Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 05-06

5

Đường phố vắng ngắt. Những tấm cửa sắt của các cửa hàng đang được đóng lại. Trong yên lặng chỉ còn nghe thấy tiếng ồn kim loại của những tấm cửa ấy, cái thứ âm thanh thật chói tai vào những buổi sáng thời loạn hay thời chiến trong các thành phố bị đe dọa. Xa hơn, trên đường đi, vợ chồng Michaud nhìn thấy những chiếc xe tải đầy ắp đang đợi trước cửa các công sở. Họ lắc đầu. Theo thói quen, họ khoác tay nhau để vượt qua đại lộ Opéra phía trước cơ quan, dù rằng buổi sáng hôm ấy đường vắng tanh. Cả hai người đều là nhân viên nhà băng và làm việc ở cùng một chỗ, nhưng ông chồng đã giữ chân kế toán từ mười lăm năm nay còn bà vợ chỉ mới được tuyển vào làm mấy tháng trước “với tư cách tạm thời trong lúc có chiến tranh”. Là bà giáo dạy thanh nhạc, hồi tháng Chín vừa rồi bà đã bị mất tất cả học trò, đám con nhà dòng dõi được đưa về tỉnh lẻ để tránh bom. Lương của ông chồng chưa bao giờ đủ để cho họ sống còn cậu con trai duy nhất của họ thì đã bị gọi nhập ngũ. Nhờ có vị trí thư ký này mà cho đến giờ họ vẫn xoay xở được và, như bà nói: “Đừng đòi hỏi những cái không thể được, ông chồng tội nghiệp của tôi ơi!” Họ luôn phải sống một cuộc sống vất vả kể từ ngày họ bỏ nhà trốn đi để lấy nhau ngược lại với ý muốn của cha mẹ họ. Chuyện đó xảy ra đã lâu rồi. Bà vẫn còn những nét đẹp trên gương mặt gầy guộc. Mái tóc bà hoa râm. Ông có dáng người nhỏ bé, vẻ mệt mỏi và chểnh mảng, nhưng thỉnh thoảng, khi ông quay về phía bà, nhìn bà, mỉm cười với bà, một tia đùa cợt và âu yếm ánh lên trong mắt ông - cô ấy vẫn thế, ông nghĩ, ừ, thực vậy, cô ấy gần như vẫn giống hệt ngày xưa. Ông đỡ bà bước lên vỉa hè và nhặt chiếc găng tay bà đánh rơi. Bà cám ơn ông bằng cách siết nhẹ lấy bàn tay ông đang chìa ra cho bà. Những nhân viên khác đang vội vã đi về phía cánh cửa ra vào để ngỏ của nhà băng. Một người trong số đó hỏi khi đi ngang qua vợ chồng Michaud:

- Vậy rốt cuộc chúng ta có đi không?

Vợ chồng Michaud không biết gì cả. Hôm đó là ngày mùng 10 tháng Sáu, một ngày thứ Hai. Họ rời cơ quan ngày hôm kia, và lúc đó thì mọi sự có vẻ yên tĩnh. Người ta đã chuyển các chứng từ về tỉnh lẻ nhưng chưa có quyết định gì về các nhân viên, số phận họ đang được giải quyết ở tầng một, nơi có các phòng giám đốc với hai cánh cửa ra vào to bọc đệm màu xanh lá cây mà vợ chồng Michaud vừa im lặng đi nhanh qua. Đến cuối hành lang, họ tách ra, ông lên phòng kế toán còn bà ở lại khu vực đặc quyền: bà là thư ký của một trong các giám đốc, ông Corbin, thủ trưởng thực sự ở đây. Vị giám đốc thứ hai là ông bá tước De Furières (kết hôn với một bà thuộc dòng họ Salomon-Worms), là người chủ yếu chuyên trách về quan hệ đối ngoại của nhà băng, số khách hàng của ông không nhiều nhưng rất chất lượng. Ngân hàng này chỉ nhận những điền chủ lớn và đặc biệt ưu tiên những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp luyện kim. Ông Corbin hy vọng đồng nghiệp của mình, bá tước De Furières, sẽ giúp việc ông gia nhập hội Jockey được thuận lợi hơn. Từ vài năm nay, ông luôn sống trong sự chờ đợi này. Bá tước thì cho rằng những ưu đãi như mời đến ăn tối hay mời tham dự các buổi đi săn cùng gia đình De Furières đã bù đắp hậu hĩnh cho một số sự dễ dãi liên quan đến két tiền. Buổi tối, khi kể cho chồng nghe, bà Michaud nhại lại những cuộc đàm đạo của hai ông giám đốc, những nụ cười cay độc của họ, những cái nhăn mặt của Corbin, những cái nhìn của bá tước, và điều đó làm tăng thêm chút gia vị cho sự đơn điệu của công việc cực nhọc hàng ngày. Nhưng từ ít lâu nay, sự tiêu khiển này cũng chẳng còn nữa: ông De Furières đã bị gọi ra mặt trận vùng Alpes và Corbin điều khiển nhà băng một mình.

