Buồn nôn - Chương 06

Tôi đã trở lại với những suy tư ngày hôm qua. Tôi hoàn toàn dửng dưng: không có được những cuộc phiêu lưu trong quá khứ, điều ấy tôi chả cần. Tôi chỉ tò mò muốn tìm biết xem có phải không thể nào có được những cuộc phiêu lưu đó trong quá khứ hay không.

Đây là điều tôi đã suy tư: muốn cho một biến cố tầm thường nhất trở nên một cuộc phiêu lưu, phải cần và chỉ cần người ta bắt đầu thuật lại nó. Đấy là điều dối gạt thiên hạ: một con người luôn luôn là một kẻ kể lại những câu chuyện, y sống trong sự vây phủ chung quanh bởi những câu chuyện của y và của những người khác, y nhìn tất cả những gì đang xảy đến cho mình xuyên qua chúng, và y tìm cách sống đời sống mình như thể y đã thuật nó lại cho người khác.

Nhưng phải chọn lựa: sống hay là thuật lại đời sống. Chẳng hạn khi tôi ở Hambourg với cô nàng Erna, người tôi không tin cậy và sợ hãi tôi, tôi đã hiện hữu một cách kỳ quặc. Song tôi đang ở trong cuộc, tôi đã không suy nghĩ gì đến điều đó. Rồi một buổi chiều, trong một quán cà phê nhỏ tên là San Paulí, nàng rời tôi để vào phòng rửa mặt. Tôi còn lại một mình, chiếc máy hát đang chơi bản Blue Sky. Tôi khởi sự thuật lại cho mình nghe những gì đã xảy ra kể từ khi tôi bị đẩy vào cuộc. Tôi đã tự bảo: “Buổi chiều ngày thứ ba, khi bước vào khiêu vũ trường Grott Bleue, tôi đã chú ý đến một thiếu phụ to lớn gần như say khướt. Và thiếu phụ nọ, chính là kẻ tôi đang chờ đợi vào ngay lúc này, đang khi nghe bản Blue sky, và nàng sẽ trở lại ngồi vào bên phải, choàng tay ôm lấy cổ tôi”. Lúc bấy giờ, tôi đã cảm thức mãnh liệt rằng mình đang có một cuộc phiêu lưu. Nhưng Erna đã trở lại, nàng đã ngồi xuống cạnh tôi, vòng tay ôm quấn lấy cổ tôi và tôi đã ghét giận nàng mà không biết rõ vì sao. Giờ đây, tôi hiểu rõ: đấy là vì tôi phải khởi sự sống trở lại, và ấn tượng về cuộc phiêu lưu tan biến ngay tức khắc.

Khi người ta sống, chẳng có gì xảy đến. Những bối cảnh thay đổi, người người đi ra đi vào, chỉ có thế. Không bao giờ có những lúc khởi đầu. Ngày tháng nối tiếp ngày tháng, không tiết điệu, không lý do, đấy là một con toán cộng bất tận và đơn điệu, buồn nản. Thỉnh thoảng, người ta lại đưa ra một tổng số có tính chất phần bộ: người ta bảo: tôi đi du lịch ba năm rồi, ba năm rồi tôi ở Bouville. Cũng chẳng có kết thúc nữa: người ta không bao giờ xa lìa một người đàn bà, một người bạn, một thành phố trong một lần thiên thu duy nhất. Rồi tất cả lại tập hợp lại: Thượng Hải, Mạc Tư Khoa, Alger, chừng khoảng mười lăm thành phố, y hệt như nhau. Thỉnh thoảng - hiếm khi - người ta định vị trí cho hiện tại, người ta nhận ra mình đang sống lang bang với một thiếu phụ, đang dấn mình vào trong một câu chuyện nhơ nhớp. Thời gian của một lằn chớp. Sau đó, cuộc diễn hành khởi sự lại, người ta lại bắt đầu cộng lại những giờ, những phút, những ngày. Thứ hai, thứ ba, thứ tư. Tháng tư, tháng năm, tháng sáu. 1924, 1925, 1926.

