Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 02

2

Ở gia đình Péricand, mọi người nghe bản tin buổi tối phát trên đài trong bầu không khí im lặng sững sờ, nhưng họ tránh đưa ra những lời bình luận. Gia đình Péricand là những người theo lối cũ; những truyền thông của họ, cách nghĩ của họ, nguồn gốc tư sản và Thiên Chúa giáo của họ, sự gắn bó của họ với Nhà Thờ (con trai cả của họ, Philippe Péricand, là linh mục), tất cả khiến họ nhìn chính phủ Cộng hòa bằng con mắt ngờ vực. Mặt khác, vị thế của ông Péricand, quản đốc một trong số các bảo tàng quốc gia, đã ràng buộc gia đình họ với một chế độ đem lại danh lợi cho những kẻ phục vụ nó.

Một con mèo thận trọng kẹp trong hàm răng sắc nhọn miếng cá đầy xương: nuốt miếng cá thì nó sợ, nhổ đi thì nó lại tiếc.

Rốt cuộc, Charlotte Péricand cho rằng chỉ có đầu óc đàn ông mới có thể bình tĩnh đánh giá những sự kiện kỳ lạ và nghiêm trọng đến vậy. Thế nhưng cả ông chồng lẫn anh con trai cả của bà đều không ở nhà; ông chồng đi ăn tối tại nhà bạn bè, anh cả vắng mặt ở Paris. Bà Péricand là người vẫn điều khiển một cách cứng rắn những thứ liên quan đến đời thường - dù đó là lối sống của gia đình, việc giáo dục con cái hay công danh sự nghiệp của ông chồng, - bà Péricand đều không hỏi ý kiến ai hết; nhưng đây lại là một chuyện khác, cần một tiếng nói có uy quyền bảo cho bà biết trước hết nên tin cái gì. Một khi đã được hướng đúng đường, bà sẽ lao hết tốc lực đến đó và coi thường mọi trở ngại. Nếu có ai chỉ ra cho bà, dù với đầy đủ chứng cớ, là bà đã lầm, bà sẽ trả lời bằng một nụ cười lạnh lùng và trịch thượng: “Cha tôi đã bảo tôi thế. Chồng tôi đã tìm hiểu kỹ.” Và bà vung bàn tay đeo găng lên khoát nhẹ vẻ quyền thế.

Vị thế của ồng chồng khiến bà hãnh diện (bản thân bà thì ưa cuộc sống bó hẹp trong phạm vi gia đình hơn, nhưng noi gương Đấng Cứu Thế Lòng Lành của chúng ta, mỗi người ở nơi hạ giới này đều phải vác thanh thập tự của mình!). Bà vừa đảo qua nhà giữa những cuộc viếng thăm để giám sát lũ trẻ học bài, đứa út uống sữa, gia nhân làm việc, nhưng bà không có thời gian để thay bộ xiêm y cồng kềnh của mình. Trong ký ức của lũ trẻ nhà Péricand, mẹ chúng lúc nào cũng như sẵn sàng để ra khỏi nhà, đầu đội mũ và tay đeo găng trắng. (Vì bà là người tiết kiệm, nên những đôi găng tay đã được sửa lại của bà đều thoang thoảng mùi xăng, vết tích của những lần qua tay thợ giặt tẩy.)

Tối nay cũng vậy, bà vừa trở về nhà và đang đứng trong phòng khách, trước cái đài. Bà bận đồ đen và đội một chiếc mũ nhỏ mùa này đang là mốt, một chiếc mũ phụ nữ xinh xắn gắn ba bông hoa và một chùm bông bằng lụa nhô ra phía trên trán. Phía dưới mũ là gương mặt nhợt nhạt và lo âu; chứng tỏ những dấu ấn của tuổi tác và sự mệt mỏi. Bà bốn mươi bảy tuổi và có năm con. Đó là một phụ nữ rõ ràng đã được Chúa Trời dự định dành cho mái tóc hung. Làn da mỏng tang, có những nếp nhăn bởi năm tháng. Những vết rám nâu rải rác trên chiếc mũi cứng cỏi và quý phái. Đôi mắt xanh lá cây của bà phóng ra một cái nhìn sắc lẹm như mắt mèo. Nhưng, đến phút cuối cùng, hẳn là Tạo hóa đã lưỡng lự hoặc cho rằng một màu tóc rực rỡ không phù hợp với đạo đức không chê được của bà Péricand cũng như vị trí xã hội cao của bà, nên ngài đã ban cho bà những sợi tóc nâu và xỉn, đã bị rụng đến hàng năm kể từ khi bà sinh đứa con út. Ông Péricand là một người đàn ông nghiêm nghị: lương tâm tôn giáo của ông đã ngăn cấm ông thực hiện nhiều ham muốn và mối lo giữ gìn danh tiếng giữ ông cách biệt những chốn xấu xa. Vậy là, đứa con bé nhất trong nhà Péricand mới có hai tuổi, và giữa linh mục Philippe với bé út có lần lượt ba đứa trẻ, tất cả đều còn sống, và cái sự mà bà Péricand dè dặt gọi là ba tai nạn, khi đứa bé nằm trong bụng mẹ đến gần hết thai kỳ mà không sống được và đã khiến bà mẹ phải ra nghĩa địa ba lần.

