Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 03-04

3

Nhà văn Gabriel Corte làm việc trên sân hiên nhà mình giữa rừng cây xào xạc và sẫm tối, hoàng hôn vàng rực ngả màu xanh lục đang tắt dần trên sông Seine. Xung quanh ông thật yên tĩnh! Ngay bên cạnh ông là những con chó nhà đã được huấn luyện kỹ, những con chó to lông trắng không ngủ nhưng nằm yên, mũi chúi xuống thảm cỏ tươi, mắt lim dim. Cô tình nhân của ông ngồi dưới chân ông, lặng lẽ thu nhặt những tờ giấy mà ông thả xuống. Các gia nhân của ông, cô thư ký của ông dường như vô hình sau những tấm cửa kính lấp lánh, họ ẩn mình đâu đó ở hậu trường của ngôi nhà, phía bên trong cánh gà của một cuộc sống mà ông muốn phải hào nhoáng, xa hoa và quy củ như một vở ba lê. Ông năm mươi tuổi và có những lề thói riêng của mình. Tùy từng ngày mà ông là Chúa Trời hay là một tác giả tội nghiệp bị một thứ lao động khổ sai cực nhọc và vô ích làm cho suy sụp. Ông đã cho khắc trên bàn làm việc của mình dòng chữ: “Để nâng lên một gánh nặng ghê gớm như vậy, Sisyphe, ngươi cần có lòng dũng cảm.” Đồng nghiệp ghen tị với ông vì ông giàu có. Chính ông đã từng chua chát kể rằng khi ông ứng cử lần đầu vào Viện Hàn lâm Pháp, một cử tri được vận động bầu cho ông đã lạnh lùng trả lời: “Ông ta có ba đường dây điện thoại!”

Ông là một người đẹp trai với phong thái uể oải và tàn nhẫn của loài mèo, đôi bàn tay mềm mại, biểu cảm, và một gương mặt César hơi mỡ màng. Chỉ Florence, cô tình nhân chính thức của ông, người được nằm trong giường của ông đến tận sáng (những cô khác thì không bao giờ được ngủ cạnh ông), có lẽ mới nói được số lượng những mặt nạ mà ông có thể tạo ra cho mình, một kẻ đỏm dáng già đời có hai quầng thâm dưới mi mắt và cặp lông mày đàn bà sắc lẹm quá thanh thoát.

Tối nay ông làm việc như thường lệ, người để trần. Ngôi nhà của ông ở Saint-Cloud được xây theo một cách thức khiến cho nó tránh được những ánh mắt tọc mạch cho đến tận cái sân hiên rộng rãi, tuyệt đẹp, trồng hoa cúc màu lam. Xanh lam là màu mà Gabriel ưa chuộng. Ông chỉ có thể viết khi ở bên cạnh ông có một cái ly nhỏ bằng loại đá quý màu lam sẫm. Đôi khi ông ngắm nghía và vuốt ve nó như một cô tình nhân. Thêm nữa, điều mà ông thích nhất ở Florence, ông cũng thường nói với cô, là đôi mắt màu lam xanh biếc của cô, đôi mắt ấy cũng đem lại cho ông cảm giác tươi mát như chiếc ly của ông vậy. “Mắt em làm dịu cơn khát của anh,” ông thì thầm. Cô có một cái cằm mềm mại, hơi đầy đặn, một chất giọng nữ trầm vẫn còn đẹp và đôi mắt có cái gì đó như mắt bò, Gabriel Corte tâm sự với bạn bè như vậy. Tôi thích thế. Đàn bà là phải giống như con bò cái tơ, hiền dịu, cả tin và hào phóng, với một tấm thân trắng muốt như kem, các anh biết làn da của các nữ kịch sĩ đứng tuổi chứ, nó đã được xoa bóp cho mềm mại, nó ngấm phấn nền và phấn bột. Ông giơ những ngón tay thanh tú của mình lên và bật tanh tách như gõ phách. Florence đưa cho ông một quả chanh và ông liền ngoạm lấy, rồi ông ngốn tiếp một quả cam và vài quả dâu ướp lạnh; ông ăn trái cây nhiều khủng khiếp. Cô nhìn ông, gần như quỳ trước mặt ông trên một chiếc đệm ngồi bằng nhung, trong một tư thế đầy vẻ tôn thờ mà ông ưa thích (vả lại ông cũng chẳng hình dung được một tư thế khác!). Ông mệt lả người, nhưng đó là một sự mệt mỏi tốt lành sau một công việc thỏa mẫn, tốt lành hơn cả sự mệt mỏi do làm tình, đôi khi ông diễn tả như vậy. Ông nhìn cô tình nhân với vẻ khoan dung.