Đó, cái đó chính là sống. Nhưng khi người ta thuật lại đời sống, thì mọi sự đều thay đổi. Duy có điều đấy là một biến đổi chẳng ai nhận thấy: bằng chứng là người ta cứ mãi nói đến những câu chuyện chân thực. Như tuồng có thể có những câu chuyện chân thực; những biến cố diễn ra theo một chiều hướng và chúng ta thuật chúng theo một chiều hướng ngược lại. Người ta có vẻ muốn bắt đầu bằng chỗ khởi sự: Đấy là một buổi chiều đẹp trời vào mùa thu năm 1922. Tôi lúc đó đang là thư ký chưởng khế ở Maiommes”. Và thực ra, chính người ta đã khởi đầu bằng chỗ kết thúc. Chỗ kết thúc có đấy, vô hình vô ảnh, song vẫn cứ hiện diện, chính nó đã ban cho những từ ngữ ngắn ngủi trên cái vẻ hoa lệ và giá trị của một chỗ khởi điểm. “Tôi đang dạo chơi, tôi đã ra khỏi làng khi nào không hay, tôi đang nghĩ đến những lo buồn về tiền bạc”. Chỉ nhìn trong bản chất của nó, câu này có nghĩa là gã nọ đang trầm ngâm phiền muộn, gã đang cách xa ngàn trùng với một cuộc phiên lưu, đúng ngay trong cái thứ tính khí để mặc cho những biến cố diễn ra mà không nhận biết. Nhưng sự kết thúc đã có đấy, và chuyển hoán tất cả mọi sự. Đối với chúng ta, gã nọ đã là nhân vật chính của câu chuyện. Tính ảo não, những phiền muộn về tiền bạc của y thì quý hóa nhiều hơn những ảo não, những phiền muộn của chúng ta; tất cả chúng đều được mạ vàng bằng ánh sáng của những dục vọng tương lai. Và câu chuyện được tiếp tục theo bề trái: những khoảnh khắc thôi còn được xếp đống lên nhau thành những nỗi hạnh phúc bé nhỏ, chúng bị dính chặt vào nhau do phần kết thúc của câu chuyện đang thu hút chúng và mỗi một khoảnh khắc đến phiên mình lại thu hút khoảnh khắc trước đó: “Trời tối đen, con đường hoang bóng người”. Câu nói được ném ra trong vẻ hững hờ, nó có vẻ thừa thãi, song chúng ta không để mình bị sa bẫy và chúng ta để nó sang một bên, đấy là một chỉ dẫn mà sau này chúng ta mới hiểu được giá trị. Và chúng ta cảm biết rằng nhân vật chính nọ đã sống qua tất cả mọi chi tiết của đêm đó như những lời báo trước, những lời hứa hẹn; hay cả đến cảm biết rằng y chỉ sống những chi tiết nào mang lời hứa hẹn, và đui mù câm điếc đối với tất cả những gì không báo trước cuộc phiêu lưu. Chúng ta quên bẵng là tương lai hiện chưa có ở đấy, gã nọ dạo chơi trong một đêm tối không có những điềm báo trước, đêm tối dâng hiến lẫn lộn cho y những phong phú trầm buồn của mình và y sẽ không để tâm chọn lựa.

Tôi đã muốn rằng những giây phút trong đời tôi kế tục và tự phối trí với nhau trong những giây phút của một cuộc đời mà người ta đang gợi lại. Chẳng thà toan tính nắm bắt thời gian đằng đuôi còn hơn.

Chúa nhật.

Sáng nay, tôi đã quên hôm nay là chúa nhật. Tôi ra khỏi nhà và đi trên những đường phố cũ như thường lệ. Tôi có mang theo quyển Eugénie Grandet. Và rồi, đột nhiên, khi đẩy chiếc cửa lưới công viên, tôi có ấn tượng mơ hồ rằng một cái gì đó đang báo hiệu cho tôi. Khu công viên hoang vắng và trần trụi. Nhưng... nói sao bây giờ? Nó không mang dáng vẻ thường nhật, nó đang mỉm cười với tôi. Tôi đứng tựa người một chốc vào cánh cửa lưới, đoạn, đột nhiên, tôi hiểu rằng hôm nay là chúa nhật. Ngày chúa nhật hiện diện trên các cây cối trong vườn, trên những thảm cỏ mượt như một nụ cười nhẹ mỉm. Không thể mô tả điều ấy được, mà phải thốt ra thật nhanh: “Đấy là một công viên, mùa đông, một buổi sáng chúa nhật”.

Tôi buông tấm cửa lưới, tôi quay trở về những căn nhà, những đường phố trưởng giả và tôi thầm thì: “Chúa nhật”.