Bà Michaud cầm thư từ đi vào một căn phòng nhỏ bên cạnh phòng giám đốc. Một mùi thơm nhẹ nhàng phảng phất trong không khí. Qua dấu hiệu này, bà nhận ra rằng Corbin đang bận! Ông bao một vũ nữ: cô Arlette Corail. Người ta chưa từng biết một cô tình nhân nào của ông mà lại không phải là vũ nữ. Có vẻ như ông không quan tâm đến những phụ nữ làm các nghề khác. Không một cô đánh máy nào, dù trẻ hay xinh đến mấy, có thể khiến ông đi chệch ra ngoài lĩnh vực này. Đối với tất cả các nữ nhân viên của mình, đẹp hay xấu, trẻ hay già, ông đều tỏ ra cau có, thô lỗ và keo kiệt như nhau. Ông nói bằng một giọng lầm rầm thật lạ lùng, thoát ra từ một tấm thân to béo nặng nề và no đủ; khi ông nổi giận, giọng ông trở nên the thé và rung lên như giọng đàn bà.

Giọng nói chói tai mà bà Michaud rất quen thuộc ấy hôm nay lọt ra qua những cánh cửa đóng kín. Một nhân viên đi vào và nói khẽ:

- Chúng ta sẽ đi.

- Khi nào vậy?

- Ngày mai.

Ngoài hành lang những bóng người lướt qua nói thì thầm. Mọi người tụ tập bên các khung cửa sổ và trên ngưỡng cửa của các phòng làm việc. Cuối cùng Corbin cũng mở cửa phòng ông và cho cô vũ nữ đi ra. Cô mặc một bộ trang phục bằng vải màu hồng rực rỡ và đội một chiếc mũ rơm to trên mái tóc nhuộm. Dáng người cô đẹp và mảnh dẻ, dưới lớp phấn là khuôn mặt khắc nghiệt và mỏi mệt. Những vệt đỏ hiện lên trên má và trên trán cô. Rõ ràng cô đang tức giận. Bà Michaud nghe thấy:

- Anh muốn tôi đi bộ à?

- Quay lại xưởng sửa chữa ô tô ngay lập tức đi, cô không bao giờ muốn nghe lời tôi cả. Đừng có keo kiệt, hãy hứa hẹn với họ tất cả những gì họ muốn, ô tô sẽ được sửa.

- Tôi bảo với anh là điều đó không thể được! Không thể được! Anh có hiểu tiếng Pháp không?

- Thế thì, cô em yêu quý của tôi, cô muốn tôi nói gì với cô nào? Quân Đức đã ở ngưỡng cửa Paris. Còn cô lại muốn đi theo đường ra Versailles? Tại sao cô lại đi ra đấy đã nào? Cô đi tàu hỏa đi.

- Anh không biết chuyện gì đang xảy ra trong các nhà ga sao?

- Trên các đường bộ thì cũng chẳng khá hơn.

- Anh thật là... anh thật là một kẻ vô ý thức không hơn không kém. Anh sẽ đi, anh có hai ô tô...

- Tôi phải chở các hồ sơ và một bộ phận nhân viên. Cô muốn tôi làm gì với các nhân viên nào?

- Ôi! Đừng có thô lỗ thế, tôi xin anh! Anh có ô tô của vợ anh!

- Cô muốn ngồi vào ô tô của vợ tôi à? Ý hay nhỉ!

Cô vũ nữ quay lưng lại với ông và huýt sáo gọi con chó của mình, nó vừa chạy lại vừa nhảy nhót. Cô tròng dây buộc cổ vào nó, tay run lên vì phẫn uất.