- Vậy là cũng không đến nỗi tồi đâu, anh nghĩ thế. Mà em biết không, phần trọng tâm (ông vẽ trong không khí một hình tam giác và chỉ lên đỉnh), anh đã làm được rồi đấy.

Cô hiểu ông muốn nói gì. Cảm hứng đã bị giảm sút khi đến giữa tiểu thuyết. Thế là Corte khổ sở như một con ngựa không sao thoát ra được cỗ xe bị sa lầy của mình. Cô chắp tay lại làm một cử chỉ duyên dáng vẻ ngưỡng mộ và bất ngờ.

- Đã làm được rồi cơ à! Em chúc mừng anh, anh yêu. Bây giờ thì cứ thế mà tiếp tục thôi, em tin chắc đấy.

Ông lẩm bẩm với vẻ đăm chiêu.

- Cầu Chúa nghe thấu lời em! Nhưng Lucienne khiến anh lo lắng.

- Lucienne?

Ông nhìn cô chòng chọc và mắt ông ánh lên một vẻ khắc nghiệt, lạnh lùng và khó chịu. Những khi tâm trạng ông thoải mái, Florencethường nói: “Ánh mắt anh vẫn còn nọc rắn”, và ông cười, hãnh diện, nhưng trong cơn sốt sáng tạo thì ông ghét đùa cợt.

Cô không hề nhớ gì về nhân vật Lucienne.

Cô bèn nói dối.

- À phải rồi, ơ kìa! Em không biết em đã để đầu óc ở đâu cơ chứ!

- Anh cũng tự hỏi như vậy đấy, - ông nói bằng một giọng chua chát và bị tổn thương.

Nhưng cô có vẻ buồn rầu và khúm núm đến nỗi ông đâm ra thương hại cô. Ông dịu lại.

- Anh vẫn nói với em rồi, em không chú trọng đúng mức đến các nhân vật phụ. Một cuốn tiểu thuyết cần phải giống như một đường phố đầy những người xa lạ, ở đó có hai hoặc ba người mà ta biết rõ thôi, không hơn, đi ngang qua. Hãy xem các nhà văn khác như Proust chẳng hạn, họ biết sử dụng các nhân vật phụ. Họ sử dụng những nhân vật này để làm nhục, để hạ thấp các nhân vật chính của họ. Trong một cuốn tiểu thuyết không có gì bổ ích hơn bài học về sự thấp kém dành cho các nhân vật chính ấy. Em có nhớ không, trong Chiến tranh và hòa bình, những cô nông dân bé nhỏ vừa cười đùa vừa vượt qua đường trước cỗ xe của công tước André thoạt đầu sẽ thấy anh ta nói với họ, với riêng họ thôi, và rồi cái nhìn của độc giả đột nhiên được nâng lên, không phải chỉ có một gương mặt, một tâm hồn nữa. Độc giả khám phá ra vô số khuôn hình. Đợi đấy, anh sẽ đọc cho em đoạn này, rất đáng chú ý đấy. Bật đèn lên đi, - Ông bảo cô, - trời tối rồi.

- Máy bay đấy, - Florence vừa trả lời vừa chỉ tay lên trời.

Ông làu nhàu:

- Vậy là chúng sẽ không để cho ta yên sao?

Ông thù ghét chiến tranh, nó đe dọa đến những điều lớn hơn cả cuộc sống của ông hay tiện nghi của ông; nó hủy diệt trong từng khoảnh khắc thế giới tưởng tượng, nơi duy nhất mà ông cảm thấy hạnh phúc, giống như âm thanh của một chiếc kèn trompette lạc điệu và ghê rợn làm sụp đổ những bức tường pha lê mỏng manh đã được vất vả dựng lên để ngăn cách ông với thế giới bên ngoài.