Ngày Chúa nhật: đằng sau những bến tàu, dọc theo bờ biến, gần những ga hàng hóa, toàn thể khu chung quanh thành phố, có những nhà kho trống rỗng và những chiếc máy bất động trong bóng tối. Trong mọi ngôi nhà, những người đàn ông đứng cạo râu đằng sau khung cửa sổ; họ ngả đầu ra, chăm chú nhìn khi thì mặt kính, khi thì bầu trời ẩm lạnh để biết xem trời hôm nay có đẹp không. Những nhà chứa gái mở cửa đón những khách hàng đầu tiên trong ngày, những người thôn quê và những quân nhân. Trong các giáo đường, dưới ánh sáng bập bùng của những ngọn nến, một người đàn ông đang uống rượu tế trước những người đàn bà quỳ gối. Trong tất cả những vùng ngoại ô, giữa những bức tường bất tận của các xưởng máy, những chuỗi dài màu đen bắt đầu bước đi, tiến bước chậm chạp về hướng trung tâm thành phố. Để đón tiếp chúng, những đường phố đã khoác lấy khuôn mặt của những ngày náo loạn; tất cả mọi cửa hiệu ở đường Tournebride đều đã hạ tấm bửng sắt xuống. Chẳng bao lâu, trong im lặng, những hàng người màu đen sẽ tràn ngập xâm chiếm các đường phố đang giả vờ chết: trước tiên là những nhân viên hỏa xa ở Tourville và những bà vợ làm cho hãng xà phòng Saint Symphorin, kế đến là những người tiểu tư sản ở Jouxtebouville, rồi đến những công nhân nhà máy dệt Pinot, đoạn những người thợ nhuộm vải khu Saint Maxence; những người ở Thiérarche sẽ đến sau cùng bằng chuyến tàu điện mười một giờ. Chẳng mấy chốc, đám đông ngày chúa nhật sẽ sinh sôi nảy nở ra, giữa những cửa hiệu cài then và kín cửa.

Một chiếc đồng hồ gõ chuông báo mười giờ rưỡi và tôi bắt đầu lên đường: ngày chúa nhật, vào giờ này tại Bouville người ta có thể trông thấy một quang cảnh đặc biệt, nhưng không nên đến quá muộn sau khi đại lễ mi-sa đã kết thúc.

Con đường Joséphine Soulary bé nhỏ nằm hiu quạnh, bốc lên mùi rượu cất dưới hầm. Song, cũng như mọi chúa nhật khác, một âm thanh huy hoàng tràn ngập con phố nhỏ, một âm thanh của thuỷ triều. Tôi rẽ sang đường Président Chamart, nơi những ngôi nhà ba tầng, với những tấm cửa lá sách dài màu trắng. Con đường của những viên chưởng khế này hoàn toàn bị tràn đắm trong những tiếng lao xao ầm ĩ ngày chúa nhật... Trong hành lang Gillet, tiếng động hãy còn tăng lên và tôi đã nhận ra: đấy là tiếng động do con người gây nên. Đoạn đột nhiên, bên tay trái, như thể có một sự nổ bùng đầy ánh sáng và âm thanh. Tôi đã đến nơi: đây là đường Tournebride, tôi chỉ có việc nhập bọn vào trong số những đồng loại và tôi sắp nhìn thấy những người đàn ông ngả mũ chào nhau cẩn trọng.

Chỉ mới cách đây sáu mươi năm mà không một ai dám tiên đoán số phận kỳ diệu của con đường Tournebride, con đường ngày nay những dân cư thành phố Bouville gọi là một Prado tí hon. Tôi đã nhìn thấv một đồ án năm 1847 trong đó đường này còn chưa có mặt. Lúc bấy giờ, chắc hẳn nó còn là một con hẻm tối đen và hôi hám, với môt chiếc rãnh giữa những vệ đường mang theo đầu tôm xương cá. Nhưng, vào cuối năm 1847, Quốc hội tuyên bố thiết lập một giáo đường trên ngọn đồi Montmartre, vì công ích. Ít tháng sau, vợ của viên thị trưởng Bouville thấy phép màu hiển lộ: Thánh nữ Cécile, thánh bảo chủ của bà, hiện ra khiển trách. Ai có thể chịu đựng nổi chuyện giới thượng lưu của thành phố cứ mỗi ngày chúa nhật lại phải lội bùn để đến nhà thờ Thánh René hay Thánh Claudien xem lễ cùng với những bọn nhà buôn? Quốc hội đã chẳng làm gương rồi sao? Hiện tại, nhờ Trời che chở, Bouville đang chiếm một địa vị kinh tế quan trọng vào bậc nhất, há chẳng nên dựng lên một giáo đường để tạ ơn Thượng đế?

