Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 07-08
7
Charles Langelet quỳ trên sàn gỗ trong căn phòng khách trơ trọi nhà mình, tự tay gói bọc lại những món đồ sứ. Ông to béo và mắc bệnh tim; hơi thở thoát từ lồng ngực tức nghẹn của ông nghe như tiếng ran. Ông chỉ có một mình trong căn hộ trống rỗng. Cặp vợ chồng phục vụ ông từ bảy năm nay đã phát hoảng lên vào cái buối sáng mà dân Paris thức dậy trong một màn sương mù nhân tạo buông xuống đầu họ như một cơn mưa tro bụi. Đi mua đồ ăn từ lúc sáng sớm, hai người này đã không quay trở về. Ông Langelet chua chát nghĩ đến nhũng khoản tiền công và những mòn quà tết hậu hĩnh mà ông đã cho họ từ khi họ đến ở nhà ông, những thứ mà chắc hẳn đã cho phép họ mua được một ngôi nhà yên tĩnh nào đó, một trang trại nho nhỏ nào đó nơi quê nhà.
Lẽ ra ông Langelet đã phải ra đi từ lâu rồi. Giờ đây ông thừa nhận điều đó, nhưng như một vị chỉ huy ông rất gắn bó với các thói quen cũ của mình, với tính nhút nhát, khinh khỉnh, trên đời này ông chỉ yêu thích có căn hộ của ông và những thứ đồ đạc đang tung tóe trên sàn gỗ, dưới chân ông đây: các tấm thảm đã được lăn vào bột naphtaline và cất xuống dưới tầng hầm. Tất cả các cửa sổ đều được dán những băng giấy dài màu hồng và màu xanh dịu. Đích thân ông Langelet đã dùng đôi tay béo múp và nhợt nhạt của mình để dán những băng giấy đó thành hình ngôi sao, tàu thủy, kỳ lân! Những ô cửa sổ ấy khiến cho bạn bè của ông phải thán phục, nhưng ông không thể sống trong một khung cảnh tẻ nhạt và tầm thường được. Xung quanh ông, trong nhà ông, tất cả những thứ cấu thành lối sống của ông đều được làm nên từ một chút vẻ đẹp có lúc khiêm nhường, có lúc kiểu cách mà kết quả là đã tạo ra một thứ không khí đặc biệt, dịu nhẹ, rạng rỡ, chỉ có như vậy mới xứng đáng với một người văn minh, ông nghĩ thế. Hồi hai mươi tuổi ông đã đeo một chiếc nhẫn phía trong có khắc dòng chữ: This thing of Beauty is a guilt for ever. Đó là một trò trẻ con và ông đã tháo thứ đồ trang sức đó ra (ông Langelet tự nói tiếng Anh với chính mình một cách thoải mái: thứ ngôn ngữ này, bởi chất thơ của nó, bởi sức mạnh của nó, phù hợp với một số tâm trạng của ông), nhưng cái khẩu hiệu trên vẫn ở lại trong ông và ông luôn trung thành với nó.
Ông quỳ một chân nhỏm dậy và nhìn ra xung quanh với ánh mắt thâm trầm và buồn bã, bao quát mọi thứ: dòng sông Seine phía dưới các ô cửa sổ, cái đường gờ tuyệt đẹp phân cách hai phòng khách, cái lò sưởi với những thanh gác cửa kiểu cổ và những trần nhà cao bàng bạc một thứ ánh sáng tinh khiết có màu xanh lá cây và trong veo như nước vì được rọi sáng từ phía ban công qua những tấm mành cửa bằng vải màu hạnh nhân.
Chốc chốc chuông điện thoại lại réo vang. Ở Paris vẫn còn những kẻ do dự, những kẻ điên khùng sợ ra đi, họ hy vọng vào phép màu nào không biết nữa. Chậm chạp, thở dài, ông Langelet đưa ống nghe lên tai. Ông nói bằng giọng mũi và bình thản, với cái vẻ dửng dưng, cái vẻ mỉa mai mà các bạn của ông - một nhóm nhỏ rất khép kín, rất Paris - đã gọi là “một thứ giọng không thể bắt chước được”. Phải, ông đã quyết định ra đi. Không, ông chẳng sợ gì hết. Người ta chắc sẽ chẳng bảo vệ Paris đâu. Ở những nơi khác chắc mọi sự cũng thế mà thôi. Nguy hiểm thì hiện hữu khắp nơi nhưng đâu phải nguy hiểm là cái mà ông trốn chạy. “Tôi đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh rồi,” ông nói. Quả thực ông đã trải qua cuộc chiến tranh năm 14 ở khu đất thuộc sở hữu của ông tại vùng Normandie vì ông bị bệnh tim và được miễn mọi nghĩa vụ quân sự.