- Trời ơi! - Ông thở dài. - Thật là phiền phức, thật là ác mộng!

Nhưng ông trở lại với thực tế. Ông hỏi:

- Em đã lấy báo chưa?

Cô mang báo đến cho ông mà không nói một lời. Họ rời sân hiên. Ông lướt qua mấy tờ báo, mặt tối sầm lại.

- Tóm lại, chẳng có gì mới cả, - ông nói.

Ông không muốn thấy gì hết. Ông đẩy lùi thực tại bằng cử chỉ hoảng hốt và buồn bực của một người đang ngủ bị đánh thức dậy giữa giấc mơ. Thậm chí ông; còn giơ tay lên che mắt như để tránh khỏi một thứ ánh sáng quá gay gắt.

Florence bước lại gần chiếc đài. Ông ngăn cô lại.

- Đừng, đừng, cứ để yên đó.

- Nhưng mà, Gabriel...

Mặt ông nhợt đi vì tức giận.

- Anh không muốn nghe gì hết, anh bảo em thế đấy. Chuyện ngày mai thì cứ để đến mai. Nghe những tin tức xấu bây giờ (mà chỉ có thể là tin xấu thôi với cái bọn... trong chính phủ ấy), anh sẽ bị mất đà, cảm hứng sẽ bị cụt đi, ban đêm có thể sẽ lên cơn lo sợ. Này, tốt hơn là em gọi cô Sudre đến đi. Anh nghĩ là anh sẽ đọc để cô ta chép lại vài trang.

Cô vội vã vâng lời. Lúc cô đang quay lại phòng khách sau khi đã báo cho cô thư ký biết, chuông điện thoại reo lên.

- Có ngài Jules Blanc gọi điện từ dinh chủ tịch Hội đồng và yêu cầu được nói chuyện với ông, - bác hầu phòng nói.

Cô cẩn thận đóng tất cả các cửa ra vào lại để không một âm thanh nào lọt sang được căn phòng nơi Gabriel và cô thư ký đang làm việc. Trong lúc đó bác hầu phòng chuẩn bị, như thường lệ, bữa ăn nguội ban đêm đợi lúc ông chủ có nhã hứng. Gabriel ăn ít trong các bữa ăn, nhưng đến đêm ông thường đói. Còn một miếng gà gô nguội, vài quả đào và những miếng pa tê nhỏ trộn pho mát ngon tuyệt do đích thân Florence đặt mua tại một cửa hiệu ở Rive gauche và một chai rượu Pommery. Sau những năm dài suy nghĩ và tìm hiểu, ông đã đi đến kết luận rằng chỉ có rượu sâm banh là phù hợp với bệnh gan của ông. Florence nghe giọng nói của Jules Blanc trong điện thoại, một giọng nói kiệt quệ, gần như không ra hơi, đồng thời cô nghe tất cả những âm thanh quen thuộc trong nhà, tiếng bát đĩa cốc chén va chạm lách cách, chất giọng mệt mỏi, khàn và sâu của Gabriel và cô cảm thấy như đang trải qua một giấc mơ lộn xộn. Cô dập máy, gọi bác hầu phòng. Bác ta phục vụ họ đã lâu năm và đã được huấn luyện theo cái mà bác ta gọi là “guồng máy trong nhà”. Sự mô phỏng Thế kỷ Hoàng kim một cách vô thức như thế khiến Gabriel thích thú.

- Làm gì đây, Marcel? Ngài Jules Blanc khuyên chúng ta ra đi...

- Ra đi à? Mà đi đâu cơ, thưa bà?

- Đâu cũng được. Đi Bretagne. Đi vào miền Nam. Quân Đức có lẽ sẽ vượt sông Seine. Làm gì đấy? - cô nhắc lại.

- Tôi chẳng biết gì đâu, thưa bà, - Marcel nói bằng một giọng lạnh lẽo.