- Tất cả tuổi trẻ của tôi hy sinh cho một...

- Này! Đừng có gây chuyện. Tối nay tôi sẽ gọi điện thoại cho cô, tôi sẽ xem xem có thể làm gì được...

- Không, không. Tôi thấy rõ là tôi chỉ còn nước đi chết gí trong một cái hố ngoài đường thôi... A! Này, anh im đi, anh làm tôi phẫn nộ...

Cuối cùng họ nhận thấy bà thư ký đang nghe họ. Họ hạ giọng và Corbin khoác tay cô tình nhân, đưa cô ra đến cửa. Ông quay lại và đưa mắt nhìn bà Michaud, người đang đứng trên cùng lối đi với ông nên phải hứng lấy những bùng phát đầu tiên trong cơn bực bội của ông.

- Chị tập hợp các trưởng phòng lại trong phòng hội đồng đi. Ngay lập tức, tôi yêu cầu chị!

Bà Michaud đi ra để truyền đạt lệnh. Một lát sau, các nhân viên bước vào một căn phòng rộng nơi họ phải đối diện với bức chân dung toàn thân của đương kim chủ tịch, ông Auguste-Jean, bị ốm từ ít lâu nay vì bệnh nhũn não do tuổi già, và bức tượng bán thân người sáng lập nhà băng làm bằng cẩm thạch.

Ông Corbin đứng đón họ phía sau chiếc bàn hình bầu dục có chín mảnh giấy xác định các chỗ ngồi của hội đồng quản trị.

- Thưa các vị, ngày mai chúng ta sẽ khởi hành vào lúc tám giờ để đi đến chi nhánh của chúng ta ở Tours. Tôi sẽ mang các hồ sơ của hội đồng trong ô tô của tôi. Bà Michaud, bà và chồng bà sẽ đi cùng tôi. Còn ai có ô tô thì hãy ghé qua đây đón các nhân viên và hãy có mặt ngày mai vào lúc sáu giờ trước cửa nhà băng, tức là những người mà tôi đã chỉ định là phải đi ấy. Về phần những người khác, tôi sẽ cố gắng thu xếp, nếu không thì họ sẽ đi tàu hỏa. Xin cám ơn các vị.

Ông đi khỏi và ngay lập tức những tiếng xì xào lo lắng lan ra khắp phòng. Corbin, vừa mới hôm kia thôi, còn tuyên bố rằng ông ta không hề tính đến chuyện ra đi, rằng những tin đồn gây hoang mang là sản phẩm của bọn phản bội, rằng nhà băng sẽ ở nguyên vị trí của mình và sẽ làm nhiệm vụ của mình nếu như những kẻ khác không làm được. Một khi việc “lui quân” - như cách nói tế nhị của mọi người - được quyết định một cách đột ngột như vậy, mọi sự chắc là hỏng hẳn rồi! Các bà các cô lau những đôi mắt đẫm lệ. Lách qua các nhóm người, vợ chồng Michaud đi đến với nhau. Cả hai đều nghĩ tới cậu con trai Jean-Marie của họ. Bức thư mới đây nhất của anh viết ngày mùng hai tháng Sáu. Mới có tám ngày. Biết bao chuyện có thể xảy ra từ lúc đó, trời ơi! Trong lo sợ, niềm an ủi duy nhất mà họ có thể có là họ vẫn ở bên nhau.

- Thật may là chúng ta không phải xa nhau, - ông thì thầm nói với bà.

