Nữ hầu tước - Phần 2

- Thôi đủ rồi! - người thầy thuốc kêu lên. - Lẽ nào bà vẫn tiếp tục coi những hành động từ thiện của bà là một công việc nghiêm chỉnh đầy ích lợi, chứ không phải là một tấn hài kịch sao? Đó chỉ là một tấn hài kịch từ đầu đến cuối, đó là một trò chơi và tỏ tình yêu đối với người khác, một trò chơi hoàn toàn, đến trẻ con, đến các bà u mê nhất cũng nhận thấy! Cứ thử lấy thí dụ như cái nhà, gọi thế nào nhỉ, nhà làm phúc dành cho những bà lão tứ cố vô thân, mà bà đã từng bắt tôi đóng vai thầy thuốc trưởng còn bà thì tự nhận là người đỡ đầu danh dự. Trời, thật khó mà tưởng tượng được cái ngôi nhà từ thiện ấy khủng khiếp như thế nào. Người ta đã dựng nên một ngôi nhà có sàn lát ván, trên mái cắm mũi tên nhỏ quay chỉ chiều gió, tập hợp trong mấy làng được chừng mười bà già rồi bắt họ ngủ, đắp chăn cào bông lót vải lanh Hà Lan và ăn kẹo đường phèn.

Người thầy thuốc cười sằng sặc lấy mũ che miệng, ông nói tiếp, giọng vẫn vội vàng, khó nhọc:

- Quả là một trò chơi. Những kẻ bần tiện mà bà đã sai phục dịch các bà lão đó đã đem giấu chăn chiếu vào một buồng rồi khóa lại, để các bà già khỏi làm bẩn chúng - mặc kệ mấy mụ già cho họ nằm xuống sàn nhà mà ngủ. Các bà lão không ai dám ngồi lên giường, dám mặc áo bà phát cho, dám đi lại trên nền nhà bóng nhẵn. Tất cả mọi thứ đều được duy trì chỉ để trưng bày, phô trương và giấu không cho các bà lão thấy như giấu những tên ăn trộm; các bà lão đã âm thầm cam chịu sống qua như vậy; ngày đêm cầu nguyện Chúa mau mau giải thoát họ ra khỏi cảnh cầm tù này, giải thoát họ khỏi sự dạy dỗ của những kẻ bần tiện no nê mà bà đã cắt đặt đến trông nom họ. Thế còn những kẻ khác trong tay bà cai quản thì làm gì? Ô, điều đó thì thật là kỳ lạ! Cứ hàng tuần, hai lần vào buổi tối, bà sai ba mươi lăm nghìn người tùy phái để báo khắp nơi là ngày mai nữ hầu tước, tức là bà, sẽ đến thăm nhà làm phúc. Điều đó có nghĩa là ngày mai tôi cần phải bỏ những người bệnh lại, đóng bộ chỉnh tề và đi dự lễ rước đón bà. Thôi được rồi, tôi đến nơi đó. Các bà lão đều mặc sống áo mới tinh tươm, sạch sẽ và đứng thành hàng chờ đợi. Lão quản gia vốn là một tên lính què giải ngũ đi đi lại lại bên cạnh họ, miệng mỉm cười đầy vẻ nịnh bợ, hèn hạ. Các bà lão ngán ngẩm ngáp dài, liếc nhìn nhau, nhưng không một ai dám kêu ca. Tất cả mọi người chờ. Mới đầu một viên tiểu quản gia cưỡi ngựa đến. Chừng nửa giờ sau viên chánh quản gia đến, tiếp đấy là viên tổng quản gia thực phẩm, rồi những ông gỉ ông gì nữa đến... đông vô kể. Vẻ mặt ai ai cũng bí ẩn, nghiêm trang. Mọi người cứ thế đứng chờ, đứng chờ, luôn luôn đổi chân cho đỡ mỏi, chốc chốc lại liếc nhìn đồng hồ - tất cả những điều ấy diễn ra im phăng phắc như trong nhà mồ, vì tất cả mọi người chúng tôi đều ghét nhau và coi nhau như kẻ thù. Một giờ, hai giờ trôi qua, và cuối cùng, một cỗ xe hiện ra từ đằng xa, và... và...