Phòng khách, nơi lúc này đang vang lên tiếng đài phát thanh, là một căn phòng rộng, cân xứng, có bốn cửa sổ nhìn ra đường Delessert. Phòng được bài trí đồ đạc theo kiểu cổ với những chiếc ghế bành rộng và những chiếc đi văng đệm nhồi khâu chần bọc lụa màu vàng óng. Bên cạnh ban công có chiếc xe lăn của cụ Péricand, một người tàn phế, đôi khi tuổi già khiến cụ cư xử như trẻ con. Cụ chỉ lấy lại được sự minh mẫn hoàn toàn mỗi khi đề cập đến tài sản của cụ, một tài sản đáng kể (cụ là người thuộc dòng họ Péricand-Maltête, là người thừa tự của dòng họ Maltête ở Lyon). Nhưng chiến tranh và những thăng trầm của nó không khiến cụ bận tâm nữa. Cụ thờ ơ nghe đài, lắc lư đều đều bộ râu bạch kim đẹp đẽ của mình. Sau lưng bà mẹ, lũ trẻ vây quanh thành một nửa vòng tròn, kể cả đứa bé nhất trên tay bà vú em. Bà này, đang có ba con trai ngoài mặt trận, vừa đưa bé út đến để chúc cả nhà một buổi tối tốt lành và tranh thủ việc được phép tạm thời vào phòng khách để lắng nghe với vẻ chăm chú âu lo những câu nói của phát thanh viên.

Qua cánh cửa hé mở, bà Péricand đoán được sự hiện diện của những gia nhân khác: chị hầu phòng Madeleine, quá lo lắng, đã tiến đến tận ngưỡng cửa, và việc nề nếp hàng ngày bị vi phạm thế này đối với bà Péricand là một điềm xấu. Khi đắm tàu thì hành khách mọi hạng đều dồn lên trên boong như vậy. Nhưng thường dân vốn không có thần kinh vững vàng. “Họ chẳng biết tự kiềm chế gì cả,” bà chê trách nghĩ. Bà Péricand thuộc giới trưởng giả có lòng tin vào dân chúng. “Họ không tệ đâu nếu ta biết cách đối xử với họ,” bà nói bằng giọng khoan dung và hơi buồn buồn như cách bà dùng để nói về một con thú ở trong chuồng. Bà hãnh diện vì giữ được các gia nhân của mình rất lâu. Bà nhất thiết phải tự tay trị bệnh cho họ mỗi lúc họ ốm. Khi Madeleine bị viêm họng, bà Péricand đã đích thân pha nước súc miệng cho chị. Vì ban ngày không có thời gian nên bà làm buổi tối, khi đi nhà hát về. Madeleine, giật nảy mình thức dậy, chỉ sau khi đã hoàn hồn mới bày tỏ lòng biết ơn của mình và lại còn bằng những lời lẽ khá lạnh lùng nữa chứ, bà Péricand nghĩ. Dân chúng là như vậy đó, chẳng bao giờ hài lòng cả, người ta càng vất vả vì họ thì họ càng tỏ ra đỏng đảnh và bội bạc. Nhưng bà Péricand chỉ mong đợi được Chúa Trời ban thưởng thôi.

Bà quay về phía bóng tối của tiền sảnh và nói với vẻ rất nhân từ:

- Ai muốn nghe tin tức thì có thể vào nghe.

