Buồn nôn - Chương 12

Màu sắc chung của những chân dung hơi ngả sang màu nâu sẫm. Những sắc màu sinh động đã bị loại bỏ sao cho được đoan trang lịch sự. Tuy thế trong các bức chân dung của Renaudas, người năng vẽ những ông già, màu tuyết trắng của những mái tóc và những bộ râu mép nổi bật lên trên nền đen; ông thật tuyệt luân trong việc diễn tả những bàn tay. Nơi Bordurin, họa sĩ kém thủ thuật hơn, những bàn tay hơi bị hy sinh đi nhưng những chiếc cổ áo giả lại lóng lánh như làm bằng cẩm thạch trắng.

Trời quá nóng và người gác dan đang ngáy nhẹ. Tôi đảo mắt một vòng quanh tường: tôi nhìn thấy những bàn tay và những đôi mắt; ở chỗ này chỗ nọ, một đốm sáng ăn mất một khuôn mặt. Đang khi tiến về phía chân dung của Olivier Blévigne, một điều gì đó đã giữ chân tôi lại: từ trên vành tròn giữa tường, ông nhà buôn Pacôme nhìn tôi với một cái nhìn trong sáng.

Ông ta đứng thẳng, chiếc đầu hơi ngả ra sau, một tay ông cầm một chiếc mũ cao và đôi găng, để tựa vào chiếc quần dài màu hạt trai. Tôi chẳng nhìn thấy điều gì tầm thường, đáng chỉ trích nơi ông ta cả: những bàn chân nhỏ, đôi tay thanh tú, đôi vai rộng của người tranh đấu, vẻ thanh lịch kín đáo, với bộ điệu nghi ngờ theo một cách riêng. Ông nhã nhặn hiến dâng cho những khách thưởng ngoạn cái khuôn mặt trong sáng không nếp nhăn của mình: một nụ cười mỉm phảng phất trên đôi môi. Song đôi mắt xám của ông không mỉm cười. Ông có thể đã năm mươi: ông đang trẻ trung và tươi nhuận như một thanh niên ba mươi. Ông đẹp trai.

Tôi không xem bức tranh này là sai hỏng. Nhưng ông lại chẳng buông tha tôi. Tôi đọc thấy trong đôi mắt ông một lời phán đoán yên lặng và ghê gớm khôn nguôi.

Lúc bấy giờ tôi bừng hiểu ra tất cả những gì đang chia cách chúng tôi: những gì mà tôi có thể suy nghĩ về ông lại chẳng đạt tới được ông; đấy đúng là chuyện tâm lý, như người ta thường bày ra trong các tiểu thuyết. Nhưng lời phán đoán của ông xuyên thủng tôi như một lưỡi gươm và đặt thành vấn đề ngay cả cái quyền được hiện hữu của tôi. Và quả thực thế, tôi đã luôn luôn hiểu vậy: tôi không có quyền hiện hữu. Tôi đã xuất hiện do sự tình cờ, tôi đã hiện hữu như một hòn đá, một cái cây, một con vi trùng. Cuộc đời tôi mọc lên nỗi hạnh phúc bé nhỏ và tỏa ra mọi hướng. Đôi khi nó truyền gởi đến tôi những dấu hiệu mơ hồ; những lần khác tôi chẳng cảm thấy gì ngoài một tiếng rì rầm không liên tục, không ảnh hưởng.

Song đối với con người xinh đẹp không khuyết điểm này, con người ngày nay đã chết, đối với Jean Pacôme, con của Pacôme-bộ-Quốc-Phòng, thì mọi sự lại hoàn toàn khác hẳn; những nhịp đập của quả tim và những tiếng động âm ỉ của những cơ quan trong người ông vang vọng đến ông dưới hình thức của những quyền lợi nhỏ nhặt nhất thời và thuần túy. Trong suốt sáu mươi năm, không sai lầm, không suy nhược, ông đã sử dụng quyền sống của mình. Những đôi mắt xám tuyệt vời! Chẳng khi nào có một nỗi hoài nghi bé nhỏ lướt qua. Cũng chẳng khi nào Pacôme lầm lẫn.