Người thầy thuốc cười khe khẽ và nói bằng một giọng nhỏ nhẹ:

- Bà bước xuống xe, và tất cả cái đám gia nô yêu quái của bà theo sự điều khiển của viên quản gia đồng thanh cất tiếng hát: “Chúa của chúng ta nổi tiếng ở vương quốc của Người đến nỗi chúng con không nói nên lời...”(1) Nghe cũng được đấy chứ?

Người thầy thuốc cất giọng cười ồm ồm, hất tay như ra hiệu rằng vì buồn cười quá mà ông không thể nói tiếp được lời nào. Ông cười khó nhọc, hàm răng nghiến chặt như một kẻ tàn nhẫn; qua giọng nói, vẻ mặt, ánh mắt hơi dữ tợn của ông cũng có thể hiểu được rằng ông đã khinh bỉ sâu xa cả bà hầu tước, cả ngôi nhà làm phúc và cả các bà lão. Trong tất cả những điều ông vừa kể một cách vụng về, thô thiển đó, không có một chút gì là vui vẻ, đáng buồn cười cả, nhưng ông vẫn cười vang với vẻ thú vị và sung sướng nữa là đằng khác.

- Còn trường học thì thế nào? - ông tiếp tục nói, khó nhọc thở vì cười nhiều. - Bà còn nhớ không? Chính bà đã muốn tự mình dạy trẻ con nông dân học. Chắc là bà dạy hay lắm, vì rằng chỉ ít lâu sau tất cả bọn trẻ con đều bỏ trốn hết, nên sau đó phải đánh đập chúng, bỏ tiền ra thuê chúng đến cho bà dạy. Bà còn nhớ rằng bà đã từng muốn tự tay mình cầm chai sữa cho trẻ thơ bú, lúc mẹ chúng phải làm việc ngoài đồng không? Bà đã đi khắp làng và khóc vì tiếc rằng không có một đứa bé nào để bà rủ lòng thương theo lối đó. Tất cả các bà mẹ đều mang theo con nhỏ của mình ra đồng. Sau đó viên trưởng thôn phải ra lệnh cho các bà mẹ lần lượt để con nhỏ lại cho bà giải trí. Thật là kỳ quặc! Tất cả mọi người đều tránh xa lòng từ thiện của bà như chuột tránh mèo! Vì sao lại thế? Thật là dễ hiểu. Không phải vì rằng dân chúng ở đây u mê và vô ơn như bà vẫn thường giải thích, mà vì rằng trong tất cả những trò giải trí của bà, xin lỗi là đã dùng chữ như vậy, không có lấy một chút tình thương, một chút lòng thành nào, mong cứu giúp mọi người! Chỉ có một ý muốn duy nhất là muốn được chơi những con búp bê sống, không có gì khác hơn... Ai không biết phân biệt con người với chó nhỏ thì người đó không nên can dự vào những việc từ thiện. Tôi muốn khẳng định với bà rằng, giữa con người và chó nhỏ - là cả một sự khác biệt to lớn!

Nữ hầu tước cảm thấy tim mình đập mạnh khủng khiếp, tai ù lên, nàng vẫn có cảm giác rằng người thầy thuốc đang quật mũ vào đầu mình. Người thầy thuốc tiếp tục nói với giọng sôi nổi, vội vã, khó nhọc, lời nào cũng kèm theo điệu bộ. Nữ hầu tước chỉ có thể hiểu được một điều rằng người đang nói với nàng là một kẻ lỗ mãng, vô giáo dục, độc ác, vô ơn, con người đó nói những gì, muốn đòi hỏi ở nàng cái gì - thì nàng hoàn toàn không hiểu.

- Thôi, ông đi đi! - nàng nói với giọng gần như khóc, hai bàn tay giơ lên như muốn che đầu mình để khỏi bị chiếc mũ của người thầy thuốc đập vào. - Ông đi đi cho!