- Bà bạn thân mến của tôi ơi, tôi đã sáu mươi tuổi rồi, đâu phải cái chết là điều mà tôi sợ!
- Thế tại sao ông lại ra đi nào?
- Tôi không thể chịu đựng được tình trạng hỗn độn ấy, những cơn hận thù bùng lên dữ dội ấy, cái quang cảnh ghê tởm ấy của chiến tranh. Tôi sẽ đi đến một góc bình yên, ở làng quê. Tôi sẽ sống bằng chút ít tiền tôi còn cho đến khi con người khôn ngoan trở lại.
Một tiếng cười gằn khe khẽ đáp lời ông: ông vốn nổi tiếng là keo kiệt và thận trọng. Người ta vẫn nói về ông như sau: “Charlie ấy à? Ông ta khâu các đồng tiền vàng vào trong tất cả quần áo cũ của mình.” Ông nở một nụ cười chua cay và băng giá. Ông biết rõ là người ta ghen tị với cuộc sống đầy đủ, quá sung túc của ông. Bà bạn ông thốt lên:
- Ồ! Ông sẽ chẳng phải khổ sở đâu. Nhưng than ôi, không phải ai cũng có được một tài sản như ông!
Charlie cau mày: ông cho rằng bà ta thiếu tế nhị.
- Ông sẽ đi đâu vậy? - giọng nói kia lại hỏi.
- Đi đến cái tệ xá của tôi ở Ciboure.
- Gần biên giới ấy à? - bà bạn nói, rõ ràng là không còn chừng mực gì nữa.
Họ lạnh lùng chia tay nhau. Charlie lại quỳ xuống bên chiếc thùng đã đầy một nửa, vuốt ve qua lớp rơm và giấy lụa những món đồ sứ của ông, những chiếc chén Nam Kinh của ông, chiếc khay để bàn Wedgwood của ông, những lọ hoa Sèvres của ông. Những thứ ấy, ông sẽ chỉ giã biệt chúng khi giã biệt cuộc đời. Nhưng trái tim ông rỉ máu; ông sẽ không thể mang theo được chiếc bàn đựng đồ trang điểm, một món đồ sứ Saxe, một hiện vật bảo tàng, với chiếc gương được trang hoàng bằng những bông hồng đặt trong phòng ngủ của ông. Cái đấy coi như đã mất không rồi! Ông lặng đi một lát, ngồi xổm trên sàn nhà, chiếc kính một mắt lủng lẳng chạm đất ở đầu sợi dây đeo màu đen. Ông cao lớn và đẫy đà; trên lớp da mỏng ở đầu ông, những sợi tóc mềm mại được chải chuốt cực kỳ cẩn thận. Gương mặt ông thường có một vẻ ngọt ngào giả tạo và đầy ngờ vực như vẻ mặt của một con mèo già đang gầm gừ ở góc bếp lò. Sự mệt mỏi của ngày vừa qua đã để lại dấu ấn rõ rệt trong ông và bộ quai hàm thả lỏng của ông đột nhiên trễ xuống như quai hàm người chết. Bà ta đã nói cái gì nhỉ, cái mụ làm bộ làm tịch qua điện thoại ấy? Bà ta nói bóng gió rằng ông muốn bỏ trốn khỏi nước Pháp! Cái đồ ngu ngốc tội nghiệp! Bà ta tưởng đã làm ông mếch lòng, làm ông phải xấu hổ! Nhưng chắc chắn là ông sẽ đi. Chỉ cần ông đến được Hendaye, ông sẽ thu xếp để vượt qua biên giới. Ông sẽ ở lại Lisbonít ngày và rồi ông sẽ rời bỏ châu Âu gớm ghiếc, máu me ghê tởm. Ồng tưởng tượng ra nó trong đầu, một cái xác chết đang thối rữa, thủng lỗ chỗ bởi hàng ngàn vết thương. Ông run rẩy. Ông không được tạo ra cho nó. Ông không được tạo ra cho cái thế giới này, cái thế giới sinh ra từ cái xác thối ấy như một con giun chui ra từ nấm mộ. Thế giới tàn bạo, hung dữ, nơi người ta phải