- Xin cám ơn bà chủ, những giọng nói kính cẩn thì thào, và các gia nhân rón rén đi vào phòng khách.

Madeleine, Marie và Auguste, anh hầu phòng, và chị bếp Maria là người vào sau cùng, ngượng nghịu vì hai bàn tay bốc mùi cá. Nhưng bản tin đã kết thúc. Lúc này mọi người đang nghe bình luận về tình hình “nghiêm trọng, hẳn là như vậy, nhưng chưa đến mức nguy kịch”, phát thanh viên khẳng định. Người này nói bằng một giọng thật trơn tru, thật bình tĩnh, thật thư thái, âm điệu trở nên sang sảng mỗi lúc nói đến những từ như “nước Pháp, Tổ quốc và Quân đội”, đến mức anh ta đã gieo được vào lòng thính giả một niềm lạc quan. Anh ta có một cách nói riêng khi nhắc lại bản thông cáo về việc “quân địch tiếp tục tấn công dữ dội vào các cứ điểm của ta, tại đó chúng đã vấp phải sự kháng cự kịch liệt của quân ta”. Anh ta đọc phần đầu của câu bằng một giọng nhẹ nhàng, mỉa mai và khinh miệt, như thể muốn nói “ít ra đó là điều bọn nó cố làm cho chúng ta tin”. Ngược lại, anh ta nhấn mạnh từng chữ của phần thứ hai, phát âm rành rọt các từ “kịch liệt” và “quân ta” một cách đầy tin tưởng đến nỗi mọi người không thể không nghĩ: “Chắc chắn mình lo lắng như vậy là nhầm rồi!”

Bà Péricand nhìn thấy những ánh mắt dò hỏi và hy vọng dán vào mình, và bà bèn tuyên bố chắc như đinh đóng cột:

- Tôi thấy tình hình cũng chẳng tệ lắm đâu!

Không phải bà tin như vậy, mà nghĩa vụ của bà là phải nâng cao tinh thần của những người xung quanh.

Maria và Madeleine thở phào.

- Bà chủ tin như vậy à?

Hubert, cậu con trai thứ hai của ông bà Péricand, một chàng trai mười tám tuổi, má phính và hồng hào, có vẻ là người duy nhất choáng váng vì tuyệt vọng và sững sờ. Cậu căng thẳng lau cổ bằng chiếc khăn mùi xoa vo tròn rồi kêu lên bằng một giọng lanh lảnh và đôi lúc khản đục lại:

- Không thể như vậy được! Không thể đến nông nỗi như thế này được! Nhưng họ còn đợi gì nữa mà không gọi tất cả đàn ông vào quân đội hả mẹ? Từ mười sáu đến sáu mươi tuổi, tất cả đàn ông, ngay tức khắc! Đó là việc cần phải làm, mẹ có nghĩ thế không mẹ?

Cậu chạy vào phòng học, rồi trở ra với một tấm bản đồ địa lý to và trải lên bàn, nóng nảy đo đạc các khoảng cách.

- Chúng ta thua rồi, con cho là như vậy, thua rồi, trừ khi là...

Cậu phấn chấn lên vì hy vọng.

- Con thì con hiểu chúng ta sẽ làm gì rồi, - cuối cùng cậu tuyên bố, với một nụ cười tươi rạng rỡ làm hé lộ hàm răng trắng. - Con hiểu rất rõ, ta cứ để chúng tiến vào: tiến vào, ta sẽ đợi chúng ở đây và ở đây, đây này, mẹ thấy chứ! hoặc là...

- Ừ, ừ, - mẹ cậu nói. - Con đi rửa tay rồi vuốt lại túm tóc đang chọc vào mắt con đi. Nhìn xem mặt mũi con trông giống cái gì kìa.