Đã thực sự đến lúc phải hỏi ý kiến bác ta rồi cơ đấy. Bác ta nghĩ ngợi: “Lẽ ra nên đi từ hôm trước mới phải. Chẳng phải khốn khổ sao khi thấy những người giàu có và nổi tiếng lại không biết xét đoán gì hơn lũ súc vật! Mà súc vật nó còn biết đánh hơi thấy nguy hiểm!” Bác ta thì chẳng sợ quân Đức. Bác đã thấy bọn chúng hồi năm 14. Bác không còn tuổi đi lính nữa và người ta sẽ để bác yên. Nhưng bác phẫn nộ vì người ta đã không quan tâm kịp thời đến ngôi nhà, đến đồ đạc và các bộ đồ ăn bằng bạc. Bác tự cho phép mình thở dài một cái thật kín đáo. Phải tay bác thì bác đã đóng gói mọi thứ, cất giấu mọi thứ vào các hòm xiểng, đặt mọi thứ vào nơi an toàn từ lâu rồi. Bác cảm thấy có một cảm xúc gì đó như coi thường mà lại âu yếm đối với ông bà chủ của mình, giống như thứ tình cảm mà bác có đối với những con chó săn lông trắng, đẹp nhưng đầu óc rỗng tuếch.

- Bà nên báo cho ông biết thì hơn, - bác ta kết luận.

Florence đi về phía phòng khách, nhưng cánh cửa phòng vừa hé mở thì giọng nói của Gabriel vọng đến tai cô: đó là giọng nói của những ngày tồi tệ nhất, của những khoảnh khắc hoảng loạn, một giọng nói chậm chạp, khàn đục (chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi một cơn ho cáu kỉnh).

Cô ra các mệnh lệnh cho Marcel và cô hầu phòng, cô nghĩ đến những đồ vật quý giá nhất, những thứ mà người ta thường đem theo khi tháo chạy, trong lúc lâm nạn. Cô yêu cầu đặt lên giường cô một chiếc va li nhẹ và bền. Thoạt tiên cô cất những đồ trang sức mà trước đó cô đã cẩn thận lấy ra khỏi hộp. Cô đặt lên trên đó một ít đồ vải, đồ dùng vệ sinh, hai chiếc áo blouse để mặc thay cổi, một chiếc váy phù hợp với lúc ăn tối để có cái gì đó mà mặc vào ngay khi vừa đến, vì phải tính đến những chậm trễ lúc đi đường, một cái áo choàng mặc ở nhà và đôi dép lê đi trong nhà, hộp phấn xoa mặt của cô (cái này chiếm nhiều chỗ) và tất nhiên là các bản thảo của Gabriel nữa. Cô thử đóng va li lại nhưng không được. Cô chuyển chỗ để hộp trang sức, thử lại. Không, rõ ràng là phải bỏ một cái gì đó. Nhưng cái gì đây? Mọi thứ đều cần thiết cả. Cô tì đầu gối vào va li, ấn, kéo ổ khóa nhưng vô ích. Cô bực bội. Cuối cùng cô gọi cô hầu phòng đến.

- Có thể cô sẽ đóng cái này lại được chăng, Julie?

- Đầy quá, thưa bà. Không thể đóng được.

Trong giây lát, Florence do dự giữa hộp phấn và bản thảo, rồi cô chọn hộp phấn và đóng va li lại.

Mình sẽ ấn tập bản thảo vào cái hộp các tông đựng mũ, cô nghĩ. Ồ không! Mình biết rõ anh ấy, những cơn tức giận dữ dội, những cơn hoảng hốt, thuốc digitaline chữa đau tim. Ngày mai sẽ xem sao vậy, tốt nhất là trong đêm nay phải chuẩn bị xong mọi thứ để ra đi và để anh ấy không biết gì hết. Sau đó thì sẽ xem sao...