- Đối với những kẻ phục dịch trong nhà, bà đã đối xử thế nào? - người thầy thuốc giận dữ nói tiếp. - Bà không coi họ là người, bà khinh miệt họ như thể họ là những kẻ đểu giả, ti tiện nhất. Chẳng hạn như, xin được hỏi bà rằng, vì lý do gì bà đã đuổi tôi ra? Tôi đã từng phục dịch cha bà mười năm rồi tiếp đấy là đến bà, nói thật là suốt bấy nhiêu năm ấy, tôi không hề biết ngày lễ, kỳ nghỉ nào, trong khắp một vùng rộng hàng trăm vécxta ai ai cũng mến tôi, thế rồi đến một ngày kia, bỗng nhiên người ta bảo tôi rằng tôi không làm ở đây được nữa. Vì lẽ gì? Đến giờ tôi cũng không hiểu nổi! Tôi là một bác sĩ y khoa, xuất thân quý tộc, nguyên là sinh viên trường đại học tổng hợp Maxcơva, có một gia đình và là một con người hèn mọn đến mức người ta có thể đẩy cổ xua đi mà không cần phải giải thích vì lý do gì! Việc gì mà phải tỏ thái độ lịch thiệp đối với tôi! Sau này tôi nghe người ta nói lại rằng, vợ tôi đã giấu tôi ba lần đến nhà bà để xin cho tôi và cả ba lần bà đều không tiếp. Người ta kể rằng, vợ tôi đã phải ngồi khóc ở nhà ngoài. Tôi không bao giờ tha thứ cho lỗi lầm ấy của vợ tôi, người vợ quá cố! Không bao giờ tha thứ!

Người thầy thuốc ngừng nói, mím chặt môi, căng óc cố nghe xem có thể nói được gì thêm thật độc địa, cho hả mối thù xưa. Ông chợt nhớ ra điều gì, khuôn mặt rầu rầu, lạnh lùng của ông bỗng sáng lên:

- Hãy thử xem thái độ của bà đối với tu viện này như thế nào? - ông lại vội vã nói tiếp. - Không bao giờ bà xót thương gì một ai, chỗ nào càng thiêng liêng bao nhiêu thì chỗ ấy càng có nhiều khả năng may mắn được bà ra tay cứu giúp, phù hộ độ trì. Bà hay đến chỗ này để làm gì vậy? Xin được hỏi bà rằng bà cần cái gì ở những nhà tu hành này? Đối với bà thì Ghêkuba là ai, đối với Ghêkuba thì bà là ai?(2) Lại vẫn chỉ là một trò chơi, trò giải trí, một sự khinh miệt đối với con người, không hơn không kém. Bà có tin vào Chúa của các vị tu hành đâu, trong lòng bà có một chúa riêng mà bà đã tự tìm ra trong khi nghiên cứu thuyết thông linh; đối với mọi nghi lễ nhà thờ bà kênh kiệu, rẻ rúng, bà không hề đi lễ sáng lễ tối, bà ngủ đến trưa mới dậy... vậy thì bà còn đến đây để làm gì?... Bà có vị chúa riêng của mình mà lại đến tu viện thờ một chúa khác, rồi bà lại tự nghĩ rằng, cả tu viện sẽ coi đó là một điều vinh dự phi thường đối với mình! Thật là quá quắt! Bà cứ thử hỏi xem, các tu sĩ đã phải bận rộn thế nào những khi bà hạ cố đến đây? Bà đến đây chiều tối hôm nay thì trước đây ba hôm bà đã sai người cưỡi ngựa đến báo trước rằng bà sắp tới thăm. Suốt cả ngày hôm qua, mọi người đã phải sửa soạn buồng cho bà và chờ đợi đón bà. Ngày hôm nay con hầu đến trước, nó nhâng nhâng nháo nháo, chỗ nào cũng sục vào, vặn vẹo hỏi han... thật không thể nào chịu được! Cả ngày hôm nay, các tu sĩ đều phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng. Vì nếu họ không đón tiếp bà một cách long trọng thì khốn to! Bà sẽ than phiền với vị giám mục: “Thưa đức cha, các tu sĩ họ không mến con. Không biết con đã làm gì mà họ giận. Con biết con là một kẻ mắc nhiều lỗi lầm, nhưng con bất hạnh lắm!” Đã có tu viện bị khiển trách vì bà rồi đấy. Vị giám mục tổng quản tu viện là một người học vấn uyên thâm, ông ta bận việc suốt ngày, không có phút nào rỗi, thế mà bà còn đòi ông ta đến buồng bà thăm hỏi. Thật là không còn biết kính trọng gì đến tuổi tác, đến chức vị nữa. Nếu bà đã hiến nhiều của thì cũng không phải trách móc bà nhiều, đằng này suốt cả thời gian ấy tu sĩ cũng không nhận được của bà đến trăm rúp!

Khi có người nào không hiểu nữ hầu tước, làm nàng phải lo âu, giận dỗi, khi nàng không biết phải nói gì, hay làm gì thì thường là nàng bắt đầu khóc. Và bây giờ, cuối cùng, nàng cũng đã che mặt òa lên khóc thút thít như đứa trẻ.