Trong lòng giận dữ, Hubert gấp tấm bản đồ lại. Chỉ có mình Philippe là coi trọng cậu, chỉ có mình Philippe là nói chuyện bình đẳng với cậu. “Gia đình, tôi thù ghét các người,” cậu thầm thốt lên, và khi bước ra khỏi phòng khách, cậu lấy chân đá mạnh một cú để trả thù, làm đống đồ chơi của cậu em trai Bernard bắn ra tung tóe, cậu này bèn khóc rống lên. “Cho nó biết chế nào là đời,” Hubert nghĩ. Bà vú em vội vã đưa Bernard và Jacqueline đi ra, bé Emmanuel thì đã ngủ trên vai bà. Bà sải những bước rộng, dắt tay Bernard và khóc ba đứa con trai của bà mà trong tâm tưởng bà thấy cả ba đều đã chết. “Tai ương khốn cùng, tai ương khốn cùng!” bà vừa khe khẽ lặp đi lặp lại vừa lắc lắc mái đầu hoa râm. Bà mở vòi nước ở bồn tắm, sưởi ấm các tấm áo choàng sợi bông để mặc sau lúc tắm cho lũ trẻ, miệng không ngớt lầm rầm những lời ấy, những lời dường như với bà không chỉ nói về tình hình chính trị, mà trước hết là nói về chính cuộc đời bà: thời trẻ làm ruộng, đời góa bụa, tính nết khó chịu của các cô con dâu và cuộc sống nương cửa nhà người từ năm mười sáu tuổi.

Auguste, anh hầu phòng, nhẹ nhàng bước vào bếp. Trên gương mặt trịnh trọng và đần độn của anh ta biểu lộ rõ sự khinh bỉ đối với nhiều thứ. Bà Péricand đã về phòng. Người đàn bà có sức hoạt động phi thường này luôn tận dụng chút thời gian rảnh rỗi từ lúc lũ trẻ tắm xong đến trước bữa ăn tối để nghe Jacqueline và Bernard đọc lại bài học của chúng. Những giọng nói trong trẻo cất lên: “Trái đất là một quả cầu không có điểm tựa.” Trong phòng khách chỉ còn cụ Péricand và con mèo Albert. Đó là một ngày tuyệt đẹp. Ánh sáng buổi chiều tối dịu dàng tỏa trên những cây dẻ rậm rạp, con mèo Albert, một con mèo xám nhỏ bé chẳng rõ giống loài, thuộc sở hữu của lũ trẻ, dường như vui cuồng lên: nó ngửa người ra lăn trên tấm thảm. Nó nhảy lên lò sưởi, nhấm nháp mép cánh một bông hoa mẫu đơn cắm trong chiếc bình to màu xanh sẫm bị xước nhẹ do cái đầu chó chạm đồng ở góc bàn quẹt phải, rồi nó nhảy phất lên chiếc ghế bành của ông cụ và kêu meo meo bên tai cụ. Cụ Péricand chìa bàn tay lúc nào cũng buốt lạnh, tím tái và run rẩy về phía con mèo. Con mèo hoảng sợ và bỏ chạy. Bữa tối sắp được dọn ra. Auguste xuất hiện, đẩy chiếc xe lăn của ông cụ tàn tật sang phòng ăn. Mọi người đang ngồi vào bàn thì bà chủ nhà đột ngột sững người lại, tay vẫn cầm lơ lửng chiếc cùi dìa mà bà dùng để cho Jacqueline uống xi rô tăng lực.

- Bố về đấy, các con ạ, - bà nói, hướng về tiếng chìa khóa đang xoay trong ổ.

Quả thực đó là ông Péricand, một người đàn ông thấp bé tròn trĩnh, dáng vẻ hiền lành và hơi vụng về. Gương mặt ông thường ngày vốn hồng hào, thư giãn, no đủ, giờ đây lại rất nhợt nhạt, trông không có vẻ hoảng hốt hay lo sợ mà có vẻ vô cùng kinh ngạc. Có thể thấy cái vẻ tương tự như thế trên nét mặt của những người chết vì tai nạn, trong chớp nhoáng, không kịp có thời gian để đau đớn và sợ hãi. Họ đang đọc sách, họ đang nhìn qua cửa sổ ô tô, họ đang nghĩ về công việc của mình, họ đang đi ra toa phục vụ ăn uống và đùng một cái, họ rơi xuống địa ngục.

Bà Péricand khẽ nhỏm dậy.

- Adrien? - bà thốt lên bằng một giọng lo lắng.

- Không có gì, không có gì đâu, - ông vội vàng nói khẽ, đưa mắt nhìn về phía lũ trẻ, cụ thân sinh ra ông và các gia nhân.