tự vệ để khỏi bị cán xé. Ông nhìn đôi bàn tay đẹp đẽ của mình, đôi bàn tay chưa bao giờ lao động mà chỉ vuốt ve những bức tượng, những món đồ kim hoàn cổ, những bìa sách hay đôi khi là những món đồ gỗ thời Elisabeth. Ông, Charles Langelet, với sự thanh tao của mình, với sự chỉn chu của mình, đến cái mức kiêu kỳ như ông thừa nhận, cái đã làm nên bản chất của tính cách ông, ông biết làm gì giữa đám người điên rồ ấy? Ông sẽ bị trộm cắp, bị trấn lột, bị giết chết như một con chó tội nghiệp bị bỏ rơi giữa bầy sói. Ông mỉm cười yếu ớt và cay đắng, hình dung mình dưới lốt một con chó Bắc Kinh lông vàng lạc trong rừng rậm. Ông không giống những cái thông thường của con người. Những tham vọng của họ, những nỗi sợ hãi của họ, những sự hèn nhát của họ và những sự eo sèo của họ thật xa lạ đối với ông. Ông sống trong một thế giới yên bình và sáng sủa. Ông phải chịu số phận bị tất cả mọi người thù ghét và lừa dối. Nghĩ đến đây ông nhớ tới các gia nhân của mình và cười gằn. Đó là sự bắt đầu của những thời kỳ mới, một sự cảnh báo và một điềm báo! Một cách khó nhọc, vì những khớp đầu gối của ông bị đau, ông đứng thẳng dậy, lấy tay xoa chỗ bụng thóp lại rồi đi ra gian bếp phụ tìm búa và đinh để đóng cái thùng. Sau đó ông tự đem cái thùng xuống ô tô: những người gác cổng không cần biết là ông mang theo gì.
8
Gia đình Michaud dậy vào lúc năm giờ sáng để có thời gian dọn dẹp căn hộ thật kỹ trước khi rời khỏi nơi đây. Rõ ràng thật lạ lùng khi chăm chút đến thế những đồ vật không có giá trị gì và, xét theo mọi khả năng, sẽ bị mất tiêu ngay vào lúc những quả bom đầu tiên rơi xuống Paris. Nhưng, bà Michaud nghĩ, người ta vẫn mặc quần áo và trang điểm cho những người chết mà rồi sẽ thối rữa ra dưới lòng đất đấy thôi. Đó là sự bày tỏ tình cảm lần cuối, một bằng chứng yêu thương cuối cùng đối với những gì thân thiết. Mà căn hộ nhỏ này lại rất thân thiết với họ. Họ đã sống ở đây từ mười sáu năm nay. Họ không thể mang theo được tất cả các kỷ niệm của mình. Họ có cố thế nào đi nữa thì những kỷ niệm đẹp nhất vẫn ở lại đây, giữa những bức tường tội nghiệp này. Họ xếp lại những cuốn sách dưới chân tủ tường và những bức ảnh nhỏ tự chụp mà họ luôn tự hứa sẽ dán vào album nhưng giờ thì quăn queo, xỉn màu, mắc kẹt trong khe một cái ngăn kéo. Bức ảnh chân dung của Jean-Marie lúc nhỏ đã được nhét vào đáy va li, giữa những nếp gấp của một chiếc váy dùng để thay đổi, và nhà băng đã khẩn thiết khuyến cáo họ chỉ nên mang theo những thứ thật cần thiết: một ít đồ vải vóc và vài đồ dùng vệ sinh. Cuối cùng mọi thứ đã sẵn sàng. Họ đã ăn sáng. Bà Michaud phủ lên giường một chiếc khăn rộng để chống bụi cho tấm lụa hồng bọc giường đã hơi phai màu.
- Đã đến lúc phải đi, - chồng bà nói.
- Anh cứ xuống đi: em sẽ xuống với anh sau, - bà nói bằng một giọng lạc đi.
