Buồn nôn - Chương 13

Olivier Blévigne không cười. Ông vểnh về phía chúng tôi chiếc hàm co rút và trái khế nổi bật.

Có một giây phút, im lặng và xuất thần.

“Như tuồng ông sắp cử động ấy”, người vợ bảo.

Người chồng ân cần giải thích:

“Ông là một đại thương gia ngành bông vải. Kế đó, ông đã làm chính trị, ông được bầu làm nghị viên”.

Tôi biết rõ ông. Cách đây hai năm, tôi đã tra cứu về ông ở cuốn “Tiểu tự điển các Danh nhân Bouville” của tu viện trưởng Morellet. Tôi có chép lại bài đó.

“Blévigne Olivier Martial, con của nhân vật trước, sinh và chết tại Bouville (1849-1909), học Luật ở Paris và đậu bằng cử nhân năm 1872. Bị kích động mãnh liệt vì cuộc nổi loạn của Công xã Ba Lê, đã khiến ông cũng như nhiều người Ba Lê khác đến tị nạn tại điện Versailles; dưới sự che chở của Quốc ước nghị viện; ông đã thề nguyền “dành cả cuộc đời mình cho sự tái lập Trật Tự”, ở vào tuổi mà các thanh niên khác chỉ nghĩ tới những thú vui. Ông đã giữ lời; ngay khi quay trở về thành phố chúng ta, ông đã sáng lập nên một hội đoàn nổi danh: hội đoàn Trật tự, nhóm họp vào mỗi buổi chiều, trong suốt nhiều năm trường, quy tụ những đại thương gia và những chủ tàu thủy chính của Bouville. Cái hội đoàn quý tộc mà người ta có thể đùa nhạo bảo rằng còn khép kín hơn là hội đua ngựa này, đã tạo một ảnh hưởng tốt lành trên vận mệnh đại thương cảng chúng ta, mãi đến tận 1908. Năm 1808, Olivier Blévigne kết hôn với Marie Louise-Pacôme, con thứ của thương gia Charles Pacôme (xem tên này) và khi ông này chết, đã sáng lập nên ngôi nhà Pacôme-Blévigne và các con. Ít lâu sau, ông xoay sang hoạt động chính trị tích cực và ra ứng cử nghị sĩ.

“Xứ sở chúng ta, - ông phát biểu trong một bài diễn văn trứ danh - đang chịu đựng một cơn bệnh trầm trọng nhất: giai cấp lãnh đạo không còn muốn chỉ huy nữa. Và, thưa quý ngài, ai sẽ đứng ra điều khiển, nếu như những kẻ mà do di truyền, do giáo dục, do kinh nghiệm đã trở thành có khả năng thi hành quyền lực nay lại quay lưng khỏi quyền hành, vì cớ thoái nhiệm hay chán nản, mỏi mệt. Tôi đã thường phát biểu điều này: chỉ huy không phải là một quyền lợi của giới thượng lưu, mà là một bổn phận chính yếu. Thưa quý ngài, tôi cầu xin quý ngài điều đó: hãy thiết lập lại nguyên tắc về quyền hành!”.

Được bầu ở vòng đầu ngày 4 tháng 10 năm 1885, từ đó ông luôn luôn được tái cử. Bằng một tài hùng biện quả quyết và dữ dội, ông đã đọc vô số bài diễn văn lừng lẫy. Vào năm 1898, ông đang ngụ tại Paris khi cuộc đình công khủng khiếp nổ bùng ra. Ông tức tốc đáp tàu về Bouville, nơi ông sẽ là một tay cổ vũ cho phong trào chống đối. Ông đưa ra sáng kiến nên thương thuyết với những người đình công. Được bắt nguồn từ một tinh thần hòa giải rộng rãi, những cuộc thương thuyết này bị gián đoạn bởi cuộc giao chiến ở vùng phụ cận Bouville. Ta biết rằng một cuộc can thiệp kín đáo của quân đội đã lập lại an bình cho mọi người.

Cái chết yểu mệnh của cậu con trai Octave, người đã thi đậu vào trường Bách khoa khi còn rất trẻ và là người mà ông muốn “tạo thành một viên chỉ huy” đã gây xúc động khủng khiếp cho Olivier Blévigne. Ông không trỗi dậy được nữa và qua đời hai năm sau đó, vào tháng hai, năm 1908.