Bà Péricand hiểu. Bà ra hiệu cho mọi người tiếp tục ăn. Bà cố gắng nuốt những thức ăn trước mặt, nhưng mỗi miếng ăn dường như cứng và nhạt nhẽo như đá cứ nghẹn lại trong cổ họng bà. Tuy vậy bà vẫn nhắc lại những câu đã trở nên quen thuộc trong các bữa ăn tối của gia đình bà từ ba chục năm nay. Bà bảo lũ trẻ:

- Đừng uống nước khi chưa ăn súp. Con ơi, cái dao ăn của con...

Bà cắt nhỏ miếng cá bơn cho cụ Péricand. Thức ăn của cụ được nấu riêng rất tinh tế và phức tạp, và bà Péricand bao giờ cũng đích thân phục vụ cụ, rót nước cho cụ, quệt bơ vào bánh mì cho cụ, buộc khăn ăn quanh cổ cho cụ vì cụ thường nhỏ rãi khi nhìn thấy những món cụ thích. “Tôi nghĩ,” bà nói với bạn bè, “những người già cả tàn tật đáng thương này rất khổ sở khi bị gia nhân chạm vào người.”

- Mau mau bày tỏ tình cảm với ông nội đi các con, - bà vừa bảo lũ trẻ, vừa nhìn ông cụ với một vẻ âu yếm đáng sợ.

Cụ Péricand lúc vào độ tuổi trung niên có lập ra những tổ chức từ thiện, một trong số đó được cụ đặc biệt quan tâm: viện Trẻ thơ Hối lỗi ở quận XVI, một tổ chức đáng ngưỡng mộ với mục đích phục hồi nhân phẩm cho những trẻ vị thành niên phạm tội về đạo đức. Ai cũng biết rằng khi qua đời, cụ Péricand sẽ để lại một khoản tiền nhất định cho tổ chức này, nhưng có điều khá khó chịu là cụ không bao giờ nói ra chính xác khoản tiền đó. Khi một món ăn khiến cụ không hài lòng hoặc lũ trẻ làm ồn quá, cụ đột nhiên bừng tỉnh khỏi trạng thái đờ đẫn và tuyên bố bằng một giọng yếu ớt nhưng rành rọt:

- Ta sẽ để lại năm triệu cho hội từ thiện.

Tiếp theo đó là một sự im lặng nặng nề.

Ngược lại, khi cụ đã ăn ngon và ngủ kỹ trong chiếc ghế bành đặt bên cửa sổ, dưới ánh mặt trời, cụ ngước nhìn bà con dâu bằng cặp mắt nhợt nhạt, mơ màng và lờ đờ như mắt của những đứa trẻ còn rất non nớt và mắt lũ chó mới sinh.

Charlotte là người rất khôn khéo. Bà không thốt lên như người khác có thể làm: “Cha nghĩ phải lắm, thưa cha”, mà bằng một giọng ngọt ngào bà đáp: “Cha còn có khối thời gian để nghĩ về việc đó, lạy Chúa!”

Tài sản của gia đình Péricand khá đáng kể, và quả thực sẽ thật bất công nếu quy cho họ tội nhòm ngó di sản của cụ Péricand. Họ không thiết tha gì tiền bạc, không hề, mà chính tiền bạc mới thiết tha đến họ, theo một kiểu nào đó! Họ có quyền được hưởng một số thứ, ngoài “hàng triệu bạc của dòng họ Maltête-Lyonnais” mà họ không bao giờ dùng đến, họ giữ lại để dành cho con cái của con cái họ. Đối với tổ chức từ thiện Trẻ thơ Hối lỗi, họ quan tâm tới tổ chức này đến mức cứ mỗi năm hai lần bà Péricand lại tổ chức những buổi hòa nhạc cổ điển dành cho những kẻ bất hạnh ấy; trong những buổi đó bà chơi đàn thụ cầm và khẳng định rằng đến một số đoạn nhạc có tiếng khóc nức nở từ phía tối gian phòng vang lên đáp lại.

Cụ Péricand chăm chú đưa mắt dõi theo đôi bàn tay của bà con dâu. Bà lơ đãng và bối rối đến nỗi quên lấy nước xốt. Bộ râu bạc trắng của cụ động đậy một cách đáng ngại. Bà Péricand, trở về với thực tại, vội vã tưới lên miếng cá màu trắng ngà nước xốt bơ tươi tan chảy rắc mùi tây băm nhỏ, nhưng chỉ đến lúc bà đặt thêm một lát chanh lên mép đĩa thì ông cụ mới bình tâm trở lại.