Những linh kiến này được thỏa mãn: Hội đồng thành phố họp phiên lịch sử và viên giám mục lãnh phần nhận sự quyên góp. Chỉ còn vấn đề chọn vị trí. Những gia đình thương gia và chủ tàu thuỷ kỳ cựu đưa ra ý kiến nên dựng ngôi giáo đường trên đỉnh Đồi Xanh nơi họ cư ngụ “cốt để cho Thánh nữ Cécile quan phòng cho Bouville cũng như ngôi giáo đường Thánh Tâm chúa Giê-su đối với Ba Lê”. Mấy ông mặt mới ở đại lộ Maritime, hãy còn ít ỏi, nhưng rất giàu làm khó dễ: họ sẽ đóng góp tích cực, nhưng người ta phải xây giáo đường trên công trường Marignan: họ trả tiền cho một ngôi nhà thờ, là để có thể sử dụng được nó; họ đã giận dữ chứng tỏ sức mạnh của mình cho bọn trưởng giả kiêu căng kia, bọn người luôn xem họ như là những tay nhà giàu mới phát. Vị giám mục tìm ra một giải pháp thỏa hiệp: ngôi giáo đường sẽ được xây ở quãng giữa khu Đồi Xanh và đại lộ Martime, trên công trường Halle-aux Morues, sau đó được đặt tên thành công trường Thánh nữ Cécile-de-la-Mer. Tòa nhà dị thường ấy, hoàn tất vào năm 1887, trị giá không dưới mười bốn triệu đồng.

Con đường Tournebride, rộng rãi song bẩn thỉu và mang tiếng xấu, hẳn đã được tái tạo lại hoàn toàn và những dân cư trên con đường đã bị đẩy lùi hẳn về phía sau công trường Thánh nữ Cécile, cõi Prado tí hon đã trở thành nơi hò hẹn của những người thanh lịch và kẻ có uy quyền trong thành phố. Lần lượt, những cửa hiệu đẹp đẽ được mở ra trên lối đi dành cho giới thượng lưu. Chúng vẫn mở cửa vào ngày thứ hai lễ Phục sinh, trọn đêm Giáng Sinh, và mọi chúa nhật cho đến buổi trưa. Bên cạnh Julien, người hàng thịt mà món ba-tê-sô đã nổi danh, anh hàng bánh Foulon trình bày những đặc phẩm danh tiếng của hiệu mình, những chiếc bánh ngọt nhỏ, hình nón tuyệt diệu bằng bơ màu hoa cà, nổi lên trên là một đóa hoa tím bằng đường. Ở cửa kính của hiệu sách Dupaty, người ta nhìn thấy những ấn phẩm mới của nhà Plon, một vài tác phẩm kỹ thuật, như là một cuốn lý thuyết về tàu biển, hay một thuyết luận về các loại buồm ghe, một quyển lịch sử cỡ lớn có hình viết về thành phố Bouville và những ấn bản quý được xếp đặt một cách trang nhã: Koe-nigmark, đóng bìa da xanh, le Livre de mes Fils, của Paul Doumer, đóng bìa xám với những cánh hoa đỏ thắm. Ghislaine “nhà may thượng hạng, kiểu Ba Lê” ngăn cách Piégeois, người hàng hoa, với Paquin người bán đồ cổ. Tiệm hớt tóc Gusatve, dùng đến bốn người chuyên săn sóc bàn tay, chiếm tầng nhất của một tòa nhà mới tinh, sơn màu vàng.

Cách đây hai năm, ở góc ngõ cụt Moulins-Gémeaux và đường Tournebride, một cửa hiệu nhỏ trơ trẽn còn bày biển quảng cáo thuốc Tu-pu-nez, một sản phẩm diệt trừ sâu bọ. Cửa hiệu đã phát đạt vào thời mà người ta còn rao bán cá thu trên công trường Thánh nữ Cécile, và đã sống trải qua một trăm năm nay. Những chiếc cửa kính của mặt tiền, chỗ bày hàng, hiếm khi được lau chùi: phải cố gắng lắm mới phân biệt được rõ, xuyên qua lớp bụi và hơi nước đọng, một lô những hình người bằng sáp mặc áo ngắn màu hỏa hoàng, tượng trưng cho những loại chuột lớn chuột nhỏ. Những chú chuột này chống gậy bước xuống từ trên mạn cao của chiếc tàu; vừa đặt chân lên đất liền thì lập tức một nông dân, y phục đỏm dáng, nhưng người lại xanh mét và đầy cáu bẩn, đuổi chúng chạy biệt đi bằng cách rảy thuốc Tu-pu-nez; tôi yêu cửa hiệu đó lắm, nó mang một vẻ trơ tráo và ương ngạnh. Nó nhắc nhở một cách ngạo mạn đến những quyền hạn của loài chuột bọ và của sình lầy cáu bẩn, kế cận ngôi giáo đường đắt giá nhất nước Pháp.