Tuyển tập diễn văn: Những Sức mạnh Tinh thần, 1894 (Hết), Nhiệm vụ Trừng phạt, 1900. Những bài diễn văn của bộ sưu tập này đã được đọc nhân vụ án Dreyfus (Hết), Ý chí, 1902 (Hết). Sau khi ông qua đời, người ta đã tập hợp những bài diễn văn cuối cùng và một vài bức thư gởi cho những người thân tình, dưới tiêu đề Labor improbus (nhà Plon, 1910). Họa tượng học: ông có một bức chân dung tuyệt hảo do Bordurin vẽ, treo tại viện bảo tàng Bouville”.

Một bức chân dung tuyệt hảo, được Olivier Blévigne mang một chòm râu mép đen nhỏ và khuôn mặt màu xám lục của ông hơi giống khuôn mặt Maurice Barrés. Cả hai quyết nhiên là đều được mọi người biết đến: họ ngồi trên cùng một chiếc băng. Song viên nghị sĩ thành Bouville không có cái dáng điệu thiếu nhiệt thành như là viên chủ tịch Ái quốc đoàn. Ông ta thẳng đơ như một cây bạch vạn niên và tỏa vọt từ mặt vải như thể một con quỷ từ chiếc hộp nhảy ra. Đôi mắt ông lấp lánh: đồng tử đen tuyền, giác mô đỏ hồng. Ông mím chặt đôi môi dày thịt và ép mạnh bàn tay phải vào ngực.

Bức chân dung này quả đã làm tôi bực dọc, khổ tâm chừng nào! Đôi khi, tôi thấy Olivier Blévigne quá to lớn và đôi lúc lại quá nhỏ nhoi. Nhưng ngày hôm nay, tôi hiểu ra rồi.

Tôi đã biết được sự thực khi lật thoáng qua tờ Satirique Bouvillois. Số ra ngày 6 tháng mười một, 1905 được dành hẳn cho Blévigne. Người ta in ảnh ông trên bìa, nhỏ tí, bám vào chòm lông mũ của đức cha Combes, với câu chuyện truyền kỳ: Con Rận của Mãnh sư. Và ngay trang đầu tiên, mọi sự đã rõ rệt: Olivier Blévigne cao một thước năm mươi ba phân. Người ta chế giễu tầm vóc nhỏ bé và cái giọng chẫu chuộc của ông, giọng nói hơn một lần đã từng làm chết ngất toàn thể Nghị viện. Người ta tố cáo ông có mang những miếng gót bít tất bằng cao su trong giày ống. Trái lại, bà Blévigne, dòng họ Pacôme, quả là một con ngựa đực. “Đây là trường hợp để bảo rằng ông ta đang có kẻ bù đắp đích đáng cho mình” người ký giả viết thêm.

Một thước năm mươi ba! Vâng: với một mối chú tâm tẩn mẩn, Bordurin đã vây quanh ông bằng những đồ vật chẳng hề có cơ thu nhỏ lại: một chiếc ghế nệm nhỏ lùn, một chiếc ghế bành thấp, một chiếc kệ với vài cuốn sách khổ xếp - 12, một chiếc bàn tròn xoay bé tí kiểu Ba Tư. Duy có điều, nhà họa sĩ đã vẽ ông ta cùng một ni tấc như người trong bức tranh bên cạnh, Jean Parrottin, và cả hai bức tranh đều mang cùng kích thước như nhau. Kết quả là chiếc bàn tròn xoay ở trên bức này lại hầu như lớn bằng chiếc bàn to tướng trên bức tranh kia, và chiếc ghế nệm thấp sẽ cao đến vai Parrottin. Giữa hai bức tranh, con mắt vẽ theo bản năng mà so sánh lẫn nhau: nỗi bực dọc của tôi phát nguyên từ đó.