Ông nghe theo, để bà lại một mình. Bà bước vào phòng của Jean- Marie. Tất cả đều yên ắng, tối tăm, ảo não sau cánh cửa chớp đóng kín. Bà quỳ xuống một lát cạnh giường con trai, nói thật to: “Lạy chúa, xin hãy che chở cho thằng bé”, rồi bà đóng cửa ra vào lại và đi xuống, chồng bà đang đợi ở cầu thang. Ông kéo bà vào người ông, và thế rồi, không nói một lời, ông ôm ghì lấy bà mạnh đến nỗi bà bật ra một tiếng kêu khe khẽ vì đau.
- Ôi! Maurice, anh làm em đau!
- Không sao đâu, - ông thầm thì bằng một giọng khàn khàn.
Ở nhà băng, các nhân viên tập hợp trong đại sảnh, người nào cũng có một cái túi nhỏ để trên đùi, họ khe khẽ trao đổi những tin tức mới nhất. Corbin không có mặt ở đó. Người phụ trách nhân sự đang phân phát các số thứ tự: mỗi người nghe gọi đến số của mình thì phải trèo lên chiếc ô tô đã quy định cho họ. Đến trưa thì những cuộc khởi hành đã được thực hiện một cách trật tự và gần như im ắng. Vào buổi trưa, Corbin đến, vội vã và cau có. Ông đi xuống tầng hầm, vào phòng để các tủ sắt, và trở lên với một cái hộp mà ông cầm nửa kín nửa hở dưới một chiếc áo măng tô. Bà Michaud nói thầm vào tai chồng:
- Đó là các món đồ nữ trang của Arlette đấy. Đồ nữ trang của vợ ông ấy thì ông ấy đã lấy ra từ hôm kia rồi.
- Miễn sao ông ấy không quên chúng ta là được, - Maurice thở dài vừa mỉa mai vừa lo lắng.
Bà Michaud dứt khoát đứng ngang đường đi của Corbin.
- Đã quyết định chắc chắn là chúng tôi sẽ đi cùng với ông phải không, thưa ông giám đốc?
Ông ta ra hiệu là đúng và buông một câu bảo họ đi theo ông ta. Ông Michaud cầm lấy va li và cả ba đi ra. Ô tô của ông Corbin đang đỗ ở đó nhưng khi họ tiến đến gần, Michaud chớp đôi mắt cận thị, nói bằng chất giọng nhẹ nhàng và hơi kéo dài:
- Theo như anh thấy thì chỗ của chúng ta đã bị chiếm mất rồi.
Arlette Corail, con chó của cô, hành lý của cô đã chiếm phần sau của ô tô. Cô giận dữ mở cửa xe ra và gào lên:
- Anh định vứt tôi xuống đường chắc?
Một cuộc cãi cọ giữa anh và ả bắt đầu. Ông bà Midiaud đứng tránh ra vài bước nhưng vẫn nghe rõ từng lời một.
- Nhưng đến Tours thì chúng tôi sẽ phải gặp lại vợ tôi, - cuối cùng Corbin vừa thét lên vừa đá một cú vào con chó.
Con chó rống lên một tiếng và trốn vào giữa hai chân Arlette.
- Đồ độc ác!
- A! Cô im đi được không! Nếu hôm kia cô không nhởn nhơ đi dạo với mấy gã phi công Anh thì... lại thêm hai thằng nữa mà tôi cầu cho chết chìm đi...
Cô nàng lặp đi lặp lại: “Đồ độc ác! Đồ độc ác!” bằng một giọng mỗi lúc một chói tai hơn. Rồi đột nhiên, cô nói một cách hết sức bình tĩnh:
- Ở Tours tôi có một người bạn. Tôi sẽ không cần đến anh nữa.
Corbin ném ánh mắt dữ tợn về phía cô nàng nhưng dường như ông đã thuận theo ý cô. Ông quay về phía vợ chồng Michaud.