Người buôn dược thảo vừa chết vào năm rồi và cháu trai của y đã bán ngôi nhà lại. Chỉ cần hạ đổ vài bức vách: bây giờ. Chỗ đó là một phòng diễn thuyết, “la Bondonnière”. Năm ngoái, Henry Bordeaux đã nói về môn leo núi ở đấy.

Trên đường Tournebride, không nên vội vã: các gia đình đi bộ chậm rãi. Đôi khi người ta chiếm hẳn một hàng vì cả một gia đình đã rẽ vào hiệu Foulon hay Piégois. Nhưng, vào những lúc khác, phải ngừng lại và giậm chân một chỗ vì lẽ hai gia đình, đi theo hai hàng lên xuống, lại gặp mặt nhau và níu cứng lấy tay nhau. Tôi tiến từng bước chậm. Tôi vượt cao quá hai hàng người cả một cái đầu và tôi nhìn thấy những chiếc nón, một rừng nón. Phần lớn màu đen và cứng nhắc. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy một chiếc bay lên ở đầu một cánh tay và bày ra vẻ bóng nhoáng rực rỡ dịu dàng của một chiếc sọ; đoạn, sau vài giây phút bay lượn nặng nề, chiếc nón đậu trả lại. Ở số 16, đường Tournebride, anh hàng nón Urbain, chuyên môn chế tạo mũ lưỡi trai, treo la đà một chiếc mũ đỏ lớn tướng dành cho vị giám mục, dùng làm biển hiệu cho cửa hàng, và những nuốm tua kim tuyến lủng lẳng từ hai thước cách mặt đất.

Người ta dừng bước: ngay dưới những nuốm tua, một nhóm nhỏ vừa thành hình. Người bên cạnh tôi kiên nhẫn chờ đợi, hai tay đong đưa: ông già nhỏ người, xanh xao và mảnh dẻ như đồ sứ này, tôi tin chắc là Coffier, viên chủ tịch phòng Thương mại. Dường như ông quá oai nghiêm vì chẳng bao giờ thấy ông nói điều gì. Trên đỉnh ngọn Đồi Xanh, ông cư ngụ trong một ngôi nhà lớn bằng gạch, các cửa sổ luôn mở rộng. Hết rồi: nhóm người khi nãy đã tản ra, người ta lại bước đi. Một nhóm khác lại vừa thành hình, song chỉ chiếm ít chỗ hơn: vừa tụ thành, nó đã bị đẩy dựa vào mặt tiền của hiệu Ghislaine. Cột người cũng chẳng dừng lại nữa: nó chỉ hơi tránh xa ra một chút thôi: chúng tôi diễu hành qua mặt sáu người đang bắt tay nhau: “Chào ông, chào ông ạ, ông mạnh giỏi thế nào, kìa, ông cứ đội mũ lên chứ, không khéo ông lại cảm lạnh; cám ơn bà, vì trời không nóng. Em yêu, anh giới thiệu với em đây là bác sĩ Lefrançois; thưa bác sĩ, rất sung sướng được biết bác sĩ, nhà tôi cứ nhắc đến bác sĩ luôn, vì bác sĩ đã săn sóc tận tình cho ảnh, nhưng mà bác sĩ cứ đội mũ lên chứ, cơn lạnh này không tốt cho bác sĩ đâu. Nhưng bác sĩ bình phục chóng lắm; than ôi, thưa bà, chính những vị bác sĩ mới là những người được săn sóc cẩu thả nhất; bác sĩ đây là một nhạc sĩ trác tuyệt. Thế sao, thưa bác sĩ, tôi lại không biết đến chứ, bác sĩ chơi vĩ cầm hẳn? Bác sĩ có nhiều tài thật”.