Hubert nghiêng người về phía bố thì thầm hỏi:

- Tình hình xấu lắm ạ?

- Ừ, - ông bố trả lời bằng cử chỉ và ánh mắt.

Hubert buông thõng đôi bàn tay run run xuống đùi. Cuốn theo óc tưởng tượng, cậu hình dung rõ rệt những cảnh chiến trận và thắng lợi. Cậu vốn là hướng đạo viên. Cậu và các bạn đồng đội sẽ tập hợp lại thành một nhóm tình nguyện viên, những người chiến đấu đơn lẻ để bảo vệ Tổ quốc đến cùng. Trong chớp nhoáng, óc cậu lướt qua thời gian và không gian. Cậu và đồng đội, một nhóm nhỏ tập hợp dưới ngọn cờ danh dự và trung thành. Họ chiến đấu, họ chiến đấu ban đêm; họ cứu Paris đang bị bỏ bom, đang bị thiêu cháy. Thật là một cuộc sống hào hứng, tuyệt vời! Tim cậu đập rộn. Thế nhưng chiến tranh là một điều ghê rợn và tàn bạo. Cậu ngất ngây với những hình ảnh ấy. Cậu nắm chặt con dao ăn trong tay một cách hung hăng đến nỗi miếng thịt bò rán mà cậu đang cắt bắn xuống sàn.

- Đồ hậu đậu, - Bernard, ngồi cạnh Hubert, thì thào nói và giơ tay làm điệu bộ chế nhạo anh trai dưới gầm bàn.

Bernard và Jacqueline, một đứa tám tuổi và một đứa chín tuổi, là hai đứa bé tóc vàng gầy gò, mũi hếch. Ngay khi xong món tráng miệng, hai đứa này bị đưa vào giường ngủ còn cụ Péricand thì ngủ thiếp đi ở chỗ quen thuộc, bên khung cửa sổ để mở. Ánh ngày dịu dàng của tháng Sáu lan tỏa, không nỡ tắt lịm. Mỗi một đợt sáng ánh lên lại dịu nhẹ hơn và diễm lệ hơn trước, như thể mỗi đợt sáng là một lời từ biệt đầy luyến tiếc và yêu thương gửi tới trái đất. Ngồi trên bệ cửa sổ, con mèo ngắm nhìn chân trời với vẻ hoài niệm, mắt xanh lè. Ông Péricand đi đi lại lại trong phòng.

- Ngày kia, có khi là ngày mai, quân Đức sẽ đến cửa ngõ Paris. Nghe nói Bộ Chỉ huy Tối cao đã quyết định chiến đấu ở phía trước Paris, ở trong lòng Paris, ở phía sau Paris. May mắn là mọi người vẫn còn chưa biết tin này đâu, bởi vì từ giờ đến mai người ta sẽ ùn ùn đổ ra ga, ra đường. Ngày mai phải khởi hành từ sáng sớm tinh mơ để xuống nhà mẹ em ở Bourgogne, Charlotte ạ. Về phần anh, - ông Péricand nói, không giấu vẻ cao cả, - anh sẽ cùng sẻ chia số phận với kho báu đã được gửi gắm cho anh.

- Con cứ tưởng là viện bảo tàng đã được sơ tán đi từ hồi tháng Chín rồi chứ ạ, - Hubert nói.

- Ừ, nhưng chỗ trú tạm thời ở Bretagne được chọn cho viện bảo tàng lại không phù hợp, bởi qua thử nghiệm mới thấy nó ẩm ướt như một cái hầm. Bố cũng chẳng hiểu ra sao nữa. Trước đó đã thành lập một ủy ban bảo vệ các kho báu quốc gia, chia thành ba ban và bảy tiểu ban, mỗi ban lại chỉ định ra một nhóm giám định viên đảm trách việc cất giấu những tác phẩm nghệ thuật trong lúc chiến tranh, ấy vậy mà tháng trước một nhân viên bảo vệ viện bảo tàng tạm thời đã báo động lên chỗ bố về những vết đáng ngờ xuất hiện trên các bức tranh. Phải, một bức tranh chân dung tuyệt vời của Mignard đã có đôi bàn tay như bị một thứ bệnh phong xanh mốc gặm nhấm. Đã phải khẩn trương yêu cầu gửi lại về Paris những thùng tranh quý giá, và bây giờ bố đang đợi một mệnh lệnh mà chắc là sắp đến để chuyển những thùng đó đi xa hơn.