Ông đã luôn thi hành bổn phận, tất cả bổn phận của mình, bổn phận làm con, làm chồng, làm cha, làm người chỉ huy. Ông cũng đã mạnh dạn kêu đòi quyền được giáo dục; đàng hoàng, trong một gia đình hợp nhất, gia đình thừa tự một cái tên không điếm nhục, có một công việc rỡ ràng phát đạt; làm chồng, quyền được săn sóc cẩn thận, được vây phủ trong sự trìu mến; làm cha, quyền được tôn kính; làm cấp chỉ huy, quyền được vâng lời không than vãn. Bởi vì một quyền lợi chỉ là khía cạnh khác của một bổn phận. Sự thành công phi thường của ông (dòng Pacôme là gia đình giàu có nhất Bouville hiện nay) hẳn không bao giờ làm ông kinh ngạc. Ông chẳng khi nào tự nhủ rằng mình đang sung sướng và khi ông thụ hưởng một khoái lạc, ông phải lao mình vào đó với sự tiết độ, bằng cách bảo rằng: “Ta đang giải lao đây”. Như thế, khoái lạc cũng đã được đưa lên hàng quyền lợi - nó đã mất đi tính cách vô bổ tổn hại. Về phía trái, hơi chếch lên trên mái tóc xám xanh của ông, tôi lưu ý tới những quyển sách xếp trên chiếc kệ. Những bìa sách đóng thật đẹp: chắc chắn đó là những sách cổ điển. Chắc là, vào buổi tối, trước khi ngủ, Pacôme đã đọc lại một vài trang của “ông bạn cố tri Montaigne” hay một khúc đoản thi của Horace trong bản văn La tinh. Đôi khi, để tăng tầm hiểu biết, hẳn ông cũng có đọc một tác phẩm hiện đại. Chính trong trường hợp đó ông đã biết đến Barrès và Bourget. Độ một lúc sau, ông đặt sách xuống. Ông mỉm cười. Cái nhìn của ông, mất đi vẻ tinh tế đáng phục, đã trở nên gần như mơ mộng. Ông bảo: “Thật giản dị và khó khăn làm sao khi thi hành bổn phận!”.

Ông chẳng bao giờ quay trở về với chính mình cách nào khác nữa: ông là một cấp chỉ huy.

Còn có những viên chỉ huy khác treo trên tường: chỉ rặt có thế. Đấy là một cấp chỉ huy, cái ông già cao lớn màu xám xanh trong chiếc ghế bành. Chiếc áo gi-lê trắng của ông là một lời nhắc nhở tài tình đến bộ tóc bạc. (Trong những bức chân dung này, được vẽ ra nhằm những mục đích giáo huấn và sự chính xác được đẩy tới chỗ thật tỉ mỉ rạch ròi, vẫn còn có mối lưu tâm về nghệ thuật). Ông ta đang đặt bàn tay thanh tú và thon dài của mình trên đầu một cậu bé. Một cuốn sách mở rộng nằm trên đầu gối ông được bọc bằng một tấm bìa. Cái nhìn của ông lưu lạc nơi xa. Ông nhìn thấy tất cả những điều vốn là vô hình đối với những cậu thanh niên. Người ta đã viết tên ông trên một tấm gỗ hình thoi mạ vàng, gắn bên dưới bức chân dung: hẳn ông ta tên là Pacôme hay Parrottin, hay Chaigneau. Tôi không có ý định đến gần để xem: đối với những người thân cận, đối với đứa trẻ này, đối với chính ông, ông ta chỉ là Ông Nội, thế thôi; chốc nữa đây, nếu xét thấy đã đến lúc hé mở cho đứa cháu trai thấy tầm quan trọng to lớn của những nhiệm vụ tương lai của cậu, ông sẽ nói về chính ông bằng ngôi thứ ba.

“Cháu phải hứa với ông nội rằng cháu ngoan ngoãn, cháu yêu, cháu phải làm việc giỏi giang vào năm tới. Có thể là năm tới, ông nội sẽ không còn trên đời này nữa”.