6

Đêm sắp buông xuống nhưng ô tô của gia đình Péricand vẫn còn chờ ngoài cửa. Họ đã buộc lên nóc ô tô tấm đệm êm và dày vẫn trang điểm cho chiếc giường của vợ chồng họ từ hai mươi tám năm nay. Một chiếc xe trẻ con và một chiếc xe đạp được gán vào phía trên khoang đựng hành lý. Họ có sức nhưng không thể nhét được vào trong xe tất cả các túi, các va li và hòm xiểng của gia đình, cũng như những giỏ đựng bánh sandwich và phích đồ uống giữa bữa, những chai sữa cho trẻ con, thịt gà nguội, giăm bông, bánh mì và những hộp bột sữa của cụ Péricand, và cuối cùng là cái ổ của con mèo. Họ bị muộn thoạt đầu là vì anh thợ giặt đã không đem giao đồ trải giường và họ không sao gọi điện được cho anh ta. Dường như họ không thể bỏ lại được những tấm khăn trải giường to thêu ren là thứ thuộc về gia sản bất di bất dịch của dòng họ Péricand-Maltête cũng như các đồ trang sức, các đĩa bằng bạc và tủ sách. Cả buổi sáng mất toi vào việc tìm kiếm; bản thân anh thợ giặt cũng ra đi. Rốt cuộc anh ta cũng trả lại cho bà Péricand tài sản của gia đình bà dưới dạng những búi nhàu nát và ẩm ướt. Bà Péricand bỏ ăn trưa để đích thân theo dõi việc gói bọc khăn trải giường. Trước đó mọi người đã quyết định là các gia nhân cũng như Hubert và Bernard sẽ đi bằng tàu hỏa. Nhưng tất cả các nhà ga đã đóng cửa và có quân đội canh gác. Đám đông bám vào các chấn song cửa, lay các chấn song, rồi nhốn nháo lùi sang các phố bên cạnh. Những người đàn bà vừa chạy vừa khóc, bế con trên tay. Người ta chặn những chiếc taxi cuối cùng lại: người ta trả hai hay ba nghìn franc để đi khỏi Paris. “Chỉ cần đến Orléans thôi...” Nhưng các tài xế từ chối, họ không còn xăng nữa. Những người trong gia đình Péricand đành phải trở về nhà. Cuối cùng họ cũng kiếm được một cái xe tải nhỏ để chở Madeleine, Maria và Auguste, Bernard với thằng em ngồi trên đùi họ. Về phần Hubert, cậu sẽ đi theo đoàn người bằng xe đạp.

Từng quãng, trên đại lộ Delessert, người ta lại thấy trước cửa một ngôi nhà xuất hiện một toán người khoa chân múa tay gồm đàn bà, người già và trẻ con, họ gắng sức, thoạt đầu thì bình tĩnh, sau đó thì hối hả, rồi với sự kích động bệnh hoạn và điên rồ để nhồi cả gia đình lẫn đồ đạc vào một chiếc xe Renault, vào một chiếc ô tô du lịch hoặc vào một chiếc xe roadster. Không có lấy một ánh đèn bên các khung cửa sổ. Những vì sao bắt đầu xuất hiện, những vì sao mùa xuân lấp lánh ánh bạc. Paris tỏa mùi hương dịu ngọt nhất của nó, mùi của những cây dẻ nở hoa và của tinh dầu với vài hạt bụi lạo xạo trong miệng như hạt tiêu. Trong bóng tối, mối nguy hiểm tăng lên. Người ta hít thở nỗi lo sợ trong không khí, trong yên lặng. Những người lạnh lùng nhất, những người thường ngày bình thản nhất cũng không thể ngăn được nỗi sợ hãi mơ hồ và chết chóc này. Người nào cũng nhói lòng nhìn ngôi nhà của mình và nghĩ: “Ngày mai nó sẽ tan tành, ngày mai mình sẽ chẳng còn gì hết. Chúng ta có làm hại ai đâu. Tại sao?” và đồng thời một cảm giác thờ ơ cũng tràn ngập trong lòng họ: “Thế thì đã sao nào! Đó chỉ là đá, gỗ, những vật trơ lỳ! Điều cơ bản là phải cứu lấy đời mình!” Ai nghĩ đến những tai họa của Tổ quốc? Không phải là những người ấy, không phải là những người ra đi tối nay. Sự hoảng loạn xóa đi tất cả những thứ không thuộc về bản năng, cử động hoang dại run rẩy trong da thịt. Chộp lấy cái quý giá nhất mà mình có trên đời và rồi!... Và đêm nay, chỉ những người đang sống, đang hít thở, khóc lóc, yêu thương, là có giá trị! Hiếm có người nào lại tiếc nuối tài sản của mình, họ siết chặt vợ hoặc con trong vòng tay, và những thứ còn lại không quan trọng nữa; những thứ còn lại có thể chìm vào trong lửa cháy.