Giờ đây, tôi muốn cười to: một thước năm mươi ba! Nếu muốn nói chuyện với Blévigne hẳn tôi phải nghiêng mình hay khom gối xuống. Tôi không còn ngạc nhiên nữa khi thấy ông ta hùng hổ vểnh chiếc mũi lên trôi như thế: số mệnh của những người có tầm vóc thấp lùn như thể luôn luôn được diễn ra một vài phân trên đầu họ.

Sức mạnh tuyệt vời của nghệ thuật. Từ cái mẫu người có giọng nói chát chúa nọ, chẳng còn gì lưu lại hậu thế cả, ngoài ra một khuôn mặt đầy hăm dọa, một cử chỉ đường bệ oai nghiêm và đôi mắt toé máu của loài bò tót. Người sinh viên bị Công xã khủng bố, người nghị sĩ bé tí hay nổi giận; đấy là những gì mà thần chết đã cướp đi. Nhưng, nhờ vào Bordurin, viên chủ tịch của Hội đoàn trật tự, người diễn giả của Những sức mạnh Tinh thần vẫn còn sống mãi trong thiên thu.

“Ồ! Đáng thương cho cậu Pipo!”.

Người đàn bà thốt lên một tiếng kêu tắc nghẹn: dưới chân dung của Octave Blévigne, “con của nhân vật trước”, một bàn tay kính tín đã viết nên dòng chữ:

“Từ trần tại trường Bách khoa năm 1904”.

“Cậu ấy chết rồi! Cũng như cậu Arondel. Cậu ta có vẻ thông minh thật. Mẹ cậu hẳn đã khổ tâm vì thế! Cũng vì phải làm việc quá sức trong những cái trường lớn đó. Trí óc phải làm việc liên miên, ngay cả trong giấc ngủ. Em, em thích những chiếc mũ hai góc này, trông thật bảnh. Còn những túm lông đó, chúng tên là casoars hả anh?”.

“Không; casoars là danh từ dành cho trường võ bị Saint-Cyr”.

Đến lượt tôi chiêm ngưỡng anh chàng học viên trường Bách khoa mệnh yểu. Màu da sáp bóng và bộ râu mép đầy tín tâm đã đủ để gợi ra ý tưởng về cái chết sắp đến. Vả lại, anh cũng đã thấy trước định mệnh mình: một sự nhẫn nhục nào đó lộ rõ nơi đôi mắt trong sáng của anh, đôi mắt nhìn xa vời vợi. Song đồng lúc, anh lại ngẩng cao đầu lên; dưới bộ đồng phục đó, anh biểu trưng cho quân đội Pháp.

Tu Marcellus eris! Manibus date lille plenis...

Một đóa hồng bị cắt đi, một học viên trường Bách khoa lìa đời: còn có gì để đáng buồn hơn?

Tôi bước nhẹ theo dãy hành lang dài, vừa đi qua vừa cúi chào, nhưng không ngừng chân, những khuôn mặt lỗi lạc ló ra từ vùng bóng tối mờ mờ: ông Bossoire, chủ tịch tòa án thương mại, Ô. Faby, chủ tịch hội đồng hành chánh của thương cảng tự trị Bouville, ô. Boulange, thương gia, cùng với gia đình, ô. Rannequin, thị trưởng Bouville, ô. De Lucien, sinh tại Bouville, đại sứ Pháp tại Mỹ quốc và là thi sĩ, một người lạ với y phục quận trưởng, mẹ Sainte-Marie Louise, mẹ bề trên của Đại cô nhi viện, ô. và bà Théréson, ô. Thiboust Gouron, tổng chủ tịch của hội đồng hòa giải thợ và chủ, ô. Bobot, chánh quản lý của hệ thống danh bộ hải quân, các ô. Brion, Minette, Grelot, Lefebvre, ông bà bác sĩ Pain, cả Bordurin nữa, được con trai ông là Pierre Bordurin vẽ lại. Những cái nhìn trong sáng và lạnh lùng, những đường nét thanh tú, những chiếc miệng mảnh mai, ông Boulange to lớn và kiên nhẫn, Mẹ Sainte-Marie-Louise với một vẻ kính tín đầy trí xảo. Ông Thiboust-Gouron cứng rắn với chính mình cũng như với kẻ khác. Bà Théréson đang dũng mãnh chống lại một điều ác sâu xa. Chiếc miệng chán nản cùng cực của bà đủ nói lên rõ rệt nỗi đau khổ bà đang chịu đựng. Song chẳng bao giờ người đàn bà đầy lòng kính tín này lại than vãn: “Tôi đang đau đớn”. Bà cố tỏ ra cao thượng. Bà sáng tác ra các thực đơn và làm hội trưởng các Hội từ thiện. Đôi khi, giữa một câu nói, bà chậm chạp khép đôi mí mắt lại và sự sống từ bỏ khuôn mặt bà. Vẻ suy nhược này không kéo dài hơn một khoảnh khắc. Và người ta thì thầm với nhau trong công trường bần nữ: “Tội nghiệp bà Théréson! Bà chẳng hề than vãn bao giờ”.