Vào tuổi xế tàn của cuộc đời, ông ban phát cho mọi người lòng tốt đầy độ lượng của mình. Ngay cả tôi nữa, nếu ông ta nhìn thấy tôi - nhưng lúc này tôi đang trong suốt trước cái nhìn của ông - tôi cũng sẽ được ông ban ân huệ: ông sẽ nghĩ rằng xưa kia, tôi đã có ông bà. Ông chẳng kêu đòi gì cả: vào tuổi này, người ta chẳng còn ước ao gì. Chẳng có gì ngoại trừ người ta phải hơi hạ thấp giọng xuống khi ông bước vào, ngoại trừ khi ông đi qua, có một sắc thái trìu mến đầy tôn kính trong những nụ cười, chẳng có gì, ngoại trừ đôi khi người con dâu bảo: “Cha thật phi thường; cha trẻ hơn tất cả mọi người chúng ta” ngoại trừ ông là người duy nhất có thể trấn an cơn giận dỗi của đứa cháu trai bằng cách đặt tay lên đầu cháu và tiếp đó, có thể bảo: “Những mối buồn khổ lớn lao đó, chính ông nội là người biết làm khuây khỏa chúng”, chẳng có gì, ngoại trừ chuyện người con trai, nhiều lần trong năm, đến thỉnh nguyện những lời khuyên bảo về những vấn đề tế nhị; sau rốt, chẳng có gì, ngoại trừ tự cảm thấy u nhàn thanh tĩnh, cực kỳ khôn ngoan.

Bàn tay của ông già đặt lơi trên những lọn tóc của đứa cháu trai; đấy hầu như là một cử chỉ chúc phúc. Ông có thể nghĩ đến điều gì? Đến quá khứ đầy vinh quang, cho ông có quyền ăn nói về mọi vấn đề và có quyền nói lời tối hậu cho mọi vấn đề. Tôi đã chẳng quá cách xa với ngày hôm nọ: Kinh nghiệm còn hơn là một sự tự vệ chống lại cái chết; kinh nghiệm còn là một quyền lợi: quyền của những ông già.

Đại tướng Aubry, được treo ngay vành tròn giữa tường, với thanh gươm to lớn, đã là một cấp chỉ huy. Cả là chủ tịch Hébert, học giả uyên bác, bạn của Impétraz, cũng lại là một cấp chỉ huy. Khuôn mặt ông dài ngoằng, cân xứng với chiếc cằm dài quá cỡ, chấm dứt ngay dưới môi bằng một bộ râu; ông hơi ngẩng hàm ra, với vẻ vui thích được phát biểu một lời biện biệt, trù đi tính lại một vấn nạn về nguyên tắc, như chiếc lược nhẹ đưa trong khung dệt. Ông đang mơ mộng, ông cầm một cây bút lông ngỗng: trời đất! Cả ông ta nữa, ông ta cũng đang giải lao, và giải lao bằng cách làm thơ. Song ông ta có đôi mắt ó biển của những viên chỉ huy.

Còn những người lính? Tôi đang đứng ngay chính giữa phòng, đang làm mốc nhắm cho tất cả những đôi mắt uy nghiêm nọ. Tôi chẳng phải là một người ông, chẳng phải một người cha, cũng chẳng là một người chồng nữa. Tôi chẳng đi bầu cử, và hiếm khi chịu trả một vài thứ thuế: tôi không thể tự phụ về những quyền của người nạp thuế, cũng như những quyền của cử tri, cả cái quyền lợi khiêm tốn đáng được tôn kính mà người làm công được hưởng sau hai mươi năm vâng lời. Hiện sinh của tôi bắt đầu làm tôi kinh ngạc thật sự. Tôi chỉ là một vọng bóng hay sao?

“Hê, thình lình tôi tự bảo, chính tôi, chính tôi là người lính!”. Điều đó làm tôi bật cười lên, quên hết những giận hờn, ác cảm.

Một người trạc ngũ tuần, béo phệ, lễ phép xoay tôi lại bằng một nụ cười mỉm xinh tươi. Renaudas đã họa nên ông với tình thương yêu, ông đã không có những nét quá mềm dịu đối với đôi tay nhỏ mập đầy và được gọt giũa tỉ mỉ, nhất là với những bàn tay, thon dài, nóng nảy, với những ngón thả lỏng: những bàn tay đích thực của các nhà bác học hay những nghệ sĩ. Khuôn mặt ông đối với tôi đầy xa lạ: hẳn tôi thường đi ngang qua trước bức tranh mà không lưu ý đến. Tôi tiến lại gần, và đọc thấy: “Rémy Parrottin, sinh tại Bouville, năm 1849, giáo sư trường Y khoa Paris”.