Lắng tai, họ nghe thấy tiếng máy bay trên trời. Máy bay Pháp hay máy bay địch? Họ không biết. “Nhanh lên, nhanh lên” ông Péricand nói. Nhưng lúc thì họ nhận ra là đã bỏ quên mất hộp đăng ten, lúc thì lại quên tấm ván là quần áo. Không thể nào bảo được các gia nhân nghe theo lẽ phải. Họ run lên vì sợ, họ muốn ra đi nhưng thói quen thường ngày vẫn mạnh hơn nỗi khiếp sợ, và họ nhất quyết muốn mọi thứ đều phải được thực hiện theo đúng những thủ tục thường có trước những chuyến đi về thôn quê trong kỳ nghỉ. Tất cả đều phải nằm trong hòm ở vị trí quen thuộc. Họ không thực sự hiểu được chuyện gì đang đến. Có thể nói họ hành động ở cả hai thời, nửa ở hiện tại và nửa chìm vào quá khứ, như thể các sự kiện mới chỉ thấm vào một phần nhỏ ý thức của họ, cái phần hời hợt nhất, để lại cả một vùng sâu thẳm thiêm thiếp ngủ yên lành. Bà vú, mái tóc hoa râm xổ tung, cặp môi mím lại, mí mắt sưng mọng vì khóc, gập những chiếc khăn mùi xoa vừa là xong của Jacqueline bằng những động tác hối hả và chính xác một cách đáng ngạc nhiên. Bà Péricand, đã ngồi trong ô tô, gọi bà vú, nhưng bà già không trả lời, thậm chí bà ta cũng chẳng nghe thấy nữa. Cuối cùng Philippe đành phải đi lên tìm bà.

- Đi thôi, vú ơi, vú làm sao thế? Phải đi thôi. Vú làm sao thế? - Ông vừa nhẹ nhàng nhắc lại vừa cầm lấy tay bà vú.

- Ôi! Cứ để mặc ta, thằng bé tội nghiệp của ta, - bà vú rên rỉ, quên bẵng đi mất là lâu nay bà chỉ còn gọi ông là “ông Philippe” hoặc “ông linh mục”, bà bất giác dùng lại lối xưng hô thân mật ngày xưa. - Cứ để mặc ta, đi đi. Con tốt lắm nhưng chúng ta thua mất rồi!

- Không đâu, vú đừng sầu não thế, vú già tội nghiệp của tôi, cứ để khăn mùi xoa đấy, vú thay quần áo rồi xuống nhanh lên, mẹ đang đợi vú đấy.

- Ta sẽ không còn được gặp lại mấy thằng con trai của ta nữa, Philippe ơi!

- Có chứ, có chứ, - ông nói, và đích thân sửa lại tóc cho bà già, vuốt lại những túm tóc lộn xộn và đội lên đầu bà chiếc mũ rơm màu đen.

- Con sẽ cầu nguyện Đức Mẹ Đồng trinh cho mấy thằng con trai của ta chứ?

Ông hôn nhẹ lên má bà.

- Được rồi, được rồi, tôi hứa với vú. Giờ thì vú đi đi.

Trên cầu thang họ gặp ông tài xế và ông gác cổng đang đi lên đón cụ Péricand. Mọi người đã để cụ ở ngoài vòng náo động đến tận phút cuối cùng. Auguste và người y tá sắp mặc quần áo xong cho cụ. Cụ già đã phải qua một ca phẫu thuật trước đây ít lâu. Cụ phải băng bò khá phức tạp và, để đề phòng trời lạnh, ban đêm, cụ được đeo một cái nịt bụng bằng flanelle to và rộng đến nỗi người cụ được quấn kín như một cái xác ướp. Auguste cài nút đôi giày cao cổ mốt cũ của cụ và mặc cho cụ một chiếc áo len ấm và nhẹ rồi đến áo vest. Cụ Péricand, cho đến lúc này vẫn để mặc người ta vần vò mà chẳng nói gì, giống như một con búp bê cũ kỹ và cứng đờ, dường như bừng tỉnh khỏi giấc mơ và lẩm bẩm:

- Áo gi lê len!...

- Cụ sẽ bị nóng quá đấy, - Auguste nhận xét và muốn lờ đi.

Nhưng ông chủ nhìn chằm chằm vào anh ta bằng cặp mắt nhờn nhợt và lờ đờ rồi nhắc lại to hơn một chút:

- Áo gi lê len!...