- Thế còn mẹ và chúng con thì sao, mẹ và chúng con sẽ đi thế nào? Chỉ có mấy mẹ con thôi à?

- Sáng mai mọi người cứ bình tĩnh ra đi với lũ trẻ và hai chiếc ô tô, với tất cả những thứ có thể mang theo được như đồ gỗ và đương nhiên là hành lý nữa, bởi không việc gì phải giấu diếm chuyện từ giờ đến cuối tuần Paris có thể sẽ bị phá hủy, bị đốt cháy và thậm chí bị cướp phá nữa.

- Anh thật đáng kinh ngạc, - Charlotte thốt lên, - anh nói về điều đó thật là bình thản!

Ông Péricand quay khuôn mặt đã dần dần hồng hào trở lại về phía vợ, nhưng là một màu hồng xỉn như màu của những con lợn vừa mới bị thịt.

- Đó là vì anh không thể tin được điều đó, - ông nhẹ nhàng giải thích. - Anh nói với em, anh nghe em nói, chúng ta quyết định rời bỏ ngôi nhà của chúng ta, lên đường chạy trốn, và anh không thể tin được rằng điều đó là THỰC, em có hiểu không? Em đi chuẩn bị đi, Charlotte, làm sao cho sáng mai tất cả đều phải sẵn sàng, mấy mẹ con có thể đến được chỗ mẹ em kịp bữa ăn tối. Anh sẽ đến với mấy mẹ con ngay khi có thể đi được.

Bà Péricand tỏ vẻ cam chịu và cay đắng, cái vẻ bà vẫn thường khoác lên mình cùng lúc với chiếc áo blouse y tá những khi lũ trẻ ốm đau; nói chung bọn chúng thường thu xếp để ốm đồng loạt một lúc dù bệnh thì khác nhau. Những ngày như vậy, bà Péricand thường ra khỏi phòng các con với cái nhiệt kế trong tay, cứ như thể bà giương lên cành cọ của kẻ tuẫn đạo, và tất cả điệu bộ của bà chỉ là một tiếng kêu: “Ngài sẽ nhận ra các con của ngài vào ngày tận thế, Đức Chúa Jésus lòng lành của con!” Bà chỉ hỏi:

- Còn Philippe thì sao?

- Philippe không thể rời Paris được.

Bà Péricand ngẩng cao đầu bước ra. Bà sẽ không khuỵu xuống dưới gánh nặng. Bà sẽ thu xếp sao cho ngày mai cả nhà đều sẵn sàng để ra đi: ông cụ tàn tật, bốn đứa con, các gia nhân, con mèo, bộ đồ ăn bằng bạc, những đồ dùng quý giá nhất, những chiếc áo lông thú, tất cả đồ đạc của bọn trẻ, đồ ăn dự trữ, thuốc thang phòng ngừa. Bà rùng mình.

Trong phòng khách, Hubert van xin bố.

- Bố hãy cho phép con không phải ra đi. Con sẽ ở lại đây với anh Philippe. Và... bố đừng coi thường con! Bố có tin là nếu con tìm được các bạn của con, những người trẻ tuổi, rắn rỏi, sẵn sàng làm tất cả, thì chúng con có thể lập một toán quân tình nguyện... Chúng con có thể...

Ông Péricand nhìn cậu và chỉ nói:

- Thằng bé tội nghiệp của tôi!

- Thế là hết rồi sao? Ta đã thua cuộc chiến này rồi sao? - Hubert lắp bắp nói. - Thật... thật thế à?

Và đột ngột, kinh hoàng, cậu cảm thấy cậu đang òa lên nức nở. Cậu khóc như một đứa trẻ, như Bernard có thể khóc, cái miệng rộng của cậu méo xệch, nước mắt tuôn ào ạt trên mặt. Đêm đang đến, dịu dàng và tĩnh lặng. Một con chim én bay qua, lượn đến gần sát ban công trong màn trời đã tối. Con mèo khẽ kêu lên một tiếng thèm thuồng.