Tôi đã băng qua suốt cả chiều dài phòng triển lãm Bordurin-Renaudas. Tôi quay đầu lại. Thôi, giã biệt, những nhành hoa huệ thanh thoát trong những đền đài miêu họa nhỏ bé của các ngươi, giã biệt, những cành hoa huệ xinh tươi, niềm kiêu hãnh và là lý do hiện hữu của chúng ta, giã biệt, những Đồ Chó đẻ.

Thứ hai.

Tôi không viết tiếp tác phẩm của mình về Rollebon nữa; thế là hết, tôi chẳng thể nào viết ra được nữa. Tôi sắp sửa làm gì đời mình?

Đã ba giờ. Tôi đang ngồi tại bàn; tôi đã đặt cạnh tôi một bó thư đánh cắp được ở Mạc Tư Khoa; tôi đã viết:

“Người ta đã cố tâm rao truyền những lời đồn đại vô sỉ nhất. De Rollebon hẳn đã bị vướng vào xảo thuật này, vì trong thư đề ngày 13 tháng 9, ông đã viết cho người cháu trai của mình rằng ông vừa mới thảo một bản chúc thư”.

Viên hầu tước đã hiện diện: trong khi chờ đợi ông được lưu định chung thẩm trong hiện hữu lịch sử, tôi đã cho ông mượn cuộc đời tôi. Tôi cảm nghiệm ông như một làn hơi nóng nhẹ nhàng trong lỗ hổng dạ dày.

Đột nhiên tôi thấy rõ một vấn nạn mà người ta sẽ không bỏ lỡ dịp nêu ra: Rollebon đã chẳng thành thực gì với người cháu trai, kẻ mà ông sẽ dùng làm người chứng để chạy tội với hoàng đế Paul đệ I, trong trường hợp vụ mưu sát bị hỏng. Rất có thể ông đã đặt bày câu chuyện bản chúc thư để làm ra vẻ một người ngây thơ vô tội.

Đấy là một vấn nạn nhỏ nhặt chẳng đáng kể vào đâu; có thể bỏ qua được. Tuy nhiên, nó cũng đủ dìm ngập tôi vào trong một cơn mơ mộng ảo não. Đột nhiên, tôi nhìn thấy lại người hầu gái to lớn của quán “Chez Camille”, chiếc đầu thô bạo dữ tợn của ông Achille, căn phòng nơi tôi đã cảm nghiệm rất rõ rệt rằng tôi đã bị lãng quên, bị bỏ rơi trong hiện tại. Tôi chán nản tự nhủ:

“Làm thế nào mà tôi, một kẻ chẳng đủ sức mạnh níu giữ chính ngay quá khứ của mình, lại có thể hy vọng sẽ cứu vãn được quá khứ của một người khác?”

Tôi cầm bút lên và cố gắng làm việc lại: tôi chán ngấy lên tận óc về những thứ đó, những sự suy nghĩ về quá khứ, hiện tại, về thế giới theo kiểu như thế. Tôi chỉ đòi hỏi một điều: người ta hãy để yên cho tôi hoàn tất tác phẩm của mình.

Nhưng khi những cái nhìn của tôi rơi xuống trên xấp giấy trắng, dáng vẻ bên ngoài của nó bắt chộp lấy tôi và tôi đã dừng lại, ngắm nhìn say sưa cái khối giấy rạng rỡ kia, cây viết đưa lửng lên trời: nó mới cứng rắn và thấu thị làm sao, nó mới thật là hiện tại làm sao. Nơi nó, chẳng có gì hiện hữu ngoài hiện tại. Những dòng chữ tôi vừa viết lên đấy hãy còn chưa khô hẳn thì đã chẳng còn thuộc về tôi nữa.