Cái ông già nhỏ người đi bên cạnh tôi, chắc chắn là Coffier, có một người đàn bà trong đám đó nhìn ông ta trau tráu, người thiếu phụ tóc nâu, trong khi nụ cười mỉm vẫn hướng về ông bác sĩ. Nàng có vẻ như đang suy nghĩ: “Kia là ông Coffier, chủ tịch phòng Thương mại, ông có vẻ oai nghiêm làm sao, ông ấy hình như quá lãnh đạm”. Song ông Coffier chẳng đoái hoài đến: đấy là những người ở đại lộ Maritime, họ không thuộc vào thế giới này. Kể từ lúc đến đường này nhìn thấy những pha giở nón chào nhau ngày chúa nhật, tôi đã học phân biệt được những người ở Đại Lộ và những người ở khu Đồi Xanh. Khi một người vận một chiếc măng tô mới tinh, đội chiếc nón nỉ mềm, khoác chiếc sơ mi chói lọi bước đi trong tự tin, thì không lầm lẫn gì nữa: đấy là một kẻ thuộc khu đại lộ Maritime. Những người ở khu Đồi Xanh khác biệt với họ bằng một vẻ gì tồi tàn và suy nhược. Họ có những đôi vai hẹp và một vẻ ngạo mạn trên những khuôn mặt tiều tuỵ, hao mòn. Cái ông to lớn đang nắm tay đứa trẻ đàng kia, tôi thề rằng ông ta là người ở khu Đồi Xanh: khuôn mặt ông xám ngoét và chiếc cà vạt ông được thắt nút như một sợi dây.

Cái ông to lớn tiến lại gần chúng tôi: ông nhìn đăm đăm ông Coffier. Song, một vài giây trước khi chạm mặt nhau, ông quay đầu đi và bắt đầu đùa giỡn thân mật với đứa bé trai. Ông còn bước đi vài bước, nghiêng mình xuống cậu con, đôi mắt nhìn sâu vào mắt cậu bé, trong vẻ thuần túy là một người cha; đoạn, đột nhiên, quay nhanh về phía chúng tôi, ông ném một tia nhìn sắc sảo về phía ông già nhỏ người, rồi ông khoa tay chào thành một vòng tròn rộng lớn và vô vị. Cậu bé, ngỡ ngàng bối rối, đã không ngả mũ chào: đấy là chuyện giữa người lớn với nhau.

Ở góc đường Basse-de-Vieille, hàng người của chúng tôi chạm phải một hàng tín đồ vừa xem lễ ra: chừng một lố người va đụng và chào nhau trong khi vẫn quay cuồng, song những cú giở mũ chào diễn ra quá nhanh nên tôi không thể khảo sát tường tận được; ở bên trên đám đông mập mạp và xanh xao này, nhà thờ Thánh nữ Cécile dựng đứng lên cái hình khối màu trắng kỳ dị của mình: một thứ màu trắng của phấn viết trên một nền trời u ám; đằng sau những bức tường rực rỡ kia, ngôi giáo đường còn giữ lại bên hông một ít bóng tối của đêm đen. Người ta lại đi, theo một trật tự hơi bị thay đổi. Ông Coffier đã bị đẩy lùi về phía sau. Một bà y phục xanh dương đang ép sát người vào hông trái tôi. Bà ta vừa từ cuộc lễ ra. Bà nháy mắt hơi bị chói chang khi tìm thấy lại buổi sáng. Cái ông đi trước bà và là người có chiếc gáy ốm o, là chồng bà.

Trên lề đường bên kia; một gã ôm tay vợ, vừa mới thầm thì bên tai nàng và cười mỉm. Lập tức, cô nàng xem xét lại tỉ mỉ khuôn mặt trát đầy kem của mình và bước bừa đi vài bước. Những dấu hiệu này không thể làm ai lầm lẫn được: họ sắp chào nhau. Quả thế, trong khoảnh khắc, gã nọ vung tay lên trong không khí. Khi những ngón tay sắp chạm vào đầu chiếc mũ nỉ, chúng hơi do dự một thoáng đoạn đặt mình thanh nhã lên trên chiếc mũ, khi gã nọ nâng nhẹ mũ lên, bằng cách hơi cúi đầu xuống để giúp dễ lấy mũ ra, người vợ nhảy một bước nhỏ và trên gương mặt nàng rạng rỡ một nụ cười tươi trẻ. Một chiếc bóng đen vượt qua mặt họ và nghiêng mình chào. Nhưng hai nụ cười song sinh của cặp vợ chồng chưa tắt hẳn: chúng vẫn còn đó vài giây trên môi họ, như do một thứ từ lưu. Khi hai vợ chồng gã nọ đi chạm mặt tôi, họ đã lấy lại được vẻ thản nhiên, song chung quanh miệng vẫn còn một vẻ vui tươi.