4

Dòng họ Maltête-Lyonnais không chỉ để lại cho gia đình Péricand cơ nghiệp của họ mà còn để lại cả bẩm chất dễ mắc bệnh lao phổi nữa. Căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng hai người em gái của Adrien Péricand lúc còn nhỏ tuổi. Linh mục Philippe vài năm trước cũng bị nhiễm bệnh, nhưng hai năm sống ở miền núi dường như đã chữa khỏi cho ông lại vào đúng thời điểm ông vừa được phong làm linh mục. Nhưng phổi ông vẫn yếu và khi chiến tranh bùng nổ thì ông được coi là không đủ sức khỏe để nhập ngũ. Tuy vậy ông lại có vẻ ngoài của một người đàn ông rắn rỏi. Nước da ông rám nắng, cặp lông mày đen rậm với một vẻ thôn dã và lành mạnh. Ông là cha xứ của một làng ở vùng Auvergne. Bà Péricand đã nhường ông cho Chúa khi thiên chức của ông được khẳng định. Bù lại bà mong muốn chút ít danh tiếng trong giới thượng lưu và muốn ông được hướng tới những sứ mệnh lớn lao hơn là đi dạy giáo lý Cơ Đốc cho những người nông dân tầm thường tỉnh Puyde-Dôme. Không được nhà thờ giao cho các trọng trách thì bà muốn thà ông vào tu viện còn hơn là ở cái xứ đạo nghèo khó kia. Thật là phí phạm, bà hùng hồn bảo ông. Con phí phạm những tư chất mà Thượng đế ban cho con. Nhưng bà tự an ủi với ý nghĩ rằng khí hậu khắc nghiệt phù hợp với ông. Khí trời vùng cao mà ông từng hít thở trong hai năm ở Thụy Sĩ dường như đã trở nên cần thiết cho ông. Về Paris, ông gặp lại các đường phố, ông đi trên những đường phố đó với những bước chân sải dài khéo léo khiến người qua lại phải mỉm cười vì chiếc áo dòng chẳng hợp với kiểu đi này.

Sáng nay ông dừng lại trước một tòa nhà màu xám, ông bước vào một cái sân sực mùi bắp cải: hội từ thiện Trẻ thơ Hối lỗi quận XVI có trụ sở là một ngôi nhà nhỏ nằm phía sau một tòa nhà to có lối đi thông sang nhau. Như bà Péricand vẫn trình bày trong bức thư hàng năm gửi các bằng hữu của hội từ thiện (thành viên sáng lập, 500 franc một năm, người hảo tâm, 100 franc, hội viên, 20 franc), tại đây trẻ em được sống trong những điều kiện vật chất và tinh thần tốt nhất, được học nhiều nghề khác nhau, được tham gia những hoạt động thể chất lành mạnh: một lán nhỏ lắp kính được dựng lên bên cạnh ngôi nhà, ở đó có một xưởng mộc và một bàn làm việc của thợ sửa giày. Qua các ô cửa, linh mục Péricand thấy những mái đầu tròn của lũ trẻ được giám hộ ngẩng lên giây lát khi nghe thấy tiếng bước chân ông. Ở một khoảnh vườn, giữa bậc thềm và khu lán, hai cậu bé mười lăm mười sáu tuổi đang làm việc dưới lệnh của một giám thị. Chúng không mặc đồng phục. Người ta không muốn gợi mãi những kỷ niệm về trại cải tạo mà một số trẻ đã kinh qua. Chúng mặc loại áo do các nhà hảo tâm đan bằng cách tận dụng những vụn len thừa. Một trong hai cậu con trai mặc chiếc áo len màu táo xanh để lộ ra hai cổ tay dài gầy guộc và lông lá. Chúng xúc đất, nhổ cỏ, sang chậu hoa một cách hết sức kỷ luật và im lặng. Chúng chào linh mục Péricand khi ông mỉm cười với chúng. Gương mặt linh mục bình thản, có vẻ nghiêm khắc và hơi ủ dột. Nhưng nụ cười của ông lại rất dịu dàng, đôi chút rụt rè và âu yếm trách móc như muốn nói: “Ta yêu các con, sao các con lại không yêu ta?”. Lũ trẻ nhìn ông và im bặt.

- Trời đẹp quá, - ông nói khẽ.

- Vâng, thưa Cha, - lũ trẻ trả lời, giọng lạnh lùng và gượng gạo.