Parrottin: bác sĩ Wakefield đã nói cho tôi biết về ông: “Có lần trong đời, tôi đã gặp được một vĩ nhân. Đấy là ông Rémy Parrottin. Tôi theo những khóa giảng của ông suốt mùa đông năm 1904 (anh biết rằng tôi có sống hai năm tại Paris để nghiên cứu về sản khoa). Ông đã làm cho tôi hiểu rõ được một vị chỉ huy là gì. Ông có một sức truyền cảm thật mãnh liệt, tôi thề với anh như thế. Ông đã truyền điện cho chúng tôi, ông đã đưa dẫn chúng tôi đến tận địa đầu thế giới. Và cùng với điều đó, ông là một người phong nhã, ông có một gia tài vĩ đại, được ông dành phần lớn để trợ giúp cho những sinh viên nghèo”.

Chính trong trường hợp như thế, khi nghe đến ông lần đầu tiên, ông hoàng của ngành khoa học này đã gợi ra nơi tôi những tình cảm mãnh liệt. Hiện tại, tôi đang đứng trước mặt ông và ông đang mỉm cười với tôi. Nụ cười đầy vẻ thông minh, nhã nhặn làm sao! Thân thể mập mạp của ông mềm mại tựa vào lưng một chiếc ghế bành bọc da. Con người thông thái không tham vọng đó làm ta thoải mái ngay lập tức. Ta lại còn có thể lầm ông với một anh chàng nhân hậu tốt bụng nào đó, nếu không có cái chất trí thức toát ra từ cái nhìn.

Không cần lâu lắc mới đoán ra lý do tạo nên uy tín của ông: Ông được yêu mến vì ông hiểu hết mọi sự; người ta có thể nói với ông hết mọi sự. Ông hơi giống Renan, tóm lại thì ông độc đáo hơn một chút. Ông thuộc vào hạng người nói:

“Những người xã hội chủ nghĩa? Này, tôi, tôi còn đi xa hơn họ nữa cơ!”. Khi theo ông trên con đường chông gai đó, chẳng bao lâu người ta phải rùng mình từ bỏ gia đình, Tổ quốc, quyền tư hữu, những giá trị thiêng liêng nhất. Người ta đâm ra hoài nghi cả cái quyền lãnh đạo của giới thượng lưu tư bản. Bước tới một bước nữa và đột nhiên, mọi sự lại được tái lập, được đặt nên một cách tuyệt diệu trên những lý do vững chãi, cố hữu. Người ta ngoảnh đầu trở lại, người ta nhận ra đằng sau mình những người theo xã hội chủ nghĩa, đã xa vời, bé tí đang phất những chiếc khăn tay vẫy gọi: “Chờ chúng tôi với”.