Người thầy thuốc bỗng im bặt và nhìn lên nàng. Khuôn mặt ông bỗng tối sầm lại và trở nên cau có.

- Tha lỗi cho tôi, thưa nữ hầu tước, - ông nói với giọng khô khốc. - Tôi không kìm được lòng tức giận và đã nói nhiều lời bất lịch sự với bà. Điều đó là không nên.

Người thầy thuốc ngượng ngùng, húng hắng ho, rồi vội vàng bỏ đi, quên cả đội mũ.

Sao đã lốm đốm hiện ra trên nền trời. Phía bên kia tu viện chắc trăng đã mọc. Phía ấy, bầu trời trong suốt dìu dịu sáng. Dọc bên bờ tường tu viện màu trăng trắng, những con dơi lặng lẽ chao đi chao lại.

Đồng hồ hong thả điểm ba tiếng, có lẽ đã 8 giờ 45 phút rồi. Nữ hầu tước đứng dậy và đi về phía cổng. Nàng cảm thấy bị xúc phạm, nàng khóc và có cảm giác rằng hình như từ cây cối, trăng sao, đến những con dơi cũng đang thương cảm nàng; tiếng đồng hồ thánh thót điểm cũng là để tỏ nỗi xót thương nàng. Nàng khóc và nghĩ rằng có lẽ tốt hơn hết là nàng đến đây ở suốt đời. Vào những buổi chiều hè êm ả, nàng sẽ đi dạo một mình trên con đường vắng vẻ này, mọi người xúc phạm, hắt hủi nàng, không hiểu nàng, chỉ có một mình Chúa và bầu trời cao xa kia nhìn thấy những giọt nước mắt của người con gái bất hạnh. Trong nhà thờ lễ cầu kinh vẫn tiếp tục. Nữ hầu tước dừng lại và lắng nghe tiếng hát trầm trầm vọng lại, tiếng hát ấy nghe thật quyến luyến êm đềm biết bao giữa khoảng không gian sẫm tối, tĩnh mịch này. Và thật là ngọt ngào biết bao, khi được khóc, được đau khổ trong tiếng hát ấy!

Trở về buồng riêng trong tu viện, nàng nhìn lên mặt mình còn đẫm nước mắt trong gương, xoa ít phấn kem, rồi ngồi vào bàn ăn bữa tối. Các tu sĩ đã biết tính nàng thích ăn món cá tầm ngâm giấm, nấm hương, rượu nho và bánh bích quy phết mật ong - ăn thứ bánh này, miệng thơm thơm mùi hương cây trắc bá; lần nào nàng đến đây, họ đều dọn cho nàng ăn các món ấy. Lúc ăn nấm hương nhắm với rượu nho, nàng mơ ước đến ngày nàng sẽ hoàn toàn bị phá sản và bị bỏ rơi, tất cả bọn hầu hạ, quản gia mà nàng đã cho chịu ơn rất nhiều sẽ bội phản nàng, sẽ nói với nàng những điều cục cằn, thô lỗ, tất cả mọi người sống trên trái đất này sẽ công kích, giễu cợt nàng, nói với nàng những lời độc địa; lúc ấy nàng sẽ từ bỏ tước vị hầu tước, từ bỏ cảnh phồn hoa bỏ bạn bè mà đi vào tu viện, không hề trách móc ai một lời nào hết; nàng sẽ cầu nguyện cho chính kẻ thù của mình, và lúc ấy mọi người chợt hiểu tấm lòng thành của nàng, sẽ đến bên nàng xin tha thứ, nhưng đã muộn...

Sau bữa ăn, nàng quỳ xuống bên tấm ảnh Chúa đặt trong góc phòng và đọc hai chương trong Phúc âm. Sau đấy con hầu vào sửa soạn chăn đệm cho nàng và nàng lên giường ngủ. Duỗi thẳng mình dưới tấm chăn màu trắng, nàng thở phào khoan khoái như vẫn thường thấy ở nhiều người khi mới hết khóc, nàng nhắm mắt lại và dần dần thiêm thiếp ngủ...

Sáng hôm sau nàng tỉnh dậy và nhìn lên đồng hồ đeo tay nhỏ của mình: đã chín giờ rưỡi rồi. Qua khe cửa sổ, một vệt sáng nhỏ lọt vào căn buồng tôi tối và in lên tấm thảm trải cạnh giường. Phía bên ngoài rèm cửa sổ màu đen, nghe vo vo tiếng ruồi bay.