Philippe nói thêm với chúng vài câu nữa rồi đi vào tiên sảnh. Ngôi nhà ảm đạm và sạch sẽ, căn phòng ông bước vào gần như trơ trụi. Đồ đạc trong đó chỉ có hai chiếc ghế mây đan; đó là phòng khách dành cho những người đến thăm lũ trẻ được giám hộ, việc này được cho phép nhưng không được khuyến khích! Hơn nữa gần như tất cả bọn trẻ đều mồ côi. Thỉnh thoảng cũng có bà hàng xóm nào đó từng quen biết những ông bố bà mẹ quá cố, một cô chị nào đó được gửi về sống ở tỉnh lẻ, nhớ đến chúng, được phép vào thăm chúng. Nhưng linh mục Péricand chưa từng gặp một người nào ở phòng khách ấy. Phòng giám đốc cũng thông ra hành lang này.

Giám đốc là một người đàn ông thấp bé nhợt nhạt có mí mắt tấy đỏ, cái mũi nhọn và phập phồng như một cái mõm đánh hơi thấy đồ ăn. Lũ trẻ được giám hộ gọi ông ta là “chuột” hoặc “heo vòi”. Ông ta giơ cả hai tay ra đón chào Philippe, bàn tay ông ta lạnh và ẩm ướt.

- Tôi không biết phải cám ơn sự giúp đỡ của Cha thế nào, thưa Cha! Cha đồng ý chịu trách nhiệm về lũ trẻ của chúng tôi thật sao?

Cần phải đưa lũ trẻ đi tản cư ngày mai. Ông ta thì vừa bị gọi khẩn cấp xuống miền Nam với bà vợ ốm...

- Viên giám thị sợ là sẽ không làm xuể, sẽ không thể hoàn thành được chuyến đi, khi chỉ có một mình với ba chục thằng bé.

- Chúng có vẻ dễ bảo đấy chứ, - Philippe nhận xét.

- A! Đó là những đứa trẻ ngoan. Chúng tôi luyện cho chúng thuần tính, chúng tôi rèn được những đứa ngang ngược nhất. Nhưng nói không phải để khoe chứ, ở đây chỉ có tôi mới điều hành được mọi việc. Các giám thị nhút nhát lắm. Thêm nữa chiến tranh đã lấy bớt người của chúng tôi...

Ông ta nhăn mặt.

- Nếu không có gì trái với thói quen của họ thì đâu ra đấy cả, nhưng họ không thể có được tí tẹo sáng kiến nào đâu, sơ suất một cái là toi ngay. Tóm lại, tôi đang không biết cầu cứu ở đâu để tiến hành cho tốt cuộc tản cư này thì cụ thân sinh ra Cha nói với tôi rằng Cha đi ngang qua đây, ngày mai Cha đã trở lại vùng núi của Cha rồi và cha không từ chối giúp đỡ chúng tôi.

- Tôi rất sẵn lòng làm việc đó. Ông định đưa những đứa trẻ này đi như thế nào?

- Chúng tôi đã kiếm được hai chiếc xe tải. Chúng tôi có đủ xăng. Cha biết đấy, nơi tản cư ở cách xứ đạo của Cha chừng năm chục cây. Như vậy Cha sẽ không phải đi vòng thêm nhiều quá.

- Tôi rảnh rỗi tới thứ Năm, - Philippe nói. - Một Cha khác hiện đang thay thế tôi.

- Ồ! Chuyến đi sẽ không kéo dài đến thế đâu. Cha biết ngôi nhà mà một trong các quý bà ân nhân đã để cho chúng tôi dùng chứ, cụ thân sinh ra Cha đã nói với tôi như vậy? Đó là một tòa nhà to tọa lạc giữa rừng. Bà chủ nhà được thừa kế ngôi nhà này năm ngoái và những đồ đạc đẹp đẽ trong nhà đã được bán đi ít lâu trước chiến tranh. Lũ trẻ có thể cắm trại trong vườn. Vào một mùa đẹp trời như thế này, chúng sẽ vui sướng lắm đây! Hồi đầu chiến tranh, bọn chúng đã sống ba tháng như vậy tại một tòa lâu đài khác ở Corrèze do một trong các quý bà đã có nhã ý dành cho viện từ thiện mượn. Ở đó chúng tôi chẳng có gì để sưởi. Sáng ra là phải đập băng đóng trong bình nước. Lũ trẻ chưa bao giờ được khỏe khoắn như thế. Cái thời của những tiện nghi nho nhỏ, của sự thoải mái trong hòa bình đã qua rồi, - viên giám đốc nói.