Mặt khác, qua Wakefield, tôi còn biết rằng vị Thầy nọ còn thích - như ông vẫn thường bảo với một nụ cười - “hộ sản những tâm hồn”. Tâm hồn trẻ trung, ông được giới thanh niên vây quanh. Ông thường tiếp những thiếu niên con nhà tử tế quyết tâm theo học ngành thuốc tại nhà. Wakefield đã nhiều bận dùng cơm nơi nhà ông. Sau bữa ăn, mọi người sang phòng hút thuốc. Ông Thầy đối xử với những cậu sinh viên mới vừa hút những điếu thuốc đầu tiên cách đấy không lâu như những người lớn: ông mời họ những điếu xì gà. Ông nằm dài trên một chiếc đi văng và nói thật lâu, đôi mắt khép hờ, chung quanh ông là đám đồ đệ đầy khao khát. Ông gợi lại những kỷ niệm, thuật lại những giai thoại, rút ra từ đó một thứ luân lý thâm trầm và ý vị. Và, nếu giữa những người trẻ tuổi học thức đó có một kẻ hơi tỏ ra ương ngạnh, thì Parrottin đặc biệt lưu ý tới anh ta. Ông gợi cho anh ta nói và nghe anh thật chăm chú, ông cung cấp cho anh những ý tưởng, những đề tài để suy niệm. Chắc chắn là có một ngày kia, anh chàng trẻ tuổi nọ, đầu óc tràn đầy những ý tưởng quảng đại, bị kích thích bởi sự thù nghịch của những người thân, chán nản mỏi mệt khi phải một mình suy tưởng chống lại tất cả, đến yêu cầu vị Thầy tiếp riêng mình, và trong nỗi rụt rè, ấp úng thổ lộ với ông những tư tưởng thầm kín nhất, những nỗi phẫn hận, những niềm hy vọng của mình. Parrottin siết chặt anh vào lòng và bảo: “tôi hiểu anh, tôi đã hiểu anh ngay từ ngày đầu”. Họ cùng nhau trò chuyện, Parrottin đi xa, xa hơn nữa, xa đến nỗi chàng thanh niên nọ phải theo ông một cách khó khăn. Với một vài cuộc đàm đạo thuộc loại đó, người ta có thể nhận ra một sự cải thiện rõ rệt nơi chàng trẻ tuổi nổi loạn. Anh ta nhìn rõ nơi mình, anh học nhận biết những mối liên lạc sâu xa kết buộc anh với gia đình, với môi trường anh sinh hoạt; rốt cuộc anh hiểu rõ vai trò khả kính của giới thượng lưu. Và để kết thúc, như do một thứ phù phép, con chiên lạc đàn, kẻ đã theo đuổi Parrottin từng bước một, lại tìm gặp đàn cũ, được soi sáng và hối hận. “Ông ta đã chữa lành nhiều tâm hồn hơn là tôi chữa lành thể xác”. Wakefield kết luận.

Rémy Parrottin mỉm cười nhã nhặn với tôi. Ông đang ngập ngừng, đang tìm hiểu lập trường, vị thế của tôi để dịu dàng xoay đổi nó và đưa dẫn tôi về lại chuồng cừu. Nhưng tôi không sợ ông: tôi không phải là một con cừu non. Tôi nhìn vầng trán đẹp bình lặng không nếp nhăn của ông, chiếc bụng nhỏ, bàn tay đặt xuôi dài trên đầu gối. Tôi mỉm cười trả và rời bỏ ông.

Jean Parrottin, anh ông, chủ tịch hội S.A.B., tựa cả hai bàn tay trên mép một chiếc bàn đầy cả giấy tờ; bằng toàn thể thái độ của mình, ông muốn tỏ cho người khách hiểu rằng buổi gặp gỡ đã kết thúc. Tia nhìn của ông thật phi thường; nó như một thứ gì trừu tượng và lóng lánh quyền năng thuần túy. Đôi mắt sáng rực tiêu hủy hoàn toàn khuôn mặt ông. 

Ở bên dưới sự vây phủ nọ tôi nhận ra đôi môi mỏng và mím chặt của lòng nhiệt tín. “Thật kỳ cục, tôi tự nhủ, ông ta giống hệt Rémy Parrottin”. Tôi quay đầu trở lại hướng vị Thầy: khi quan sát ông dưới ánh sáng của sự tương đồng đó, đột nhiên người ta thấy lộ xuất trên cái khuôn mặt hiền dịu nọ một vẻ gì khô khan vô vị và ảm đạm, cái dáng vẻ chung cho cả gia đình. Tôi trở lại với Jean Parrottin.

Người đàn ông này mang chất giản đơn của một ý tưởng. Chỉ còn lại nơi ông những đốt xương, những khối thịt chết cứng và Quyền Lợi Thuần Tuý. Một trường hợp điển hình của sự chiếm hữu, tôi nghĩ. Khi Quyền Lợi chiếm ngự hẳn một người nào, chẳng có một phép trừ tà đuổi quỷ nào có thể xua nó đi được; Jean Parrottin đã dành cả đời để suy tưởng về Quyền Lợi của mình: chỉ có thế. Thay vì cơn đau đầu nhẹ nhàng mà tôi thường cảm thấy mỗi khi viếng thăm một viện bảo tàng, ông ta đã cảm nghiệm ngay nơi thái dương mình cái quyền đớn đau được chăm chút đến. Người ta tuyệt đối chẳng nên gợi cho ông suy nghĩ quá nhiều, cũng như chẳng nên làm ông chú tâm đến những thực tại buồn phiền, đến cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho ông, đến những nỗi đau khổ của kẻ khác. Chắc là trên giường chết, vào cái giờ mà từ Socrate trở đi, người ta nên tuyên bố một vài lời cao quý, hẳn ông đã bảo vợ mình, tương tự như một trong những ông cậu tôi bảo với mợ tôi, người đã thức cạnh bên ông suốt mười hai đêm liền: “Thérèse em, anh chẳng cám ơn em đâu; em đã chỉ làm tròn bổn phận của mình”. Khi một người đã đạt đến mức đó, mọi người chỉ còn có thể ngả mũ chào y.