- Tôi rất tiếc, tôi không có chỗ cho anh chị, anh chị thấy rồi đấy. Ô tô của cô Corail đã gặp tai nạn và cô ấy xin tôi cho đi cùng tới Tours. Tôi không thể từ chối được. Một tiếng nữa sẽ có một chuyến tàu. Anh chị có thể sẽ bị chen lấn một chút nhưng chuyến đi rất ngắn mà... Dù thế nào đi nữa, anh chị hãy xoay xở để đến với chúng tôi càng nhanh càng tốt. Tôi trông đợi vào chị đấy, chị Michaud. Chị mạnh mẽ hơn chồng chị và, nói riêng nhé, anh Michaud, anh phải tỏ ra năng động hơn (ông nhấn mạnh các chữ “năng-động”) so với thời gian vừa qua. Tôi sẽ không dung thứ cho cái thói cẩu thả đâu. Nếu anh muốn giữ chỗ của anh, hãy ghi nhớ lấy điều đó. Cả hai người phải có mặt ở Tours muộn nhất là ngày kia. Tôi cần có đầy đủ các nhân viên của tôi.
Ông ta khẽ phẩy tay ra hiệu cho họ, rồi trèo vào ngồi cạnh cô vũ nữ và ô tô lên đường. Vợ chồng Michaud đứng lại trên vỉa hè, nhìn nhau.
- Đó là một cách thức tốt đấy, - ông Michaud nói bằng giọng uể oải và khẽ nhún vai. - Mắng mỏ những người có chuyện phải kêu ca về mình, cái đó bao giờ cũng hiệu quả!
Bất giác, họ bật cười.
- Chúng ta làm gì bây giò?
- Chúng ta về ăn trưa, - bà vợ nói với giọng tức giận.
Họ trở về căn hộ mát mẻ của mình, căn bếp với những tấm mành cửa hạ thấp, những đồ gỗ phủ vải bọc. Tất cả đều mang một vẻ kín đáo, thân thiết và dịu dàng, như thể trong bóng tối có một giọng nói thì thầm: “Chúng tôi đợi các bạn. Mọi thứ đều đâu vào đấy cả.”
- Chúng ta ở lại Paris thôi, - Maurice đề nghị.
Họ ngồi xuống đi văng trong phòng khách, rồi bà dùng đôi tay gầy guộc và thanh tú của mình xoa thái dương cho ông với vẻ âu yếm.
- Anh tội nghiệp của em, không thể như vậy được đâu, cần phải sống chứ, chúng ta chẳng có một xu tiết kiệm nào cả từ sau ca phẫu thuật của em, anh biết rõ đấy. Em chỉ còn một trăm bảy mươi lăm franc ở Quỹ Tiết kiệm thôi. Anh cũng nghĩ là Corbin sẽ chớp lấy cơ hội để đẩy chúng ta ra ngoài cửa chứ. Sau một cú như thế này, tất cả các hãng sẽ giảm bớt nhân viên. Phải đến Tours bằng mọi giá.
- Anh nghĩ là không thể được.
- Cần phải đi, - bà nhắc lại.
Bà đã đứng dậy, đội lại mũ, lại cầm lấy va li. Họ ra khỏi nhà và đi về phía ga.
Họ không thể vào được bên trong cái sân rộng đã bị đóng cửa, bị khóa lại, bị trấn giữ bởi quân đội và một đám đông bị dồn ép, bị đè bẹp gí vào những chấn song sắt. Họ ở lại đấy đến tận tối, vật lộn nhưng vô ích. Xung quanh họ mọi người nói:
- Thôi kệ. Ta đi bộ vậy.
Người ta nói câu đó với một về sững sờ tột độ. Rõ ràng họ chẳng tin điều đó. Họ nhìn xung quanh mình và đợi một phép màu: một chiếc ô tô, một chiếc xe tải, bất cứ thứ gì có thể mang họ đi. Nhưng không có gì hiện ra cả. Thế là họ đi về phía các cửa ô Paris, vượt qua các cửa ô ấy, kéo đồ đạc theo sau mình trong đám bụi mù, bước đi, tiến ra ngoại ô rồi đến vùng thôn quê và nghĩ ngợi: “Mình đang mơ!”
Cũng như những người khác, vợ chồng Michaud lên đường. Đó là một đêm nóng nực tháng Sáu. Phía trước họ là một người đàn bà đang chịu tang, chiếc mũ viền băng tang đội lệch trên mái đầu tóc bạc, bà ta chuệnh choạng vấp vào những phiến đá trên đường và lẩm nhẩm với những cử chỉ điên rồ:
- Hãy cầu nguyện cho cuộc tháo chạy của chúng ta không xảy ra vào mùa đông... Hãy cầu nguyện... Hãy cầu nguyện...