi ngang qua chỗ nữ hầu tước ngồi, người đó ngả mũ, cúi chào nàng; nhìn vào mái đầu hói, cái mũi cao khoằm khoằm của người đàn ông nàng nhận ra đó là thầy thuốc Mikhain Ivanôvíts, người trước đây năm năm đã từng làm việc trong nhà nàng ở Đubốpki. Nàng nhớ lại có người nào đã nói cho nàng biết rằng năm ngoái vợ ông thầy thuốc này đã chết và nàng muốn nói với ông ta một lời an ủi.

- Chắc ông không nhận ra tôi nữa phải không? - nàng hỏi, miệng cười niềm nở.

- Không đâu, thưa bà hầu tước, tôi vẫn nhận ra bà, - người thầy thuốc nói, lại ngả mũ một lần nữa.

- Ồ, thế thì cảm ơn ông, tôi lại cứ ngờ rằng, ông đã quên mất người nữ hầu tước xưa rồi. Con người ta thường chỉ nhớ những kẻ thù của mình, còn bạn bè thì hay quên mất. Ông đến đây cầu nguyện ư?

- Tối thứ bảy nào tôi cũng có bổn phận đến ngủ ở đây. Tôi chữa bệnh ở đây.

- Thế nào, dạo này ông sống ra sao? - nữ hầu tước vừa thở dài vừa hỏi. - Tôi nghe nói vợ ông vừa mới mất! Thật là đau khổ!

- Vâng, thưa bà, đối với tôi đó là một nỗi đau khổ lớn.

- Biết làm thế nào được! Chúng ta phải an phận mà chịu đựng những điều bất hạnh. Không có ý Chúa thì đến sợi tóc cũng không thể rụng ra được.

-Vâng, thưa bà.

Đáp lại nụ cười niềm nở dịu dàng và tiếng thở dài ra chiều thương cảm của nữ hầu tước, người thầy thuốc chỉ nói lạnh lùng, khô khan: “Vâng, thưa bà”. Và nét mặt của ông cũng lạnh lùng, khô khan như vậy.

“Có thể nói với ông ta điều gì nữa?” - nữ hầu tước nghĩ thầm.

- Này, mà chúng ta đã bao lâu không gặp nhau rồi nhỉ? - nàng hỏi. - Năm năm rồi! Trong khoảng thời gian ấy, bao nhiêu nước đã trôi ra biển, bao nhiêu sự đổi thay đã xảy ra, chỉ thoáng nghĩ tới thôi cũng đã thấy thật là khủng khiếp! Chắc ông biết đấy, tôi đã đi lấy chồng... từ bá tước trở thành hầu tước. Và cũng đã ly dị với ông ta rồi.

- Vâng, tôi có nghe nói.

- Chúa bắt tôi phải chịu nhiều thử thách. Chắc ông cũng đã nghe thấy rằng tôi hầu như bị phá sản. Để trả những món nợ của người chồng bất hạnh, tôi phải bán mấy trang ấp ở Đubốpki, ở Kiriakôvô và ở Xôphinô. Bây giờ tôi chỉ còn trang ấp ở Baranôvô và Mikhanxevô. Nhìn lại quá khứ thật là khủng khiếp: biết bao đổi thay, bao nhiêu điều bất hạnh, bao nhiêu lầm lỗi.

- Vâng, thưa bà, biết bao nhiêu lỗi lầm.

Nữ hầu tước hơi bối rối một chút. Nàng biết rõ những lỗi lầm của mình; nhưng tất cả những lỗi lầm ấy đều riêng tư đến mức chỉ một mình nàng mới có thể nghĩ và nói đến chúng. Nàng không nén được, bèn hỏi luôn:

- Ông nghĩ đến những lỗi lầm nào vậy?

- Bà đã nhắc đến, chắc là bà cũng đã biết... - người thầy thuốc trả lời và cười khẩy. - Còn biết nói thế nào nữa?

- Không, ông ạ, ông cứ nói đi. Tôi sẽ rất biết ơn ông. Xin ông đừng e ngại gì. Tôi thích nghe lời nói thẳng.

- Thưa nữ hầu tước, tôi không phải là quan tòa.

- Không phải quan tòa ư? Ông nói giọng như thế chắc là ông đã biết nhiều điều. Ông cứ nói đi.

- Nếu bà đã muốn nghe, thì xin cho phép tôi nói. Chỉ tiếc rằng tôi không biết diễn đạt rõ ràng và không phải bao giờ người ta cũng hiểu được tôi.