Linh mục nhìn đồng hồ.

- Cha có cho tôi hân hạnh được mời Cha dùng bữa trưa với tôi không, thưa Cha?

Philippe từ chối. Ông mới đến Paris buổi sáng; ông đã đi suốt đêm. Ông sợ không biết Hubert có làm liều cái gì nữa không nên ông đến tìm cậu, nhưng gia đình lại lên đường đi Nièvre ngay hôm nay. Philippe định có mặt vào lúc khởi hành: thêm một tay giúp vào cũng chẳng phải là thừa, - Ông mỉm cười nghĩ ngợi.

- Tôi sẽ thông báo cho lũ trẻ của chúng tôi là Cha sẽ thay tôi đi với chúng, - viên giám đốc nói. - Có lẽ Cha cũng muốn nói vài lời với lũ trẻ để tiếp xúc đôi chút với chúng nhỉ. Tôi đã định đích thân nói chuyện với chúng, nâng chúng lên đến tầm nhận thức về những cuộc chiến mà Tổ quốc đang phải trải qua, nhưng tôi phải khởi hành lúc bốn giờ và...

- Tôi sẽ nói chuyện với lũ trẻ, - linh mục Péricand nói.

Ông cụp mắt xuống, ngón tay chụm lại đặt lên môi. Một vẻ nghiêm khắc và buồn bã hiện lên trên gương mặt ông, cả hai thứ tình cảm ấy đều trái ngược với con người ông, trái tim ông. Ông không thích lũ trẻ bất hạnh này. Ông lại gần chúng một cách nhẹ nhàng, với tất cả thiện ý mà ông có thể có, nhưng trước sự hiện diện của chúng ông chỉ cảm thấy lạnh lùng và ghê tởm, không hề có chút tình cảm nào trào dâng, chẳng hề có gì giống như sự run rẩy thần thánh làm thức tỉnh những kẻ tội lỗi khốn khổ nhất đang cầu xin ân xá. Trong sự huênh hoang khoác loác của một kẻ vô thần già đời nào đó, của một kẻ báng bổ chai sạn nào đó, còn có nhiều vẻ nhún nhường hơn là trong lời nói hoặc ánh mắt của những đứa trẻ này. Sự ngoan ngoãn bề ngoài của chúng thật là kinh tởm. Dù có làm lễ rửa tội, dù có làm lễ ban thánh thể và lễ xá tội, thì cũng không có một tia sáng cứu vớt nào lọt được đến chúng. Những đứa trẻ trong tăm tối, chúng thậm chí chẳng có đủ sức mạnh tinh thần để vươn lên đến độ khát khao ánh sáng; chúng không linh cảm thấy ánh sáng, chúng không mong muốn ánh sáng, chúng không luyến tiếc ánh sáng. Linh mục Péricand trìu mến nghĩ đến những đứa trẻ nhỏ ngoan ngoãn của ông ở lớp học giáo lý Cơ Đốc. Ồ! Ông chẳng hề ảo tưởng về chúng đâu. Ông biết rằng trong những tâm hồn non trẻ ấy, cái ác đã bắt rễ chắc chắn, dai dẳng, nhưng đôi lúc chúng lại dịu dàng biết bao, trong trắng biết bao, run rẩy biết bao vì xót thương và khiếp sợ khi ông nói về những khổ hình mà Đức Chúa phải chịu. Ông nóng lòng được gặp lại chúng. Ông nghĩ đến lễ ban thánh thể đầu tiên đã được ấn định vào Chủ nhật tới.