Đôi mắt ông mà tôi đắm đuối nhìn trong kinh ngạc, đối với tôi có nghĩa là tôi nên cáo biệt. Tôi không dời gót, tôi quả là một kẻ tọc mạch. Vì đã chiêm ngưỡng lâu một bức chân dung nào đó của hoàng đế Philippe đệ II tại thư viện Escurial, tôi biết rõ rằng: khi nhìn thẳng vào một khuôn mặt rạng rỡ quyền năng, thì chỉ ít lâu sau, cái vẻ rạng rỡ ấy lụi tàn, và chỉ còn lại một chất tro thừa: chính chất tro thừa đó làm tôi hứng thú.

Parrottin chống trả lại mãnh liệt. Nhưng, đột ngột, cái nhìn của ông tàn lụi, bức tranh trở nên mờ đục. Còn lại gì nơi đó? Đôi mắt mê mờ, chiếc miệng mỏng như một con rắn nằm chết và đôi gò má. Đôi má xanh xao và tròn trịa của trẻ con: chúng nằm trải dài trên khung vải. Những công nhân của hội S.A.B. đã chẳng bao giờ có dịp hoài nghi chúng: họ chẳng lưu lại đủ lâu trong phòng làm việc của Parrottin. Khi bước vào, họ bắt gặp cái nhìn khủng khiếp nọ, như thể một bức tường. Đằng sau đó, đôi gò má an tâm trú ẩn, trắng bệch và mềm nhũn. Phải mất một thời gian bao nhiêu năm, vợ ông mới để ý đến chúng? Hai năm? Năm năm? Một ngày nọ, theo tôi tưởng tượng, khi người chồng đang ngủ say bên cạnh, và một ánh trăng đang ve vuốt chiếc mũi, hoặc là khi ông tiêu hóa khó khăn, vào một giờ nóng nực, nằm ngả người trong chiếc ghế bành, đôi mắt khép hờ, với một vũng mặt trời trên cằm, bà vợ đã dám nhìn thẳng vào mặt ông; toàn thể cái khối thịt da kia đã lộ diện, không chống cự, căng phồng ra, nhểu nhoè nước bọt, thoáng vẻ bỉ ổi, tà dâm. Hẳn là, kể từ ngày đó, bà Parrottin đã nắm quyền cai quản.

Tôi bước lui vài bước, tôi nhìn bao quát một lần tất cả những danh nhân nọ: Pacôme, chủ tịch Hébert, hai anh em nhà Parrottin, đại tướng Aubry. Họ đội những chiếc mũ cao: vào ngày chúa nhật, trên đường Tournebride, họ đã gặp bà Gratien, vợ viên thị trưởng, người đã gặp Thánh nữ Cécile trong giấc mộng. Họ đã cúi chào bà trọng thể, những cái chào mà nỗi bí ẩn đã biệt tăm.