“Còn sớm quá!” - nữ hầu tước nghĩ thầm và nhắm mắt

Khoan khoái nằm trong chăn đệm thơm tho, mềm mại, nàng nhớ lại lần gặp gỡ hôm qua với người thầy thuốc, nhớ lại những ý nghĩ đã đến với nàng tối hôm qua, trước khi nàng đi ngủ; nàng nhớ lại rằng mình thật bất hạnh. Tiếp đó nàng nhớ đến người chồng đang sống ở Pêtérburg, những viên quản gia, thầy thuốc, láng giềng, những viên chức quen biết... Cả một dãy dài những khuôn mặt đàn ông quen thuộc hiện ra trong trí tưởng tượng của nàng. Nàng mỉm cười và nghĩ rằng, nếu tất cả những người ấy có thể hiểu thấu lòng nàng thì chắc họ đều sẽ quỳ xuống bên chân nàng...

Vào lúc 11 giờ 15 phút nàng gọi con hầu lên.

- Đasa, sửa soạn áo xống cho ta, - nàng uể oải nói. - Nhưng mà trước tiên hãy đi báo thắng ngựa vào xe. Lát nữa ta phải đến chỗ bà Klápđia Nikôlaiépna.

Từ trong buồng đi ra xe, nàng nheo mắt lại trước ánh nắng chan hòa buổi sáng, nàng khoan khoái mỉm cười, hôm nay thật đẹp trời! Đưa cặp mắt nheo nheo nhìn các tu sĩ tụ tập đứng ngoài hiên để tiễn, nàng niềm nở gật đầu chào và nói:

- Từ biệt nhé, các bạn thân mến của tôi! Hẹn ngày kia gặp lại!

Nàng ngạc nhiên một cách thú vị khi thấy bên cạnh các tu sĩ đứng ngoài hiên có cả người thầy thuốc nữa. Vẻ mặt ông trông nhợt nhạt và khắc khổ.

- Thưa nữ hầu tước, - ông vừa nói vừa bỏ mũ xuống và ngượng ngập mỉm cười như người có lỗi, - tôi chờ bà ở đây đã lâu. Xin bà tha lỗi cho... Tôi đã không kìm được lòng ham muốn trả thù nhỏ nhen, hôm qua tôi đã nói với bà nhiều lời hồ đồ, thô lỗ. Tôi muốn xin bà tha lỗi cho tôi.

Nàng mỉm cười độ lượng và chìa tay ra cho ông. Ông hôn tay nàng, mặt đỏ bừng.

Cố làm ra vẻ giống một con chim, nàng bước nhanh lên xe như nhẹ lướt, và gật đầu chào khắp mọi phía. Nàng cảm thấy tâm hồn mình thật tươi vui, thanh thoát, ấm áp và nụ cười của mình thật êm dịu, ngọt ngào. Khi cỗ xe ra khỏi cổng, chạy trên con đường đất bụi bên những ngôi nhà gỗ và vườn cây, bên đám dân buôn và dòng người vào tu viện đi lễ, nàng vẫn nheo nheo mỉm cười hiền dịu. Nàng nghĩ rằng không có gì hạnh phúc hơn là đem đến khắp nơi nơi niềm vui ấm áp, trong sáng, bỏ qua những điều giận dữ, và niềm nở, độ lượng mỉm cười với kẻ thù của mình. Những người nông dân đi ngược chiều cúi xuống chào nàng, bánh xe nhè nhẹ lăn, cuộn lên đám bụi nhỏ theo gió đưa về phía ruộng lúa mạch màu vàng óng, và nữ hầu tước có cảm giác rằng tấm thân nàng không phải đang đung đưa trên ghế đệm dày êm của cỗ xe mà đang dập dìu trên mây cao và chính nàng cũng giống như một đám mây bồng bềnh trong suốt...

- Ôi, ta thật hạnh phúc biết bao! - nàng nhắm mắt lại, thì thầm thốt lên. - Thật hạnh phúc biết bao!

___________

1. Trích trong một bài ca tôn giáo. Nhạc của Ð.X. Boóctơnhianxki (1751-1825), lời của M.M. Khêraxkốp (1733-1807).

2. Nói phỏng theo một câu trong vở bi kịch “Hămlét” của Sếchxpia.