Người ta đưa cho cụ chiếc áo ấy. Người ta mặc cho cụ cái áo khoác dài, quàng khăn cho cụ hai vòng quanh cổ rồi ghim khăn lại ở phía sau bằng một chiếc kim băng. Người ta đặt cụ ngồi vào cái xe lăn của cụ và đưa cụ xuống qua năm tầng gác. Cái xe lăn không lọt vào được trong thang máy. Y tá, một người đàn ông Alsace tóc đỏ khỏe mạnh, đi giật lùi trên cầu thang và dang tay khiêng gánh nặng mà Auguste đỡ một cách kính cẩn ở phía sau. Mỗi lúc xuống được một tầng hai người lại dừng lại để lau mồ hôi chảy trên trán, trong khi cụ Péricand thanh thản ngắm trần nhà và nhẹ nhàng lắc lư bộ râu đẹp. Không thể đoán được cụ nghĩ gì về cuộc ra đi vội vã này. Tuy nhiên, trái với điều mà mọi người có thể hình dung, cụ không phải là không biết gì về những sự kiện gần đây. Cụ đã nói rì rầm lúc người ta mặc quần áo cho cụ:

- Đêm đẹp trời trong lắm... Ta sẽ chẳng ngạc nhiên...

Cụ có vẻ như ngủ thiếp đi và chỉ một lát sau cụ mới kết thúc câu nói của mình, khi ra đến ngưỡng cửa:

- Ta sẽ chẳng ngạc nhiên nếu như chúng ta bị ném bom trên đường đi!

- Sao cụ lại nghĩ như vậy, thưa cụ Péricand! - người y tá thốt lên với tất cả sự lạc quan vốn có trong nghề nghiệp của anh ta.

Nhưng cụ già đã lấy lại vẻ thờ ơ hoàn toàn. Cuối cùng người ta cũng đưa được chiếc xe lăn ra khỏi nhà. Người ta đặt cụ Péricand vào góc bên phải, tránh xa luồng gió. Đích thân con dâu cụ, bằng đôi tay run rẩy vì sốt ruột, quấn quanh người cụ một tấm khăn san vải ecosse có những dải tua dài mà cụ thường thích bện.

- Tất cả đâu vào đó rồi chứ? - Philippe hỏi. - Được rồi! Bây giờ khởi hành ngay thôi.

Nếu họ đi qua được các cửa ô Paris trước sáng mai thì thật may, ông nghĩ.

- Găng tay của ta, - cụ già nói.

Người ta đeo găng tay vào cho cụ. Găng thật khó gài lại ở chỗ cổ tay phồng lên vì áo len. Cụ Péricand cho phép bỏ qua một cái khuy móc. Cuối cùng tất cả đã sẵn sàng. Emmanuel gào lên trong vòng tay của bà vú nuôi. Bà Péricand ôm hôn chồng và con trai. Bà siết chặt họ vào người mình, bà không khóc, nhưng họ cảm thấy nhịp tim bà đập gấp sát bên lồng ngực họ. Tài xế khởi động ô tô. Hubert leo lên xe đạp của cậu. Cụ Péricand giơ tay lên.

- Đợi một tí đã, - một giọng nói bình thản và yếu ớt rành rọt vang lên.

- Có chuyện gì vậy, thưa cha?

Nhưng cụ ra hiệu là cụ không thể nói điều này với con dâu được.

- Cha quên cái gì chăng?

Cụ gật đầu. Ô tô dừng lại. Bà Péricand, mặt nhợt đi vì tức giận, nghiêng người ra ngoài cửa xe.

- Em nghĩ là cha quên cái gì hay sao ấy? - bà hét lên về hướng có nhóm người đứng trên vỉa hè, gồm chồng bà, Philippe và người y tá.

Khi ô tô đi ngược trở lại hết đoạn đường và dừng trước cửa, cụ già, bằng một cử chỉ kín đáo, gọi người y tá lại và thì thầm gì đó vào tai anh ta.

- Nhưng có chuyện gì vậy! Thật là vô nghĩa! Chúng ta sẽ còn ở đây đến mai mất thôi, - bà Péricand kêu lên. - Cha muốn gì vậy, thưa cha? Cụ muốn cái gì thế? - bà hỏi.

Người y tá cụp mắt xuống.

- Cụ muốn đưa cụ trở lại lên nhà... để giải quyết một nhu cầu nhỏ...