Người ta đã họa nên họ rất chính xác; tuy thế, dưới nét cọ, khuôn mặt họ đã bị tước đoạt mất cái vẻ yếu đuối bí ẩn của những khuôn mặt người. Khuôn mặt họ, ngay cả những khuôn mặt yếu ớt nhất, vẫn rõ rệt như những đồ sành: tôi hoài công tìm kiếm nơi chúng một vẻ thân thuộc nào đó đối với những cái cây và những con thú, với những tư tưởng về đất và nước. Tôi nghĩ chắc rằng, lúc sinh thời, họ đã chẳng mang cái vẻ tất yếu nọ. Song, vào lúc bước qua hậu thời, họ đã giao phó cho một họa sĩ tên tuổi để y kín đáo điểm tô trên khuôn mặt họ tất cả những công trình vét bùn, khoan giếng, dẫn thủy nhập điền, nhờ đó họ đã chuyển đổi biển cả và đồng ruộng ở khu vực bao quanh Bouville. Như vậy, với sự tiếp tay của Renaudas và Bordutin, họ đã nhiếp phục toàn bộ Nhiên giới: Nhiên giới bên ngoài họ và Nhiên tính trong chính họ. Điều tôi nhận ra trên những khung vải ám tối đó, là con người được suy tưởng lại bởi con người, với cuộc chinh phục đẹp đẽ nhất của con người dùng làm vật trang sức độc đáo: bó hoa Nhân quyền và Dân quyền. Tôi thực tâm thán phục loài người.

Một ông và một bà nào đó bước vào. Họ vận y phục đen và đang tìm cách thu mình nhỏ lại. Họ dừng bước trên bậc thềm cửa ra vào, hồn bị kinh mang, và ông nọ giở mũ ra một cách máy móc.

“Ồ! Tuyệt!” bà ta nói trong vẻ xúc cảm cực độ.

Ông nọ lấy lại được vẻ bình tĩnh nhanh hơn. Ông bảo bằng giọng đầy tôn kính!

“Thật là cả một thời đại!”

“Đúng thế, bà nọ đáp, đấy là thời đại của bà nội em”.

Họ bước đi vài bước và gặp phải cái nhìn của Jean Parrottin. Người đàn bà đứng há hốc miệng ra, nhưng ông nọ không có chi hãnh diện: ông có vẻ khiêm cung, hẳn ông phải biết rõ những cái nhìn uy nghiêm và những cuộc hội kiến bị cắt đứt. Ông nhẹ kéo tay bà vợ.

“Em hãy nhìn bức này”, ông bảo.

Nụ cười mỉm của Rémy Parrottin luôn luôn làm cho những kẻ khiêm cung được thoải mái. Người đàn bà tiến đến gần và chăm chú đọc.

“Chân dung Rémy Parrottin, sinh tại Bouville năm 1849, giáo sư trường Y khoa Paris, do họa sĩ Renaudas”.

“Parrottin, thuộc Hàn lâm viện khoa học, do Renaudas, người của Học viện họa. Thật đúng là Lịch sử”, người chồng bảo.

Người vợ lúc lắc cái đầu, đoạn nàng nhìn chằm chằm vị Thầy.

“Điều tốt đẹp trong bức họa này, là ông ấy có vẻ thông minh”, nàng nói.

Người chồng vung tay phác một cử chỉ rộng.

“Chính tất cả những nhân vật đó đã tạo nên Bouville”, ông ta bảo với vẻ dung dị.

“Đặt chung họ tất cả ở đây thật là hay”, người vợ nói trong cơn xúc động.

Chúng tôi là ba người lính đang thao diễn trong căn phòng bao la này. Người chồng cười to với niềm tôn kính, ông ta lặng lẽ ném về phía tôi một cái nhìn lo ngại và đột nhiên ngưng cười. Tôi xoay mặt đi, đến đứng yên trước chân dung Olivier Blévigne. Một nỗi khoan khoái dịu nhẹ tràn ngập người tôi: Này! Tôi đã có lý. Quả thật là quá kỳ cục!

Người vợ đã tiến lại gần tôi.

“Gaston, nàng đột nhiên bạo dạn lên và bảo, lại đây với em!”

Người chồng bước về hướng chúng tôi.

“Này anh, nàng ta tiếp, ông này có tên đường rồi đó: Olivier Blévigne. Anh biết chớ, con đường nhỏ leo lên khu Đồi Xanh ngay trước khi đến vùng tiếp cận Bouville”.

Độ vài giây sau, nàng lại nói thêm:

“Con đường đó chẳng có vẻ tiện lợi”.

“Không! Những người phản đối phải biết tìm đến kẻ có thẩm quyền để phàn nàn”.

Câu ấy gởi đến tôi. Ông nọ nhìn tôi bằng góc con mắt và cười hơi phát ra tiếng, lần này với một vẻ hợm hĩnh và tẩn mẩn, như thể chính ông là Olivier Blévigne.