Người thầy thuốc nghĩ một lát rồi bắt đầu nói:

- Lỗi lầm thì có nhiều, nhưng có thể nói rằng, theo ý riêng tôi, lỗi lầm lớn nhất là ở cái không khí chung, cái không khí... chung bao trùm tất cả trang ấp của bà. Bà thấy đấy, tôi không biết cách diễn đạt. Tôi muốn nói rằng điều chủ yếu nhất là cái thái độ thù ghét, thái độ hắt hủi con người có thể thấy rõ ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Tất cả lối sống trong trang ấp của bà là dựa trên cái thái độ thù ghét hắt hủi đó. Thù ghét với giọng nói, gương mặt con người, thù ghét khi phải nhìn gáy họ, nhìn bước chân họ... nói gọn lại là ghê tởm tất cả những gì tạo nên con người. Trong các ngôi nhà của bà, trên tất cả mọi cửa ra vào, mọi lối lên cầu thang đều có những người hầu mặc áo đính dải bạc, vẻ mặt no nê, lỗ mãng, lười nhác đứng chực sẵn không để cho một người nào ăn mặc tồi tàn bước vào; ở nhà ngoài thì bao giờ cũng đặt những chiếc ghế có tựa rất cao để trong những lúc có dạ hội khiêu vũ hay tiệc tùng, bọn người hầu không tựa đầu làm bẩn được tường nhà; trong mọi căn phòng đều trải những tấm thảm dày để khỏi phải nghe thấy tiếng chân người; bất kỳ người nào đến nhà bà cũng bắt buộc được nhắc trước rằng phải nói nhỏ hơn, ít hơn và không nói ra những gì có thể làm ảnh hưởng xấu đối với thần kinh của chủ nhân. Còn trong phòng làm việc của bà thì không bao giờ người ta chìa tay ra với ai, không bao giờ người ta mời ngồi, như lúc này đây bà cũng không hề chìa tay và mời tôi ngồi...

- Xin mời ông, nếu ông muốn thế. - Nữ hầu tước nói, tay chìa ra và mỉm cười. - Thực là ông tức giận vì điều nhỏ nhặt thế kia...

- Tôi tức giận thật ư? - người thầy thuốc cười vang, nhưng liền đó ông bỗng cầm lấy mũ hoa hoa lên và chuyển giọng nói say sưa - Nói thẳng ra rằng, từ lâu tôi đã chờ dịp nói với bà tất cả mọi điều... Tôi muốn nói rằng đối với bất cứ ai, bà cũng nhìn người ta như Napôlêông, nghĩa là coi người ta như đống thịt cho đại bác bắn vào. Nhưng Napôlêông còn có một tư tưởng nào đó, chứ bà thì chẳng có gì khác ngoài thái độ thù ghét con người.

- Tôi mà thù ghét con người ư? - nữ hầu tước mỉm cười nói, kinh ngạc nhún vai, - tôi mà thế ư?

- Vâng, đúng là bà như thế! Bà cần có dẫn chứng ư? Thì đây, ở trang ấp Mikhanxevô của bà bây giờ có ba người ăn mày trước kia làm đầu bếp cho bà rồi bị mù vì hơi nóng bếp lò. Trên khắp miền đất đai rộng hàng chục ngàn đêxiachina của bà, tất cả những thanh niên lực lưỡng, trẻ đẹp nhất được bà và những kẻ nịnh bợ sống nhờ bà lấy về làm kẻ hầu hạ, kẻ đánh xe. Tất cả những thanh niên ấy đều được dạy dỗ thành kẻ hầu hạ, dần biến thành giống vật hai chân, thô lỗ, cục cằn, mất hết tính cách con người, nói chung... Bà làm cho bao nhiêu người thầy thuốc trẻ tuổi, bao nhiêu nhà giáo, nhà nông học và nói chung là những người trí thức phải lìa bỏ công việc nghiên cứu lương thiện của mình, bắt họ phải vì miếng ăn mà tham dự vào những tấn hài kịch kinh khủng mà bất cứ người đứng đắn nào cũng cảm thấy xấu hổ! Một người trẻ tuổi nào đấy chỉ cần làm việc cho bà chưa đầy ba năm là trở thành một kẻ đạo đức giả, ưa ton hót, nịnh nọt... Điều đó có gì là hay ho? Những tên quản gia người Ba Lan của bà là những kẻ chuyên nghề dò xét bỉ ổi, cái bọn Kadimir và Kaêtan ấy sục sạo suốt từ sáng đến đêm tất cả miền đất rộng hàng vạn đêxiachina của bà và theo ý muốn của bà luôn luôn chỉ bóc lột thôi. Xin lỗi tôi được nói lộn xộn một chút, như thế cũng không sao đâu! Bà không bao giờ coi những kẻ nghèo hèn là con người cả. Và cả những vị bá tước, hầu tước, những giám mục đến chơi với bà, bà cũng chỉ coi là những vật trang trí đâu phải là những con người. Nhưng điều chủ yếu nhất... điều chủ yếu nhất, làm tôi công phẫn hơn cả là - bà có một gia sản trị giá hơn triệu bạc mà không hề làm gì ích lợi cho mọi người, không hề làm gì!

Nữ hầu tước ngồi nghe, vừa ngạc nhiên, sợ hãi, tức giận, vừa không biết phải nói thế nào và tỏ thái độ ra sao. Từ trước đến nay chưa từng có ai nói với nàng bằng giọng như vậy. Giọng nói đầy giận dữ, khó chịu của người thầy thuốc và những lời khó nhọc vụng về của ông làm tai nàng ù lên, và lập tức nàng có cảm giác như là người thầy thuốc đang hoa hoa tay vung mũ đập vào đầu mình.

- Không đúng đâu! - nàng nói nhỏ, giọng như van lơn. - Tôi đã làm nhiều điều tốt l đối với mọi người, điều đó chắc ông cũng biết!