“Người ta đã cố tâm rao truyền những lời đồn đại vô sỉ nhất...”

Câu trên, tôi đã suy tưởng đến. Thoạt tiên, nó còn mang một chút gì thuộc về tôi. Bây giờ, câu đó đã được khắc ghi trên giấy, nó hợp thành khối chống lại tôi. Tôi không còn nhận ra nó nữa. Tôi lại còn không thể nào suy nghĩ một lần nữa câu đó. Nó đang có đấy, đối mặt với tôi; tôi đã hoài công vô ích để tìm kiếm một dấu tích chỉ rõ nơi xuất phát. Bất cứ người nào khác cũng đã có thể viết nên câu đó. Nhưng còn tôi, chính tôi, tôi chẳng chắc tâm rằng mình đã viết nên nó. Hiện giờ, những dòng chữ không còn lấp lánh nữa, chúng đã khô lại. Cả chuyện đó nữa cũng biến mất: chẳng còn lại gì từ cái vẻ rạng rỡ mong manh của chúng.

Tôi liếc nhìn chung quanh đầy lo lắng: hiện tại, chẳng có gì khác ngoài hiện tại. Những đồ đạc nhẹ nhàng và kiên cố, bị trát phủ một lớp vỏ cứng trong hiện tại của chúng, một cái bàn, một cái giường, một chiếc tủ gương - và cả chính tôi. Bản chất đích thực của hiện tại đã hiện lộ ra; hiện tại đã là cái đang hiện hữu, và tất cả những gì không hiện tại thì cũng không hiện hữu. Quá khứ không hiện hữu. Hoàn toàn không. Cả trong những sự vật, lẫn trong tư tưởng tôi. Hẳn nhiên, từ rất lâu tôi đã hiểu rằng quá khứ của riêng mình đã vuột thoát khỏi tôi. Nhưng mãi đến bây giờ, tôi vẫn còn tin rằng quá khứ đó chỉ bị rút ra khỏi tầm hạn của tôi. Đối với tôi, quá khứ chỉ là một cuộc ẩn dật: đấy là một cách thái khác để hiện hữu, một trạng thái nghỉ ngơi và vô hoạt; mỗi biến cố, một khi đã chấm dứt vai trò, đều tự mình sắp xếp một cách khôn ngoan trong một chiếc hộp và trở thành một biến cố khả kính: người ta phải hao hơi tổn lực biết bao để tưởng tượng ra hư vô. Giờ đây, tôi đã biết rõ; toàn thể những sự vật đều chỉ là những lộ diện của chúng - và đằng sau chúng... tuyệt chẳng có gì.

Tôi còn chìm đắm trong tư tưởng trên một vài phút nữa. Đoạn tôi vung mạnh vai để tự giải thoát và kéo xấp giấy về phía tôi.

“… rằng ông vừa mới thảo một bản chúc thư”.

Một nỗi xót xa khôn cùng đột nhiên tràn ngập tâm hồn và cây bút rời khỏi tay tôi, bắn mực văng tung toé. Chuyện gì đã xảy ra? Tôi đã gặp cơn Buồn Nôn chăng? Không, không phải thế, căn phòng vẫn mang vẻ nhân từ dịu ngọt mọi ngày. Ngoại trừ chiếc bàn đối với tôi có vẻ nặng nề thêm, dày đặc thêm và cây bút có vẻ cứng chắc hơn. Duy có điều là De Rollebon vừa chết lần thứ hai.

Mới lúc nãy đây, ông ta hãy còn có đó, trong tôi, yên tĩnh và ấm nóng, và thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy ông ngọ nguậy. Đối với tôi, ông còn sống động nhiều, sống động hơn là chàng Tự Học hay bà chủ quán “Rendezvous des Cheminots” nữa. Hẳn nhiên là ông có những ưa thích nhất thời, ông có thể ở lì trong phòng nhiều ngày không ló dạng ra ngoài; nhưng thường khi, vào những lúc đẹp trời bí ẩn, ông lại ló mũi ra ngoài, như con chim áo dài miền ẩm ướt, tôi nhận ra khuôn mặt trắng nhợt và đôi gò má xanh xao của ông. Ngay cả khi chẳng ló dạng ra, ông vẫn đè nặng trên tâm hồn tôi, và tôi cảm thấy lòng mình tràn đầy.