Tuy vậy ông vẫn đi theo viên giám đốc vào gian phòng nơi lũ trẻ vừa mới tập hợp lại. Các cửa chớp đóng kín. Trong bóng tối, ông bước hụt một bậc ở ngưỡng cửa, chuệnh choạng và, để khỏi ngã, ông đành vịn vào cánh tay viên giám đốc. Ông nhìn lũ trẻ, chờ đợi, hy vọng sẽ có một tràng cười cố nén bùng nổ. Đôi khi những sự cố tức cười loại này đủ để đập tan tảng băng giữa thầy và trò. Nhưng không! Không một đứa nào trong lũ trẻ động đậy. Những gương mặt nhợt nhạt, những cặp môi mím chặt, mi mắt cụp xuống, chúng đứng thành nửa vòng tròn, dựa lưng vào tường, những đứa nhỏ nhất đứng phía trước. Chúng ở độ tuổi từ mười một đến mười lăm. Hầu như tất cả đều nhỏ bé so với tuổi và gầy còm. Phía sau chúng là những thiếu niên từ mười lăm đến mười bảy tuổi. Một vài đứa có vầng trán thấp, đôi bàn tay nặng nề của kẻ sát nhân. Một lần nữa, ngay khi vừa đứng trước mặt lũ trẻ, linh mục Péricand liền cảm thấy một cảm giác lạ lùng, ghê tởm và gần như là sợ hãi. Ông phải khắc phục cảm giác đó bằng mọi giá. Ông tiến về phía chúng, và chúng khẽ khàng lùi lại như thể muốn đâm vào tường.

- Các con của ta, từ ngày mai cho đến lúc kết thúc chuyến đi, ta sẽ thay ông giám đốc để ở bên các con, - ông nói. - Các con cũng biết là các con sẽ rời Paris. Chỉ Thượng đế mới biết rõ số phận nào dành cho các chiến sĩ của chúng ta, cho Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Chỉ có Người, với sự sáng suốt khôn cùng của mình, mới biết được số phận nào dành cho mỗi chúng ta trong những ngày sắp tới. Than ôi, chúng ta hoàn toàn có thể phải chịu đau đớn trong lòng, vì những nỗi bất hạnh chung được làm nên bởi vô vàn nỗi bất hạnh riêng, và đó là lúc duy nhất những kẻ bội bạc mù quáng như chúng ta đây nhận thức được tình đoàn kết ràng buộc chúng ta với nhau, chúng ta, những bộ phận của cùng một cơ thể. Điều mà ta muốn nhận được từ các con, đó là hãy tỏ ra tin tưởng vào Thượng đế. Miệng chúng ta thường nói: “Cầu cho ý muốn của Người được thực hiện”, nhưng tự đáy lòng chúng ta lại kêu lên: “Cầu cho ý muốn của con được thực hiện, lạy Chúa.” Thế nhưng, tại sao chúng ta lại tìm kiếm Thượng đế? Bởi vì chúng ta hy vọng được hạnh phúc: con người sinh ra là mong muốn hạnh phúc và cái hạnh phúc ấy, Thượng đế có thể cho chúng ta ngay lập tức, không cần đợi đến lúc chết đi và Phục sinh, nếu chúng ta chấp nhận ý muốn của Người, nếu chúng ta biến ý muốn ấy thành ý muốn của chúng ta. Các con của ta, tất cả các con hãy phó thác mình cho Thượng đế. Hãy hướng về Người như hướng về một người cha, hãy trao cuộc đời mình vào đôi tay thiêng liêng của Người và sự thanh thản thánh thần sẽ đến ngay trong lòng ta.

Ông nhìn lũ trẻ, đợi một lát.

- Chúng ta sẽ cùng nhau đọc một đoạn kinh cầu nguyện nhỏ.

Ba mươi giọng nói lanh lảnh, thờ ơ, đọc kinh Cha của chúng con, ba mươi khuôn mặt gầy gò vây quanh linh mục; những cái đầu cúi xuống một cách giật cục, máy móc, khi linh mục làm dấu thánh giá lên đó. Một cậu bé có cái miệng rộng ngoác nghiệt ngã, lạc lõng đưa mắt nhìn về phía cửa sổ, tia nắng lọt vào qua cánh cửa chớp khép kín rọi sáng một bên má thanh thoát, đầy những vết tàn nhang, một cái mũi mảnh mai, lạnh lùng.

Không một đứa nào trong bọn trẻ nhúc nhích hoặc trả lời. Nghe tiếng còi của viên giám thị, chúng xếp hàng và rời khỏi gian phòng.