Giờ đây, chẳng còn gì nữa. Cũng chẳng còn lấy chút hoài niệm nào về vẻ rạng rỡ tươi mát của những vệt mực khô này. Đấy là lỗi ở tôi: những lời duy nhất chẳng nên thốt ra, tôi lại nói lên: tôi đã nói rằng quá khứ chẳng hiện hữu. Và đột ngột, im lìm, De Rollebon đã quay trở lại cõi hư vô.

Tôi cầm lấy những bức thư của ông nơi tay, tôi mân mê chúng với một thứ nỗi niềm thất vọng. Tôi tự nhủ:

“Chính ông ta, phải, tuy vậy, chính ông ta đã viết nên từng chữ một trong những bức thư này. Ông đã tựa mình trên tờ giấy này, ông đã đặt ngón tay lên những tấm giấy, để ngăn không cho chúng xoay chỗ dưới ngòi bút”.

Đã quá chậm: những dòng chữ này chẳng có nghĩa gì nữa. Chẳng còn gì hiện hữu, ngoài xấp giấy vàng mà tôi đang ép chặt trong đôi bàn tay. Lại còn câu chuyện phức tạp này: người cháu trai của Rollebon bị cảnh binh Nga hoàng ám sát năm 1810, những giấy tờ của y bị tịch thu và chuyển vào Thư khố mật, đoạn, một trăm mười năm sau, được những người Xô Viết, lúc ấy đã lên cầm quyền, ký gởi tại thư viện Nhà nước, nơi tôi đã đánh cắp được chúng vào năm 1923. Song điều ấy không có vẻ gì thực, và ngay cả vụ đánh cắp mà chính tôi là thủ phạm, tôi cũng chẳng còn lưu giữ được một hoài niệm đích xác nào. Để giải thích sự hiện diện của những giấy tờ này trong phòng tôi, chẳng khó khăn gì để tìm ra hàng trăm câu chuyện khác đáng tin hơn: đối diện với những tờ giấy xù xì này, tất cả những câu chuyện đó đều có vẻ rỗng và nhẹ như những chiếc bọt bóng. Chẳng thà tôi phó thác mình cho vận số đỏ đen còn hơn là tin vào những tờ giấy đó để tự đặt mình cảm thông với Rollebon. Rollebon chẳng còn hiện hữu nữa. Hoàn toàn không. Nếu ông ta còn lại một vài đốt xương, thì những đốt xương đó cũng tự hiện hữu cho chính mình, hoàn toàn độc lập, chúng chỉ là một ít phốt-phát và các-bô-nát pha lẫn muối và nước.

Tôi thực hiện một mưu định cuối cùng; tôi tự lặp lại những lời sau đây của Bà De Genlis mà thường tôi hay dùng để triệu thỉnh hầu tước Rollebon: “khuôn mặt ông nhăn nheo, sạch sẽ và quang thuần, rỗ chằng rỗ chịt, với một vẻ tinh quái lạ thường đập rõ vào mặt ta, mặc dù đã cố gắng cách nào để che giấu”.

Gương mặt ông đã hiện lên với tôi trong vẻ ngoan ngoãn, chiếc mũi nhọn, đôi gò má xanh xao, nụ cười mỉm. Tôi có thể tùy ý tạo nên những đường nét của ông và có lẽ còn dễ dàng hơn cả trước đấy nữa. Duy có điều, đấy chỉ là một ảnh tượng trong tôi, một ảo tượng. Tôi thở dài, ngả người ra sau, tựa vào lưng ghế, với ấn tượng một sự khiếm khuyết không thể dung thứ nổi.

Chuông đổ bốn giờ. Đã một giờ trôi qua tôi ngồi đấy, đôi tay buông thõng trên ghế. Trời bắt đầu tối ám. Trừ điều đó ra, không có gì thay đổi trong căn phòng: mảnh giấy trắng vẫn luôn luôn hiện hữu trên bàn, bên cạnh cây bút và bình mực... song chẳng bao giờ nữa, tôi sẽ viết lên trang giấy đã khởi đầu. Chẳng bao giờ nữa, đi dài theo con đường Mutilés và đại lộ Redoute, tôi sẽ đến thư viện để tham khảo những tài liệu, sách vở.

Tôi muốn nhảy bổng lên và rời khỏi phòng, làm bất cứ chuyện gì để cho mình dịu bớt. Song, nếu nhấc một ngón tay lên, nếu không tự giữ cho hoàn toàn trầm tĩnh, thì tôi biết rõ điều gì sẽ xảy ra cho tôi. Tôi không muốn rằng điều đó lại xảy đến cho tôi nữa. Nó luôn luôn đến quá sớm. Tôi không động đậy; trên xấp giấy, tôi đọc một cách máy móc đoạn văn bị bỏ dở:

“Người ta đã cố tâm rao truyền những lời đồn đại vô sỉ nhất. De Rollebon hẳn đã bị vướng vào xảo thuật này, vì trong bức thư đề ngày 13 tháng 9, ông đã viết cho người cháu trai rằng ông vừa mới thảo một bản chúc thư”.

Đại sự về Rollebon đã kết thúc, như thể một nỗi đam mê lớn lao cuồng nhiệt. Phải kiếm tìm một điều gì khác: cách đây vài năm, ở Thượng Hải, trong phòng giấy của Mercier, đột nhiên tôi đã ra khỏi một giấc mộng, tôi đã được đánh thức dậy. Kế đấy, tôi đã rơi vào trong một giấc mộng khác, tôi đã sống tại triều đình của những hoàng đế Nga, trong những tòa lâu đài cổ lạnh lẽo đến độ vào mùa đông, những mảnh thạch nhũ kết băng bên dưới những cánh cửa. Ngày hôm nay, tôi đang tỉnh dậy, đối mặt với một xấp giấy trắng. Những ngọn đuốc, những buổi lễ giá băng, những bộ đồng phục, những chiếc vai đẹp đẽ đang nổi da gà đã biến mất. Thay vào đó, có một cái gì còn lại trong căn phòng ấm nóng, một cái gì đó mà tôi chẳng muốn nhìn thấy.

Hầu tước De Rollebon đã là người phối ngẫu của tôi: ông đã cần đến tôi để hiện thể và tôi cũng đã cần đến ông để dừng cảm nghiệm hiện thể của mình. Chính tôi là người cung cấp vật liệu cho ông, thứ chất liệu mà tôi cần phải bán lại, vì chẳng biết làm gì: hiện hữu, hiện hữu của tôi. Phần của ông, là biểu tượng ra. Ông đối diện và xâm chiếm đời tôi, để biểu tượng ra với tôi cuộc đời của ông. Tôi chẳng còn nhận ra tôi đã hiện hữu nữa, tôi đã chẳng hiện hữu nữa trong tôi, nhưng là trong chính ông ta; chính vì ông mà tôi đã ăn uống, vì ông mà tôi đã hô hấp, mỗi một cử chỉ của tôi đều mang chứa một ý nghĩa ở bên ngoài, như thế đấy, đối diện với chính tôi, trong con người ông ta; tôi không còn nhìn thấy nữa bàn tay tôi đã vạch nên những dòng chữ trên mặt giấy, cả cái câu tôi đã viết ra - nhưng, ở đằng sau, ở bên kia mặt giấy, tôi nhìn thấy viên hầu tước, người đã kêu đòi cử chỉ nọ, người mà cử chỉ đó đã nối dài, củng cố cho hiện hữu ông ta. Tôi chỉ là một phương tiện để làm cho ông ta sống, ông ta là lý do hiện hữu của tôi, ông đã giải thoát tôi ra khỏi chính tôi. Giờ đây, tôi sẽ làm gì?

Cốt nhất là không nên động đậy, đừng động đậy... A!

Cái rùng vai đó, tôi đã chẳng thể kìm lại được...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3